TT&HĐ I - 5/i


                                      
Điều gì chứng tỏ không gian chỉ là ảo, không có thật.

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."

 Albert Einstein

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)




(Tiếp theo)


* * *

Bản chất của Tồn Tại là biểu hiện, biểu hiện để khẳng định chính sự Tồn Tại của mình. Nó biểu hiện ở khắp nơi nơi, ở mọi tầng nấc, một cách toàn diện. Bởi vì Tồn Tại là duy nhất nên sự biểu hiện của nó chẳng cho cái gì khác ngoài chính nó. Để biểu hiện được như thế nó phải tự phân định đến tận cùng giới hạn, làm cho bất cứ một thành phần nhỏ nhất nào cũng phải phân định được với xung quanh. Đó cũng chính là một tiền đề của quá trình tự thân, tự trình diễn cho chính mình “xem”, vừa là diễn viên vừa là khán giả của Tự Nhiên Tồn Tại mà chúng ta gọi là vận động vật chất. không những thế, tồn tại phải có một cái gì đó vốn dĩ, tạm gọi là "giác" để "biết" mà phản ứng phù hợp trở lại đối với các tác động tương phản của những tồn tại xung quanh, làm hình thành nên nguyên lý tác dụng tương hỗ. Vận động vật chất trong Vũ Trụ xét cho đến cùng, đều có tính cơ học, là quá trình nền tảng vô thủy vô chung thể hiện ra trước nhận thức như là một Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng, chằng chịt các mối quan hệ và đầy biến động. Mọi vận động khác đều có nền tảng là vận động cơ học, và truy cho đến cùng là vận động cơ học. Chuyển hóa không gian đơn giản nhất là vận động cơ học. Vận động cơ học đơn giản nhất, đóng vai trò là yếu tố cấu thành vận động vật chất, là chuyển động, là di dời vị trí.

“Phát lộ” ra từ Tồn Tại, hay nói cách khác Tồn Tại “phát lộ” ra thành Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng, nên Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng cũng thể hiện một cách đầy đủ những đặc tính vốn có của Tồn Tại, trong đó có tính phân định. Tính phân định biểu hiện ở chỗ các sự vật - hiện tượng phân biệt được tương đối so với nhau và với môi trường bởi những mặt, những phần, những tính chất sai biệt nhau, tương phản nhau; coi nhau là đối tượng tác động, chuyển hóa nhau, hình thành nên những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong suốt quá trình tồn tại của chúng (của từng đối tượng). Cũng từ đó mà có mối tương quan, qua nhận thức là những cặp khái niệm tương phản: chủ quan – khách quan, chủ thể - khách thể, hệ quan sát - hệ bị quan sát (và một cách tự nhiên, bao giờ chủ thể cũng tưởng mình là trung tâm Vũ Trụ!?). 

 "Giác" cũng là đặc tính tự nhiên, vốn có và cơ bản của tồn tại nhằm tiếp nhận thông tin. Nó bộc lộ ra, hun đúc thành nguyên lý "tác dụng tương hỗ". Sự "giác" vốn dĩ thế là để phân biệt được lẫn nhau và phản ứng tương hỗ đối ứng trước tác dụng của tồn tại xung quanh trong Vũ Trụ là hiện thân sâu xa, cội rễ  của sự "phát" giác được của các sự vật trong thế giới vô tri và cảm giác của các sinh vật trong thế giới sinh vật. Nhờ có "giác" mà mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các vật mới có khả năng tồn tại và duy trì. Tùy vào mức độ phức tạp, kiểu hình cấu trúc trong quá trình tiến hóa của nội tại các sinh vật, được hình thành duy trì và củng cố trong suốt quá trình thích nghi với môi trường mà mức độ cảm giác có khác nhau: phản ứng trực tiếp, cảm giác trực giác, cảm nhận, nhận biết, siêu cảm, linh giác … (Chúng ta tạm gọi như thế và… không chính xác!). 

Sự thể hiện của Tự Nhiên Tồn Tại là toàn diện nhưng sự cảm giác của các vật là phiến diện. Không có sự tồn tại tương đối nào cảm giác được toàn diện sự thể hiện của Tồn Tại tuyệt đối, mà chỉ có thể cảm giác được một số mặt nào đó, một khoảng môi trường nào đó, một qui mô nào đó và một tầng nấc nào đó. Con người cũng vậy, nhờ có năm giác quan và một bộ phận não phát triển biết chế tác những công cụ cảm nhận ngày một hiện đại mà con người có thể cảm nhận hết sức sâu rộng về thế giới khách quan (kể cả chính con người!) nhưng không bao giờ đầy đủ. Phải nhờ có trí nhớ, nhờ có tích lũy kinh nghiệm và biết suy tư mà con người mới có thể nhận thức và thông qua nhận thức mới có thể có khả năng nhận biết được đến tận cùng Tồn Tại. 

Trong mối quan hệ chủ quan – khách quan, khi nói: thế giới khách quan thì cần hiểu là thế giới khách quan của một đối tượng chủ quan nào đó chứ không phải là của toàn thể. Sự biểu hiện của Tự Nhiên Tồn Tại, tác động vào các vật, tùy vào tính đặc thù nội tại khác nhau mà mỗi vật sẽ cảm nhận khác nhau làm cho thế giới khách quan của các vật có sự sai biệt nhất định so với nhau. Do đó thế giới khách quan, vì bị ảnh hưởng của cảm nhận chủ quan mà cũng có tính chủ quan, không còn chân thực nữa (sự không chân thực này sẽ dần được khắc phục qua quá trình nhận thức!). Thế giới khách quan của người này ít nhiều gì cũng có sự khác biệt so với thế giới khách quan của người kia. Thế giới khách quan của con người và thế giới khách quan của loài chó chắc chắn là phải khác nhau… xa lắc! 

Chúng ta gọi những gì đang quan sát (cảm giác) được từ thế giới khách quan, hiện còn, là sự hiện hữu, và toàn cảnh các sự hiện hữu ấy là một hiện thực (cũng tương đối thôi: hiện thực có thể là toàn cảnh hiện hữu trong một khoảng thời gian quan sát hay qui ước nào đó!) 

Chính sự hiện hữu đã cho chúng ta có ý niệm về không gian. Không gian là những khoảng trống rỗng hợp thành vĩ đại. Một trong những đặc tính cơ bản của mọi hiện hữu, mọi hữu thể làm cho sự quan sát có khả năng, là đặc tính quảng tính, đó là kích thước, vóc dáng, hình hài, thể tích… Một bộ phận không gian là một khoảng (được cho là) trống rỗng nào đó, là thể tích “chứa đựng” của một vật (thể tích của một vật mà không có vật ấy!?). Đi sâu về hướng vi mô, khoảng không gian có giới hạn không? Có thể xác quyết rằng: có! Vì không thể tưởng tượng nổi sự hợp thành nên cái vĩ đại lại là từ Hư Vô! 

Đến đây, chúng ta bỗng chợt nhớ đến một nhận định của Platon như thế này:“Toàn bộ thế giới cuối cùng là tồn tại vĩnh viễn không có bắt đầu, hay là được sáng tạo ra và có bắt đầu? Tôi cho rằng nó được sáng tạo ra. Bởi vì người ta có thể trông thấy nó, sờ được nó, vả lại nó cũng có hình thể. Tất cả nhữ ng cái đó đều có thể cảm giác được. Phàm tất cả những cái gì có thể cảm giác được đều là đối tượng của ý kiến và cảm giác. Do đó nó phải ở trong một quá trình sáng tạo và nó được sáng tạo ra. Chúng ta đã nói ở trên rằng phàm cái gì được sáng tạo ra đều phải có nguyên nhân. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải phát hiện ai là người sáng tạo , là cha đẻ của nó”. 


Rõ ràng “toàn bộ thế giới” ở đây của Platon thực ra chỉ là một hiện thực của con người (toàn cảnh của sự hiện hữu). Mà hiện thực theo ý chúng ta, là kết quả của một nền tảng tự thân (nguyên lý nhân-quả: mọi tồn tại đều có nguyên nhân, chỉ Tổn Tại là có nguyên nhân và kết quả của chính nó!), nên nó có bắt đầu và được tạo dựng, nhưng vì đã qua cảm giác nên nó đồng thời cũng có “bàn tay” con người “thò vào”. Vậy có thể nói nó là một công trình lai tạp. Rốt cuộc chỉ có thể nói: hiện thực (hiện hữu) thì có bắt đầu, Tồn Tại thì không! Platon đã nhận định sai do lầm lẫn, chưa phân biệt được tính tuyệt đối với tính tương đối của Tồn Tại, và quên mất không gian, cái có thể thấy nhưng không thể sờ được! 

Chúng ta nhấn mạnh: tồn tại tương đối luôn nằm trong mối quan hệ nhân quả, là kết quả của tạo dựng, có khởi đầu và kết thúc, nghĩa là muốn có nó phải có một cú “hích”. 

Chúng ta có một tưởng tượng: giả sử chúng ta đứng trong một vùng mênh mông nào đó, chẳng có bất cứ một cái gì cả ngoài chúng ta, với dưới là mặt đất phẳng phiu, trên là bầu trời trong xanh không một chút gợn và trời đất phân biệt nhờ đường chân trời ở xa tít tắp. Chúng ta quan sát được gì ở đó? Trước mắt chúng ta rõ ràng là một hiện thực, trong đó là sự hiện hữu của nền trời, mặt đất, một đường chân trời và một khoảng không, một thể tích được xác định bởi trời đất, ngoài ra không còn cái gì khác nữa (quên chúng ta đi!). Nếu không quan tâm tới đất, trời và giáp tuyến (chính chúng ta trong đời thường cũng rất hay quên sự hiện hữu của chúng!), thì chỉ còn một hiện hữu, một khoảng không mà ta “thấy” được, cảm giác được, một thể tích chẳng chứa chấp cái gì cả, và ta gọi đó là không gian. Như vậy, không gian chẳng khác gì một sự trống rỗng hoàn toàn và thật là “vô vị”. Đúng! Nói như thế là chính xác, nhưng chỉ chính xác đối với chúng ta thôi, vì đối với một con siêu vi khuẩn chẳng hạn, nó sẽ “thấy” một hiện thực hoàn toàn khác: khoảng trống rỗng thực ra là lúc nhúc đầy phân tử các loại với những “đồng chí” siêu vi khác và… 

Cho dù có thể giả định rằng cả siêu vi khuẩn và không khí đều bị loại trừ, thì sự trống rỗng ấy vẫn không trống rỗng, nó tràn ngập ánh sáng. Nhờ có ánh sáng phản chiếu từ trời và đất mà chúng ta mới “thấy” được cái trống rỗng. Cuối cùng, nếu “tống khứ” luôn cả ánh sáng đi và chúng ta bồng bềnh trong đó (một đêm lặng tờ, không trăng không sao, không đèn không đóm) thì dù đất, trời và đường phân giới không còn hiện hữu nữa, chúng ta vẫn cảm giác được sự hiện hữu của không gian, tuy không rõ ràng: một thể tích (chúng ta quờ quạng và biết được có khoảng chứa đựng chính chúng ta) đầy cái gì đó… “đen thui”, và cũng như trường hợp về con siêu vi khuẩn, lần này thận trọng hơn chúng ta phải nói rằng, đối với chúng ta cái “đen thui” đó là trống rỗng nhưng thực sự chưa chắc nó đã trống rỗng! 

Chúng ta quay lại với cảnh sắc ban đầu để nhìn ngắm lại một lần nữa hiện thực. Chúng ta nhìn ngắm lại nó không phải vì nó xấu hay đẹp, đó là mục đích của thơ ca nhạc họa. Lúc này chúng ta không có tâm hồn ấy, không còn tâm trí đâu mà “uống rượu thành thơ” nữa. Chúng ta quay lại nhìn soi mói để kiếm tìm một cái gì đó đáng lẽ phải thấy mà chẳng thấy đâu trong lần quan sát đầu tiên. Hình như có điều gì đó nghiêm trọng ở đây? Điều gì nhỉ? 

A, phải rồi, thời gian! Lần quan sát trước và cả lần này nữa, chúng ta chẳng thấy thời gian đâu cả, chẳng thấy bất cứ cái gì khả dĩ có thể đặt tên là thời gian cả. Nhưng nó phải có chứ? Đúng, phải có! Thế thì nó ở đâu? Ừ nhỉ, nó ở đâu? 

Hãy nhớ đi, thời gian là sự dài lâu! Chúng ta đã quan sát hiện thực hai lần và hai lần quan sát ấy có độ “dài ngắn” khác nhau, chúng ta nói trong hai lần quan sát ấy có một lần “dài” hơn lần kia, và để tránh nhầm lẫn với khái niệm khoảng cách (một yếu tố làm nên thể tích, hay cứ gọi là một thành phần làm nên không gian), chúng ta dùng từ “lâu”: Sự quan sát này lâu hơn sự quan sát kia. Tương phản với “lâu” ta có “mau”. Thời gian đã được cảm nhận định nghĩa: Thời gian là một qui ước mô tả sự lâu-mau của một quá trình tồn tại chuyển hóa, vận động, chuyển động di dời vị trí, biến đổi trạng thái của sự vật - hiện tượng! 

Nếu chấp nhận sự lý giải trên về thời gian, và vì chúng ta không quan sát được trong hiện thực, thì phải đi đến kết luận rằng thời gian không hiện hữu trong hiện thực của chúng ta. Nhận định này đúng tương đối nhưng sai tuyệt đối! Trước hết, chúng ta nói ngay rằng thời gian nói trên là một hiện hữu vô hình (nhưng cảm giác được) trong một hiện thực có cả sự hiện hữu của chúng ta hay của một quan sát nào đó ngoài chúng ta (của người khác hoặc cũng có thể là một dạng tư duy nào đó ngoài hành tinh). Nhưng quan trọng hơn là chúng ta đã quên (con người là chúa hay quên!) rằng cái hiện thực mà ta quan sát được chính là một sự vật - hiện tượng mà đã là một sự vật - hiện tượng thì nó là một tồn tại tương đối, là kết quả của một tạo dựng; phân biệt được với xung quanh và có mối quan hệ tương hỗ với xung quanh, sống động và biến đổi. Nói thế cho dông dài chứ thực ra nếu không có Trái Đất vận động tự xoay, quay quanh Mặt Trời và Mặt Trời chiếu sáng thì không thể có hiện thực mà chúng ta quan sát được và hiện thực mà chúng ta quan sát được không thể là một bất biến. Nhờ chu kỳ sáng tối mà chúng ta phân được hiện thực ra thành những giai đoạn theo qui ước: hiện thực bình minh, hiện thực trưa, hiện thực chiều, hiện thực tối… và nhờ vậy, chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu lâu mau của các giai đoạn. Từ sự cảm nhận lâu mau ấy, chúng ta định ra một khoảng nào đó qui ước làm đơn vị đo (giờ, phút, ngày tháng…) và chúng ta lại qui ước như thế nào, với bản thân đơn vị đo thì một quá trình gọi là lâu hay mau (so với một quá trình nào đó đã chọn làm “mốc”). Nếu chỉ so sánh độ lâu mau giữa hai quá trình thì đơn giản chúng ta dùng cặp khái niệm tương phản lâu hơn – mau hơn (hay không phải là tương phản?). Vì chỉ có “một chiều” thời gian nên thay cho lâu – mau có thể dùng chậm – nhanh, thâm chí là dài - ngắn, (nhưng phải hiểu là dài, ngắn về mặt thời gian, nếu không, chúng ta sẽ lẫn lộn vì dài - ngắn cũng là cặp tương phản áp dụng cho không gian. Không gian có “ba chiều” nên cặp dài - ngắn không đủ mô tả một bộ phận nào đó của không gian, một thể tích. Vì lý do đó cặp dài - ngắn phải được “phân ra” thành ba cặp đại loại là rộng - hẹp, nông - sâu, cao - thấp).

Từ cuộc tưởng tượng vừa qua hay cũng có thể coi là một cuộc thực nghiệm trong… hoang tưởng, chúng ta đã tạm có một ý niệm sơ bộ về không gian và thời gian: không gian và thời gian là những hiện hữu góp phần làm nên hiện thực; nếu không gian được cho là hiện hữu hữu hình thì thời gian là hiện hữu vô hình (!). Không gian đôi khi cũng trở nên vô hình (chẳng hạn như đêm tối), đôi khi cũng không hiện hữu (chẳng hạn như quan sát giữa lòng đại dương), còn thời gian thì có khi không hiện hữu trong hiện thực (khoảng quan sát quá “ngắn”, không cảm giác được sự biến đổi) nhưng luôn vô hình (như nóng, lạnh… ); không bao giờ là hữu hình. Chính vì thời gian hiện hữu kiểu “mập mờ” như thế nên “chân tướng” của nó rất khó được nhận biết. Người thì cho rằng thời gian “trôi” đều đặn qua hiện thực; người lại cho rằng thời gian trôi có chỗ nhanh, chỗ chậm, mang tính cục bộ, trong sự vật này thì trôi chậm, trong sự vật kia thì trôi nhanh, thậm chí còn biết “co giãn” và đôi khi không “thèm” trôi nữa (trong lỗ đen). 

Như đã từng đề cập, chúng ta chắc chắn là hoàn toàn bất lực, không thể tưởng tượng nổi sự “trôi” của thời gian mà không vấp phải phi lý nào. Nếu có sự “trôi” của thời gian trong hiện thực thì thời gian phải là hữu hình (dù không rõ ràng, ví như sự lạnh là một vô hình lan tỏa, nhưng khi sự lan tỏa đó chỉ theo một hướng thôi thì ta phải gọi đó là luồng (không khí) lạnh, và như vậy là nó trở nên hữu hình (một cách vô định hình) và có thể xác định nó như một khối hay một thể tích không gian có nội dung thời gian, như một dòng trôi từ đâu đó qua hiện thực rồi về đâu đó theo một hướng xác định được trong không gian và vùng không gian trống rỗng của hiện thực cũng phải đầy ắp thời gian. Một thể tích không gian chứa đầy thời gian, nghe sao mà mù mịt quá! Nếu suy rộng ra cho toàn Vũ Trụ thì chúng ta… biết rồi đấy! 

Chúng ta không chấp nhận một kiểu thời gian vĩnh viễn vô hình và “trôi”? Khó mà biết được ai là người đầu tiên và từ bao giờ làm xuất hiện ý niệm ấy. Chỉ đoán mò rằng có thể là lâu lắm rồi, từ thời xa lắc, có một thi hào vô danh nào đó đứng tư lự bên dòng sông Nin, ngẫm nghĩ đến cuộc xoay vần thản nhiên và bất tận của đất - trời, xót xa cho nỗi buồn vui thấm thoắt của nhân tình thế thái mà tức cảnh sinh tình:
Lấp lánh thời gian
Là dòng sông năm tháng
Thầm lặng lở bồi, miên man tít tắp
Ngày đêm lũ lượt luân hồi
Hiện tại, tương lai cuồn cuộn trôi xuôi
Hối hả lùa vào đại dương dĩ vãng
Mà dòng chảy, chẳng hề vơi cạn
Từ ngàn xửa, ngàn xưa…

Và “kinh nghiệm” cổ xưa ấy đã ám ảnh con người đến tận ngày nay! 

Để thỏa mãn tính đầy đủ của Tồn Tại, chúng ta đành phải chấp nhận sự tồn tại tất cả những đặc tính của không gian và thời gian mà vật lý học ngày nay đã suy đoán từ những lập luận chặt chẽ và trên cơ sở những thực nghiệm lặp đi lặp lại như: sự cong của không gian và thời gian (do khối lượng), sự co của không gian và thời gian (do vận động) và sự ngừng trôi, suy biến của không gian và thời gian (do mật độ vật chất đạt đến tới hạn), nhưng chỉ trong vật lý học hoặc trong tư tưởng mà thôi!

Nghĩa là trong ý niệm về không gian và thời gian, chúng ta cần phải bổ sung thêm khả năng hiện hữu ảo của chúng nữa. Không cần phải đưa ra thêm thí dụ minh họa nữa vì chúng ta đã quên (lại quên!) rằng cuộc thực nghiệm của chúng ta là tưởng tượng, cho nên có thể lấy luôn nó để minh họa, và chỉ cần thêm chữ “ảo” sau những từ “hiện thực”, “không gian” và “thời gian” là xong. 

Nói đến hiện thực là phải nói đến quan sát, không có quan sát thì không có hiện thực. Ở đây, chúng ta hiểu quan sát không phải đơn thuần là nhìn bằng mắt, mà có nghĩa rộng hơn, đó là sự cảm giác, cảm thấy… Và cũng không phải chỉ bằng năm giác quan mà có thể là linh giác, linh cảm, hoặc là sự nhận biết thông qua các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ (kính thiên văn, kính hiển vi, máy dò phóng xạ…). 

Nói đến quan sát thì phải nói đến khoảng thời gian quan sát và khoảng thời gian đó có thể lâu có thể mau và tuyệt đối không bao giờ bằng không. Do vậy một hiện thực có khi chỉ như một bức ảnh, tĩnh tại; khi là một hoạt cảnh tương tự một bộ phận nhưng cũng có khi tùy theo qui ước, tùy theo thỏa thuận ngầm nào đó mà chúng ta còn hiểu nó như một thời đại, ngày nay, hiện nay… Ngoài ra, chúng ta còn thấy rằng trong một hiện thực tương đối dài lâu nào đó, có những hiện hữu (sự vật - hiện tượng) chỉ tồn tại trong chớp mắt, trong chốc lát, hoặc trong một khoảng xác định được, nhưng cũng có những hiện hữu (hình như) không thay đổi, không biến đổi, chẳng hạn như những vì sao, dãy Trường Sơn… và một cách tương đối chúng ta gọi chúng ta là những bất biến, “nằm ngoài” thời gian, “hầu như” thời gian không “trôi qua” chúng. 

Khi không quan sát mà chúng ta suy nghĩ về hiện thực, hồi ức, mường tượng lại những hoạt cảnh đã qua, tưởng tượng ra một hoạt cảnh nào đó mà chúng ta chưa từng quan sát thấy (nhưng cũng không thể thoát ly được tồn tại, kinh nghiệm đã tích lũy được!) hay là ngủ mơ thấy, hay là mơ ước,…thì tất cả những cái ấy (hiện lên trong tư duy, trong não) đều được chúng ta gọi là hiện thực ảo. Thế còn khi chúng ta đang xem một bộ phim, đang xem truyền hình trực tiếp thì thuộc hiện thực hay hiện thực ảo (thực tại ảo!)? Cũng tùy qui ước cả thôi! Chúng ta có thể cho rằng những hoạt cảnh mà chúng ta thấy qua truyền hình trực tiếp là hiện thực quan sát nhờ sự hỗ trợ của thiết bị truyền thông. Và xem phim là chúng ta đang quan sát một hiện thực (một màn ảnh có sự biến động liên tục trong đó), còn nội dung của bộ phim là một thực tại ảo (hiện thực ảo). 

Điều đương nhiên, không gian và thời gian trong một hiện thực ảo nào đó phải là không gian ảo và thời gian ảo. 

Việc chúng ta chế tác một mô hình nào đó trong thực tiễn, có nghĩa là chúng ta đang mô phỏng lại biểu tượng, hiện hữu ảo, hiện thực ảo (toàn cảnh hiện hữu ảo) tồn tại trong tư duy. Mô hình đó phải được coi là hiện hữu thực (hay toàn cảnh hiện hữu thực – một hiện thực). Nó giống với hiện thực ảo nhưng không phải là hiện thực ảo và càng không phải là hiện thực của hiện thực ảo (nếu là hồi ức). Hiện thực ảo mang nặng tính chủ quan của con người, là một phản ánh đã méo mó, thiếu chi tiết của hiện thực, thậm chí hoàn toàn do tư duy tạo dựng. Sự hồi ức, tưởng tượng lại quan sát đã qua thường là không đầy đủ, phiến diện, lẫn lộn và mờ nhạt. Chúng ta gọi hiện thực ảo đó là quá khứ. Hiện thực ảo “gần” với lúc quan sát hoặc có khi là “suýt soát” với thời gian quan sát thì được gọi là hiện tại (hiện tại cũng có nghĩa như hiện thực – chúng ta qui ước). Qua nhận thức, qua kinh nghiệm đã tích lũy được khi quan sát mà chúng ta mường tượng được, phỏng đoán được, ước đoán được những hoạt cảnh tiếp theo, những toàn cảnh hiện hữu sắp xảy ra hay sẽ xảy ra và chúng ta gọi hiện thực ảo đó là tương lai. Tương lai xảy ra đúng hay sai, đúng nhiều hay đúng ít so với sự ước đoán là một biểu hiện về trình độ nhận thức của tư duy.  Rõ ràng, quá khứ và tương lai là Hư Vô khi ta không suy nghĩ về chúng và là những hiện thực ảo khi ta tưởng tượng về chúng!

Trước quan sát thực (nói thế để phân biệt với quan sát trong tư duy (quan sát ảo)) luôn luôn là hiện thực, không bao giờ là quá khứ cũng như tương lai. Tự Nhiên Tồn Tại luôn luôn hiển hiện trước mọi quan sát và được gọi là Hiện Tại vĩ đại. Quá khứ và tương lai chỉ tồn tại trong tư duy, “cũng phù phiếm như một giấc mộng” (lời của Nietzsche).
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH