Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 6/b


                                         
Tóm Tắt Nhanh Xuân Thu - Chiến Quốc / Spring Autumn and Warring States period

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG VI: ĐÓNG - MỞ 

Tôi để ý rằng kể cả những người khẳng định là mọi thứ đã được định sẵn và chúng ta không thể làm gì để thay đổi điều đó, họ vẫn luôn quan sát trước khi sang đường.

Stephen Hawking  

Động mà không động, Không động mà động, Không tức thị Có, Có tức thị Không, Có có, Không không, Không không, Có có, Có rồi lại Không, Không rồi lại Có, Có cũng như không, Không tốt hơn có, Không có mà Có,Có vẫn hơn Không

Có Không, Không Có 

Lão Tử 


“Và thật vô nghĩa khi đánh giá tư duy của một dân tộc nào đó là có tính triết lý hay không nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn được định sẵn, đặc biệt những tiêu chuẩn truyền thống riêng của một dân tộc. Triết lý của bất cứ dân tộc nào đều là tinh hoa của nền văn hóa và là sự diễn tả trọn vẹn các phong cách tư duy, cảm nghĩ và sinh hoạt của dân tộc đó. Do đó, triết lý của từng dân tộc là sản phẩm của môi trường tạo ra nó và những cách thức riêng về nhận thức, tri thức, thẩm mỹ, luân lý và tôn giáo. Như vậy đánh giá triết lý của người khác theo những chuẩn mực và tiêu chí của một nền văn hóa nào đó quả là một hành vi tự phụ mù quáng để có thể hiểu các dân tộc khác. Để hiểu biết một dân tộc và nền văn hóa của dân tộc đó chính là hiểu cách thức dân tộc đó nhìn thế giới, nhìn chính nó và nhìn các dân tộc khác. Chỉ khi các thành viên của từng nền văn hóa tiếp cận các nguồn triết lý của các nền văn hóa khác bằng một đầu óc phóng khoáng và nghiêm túc nghiên cứu chúng, lúc ấy người ta mới hiểu được các dân tộc khác hoặc mới khai sáng và phong phú hóa triết học và văn hóa của chính họ..."
(R. Puligandla)




(Tiếp theo)


* * *

Lịch sử Trung Quốc có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, vô cùng rực rỡ về tư tưởng, văn hóa là thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Như một sự bùng phát, nhà nhà viết văn, người người tìm lý giải về tự nhiên, xã hội của một thời biến loạn; vô cùng năng động; các môn phái triết học, các triết thuyết, học thuyết đua nhau ra đời. Biết bao nhiêu học giả kiệt xuất, những hiền triết bậc nhất xuất hiện ở thời kỳ này và đã để lại cho đời sau biết bao nhiêu kiệt tác về văn hóa cũng như tư tưởng và còn nguyên giá trị to lớn đến tận ngày nay. Có lẽ vì hiện tượng nở rộ nhân tài xuất chúng như vậy mà người ta còn gọi đó là thời kỳ Bách Gia Chư Tử. 

Ngay từ thời Tiên Tần (221-206 trCN); (nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc lấy triều đại nhà Tần làm mốc, gọi giai đoạn lịch sử trước đó là thời kỳ Tiên Tần), người Trung Quốc đã tìm hiểu và nghiên cứu quyền mưu về mặt lý luận. Theo quyển “Quyền mưu thần bí” (sách dịch, NXB Văn hóa thông tin, 1996) thì Trung Quốc có ba phái quyền mưu lớn. Lúc bấy giờ lấy học thuyết biện chứng mộc mạc mà tiêu biểu là “Chu Dịch”, “Lão Tử” để triển khai rộng rãi việc nghiên cứu các loại quyền mưu. Tình hình hỗn loạn, chiến tranh liên miên lúc bấy giờ như là một động lực khuấy động làn sóng nghiên cứu và vận dụng quyền mưu trong phạm vi toàn xã hội, biểu hiện rõ nét trong Bách Gia Chư Tử. Một cách tương đối, có thể phân biệt ba phái quyền mưu là Pháp Gia, Binh Gia và Tung Hoành Gia. Ba phái này do lý luận và chủ trương chính trị không giống nhau nên việc phát hiện và vận dụng quyền mưu cũng có chiều hướng sai biệt nhau. 

Nói chung, Pháp Gia quyền mưu thiên về chính trị, do Hàn Phi sáng lập, lấy sách “Hàn Phi Tử” làm tác phẩm tiêu biểu; Binh Gia quyền mưu thiên về quân sự, thủy tổ là Tôn Vũ, lấy “Tôn Tử binh pháp” làm tiêu biểu. Tung Hoành Gia quyền mưu thiên về ngoại giao, do Tô Tần, Trương Nghi đề xướng, lấy “Quỉ Cốc Tử” làm tiêu biểu. 

Như vậy, có thể thấy rằng sự khen ngợi ngất trời mà chúng ta đã dẫn ở phần trên về cuốn sách “Quỷ Cốc Tử” không hẳn đã là quá đáng. 

Nhưng quyền mưu là gì? 

Về mặt khái niệm, “quyền” nghĩa ban đầu là quả cân, sau thành ra nhiều nghĩa. Trong quyền mưu, nó có nghĩa như cách thức hành động phù hợp, thích nghi với hoàn cảnh. Chẳng hạn như quyền biến là tùy cơ ứng biến. Còn “mưu” từ chữ mẫu (mẹ) mà ra. Nó có nghĩa là suy nghĩ, hoạch định, tìm ra phương pháp, cách thức để đạt được mục đích nào đó. Người ta thường nói bày mưu tính kế, mưu lược, kế sách là như vậy. Vậy quyền mưu là xây dựng phương thức hành động theo như đã cân nhắc hoạch định từ trước nhằm đạt được mục đích đề ra trong đấu tranh, tranh hùng. 

Quyền mưu xét về mặt tồn tại, chính là một hiện thực ảo, tồn tại trong trí não con người, cũng tương đối như một tưởng tượng về tương lai. Nó cũng chỉ là một sự vật - hiện tượng do tư duy con người sáng tạo ra trong Vũ Trụ bao la. 

Tồn Tại là không tạo dựng, chỉ các bộ phận của Nó, các sự vật - hiện tượng là có tạo dựng. Tất cả những hiện thực, hiện hữu đều phải nằm trong vòng nhân - quả, có khởi đầu và có kết thúc. Tất cả mọi sự vật - hiện tượng đều là kết quả tạo dựng của những sự vật - hiện tượng bên ngoài, xung quanh nó. Nhờ đặc tính này mà chủ thể mới có khả năng làm biến đổi khách thể, con người mới có thể tác động vào hiện thực, cải tạo hiện thực và quyền mưu mới có thể được thực thi. 

Quyền mưu là sản phẩm của con người nhưng không phải là cái gì đó phi tự nhiên mà trái lại có nguồn gốc sâu xa trong tự nhiên, được chắt lọc, hun đúc từ Tự Nhiên. 

Nếu không có các sự vật - hiện tượng gọi là vô cơ cùng với mối quan hệ phổ biến giữa chúng là tác động và phản ứng thì cũng chẳng có sự sống cùng với cảm giác và đấu tranh sinh tồn. Mục đích của đấu tranh sinh tồn là bảo vệ, duy trì sự sống của mình bằng cách tác động vào môi trường mà đối với động vật chủ yếu là tước đoạt sự sống khác (mầm tội ác đã mọc!). Sự sống động vật nào cũng phải hành động như vậy cả cho nên mới có bạo lực, tấn công, phòng thủ, trốn chạy, ngụy trang, giả chết…, mới gọi là đấu tranh. Cuộc đấu tranh sinh tồn dài lâu làm cho loài vật hoặc bị diệt vong hoặc phấn đấu “khôn” lên để thích nghi, để sống còn. Những loài như hổ, báo, sư tử… không phải tự dưng mà có cách thức rình mồi, biết chờ đợi thời cơ, chạy đón đầu, thậm chí là kết hợp nhau để săn bắt con mồi. Loài chó sói không phải ngẫu nhiên mà biết tấn công theo lối bầy đàn. Loài cá heo không thể ngay từ lúc mới hình thành, bỗng nhiên đã biết phân công, hợp đồng khá phức tạp trong việc dồn đàn cá vào một chỗ để “đánh chén” được. Loài thỏ từ đâu mà biết cách chạy chữ chi để thoát kẻ thù? Ai dạy mà có loài chim biết thả quả có vỏ cứng từ trên cao xuống mặt đá cho vỡ ra để ăn nhân bên trong? Người ta gọi những thủ thuật phục vụ sinh tồn ấy là do bản năng. Đồng ý là như vậy nhưng bản năng từ đâu mà ra nếu không là sự đúc kết kinh nghiệm dù là tự phát từ những thế hệ trước, thậm chí là ngay trong đời một con vật? Phải cho rằng bản năng chính là thành quả của một dạng “lưu nhớ” phôi thai nào đó, thông qua con đường sinh học, dần dần cải tiến cấu trúc sinh học nhằm hoàn thiện kỹ năng, kỹ xảo của giống loài theo hiện thực có thể hầu thích ứng với môi trường để tăng cường khả năng sống còn. Chính những “lưu nhớ” đó đã làm hình thành nên những thủ thuật trong đấu tranh sinh tồn, hay có thể gọi là những "tiền quyền mưu"-hành động quyền mưu phôi thai và bản năng đã được thực hiện một cách vô thức?  

Thiên nhiên đã suy nghĩ hộ cho loài vật hay cần phải định nghĩa lại sự suy nghĩ? Hay đơn giản là chúng ta điên rồ?! Nếu có một trăm người và cả một trăm người nói chúng ta điên mà chúng ta nói mình không điên thì một trăm phần trăm là chúng ta bị điên, nhưng chỉ vài người nói chúng ta điên mà chúng ta cũng nhận thấy mình bị điên thì có lẽ chúng ta còn tỉnh táo. Cứ chờ xem! Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cứ tiếp tục câu chuyện hoang tưởng của mình! 

Loài người không thể không thoát thai từ loài vật cho nên loài người cũng phải chứa đựng những đặc tính cơ bản của sự vật - hiện tượng nói chung và của loài vật nói riêng. Nghĩa là con người cũng phải có mối quan hệ tác động - phản ứng với môi trường xung quanh và cũng nằm trong xoáy lốc đấu tranh sinh tồn. Chấp nhận phải sống trong một điều kiện hoàn cảnh môi trường cụ thể nào đó, loài người đã tiến hóa-thích nghi theo hướng được thiên nhiên làm hình thành nên tư duy trừu tượng và qua đó mà biết nhận thức để hành động lao động sáng tạo. Nghĩa là do loài người là loài vật đã được tiến hóa trang bị cho tư duy trừu tượng nên ngoài bản năng ra, vượt lên trên bản năng, loài người còn biết dự đoán, dự định, xác định trước đường đi nước bước, biết phân tích lợi hại, chế tác công cụ hỗ trợ, “bày binh bố trận” trên bước đường tìm lẽ sống. Và quyền mưu thực sự ra đời từ đó. 

Nhiều người cho rằng trong cuộc sống hàng ngày không có quyền mưu. Đó, theo chúng ta là nhận định không chính xác. Khi chúng ta suy nghĩ thực hiện bất cứ công việc gì thì đã có dấu hiệu của quyền mưu rồi. Chẳng hạn: đi chơi thì không thể hiện quyền mưu nhưng suy nghĩ để thực hiện được cuộc đi chơi ấy lại có tính quyền mưu. Trong mối quan hệ giữa người với người thường xuyên xuất hiện quyền mưu. Nếu chúng ta muốn “theo đuổi” một cô nàng xinh đẹp nào đó, nhất thiết trong đầu chúng ta phải xuất hiện quyền mưu. Muốn kinh doanh đạt thắng lợi thì không thể thiếu quyền mưu. 

Nhưng quyền mưu thể hiện rõ nhất là trong tranh giành quyền lực, địa vị thống trị và xung đột vũ trang, những nơi mà quyền mưu đối chọi với quyền mưu, một mất một còn. 

Nên lưu ý rằng bản thân quyền mưu là không tốt mà cũng chẳng xấu; chỉ là hiện tượng tự nhiên, còn tốt hay xấu là do chủ quan qui ước của con người, tùy thuộc vào nhận thức của con người. Quyền mưu của một kẻ vô đạo bao giờ cũng được gọi là mưu ma chước quỷ. Quyền mưu của bậc quân tử, chân nhân bao giờ cũng sáng ngời tính nhân văn và được khen là mưu chước như thần. Trong việc thực hiện quyền mưu, “người quân tử đôi khi phạm phải điều bất nhân, nhưng chưa từng thấy kẻ tiểu nhân làm được điều nhân nghĩa” (Khổng Tử). 

Quyền mưu của con người được hình thành từ việc đúc kết kinh nghiệm của hoạt động thực tiễn đã qua, từ việc rút ra được những bài học thành bại của quá khứ, từ việc nhận thức và nhận thức lại những tri thức của tiền bối về những quy luật vận động của hiện thực xã hội - tự nhiên đầy biến động. 

Con người lập được quyền mưu là nhờ tiếp thu được kinh nghiệm, hiểu biết của quá khứ, nhờ quan sát phát hiện được những nguyên lý phổ biến cũng như đặc thù trong cuộc đấu tranh sinh tồn của chính con người cũng như của giới tự nhiên (cây cối, muông thú). 

Chúng ta có thể phân biệt khái niệm quyền mưu và mưu kế. Quyền mưu là khái niệm rộng, bao hàm khái niệm mưu kế. Mưu kế đại khái có thể là suy nghĩ ra cách thức thực hiện nhằm đạt thắng lợi trước một sự việc, một đối tượng, trong phạm vi hạn chế về qui mô không gian và thời gian. Còn quyền mưu là sự nghiên cứu có hệ thống những sự kiện xảy ra trong thực tiễn, tổng kết, phân loại các mưu kế, nâng lên thành lý luận về những phương thức dành thắng lợi trong những trường hợp chung nhất; chỉ ra những nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện mưu kế tùy theo từng điều kiện và hoàn cảnh và diễn biến tình hình. Vì vậy một tác phẩm quyền mưu đúng nghĩa luôn mang tính triết lý sâu sắc, bộc lộ quan niệm về thế giới khách quan và có thể cho rằng quyền mưu là mưu kế của mưu kế.


* * *

Như đã đề cập, ba trước tác tiêu biểu của ba phái quyền mưu thời Xuân thu - Chiến quốc là “Hàn Phi Tử”, “Tôn Tử binh pháp” và “Quỉ Cốc Tử”. 

Nội dung chủ yếu của “Hàn Phi Tử” là bàn về quyền mưu chính trị trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm lịch sử, dùng thực tế lịch sử cụ thể và truyền thuyết, bao gồm hàng loạt câu chuyện quyền mưu để chứng minh cho học thuyết chính trị kết hợp cả pháp, thuật, thế. Học thuyết đó được Hàn Phi sáng lập ra trên cơ sở tiếp thu lý luận của Thương Ưởng, Thân Bất Bại và Thân Báo; có thể tóm lược như sau: Pháp là chỗ dựa căn bản của vua chúa cai trị đất nước, thống trị nhân dân; Thuật là thủ đoạn chủ yếu để vua chúa điều khiển bề tôi, kiểm tra bách quan, Thế là quyền thế sinh sát ban phát tước đoạt mà vua chúa độc quyền nắm giữ; Pháp, Thuật, Thế lấy Pháp làm hạt nhân mang tính qui định về chính trị; Thuật là thủ đoạn đảm bảo cho Pháp thực thi; Thế là tiền đề tất yếu để vận dụng Pháp, Thuật; ba cái đó dựa vào nhau mà tồn tại. Và là cơ sở để vua chúa chuyên chế điều khiển bề tôi, thực hiện thống trị. 

“Tôn Tử binh pháp” là trước tác lý luận quân sự sớm nhất của Trung Quốc tồn tại đến nay; trình bày rõ ràng, súc tích về những vấn đề liên quan đến chiến tranh, những nguyên tắc chỉ đạo và tiến hành chiến tranh, nêu lên khá tỉ mỉ về quyền mưu quân sự. Có thể thấy rằng những khái niệm cơ bản nhất của một cuộc xung đột vũ trang đã xuất hiện trong tác phẩm ấy. Giá trị của nó thì khỏi phải bàn, có những lý luận, những nguyên tắc mang tính phổ biến mà đến ngày nay vẫn không hề giảm sút giá trị. Chính người Anh cũng phiên dịch “Tôn Tử binh pháp” và liệt vào sách quân sự cổ điển mà trường võ bị Anh dùng để giảng dạy học tập, nghiên cứu. Trong thời hiện đại, người ta còn nghiên cứu nó để áp dụng vào cả công việc kinh doanh nữa mới thấy được cái “tuyệt” của một tác phẩm ra đời cách nay không dưới 2500 năm. 

“Quỉ Cốc Tử” được người ta cho rằng có nội dung chủ yếu về quyền mưu ngoại giao, “dùng lý lẽ khuất phục người”. Trong đó bàn luận khá hệ thống về các vấn đề mang tính nguyên tắc, làm cơ sở cho du thuyết, hiến kế, nêu ra và luận giải rõ ràng “Thuật lượng nghi phát ngôn”. Thuật lượng nghi phát ngôn, nói nôm na là ước lượng, cân nhắc, dò xét khéo léo để biết được tâm trạng, nhân cách, tính tình của đối tượng mà tìm cách nói cho phù hợp, thực hiện quyền mưu. Chẳng hạn “Thuyết phục vua phải nói điều mới lạ, với bầy tôi phải nói tới tư lợi”. Đó là vì nói điều lạ với vua có thể lập nên công trạng lớn; nói tới tư lợi với bầy tôi, có thể bảo toàn tính mạng. Hay khuyên: “Chớ gán ghép cho người điều người ta không muốn, chớ dạy điều người ta không hiểu”, vì hai cách này là trái với lẽ thường tình cảm con người, dễ gây phật lòng nên khó mà đạt được mục đích dự định. Hoặc như: “Nói với bậc trí giả, dùng lời lẽ uyên bác; nói với bậc uyên bác, dùng biện luận; nói với nhà biện luận, dùng những điều cốt lõi; nói với kẻ quyền thế, dùng thế; nói với kẻ giàu sang dùng sự cao thượng; nói với người nghèo, dùng lời; nói với kẻ hèn, dùng khiêm nhường; nói với người dũng cảm, dùng can đảm; nói với người có chí tiến thủ, dùng sự sắc bén”. 

Theo ý kiến của chúng ta, trong ba trước tác ấy, “Hàn Phi Tử” là kém giá trị nhất. Có thể là nó đã từng có tác dụng to lớn trong việc củng cố và hoàn thiện chế độ phong kiến, là sản phẩm tất yếu của một giai đoạn phát triển lịch sử nhưng việc áp dụng nó vào thực tiễn đời sống là hạn chế. Sách “Sử ký” viết: “Hàn Tử đưa ra tiêu chuẩn để xét sự việc, phân biệt điều phải, điều trái. Học thuyết ông ta hết sức thảm khốc, ít dùng ân đức”.  

“Tôn Tử binh pháp” là tác phẩm hay, viết cô đọng nhưng hàm chứa chân lý, nhiều vấn đề nêu ra như qui luật phổ biến về chiến tranh, có tác dụng không nhỏ đối với các cuộc chiến tranh trong lịch sử Trung Quốc và trong chừng mực nào đó còn được ứng dụng mặt này hay mặt khác ở một vài lĩnh vực của đời sống xã hội. Được như thế phải nói rằng tác giả của “Tôn Tử binh pháp” là người đại tài, đã nghiên cứu rất kỹ và chắc rằng đã thấu suốt được những nguyên nhân thành bại của cuộc các hành binh, giao tranh trước đó và phát hiện ra được những mối quan hệ tác động lẫn nhau có tính qui luật giữa các sự vật - hiện tượng trong chiến tranh ấy; từ đó mà sáng tạo ra hệ thống lý luận về những nguyên tắc, cách thức giành thắng lợi trong đấu tranh vũ trang. “Tôn Tử binh pháp” nhờ thế mà có sức sống vượt thời đại. 

Nhưng chúng ta vẫn “khoái” “Quỉ Cốc Tử” hơn. Dù “Tôn Tử binh pháp” nổi tiếng lẫy lừng kim cổ nhưng vẫn không được mang danh thiên cổ kỳ thư. Ấy vậy mà “Quỉ Cốc Tử” lại được mang danh ấy, trong khi có thể là không nổi tiếng bằng. Điều lạ thường này không phải là không có nguyên nhân và nguyên nhân phải được tìm thấy trong sự ca ngợi ngất trời mà chúng ta đã từng liệt kê, ở cái nội dung ẩn dấu của nó. 

Tô Tần, Trương Nghi là hai đệ tử ưu tú của Quỷ Cốc tiên sinh; trở thành hai nhân vật tiêu biểu của Tung Hoành gia quyền mưu. “Tung hoành” là khái niệm có nguồn gốc từ thực tế diễn biến thời cuộc. “Tung” hàm nghĩa là “hợp tung”, do Tô Tần thực hiện, là chỉ sáu nước Sơn Đông từ Yến đến Sở, nam bắc hợp thành một tuyến, cùng nhau chống Tần để mong tồn tại. “Hoành” tức là “liên hoành”, do Trương Nghi thực hiện, là chỉ liên minh của nước Tần với bất kỳ nước nào, đông tây thành một tuyến, công kích nước khác, nhằm thống nhất thiên hạ. Nói chung, Tung Hoành gia chính là những mưu thần biện sĩ trên vũ đài ngoại giao thời Chiến Quốc, bôn ba du thuyết hoặc vào triều can dự chính sự, trực tiếp chịu trách nhiệm với kẻ thống trị các nước. Họ coi quyền mưu là sự hóa thân của trí và lý, cho rằng nó có thể phát huy không gì sánh được, với bên trong có thể làm cho nước trị dân yên, với bên ngoài có thể làm cho “chư hầu kết thân”, với bản thân thì muốn gì được nấy. 

Chúng ta đều thấy trong cuộc sống đời thường, việc thu phục lòng người đâu phải dễ, huống hồ là “dùng lời nói khuất phục người”. Trong chính trị, thuyết giảng về sự thiệt hơn, lợi hại, mất còn để lèo lái các quốc gia ngả theo ý chí của mình, thì còn khó tới mức nào nữa! 

Nói tới điều đó để thấy rằng những mưu thần biện sĩ Tung Hòanh gia phải có tài cán hơn người, am hiểu thời cuộc, kiến thức sâu rộng và lý luận sắc bén mới có khả năng “uốn ba tấc lưỡi” để thực hiện quyền mưu đạt kết quả. Ngoài ra những vấn đề mà họ hùng biện, thuyết giải phải có lý, hợp lẽ tự nhiên, “thuận thiên”. Thí dụ: để tránh bị thôn tính bởi một nước Tần mạnh gấp bội thì hành động hợp lý của sáu nước yếu là liên minh với nhau. Chính vì thấy được điều đó mà Tô Tần đã thực hiện thành công “hợp tung”. Trước sáu nước liên minh, Tần mất đi thế mạnh của mình. Điều hợp lẽ tự nhiên là muốn “bình thiên hạ” Tần phải tìm cách phá vỡ sự liên minh ấy. Nhưng phá bằng cách nào? Trương Nghi đã giải đáp: chỉ cần liên kết được với bất cứ nước nào trong khối liên minh ấy, cán cân lực lượng sẽ thay đổi có lợi cho Tần, và Trương Nghi đã thực hiện quyền mưu thành công, đó là "liên hoành"!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét