TT&HĐ I - 8/d


 
LÃO TỬ ĐẠO ĐỨC KINH phần ĐỨC

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
CHƯƠNG VIII: HOÀNG LÃO


Không biết mà nói là ngu, biết mà không nói là hiểm.
 
                                                                                                                                         CHU-HI
Ở đời cái gì thung dung thì còn, cấp bách quá thì mất. Việc mà thung dung thì có ý vị. Người mà thung dung thì sống lâu.
Làm việc nghĩa chớ kể thiệt hại. Luận anh hùng chớ kể hơn thua.
Tâm niệm trầm tĩnh thì lẽ gì nghĩ chẳng tới. Chí khí cao rộng thì việc gì làm chẳng xong.
Tầm thuật quý nhất là sáng suốt. Tướng mạo quý nhất là chính đại. Ngôn ngữ quý nhất là giản dị, Chân thật.
Khí kiêng nhất là hung hăng. Tâm kiêng nhất là hẹp hòi. Tài kiêng nhất là bộc lộ.
Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ.Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ.
Việc sắp xảy ra mà ngăn được, việc đang xảy ra mà cứu được, đó là quyền biến. Chưa có việc mà biết việc sắp đến, mới có việc mà biết được việc sau, có tài năng. Định việc mà biết việc xảy ra thế này, thế nọ, như vậy là biết lo xa. Người như thế là người có kiến thức rộng rãi.
                                                                                                                                                                                                                LÃ-TƯ-PHÚC
 
Khiến người ta nể lời, Không bằng khiến người ta tin lời. 


Khiến người ta tin lời, Không bằng khiến người ta vui vẻ nhận lời. 


Đem họa phước mà răn dọa là khiến người ta sợ. 


Đem lý lẽ mà răn dụ là khiến người ta tin 


Dùng tâm lý mà giác ngộ là khiến người ta vui lòng mà nghe theo.
                                                                                                                        
                                                                                                               VƯƠNG DƯƠNG MINH


Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ.
Biết người là trí, biết mình là sáng
Không có lỗi nào to bằng ham muốn; Không có tai hoạ nào to bằng không biết đủ.
Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình.
Lời thành thật thì không đẹp; Lời đẹp thì không thành thật.

 
                                                                                                      LỄ KÝ
 



“Lời của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta. Người hiểu ta rất ít, người theo ta được là rất hiếm. Cho nên thánh nhân mặc áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.”

Lão Tử




(Tiếp theo)



                                                                                     ***

Bây giờ chúng ta nói sang nhân sinh quan Hoàng Lão.

Toàn bộ quan niệm về nhân sinh - hành vi của Lão Tử đều lấy Vũ Trụ quan của ông làm cơ sở lý luận. Theo Lão Tử thì “Đạo sinh ra vạn vật”, do đó con người cũng sinh ra từ Đạo. Hay nói cách khác con người sinh ra từ Tự Nhiên, sống trong Tự Nhiên và chết về Tự Nhiên, giống như vạn vật, và như thế cũng chẳng có gì đặc biệt, cũng chỉ là lẽ thường tình. “Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm” là câu bộc lộ rõ rệt cái quan niệm duy vật, vô thần triệt để của Lão Tử. Ngày xưa người ta dùng rơm kết thành hình con chó để dùng vào việc cúng bái. Khi chưa bày cúng thì những con chó rơm ấy được cất kỹ, bao bọc bằng gấm vóc; sau khi bày cúng rồi thì bị vứt liệng ra đường hoặc dùng để nhóm lửa đun, nấu. Trời đất thản nhiên, vô tình đối với vạn vật (trong đó có con người) cũng như con người đối với con chó rơm vậy thôi!

Đạo là duy nhất, vừa là bản thể, vừa là nguyên lý, mà lại sinh ra vạn vật, nên vạn vật chính là sự thể hiện của Đạo, và sự tồn tại biến hóa của chúng cũng chính là sự thể hiện của Đạo lý. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì làm sao mà vạn vật phân biệt với nhau được, mà nếu không phân biệt được thì làm sao mà biến hóa được? Để trả lời được câu hỏi này, Lão Tử, dù chưa rõ ràng thì cũng phải thừa nhận tính độc lập tương đối, tính tự do tương đối của vạn vật, và ông đã giải quyết được một cách tài tình đến bất ngờ:

“Đạo lớn lan tràn khắp, có thể qua bên trái, có thể qua bên phải. Vạn vật nhờ nó mà sinh trưởng mà nó không can thiệp vào, công thành rồi mà không nhận là của mình; nó nuôi dưỡng vạn vật mà không làm chủ vạn vật.”

Con người và xã hội loài người, không phải là ngoại lệ và nhờ thế mà khác (tương đối) với xung quanh.

Tuy vậy, dù có độc lập, tự do tương đối đi nữa thì vạn vật (trong đó có cả con người) vì đều là sự thể hiện của Đạo lý (Đạo lý ở đây là nguyên lý Tự Nhiên chứ không được hiểu như đạo đức) nên luôn luôn hợp Đạo lý; là một sự an bài, không thể can thiệp được. Điều đó lý giải được nhiều điều trong thực tại, chẳng hạn như con người đói thì tìm ăn, khát thì tìm uống, hoặc có sinh thì có tử, không ai thoát được cái chết…; nhưng lại không giải thích được nhiều điều khác, như vì sao người này sống thọ hơn người kia; hay như vì sao có người làm quần quật mà không đủ ăn, có người không làm mà phè phỡn, thừa mứa, vì sao có những hành vi trái ngược trong cõi nhân sinh như thế. Những hành vi, những hiện tượng trái ngược có hợp Đạo lý không? Nếu chúng thực sự xảy ra thì phải cho rằng hợp Đạo lý (không phải đạo đức - xin nhắc lại!). Một con thuyền trôi xuôi theo dòng sông đương nhiên là hợp Đạo lý vì nó phục tùng qui luật. Nhưng nếu thấy con thuyền đó “trôi” ngược dòng lên thượng nguồn thì hiện tượng đó cũng hợp Đạo lý (chỉ có điều chưa phát hiện ra nguyên nhân nào, gió thổi cánh buồm hay có động cơ quay chân vịt…). Nhưng nếu không có bất cứ một tác động nào mà chỉ có nước chảy xuôi thôi thì không thể xảy ra hiện tượng con thuyền trôi ngược dòng sông được, vì đó là phi Đạo lý, trái với nguyên lý Tự Nhiên.

Vậy thì những hành động bạo ngược, tàn ác của vua Kiệt, vua Trụ, vì đã xảy ra nên cũng phải coi là hợp Đạo lý? Mà nếu đã hợp Đạo lý thì sao có thể lên án được?

Câu hỏi đó đã điểm đúng yếu huyệt của toàn bộ triết thuyết Hoàng Lão nói chung và nhân sinh quan của nó nói riêng. Vì nhân sinh quan Hoàng Lão được xây dựng hoàn toàn dựa trên nền tảng là vũ trụ quan của nó và chúng hợp thành một hệ thống thống nhất, không thể tách rời được, do đó tính chân lý của học thuyết Hoàng Lão hoàn toàn phụ thuộc vào cái nhân sinh quan ấy. Đến lượt nhân sinh quan Hoàng Lão có khách quan hay không khách quan, hợp lý hay không hợp lý, nhân đạo hay không nhân đạo… lại tùy thuộc vào việc trả lời câu hỏi nêu trên. Lão Tử đã đứng trước một thách thức thực sự to lớn, không dễ gì khuất phục được!

Đạo sinh ra vạn vật , nuôi dưỡng vạn vật nhưng đồng thời cũng bỏ mặc vạn vật, tiêu diệt vạn vật vì Đạo là vô tình. Thế thì cái tình thể hiện "đầy ắp" trong cõi nhân gian từ đâu mà có? Hay Đạo vừa vô tình lại vừa hữu tình? Vậy thì phải "thêm" cho Đạo cái hữu tình nữa để làm "đối trọng" với cái vô tình mới đầy đủ? Không thể nhưng cũng không không thể! Đến đây, bằng sự suy ngẫm cao độ, bằng cảm nghiệm linh giác, Lão Tử đã có một bước đi vừa gượng ép, vừa thiên tài của ông, đó là đưa ra khái niệm Đức Huyền Diệu.

Nghĩa đen cổ xưa của khái niệm “đức” là gieo hạt xuống đất; sau này nó hàm chỉ những tính cách được cho là tốt đẹp của con người. Khi nói một người có đức thì người đó được công nhận là người tốt. Theo quan niệm của Đạo Nho, người toàn đức (tốt toàn diện) phải gồm đủ các đức: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… Khổng Tử nói: “Người mà không có đức thì không hiểu sao thành người được”. Đó là câu nói mù quáng, phạm sai lầm lôgic! Theo Mặc Tử thì người có đức chính là “kiêm ái”, yêu thương tất cả mọi người và hành động vì tình yêu thương ấy. Đó là quan niệm "cương cứng", không phù hợp với suy nghĩ đời thường, hơn nữa, yêu người đến quên yêu mình thì thông thường, vẫn chưa đủ đức!

Còn theo quan niệm của Lão Tử thì một người có đức là một người biết Đạo, làm theo Tự Nhiên, mà theo Tự Nhiên thì cũng có nghĩa là làm theo lẽ phải mà làm theo lẽ phải thì nhất định là phải yêu mình, yêu người; vì mình mà không hại người và vì người nhưng cố đừng để lụy mình; rốt cuộc sẽ dẫn đến hành động vì quyền lợi hòa hợp của mình và của thiên hạ. Như vậy giềng mối của cái tốt chính là đức nhân; nguồn gốc của đức nhân không gì khác, đó chính là Đức Huyền Diệu. Đức Huyền Diệu không phải là Đạo nhưng từ Đạo mà ra, gắn liền với Đạo. Nói chính xác hơn: Đức Huyền Diệu là biểu hiện mặt nuôi dưỡng, bảo toàn tồn sinh trong vận hành "vô vi" (không làm mà làm tất cả) của Đạo.  Lão Tử viết trong “Đạo Đức Kinh”:

“Đạo sinh ra vạn vật, Đức bao bọc mỗi vật, vật chất tạo nên hình thể vật, hoàn cảnh làm cho vật thành hoàn chỉnh. Vì vậy mà vạn vật đều tôn sùng Đạo và quý Đức. Đạo sở dĩ được tôn sùng, Đức sở dĩ được quý là vì Đạo và Đức không can thiệp, không chi phối vạn vật mà để vạn vật tự nhiên phát triển”.

"Khi Đạo đã sinh ra vạn vật thì Đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục, che chở vạn vật. Tuy sinh dưỡng vạn vật mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ, như vậy gọi là Đức Huyền Diệu”

Thế thì thực chất của Đức Huyền Diệu là gì? Chúng ta biết rằng vạn vật sinh sinh, diệt diệt, biến hóa không ngừng. Đạo là nguyên nhân của tất cả sự vận động ấy nhưng lại cũng vô cảm, thản nhiên trước những quá trình sinh, dưỡng, lão, tử ấy. Điều nên đặc biệt chú ý là chỉ khi nói đến sự nuôi dưỡng, bảo tồn, phát triển sự sống, Lão Tử mới cho khái niệm “Đức” xuất hiện. Lão Tử còn nói: “Những biểu hiện của Đức lớn là đều tuân thuận theo Đạo” (Khổng đức chi dung, duy đạo thị tòng). Nhưng thử hỏi, nếu Đạo sinh ra một con quỉ khát máu thì việc che chở nuôi dưỡng nó có phải là thể hiện của Đức Huyền Diệu không? Thật khó trả lời!!!

Trong cuốn “Lão Tử - Đạo Đức Kinh” (NXB Văn Hóa, 2006), tác giả Nguyễn Hiến Lê viết đầy băn khoăn:

“Chữ “Đức” ở đây Lão Tử dùng với một nghĩa rất mới, không phải chữ đức mà nhà Nho thường dùng như đức nhân, đức tín, đức trung, đức hiếu.

Cứ theo đoạn dẫn ở trên - Đức nuôi lớn mỗi vật và câu “Khổng đức chi dung, duy đạo thị tòng”: những biểu hiện của Đức lớn đều tùy theo Đạo; cứ theo những câu đó thì chúng ta đoán rằng “Đức” là một phần của Đạo: khi chưa hiển hiện trong mỗi vật thì là Đạo, khi đã hiển hiện rồi thì phần hiển hiện trong mỗi vật là “Đức”. Mỗi vật đều có “Đức” mà Đức của bất kỳ vật nào cũng từ Đạo mà ra, là một phần của Đạo, cho nên Đức nuôi lớn mỗi vật và luôn luôn tùy theo Đạo.

Lão Tử không thể giảng rõ hơn được. Tùy chúng ta muốn hiểu sao thì hiểu. Có người cho Đạo là tổng nguyên lý của vạn vật, mà Đức là nguyên lý của mỗi vật. Cũng không rõ gì hơn.

Có người cho Đức là tác dụng của Đạo.

Người khác bảo Đức là tính năng động của Đạo.

Vài học giả cho nó là “năng lực ngấm ngầm mà cũng là công dụng của Đạo”.

Một nhà khác cho nó là “ái lực”, một sức giữ cho vật chất khỏi tan rã, nhờ đó mà nguyên tố Đạo cấu thành muôn vật mới không bị rã rời.

Cũng có thể coi nó là bản năng sinh tồn của mỗi sinh vật: đói thì kiếm ăn, khát thì kiếm uống; bản năng tự vệ, mệt thì nghỉ ngơi, tìm sự an toàn, tránh nguy hiểm, bản năng truyền chủng v..v… Nhờ những bản năng đó đều phú bẩm, nên rất thuận luật tự nhiên, rất hợp với Đạo, luôn luôn “duy Đạo thị tòng”. Có thể như vậy chăng?”

Dù còn mập mờ khiên cưỡng và nặng hình thức, nhưng việc đưa ra khái niệm Đức Huyền Diệu và đặt Đức Huyền Diệu là thuộc về Đạo, là một bộ phận của Đạo đồng thời cho rằng Đức Huyền Diệu là mức tột bậc của Đức (đức nhân), làm cho triết thuyết Hoàng Lão trở nên chặt chẽ hơn về mặt lý luận; quan niệm về nhân sinh hành vi nhất quán hơn với quan niệm về Đạo mà cũng phù hợp hơn với đời sống tinh thần vốn dĩ rất sinh động của con người trong thực tiễn. Cha mẹ sinh con ra thì đùm bọc, che chở, nuôi nấng cho con lớn khôn mà đâu có kể công, đâu vì cậy nhờ, đó chính là cái lý của tự nhiên nó thế, cái tình của Đức Huyền Diệu nó thế. Chính vì thế mà con cái (vạn vật) tôn sùng cha mẹ (Đạo) đã cho họ cuộc sống và quý cái tình của cha mẹ (Đức) đã nuôi họ lớn khôn. Phải chăng khái niệm Đức Huyền Diệu được Lão Tử rút ra từ hiện tượng đó? Chúng ta không thể nào biết được!

 Tại sao Đạo thì được tôn sùng mà Đức chỉ được quí thôi? Đó là vì Đạo sinh ra vật, cho vật “cuộc đời” rồi sau đó Đức mới ra tay nuôi dưỡng. Nếu không nhờ Đạo thì vật làm sao được “sống” để Đức có cái mà nuôi dưỡng? Trong thực tiễn có những cha mẹ đẻ con ra mà bỏ con thì con cái dù có cúi đầu chịu cái công sinh thành thì cũng không thể quí cái tình cha mẹ được, thậm chí còn khinh khi nữa. Từ trường hợp này chúng ta suy ra: cái Đức có thể là phát nguyên từ Đạo nhưng có tính độc lập tương đối so với Đạo. Do đó nếu có những sự vật - hiện tượng hợp Đạo lý và có Đức thì cũng có thể có những sự vật - hiện tượng hợp Đạo lý mà không có Đức. Chỉ có thế thì mới giải thích được sự kiện con quỉ khát máu và hiện tượng Kiệt, Trụ mà thôi.

Lão Tử chắc chắn là chưa nhận chân được bản chất thật sự của Đức cho nên cái khái niệm Đức Huyền Diệu mà ông đưa ra thật mông lung, thiếu căn cứ, làm cho các thế hệ sau này phải suy đoán già non mãi. Nhưng chỉ với việc cho rằng đức nhân có nguồn gốc từ Tự Nhiên thôi, Lão Tử đã thể hiện một giác ngộ tâm linh cao vợi rồi.

Đức nhân, nói đơn giản, là biểu hiện sự tốt lành, sự hợp lẽ phải. Con người có đức nhân thì ai cũng quí mến. Quí mến là cái tình. Đức hợp tình nên được quí mến. Do đó Đức cũng chính là cái tình phù hợp. Cha mẹ nuôi nấng che chở cho con cái, đối với vạn vật, chủ yếu là bản năng; đối với loài vật có tư duy hay con người là cái Đức Huyền Diệu. Đức Huyền Diệu ấy là sự thể hiện ra, là kết quả của tình yêu thương. Mà tình yêu thương ấy lại có xuất phát điểm từ sự yêu cuộc sống, yêu mình và cuối cùng thì nguồn gốc sâu xa của tình yêu ấy lại chính là sự đòi hỏi sống còn của bản năng; là từ tự nhiên. Có thể nói căn nguyên của Đức chính là tình yêu thương, một thứ tình cảm chỉ ở con người mới có. Tình yêu thương vừa có tính khách quan vì có nguồn gốc từ bản năng vừa mang tính chủ quan vì nó cũng đồng thời hình thành nên từ trải nghiệm cuộc sống, tự giác nhận thức và lý trí cảm nhận.

Cũng có thể tán hươu tán vượn về Đức theo cách khác. Từ đặc tính phân biệt của Tồn Tại mà có các sự vật - hiện tượng hay nói gọn là vạn vật. Vạn vật là thể hiện của Tồn Tại và cũng chính là tồn tại nên chúng đều phải tuân theo nguyên lý Tự Nhiên. Mặt khác vạn vật là những bộ phận của Tồn Tại, phân biệt được với nhau nên việc tuân theo nguyên lý Tự Nhiên của chúng được thể hiện ra theo những cách khác nhau, thể hiện ra những qui luật đặc thù cho riêng mỗi vật (mỗi loại vật). Vạn vật là những bộ phận của Tồn Tại, phân biệt được với nhau nên cũng có nghĩa là chúng độc lập, tự do tồn tại tương đối so với nhau và cũng có nghĩa là một cách tương đối, chúng tự thân vận động để duy trì cái tồn tại tương đối ấy trong một tổng thể tác động tương hỗ, chuyển hóa, biến thái, hòa hợp, sinh diệt nhau không ngừng.

Tự thân vận động để duy trì tồn tại ở vạn vật vô sinh thể hiện thành bản năng sinh tồn ở vạn vật hữu sinh và thành ra tự giác sinh tồn ở loài người. Từ cái quá trình sinh tồn vừa bản năng vừa tự giác ấy, qua trải nghiệm và nhận thức mà con người thấy được cuộc sống của mình là quí giá, đi đến chỗ quí mình, yêu mình, và tôn sùng quí mến cha mẹ, yêu thương con cái, anh em ruột thịt… Đó là mầm mống của đức nhân.

Đi liền với quí, yêu là khinh, ghét. Mọi trạng thái, mức độ tình cảm của con người sinh ra từ đó và từ đó mà cũng xuất hiện ra cặp khái niệm thị phi (đúng-sai). Đã là đúng thì bao giờ cũng đức, mà đức thì bao giờ cũng duôc cho là hợp lẽ phải. Sự thực có lẽ vậy?

Yêu mình yêu người là đức nhân, vì mình hại người là thất đức, yêu mình ghét người là vô đức, quên mình yêu người là… Mặc Tử, ghét mình yêu người là… dở hơi, và ghét mình ghét người là vô...đạo!

Như chúng ta đã nói, bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống mà mọi người, toàn nhân loại, ai ai cũng đều có một ước mong tối thiểu là được yên ổn làm ăn trong hòa bình, được sống no đủ, hạnh phúc trọn đời. Đơn giản thế thôi mà lạ lùng thay, từ thuở hồng hoang đến nay vẫn chỉ là ước mơ xa vời của đại chúng nhân loại. Trên trái đất này lúc nào cũng thấy khói lửa ngút trời, máu chảy đầu rơi tràn lan, đói khổ nghèo hèn, bất công áp bức la liệt khắp gầm trời. Cái Đức Huyền Diệu ở đâu, kính thưa Lão Tử?!

Bức tranh ảm đạm của xã hội loài người có trái Đạo lý không? Không, vì nếu không phù hợp với nguyên lý Tự Nhiên thì làm sao nó tồn tại được? Vậy phải cho là nó hợp Đạo lý; nó tồn tại được là vì hợp Đạo lý; nhưng tồn tại ảm đạm đầy đau buồn như thế là vì thiếu Đức Huyền Diệu.

Đến đây chúng ta đã thấy được cái thực chất của khái niệm Đức Huyền Diệu mà Lão Tử đã bày ra. Trước mắt chúng ta là một phong cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống, đất đai phì nhiêu, bốn mùa hài hòa mưa nắng, cỏ cây cứ theo đó mà nảy nở, vươn mầm xanh lá, ngàn hoa khoe sắc cho nặng trĩu trái cành; muông thú cứ theo đó mà sinh sôi nên bầy đàn hồn nhiên mà vui sống. Có được bức tranh thủy mặc ấy là nhờ Đạo, nhờ nguyên lý Tự nhiên. Những bức tranh thủy mặc đều tuyệt đẹp. Cái đẹp ấy chính là sự phô diễn của cái mà Lão Tử nói là Đức và sự phô diễn cái đẹp tuyệt mỹ chính là Đức Huyền Diệu (là cái Đức ở trạng thái tối cao, tuyệt đích).

Thế rồi chúng ta lại nhìn thấy một quang cảnh khác, tương phản với quang cảnh ban đầu: khô cằn, hạn hán, bão tố liên miên; núi phun lửa cháy ngút ngàn; rừng cây, hoa, lá theo đó mà tan hoang, chồi mầm thành than, không nhú; muông thú chết chìm chết nổi, chết đói chết thui. Đó là một bức tranh điêu tàn và ghê rợn. Có được bức tranh tả chân ấy là vì Đạo, vì nguyên lý Tự nhiên. Nhưng cái điêu tàn trong bức tranh này đâu phải là sự phô diễn của cái Đức mà là cái ngược với nó: cái Vô Đức.

Đạo là vô tình mà làm tất cả; làm ra nảy nở tốt tươi là nó và làm ra thui chột điêu tàn cũng là nó. Vô Đức hay Hữu Đức thì cùng như nhau cả thôi, Đạo chẳng yêu hay ghét gì!

Không thấy Lão Tử nói đến cái Vô Đức. Như vậy là ông đã thiên vị?

Vũ trụ quan của Lão Tử là hoàn toàn duy vật. Quan niệm Đạo mang tính khách quan cao độ, rất hợp lý. Chỉ khi nói đến Đức thì ông lại chỉ chú trọng tới mặt “sinh ra vạn vật” mà quên mất “chức năng” thứ hai của nó là “tiêu diệt vạn vật”. Do đó mà lòng ông coi toàn cảnh thiên nhiên được mô tả chỉ như phong cảnh thứ nhất mà chúng ta thấy: bốn mùa xoay vần hài hòa mưa nắng, cây cỏ, muông thú nảy nở, sinh sôi tràn trề sức sống. Đạo sinh ra, Đức nuôi dưỡng lấy mà được như thế. Đức nuôi dưỡng vì thế mà cũng là lẽ đương nhiên, là tự nhiên, phù hợp Đạo lý. Có lẽ từ đây mới hình thành nên quan niệm cho rằng: sống đúng là sống theo tự nhiên, sống theo tự nhiên là có đức, có đức nghĩa là biết yêu thương mình và cả yêu thương người mà làm cho mình cùng cả cho người; sống như thế là đức độ, hợp Đạo lý. Vì thế, ngày nay đã thành thông dụng, khi nói là hợp Đạo lý thì cũng có nghĩa là Đức, là lẽ phải?

Cuối cùng, Lão Tử đã coi làm Đức cũng chính là hợp Đạo lý, là hợp Tự Nhiên và do đó là đúng, là lẽ phải ở đời. Làm Đức có nghĩa là nuôi dưỡng, bao bọc, che chở. Mà muốn làm được như thế phải có lòng yêu thương con người. Và người có đức nhân cũng chính là người có lòng nhân hậu.

Nhưng, như chúng ta đã phân tích thì đối với Đạo, Đức hay Vô Đức cũng chẳng có gì là đúng hay sai cả. Việc Lão Tử cho rằng chỉ có Đức (nuôi dưỡng, bao bọc, che chở vạn vật) là hợp Đạo lý thôi, là cái lẽ phải theo, là chân lý nên theo, thì đó là ý kiến riêng của ông, là qui ước hoàn toàn chủ quan của ông. Cũng như chúng ta khen chê đẹp hay xấu, tươi tốt hay điêu tàn là theo ý chủ quan của chúng ta thôi, chứ Đạo thì chẳng có “ý kiến” gì.

May thay cái tác dụng của Đức Huyền Diệu (là sự qui ước “riêng tư” của Lão Tử) lại phù hợp với ước vọng đời đời (mà chúng ta đã nói ở phần trên) của đại chúng. Mà cái ước vọng ấy, nếu xét trong một chừng mực nhất định là có tính chủ quan, nhưng xét đến cùng lại hoàn toàn mang tính khách quan (có nguồn gốc bản năng, nảy sinh ra từ thực tiễn xã hội đầy biến loạn, đầy bấp bênh, trắc trở). Do đó Đức Huyền Diệu trở thành chuẩn mực để định nghĩa đúng sai, là nền tảng của đạo đức con người. Trong xã hội, bất cứ người nào, thế lực nào, thời kỳ nào, làm theo Đức Huyền Diệu ấy, đều là làm điều nhân nghĩa, đều được gọi là có đức nhân và đều được cho là ở về phía chính nghĩa.

Lão Tử đã may mắn vì đã có được cái cảm giác tâm linh siêu thoát, thiên tài! 
                                                                       ***

Xuất phát từ Đạo (nguyên lý Tự Nhiên) và Đức (lẽ phải cần theo, hợp ý hợp tình đại chúng) như vậy, Lão Tử đã xây dựng nên một quan niệm rất sâu sắc về nhân sinh - hành vi. Chúng ta có thể rút ra ở đó hàng loạt danh ngôn về cách sống. Dưới đây chúng ta sẽ trích lược những đoạn cho là cần và hay và lạm bàn vào ít thôi chứ không “bàn tán xôn xao” như trên nữa (bàn nhiều quá, lòi hết cái dốt ra thì nguy!!!)

Lão Tử viết:

“Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời.”

Lạm bàn: - Phạm vào luật phản phục; phạm vào đức, gây thù chuốc óan

               - Phạm Lãi được hưởng tuổi già vì hiểu đạo trời nhờ Lão Tử chăng?

 Lão Tử viết:

“Ngũ sắc làm cho người ta mù mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruổi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cần vui mắt, bỏ cái này mà lựa cái kia.”

Lạm bàn: - Lão Tử khắt khe quá!

                - Cảm giác ngon như bản năng; món ăn đã dở òm thì khó lòng mà ăn được, chứ chưa nói đến ăn no, đã ngán thì dễ thấy no

Lão Tử viết:

“Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân quả; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh chị, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung.”

Lạm bàn: - Câu này rất hay, có thể dùng nó để làm ví dụ sự hình thành khái niệm tương phản; còn gợi nhớ các câu như “cháy nhà ra mặt chuột”, "thời thế tạo anh hùng", "bần hàn sinh đạo tặc"...

Lão Tử viết:

“Kẻ biết người là khôn, kẻ tự biết mình là sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Kẻ tri túc (biết thế nào là đủ) là người giàu; kẻ mạnh mẽ (hoặc gắng sức làm) là người có chí…”

Lạm bàn: - Thường chúng ta chỉ thấy cái hay, dở của người chứ mấy ai thấy cái hay, dở của chính mình

                - Đâu phải nhiều bạc tiền mới là giàu. Giàu có, biểu diễn theo toán học là thế này: Giàu có = Phước x Lộc x Thọ ; Không Phước thì Lộc như núi cũng khốn khổ, không Lộc mà Phước như biển cũng bần hàn, đoản Thọ mà Lộc, Phước đầy nhà thì… hết nói!

Lão Tử viết:

“Người có đức cao thì không có ý cầu đức, cho nên có đức; người có đức thấp có ý cầu đức, cho nên không có đức.

Người có đức cao thì làm mà như không làm (vô vi); người có đức thấp thì cố làm mà như không làm.

Người có đức cao thì làm điều nhân, chứ không có ý làm; người có lòng nghĩa cao thì làm điều nghĩa mà có ý làm; người có đức lễ cao thì giữ lễ nghi, và nếu không được đáp lại thì đưa cánh tay ra kéo người ta bắt phải giữ lễ nghi như mình. Cho nên đạo mất rồi thì sau mới có đức, đức mất rồi thì sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của sự trung hậu thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn. Dùng trí tuệ để tính toán trước, thì chỉ là cái lòe loẹt của đạo, mà là nguồn gốc của ngu muội. Cho nên bậc đại trượng phu (người hiểu đạo) giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ nghi, giữ đạo mà không dùng trí xảo, bỏ cái này mà giữ cái kia”.

Lạm bàn:    - Ngày nay rất nhiều người làm từ thiện. Đi làm mà tự nhiên như không thì thực sự thương người, nên đức cao. Đi làm mà ra vẻ là làm thì chỉ vì danh lợi, nên đức thấp. Tuy vậy, còn hơn thất đức, vô đức

                - Đức, nhân làm nảy sinh ra lễ, nghĩa; lễ, nghĩa đề cao đức, nhân. Khi lễ, nghĩa xa rời đức, nhân thì bỏ lễ, nghĩa để giữ lại đức, nhân, như thế là hợp đạo trời.

                - Nhà nước đã thất lễ, bội tín, bất nhân với dân thì dân việc gì phải giữ lễ, tín, nhân với nhà nước?

Lão Tử viết:

“Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng?

Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều. Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy mà có thể sống lâu được”.

Lạm bàn:    - “Người ta có cái nguồn sống là tối linh”, “cho nên tùy tâm mà động, không trái với cái thích tự nhiên”. Ôi, nhớ Dương Chu quá!

Lão Tử viết:

“Khéo dựng thì không nhổ lên được, khéo ôm thì không thoát ra được, con cháu mà khéo dựng, khéo ôm thì việc tế tự sẽ đời đời không dứt. Lấy đạo mà tu thân thì đức sẽ đầy đủ; lấy đạo mà lo việc nhà thì đức sẽ có dư; lấy đạo mà lo việc làng xóm thì đức sẽ lớn ra; lấy đạo mà lo việc nước thì đức sẽ thịnh; lấy đạo mà lo việc thiên hạ thì đức sẽ phổ cập.

Lấy thân mình mà xét thân người, nhà mình xét nhà người, làng mình xét làng khác, nước mình xét nước khác, thiên hạ này xét thiên hạ thời xưa và thời sau. Làm sao ta biết được thiên hạ thế này hay thế khác? Là do lẽ đó”.

Lạm bàn:    - Làm theo đạo thì sẽ biết đức

       - Ôn cố tri tân là con đường cốt yếu của nhận thức

Lão Tử viết:

“Người nào có đức dày thì như con đỏ. Độc trùng không chích, mãnh thú không vồ, ác điểu không quắp. Xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, chưa biết giao hợp mà con cu dựng đứng, như vậy là tinh khí sung túc. Suốt ngày gào thét mà giọng không khàn, như vậy là khí cực hòa. Biết hòa thì gọi là bất biến, biết bất biến thì gọi là sáng. Tòng dục tham sinh thì gọi là họa. Để cho lòng dục sai khiến cái “khí” thì gọi là cường. Vật nào cường tráng thì sẽ già, như vậy là không hợp đạo, không hợp đạo thì sớm chết”.

Lạm bàn:    - Cái gốc của thuật dưỡng sinh ngày nay chăng?

     - Cách nói của Lão Tử là tuyệt đích, chân phác chứ không phải tục!

Lão Tử viết:

“Kẻ kiễng chân không đứng được (vững), kẻ xoạc cẳng không đi được (lâu), kẻ tự biểu hiện thì không sáng tỏ, kẻ tự cho là phải thì không chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì không trường cửu. Đối với đạo thì những thái độ đó là “những đồ ăn thừa, những cục bướu, ai cũng ghét”. Cho nên kẻ theo đạo không làm vậy”.

Lạm bàn:    - Không dám bàn vì rất có thể có cả chúng ta trong đó! Ngu gì mà tự chê bai mình!

Lão Tử viết:

“Ít nói thì hợp với tự nhiên

Cho nên gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào không suốt một ngày. Ai làm nên những điều ấy? Trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là người?

Cho nên theo đạo thì sẽ hòa đồng với đạo; theo đức thì sẽ hòa đồng với đức; theo sự mất đạo mất đức thì sẽ là một với mất. Hòa đồng với đạo thì sẽ vui được đạo; hòa đồng với đức thì sẽ vui được đức; là một với mất thì sẽ vui với mất”.

Lạm bàn:    - Tại sao lại vui được với mất nhỉ?! Tại vì mất cái nhọt đau tấy trên lưng chẳng hạn  là vui rồi! Nói chung mất thì thường là buồn. Mất tiền mà chẳng được gì cả thì phải buồn thôi. Nhưng nếu biết mất cái gì đó là "của đi thay người" thì sẽ lại rú lên vì sung sướng!
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH