TT&HĐ I - 9/o


                 Các trường phái triết học Ấn Độ Cổ đại và Trung đại – TS.Trương Văn Chung

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos 

 



(Tiếp theo)


                                  ***
Ái chà chà, bô lô ba la "tự sướng" sơ sơ thế cũng làm cho bộ não đang ở đỉnh cao về...sự hóa rồ của chính chúng ta "hạ hỏa" nhiều rồi! Chúng ta quay lại tiếp tục cho xong câu chuyện còn dở danh về Ấn Độ cổ đại.

Khi chúng ta nói giáo lý Bàlamôn độc tôn "ngự trị" về tư tưởng trong xã hội Ấn Độ cổ đại thời Upanishad thì không có nghĩa là trong xã hội thời đó chỉ duy nhất tồn tại quan niệm xã hội-nhân sinh duy tâm theo định hướng "đã bị ràng buộc" bởi giáo lý Bàlamôn. Do "cố tình tự vệ" nên "đành phải" bênh vực cho tầng lớp thống trị, trong đó có đẳng cấp của mình trong việc giải thích các hiện tượng xã hội-nhân sinh, mà nói chung, các nhà lý luận Bàlamôn đã dần làm mất đi tính hồn nhiên khách quan trong suy tư triết học của thời đại trước (thời Vêđa) và thay vào đó là lối suy lý đã bị "lũng đoạn" bởi ý chí thiên kiến chính trị. Sự tư biện "trong tầm khống chế của ý chí thống trị" thiếu trong sáng ấy tất nhiên phải dẫn đến sự ra đời một hệ thống triết lý giáo điều hàm chứa mâu thuẫn logic trong lòng nó (nghĩa là có tính "gán ghép" khiên cưỡng, phủ dụ bất công, một đằng, đối với đại chúng cần lao thì hô hào đừng tạo nghiệp, đừng vọng động mà hãy bình tâm, sống "an phận thủ thường" trong cực khổ theo định mệnh đã an bài, đằng khác, đối với vua chúa, hiệp sĩ quí tộc thì lại "ngầm bảo" rằng cứ "chiến đấu, giết chóc" bảo vệ danh dự và quyền lợi đi vì đó là điều "không thể tránh khỏi" và như thế, cũng không tội lỗi, không hề tạo nghiệp), còn những kẻ tạo lập và thao túng nó (tức hệ thống triết lý giáo điều) thì biến thành giới tăng lữ Bàlamôn, thành giáo hội "ăn trên ngồi trốc", tạo lập nên "thứ" thực thể-tinh thần gọi là Đạo Bàlamôn. 
Chính quá trình phủ dụ mang tính áp chế trong vai trò "ngự trị" xã hội về mặt tư tưởng của giáo lý Bàlamôn đã kích thích không ít luồng tư tưởng khác nhau ra đời "trong lòng" đại chúng bị trị nhằm phê phán, phản biện và cả bài bác nó, tạo nên một bầu không khí tranh biện sôi nổi, hao hao giống thời "Bách gia chư tử" ở Trung Quốc. Có thể mượn sự mô tả của Will Durant trong tác phẩm nổi tiếng "Lịch sử văn minh Ấn Độ" của ông, để phần nào thấy được hoạt cảnh ấy: "...Có cả một thời ngụy biện lang thang - bọn Paribbajaka, tức bọn lữ hành - già nửa năm đi khắp làng này tới làng khác, thành thị này tới thành thị khác để tìm tín đồ hoặc phản kháng những người chống lại họ. Có vài nhà dạy thuật lý luận để chứng minh bất kỳ một điều gì, họ thật xứng đáng với danh hiệu "Bọn chẻ cái tóc ra làm tư" hoặc "Loài lươn trơn tuột" (ý nói: họ biện thuyết xuôi ngược gì cũng được cả), có nhà lại chứng minh rằng không có Thượng Đế, và đạo đức là hoàn toàn vô ích. Dân chúng bu lại nghe họ thuyết hoặc tranh luận, người ta còn xây cất cả những phòng rất rộng làm chỗ hội họp cho họ trổ tài và các vị vua chúa còn tặng giải thưởng cho những triết gia thắng trong những cuộc đấu khẩu đó nữa. A, cái thời đại đó thật lạ lùng, đúng là trăm hoa đua nở bên cái dòng tư tưởng tự do chảy tràn bờ". Tuy nhiên, nếu chọn quan niệm xã hội-nhân sinh Bàlamôn làm "chuẩn mốc" so sánh thì theo thời gian, sự tương tác trong vận động tự nhiên giữa những luồng tư tưởng "đồng sàng dị mộng" ấy làm cho chúng "nhanh chóng" hòa hợp-phân định lại thành hai luồng tư tưởng chính, phát triển thành hai hệ thống tư tưởng nổi trội, có quan niệm nói chung là tương phản nhau, mà như lịch sử đã lưu lại, một hệ thống được gọi là "chủ nghĩa duy vật Ấn Độ" (đúng hơn phải gọi đầy đủ là "chủ nghĩa duy vật thực dụng Ấn Độ cổ đại"!) và hệ thống kia được gọi là "giáo lý Kỳna" (nếu xét cả về mặt thực thể thì chính là một tôn giáo với tên gọi: Đạo Kỳna, Kỳna Giáo hay Đạo Jên).

Trong xã hội cổ đại, lòng tham vị kỷ vô lối của những kẻ có quyền hành cai trị là nguyên nhân sâu xa không những làm cho sự cai trị (với chức năng tự nhiên, thuần túy thuở ban đầu là điều phối, duy trì trật tự xã hội một cách "dân chủ", bất vụ lợi cá nhân) biến tướng thành sự thống trị (nghĩa là sự cai trị đã "nặng" tính độc đoán, chuyên quyền, bạo ngược...), mà còn (thông qua sự thống trị) "góp phần xứng đáng" làm tăng mức độ suy vi của đời sống xã hội, cả về mặt vật chất lẫn mặt tinh thần (nói thật vắn tắt, sự bất chính và mức độ phân liệt quá đáng trong thu nhập và hưởng thụ của cải xã hội là "chất xúc tác mạnh" kích thích phổ biến những nhận thức thiếu lành mạnh dẫn đến những hành vi mù quáng nhằm thỏa mãn thèm muốn một cách thấp hèn cả ở "thượng tầng kiến trúc" lẫn ở "hạ tầng cơ sở" theo trình tự diễn tiến "thượng bất chính - hạ tắc loạn", thể hiện ra trên bình diện đánh giá tổng quan là suy đồi đạo đức xã hội). Xã hội trong tình trạng càng suy vi thì sự áp bức bóc lột của tầng lớp thống trị đối với nhân dân Ấn Độ cổ đại càng "nổi bật" và sự "nổi bật" (do tính bảo thủ "tự phát" từ ý chí bảo toàn quyền lợi một cách ích kỷ mà có) ấy lại có tác dụng "hỗ trợ" xã hội thêm suy vi hơn nữa, không những làm cho những mâu thuẫn về quyền lợi, trong đó, cơ bản là mâu thuẫn giữa quần chúng bị trị và tầng lớp thống trị, cũng càng trở nên gay gắt, nhiều lúc đến mức đối kháng, mà còn dần dần làm lộ rõ tính giả dối, mị dân, phi lý trong những phủ dụ của giáo lý Bàlamôn. Sự thể đó tất nhiên làm xuất hiện những mầm mống tư tưởng bất mãn, bài bác, đả phá ở những người cấp tiến, ít nhiều có học trong hàng ngũ đại chúng đối với hệ thống giáo lý Bàlamôn. 
Có thể đến khoảng giữa thế kỷ VI TCN, những mầm mống tư tưởng ấy đã kết hợp lại thành một trào lưu tư tưởng thống nhất (gọi là trường phái duy vật), thực sự có sức sống, có sức lan tỏa rộng rãi trong giới bình dân Ấn Độ, với tên gọi vào thời đó: Charvaka. Will Durant cho rằng đó là tên của một người trong trào lưu, và nếu thế thì người đó phải là một triết gia tài giỏi, có khả năng đại diện được về mặt tư tưởng của trào lưu hoặc là một trong vài người sáng lập nên chủ thuyết duy vật Ấn Độ cổ đại. Cụ thể hơn, cũng theo Will Durant và cả Chandradhar Sharma thì nhân vật đóng vai trò tiền bối, làm phát sinh ra trường phái duy vật này có tên Brihaspati và Charvaka là môn đồ lỗi lạc của ông, kế tục ông lãnh đạo trường phái. Nhưng theo quan điểm khác, Charvaka không phải là tên riêng mà là tên chung gọi những nhà lý luận theo trường phái duy vật. Vì từ gốc "charv" có nghĩa là "ăn" nên có lẽ thế mà người ta suy ra Charvaka hàm chứa nhiều nghĩa như: biểu thị một người thích "ăn uống và vui vẻ", người nuốt lời, người "ăn sạch" mọi thứ, người "có giọng điệu ngọt ngào" (theo từ charavaka), người tầm thường (bình dân?) mà đồng nghĩa là từ lokayata. Chúng ta cho rằng nhận định về Charvaka theo quan điểm đầu có phần đúng hơn. Những hàm nghĩa vừa nêu có lẽ phải lâu về sau mới được gán cho nó bởi các đối thủ của trường phái duy vật trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Nhất là những hàm nghĩa có ý miệt thị thì nhiều khả năng bị gán từ các giáo sĩ Bàlamôn. Chẳng hạn, những người theo trường phái duy vật còn bị gọi với cái tên Nasticashiromani (có nghĩa: người dị giáo tinh quái!), hay rõ ràng hơn, trong Ramayana nói họ là "những kẻ ngu dốt tự cho mình là thông thái và là những chuyên gia trong việc dẫn dụ con người đến sự bất hạnh và diệt vong"...Nhưng, như ông bà ta nói, không có lửa thì làm sao có khói? Vậy, đó là "lửa" gì và "âm ỉ" ở đâu trong nội dung tư tưởng của Charvaka? 
Khốn nỗi, về mặt sự kiện lịch sử, vẫn biết trường phái tư tưởng Charvaka thực sự đã từng tồn tại, nhưng không một ai sau này có được nội dung chính xác của chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại dưới dạng văn bản hay chí ít cũng dưới dạng truyền khẩu nhưng đáng tin cậy. Đơn giản vì không hề có một tác phẩm nào khả dĩ được gọi là tài liệu gốc, do chính các nhà lý luận Charvaka viết về tư tưởng của họ còn lưu truyền đến ngày nay. Có thể sau khi trường phái Charvaka thoái trào và đi dần đến tan rã thì các tác phẩm của nó trở thành vô giá trị, thậm chí là "độc hại" nên đã bị loại bỏ khỏi "bàn tròn học thuật xã hội" hoặc bị tiêu hủy đi một cách cố ý. Nhưng nhiều khả năng hơn hết có thể là những tác phẩm đó...chưa bao giờ được bất cứ ai trong số những nhà lý luận Charvaka chấp bút, trước tác ra cả (?!), vì đơn giản, chúng chỉ là những luận thuyết truyền khẩu.

Vì không có tài liệu gốc nào nên các nhà nghiên cứu thời hiện đại, để tìm hiểu chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại, đều phải dựa vào những thông tin về nó còn lưu giữ "rải rác" trong những tác phẩm của các trường phái khác, đã từng là đối thủ của trường phái Charvaka trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Sở dĩ những thông tin về Charvaka còn tồn tại được ở những nơi "lạc lõng" như thế là do người ta cần đến chúng để làm bằng chứng phê phán, thậm chí là đả phá chính chủ nghĩa duy vật. Do có sự thiên kiến (bởi niềm tin riêng!) trong nhận định theo quan niệm chủ quan của trường phái mình mà (những) đối thủ của Charvaka đã ghi chép lại những ý kiến của các nhà Charvaka một cách phiến diện, theo lối "nhấn mạnh yếu điểm", và như thế, đã làm cho những thông tin phản ánh về chủ nghĩa duy vật Ấn Độ còn lưu trong các tác phẩm của họ trở nên ít nhiều bị què quặt, méo mó, sai lệch, không còn "đủ độ" chân thực nữa.

Lịch sử Ấn Độ cho thấy, trường phái Charvaka đã từng có giai đoạn hoạt động nổi bật, tư tưởng của nó lan truyền khá nhanh và tương đối rộng rãi trong tầng lớp đại chúng bình dân, có những lúc tưởng chừng như có phần lấn át, áp đảo trong nhiều cuộc tranh biện. Ấy vậy mà thời gian tồn tại với tư cách "gần như" một thực thể tinh thần xã hội lại không được lâu dài, kiểu như "sớm nở tối tàn". Tại sao lại xảy ra hiện tượng lạ lùng đó?

Theo thiển ý chúng ta, có thể quan niệm duy tâm về thực tại khách quan xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới như một chỉnh thể lý luận là kinh Vêđa, và quan niệm duy vật, với vai trò tương tự như thế, có thể là hệ tư tưởng Charvaka (nếu nó ra đời trước Đạo Lão, còn nếu không, phải là Đạo Lão). Cứ đà đó tiếp tục, cũng có thể phỏng đoán thêm rằng cái tinh thần khát vọng được an cư, được vui chơi thỏa niềm lạc thú ẩn chứa "dồi dào" trong ý niệm tôn sùng sự sung túc của tín ngưỡng phồn thực tồn tại "bàng bạc" trong kinh Vêđa (nhất là trong quan niệm cho rằng Thực Phẩm là bảo toàn, dưới những dạng vật chất cụ thể là của chung, "ai" cũng được hưởng như nhau), đã là một gợi ý xa, gián tiếp, nhưng đầy hứng khởi và có tầm quan trọng đặc biệt trong khâu biện luận nhằm định hướng xây dựng nền tảng lý luận cho chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại. 
Tuy nhiên, cần thấy rằng hệ tư tưởng vô thần-duy vật Charvaka không phải là kết quả "ngay từ đầu" của suy lý mang tính (tạm gọi là) "hàn lâm thuần túy", hay cũng có thể nói, không phải (chỉ) nhờ "nghiền ngẫm" kinh Vêđa mà rút ra được. Nghĩa là tập hợp những ý tưởng tự phát "khai mào", đóng vai trò tư tưởng "tiền thân" của trường phái Charvaka đã hình thành trước khi có sự định hướng triết học để từ một hệ tư tưởng thiên về chính trị (phản kháng sự bất công, phi lý trong xã hội) phát triển thành một học thuyết triết học thực sự (giải thích thuần lý, căn cơ trên tinh thần tự giác khách quan nguyên nhân xuất hiện những bất công, phi lý ấy). Nói cách khác, hệ tư tưởng Charvaka nảy sinh trực tiếp từ thực trạng bất công kéo dài, từ sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt về quyền lợi giữa tầng lớp chóp bu thống trị và đại chúng bị trị trong xã hội Ấn Độ cổ đại, và vì là con đẻ của tầng lớp bình dân nên cũng mang trong lòng nó tinh thần bất mãn, phản kháng, hơn nữa là đả phá gay gắt sự phủ dụ có tính áp đặt của giáo lý Bàlamôn nói riêng cũng như sự "hợp pháp hóa bóc lột" của chế độ đương thời nói chung. Cụ thể hơn, trước tình cảnh ai oán cùng với những rên xiết, ca thán khắp nơi của đại chúng bị trị, nhiều người có trình độ học vấn khác nhau, có tinh thần cấp tiến, thấy được sự bất công bất bình của thời cuộc, đồng cảm với nỗi niềm của giới bình dân, nên đã đứng về phía họ, lên tiếng bênh vực họ. Từ sự suy xét trên cơ sở quan sát trực giác những hiện tượng bất cập đã trở thành phổ biến trong xã hội, những người cấp tiến ấy đã nêu ra được những ý kiến có tầm lý luận, hợp thành những ý tưởng, luận điểm sơ khai cho tư tưởng Charvaka, và trên cơ sở đó cùng với sự nghiên cứu lý luận chuyên sâu hơn nữa mà xây dựng nên chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại.

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH