Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

TT&HĐ I - 9/m



Dàn trận

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos 






(Tiếp theo)



                                    ***
Theo suy tưởng riêng tư của chúng ta, vì Chí Tôn Ca là tác phẩm văn chương thấm đẫm tinh thần giáo huấn triết lý, cho nên mục đích chính yếu của nó không phải là "ghi chép lịch sử" đơn thuần, mà là diễn tả lại (thực ra là xây dựng nên) một hiện tượng điển hình của thực trạng xã hội đương thời để dựa vào đó mà biện giải những vấn đề thuộc về tinh thần nảy sinh trong hiện thực trên cơ sở triết học giáo lý Upanishad-Bàlamôn. Qua đó mà dù sao đi nữa, Chí Tôn Ca cũng phản ánh được phần nào cái thời đại đã tạo sinh ra nó. Đó là thời đại mà trong xã hội Ấn Độ "ngổn ngang" những mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi, cho nên cũng thường xuyên xảy ra những cuộc tranh giành lớn nhỏ bằng bạo lực, và nổi bật lên là những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đẫm máu giữa các phe phái trong "hoàng thân quốc thích", giữa các thế lực thuộc tầng lớp thống trị, giết chết vô vàn sinh linh, gây biết bao nhiêu đau thương tang tóc và nỗi thống khổ cho đại chúng cần lao. 
Điều lạ lùng nhất của Chí Tôn Ca là giáo huấn triết lý trong đó không những không lên án hiện tượng chiến tranh phe phái tương tàn mà còn bao biện cho nó, thậm chí là "ngấm ngầm" cổ xúy giết chóc đối với cả người thân kẻ thuộc. Sẽ không thể nào hiểu được điều trái khoáy đó nếu không thấy được rằng, tác giả của Chí Tôn Ca là người theo lập trường của giới tăng lữ - đạo sĩ Bàlamôn. Rõ ràng, nhằm củng cố và duy trì địa vị thống trị đầy đặc quyền đặc lợi của mình thì giới Bàlamôn một đàng phải tích cực tăng cường sức thuyết phục của giáo lý để phủ dụ chúng sinh như đã nói, đàng khác là ra sức bênh vực, "bợ đỡ" giới hiệp sĩ quí tộc, vua chúa, cái lực lượng nhờ "thanh gươm" của nó cũng như cuộc chiến tranh phe phái của nó mà giới Bàlamôn mới tồn tại được trong quyền uy, giàu có, và muốn thế thì một trong những việc cần làm là biện minh cho được tính chính đáng đối với những hoạt động bạo lực của giới hiệp sĩ quí tộc, nghĩa là nếu không "xúi bẩy" thì cũng bênh vực cho chiến tranh. (chúng ta đang nói những điều chưa ai từng nói nên cũng thật khó tin giới Bàlamôn lại "xấu tính" đến như thế, và đương nhiên sẽ có nhiều người không tin. Nhưng không sao cả! Chỉ mong những người đó tìm hiểu lịch sử hoạt động của Đạo Thiên Chúa thời Châu Âu trung cổ. Lúc đó họ có thể phần nào thông cảm cho cái đầu hoang tưởng của chúng ta!).
Có thể nói gọn lại, giới Bàlamôn sống phè phỡn được là nhờ giáo lý của họ và thanh gươm của giới hiệp sĩ quí tộc, cho nên lập trường của họ là bảo vệ giáo lý và thanh gươm ấy đến cùng! Chắc rằng đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy giới Bàlamôn sau khi xây dựng luận thuyết về "nghiệp" (karma-hành động) vào buổi đầu, về sau này (vào giai đoạn cải cách đạo Bàlamôn) đã không ngừng bổ sung cho nó theo hướng biện minh cho hành động bạo lực, giết chóc của giới hiệp sĩ quí tộc, và có lẽ vào khoảng thời gian cuối của quá trình bổ sung đó họ đã phải vay mượn ít nhiều ý niệm của Đạo Phật, cũng như ý niệm "vô vi vô bất vi" của Đạo Gia bên Trung Quốc nhưng đã làm "méo" nghĩa đi cho phù hợp(?). (Theo các nhà nghiên cứu, đúng là có cuộc phát triển quan niệm của Upanishad trong khoảng thế kỷ V TCN- thế kỷ III TCN. Phải chăng sự bổ sung nói trên xảy ra vào giai đoạn này?).

Nói chung, triết lý về hành động và hành động không tạo nghiệp của Upanishad đã được khai triển và nhấn mạnh trong Chí Tôn Ca theo hướng "có lợi" cho tầng lớp thống trị, được nhận biết dưới cái tên "Karma Yôga" mà không ít người "khen" nó là học thuyết cứu rỗi trong thế giới với tên gọi "Yôga của hành động vị tha" (Yoga of Selfless Action). Vị tha kiểu gì mà như thế này:
"Đừng suy nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài hành động, không bao giờ nghĩ đến thành quả, và đừng để cho mình bị dụ dỗ bởi sự không hoạt động. Đối với người đạt được sự tách rời hướng nội thì không có thiện cũng không có ác tồn tại lâu hơn nữa trên thế gian này" (Chí Tôn Ca 2.47).
"Hãy xem khoái lạc và đau khổ, giàu có và nghèo khổ, chiến thắng và thất bại, có giá trị tương đương. Vậy thì hãy chuẩn bị chiến đấu. Khi hành động theo cách này bạn sẽ không bị vấy bẩn bởi tội lỗi" (Chí Tôn Ca 2.38).
"Con người không được từ bỏ hoạt động mà vì nó con người được sinh ra, ngay cho dù điều này đi kèm với sự ác, vì mọi nhiệm vụ đi kèm với sự ác như lửa được bao phủ bởi khói" (Chí Tôn Ca 18.48).
Chúng ta nhắc lại, đại loại quan niệm về "nghiệp" (hay "nghiệp báo") trong Upanishad là, kiếp trước hành động xấu xa hay tốt lành thì kiếp sau sẽ phải chịu xấu xa hay được hưởng tốt lành (nhân nào quả nấy). Điều đó có nghĩa là trong vòng luân hồi, cuộc sống của kiếp sau hạnh phúc hay khổ đau, cao sang hay thấp hèn, hoàn toàn phụ thuộc vào hành động (karma-nghiệp) tốt hay xấu của kiếp trước. Vậy thì kiếp này hãy cố mà tránh hành động xấu, đừng gây ra nghiệp xấu để phải chịu "quả báo" kiếp sau, hay nói gọn: đừng tạo nghiệp! Nhưng hành động nào gọi là xấu, hành động nào gọi là tốt để biết mà tránh, không tạo nghiệp, hơn nữa, hành động bạo lực, giết chóc của hiệp sĩ quí tộc có ác không, có xấu không? Đây chính là câu hỏi "chết người", cực kỳ nan giải, đặt các nhà lý luận trong giới Bàlamôn vào tình thế "lưỡng đầu thọ địch", đầy mâu thuẫn. Hay là không hành động gì cả? Nhưng con người ta có thể sống mà bất động không? Không thể! Vậy thì phải làm sao? Có lẽ rằng đến đây, để giải quyết vấn đề, các nhà lý luận Bàlamôn đã phải vay mượn cái ý niệm "vô chấp bất cầu" của Đạo Phật mà nhiều khả năng là có nguồn gốc xuất phát từ ý niệm sâu sắc đến mức tuyệt vời "vô vi vô bất vi" (không làm không phải là không làm gì mà là làm tất cả) của Lão Tử. Nhờ vậy, họ đã đến được kết luận có hai loại hành động là hành động tạo nghiệp và hành động không tạo nghiệp. Trong đó, hành động tạo nghiệp là hành động có tính khiên cưỡng, do dục vọng thúc đẩy, còn hành động không tạo nghiệp là hành động có tính tự nhiên, không bị hối thúc bởi dục vọng và do đó cũng hoàn toàn vô cầu, bất vụ lợi. Rõ ràng, theo luận điểm này thì một hành động giết người vô tư, không vì cái gì cả, không bị thúc hối bởi dục vọng nào cả cũng vẫn là hành động không tạo nghiệp, nghĩa là kẻ giết người cũng hoàn toàn vô tội(!). Thật là quá xá tài tình, thưa các "ngài" tăng lữ - đạo sĩ Bàlamôn!!! Xin nói thêm, thời Vêđa (có lẽ là vào khoảng hậu kỳ của nó), với quan niệm luân hồi và sự thưởng phạt được quyết định bởi "ngoại tình" (thần linh) nên việc tế lễ, cúng bái cầu xin được tôn trọng, đề cao. Vào nửa cuối thời Upanishad, xuất hiện quan niệm cho rằng việc chăm lo tụng niệm và tế tự cũng như cố gắng thi hành công đức vẫn "chưa hẳn" là hành động hoàn toàn vô cầu, nghĩa là dù ít thì vẫn tạo nghiệp, vì rõ ràng là chỉ cốt nhằm được hưởng ân phước ở kiếp sau và thậm chí là ở ngay kiếp này (cầu được ước thấy, quả báo nhãn tiền!). 
Quan niệm này được trình bày rất rõ trong Chí Tôn Ca:
"Bất kỳ điều gì tín đồ tìm kiếm để thờ phụng, bất kỳ hình thức thần thánh (rupa) nào với đức tin nhiệt thành thì Ta (Krishna) sẽ làm cho đức tin của họ vững vàng. Kẻ được kết hợp với hình thức ấy bằng đức tin ấy, sẽ gìn giữ nó trong tâm trí một cách tôn kính và như thế sẽ giành được những điều họ mong muốn, mà thực ra là được thỏa mãn bởi một mình Ta. Tuy nhiên, hữu hạn là thành quả của những người có ít hiểu biết. Người thờ cúng các thần sẽ tới với các thần, nhưng tín đồ của Ta sẽ đến với Ta", "Bất kỳ ngươi làm gì, bất kỳ ngươi ăn gì, bất kỳ ngươi dâng gì trong cúng lễ, bất kỳ ngươi bố thí gì, bất kỳ ngươi thực hành khổ hạnh nào, ngươi hãy thực hiện công việc như một cuộc lễ dâng cho Ta", (nghĩa là từ bỏ, trao hết cùng với các thành quả của nó, mọi thứ được thực hiện phải được xem là cuộc lễ tự nguyện dâng cho Thượng Đế!), "Lễ nghi hiến tế cốt ở chỗ tri thức thì vượt trội hơn hiến tế được tạo ra bằng của lễ vật chất, vì mọi hoạt động đều đạt tới tuyệt đích trong tri thức (Cái Biết)", "Ngay cho dù ngươi là kẻ tội lỗi nhất trong mọi tội đồ, nhưng chỉ bằng cái bè tri thức, ngươi có thể vượt qua mọi nguy hại. Giống như lửa bừng cháy rực rỡ, biến nhiên liệu thành tro tàn, ngọn lửa tri thức biến mọi loại nghiệp chướng thành tro tàn. Vì nơi đây (trong thế giới này) không tồn tại điều gì tinh khiết bằng tri thức. Khi trong thời gian thuận tiện đạt tới sự hoàn thiện trong Yoga, con người tự khám phá ra tri thức đó, nơi Ngã của họ".
Câu chuyện hoang đường về Đạo Bàlamôn đến đây là... chưa kết thúc! Để cho có hậu, chúng ta sẽ trích ra đây một đoạn nói về đạo này từ "Lịch sử tư tưởng Việt Nam" của Huỳnh Công Bá (NXB Thuận Hóa-2006), gọi là tham khảo thêm cho vui thế thôi chứ dù nói chung là đúng nhiều về mặt "tiến trình logic" chăng nữa thì ít điều về nguyên nhân chuyển biến tư tưởng có vẻ còn...khuất tất:
"Đạo Bàlamôn là một tôn giáo đa thần, trong đó cao nhất là Brahma. Brahma được quan niệm là thần sáng tạo thế giới, là sức mạnh thần kỳ, chí công vô tư và là chỗ dựa quyền lực của giới tu sĩ Bàlamôn. Bất mãn vì quyền lực tinh thần thấp kém, giới quí tộc võ sĩ bèn đề cao thần Visnu, lập ra phái Visnu (Vaishnava). Bất bình vì thiệt hại do lễ hiến tế, giới bình dân (nông dân, thợ thủ công, thương nhân) lại đề cao thần Siva, lập ra phái Siva (Shaivite). Đó là hai phái của Đạo Bàlamôn mới ra đời đặt trên cơ sở thần thoại riêng, khẳng định quyền lực sức mạnh thấn đại diện của mình đứng trên Brahma. Ngoài ra còn có phái Shakta thờ thần Mẫu có nguồn gốc tiền Arian. Để thống nhất các phái đó, giới tăng lữ Bàlamôn đặt ra quan niệm thần sáng tạo thế giới Brahma, thần bảo vệ Visnu và thần phá hoại Siva, tuy là ba nhưng vốn là một, tức là "Tam vị nhất thể" (Trimurti). Cùng với sự phát triển nhà nước cổ đại, nhất là sự phát triển của chế độ đẳng cấp, Đạo Bàlamôn được truyền bá rộng rãi ở Ấn Độ. Nhưng đến giữa thiên niên kỷ I TCN, ở Ấn Độ xuất hiện một tôn giáo mới từ bi hơn và không thừa nhận chế độ đẳng cấp, đó là Phật Giáo. Vì vậy, trong thời gian Đạo Phật phát triển ở Ấn Độ, Đạo Bàlamôn bị suy thoái. Đến khoảng thế kỷ VII, Đạo Phật bị suy sụp ở Ấn Độ thì Đạo Bàlamôn cũng dần dần phục hưng, đã bổ sung thêm nhiều yếu tố mới về đối tượng sùng bái, về kinh điển, về nghi thức tế lễ và chuyển sang một tên mới là "Hinđu Giáo" (Hindouism), còn gọi là Ấn Độ Giáo. Đạo Hinđu đã hỗn hợp mọi thứ tín ngưỡng thành một hệ thống thần thoại mới: hệ thống Trimurti cùng với các hóa thân của họ. Hệ thống này công nhận ba vị thần Brahma, Visnu và Siva chỉ là ba mặt của Đấng Tối Cao duy nhất, biểu lộ sự vận động của Vũ Trụ, tượng trưng cho sự hài hòa của đời sống xã hội và tinh thần trong vương quốc. Bên cạnh còn có quan niệm Visnu hóa thân (Avatar) cho rắng bất cứ vị thần hay anh hùng nào của bất cứ địa phương nào cũng chỉ là hình thức hóa thân của thấn Visnu mà thôi. Quan niệm Avatar đề cao nhất thần luận, coi Visnu là một vị thần tối cao của quốc giáo Hinđu để củng cố cho quyền lực của nhà vua, đồng thời vẫn giữ được địa vị thống trị của đẳng cấp tăng lữ Bàlamôn. Kết quả là những vị thần được ca ngợi trong Rig Vêđa hoặc mất đi hoặc bị đưa xuống hàng thứ yếu, mà nổi bật lên hàng đầu là bộ ba Brahma-Visnu-Siva kết hợp với những nữ thần, những nhân vật anh hùng, những vật tổ và tinh linh nguyên thủy của địa phương..."
* * *
 (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét