Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

TT&HĐ I - 9/l


                                            Vấn đáp: Học thuyết luân hồi | Thích Nhật Từ

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại." 
Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
 
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
 
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos 

 

(Tiếp theo)


                                                  ***
Nói chung, trọng tâm của triết lý Upanishad là suy tư chiêm nghiệm về cõi nhân sinh, là sự khẳng định dứt khoát quan niệm về một Vũ Trụ đồng nhất thể trong cái bề ngoài phân định thành muôn hình vạn trạng của nó, là sự xác tín lại và làm sâu sắc thêm đến mức hoàn chỉnh ý niệm về sự tồn tại độc lập của linh hồn đối với thân xác trong triết lý Vêđa, và đặc biệt là mở rộng quan niệm về tái sinh, hậu quả thưởng-phạt, xuất hiện dưới dạng sơ phác, phôi thai vào hậu kỳ Vêđa-tiền kỳ Upanishad (còn gọi là giao thời Brahmana), nâng lên thành như một học thuyết hoàn chỉnh về luân hồi nghiệp báo. Trong Chândogya Upanishad giảng giải thế này:
"Thoạt kỳ thủy chỉ có một thực tại, duy nhất, không hai"
"Linh hồn vốn vô sinh và bất diệt. Nó tồn tại độc lập và cuộc đời tiếp diễn không ngừng. Linh hồn vốn là Một và bất khả phân. Khi nó từ bỏ thân xác cá nhân thì nó thoát ra khỏi mọi ràng buộc và giới hạn. Lúc đó nó là Một và chỉ có một. Ở chỗ có hai thì người ta có thể nhìn thấy người khác, nghe thấy người khác, nói với người khác, nghĩ về người khác. Khả năng phân biệt ấy chỉ có khi nào có hai hay hơn nữa, nhưng không có khi chỉ có một. Vì lẽ khi tất cả đã là một thì còn có người nào khác để thấy, nghe, trò chuyện, nghĩ tới? Như thế, cái Một tồn tại không có cái khác. Đó là Tự Ngã (Atman), cái bất khả tri, cái bất diệt. Ngài là người biết hết thảy, vậy thì chúng ta làm sao biết được Ngài?".
"Thân thể vật chất thì tiêu diệt. Trong cái ấy có ngự Tuyệt Đối với Brahman là phi chất và bất diệt, ở tạm trong thân thể như là linh hồn cá nhân. Ngài vui và buồn bởi vì Ngài đồng nhất bằng ý nghĩ với cái thân thể nó vui và buồn. Chừng nào Ngài giải thoát khỏi thân thể này, trở nên linh hồn Vũ Trụ, Ngài không còn vui buồn nữa, nhưng không bị diệt vong vì vui buồn. Trái lại, Ngài bình thản và yên định, Ngài là Tự Ngã Tuyệt Đối".
"Khi thân xác hấp hối và yếu dần, linh hồn thu thập hết năng lực vào trong tim. Khi cái ngã ở nơi con mắt tắt đi thì người đó không còn nhận biết hình thể gì nữa. Khi ấy tất cả mọi cảm giác, ý nghĩ, ngôn ngữ đều ngưng tắt và trở nên Một. Khi ấy, những điểm sáng trong tâm lóe lên và tâm hồn ra đi mang theo cả vốn liếng tri thức cùng công đức và tội lỗi".
"Linh hồn con người khi đã trải qua thân xác này sẽ tìm kiếm một thân xác khác mà trú ngụ. Mỗi khi thay đổi thân xác, linh hồn lại khoác lên một hình thức mới. Mỗi trạng thái sống của linh hồn bị quyết định bởi Vô Minh (Avidya - đây là khái niệm có nội hàm rất rộng, không chỉ định về một sự ngu dốt cụ thể nào mà bao gồm tất cả những tri thức được "gặt hái" từ hiện thực trực quan, nghĩa là cả những kiến thức về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật...đều thuộc phạm vi Vô Minh, vì đó là những cái biết vẫn còn bị khống chế, có hạn độ, còn sai lạc, chưa phải là cái biết đích thực tối hậu, chưa phải là toàn biết, chưa phải là Minh Trí (Vidya) - sự hiểu biết về tự ngã, đạt đến Cái Biết giải thoát) và hành động (karma-nghiệp, hành) của nó trong tiền kiếp".
Chúng ta cho rằng ngay bản kinh này cũng đã có sự "lũng đoạn Bàlamôn" làm cho nó không còn mang nội dung nguyên thủy như khi mới ra đời, vì rõ ràng là dễ cảm nhận được sự thiếu mạch lạc, sự mâu thuẫn logic, sự gắn kết cố ý đến "thần sầu quỉ khốc" cái quan niệm hồn nhiên của Vêda về sự tái sinh "trong" sự bất sinh bất diệt của linh hồn (có lẽ xuất phát từ quan niệm về tính bảo toàn của Thực Phẩm chăng?) và sự biện giải khiên cưỡng, gượng ép "thiếu vắng" tinh thần triết học về "nghiệp báo" của những người thao túng Upanishad.

Dù sao đi nữa mặc lòng, sự hướng tới thuyết luân hồi nghiệp báo đã là một sai lầm lớn trong nhận thức triết học của Upanishad nói riêng và là bước đi thụt lùi của triết học Ấn Độ cổ đại nói chung. Nguyên nhân của sự hướng tới đầy sai lầm ấy không phải là cái gì khác mà chính là ý đồ mang màu sắc thiên kiến chính trị của giới Bàlamôn khi giới này đã ở địa vị thống trị. Sự tiến hóa - thích nghi của muôn loài trong thế giới sinh vật là nhằm tăng cường khả năng sống còn ở từng cá thể và qua đó cũng có tác dụng tăng cường khả năng duy trì tồn tại của toàn thể loài, dẫn đến hiện tượng cải biến cấu trúc và vận động sinh học giống loài. 
Xét ở tầm mức cụ thể hơn, sự biến cải sinh học nhằm đáp ứng yêu cầu trong tiến hóa - thích nghi, vì bị qui định bởi các yếu tố khách quan lẫn chủ quan có trước, sẵn có đóng vai trò tiền đề, cho nên mang tính đa dạng, đa chiều, nhưng ở giới động vật có một biểu hiện chung nhất là kiện toàn hệ thần kinh trung ương (bộ não) để thỏa mãn quá trình hoàn chỉnh cấu trúc và vận động sinh học theo cách đặc thù của mỗi giống loài. Một trong những cách kiện toàn hoạt động mang tính đặc thù của bộ não là làm xuất hiện khả năng tư duy trừu tượng đến độ sâu sắc ở loài người nhằm mục đích tìm hiểu, học hỏi thiên nhiên, thực hành sáng tạo, qua đó mà chủ động thích nghi, duy trì sống còn. Quá trình dài lâu trên bước đường nhận biết và sáng tạo của loài người, nói chung, đã làm cho trong sâu xa tiềm thức của mỗi con người nảy sinh "hối thúc" tạo ra thứ tình cảm tạm gọi là "ham hiểu biết" (thích tò mò tọc mạch!) và cả cái tâm lý đề cao, nể phục sự hiểu biết(?). Có lẽ cũng vì thế mà xuyên suốt lịch sử xã hội loài người, thời đại nào cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, những người được cho là "nắm bắt, sở hữu" những điều cao siêu, huyền bí về tự nhiên (như: trưởng lão, già làng, thầy cúng, đạo sĩ, giáo sư, bác học...) đều được quần chúng kính nể, tin tưởng. Đó cũng chính là nguyên nhân làm hình thành giới Bàlamôn có đẳng cấp cao trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Sự trọng vọng có tính lịch sử của quần chúng đối với những người thông thuộc các thánh kinh Vêđa, đóng vai trò chủ trì các cuộc tế lễ, cúng bái (gọi chung lại là các đạo sĩ Bàlamôn) dần dần nâng họ lên đẳng cấp cao nhất, trở thành bộ phận có uy quyền tột đỉnh trong tầng lớp thống trị xã hội và vì thế mà cũng rất giàu có. Sự giàu có (tất nhiên là) bất chính của tầng lớp thống trị, trong đó có giới Bàlamôn (ngày nay cũng vậy thôi, một "ông quan" cộng sản, thậm chí chỉ cần con cháu ông ta thôi, "đùng một cái" giàu vút lên ngút trời mà đòi nói là chính đáng, thì hãy..."chặt đầu tôi đi đã"!), theo thời gian đã làm bộc lộ ra khối "bất bình" về quyền lợi ngày một gay gắt, căng thẳng, chủ yếu là từ đại chúng bình dân, gây nguy cơ đến chính sự tồn tại "ăn không ngồi rồi" lại được hưởng đặc quyền đặc lợi của giới Bàlamôn. Trước tình hình đó, dựa vào uy quyền, trong đó có vai trò lãnh đạo (thực chất là thao túng) tinh thần xã hội của mình nhằm bảo vệ quyền lợi "trời cho mình", giới thế lực Bàlamôn như một tất yếu, đã hành động theo cách nhẹ nhàng nhất, khó thấy nhất nhưng hiệu quả nhất và do đó mà cũng "độc địa" nhất (có thể tạm gọi là "cách thức tôn giáo" vì sau này, tôn giáo nào cũng không những "khoái dùng" mà còn "phải dùng"!), đó là, ru ngủ niềm tin, phủ dụ theo tín ngưỡng, đe dọa bằng giáo luật. Có thể tin được rằng, một cách chính thức, Đạo Bàlamôn ra đời cùng với sự ra đời thuyết luân hồi nghiệp báo. Và thuyết luân hồi nghiệp báo, thông qua sự biện giải của Upanishad, được khẳng định là một thiết luật của cõi sinh linh.
Nói thô mộc cho dễ hiểu, quan niệm nghiệp báo mà giới tăng lữ Bàlamôn nêu ra chính là một phủ dụ "nấp bóng triết học" nhằm "đổ thừa" rằng, những kẻ có địa vị thấp kém, thân phận bần hàn khốn khổ trong "kiếp này" là tại "kiếp trước" của họ ăn ở không ra gì (về đạo đức, mắc nhiều tội lỗi) gây ra, và ngược lại, những người được sống sung sướng, hạnh phúc trong "kiếp này" (người Bàlamôn, những hiệp sĩ quí tộc chẳng hạn!) là nhờ được "hưởng phước" từ sự ăn ở tốt lành của "kiếp trước", rồi từ đó mà cũng "khuyên răn" rằng, đừng than van, oán hận nữa, hãy bình tâm sống tốt lành đi để "kiếp sau" được hưởng phước đức(!). Hay như Chândogya Upanishad chỉ rõ: "Người ta là một vật của ý chí. Tùy theo y muốn thế nào ở thế gian này, y sẽ trở nên như thế sau khi y đi", "Những người có hành vi tốt đẹp sẽ đầu thai vào kiếp tốt đẹp, hoặc thành Bàlamôn, hoặc thành quí tộc, hoặc thành thương nhân. Những kẻ có hành vi xấu xa sẽ phải đầu thai vào những kiếp xấu xa như kiếp chó, lợn hay nô lệ"...

Nhưng quan niệm thế nào là tốt đẹp, thế nào là xấu xa mới là vấn đề! 

Trong bộ thánh kinh Upanishad có một tác phẩm gọi là Bhagavadgita, dịch theo nghĩa đen là "Bài ca vua" nhưng người ta cũng quen gọi thoát hơn là "Chí Tôn Ca" (hoặc gọn lỏn: "Gita"). Đó là một tập thơ gồm 700 câu thơ, chia làm 19 chương. Thực ra Chí Tôn Ca chỉ là một phần rất nhỏ thuộc thiên anh hùng ca Mâhâbhârata dài tới 100000 câu (!?), nghe nói do đạo sĩ tên là Vyâsa sáng tác vào khoảng thế kỷ V TCN. Các triết gia sau này đánh giá Chí Tôn Ca là thành quả sáng tạo tinh thần thiêng liêng nhất của người Hinđu. Rất nhiều học giả, kể cả Ấn Độ và Phương Tây, nhận định rằng Chí Tôn Ca là tác phẩm đúc kết triết học của Upanishad và cũng hết lời ca ngợi nó. Lokamanya Tilak gọi nó là "viên ngọc lộng lẫy và vô giá đem lại sự an bình cho những linh hồn đau khổ và khiến chúng ta trở thành những chủ nhân của sự thông thái thần thánh". Mahamana Malaviyaji thì nhìn thấy trong đó sự kết hợp tuyệt vời giữa "tri thức cao nhất, tình yêu thuần khiết nhất và hành động rựu rỡ nhất". Trong khi đó, Mahatma Gandhi gọi nó là "người mẹ vạn năng luôn mở rộng cửa cho những ai cần giúp đỡ", và hơn thế nữa, "một tín đồ Gita thực sự sẽ không biết thất vọng là gì. Anh ta luôn tận hưởng niềm vui bất diệt và sự thanh thản". Còn Heinrich Zimmer thì cho nó "là bông hoa đẹp nhất trong thời kỳ sử thi về tinh thần thượng võ Hinđu".

Về nội dung, Chí Tôn Ca là sự tường thuật lại cuộc đối thoại (được hư cấu) giữa hai nhân vật, một là Krishna - trong vai trò người đánh xe ngựa nhưng thực ra là đại diện cho Thượng Đế, là hiện thân của Đấng Sáng Tạo, Đấng Bảo Tồn đồng thời cũng là Đấng Hủy Diệt thế giới -, hai là Arjuna - đệ nhất hiệp sĩ anh hùng của đương thời, nhà vua bị truất phế trước trận chiến đoạt lại ngai vàng. Cuộc đối thoại đầy chất bi tráng sử thi đó diễn ra tại Kurukshetra (gần thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày nay), nơi sẽ thành bãi chiến trường chém giết kinh hoàng và sẽ được chứng kiến cuộc thư hùng khốc liệt giữa hai dòng họ cùng huyết thống với một bên là năm anh em nhà Pânđava do Arjuna lãnh đạo, được cho là thuộc chính nghĩa, còn một bên là một trăm anh em nhà Kaurava, bị cho là thuộc phi nghĩa, và tổng số quân lực hai bên lên tới hàng triệu người(!). Khi các chiến binh của hai đoàn quân đã được dàn hàng thành hai lực lượng đối nghịch nhau chỉ còn chờ tiếng kèn khai mào vang lên là xung trận thì:
"Arjuna nói: - Hỡi Đấng Bất Di Bất Dịch, xin hãy đặt xe ngựa của tôi vào giữa hai đạo quân, để trong khoảng khắc đang đe dọa này của cuộc chiến, tôi có thể trông thấy được những ai đang hăm hở đánh nhau mà tôi phải chiến đấu.
Nghe xong, Krishna đánh chiếc xe chiến mã có một không hai vào giữa hai đạo quân đã dàn thế chiến đấu, đối mặt với Bhishma, Drona và tất cả những người đang thống trị trên Trái Đất. Rồi ông nói: - Hãy chú ý, hỡi con trai Pratha, quân Kaurava đã tụ tập ở đây!
Sau đó, Arjuna nhìn chằm chằm vào hai dân tộc, và thấy những người cha, ông nội, thầy giáo, ông cậu, anh em, con trai, cháu trai, bạn gái, cha vợ, và bạn bè..."
(Và trong lòng Arjuna bỗng trào dâng đến choáng ngợp nỗi sợ hãi khi nghĩ đến cái ác liệt khủng khiếp của cuộc chém giết huynh đệ tương tàn sắp trói buộc tất cả bọn họ. Một mặt, ông không muốn thúc đẩy cuộc chiến sẽ tiêu diệt những con người cùng dòng tộc của ông như ông nói, mặt khác ông lại bị ràng buộc bởi bộ luật hiệp sĩ là phải báo thù những xúc phạm mà ông và anh em ông đã phải chịu từ phía họ hàng, đồng thời giúp đỡ đồng hữu trong nỗ lực khôi phục lãnh địa. Đầu óc quay cuồng, không còn biết đúng sai, không còn biết phải làm gì, Arjuna tuyệt vọng quay qua Krishna, người đánh xe ngựa và đồng thời cũng là chiến hữu thân thiết của ông. Krishna cất tiếng và những lời nói thần thánh của Thượng Đế vang lên làm cho Arjuna cảm thấy dễ chịu và tỉnh ngộ dần trước những điều truyền giảng chân lý huyền bí). (Chí Tôn Ca 1.21-47).
Sau đây là một số đoạn trong cái "thông điệp" mà Krishna đã rót vào tim óc Arjuna:
"Bạn cảm thấy thương xót ở nơi không có chỗ cho sự thương xót. Những người thông thái cũng không cảm thấy thương xót cho cái sẽ chết hoặc cho cái đang sống.Chưa bao giờ có thời gian khi tôi và bạn đều không hiện hữu, và cả mọi hoàng thân này nữa. Cũng không có ngày mà kể từ đó chúng ta ngừng hiện hữu". "...cái gì đã sinh tất phải diệt và cái gì đã diệt tất rồi sẽ sinh. Vì vậy bạn chớ nên thương cảm cho cái gì không thể tránh được...", "Nhưng nếu bạn từ chối cuộc chiến đấu chính đáng này, tức là bạn trốn tránh bổn phận và danh dự, như thế bạn sẽ phải gánh chịu lấy tội lỗi. Ô danh của bạn sẽ bị lưu truyền mãi mãi. Đối với người trọng danh dự, ô danh còn đau đớn hơn là chết..." (Chí Tôn Ca 2.11-12)

"Giống như thời thơ ấu, thời tuổi trẻ và tuổi già trong thân xác hiện tại này, Ngài (Atman-linh hồn, Đấng làm chủ thân xác), sau khi từ bỏ, sẽ lại nhập vào thân xác khác như thế. Bậc trí giả không ngỡ ngàng về điều đó" (Chí Tôn Ca 2.13)

"Vũ khí không chém chặt được Ngài, lửa không đốt cháy được Ngài, nước không làm ướt được Ngài, hoặc gió không thể làm Ngài khô kiệt. Ngài không thể bị chém chặt, Ngài không thể bị đốt cháy, Ngài không thể bị ướt nước, Ngài không thể bị khô kiệt. Ngài bất biến (nitya), có mặt khắp nơi (sarvagata), ổn định (sthanu), không lay chuyển được (acala), và vĩnh cửu (sanatana)" (Chí Tôn Ca 2.23-24).

"Các thân xác sẽ có ngày kết thúc, nhưng linh hồn nhập thể (saririn) thì hằng cửu, bất diệt và bất khả tri. Vậy, hãy chiến đấu đi, hỡi Bharata (Arjuna)!" (Chí Tôn Ca 2.16-18).

"Bây giờ hãy để tai nghe lời phát biểu quan trọng nhất của Ta, Ta sẽ tuyên bố điều đó cho bạn vì lợi ích của bạn. Không phải các nhóm thần thánh, cũng không phải các đại tiên tri biết được nguồn gốc của Ta. Nói chung Ta cao tuổi hơn họ. Ai biết Ta là không được sinh ra, cũng không có bắt đầu, là Đại Chúa Tể của thế giới, ở giữa những kẻ phải chết, thì sẽ không bị ảo tưởng và sẽ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi riêng..." (Chí Tôn Ca 10.1-8).

"Ta là thời gian (kala), Đấng Hủy Diệt vĩ đại và đầy quyền lực, xuất hiện ở đây để càn quét mọi người. Và ngay cả nếu không có bạn thì cũng không ai trong các chiến binh ở đây, trong hàng ngũ chỉnh tề sẽ còn sống. Do đó, bạn hãy trỗi dậy, giành vinh quang, đánh bại kè thù, hưởng quyền lực. Họ đã được gửi đi từ lâu rồi bởi Ta và chỉ bởi một mình Ta. Bạn không là gì cả ngoại trừ là công cụ của Ta..." (Chí Tôn Ca 11.32-33). 
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét