Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 5/c


                                         
Điều gì chứng tỏ không gian chỉ là ảo, không có thật.

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."
 Albert Einstein 

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)

(Tiếp theo)


* * *
Hình như việc tìm hiểu bản chất không gian và thời gian đã dừng lại cùng với sự kết thúc nền triết học Hy Lạp cổ đại. Sau này, triết học Châu Âu cũng không tiến thêm được bao nhiêu, hầu như chỉ là lặp đi lặp lại vấn đề đã được nêu ra, thêm bớt, bổ sung “râu ria” cho không gian và thời gian, hai khái niệm được coi như về cơ bản đã được nhận thức (?). Có thể mượn đánh giá chung của Nietzsche để nói về điều này: 

“Quả vậy, họ (triết học cổ Hy Lạp) đã sáng tạo nên những tiêu thức chính yếu của tinh thần triết học, mà toàn thể hậu thế đã chẳng thêm thắt được vào đó điều gì thiết yếu”.

Đáng chú ý là quan niệm của triết học Kant và triết học Mác.
 Trong “tập bài giảng lịch sử triết học” tập II (NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 1994) có viết thế này: 

“(…) Kant cho rằng nhờ cảm năng của con người với các công cụ nhận thức tiên thiên là hình thức tiên thiên không gian (tức năng lực cảm nhận đối tượng trong một vị trí, một khuôn hình, một giới hạn, một đường biên xác định) và hình thức tiên thiên thời gian (tức năng lực cảm nhận các quá trình diễn ra bên trong và bên ngoài ta theo một thứ tự, một trật tự trước sau xác định) mà con người có thể sử dụng được những công cụ tiên thiên ấy như những chiếc khuôn để khuôn đúc các trạng thái, các ấn tượng vô định hình nói trên thành những cảm giác, thành các hình ảnh cảm tính xác định về các đối tượng được cảm nhận của thế giới. Và chính nhờ trong ta đã xuất hiện những hình ảnh trực quan này (tức là những cảm giác xác định về đối tượng) mà chúng ta thấy được các sự vật và hiện tượng của thế giới mà ta tiếp xúc trong những kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Theo các quan niệm của Kant, nếu giả định rằng chúng ta vứt bỏ đi các hình thức cảm năng tiên thiên không gian và thời gian, thì lập tức toàn bộ nội dung của những dữ liệu có trong ta về thế giới xung quanh sẽ trở thành một cái gì lộn xộn, vô trật tự, phi hình hài… 
[...] 
(…) Như vậy trong học thuyết của Kant, chúng ta thấy có sự cách biệt giữa con người với thế giới, giữa ý thức của con người và các khách thể tác động lên con người. Từ đó, Kant suy ra rằng thế giới khách quan là không thể nhận thức được, bởi vì nhận thức cảm tính tự bản thân chúng hoàn toàn khác biệt với các đối tượng khách quan của thế giới “các vật tự nó”. Còn thế giới hiện tượng mà chúng ta cảm nhận được lại là sản phẩm sáng tạo của bản thân chủ thể nhận thức; lại được gói trong các hình thức của ý thức chủ thể. Còn bản thân các khách thể, tự chúng là những cái không thể tiếp cận được đối với tri thức. 
[...] 
(…) Nếu như ở thời kỳ tiền phê phán ông còn chịu ảnh hưởng các quan niệm của Niutơn, coi không gian và thời gian là những cái thuộc về thế giới khách quan, thuộc lĩnh vực “vật tự nó”, thì sang thời kỳ phê phán, Kant đã coi không gian và thời gian không còn là cái thuộc về thế giới bên ngoài nữa, mà lại là những hình thức thuộc năng lực cảm tính của con người. Hạn chế của quan niệm này là ở chỗ nó tách rời không gian và thời gian với những hình thức tồn tại của vật chất và quá trình vận động của sự vật, coi chúng là những cái thuộc về lĩnh vực chủ quan của ý thức con người. Tuy nhiên quan niệm đó gắn không gian và thời gian với đời sống và quá trình hoạt động của con người, đặt vấn đề về bản chất xã hội của chúng. 

Quan niệm về không gian và thời gian của Kant là nền tảng cho các tư tưởng toán học của ông thời kỳ phê phán. Theo ông, các biểu tượng không gian là cơ sở của các tri thức hình học, còn biểu tượng thời gian là cơ sở của các tri thức số học và đại số”. 

Không nên lấy những bộ não khiếm khuyết, tật nguyền ra để chứng minh những vấn đề về “yêu mến sự thông thái”. Dù sao, sức suy tưởng của Kant là tuyệt vời. Riêng về vấn đề không gian và thời gian, ông đã chỉ ra nhiều mặt hết sức tinh tế, sâu sắc cho hậu thế nhận thức rõ hơn về chúng; và việc tạo lập mối liên hệ giữa thời gian với toán học là một điều độc đáo, chưa có tiền lệ, gợi nên nhiều suy ngẫm lý thú cho chúng ta. 

Tuy nhiên, việc coi không gian không thuộc về thế giới khách quan mà là "hình thức thuộc năng lực cảm tính của con người" là một ngộ nhận hết sức nặng nề của Kant.

Kant gemaelde 3.jpg
Chân dung vẽ bởi Johann Gottlieb Becker, 1768
Immanuel Kant
Triết gia
Immanuel Kant sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg, được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại, của nền ... Wikipedia
Sinh: 22 tháng 4, 1724, Königsberg, Đức
Mất: 12 tháng 2, 1804, Königsberg, Đức
Có lẽ Kant đã không cho rằng nhận thức có bản chất khách quan (vì tính chủ quan của nó là theo yêu cầu của tự nhiên nên cuối cùng cũng là khách quan), do đó đã lưỡng lự về nguồn gốc của không gian và thời gian. Thực ra không gian là cái tồn tại thực và thời gian mới là cái tồn tại ảo, chỉ là hai thể hiện "sắc vóc" và "hương hoa" của duy nhất một cái cây "thực tại khách quan" của thế giới bên ngoài, bị gượng ép "đơm bông kết trái" thành "tiên quả" ở thế giới bên trong mà tư duy đã dành quyền sở hữu cho nhận thức. Nếu Kant chọn sự trung dung giữa thời kỳ tiền phê phán và thời kỳ phê phán, câu chuyện về thời gian và không gian của ông chắc sẽ sán lạn hơn nhiều.
Nếu cho rằng triết học Châu Âu có gốc rễ là triết học Hy Lạp cổ đại thì nền triết học cổ điển Đức chính là hoa thơm trái ngọt của nó. Gọi là hoa thơm trái ngọt để ca ngợi chứ thật ra đó là một pho triết học đồ sộ của những nhà tư tưởng đại tài như Kant, Hêghen, Phơbách… mà chúng ta, nếu không có người đi trước dẫn dắt, giảng giải, thì sẽ vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận, nắm bắt; đó thật sự là một trái đắng “hơi bị” khổng lồ đối với chúng ta.
Triết học Mác (hay thường gọi là triết học duy vật biện chứng mà Mác là người sáng lập) là sự kế thừa xứng đáng và cũng là tinh hoa của nền triết học ấy. Đó là một sự kiện vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu. Sự ra đời của triết học Mác cũng là sự hình thành cũng như hoàn chỉnh biết bao khái niệm quan trọng, bổ xung vào kho tàng nhận thức của loài người, đã có tác động hết sức to lớn, trên phạm vi toàn thế giới; tạo nên bước ngoặt trong tiến trình vận động của xã hội loài người.
Theo chúng ta, triết học duy vật biện chứng đã lý giải rành mạch nhất, trong sáng nhất và… “hay nhất” cho đến nay về những vấn đề thiết yếu của triết học, về những mối quan hệ cơ bản của thực tại khách quan; là học thuyết triết học quan niệm gần đúng nhất từ trước đến nay về Tồn Tại; đã đến gần chân lý tuyệt đối nhất. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều chưa dứt khoát được, thậm chí là phải nhận thức lại.
Chúng ta hãy xem triết học ấy nói gì về không gian và thời gian.
Các nhà triết học duy vật biện chứng cho rằng cùng với khái niệm vận động, thì không gian và thời gian là những khái niệm đặc trưng cho phương thức tồn tại của vật chất. Lênin nói: “Trong thế giới, không có gì ngoài vật chất đang vận động và vật chất đang vận động không thể vận động ở đâu ngòai không gian và thời gian”.
Theo quyển “Giáo trình triết học Mác – Lênin” (NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 2004) thì: “Trong lịch sử triết học, không gian và thời gian là những phạm trù đã được xuất hiện rất sớm. Ngay thời xa xưa người ta đã hiểu rằng bất kỳ khách thể vật chất nào cũng đều chiếm một vị trí nhất định, ở vào một khung cảnh nhất định trong tương quan về mặt kích thước so với khách thể khác. Các hình thức tồn tại như vậy của vật thể được gọi là không gian. Bên cạnh các quan hệ không gian, sự tồn tại của các khách thể vật chất còn được biểu hiện ở mức độ tồn tại lâu dài hay mau chóng của hiện tượng, ở sự kế tiếp trước sau của các giai đoạn vận động… Những thuộc tính này của sự vật được đặc trưng bằng phạm trù thời gian.
Trên cơ sở các thành tựu của khoa học và thực tiễn, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng không gian và thời gian là những hình thức tồn tại khách quan của vật chất. Không gian và thời gian gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau và gắn liền với vật chất, là phương thức tồn tại của vật chất. Điều đó có nghĩa là không có một dạng vật chất nào tồn tại ở bên ngoài không gian và thời gian… Ph. Anghen viết: “Các hình thức cơ bản của mọi tồn tại là không gian và thời gian; tồn tại ngoài thời gian thì cũng hết sức vô lý như tồn tại ngoài không gian.” V. I. Lênin cho rằng, để chống lại mọi chủ nghĩa tín ngưỡng và mọi chủ nghĩa duy tâm thì phải: “thừa nhận một cách dứt khoát và kiên quyết rằng những khái niệm đang phát triển của chúng ta về không gian và thời gian đều phản ánh không gian và thời gian thực tại khách quan”; “kinh nghiệm” của chúng ta và nhận thức của chúng ta ngày càng thích ứng với không gian và thời gian khách quan, ngày càng phản ánh chúng một cách đúng đắn hơn và sâu sắc hơn.
[...]
Như vậy, không gian và thời gian có những tính chất sau đây:
- Tính khách quan, nghĩa là không gian và thời gian là thuộc tính của vật chất, tồn tại gắn liền với nhau và gắn liền với vật chất. Vật chất tồn tại khách quan, do đó không gian và thời gian tồn tại khách quan.
- Tính vĩnh cửu và vô tận, nghĩa là không có tận cùng về một phía nào cả, cả về quá khứ lẫn tương lai, cả về đằng trước lẫn đằng sau, cả về bên trái lẫn bên phải, cả về phía trên lẫn phía dưới.
- Không gian luôn có ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều cao). Còn thời gian chỉ có một chiều (từ quá khứ đến tương lai). Khái niệm “không gian nhiều chiều” mà ta thường thấy trong tài liệu khoa học hiện nay là một trừu tượng khoa học dùng để chỉ tập hợp một số đại lượng đặc trưng cho các thuộc tính khác nhau của khách thể nghiên cứu và tuân theo những nguyên tắc biến đổi nhất định. Đó là một công cụ toán học hỗ trợ dùng trong quá trình nghiên cứu chứ không phải để chỉ không gian thực, không gian thực chỉ có ba chiều.”
Vẫn còn mù mờ! Câu hỏi “không gian và thời gian là gì?” đến đây, vẫn chẳng nhận được câu trả lời thỏa đáng. Vẫn là cứ nói vòng quanh! Có thể cảm giác là triết học duy vật biện chứng đã “áp” rất sát chúng, chỉ một bước nữa là “vạch trần” được “bộ mặt thật” của chúng. Một bước thôi, nhưng mấu chốt ở chỗ là bước kiểu nào và theo hướng nào. Chúng ta thấy rằng, triết học duy vật biện chứng đã đúng khi coi vật chất, vận động, không gian và thời gian là bốn vấn đề có mối gắn kết khăng khít không thể tách rời; tồn tại mà thiếu một trong bốn thể hiện đó, yếu tố đó, sẽ không còn là tồn tại nữa. Nhưng mối quan hệ giữa chúng, cụ thể như thế nào thì triết học duy vật biện chứng vẫn chưa phán đoán ra (chưa nói đến đúng sai ở đây). Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề có nhiều khả năng là triết học ấy cũng chỉ mới nhận thức được nửa vời vật chất và vận động!
Trong tác phẩm “Chống Đuy Rinh” của mình (cũng có phần đóng góp của Mác), Ph. Anghen thừa nhận: “Ngoài các phạm vi nhìn thấy của chúng ta ra thì tồn tại, rốt cuộc, vẫn là vấn đề còn phải giải quyết”.
Cùng trong tác phẩm ấy, ông viết:
“Nhưng nội dung hiện thực và nội dung có thể phân biệt được của thời gian thì lại khác: thời gian đó, - chứa đầy một cách hiện thực những hiện tượng thuộc các loại có thể phân biệt được và những hình thức tồn tại của lĩnh vực đó, đều thuộc phạm vi có thể đếm được, chính cũng vì một lẽ là ngay bản thân thời gian và những hình thức đó đều có thể phân biệt được. Chúng ta hãy tưởng tượng ra một trạng thái không có sự biến đổi nào cả, và trong sự đồng nhất của bản thân trạng thái ấy tuyệt đối không có một chút phân biệt nào về mặt liên tục cả, thì lúc đó khái niệm riêng biệt hơn về thời gian sẽ tự nó chuyển thành quan niệm chung hơn về tồn tại. Người ta không thể tưởng tượng được thế nào là sự tích lũy của một khoảng thời gian dài trống rỗng – Đó là lời của ông Đuy Rinh, và ông ta khá lấy làm đắc ý về sự quan trọng của phát hiện ấy …
[...]
(…) Sự tích lũy đó nghĩa là thế nào, đối với chúng ta, điều đó ở đây không quan trọng; vấn đề là xét trạng thái giả thiết ở đây, thế giới có kế tục không, có trải qua một khoảng thời gian dài hay không. Đo lường một khoảng thời gian dài không có nội dung như thế thì chẳng được cái gì cả, cũng y như đo lường một cách vu vơ không có mục đích trong không gian trống rỗng, điều đó ta biết từ lâu rồi, và chính vì cái lối làm như thế thật là vô vị cho nên Hêghen mới gọi cái vô tận ấy là vô tận hỏng. Đối với ông Đuy Rinh, thời gian chỉ tồn tại thông qua sự biến hóa, chứ không phải là sự biến hóa tồn tại trong thời gian, và thông qua thời gian mà tồn tại. Chính vì thời gian khác với sự biến hóa cho nên thời gian có thể dùng sự biến hóa để đo thời gian, vì muốn đo lường bao giờ cũng phải dùng một vật gì khác với vật cần đo, còn như thời gian mà trong đó không xảy ra những biến hóa rõ rệt thì không thể không là thời gian; trái lại, đó là thời gian thuần túy không có một vật pha trộn gì ở bên ngoài đưa vào, tức là thời gian thực sự, thời gian đúng là thời gian. Thực vậy, nếu chúng ta muốn nắm cho được khái niệm thời gian hoàn toàn thuần túy tách rời khỏi mọi cái không dính dáng gì ở bên ngoài pha trộn vào, thì chúng ta bắt buộc phải gạt ra một bên những biến cố khác nhau xảy ra cùng một lúc hay là xảy ra kế tiếp nhau trong thời gian, và như vậy là chúng ta hình dung được một thời gian trong đó không có gì xảy ra cả. Như vậy, không phải là chúng ta đã để cho khái niệm về thời gian mất đi trong ý niệm chung về tồn tại, mà là lần đầu tiên chúng ta đạt tới khái niệm thuần túy về thời gian”.
Không thể hình dung nổi một khoảng thời gian trống rỗng được tích lũy lại như giả định của Đuy Rinh và cũng không thể hiểu được cái gọi là “thời gian thuần túy”, thời gian đúng là thời gian (rất dễ mường tượng lầm sang cái gọi là không gian hư vô!?) của Ph. Anghen. Ý kiến cho rằng thời gian chỉ xuất hiện thông qua sự biến hóa, nếu đúng là của Đuy Rinh, thì theo chúng ta, chí ít nó cũng không tầm thường. Chú ý rằng nếu thời gian không được phân chia một cách qui ước thì không thể đo được bất cứ sự biến đổi nào. Trong vấn đề này có lẽ Ph. Anghen đã sai lầm chăng?
Đoạn phê phán sau đây của Ph. Anghen (đối với Đuy Rinh) có liên quan đến vật chất, vận động (cụ thể là lực cơ giới), và làm cho những ai “yêu mến sự thông thái” phải suy ngẫm rất nhiều.
“… Theo Hêghen, sự tồn tại “Tự Nó’ có nghĩa là tính đồng nhất nguyên thủy của các mặt đối lập chưa phát triển – đang còn ẩn giấu trong một vật thể, một quá trình, một khái niệm nào đó; còn trong sự tồn tại “Cho Nó” thì những nguyên tố ẩn giấu đó lại cách biệt nhau, tách rời nhau và bắt đầu đấu tranh với nhau. Vì lẽ đó chúng ta phải hình dung trạng thái nguyên thủy bất động như là sự thống nhất giữa vật chất và lực cơ giới và hình dung sự biến chuyển sang trạng thái vận động như là tách rời nhau và đối lập giữa vật chất và lực cơ giới. Nhưng với phương pháp biểu tượng ấy không thể chứng minh được tính hiện thực của các trạng thái nguyên thủy tưởng tượng của ông Đuy Rinh, mà chỉ vạch ra khả năng có thể hiểu được trạng thái ấy dưới cái phạm trù “Tự Nó” của Hêghen và có thể hiểu được sự kết thúc cũng hoàn toàn tưởng tượng ra của trạng thái ấy dưới cái phạm trù “Cho Nó”. Hêghen ơi cứu tôi với!
Ông Đuy Rinh nói rằng vật chất là cái mang trong mình tất cả những cái gì hiện thực, vì vậy không thể nào có lực cơ giới ở ngoài vật chất được. Hơn nữa, lực cơ giới lại là một trạng thái của vật chất. Thế nhưng trong trạng thái nguyên thủy, khi không có gì xảy ra cả thì vật chất và trạng thái của nó tức là lực cơ giới lại thống nhất với nhau làm một. Như vậy là sau đó, khi đã có cái gì đó bắt đầu xảy ra thì dĩ nhiên là trạng thái đó phải được phân biệt với vật chất. Như thế là chúng ta phải chịu sự thỏa mãn với những câu thần bí như vậy, cộng thêm với sự tin tưởng rằng trạng thái đồng nhất với bản thân nó là không tĩnh mà cũng không động, không thăng bằng mà cũng không vận động. Trước sau, chúng ta vẫn không biết trong cái trạng thái vũ trụ ấy thì lực cơ giới là ở chỗ nào, và làm sao mà có thể chuyển được từ cái bất động tuyệt đối sang cái vận động mà không cần đến một cái hích từ bên ngòai, nghĩa là không cần đến Thượng Đế.
Trước ông Đuy Rinh, các nhà duy vật đã nói đến vật chất và vận động. Ông Đuy Rinh qui vận động vào lực cơ giới, vào hình thức dường như là cơ bản của vận động, và như vậy là tự làm cho mình không sao hiểu được mối liên hệ chân thực giữa vật chất và vận động, mối liên hệ mà tất cả các nhà duy vật trước ông cũng đều chưa thấy được. Nhưng vấn đề thì thật là đơn giản. Vận động là hình thức tồn tại của vật chất. Bất kỳ, bao giờ và ở đâu cũng không có và không thể có vật chất không vận động (…). Vật chất không có vận động cũng như vận động không có vật chất đều là điều không thể quan niệm được. Cho nên cũng như bản thân vật chất, vận động là cái không thể sáng tạo ra được và không thể tiêu diệt được; triết học cũ (Đềcáctơ) diễn tả ý đó như sau: Số lượng vận động tồn tại trong thế giới bao giờ cũng thế, không thay đổi. Cho nên vận động là cái không thể tạo ra được mà chỉ có thể truyền đi thôi. Khi vận động từ vật thể này truyền sang vật thể khác, thì vì nó tự truyền đi, nó là chủ động cho nên người ta có thể coi nó là nguyên nhân của vận động, và vì nó bị truyền đi cho nên coi nó là bị động. Chúng ta gọi vận động chủ động là lực, vận động bị động là biểu hiện của lực. Như vậy thì rõ ràng lực và biểu hiện của nó là ngang bằng nhau, vì trong cả hai cái đó thì cũng vẫn là một vận động mà thôi.
Như vậy, một trạng thái vật chất bất động là một trong những quan niệm trống rỗng nhất, phi lý nhất, một sự “tưởng tượng có tính chất mê sảng” thật sự (…)
(…) theo quan điểm biện chứng, vận động có thể hiển hiện ở cái đối lập với nó, tức thể tĩnh, điều đó hoàn toàn không khó khăn gì. Theo phép biện chứng, tất cả sự đối lập ấy như chúng ta đã biết đều chỉ là tương đối thôi; không hề có thể tĩnh tuyệt đối, cũng như không hề có cái thăng bằng vô điều kiện. Vận động cá biệt thì có xu hướng thăng bằng, song vận động toàn thể thì lại phá hoại sự thăng bằng. Cho nên, thể tĩnh và cái thăng bằng, khi nó tồn tại, là kết quả của một vận động có hạn, và hiển nhiên là vận động ấy có thể đo được bằng kết quả của nó và đi từ kết quả ấy mà hồi phục lại dưới hình thức này hay hình thức khác …”
Ông Đuy Rinh chắc chắn là sai lầm trên nhiều mặt, thậm chí là rất nhiều, nhưng không phải là tất cả. Trong những quan niệm mà Ănghen thuật lại là của Đuy Rinh ở các đoạn trích trên, suy xét kỹ, có lẽ nên cho rằng chúng không những có phần bổ ích cho tư duy triết học mà còn có phần không kém xác đáng nữa. Hay như ý kiến dưới đây của Đuy Rinh được chính Ănghen trình bày trong “Chống Đuy Rinh” cũng vậy:
“Luôn luôn nhớ rằng cùng với những trạng huống vận động của vật chất, còn có những trạng huống tĩnh, mà những trạng huống này thì không thể đo lường bằng công cơ giới được … Nếu trước kia chúng ta gọi tự nhiên là người thợ vĩ đại và nếu hiện nay chúng ta hiểu danh từ ấy theo nghĩa chặt chẽ của nó, thì chúng ta cần phải bổ sung rằng những trạng thái đồng nhất với bản thân nó, những trạng thái tĩnh không biểu hiện được công cơ giới. Như vậy là chúng ta lại thiếu cái cầu nối giữa tĩnh và động”.
Chúng ta hy vọng rằng tư duy đúng đắn phải đi đến kết quả này: không gian là một tồn tại thực, một thực tại khách quan. Chỉ có một không gian thực duy nhất. Đó là không gian ba chiều. Còn lại, tất cả các không gian khác đều là ảo, đều được mường tượng bởi tư duy con người. Thời gian là một tồn tại ảo, được hình dung thông qua sự vận động của vật chất. Chính vì vậy mà không thể dự trữ, tích lũy được thời gian!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét