TT&HĐ I - 6/d


                                        
Sử Ký Tư Mã Thiên (Tư Mã Thiên) - Truyện Tô Tần, Truyện Trương Nghi

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG VI: ĐÓNG - MỞ 

Tôi để ý rằng kể cả những người khẳng định là mọi thứ đã được định sẵn và chúng ta không thể làm gì để thay đổi điều đó, họ vẫn luôn quan sát trước khi sang đường.

Stephen Hawking  

Động mà không động, Không động mà động, Không tức thị Có, Có tức thị Không, Có có, Không không, Không không, Có có, Có rồi lại Không, Không rồi lại Có, Có cũng như không, Không tốt hơn có, Không có mà Có,Có vẫn hơn Không

Có Không, Không Có 

Lão Tử 


“Và thật vô nghĩa khi đánh giá tư duy của một dân tộc nào đó là có tính triết lý hay không nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn được định sẵn, đặc biệt những tiêu chuẩn truyền thống riêng của một dân tộc. Triết lý của bất cứ dân tộc nào đều là tinh hoa của nền văn hóa và là sự diễn tả trọn vẹn các phong cách tư duy, cảm nghĩ và sinh hoạt của dân tộc đó. Do đó, triết lý của từng dân tộc là sản phẩm của môi trường tạo ra nó và những cách thức riêng về nhận thức, tri thức, thẩm mỹ, luân lý và tôn giáo. Như vậy đánh giá triết lý của người khác theo những chuẩn mực và tiêu chí của một nền văn hóa nào đó quả là một hành vi tự phụ mù quáng để có thể hiểu các dân tộc khác. Để hiểu biết một dân tộc và nền văn hóa của dân tộc đó chính là hiểu cách thức dân tộc đó nhìn thế giới, nhìn chính nó và nhìn các dân tộc khác. Chỉ khi các thành viên của từng nền văn hóa tiếp cận các nguồn triết lý của các nền văn hóa khác bằng một đầu óc phóng khoáng và nghiêm túc nghiên cứu chúng, lúc ấy người ta mới hiểu được các dân tộc khác hoặc mới khai sáng và phong phú hóa triết học và văn hóa của chính họ..."
(R. Puligandla)




(Tiếp theo)


Để chứng minh “đại ngôn” ở trên là không đến nỗi rỗng tuếch, chúng ta sẽ đi sâu (không sâu lắm đâu!) vào nội dung của cuốn sách (chỉ là nội dung trích lược, thông qua biên dịch của Trần Sáng).
Nói chung mối quan hệ giữa sự vật - hiện tượng và môi trường (trường xung quanh nó cùng với các sự vật - hiện tượng khác ngoài nó) là mối quan hệ giữa tác động và phản ứng. Khi bị môi trường tác động thì sự vật sẽ phản ứng, tác động lại môi trường và ngược lại khi sự vật tác động vào môi trường thì môi trường cũng sẽ phản ứng lại. Phản ứng là quá trình vận động nội tại của vật đang ở trạng thái cân bằng (tương đối được cho là đủ phù hợp, thích nghi tương đối với môi trường) bị đe dọa mất cân bằng do tác động nào đó (của môi trường, của bản thân nội tại vật …) và cố giữ vững cân bằng (duy trì trạng thái cân bằng cũ hoặc “tìm” trạng thái cân bằng mới). Phản ứng ở thế giới vô tri có nguồn gốc từ cái "giác' vốn dĩ và là cội nguồn cảm giác của thế giới sinh vật, đối với con người trên Trái Đất này là năm giác quan. Nhờ có năm giác quan và bộ não biết tư duy mà con người có thể quan sát và nhận biết, hiểu được tương đối thế giới hiện thực. Mỗi con người là một chủ thể quan sát. về mặt thành phần cấu tạo, về cấu trúc hình thể nói chung là giống nhau nhưng cũng có những dị biệt do thí dụ như không cùng ngày sinh, nơi sinh, không cùng huyết thống, phát triển trong môi trường khác nhau… và đặc biệt là trình độ học vấn khác nhau, kinh nghiệm khác nhau, do đó mà dù cùng một góc độ quan sát thì các chủ thể quan sát thực tại khách quan cũng sẽ có cảm giá khác nhau và hơn nữa, cũng sẽ “thấy” các hiện thực, hiện hữu có những nét không giống nhau. Một thực tại khách quan qua quan sát và nhận thức, trở thành một hiện thực chủ quan (mang nặng tính chủ quan), méo theo quan niệm của chủ thể quan sát. Méo ít hay nhiều là tùy thuộc vào tâm sinh lý và năng lực của quan sát và nhận thức. Quan sát sai lầm về hiện thực sẽ đưa đến nhận định sai lầm và hành động sai lầm.
Muốn hành động đúng đắn trong đời sống, muốn thực hiện quyền mưu đạt hiệu quả thì phải lường được trước sự việc (cân nhắc, lượng định, chọn phương thức tác động, lập kế hoạch…) và tổ chức thực hiện (chuẩn bị dụng cụ đồ nghề, tập trung lực lượng, bố trí công việc…). Nhưng để lường trước sự việc thì việc đầu tiên là phải quan sát (dòm ngó, theo dõi, thu thập thông tin…) và nhận định (tình thế hiện tại, tương quan lực lượng, chiều hướng phát triển có thể…) một cách đúng đắn.
Làm sao có thể quan sát, nhận định được đúng đắn như vấn đề là thế trước một hiện thực với vô vàn sự vật - hiện tượng quan hệ chằng chịt nhau, phụ thuộc nhau, vận động và biến hóa không ngừng?
Quyển hạ của cuốn sách “Quỉ Cốc Tử” trả lời câu hỏi trên.
Quyển hạ có hai phần là “Trì khu” và “Âm phù”.
Trì khu chính là quan sát. Quan sát không đơn thuần là chỉ nhìn bằng mắt mà là “nhìn” bằng cả năm giác quan, là “biết” nhìn. Biết nhìn thì vừa nhìn thấy xa, rộng, thấy bao quát, vừa nhìn thấy cái cụ thể, tỉ mỉ. Đứng xa quá thì chỉ nhìn thấy rừng, đứng gần quá thì chỉ thấy cây, đứng đúng chỗ sẽ nhìn thấy cả rừng lẫn cây. Biết nhìn là học hỏi ở quá khứ mà thấy được sâu sắc ở hiện tại (ôn cố tri tân), biết mình biết người (“biết được người là khôn, biết được mình mới là sáng suốt”, Lão Tử) nhờ chiêm nghiệm. Biết nhìn là biết lắng nghe, biết tìm hiểu, biết lấy cái nhìn của muôn người trong thiên hạ làm cái nhìn của mình, và như thế sẽ được cái quan sát “thiên lý nhãn”, “thuận phong nhĩ”, “vạn linh tâm”. Từ đó mà thấy được luật sinh thành, biến hóa của vạn vật, luật tự nhiên vận hành của trời đất, thấy được trạng huống của hiện thực, hiện hữu và thấy được tiến trình biến đổi của chúng cũng như khả năng tác động vào tiến trình biến đổi ấy.
Quan sát được như thế mới mong thấy được cái vốn dĩ thế của hiện thực, của đối tượng quan sát.
Nhưng muốn quan sát được như thế thì phải làm sao kìm hỏa được cái mù mờ của chủ quan đi, giảm thiểu hoặc loại bỏ sự ảnh hưởng của nó vào quá trình quan sát. “Âm phù” chỉ ra cách thực hiện vấn đề khó khăn này.
Một con người mà yếu đuối, bệnh tật thì ngũ quan sai lạc; không chịu học hành, để mặc cho bị ngu dốt thì không thể biết nhìn được chính xác như thế, sẽ không thể nào quan sát thông tỏ được. Vậy thì việc đầu tiên trên con đường hoạn lộ của một đời người, bước đầu tiên của mưu cầu danh lợi là tu thân, luyện tâm.
Bản kinh có nghĩa là bài văn nhưng cũng có thể hiểu như bài hướng dẫn, bí quyết. Âm phù, có lẽ nên hiểu như là làm cho cái bên trong, cái nội tại, nội tâm đạt đến thông tuệ hòa hợp với tự nhiên, như nhiên. Nếu đúng như thế thì “Bản kinh Âm phù” là bản hướng dẫn cách tu luyện thân, tâm hay bí quyết (phương pháp) suy nghĩ đúng đắn.
Bản kinh Âm phù nêu lên bảy bước thực hành rèn luyện nội tâm.
Thứ nhất là “Thịnh thần ngũ long pháp”. Thịnh là đầy đủ, sung mãn; thần là tinh khí, sức khỏe. Ngũ long là năm con rồng, ám chỉ ngũ hành, ngũ quan của con người; pháp là phương pháp. Nghĩa là nuôi dưỡng tinh thần đạt được sung mãn dồi dào bằng phương pháp ngũ long.
Quan niệm của Trung Hoa cổ đại cho rằng Vũ Trụ hình thành bởi năm yếu tố, gọi là ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ: năm yếu tố ấy tương khắc, tương thành với nhau mà sinh ra vạn vật vận động biến hóa không ngừng. Chúng còn được gọi là ngũ long, năm con rồng tượng trưng cho thần thông biến hóa, hay cũng được gọi là ngũ khí.
Con người là tiểu Vũ Trụ, ngũ khí vận hành trong đó thể hiện ra như ngũ tạng (tim (hỏa), gan (mộc), tỳ (thổ), phế (kim), thận (thủy)), và phát xuất ra thành ngũ giác, gọi là thần minh.
Muốn quan sát tốt thì ngũ giác phải tinh nhạy, muốn ngũ giác tinh nhạy thì phải luyện tâm, rèn luyện thân thể, văn ôn võ luyện (đạo thuật?!). Một tinh thần sáng suốt (phẩm đức) cùng với một thân thể khỏe mạnh (tài năng) sẽ làm cho ngũ giác trở nên tinh tường, phân biệt được đúng đắn, tinh nhạy, góp phần làm nên chí, tưởng, thần, đức (nhận thức đúng đắn).
Thứ hai là “Dưỡng chí linh qui pháp”. “Dưỡng chí” là nuôi dưỡng ý chí; “linh qui” là con rùa linh, cũng hàm ý là sự kiên nhẫn. “Dưỡng chí linh qui pháp” là luôn bồi dưỡng tâm chí theo phương pháp linh qui. Muốn tu thân, luyện tâm đến thành đạt thì phải biết nuôi dưỡng ý chí. Nếu không kiên định được ý chí sẽ không có được sự kiên nhẫn để vượt qua gian khổ trong quá trình tu thân, luyện tâm. Ở đây, tác giả đã có cách nhìn biện chứng về mối quan hệ giữa dưỡng chí với tu thân, luyện tâm. Không có ý chí mông lung; ý chí luôn có mục đích cụ thể. Nuôi dưỡng ý chí thúc đẩy cho tu thân, luyện tâm thông đạt; tu thân, luyện tâm thông đạt để tạo tiền đề thực hiện mục đích của ý chí. Một mục đích viển vông, hư ảo sẽ không nuôi dưỡng được ý chí, như vậy sẽ không đủ kiên nhẫn để vươn tới thông đạt và tất cả sẽ trở nên vô dụng, vô ích.
Nếu mục đích cao cả là ước vọng của ý chí thì thèm khát tầm thường là dục vọng của bản năng. Dục vọng luôn quấy phá ý chí làm cho ý chí tiêu trầm, hoảng loạn. Ý chí bị tiêu trầm bởi không biết nuôi dưỡng ý chí, tâm thần chưa thống suốt và nghĩa là “luyện thần” chưa đạt.
Tâm và thần hợp nhất, an định thì dưỡng được chí, nuôi chí bền. Ý chí kiên định thì oai thế không bị phân tán, tưởng như có thần minh trấn thủ, gần gũi và phát huy được tài năng để thi triển quyền mưu.
Thứ ba là “Thực ý đằng xà pháp”. Hiểu nôm na là ý nghĩ phải rõ ràng, mạch lạc, không mơ hồ, rối loạn. Tâm an tĩnh thì tinh thần sáng tỏ, tinh thần sáng tỏ thì ý nghĩ không bị tán lọan, ý nghĩ không tán loạn thì sẽ suy nghĩ được rành mạch mà uyển chuyển nên cũng sâu, xa; suy nghĩ càng sâu xa thì nhận định càng sắc sảo, đúng đắn.
Thứ tư là “Phân uy phục hùng pháp”. Phân là ảnh hưởng xa, uy là tỏ cái lớn mạnh, hùng là con gấu, phục là nằm, nấp, rình; Phân uy phục hùng pháp được hiểu như là làm cho nội lực lớn mạnh như con gấu nằm chờ (thời cơ). Nội lực lớn mạnh ở đây chỉ việc tích lũy trau dồi kiến thức, học vấn đầy đủ, dồi dào, toàn diện (văn võ song toàn). Nhờ có ý chí kiên định mà chuyên cần trong tu thân, luyện tâm và thông qua tu thân, luyện tâm mà có nội lực đầy uy phong, có sức mạnh toàn diện, khi phân thì có uy, khi động thì có thế, gặp sự cố biết nhanh chóng tùy cơ ứng biến, lấy thực thủ hư, lấy hư thủ không, liên miên bất tận, khi động thì tùy, khi xướng thì họa.
Thứ năm là: “Tản thế chí đảo pháp”. “Tản thế” là phân tán, dàn trải thế lực; “chí đảo” là hành động dũng mãnh, nhanh nhẹn bắt mồi của con chim chí. Ý nghĩa bước này là: phải biết vận dụng học lực một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, tinh thông, sắc sảo. Suy nghĩ, nhận biết vừa bao quát, vừa cụ thể, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay, tự nhiên như bèo trôi nước chảy mà thấy được thực hư, mà thấy được thiên cơ.
Thứ sáu là: “Chuyển viên mãnh thú pháp”. Trí tuệ toàn thiện là của bậc thánh nhân. Trí tuệ toàn diện sẽ đạt được sự suy nghĩ an định, hồn nhiên, uyển chuyển mà cao siêu tương tự như hình tượng vận động hợp lý nhẹ nhàng, tự nhiên mà hiệu quả đến mức viên mãn của một con mãnh thú. Trên một nền tảng trí tuệ đã được rèn đúc vững vàng, bậc thánh nhân có thể thấy được đạo lý trong sự hỗn độn của vạn vật, quan sát cái biểu hiện vận động biến hóa bên ngoài mà thấu triệt được cái động lực bên trong của sự vật - hiện tượng, từ đó mới lường định, đề ra mưu sách phù hợp làm biến chuyển tình thế từ yếu thành mạnh, từ xấu thành tốt…
Cuối cùng là “Tổn đoái linh thi pháp”. “Tổn” là tổn hại, “đoái” là nhìn, suy xét; thi là cỏ thi, người xưa dùng cỏ này để bói toán gọi là bói cỏ thi, linh là linh nghiệm; linh thi là bói toán linh nghiệm hay có thể suy ra là phán đoán tài tình. Có thể hiểu “Tổn đoái linh thi pháp” là xem xét, cân nhắc lợi hại, thiệt hơn để phán đoán đúng đắn, chính xác mà đi đến quyết định. Thành bại là thường tình cho nên cân nhắc lợi hại, thành bại để quyết tâm theo đuổi hành động, “thất bại là mẹ thành công”, chịu cái tổn nhỏ để đạt cái lợi lớn, “thua keo này bày keo khác”, không chùn bước trước thất bại tạm thời mà bỏ mất cơ hội thành công. Sự việc dù khó dù dễ đều phải cân nhắc kỹ càng để có được phương sách hợp với lẽ tự nhiên, hợp với đạo lý vì chỉ có như thế mới có thể làm nên công trạng.
Thánh nhân thường không biện luận nhiều, ít nói những điều vụn vặt vì lòng họ sáng tỏ, ý chí vững vàng, tâm thần an định.
Qua trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, tác giả của “Quỉ Cốc Tử” đã hiểu thấu đáo mối quan hệ giữa cảm tính và lý tính của con người, thấy được tầm quan trọng của tư duy đúng đắn trong quá trình quan sát, nhận thức chân lý. Đọc quyển hạ, chúng ta còn thấy hiện lên bàng bạc sự hình thành cũng như qui luật của tư duy trừu tượng. Thật là kỳ lạ!
Chúng ta tiếp tục “nhòm ngó” đến quyển thượng và quyển trung (nhưng chỉ vài thiên mà chúng ta cho là quan trọng thôi). Hai quyển này nói chung là bàn về thực hành quyền mưu, linh hoạt sử dụng mưu kế phù hợp (có lẽ khi chú giải, người ta chỉ chú ý đến vấn đề quyền mưu nên chưa thấy được hết ý nghĩa lớn lao của chúng). Tuy vậy chúng ta vẫn thấy rõ nét cái thế giới quan duy vật biện chứng, nói chung là đúng đắn cũng như cách nhìn kỳ tài của tác giả từ cách nay khoảng 2500 năm, về đối nhân xử thế, về nhân tình thế thái.
Muốn làm nên một cái gì đó, con người luôn phải thể hiện cả hai mặt suy nghĩ và hành động; suy nghĩ đúng và hành động có lý trí. Một khi đã suy nghĩ kỹ, đã thiết lập được kế sách, xây dựng được về quyền mưu rồi thì con người phải “bắt tay” hành động thực hiện từng bước những mưu đồ đã hoạch định. Nếu cho rằng quyển hạ hướng dẫn suy nghĩ đúng, cơ sở để có cái nhìn đúng đắn về hiện thực để lượng định ra quyết sách thì quyển trung và hạ hướng dẫn cách thức hành động đúng trong quá trình thực hiện quyền mưu, lựa chọn áp dụng mưu kế phù hợp để đạt kết quả, giành thắng lợi.
Mở đầu quyển thượng là thiên mang tựa đề: “Bãi hạp chi thuật”
“Bãi là mở, hạp là đóng. Thuật bãi hạp là thuật đóng mở, mở đóng, đóng mở… Bãi là hành động tích cực, hạp là hành động tiêu cực.”
(trong phần này, những đoạn trong ngoặc kép là trích trong “47 Quỉ kế” của Trần Sáng)
Bản chất tương hỗ của thế giới thể hiện ra thành các sự vật - hiện tượng được hình thành, cấu tạo nên từ những lực lượng tương phản. Tương phản trở thành như đặc tính phổ quát nhất của tồn tại và vận động. Điều này đã được các hiền triết của Trung Hoa cổ đại thấy từ rất sớm, trước thời Xuân Thu. Họ đã đưa ra hai chữ âm và dương để mô tả tính tương phản của thế giới. Có lẽ nhân loại sẽ mãi mãi ghi công họ vì hai khái niệm tài tình ấy.
Âm, dương là để chỉ hai mặt, hai thuộc tính, hai lực lượng, hai yếu tố… tương phản nhau, biểu hiện ra từ sự vận động của các sự vật - hiện tượng. Người Trung Hoa xưa cho rằng đó là hai yếu tố, hai khí căn bản của Vũ Trụ. Chúng tác động, chuyển hóa lẫn nhau mà nên vạn vật.
“Hai khí này là chủ tể của vạn vật, có khi khí âm mạnh, có lúc khí dương mạnh; có khi mềm yếu, nhu nhược, có lúc cứng rắn, cương cường; có lúc duỗi ra, có khi thu lại; có khi bộc lộ, khai mở, có lúc ẩn tàng, che dấu; có khi nhanh chóng, khẩn trương; có lúc chậm chạp, ung dung.
Dương khí truy cầu âm khí và âm khí truy cầu dương khí. Âm khí phát triển thành cực điểm thì thành dương khí. Dương khí phát triển đến cực điểm thì thành ra âm khí”.
Thuật bãi hạp dựa trên nguyên lý âm dương, lấy nguyên lý âm dương làm nền tảng lý luận.
Chúng ta biết rằng âm dương, ngũ hành, bát quái là vũ trụ quan và nhân sinh quan của Kinh Dịch. Những triết gia quan niệm theo Kinh Dịch tập hợp lại thành phái “Dịch học”. Chúng ta còn biết rằng Quỉ Cốc tiên sinh là người cũng rất am tường thuật số (nhật nguyện tượng vĩ đều thu ở bàn tay, xem việc trước, đoán việc sau, nói gì cũng linh nghiệm). Vì vậy chúng ta phán đoán rằng tác giả của cuốn “Quỉ Cốc Tử” phải là người nếu không sáng lập hoặc góp phần sáng lập thì cũng là người theo Dịch học phái, thuộc hàng siêu quần.
Nguyên lý âm dương là nguyên lý tự nhiên, vốn thế của trời đất, hết mưa thì đến nắng, hết nắng rồi lại mưa, bốn mùa xuân hạ thu đông lần lượt chuyển hóa bất tận, có thịnh thì có suy, hết suy rồi đến thịnh, thời cuộc cứ thế mà vô vi, vô thường.
Thuật mở-đóng chính là phương châm hành động tuân theo nguyên lý âm dương; tùy điều kiện hoàn cảnh, tùy lúc mà cương nhu co duỗi cho phù hợp, cương đấy mà nhu đấy, nhu đấy mà hóa ra cương, co để duỗi mà duỗi không được thì co; được thì mở, không được thì đóng, mở nhưng lại là đóng, đóng lại hóa ra mở, mở mở úp úp; úp úp mở mở, biến hóa khôn lường, liên tu kỳ tận.
“Người hiểu rõ đạo lý âm dương của trời đất vạn vật, thủ đắc được thuật bãi hạp thì đạt được lợi ích và thành tựu. Nếu sử dụng thuật này thành thạo, ảo diệu thì gọi là bậc tiên tri, tiên giác.
Người cao minh vận dụng ảo diệu thuật bãi hạp trong lãnh vực du thuyết không chỉ thuyết phục được một người, một nhà mà còn thuyết phục được cả một nước, cả thiên hạ”.
Rõ ràng thuật bãi hạp như là nguyên tắc chung nhất cho mọi hành động đối nhân xử thế, mọi hành động tranh quyền đoạt mưu, thực hành mưu kế. Nếu không theo nguyên tắc này thì hành động trở nên máy móc, khô cứng, không phù hợp, dễ để lộ mưu kế và dễ thất bại.
Xét theo nghĩa hẹp thì, bãi hạp là tên chung của hàng loạt rất nhiều mưu kế. Chẳng hạn “dương đông kích tây”, “không tiến thì lùi”, “hư thực”, “hư trương thanh thế”… đều thuộc bãi hạp.
Thiên thứ hai thuộc quyển thượng mang tên “Phản ứng chi sách”.
Tất cả mọi sự vật - hiện tượng luôn phản ứng khi bị tác động. Đó là luật của tự nhiên. Tác giả đã phát hiện được mối quan hệ phổ biến tác động - phản ứng giữa các sự vật - hiện tượng, trên cơ sở đó mà đề ra phản ứng chi sách.
Khi bị tác động, sự vật - hiện tượng phản ứng không dưới hình thức này thì cũng hình thức khác, không thể không phản ứng. Quan sát sự phản ứng ấy có thể phán đoán nhận biết được cái đằng sau, cái bên trong bị che khuất, ẩn giấu. Để được điều đó, phải quan sát kỹ càng, nhưng yếu tố có tính chất quyết định là chủ thể quan sát phải có một hiểu biết, kinh nghiệm nhất định, đã từng trải hoặc đúc kết được kinh nghiệm quá khứ (ôn cố tri tân).
“Phản là biết quá khứ, ứng là biết hiện tại.
Những gì hợp với hiện tại thì giữ gìn và ứng dụng, cái gì không còn thích hợp với hiện tại thì loại trừ.
Phải tìm hiểu quá khứ mới hiểu được hiện tại, hiểu được hiện tại mới biết được tương lai”.
“Ngày xưa, người ta săn muông thú trước là giăng bẫy, bủa lưới, sau đó người ta ném đá hay đánh vào đá hoặc một vật gì đó, làm cho muông thú hoảng sợ, phản ứng, chạy ra khỏi hang ổ, nơi ẩn nấp và sa vào lưới.
Do đó, có thành ngữ “đấu thạch vấn lộ” (ném đá hỏi đường). Là đánh động sau đó quan sát sự phản ứng; thăm dò động tĩnh của đối tượng và từ đó suy ra hành động”.
“Trong đối thoại, khi đối tượng phát ngôn, ta nên lắng nghe và lưu ý, xét kỹ về thái độ, sự tình, đạo lý, sách lược. Thái độ là vui, buồn, giận, ghét…
Lý luận là chỗ nào hợp lý, chỗ nào không hợp lý. Sự tình chỗ nào là thật, chỗ nào là giả.
Đạo lý, sách lược thì đâu là sự tương đồng, đâu là không tương đồng”.
Câu chuyện Tôn Tẫn giả điên (kế “giả si bất điên”) lột tả được ý nghĩa của thiên này.
Chúng ta nói về thiên thứ bốn: “Hư khích chi sách”.
“Hư khích chi sách” là sách lược tìm hoặc tạo ra chỗ sơ hở, điểm xung yếu của đối tượng, để tìm cách tác động vào đối tượng, làm thay đổi tình thế; đồng thời phát hiện kẽ hở, điểm xung yếu của mình để che đậy, tìm cách khắc phục.
Giữa các sự vật hiện tượng luôn tồn tại mối quan hệ tác động - phản ứng làm biến đổi lẫn nhau. Xét về mặt duy trì tồn tại thì giữa chúng còn có mối quan hệ mạnh - yếu và theo luật tự nhiên: mạnh được, yếu thua. Sự biến đổi phổ biến của các sự vật - hiện tượng bộc lộ một điều rằng chẳng có sự vật - hiện tượng nào được gọi là toàn thiện tuyệt đối cả và điểm bắt đầu biến đổi chính là điểm yếu, là yếu huyệt trước một tác động nào đó. Điểm yếu đó tồn tại một cách tự nhiên, có sẵn (do tác động của quá khứ để lại) hoặc được tạo ra (do tác động của hiện tại làm xuất hiện).
Thiên này được viết trên cơ sở nhận thức ấy của tác giả.
Người giỏi quyền mưu là người quan sát giỏi, phân tích nhận định hay, phát hiện kịp thời nơi xung yếu nhất, yếu huyệt của đối tượng để tổ chức hành động phù hợp, đạt hiệu quả cao. Nhưng trước hết phải thấy được bản thân mình để tự kiện toàn (nội kiện chi sách).
Trong trò chơi cờ tướng hay cờ vua, vấn đề quyền mưu nói chung và vấn đề tìm, tạo cơ sở nói riêng thể hiện rất rõ nét:

“Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tiến công
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công”.

“Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xứng danh”.
(Hồ Chí Minh) 

Đó chính xác là quyền mưu đối chọi với quyền mưu, hai lực lượng đối kháng nhau (tương - phản, âm – dương) để giải quyết vấn đề thắng thua; là nghệ thuật phát hiện điểm yếu, hoặc lập thế tạo điểm yếu của đối phương, khai thác triệt để sai lầm của đối phương, làm hình thành nên mối tương quan “ta mạnh - địch yếu”, tiến tới giành thắng lợi chung cuộc.
Sự phân định ra quan sát, hiện hữu, hiện thực hay chủ thể, khách thể (một cách tương đối gồm sự vật - hiện tượng và môi trường) là một tất yếu khách quan đối với nhận thức. Trong quyền mưu, một cách tự nhiên, cũng phân ra như vậy. Đối với trò chơi cờ tướng hay cờ vua cũng thế, cũng phân ra chủ thể quyền mưu (người thực hiện quyền mưu), khách thể quyền mưu (người chịu tác động của quyền mưu) và trường quyền mưu (môi trường để quyền mưu thi triển, thi hành mưu kế mà ở trường hợp này là bàn cờ).
Trong thực tiễn xã hội, việc lập quyền mưu và thực hiện quyền mưu, so với chơi cờ, khó khăn hơn gấp bội phần. Lúc này đối tượng của quyền mưu không chỉ là một mà có thể là hai hoặc nhiều, trường quyền mưu là thiên biến vạn hóa không chỉ bởi những yếu tố thuộc về con người, thuộc về xã hội mà còn do những yếu tố của thiên nhiên (mang tính khách quan), như: địa hình, địa vật, thời tiết… trong không và thời gian; tính rộng lớn của trường quyền mưu cũng như qui mô lực lượng đối tượng của quyền mưu.
Trong thực tiễn đấu tranh quyền mưu, chủ thể quyền mưu cũng đồng thời là khách thể quyền mưu, do đó việc phát hiện, tạo ra điểm yếu của đối tượng hoặc che giấu, khắc phục điểm yếu của bản thân là không phải dễ dàng, đòi hỏi rất cao về trí tuệ và thực sự trở thành một “thứ” nghệ thuật (nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật chiến tranh, nghệ thuật ngoại giao…), cũng đòi hỏi rất cao về kỹ năng kỹ xảo, nghi binh, hóa trang, đóng kịch, dàn cảnh…
Nếu lấy yếu địch mạnh, lấy ít đánh nhiều, lấy sở đoản chống sở trường mà giành được thắng lợi, đó là nghệ thuật quyền mưu của những nhà thao lược có tài, của những thiên tài, hiểu rất rõ mối tương quan “ta mạnh - địch yếu”, nắm bắt kịp thời huyệt điểm của đối phương bộc lộ từng lúc, từng nơi trong quá trình đấu tranh quyền mưu.
Phát hiện sai lầm điểm yếu của đối tượng (có thể là do tài năng, có thể là do bị đối tượng dẫn dụ) là con đường dẫn đến tai họa.
Thiên thứ bảy trong quyển trung là: “Quyết sách chi thuật”. Quyết sách chi thuật được hiểu như là thuật cai trị, hay là cơ sở xây dựng đường lối chính sách của một nước sao cho giàu mạnh, quốc thái dân an.
Chúng ta đề cập đến thiên này để thấy được cái tâm sáng ngời của tác giả.
“Quyết sách là một vấn đề rất trọng yếu, quyết định đến họa phúc, thành bại, thái bình hay loạn lạc.
Là một trong những phương pháp tìm cái tốt, hạnh phúc và tránh cái xấu, tai họa”.
“Cái ác luôn chứa mầm tai họa, hoạn nạn. Để ngăn chặn cái ác, tai họa, hoạn nạn; người cai trị đất nước không chỉ biết năm phương pháp trị dân mà còn phải biết những trường hợp phải quyết định (ra quyết sách – NV).
Năm phương pháp trị dân là:
1- Dùng đạo đức để cảm hóa nhân dân
2- Dùng pháp luật để trừng phạt (những người làm điều ác, trái với pháp luật)
3- Dùng tín nghĩa giáo hóa nhân dân
4- Dùng cái tâm để che chở nhân dân
5- Dùng sự liêm khiết để nhân dân trong sạch”
Trong cái thời Xuân Thu - Chiến Quốc đầy ly loạn, chiến tranh triền miên, khốc liệt và tương tàn mà có được tư tưởng trị quốc ấy thì chỉ có thể đánh giá rằng tác giả có tầm nhìn sâu rộng về thời cuộc, đầy lòng nhân hậu, yêu thương con người mà cụ thể là quần chúng nhân dân. Hơn nữa, nhìn thấu thời cuộc và đề ra được các cách thức làm cho quốc thái dân an vô cùng chí lý ấy, còn phải là người nhận thức rất sâu sắc những nguyên lý thuộc hàng cơ bản nhất về vận động của tự nhiên đã chuyển hóa thành đặc thù trong đời sống xã hội. Trong chính sử, theo thiển ý của chúng ta, người như thế chỉ có thể là Lão Tử. Nếu đúng vậy, giữa Quỉ Cốc Tử và Lão Tử phải có mối quan hệ nào đó rất gần gũi, rất đặc biệt về tư tưởng!
Nước non mạnh hay yếu đều do dân mà ra cả, dân theo thì mạnh mà dân không theo thì yếu. Muốn dân theo thì phải làm cho dân yêu kính, mến phục. Muốn cho dân yêu kính, mến phục thì phải có lương tâm đối với dân, hiểu được nguyện vọng tha thiết của dân, (cũng là những con người như ta, chỉ muốn ấm no, hạnh phúc) mà thành tâm giúp dân. Dân giàu thì nước mạnh, đó là cái lẽ tự nhiên của muôn đời.
Muốn được như thế, vị quân chủ của một nước phải có một quyết sách cai trị hợp lòng dân (đảm bảo quyền lợi của toàn thể, trong đó có vị quân chủ, hay là của ông vua). Để có được một quyết sách hợp lòng dân thì vị quân chủ phải là minh chủ, vừa có “đạo” vừa có “đức”, nghĩa là vừa có tài năng, vừa có “kiêm ái” (yêu thương con người).
Quan niệm trị quốc của tác giả cuốn “Quỉ Cốc Tử” đến thời đại ngày nay vẫn hừng hực tính thời sự. Nạn “tham nhũng, quan quyền” vẫn đang là nỗi nhức nhối của nhiều quốc gia.
.Thiên cuối chúng ta muốn đề cập đến là thiên thứ tám của quyển trung, có tựa đề: “Phù ngôn chi thuật”
Ngôn là ngôn từ, lời nói; phù nghĩa là phù hợp; phù ngôn có nghĩa là nói năng phù hợp. Phù ngôn chi thuật là cách nói sao cho hợp lý, đúng đắn. Chỉ có những người biết “đạo”, biết “nhân” mới có cách ăn nói hợp tình hợp lý, thuyết phục được người nghe; lời nói mà chân thành thì làm cho người nghe yêu mến, tin theo. Bậc quân chủ, ở địa vị trên cao lại càng phải biết cách ăn nói vì nó cũng là thuật phòng thân.
Để có được cách ăn nói phù hợp thì:
“Thái độ của bậc quân chủ phải: An (yên ổn), Từ (từ tốn), Chính (ngay thẳng), Tĩnh (bình tĩnh, tỉnh táo).
Là bậc quân chủ: mắt phải sáng suốt, tai phải minh mẫn, tâm thần phải trí huệ.
Phải lấy mắt của thiên hạ để nhìn, lấy tai của thiên hạ để nghe, lấy tâm thần của thiên hạ để suy nghĩ.
Lấy mắt của thiên hạ để quan sát, lấy tai của thiên hạ để phán đoán, lấy tâm thần của thiên hạ để lo lắng.
Nhìn thiên thời, quan sát địa lý, làm cho nhân hòa.
Định vị hỏa tinh, nhìn bốn phương, trên dưới, phải trái, trước sau.
Nếu mắt, tai, tâm được như vậy thì gọi là thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ và vạn linh tâm.
Đối với quần thần không nên cố chấp, biết lắng nghe những lời đàm luận. Nếu không lắng nghe khác nào có mắt nhìn núi nhưng không thấy đỉnh, thấy suối khe nhưng không lường được nông sâu.
Đối với thần dân phải giữ chữ tín. Xử phạt phải công chính.
Nếu bậc quân chủ không hiểu những đạo lý vừa nêu thì không khác người mù đánh xe không biết sẽ đi về phương nào”.
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH