KHÍ CÔNG THIỀN PHÁP (ĐL)
KHÚC THỤY DU - TUẤN NGỌC
KHÍ CÔNG THIỀN PHÁP
Sống phải thở!
Thở theo vọng
Vọng lay động
Cầu ước đời
Thường hụt hơi
Buồn vọng động!
Lòng muốn rộng
Thở theo thiền
Thiền buông, quên
Đời bực dọc
Thiền tự lọc
Thoát nhẹ người
Ngộ nhoẻn cười
Hồn giác lộng
Thiền như mộng
Lắng, vô lường
Thức yêu thương
Mừng hoa nở
Thiền là thở
Hòa đất trời
Sinh linh ơi
Đừng lạc thở!
Trần Hạnh Thu
Nhạc thiền không lời - tĩnh tâm - an nhiên - tự tại - cho giấc ngủ ngon
Tìm hiểu về thiền (Zen)
Cập nhật: 17/04/2017 Lượt xem: 3724
Tìm hiểu về thiền (Zen)
1. Thiền là gì?
Thiền (tĩnh lặng) là phép tĩnh tâm giúp loại trừ phiền não và khai mở tâm trí con người.
Đức phật ngồi thiền 49 ngày đêm, đến ngày 8/12/94 TCN vào lúc 3h sáng Đức Phật đã chứng ngộ được Tam minh và lục thông.
Tam minh: là ba khả năng của một người đã chứng quả Thánh. Sau khi nhập được vào Tứ thiền hoặc đắc được Đệ tứ Thánh quả thì người đó bắt buộc phải trải qua kinh nghiệm tam minh.
-
Túc mạng minh: Đầu tiên là nhớ lại toàn bộ quá khứ của mình với từng chi tiết nhỏ.
- Thiên nhãn minh: Kế đến là thấy sự luân chuyển sinh tử của vô số chúng sinh ở các cõi theo nghiệp duyên thiện ác.
- Lậu tận minh: Cuối cùng là thấy rõ bản chất đau khổ của sinh tử luân hồi, nguyên nhân của đau khổ, bản chất của Niết bàn, và con đường đưa đến Niết bàn.
- Thân như ý thông, còn gọi là Thần túc thông: Ẩn hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, chui vào trong núi... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
- Thiên nhãn thông: Nhìn thấy tất cả mọi hình sắc ở gần hay ở xa trong cả thế gian, nhìn thấy mọi hình tướng khổ vui của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
- Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.
- Tha tâm thông: Biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
- Túc mệnh thông: Biết được kiếp trước của chính bản thân mình và của chúng sinh trong lục đạo, từ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn vạn đời trước đều biết rõ, nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì...
- Lậu tận thông: lậu tức là kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Lậu tận thông là dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi, được giải thoát hoàn toàn.
2. Sơ lược lịch sử
Thiền tông, tiếng Nhật: zen-shū là tông phái Phật giáo Đại thừa xuất phát từ 28 đời Tổ sư Ấn độ và truyền bá lớn mạnh ở Trung Quốc. Thiền tông sinh ra trong khoảng thế kỉ thứ 6, thứ 7, khi Bồ-đề-đạt-ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc cùng với sự hấp thụ một phần nào đạo Lão. Nơi đây, Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích là hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, như Phật Thích-ca Mâu-ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ-đề. Tông phái này được đưa vào Việt Nam từ Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng có nguồn gốc ở Ấn Độ.
Thiền tông Trung Quốc được sáng lập trong thời kỳ Phật pháp đang là đối tượng tranh cãi của các tông phái. Để đối lại khuynh hướng "triết lý hoá", phân tích chi li Phật giáo của các tông khác, các vị Thiền sư bèn đặt tên cho tông mình là "Thiền" để nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp Toạ thiền để trực ngộ yếu chỉ.
Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả Toạ thiền để kiến tính, được coi là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt được như sau:
Giáo ngoại biệt truyền: Truyền giáo pháp ngoài kinh điển.
Bất lập văn tự: Không lập văn tự.
Trực chỉ nhân tâm: Chỉ thẳng tâm người.
Kiến tính thành Phật: Thấy chân tính thành Phật.
Bốn tính chất rất rõ ràng dễ nhập tâm này được xem là do Bồ-đề-đạt-ma nêu lên, nhưng cũng có người cho rằng chúng xuất phát từ Thiền sư đời sau là Nam Tuyền Phổ Nguyện, một môn đệ của Mã Tổ Đạo Nhất. Truyền thuyết cho rằng quan điểm "Truyền pháp ngoài kinh điển" đã do Phật Thích-ca áp dụng trên núi Linh Thứu. Trong pháp hội đó, Ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma-ha-ca-diếp, một đại đệ tử, mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của cách "Dĩ tâm truyền tâm", xem Niêm hoa vi tiếu. Phật Thích-ca ấn chứng cho Ca-diếp là Sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ. Từ đó, Thiền tông coi trọng tính chất Đốn ngộ, nghĩa là "giác ngộ ngay tức khắc", trên con đường tu học.
Thiền tông khởi nguyên từ Ấn Độ được truyền đến đời thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma. Ngày nay, người ta không còn tư liệu gì cụ thể về lịch sử các vị Tổ Thiền tông Ấn Độ, và thật sự thì điều đó không quan trọng trong giới Thiền. Điều hệ trọng nhất của Thiền tông là "tại đây" và "bây giờ".
Đầu thế kỉ thứ 6, Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc và được xem là Sơ tổ của Thiền tông tại đây. Sáu vị Tổ Thiền tông Trung Quốc là:
1. Bồ-đề-đạt-ma
2. Huệ Khả
3. Tăng Xán
4. Đạo Tín
5. Hoằng Nhẫn
6. Huệ Năng
Trong suốt thời gian từ đó đến Lục tổ Huệ Năng, Phật giáo và Lão giáo đã có nhiều trộn lẫn với nhau, nhất là trong phái Thiền đốn ngộ của Huệ Năng, phát triển tại miền Nam Trung Quốc. Một phái Thiền khác ở phía Bắc, do Thần Tú chủ trương, chấp nhận "tiệm ngộ" — tức là ngộ theo cấp bậc — không kéo dài được lâu. Phái Thiền của Huệ Năng phát triển như một ngọn đuốc chói sáng, nhất là trong đời nhà Đường, đầu đời nhà Tống và sản sinh vô số những vị Thiền sư danh tiếng như Mã Tổ Đạo Nhất, Bách Trượng Hoài Hải, Triệu Châu Tòng Thẩm, Lâm Tế Nghĩa Huyền... và truyền ra các nước khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thiền phương Nam dần dần chia thành Ngũ gia thất tông, "năm nhà, bảy tông", đó là những tông phái thường chỉ khác nhau về cách giáo hoá, không khác về nội dung đích thực của Thiền. Ngũ gia thất tông gồm Tào Động tông, Vân Môn tông, Pháp Nhãn tông, Quy Ngưỡng tông, Lâm Tế tông và hai bộ phái của Lâm Tế là Dương Kì phái và Hoàng Long phái.
Thiền tông tại Nhật Bản
Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền
Trong các tông phái này thì có hai tông Lâm Tế và Tào Động du nhập qua Nhật trong thế kỉ 12, đầu thế kỉ 13, đến nay vẫn sinh động và còn ảnh hưởng lớn tới Thiền thời nay. Khoảng đến đời nhà Tống thì Thiền tông Trung Quốc bắt đầu suy tàn và trộn lẫn với Tịnh Độ tông trong thời nhà Minh (thế kỉ 15). Trong thời gian đó, Thiền tông đúng nghĩa với tính chất "dĩ tâm truyền tâm" được xem như là chấm dứt. Lúc đó tại Nhật, Thiền tông lại sống dậy mạnh mẽ. Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền , người đã đưa tông Tào Động qua Nhật, cũng như Thiền sư Minh Am Vinh Tây, Tâm Địa Giác Tâm, Nam Phố Thiệu Minh và nhiều vị khác thuộc phái Lâm Tế đã có công thiết lập dòng Thiền Nhật Bản. Giữa thế kỉ 17, Thiền sư Trung Quốc là Ẩn Nguyên Long Kì sang Nhật thành lập dòng Hoàng Bá, ngày nay không còn ảnh hưởng. Vị Thiền sư Nhật xuất chúng nhất phải kể là Bạch Ẩn Huệ Hạc, thuộc dòng Lâm Tế, là người đã phục hưng Thiền Nhật Bản trong thế kỉ 18.
Thiền tông tại Việt Nam
Phật giáo truyền vào Việt Nam từ rất sớm, trước cả Trung Quốc với trung tâm Phật giáo quan trọng tại Luy Lâu. Và theo đó, Thiền tông Ấn Độ cũng được truyền bá vào Việt Nam trước tiên, với các thiền sư như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, nổi danh tại Trung Quốc từ trước thời Bồ-đề-đạt-ma. Họ đều từng có nhiều năm tu tập tại Việt Nam trước khi truyền đạo tại Trung Quốc, chứng minh cho sự phát triển rực rỡ của Thiền tông tại Việt Nam ở thế kỷ thứ 2 và thứ 3.
Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam lần đầu bởi Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi, vốn đắc pháp nơi Tam tổ Tăng Xán. Sau đó, đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải là Vô Ngôn Thông sang Việt Nam truyền tông chỉ Huệ Năng. Thiền sư Thạch Liêm, tông Tào Động đời thứ 29, là người đầu tiên truyền tông Tào Động sang miền Trung Việt Nam. Người truyền tông chỉ Tào Động sang miền Bắc lần đầu là Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt, pháp hệ 35. Tông chỉ của tông Lâm Tế được Thiền sư Nguyên Thiều truyền sang miền Trung lần đầu, và Chuyết Công Hoà Thượng là người truyền tông Lâm Tế sang miền Bắc. Vân Môn tông được Thiền sư Thảo Đường, đệ tử của Tuyết Đậu Trọng Hiển truyền sang Việt Nam.
3. Đặc điểm của thiền
Thiền bắt nguồn từ Ấn Độ nhưng đã trở thành một tông phái độc lập khi được truyền sang Trung Quốc, đặc biệt là sau thời của Lục tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thiền tông đã hấp thụ cốt tuỷ của nền văn hoá, triết lý Trung Quốc. Nhà Ấn Độ học và Phật học người Đức Hans Wolfgang Schumann viết như sau trong tác phẩm Đại thừa Phật giáo:
"Thiền tông có một người cha Ấn Độ nhưng đã chẳng trở nên trọn vẹn nếu không có người mẹ Trung Quốc. Cái 'dễ thương', cái hấp dẫn của Thiền tông chính là những thành phần văn hoá nghệ thuật, những đặc điểm sắc thái riêng của Trung Quốc, không phải của Ấn Độ. Những gì Phật giáo mang đến Trung Quốc — với tư tưởng giải thoát tuyệt đối, trình bày một cách nghiêm nghị khắt khe với một ngón tay trỏ chỉ thẳng — những điều đó được các vị Thiền sư thừa nhận, hấp thụ với một nụ cười thầm lặng đầy thi vị. Thành tựu lớn lao của các Đại luận sư Ấn Độ là nhét 'con ngỗng triết lý' vào lọ, thì — chính nơi đây, tại Trung Quốc — con ngỗng này được thả về với thiên nhiên mà không hề mang thương tích".
Thiền, như các vị Thiền sư nhấn mạnh, là trở về với tự nhiên, không hẳn là sự phản đối truyền thống như những học giả sau này thường xác định. Thiền tông phản bác, vứt bỏ những nghi thức rườm rà, những bài luận khó hiểu, bất tận nhưng không phủ nhận nội dung, tinh hoa của chúng. Thiền tông chính là sự tổng hợp độc đáo của hai giáo lý, hai học thuyết nền tảng của Đại thừa Ấn Độ, đó là Trung quán và Duy thức. Người ta có thể hiểu phần nào những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hoá "mâu thuẫn", "nghịch lý" của các vị Thiền sư nếu nắm được giáo lý của Trung quán và Duy thức. Trong các tập công án của Thiền tông, người ta có thể nhận ra hai loại:
1. Những công án xoay quanh thuyết Thật tướng của Trung quán tông, tức là tất cả đều là Không. Công án danh tiếng nhất với thuyết tính Không là Con chó của Triệu Châu: Tăng hỏi Triệu Châu: "Con chó có Phật tính không?" Triệu Châu trả lời: "Không!".
2. Những công án với khái niệm "Vạn pháp duy tâm" của Duy thức tông. Một công án danh tiếng theo thuyết Duy thức: Hai ông tăng cãi nhau về phướn (một loại cờ). Một ông nói: "Phướn động", ông kia nói: "Gió động", và cứ thế tranh cãi. Lục tổ Huệ Năng liền nói: "Chẳng phải gió, chẳng phải phướn, tâm các ông động". Nghe câu này, hai vị giật mình run sợ.
Thiền tông thời cận đại và hiện đại
Thiền tông chính thức truyền sang Hoa Kỳ do Thiền sư Thích Tông Diễn, cũng được gọi là Hồng Nhạc Tông Diễn vào năm 1893. Người có công rất lớn truyền bá rộng rãi Thiền tông ở các nước phương Tây lại là Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966), môn đệ của Thích Tông Diễn. Bộ "Thiền luận" ba tập do Daisetz Teitaro Suzuki viết đã rất thành công trong hai thập niên 1950 và thập niên 1960. Đến nay, tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có bản dịch tiếng Việt. Hiện bản dịch này của Thích Tuệ Sỹ và Trúc Thiên có thể được tìm thấy trên mạng Internet ở một số website về Phật giáo.
Các thực nghiệm Thiền cũng đã thay đổi để đáp ứng tư tưởng và bản năng người Tây phương. Khái niệm Zen đối với người Tây phương chẳng những đã không còn xa lạ mà còn thâm nhập cả vào nếp sinh hoạt. Hàng trăm tác phẩm văn hóa, khoa học, nghệ thuật, triết lý và thiết kế đã đặt thêm chữ "Zen" vào trong tựa đề.
Tuy không trở lại thời vàng son của thế kỉ thứ 7, thứ 8, Thiền tông vẫn luôn luôn gây được một sức thu hút mãnh liệt nơi tín đồ Phật giáo và đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật Đông Á.
Danh từ Thiền tông
Trong đạo Phật, dù là Nguyên thủy hay Ðại thừa cũng đều có áp dụng pháp Thiền vì đó là một đặc tính quan trọng của đạo Phật. Thiền tông tuy cũng áp dụng pháp Thiền như các tông khác trong đạo Phật, nhưng đã phát triển theo một đường lối riêng nên trở thành một tông phái riêng biệt trong 10 tông phái của đạo Phật là: Câu xá tông, Thành thiệt tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Thiền tông, Mật tông, và Tịnh độ tông (theo: Phật giáo khái luận). Có khi Thiền tông còn được gọi bằng những tên khác như: Thiền Như Lai Tối Thượng, Thiền Như Lai Thanh Tịnh, Thiền Tổ Sư, Thiền Ðốn Ngộ, Thiền Ðạt Ma, Thiền Tự Tánh Thanh Tịnh, Tâm Tông ... Ðặc điểm của Thiền tông là: "Thiền tông lấy phương diện hoạt động hiện thực làm chủ nghĩa để phát khởi. Ðó là đặc sắc rất lớn của Ðạt Ma Thiền, đã từ các Thiền phái làm nổi bật một sắc thái riêng để rồi không bao lâu đã trở thành một phái độc lập". (Trích: Ðại thừa Phật giáo Tư tưởng luận). Ðể chỉ về Thiền tông thì các tác giả Trung Hoa dùng danh từ "Chan", các sách bằng Anh ngữ dùng danh từ Zen (tiếng Nhật), như vậy rất rõ ràng và phân biệt được đối với các pháp Thiền khác. Nếu chúng ta dùng danh từ Zen để chỉ Thiền tông thì tránh được những lẫn lộn với những pháp Thiền khác.
Ðường lối Thiền tông
Ðặc điểm của Thiền tông có thể được thu gọn trong bốn câu của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma: "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật." (Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Ðường lối tu hành của Thiền tông rất là độc đáo, tuy thật là đơn giản nhưng cũng khó hiểu. Ðơn giản là vì phương pháp tu chỉ là "thấy Tánh". Chính vì đơn giản nên gây nhiều điều khó hiểu. Chúng ta thử làm quen thẳng với những điều khó hiểu của Thiền tông. Câu chuyện nổi tiếng về Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma :
"Tăng Thần Quang hỏi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma:
- Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.
- Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.
- Con tìm tâm không được.
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi." (trích: Tổ Thiền tông) Ngay đó Thần Quang được khế ngộ. Sau này Tổ đổi tên ngài Thần Quang là Huệ Khả, tức là vị Tổ thứ hai tại Trung Hoa. Trong cuốn "Trung Hoa Chư Thiền Ðức Hành Trạng" chúng ta gặp rất nhiều những lời đối đáp tương tự cho thấy phương pháp chỉ dạy của Thiền tông rất là khó hiểu, các Tổ thường không có giảng giải chi tiết nhiều, lắm khi lại còn không nói một câu mà lại dùng tiếng hét, hoặc những hành động như giơ cây phất trần, giơ một ngón tay, dương cung, bóp mũi ...
Ðó chính là áp dụng câu "bất lập văn tự", tránh những lời nói nhiều, đôi khi cũng phải dùng văn tự để giáo hóa nhưng mục đích vẫn là làm cho người học hỏi không bị vướng mắc vào văn tự mà phải quay vào chính mình để tìm cho ra chân lý. Cho nên khi tổ Huệ Khả xin tổ Bồ Ðề Ðạt Ma chỉ cho phương pháp "an tâm" thì tổ chỉ nói: " Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho" , thay vì giảng rõ ràng thế nào là tâm, tu hành thế nào để an được tâm đó, đây cũng là áp dụng câu "giáo ngoại biệt truyền". Câu đó khiến cho tổ Huệ Khả phải đi tìm coi cái tâm đó ra sao, nó từ đâu mà có, biến chuyển ra sao và khi đã thấy rằng tâm đó chỉ là cái tâm vọng, huyễn hóa, không có một thực thể, nên mới có thể trả lời rằng: "Con tìm tâm không được". Chính khi đã hiểu được thực tánh của cái tâm vọng đó là đã thấy được phương pháp an tâm rồi.
Theo Thiền tông, sự hiểu biết do thực tự mình suy ra mới thật là của mình, mới có ảnh hưởng thâm sâu, còn nếu được nghe giảng giải, hoặc đọc hiểu kinh điển lầu lầu thì tuy thuộc lòng đó nhưng rồi chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan "giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng, nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực" (trang 11) nên việc tu hành chưa được kết quả nào và bị dâm nữ Ma Ðăng Già quyến rũ. Cái "thấy", thấy biết, của người tự mình tìm ra khác rất xa với cái "thấy" của những người nghe người khác nói hoặc theo sách vở. Muốn "thấy Tánh" (kiến Tánh) chỉ có cách là phải tự mình "thấy", nương theo lời chỉ dẫn và thực nghiệm cho đúng, chứ nếu chỉ nhớ xuông, thuộc cho kỹ, nói thao thao, chỉ là cái hiểu, cái thấy "vay mượn". Kinh nghiệm thực tế là khi chúng ta còn ở nhà trường, nếu chúng ta tự giải được một bài toán thì đó là đã hiểu, còn nếu thầy giáo giải sẵn cho ta thì tuy hiểu đó nhưng sau này gặp bài toán tương tự cũng khó mà giải nổi. Cho nên có Thiền sư đã nói: những gì từ ngoài đem vào, không phải là của báu của mình. Ðó cũng có khi được so sánh như "mặc áo của hàng xóm", hoặc nói theo thời nay "mặc áo thuê", cũng có khi nói "đếm tiền cho ngân hàng", vì đếm cả ngàn, cả triệu đồng rồi khi về nhà vẫn hoàn tay không.
Cái hiểu biết do vay mượn từ lời nói, chữ nghĩa không thể có tác dụng bền vững, khi gặp duyên thì "thấy", khi duyên hết thì nó cũng hết theo, hoàn toàn có tính cách vô thường. Thiền sư Hoàng Bá (?-850) có lần gọi một vị tăng là "người chỉ biết giảng nghĩa theo văn" mà thực sự chẳng đạt được gì. Thiền sư Hoàng Bá còn nói "kẻ cầu tri kiến (biết, thấy) thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít".
Đặc sắc của thiền tông
Sở dĩ nói đặc sắc Thiền tông, chính là đặc sắc của Phật giáo, là do chịu ảnh hưởng bối cảnh văn hóa Trung Quốc. Nhìn chung, bối cảnh văn hóa Trung Quốc có hai dòng tư tưởng cổ đại đó là: Nho giáo và Lão giáo. Nho giáo thì chú trọng sự quan hệ luân thường đạo lý giữa người với người trong xã hội; còn Lão giáo thì chú trọng giữa con người và tự nhiên phải điều hòa thống nhất.
Sự hưng khởi và phạm vi hoạt động của Nho giáo phần lớn là ở vùng Hoàng Hà khí hậu khắc nghiệt trải dài đến phương Bắc. Còn cái nôi của Lão giáo là ở phương Nam Trung Quốc khí hậu tương đối ôn hòa, có sản vật phong phú và phong cảnh núi sông hữu tình. Do được vun đắp từ 2 bối cảnh sinh hoạt bất đồng nên mới hình thành hai nền văn hóa cũng hoàn toàn khác nhau.
Thiền Tông Trung Quốc là sự thiết lập thích ứng giữa nhân văn và hoàn cảnh của hai nền văn hóa bất đồng này. Vì thế mới xuất hiện diện mục Phật giáo hoàn toàn mới. Chúng ta biết, trong lĩnh vực Tôn giáo Ấn Độ thời cổ đại, vốn sẳn có chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan và hưởng lạc cực đoan, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tổng hợp hai loại cực đoan nầy mà chọn ra con đường Trung đạo. Phật giáo khi truyền đến Trung Quốc, vì để thích ứng về sự chú trọng luân thường của Nho giáo và sự thuận theo tự nhiên của Lão giáo, nên đem tinh thần giới luật phối hợp với đạo đức trong cuộc sống của Nho giáo, lại lấy nội dung của thiền định và trí huệ dụ dẫn chủ nghĩa tự nhiên của Lão giáo. Giới luật, khiến cho sự sinh hoạt trong Phật giáo đồ được chính trực thanh tịnh; còn thiền định và trí huệ khiến cho nội tâm của người tu hành được an nhiên tự tại. Nhân đây, mà người tu tập thiền định nếu không hiểu, nhân vì xuôi theo tự nhiên mà lại biến thành những trường hợp tiêu cực, trốn tránh hiện thực, hoặc đùa giỡn với đời, cũng không biết do quá câu chấp vào những điều nhỏ của giới luật mà biến thành quá cứng ngắc. Ngoài ra nếu biết dung hội thì cho dù ở trong sự sinh hoạt hàng ngày vẫn hoạt bát linh động vẫn có thể biểu hiện được tinh thần tu tập nghiêm túc tinh cần. Các đại sư trong thiền tông ngẫu nhiên quan niệm phủ định tất cả hình thức giáo điều và tư tưởng trên, đồng thời nhấn mạnh bảo trì “bình thường tâm”, lấy đây làm nguyên tắc tinh thần tu tập và đem tâm bình thật hằng thường, vượt qua sự chánh thường sinh hoạt của người bình thường. Các Thiền Sư dù có vượt qua những năng lực và kinh nghiệm tông giáo tầm thường, nhưng tuyệt nhiên không dễ dàng biểu lộ, cho nên hình thái và quan niệm của các thiền sư trong thiền tông cùng với thiền quán thời kỳ đầu ở Trung Quốc thật bất đồng.
Lại do nền tảng kinh tế xã hội Trung Quốc từ xưa đến nay ngoài những thành phần một số ít là quan chức, công thương doanh nghiệp, đại đa số đều là sống nhờ vào nông nghiệp. Tuy nhiên, còn có bộ phận là những bậc cao nhân ẩn sĩ, thế thì cũng sống bằng phương pháp tự mưu sinh trồng trọt ở vùng rừng núi.
Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc, các Tăng lữ Phật giáo bèn cải biến phương thức tu hành nương vào khất thực để sống, cũng không thể mãi mãi nương vào sự cúng dường của thí chủ và sự chu cấp của chính phủ, hoặc có khi nền kinh tế xã hội bị sa sút thì Tăng lữ Phật giáo Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng trong đời sống. Giả như chỉ trông mong nương vào chính sách ủng hộ của chính phủ, hoặc sự cúng dường của thí chủ thì chắc chắn sẽ trở ngại khó khăn. Do đó, mỗi khi khảo nghiệm phương thức sinh hoạt thì liền dẫn đến tình trạng không yên định trong cuộc sống, nhân thế mà việc Phật giáo ở trong thâm sơn cùng cốc thay vì chỉ nhờ vào sự cúng dường của thí chủ thì liền thay đổi phương thức. Do đó mà Tổ Bách Trượng Hoài Hải đặt ra những qui chế nông canh trong sinh hoạt của tòng lâm. Các vị ấy, chủ yếu lấy việc trồng trọt nông điền làm nguồn sống, còn việc cúng dường của thí chủ thì thuộc về phần thứ yếu. Thế nhưng Thiền Sư Hoài Hải cũng bị những vị thủ cựu đương thời mắng trách là Tỳ kheo phá giới. Nhân vì họ cho là Tăng sĩ Ấn Độ chuộng việc khất thực là phương thức cao thượng, cho nên không chủ trương những phương thức khác trong vấn đề nhu cầu y thực. Thế nhưng, từ đời Đường đến Ngũ Đại (tức thế kỷ thứ IX CN) trở về sau, Phật giáo vẫn còn tiếp tục và phát triển vững mạnh trên lãnh thổ Trung Quốc, một phần lớn là do Thiền Sư Hoài Hải sáng lập ra chế độ sinh hoạt nông thiền mà ra.
4. Một số phương pháp thiền
4.1. Ngồi thiền như thế nào cho đúng cách, đúng phương pháp
Tọa thiền cần một căn phòng yên tĩnh. Ăn uống chừng mực, giảm thiểu những mối giao tiếp thế sự. Chớ tính toán nghĩ suy phải quấy, tốt xấu, cũng không theo bên này chống bên kia. Hãy dừng lại mọi tạo tác vận hành của tâm thức, ngay cả ý niệm muốn thành Phật cũng nên dập tắt. Điều này vẫn đúng không chỉ trong thời tọa thiền mà suốt mọi động tác trong ngày.
Bạn nên bắt đầu tọa thiền vào buổi sáng sớm thức dậy, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu bạn chọn thực tập trước khi ngủ sẽ bất lợi vì bạn sẽ dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc suốt một ngày làm việc tồn đọng lại trong đầu bạn biết bao tạp niệm chưa giải quyết. Bạn nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi.
Trước hết trải một tấm nệm vuông dày khoảng 2 inches (toạ cụ), ngay giữa đặt lên trên một cái gối ngồi nhỏ (bồ đoàn) để ngồi. Nếu không có bồ đoàn bạn có thể dùng một cái gối thường gấp đôi lại. Nửa mông sau đặt trên bồ đoàn và ngồi ngay thẳng vững vàng. Có nhiều cách ngồi, nhưng với những người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Những người thường mặc Âu phục rất khó ngồi bán kiết già hay toàn kiết già, có thể ngồi thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.
Ngồi kiểu Miến Điện
Cách thứ nhất và đơn giản nhất là cách ngồi kiểu Miến Điện (Burmese position), cả hai chân xếp chéo nhau đặt đều trên đệm:
Tư thế bán kiết già là đặt chân trái lên đùi phải. Tuy nhiên có thể thay đổi, chân trái có thể đặt dưới và chân phải đặt trên đùi trái.
Tư thế toàn kiết già là hai chân được khoá vào nhau, trước hết đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu hơn. Còn bàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chõ vừa ôm hông là được .
Ngồi kiểu Nhật Bản (Seiza position)
Tư thế ngồi này là ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế. Cũng có thể dùng một cái gối nhỏ đặt lên trên hai chân và mông ngồi trên đó.
Sau cùng là cách ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt trên mặt thảm. Cũng có thể ngồi trên bồ đoàn đặt trên ghế. Tư thế lưng cũng giống như các thế ngồi trên.
Chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tay đối xứng hai bả vai, mắt mở 1/3 nhìn không quá 5 tấc với một góc độ vừa phải (45 độ) (nếu mắt nhắm hoàn toàn sẽ dễ bị ngủ, còn mở rộng quá thì sẽ dễ bị toán loạn vì nhìn thấy ngoại cảnh). Gương mặt bình thản, miệng hơi mỉm để cho các cơ bắp trên mặt được giãn ra. Điều này rất cần thiết cho hệ thần kinh.
Thở Vào Ra Trong Lúc Toạ Thiền
Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng. Miệng ngậm lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều, nhè nhẹ không cố gắng.
Điều quan trọng của toạ thiền là tâm tọa tức là làm thế nào để tâm không còn đi dong duổi ta bà, hết nơi này đến chốn khác. Nhưng muốn tâm toạ chúng ta phải làm thế nào? Trên nguyên tắc, chúng ta phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu, mới bắt đầu từ nhiều niệm về ít niệm rồi về một niệm và sau cùng là không còn một niệm nào. Từ từ, tâm chúng ta được trong sáng hơn và từ sự vắng bặt niệm, tự nhiên bộc phát sự hiểu biết sáng suốt. Không một niệm trong đầu chính là đối tượng của thiền. Có rất nhiều phương pháp khác nhau và Pháp Thở là bước căn bản, là bài học vỡ lòng của các pháp thiền tập.
Bước đầu tiên là phải đếm hơi thở để trú tâm nơi hơi thở
Hòa thượng Giới Đức dạy như sau: "Khi hơi thở hít vô rồi thở ra, đếm 01. Hơi thở hít vô, thở ra, đếm 02... Đếm cho đến 10. Đếm 10 xong trở lại đếm 01, 02 rồi đến 10. Cứ trở lui, trở tới con số 01 đến 10 ấy. Đừng xem thường, hãy chú tâm liên tục mà đếm, nó dễ quên lắm đấy. Có người vừa mới đếm 3,4 hơi thở là cái tâm đã chạy đi đâu mất tiêu! Đếm đúng và nhớ số đếm liên tục, đừng quên. Khó lắm đấy, đừng xem thường. Lưu ý, là đếm theo “hơi thở thực”, chứ không phải đếm theo “quán tính”. Đếm theo hơi thở thực là khi đếm, cái tâm nó gắn khít với hơi thở. Đếm theo quán tính là đếm một cách máy móc, đếm theo tưởng của mình chứ không liên hệ gì với hơi thở thực cả. Hai các hoàn toàn khác nhau đấy! Đếm theo hơi thở thực mới đúng. Nhớ là khi quên chỗ nào, lầm lộn chỗ nào thì phải trở lại từ đầu. Mục đích của đếm hơi thở là cột tâm vào số đếm, vào hơi thở ấy để cho tâm khỏi chạy nhảy lung tung.
Cứ đếm đến 10, trở lại 01 đến 10 hoài như vậy cho đến lúc thấy rõ ràng mình không còn quên số đếm thì tâm đã bắt đầu an trú. Vậy là chúng ta đã thành công giai đoạn một, nghĩa là đã bước qua Sổ Tức Môn để bắt đầu đi vào Tuỳ Tức môn. Sau khi thành công, chúng ta bước qua giai đoạn kế tiếp là theo dõi hơi thở.
Thở là sự sống, là năng lực sống còn, là tâm điểm các hoạt động của cơ thể chúng ta. Tâm và hơi thở của chúng ta là một: khi chúng ta tức bực, hơi thở trở nên hổn hển, khi tâm chúng ta cảm thấy an lạc thoải mái, hơi thở trở nên điều hoà, dễ chịu. Vì thế chúng ta cần điều hoà hơi thở một cách tự nhiên qua lỗ mũi và chú tâm vào cảm thọ về hơi thở nơi đan điền (phần bụng dưới rốn), hoặc là hơi thở vào ra nơi hai lỗ mũ (chỉ nên chọn một). Cảm thọ này là mục đích thiền tập cơ bản của chúng ta. Khi tâm chúng ta nghĩ chuyện khác, chúng ta nên tức khắc gọi nó trở về với hơi thở vào ra. Thân ở đâu thì tâm ở đó.
Do vì mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp tu nào áp dụng chung cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụng. Một số những pháp môn này như sau:
- Quán tưởng: chú tâm quán sát sâu xa về một đề mục rút trong giáo lý.
- Trì chú: chú tâm tụng niệm những câu chú gồm những chữ bí ẩn.
- Niệm Phật: chú tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà.
- Tham thiền: chú tâm tham một công án hoặc một thoại đầu.
Chúng tôi liệt kê chi tiết một số pháp môn thiền hiện hành như sau:
- Thiền Tại Hiện (Here and Now Meditation)
- Thiền Niệm Phật
- Thiền Tây Tạng
- Thiền Minh Sát: Mahasi Sayadaw
- Thiền Quán: Ajahn Chah
- Thiền Tào Động (Mặc Chiếu)
- Thiền Công Án
- Thiền Thoại Đầu ..
Nhưng, dù là pháp nào chăng nữa thì việc thực hành cũng là trình tự đưa tâm từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi về nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, rồi liễu tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man, liên tục của ý thức. Nhà Phật quan niệm rằng sự suy nghĩ liên tục, miên man, của ý thức, còn gọi là "tâm viên ý mã", tức là tâm ý vọng tưởng chạy nhảy như con vượn, con ngựa, có tác hại là đã che mờ mất Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã.
4.2. Phương pháp Thiền định Anapanasati
Từ Anapanasati trong tiếng Pali có nghĩa là đem toàn bộ sự chú ý và tỉnh thức vào hơi thở tự nhiên, nhẹ nhàng của chính mình.
“ ana … có nghĩa là … ‘hít vào’ “
“ pana … có nghĩa là … ‘thở ra’ “
“ sati … có nghĩa là … ‘hợp nhất với hơi thở’ “
Sự chú ý của tâm trí phải luôn được đặt
vào hơi thở nhẹ nhàng và tự nhiên. Nhiệm vụ đơn giản chỉ là tận hưởng và
tỉnh thức với hơi thở.“ sati … có nghĩa là … ‘hợp nhất với hơi thở’ “
Không có bất kỳ câu thần chú nào, không tụng niệm, không có bất kỳ vị Thánh nào trong tâm trí. Không cố ý hít thở cũng chẳng có bất kỳ tư thế uốn éo nào cả…
Ngồi ở bất kỳ tư thế nào cảm thấy thoải mái nhất. Càng thoải mái càng tốt. Đan các ngón tay lại. Mắt phải nhắm.
Điểm then chốt là làm cho tạp niệm lắng xuống, dừng các suy nghĩ lan man. Đừng quan tâm đến bất kỳ điều gì. Nếu có điều gì tự nhiên đến hãy để nó tự nhiên đi bằng cách quay về quan sát hơi thở của chính mình.
“Khi chúng ta dõi theo hơi thở, tâm trí sẽ trở nên gần như trống rỗng. Và, một nguồn năng lượng vũ trụ to lớn sẽ tràn vào cơ thể. Dần dần, con mắt thứ 3 sẽ được khai mở. Các trải nghiệm của sự tỉnh thức toàn thể vũ trụ sẽ đến”.
4.3. Thiền Vipassana
Phương Pháp
Vipassana, nghĩa là thấy sự việc đúng như thật, là một trong những pháp môn thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Phương pháp này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung cho nhân loại, nghĩa là, một Nghệ Thuật Sống.Phương pháp không tông phái này nhằm để diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của sự hoàn toàn giải thoát. Mục đích của nó là để chữa trị, không chỉ riêng bệnh tật, nhưng cốt yếu là để chữa trị khổ đau của con người.
Vipassana là đường lối tự chuyển hóa bằng tự quan sát. Nó chú trọng đến sự tương quan mật thiết giữa tâm và thân, là điều có thể cảm nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm đến những cảm giác thực thụ trên thân, nó luôn luôn liên hệ và chi phối tâm. Căn cứ vào sự quan sát này, và hành trình tự khám phá đi vào gốc rễ chung của tâm và thân để xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, đưa đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.
Những định luật khoa học chi phối ý nghĩ, cảm tưởng, phán đoán, và cảm giác của con người trở nên rõ ràng. Qua trực nghiệm, trạng thái làm sao ta tiến bộ hoặc thoái hóa, làm sao ta bị khổ hay làm cho ta hết khổ sẽ được hiểu rõ. Cuộc đời được xác định bằng cách gia tăng ý thức, không ảo tưởng, tự chế và an lạc.
Truyền Thống
Từ thời của Đức Phật, Vipasssana được lưu truyền, cho tới ngày nay, qua một chuỗi liên tục những thiền sư. Mặc dù là người Ấn độ, vị thiền sư hiện nay, Ông S.N. Goenka, sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian sống tại đây, Thiền sư có diễm phúc được thụ huấn Vipassana từ sư phụ, Sayagyi (Đại thiền sư) U Ba Khin, lúc đó là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Sau khi tu tập với sư phụ được mười bốn năm, Thiền sư Goenka trở về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu truyền dạy Vipassana vào năm 1969. Từ đó Thiền sư đã giảng dạy cho hàng chục ngàn thiền sinh thuộc mọi chủng tộc, mọi tôn giáo cả ở Đông phương lẫn Tây phương. Vào năm 1982 Thiền sư bắt đầu bổ nhiệm những thiền sư phụ tá để giúp thỏa mãn nhu cầu càng ngày càng gia tăng về những khóa Thiền Vipasana.Khóa Thiền
Phương pháp thiền được giảng dạy trong những khoá thiền nội trú mười ngày trong đó người tham dự tuân theo Nội Quy của Khóa Thiền, học hỏi những căn bản của phương pháp, và thực tập nghiêm chỉnh để đạt được kết quả hữu ích.Khóa thiền gồm có ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất, trong suốt khóa thiền, tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và say sưa. Điều lệ giản dị về đạo đức này dùng để an tâm, nếu không tâm sẽ quá vọng động để làm công việc tự quan sát.
Giai đoạn kế tiếp là để phát triển việc làm chủ được tâm bằng cách giữ sự chú ý vào một thực thể tự nhiên thay đổi không ngừng của làn hơi thở vào ra nơi lỗ mũi. Vào ngày thứ tư tâm được an tĩnh và chăm chú hơn, để có thể thực tập Vipassana một cách dễ dàng hơn: quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác, và phát triển được sự bình tâm bằng cách biết không phản ứng lại cảm giác.
Sau hết, trong suốt ngày cuối cùng, thiền sinh học phương pháp thiền từ tâm và thiện chí đối với mọi người, trong đó sự thanh tịnh phát triển trong khóa thiền được san sẻ với mọi chúng sinh.
Nguồn:
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BB%81n_t%C3%B4ng
2. http://tuvien.com/to_su_thien/show.php?get=1&id=tamthai-thien-tt
3. http://vnbet.vn/cac-tong-phai-dao-phat/thien-tong-lich-su-6917.html
4. http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbthn079.htm
5. http://chuahoiphuoc.net/tu-sach/thien-va-thien-tong/-
Nhận xét
Đăng nhận xét