Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

TT&HĐ I - 9/g



Khởi nguồn và lịch sử phát triển YOGA - Ấn Độ


PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI

-"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại."Bleiste

-"Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì?Đó chính là lòng yêu nước"
Napoleon.

-"Nhân loại luôn có một chỗ độc đáo:
nó lưu giữ hai bộ phép tắc đạo đức - một bộ lén lút, một bộ công khai; một bộ chân chính, một bộ làm bộ làm tịch"
Mark Twain

-“Nhân loại không có sự đòi hỏi nào cao hơn là làm sao đạt tới cái chí thiện, chí mỹ và chính vì giải quyết vấn đề ấy mà nó đã cố gắng...”
Vidhusekharsastri

-"Chủ nghĩa anh hùng theo mệnh lệnh, bạo lực phi lý và tất cả những điều vô nghĩa nhân danh lòng ái quốc – tôi mới căm ghét chúng làm sao!"
Albert Einstein

-"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng".
Aleksandr Solzhenitsyn

-"Đất nước nào cũng có những thời kỳ khi tiếng ồn ào và sự trơ trẽn trôi theo dòng giá trị; và đặc biệt trong những biến động lớn, tiếng kêu la của những kẻ vụ lợi và bè phái thường bị nhận nhầm là lòng yêu nước".
Alexander Hamilton

-"Anh có thể rứt bỏ con người khỏi xứ sở họ, nhưng anh không bao giờ có thể rứt bỏ được xứ sở nơi lòng người"
 
John Don Passos

 


(Tiếp theo)



                                  ***
Như đã trình bày ở trên, lịch sử vận động "tự thân" của một xã hội dân cư là gồm những thời đoạn thịnh và suy kế tiếp nhau, hết thịnh thì đến suy, hết suy thì đến thịnh. Quá trình chuyển hóa có tính quy luật phổ biến ấy thể hiện rõ rệt trong lịch sử loài người suốt từ khi hình thức sống quần cư xã hội xuất hiện cho đến chí ít cũng là cuối thế kỷ XIX, khi mà con người còn chưa nhận thức được nguyên nhân sâu xa nên cũng chưa biết chủ động khắc chế ngay từ mầm mống sự nảy sinh và phát tác những nhân tố gây bất lợi cho đời sống xã hội. 
Xét rộng hơn, quá trình xoay vần thịnh-suy là hiện tượng phổ biến trong thế giới hữu sinh, và xét ở tầm mức sâu rộng nhất, đó là quá trình mang tính tự nhiên, là một trong những thể hiện có tính qui luật phổ quát của Tồn Tại. Có thể nói thịnh và suy là hai mặt thể hiện của một tồn tại phụ thuộc tương đối vào điều kiện, hoàn cảnh của môi trường chứa nó cũng như mối quan hệ giữa vận động nội tại của thực thể và môi trường ấy trước một chủ thể quan sát-nhận thức. Hai mặt ấy có mối quan hệ nội tại mật thiết với nhau, là tiền đề tồn tại của nhau, chuyển hóa lẫn nhau, trong thịnh có suy, trong suy có thịnh, thịnh vượng làm xuất hiện những nhân tố dẫn đến suy tàn và ngược lại, suy tàn làm xuất hiện những nhân tố dẫn đến thịnh vượng. Quá trình thịnh-suy của một tồn tại chỉ kết thúc khi tồn tại kết thúc.
Thế giới có một khoảng thời gian phát triển đặc biệt. Đó là vào khoảng thế kỷ VI - TCN. lúc đó thế giới xuất hiện hàng loạt các bậc triết gia và các đầu lĩnh tôn giáo lớn.  Ở Trung Hoa, có Lão TửKhổng Tử..., ở Hy Lạp có Pythagoras, Parmanides, Heraclites...; ở Iran có Zathathu-sta; ở Ấn Độđức Phật và 6 vị đạo sư lớn khác. Sự ra đời của các nhân cách đặc biệt này đánh dấu một bước chuyển biến vô cùng quan trọng trong lịch sử triết học, tư tưởng của nhân loại.
Tại Ấn độ thời ấy, theo Wikipedia: "Phía Bắc của Ấn Độ là dãy Himalaya cao lớn và dài tạo nên một hàng rào cô lập các vùng bình nguyên của xứ này với các vùng còn lại. Để liên lạc với bên ngoài thì chỉ có con đường núi xuyên qua Afghanistan. Nền văn hóa chính ngự trị thời bấy giờ là văn hóa Vệ Đà (Veda). Các bộ lạc du mục người Aryan đã mở mang và xâm chiếm các vùng lãnh thổ Tây Bắc Ấn và lan rộng ra hầu hết bán đảo Ấn Độ khoảng 1000 năm trước công nguyên
Văn hoá Vệ Đà nghiêng về thờ phụng nhiều thần thánh cũng như có các quan điểm thần bí về vũ trụ. Những sự phát triển về sau đã biến Vệ Đà thành một tôn giáo (đạo Bàlamôn) và phân hoá xã hội thành bốn giai cấp chính trong đó đẳng cấp Bàlamôn (tầng lớp tăng lữ) là giai cấp thống trị. Tư tưởng luân hồi cho rằng sinh vật có các vòng sinh tử thoát thai từ đạo Bàlamôn (hay sớm hơn từ tư tưởng Vệ Đà). Đạo Bàlamôn còn cho rằng tồn tại một bản chất của vạn vật, đó là Brahman (hay Phạm Thiên).
Tôn giáo gắn liền với nó là triết học phát triển mạnh tại Ấn Độ với sự xuất hiện rất nhiều hướng triết lý và cách hành đạo khác nhau và đôi khi chống chọi phản bác nhau. Trong thời gian trước khi Thích Ca thành đạo, đã có rất nhiều trường phái tu luyện. Các xu hướng triết lý cũng phân hoá mạnh như là các xu hướng khoái lạc, ngẫu nhiên, duy vật, hoài nghi mọi thứ, huyền bí ma thuật, tu khổ hạnh, tu đức hạnh, tụng kinh..."
 
 Đức Phật Thích Ca ra đời vào thời kỳ mà xã hội Ấn Độ cổ đại đang ở trong tình trạng suy vi cả về thể xác lẫn tinh thần. 

Thời đại đồ sắt và việc ứng dụng kỹ thuật canh tác mới vào trong đời sống lao động dần dần qui tụ dân cư thành cộng đồng xã hội. Làn sóng khai thác đất hoang nhằm mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp để gia tăng sản lượng được cổ vũ mạnh mẽ. Cũng từ đây, khái niệm tư hữu, tư tưởng sở hữu bất động sản và tư tưởng địa chủ ra đời. Bên cạnh đó, ngành tiểu thủ công nghiệp, trao đổi hàng hóa và mậu dịch cũng dần được hình thành với quy mô ngày càng phát triển trong cả lãnh vực sản xuất cũng như đổi chác mua bán. Tiến trình thành thị hóa không phải phát triển một cách đột ngột vả ngắn hạn, mà là một quá trình lịch sử.  
Phần lớn các thành phố chính trong thời đại Phật giáo ra đời là những kinh thành của các vương quốc và là trung tâm quyền lực của mỗi quốc gia. Chúng đã được giới thống trị ở đó xây dựng và thiết kế nhằm để phô trương tài sảndanh tiếng của họ. Trong tiến trình thành thị hóa, các hạ tầng cơ sở ấy được nâng cấp quy mô nhằm tương xứng với uy quyềnđịa vị của tầng lớp thống trị. Thêm vào đó, giai cấp thống trị xã hội nỗ lực bành trưởng sức mạnh, giành quyền sở hữu vật chất cũng như con người, khiến hố thẳm giàu nghèo mỗi ngày mỗi sâu hơn, tư tưởng phân biệt chủ tớ càng mãnh liệt hơn, tạo ra vô số bất công trong xã hội. Từ đây, làn sóng đấu tranh giữa tầng lớp bị trị và tầng lớp thống trị nhằm kiếm tìm trật tự mới cho xã hội manh nha và ngấm ngầm phát triển. 

Sự khủng hoảng xã hội mang tính toàn diện như thế biểu lộ sự khát khao về một hệ tư tưởng sống mới nhàm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa xã hội cũng như trong thượng tầng kiến trúc của xã hội mà hệ tư tưởng Bàlamôn không còn kham nhẫn được trong vai trò lãnh đạo. Một số học giả như G.s. Ghurye và N. Dutt cho rằng, trên bình diện triết lý xã hội, đây là một cuộc xung độttranh giành địa vị của hai giai cấp thượng tầng của xã hội, tức Khattiya (chiến sĩ) và Brãhmana (giáo sĩ). Một số khác lại có ý kiến rằng nó là một sự bùng nổ của triết lý tự ngã (atman-self- individualism) thay cho tư tưởng đại ngã (Brãhma). Nhưng trong thực tế, đây là một cuộc cách mạng tư tưởng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của con người đương đại, và là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử triết học Ấn Độ. Nó đánh dấu một thời vàng son mới của một hệ thống triết học mang tính nhân đạo và nhân văn. 
Cũng cần lưu ý rằng, trong bước chuyển biến này, hệ tư tưởng Bà-la-môn đã phát triển những ý tưởng có gốc rễ từ các Samhitas, Đrãhamana và bước phát triển ấy đã tạo nên một hệ triết lý mới trong hệ thống văn học Veda, gọi là Upanisads (Áo Nghĩa Thư), có thể đáp ứng được nhu cầu thời đại. Song hành với thành quả trên, xã hội Ấn Độ ở thế kỷ thứ VI Tr.CN đã phát sinh nhiều dòng tư tưởng khác nhau, đối kháng lại hệ tư tưởng Veda, và chúng được gọi gộp chung thành một hệ tư tưởng mới gọi là Samana (S. Sramana tức Sa môn), bao gồm triết lý của sáu vị ngoại đạo sư và giáo lý Phật giáo.
 Như vậy xã hội Ấn Độ cổ đại trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời đã lâm vào tình trạng sự phân định giàu-nghèo trong xã hội đã ở mức tương phản gay gắt, thậm chí đến độ mâu thuẫn đối kháng. Cảnh lầm than, ly loạn hiện diện khắp nơi, tạo nên một tâm trạng xã hội đầy bi quan chán nản về cuộc sống trần thế, và từ đó cũng bật ra những câu hỏi lớn về thân phận con người, về nguyên nhân gây ra khổ đau. 
Là một người thông minh, có tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng nhân ái, Đức Phật đã được thời đại giao phó trọng trách trả lời thỏa đáng những câu hỏi lớn đó, và trong thực tế ông cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, không những đã trả lời một cách xác đáng chúng trong trình độ nhận thức của thời đại bấy giờ, mà hơn nữa, còn đề xướng phương cách chế ngự khổ đau ở mỗi cá nhân con người, hay nói cách khác là mở ra con đường "diệt khổ" cho chúng sinh (mà theo ông nhận thức là hoàn toàn đúng đắn, là duy nhất). Theo suy tưởng (hơi bị đúng!) của chúng ta thì chính trong quá trình nhận thức để thực hiện sứ mệnh đó, Đức Phật Thích Ca đã tiếp cận được nền tảng tư tưởng hàm chứa tính hợp lý cao độ nhưng cũng huyền bí về tự nhiên-xã hội của Đạo Gia phái, đồng thời tiếp thu luôn phương thức thiền, (cũng) lấy thiền làm "phương tiện" thiết yếu trên bước đường "giải thoát" tâm hồn khỏi khổ lụy.

Vì luận thuyết "diệt khổ" của Đức Phật Thích Ca-hay còn gọi là Đạo Phật- đã vạch ra được một cách thỏa đáng nguyên nhân gây ra mọi sự tàn ác và khổ đau trong xã hội Ấn Độ (và cả trong toàn xã hội loài người nói chung!), cũng như mở ra cho con người một lối sống giàu lòng nhân ái, thấm đẫm tình yêu thương đồng loại, phù hợp với trình độ hiểu biết đồng thời cũng thỏa mãn tâm nguyện của đại chúng nhân quần đương thời, cho nên nó đã nhanh chóng được truyền bá hầu khắp Ấn Độ ngay từ lúc mới xuất hiện. Sự thâm nhập sâu rộng một cách nhanh chóng vào đời sống xã hội của Đạo Phật đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của nó. Với sự phát triển mạnh mẽ có tính đột khởi đó, Đạo Phật đã làm lung lay, uy hiếp địa vị thống trị mang tính truyền thống về tư tưởng trong xã hội Ấn Độ của Đạo Bàlamôn, thậm chí là trong thực tế "có vẻ như" đã "tiếm quyền" đạo này trong một thời gian.
Để tránh nguy cơ bị tiêu vong và hơn nữa là để tạo khả năng nhằm giành lại quyền thống trị tư tưởng của mình, kể ra thì cũng tự nhiên thôi(!), Đạo Bàlamôn đã điều chỉnh lại mình theo hướng tiếp thu những ưu việt của Đạo Phật, trong đó có việc hòa nhập thiền vào yôga, coi thiền (dưới cái tên mới: raja yôga) là bộ phận hợp thành của hệ thống tu tập này...

Ngày nay quốc giáo Ấn Độ là Đạo Hindu. Vậy, Đạo Bàlamôn "đâu rồi" và Đạo Hindu từ đâu xuất hiện ra? Câu hỏi này làm cho cái đầu hoang tưởng đã mệt nhoài của chúng ta định nghỉ ngơi, lại "hăng tiết vịt" lên và tiếp tục...hoang tưởng thêm đôi điều nữa về Ấn Độ cổ đại.

                                                * * *
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét