CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 172

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
MacArthur: "Kẻ Xâm Lược" Làm Thay Đổi Nước Nhật


Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II

Thứ Bảy, ngày 31/08/2019 15:00 PM (GMT+7)

Nhân vật nhận được nhiều tình cảm của người dân Nhật Bản và điều khiển được cả Nhật hoàng lại là một người Mỹ, tướng Douglas MacArthur.

Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II - 1
Tướng Douglas MacArthur
Sau Thế chiến II, Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật bản, khoảng 10 triệu người không có lương thực, hơn 9 triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, 13 triệu người thất nghiệp.
Khoảng 6 triệu lính và dân thường từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về Nhật. 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở vùng nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước chiến tranh.
Theo Britainica, từ năm 1945 đến năm 1952, Nhật Bản nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Đồng minh và người có toàn quyền quyết định là Tư lệnh Tối cao lực lượng Đồng minh (SCAP), tướng Douglas MacArthur.
MacArthur là người Mỹ duy nhất từng chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn là Thế chiến I, II và Chiến tranh Triều Tiên. Những năm 30 của thế kỷ 20, ông từng làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, là một trong 5 quân nhân Mỹ được phong hàm Thống tướng, là người Mỹ duy nhất được Chính phủ Philippines phong hàm Nguyên soái quân đội Philippines.
Dẫu vậy, tiếp quản nước Nhật hậu Thế chiến II chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Lịch sử bất lợi với MacArthur khi chưa có cuộc chiếm đóng nào thành công trước đó, theo trang Macarthurmemorial.
Nhiệm vụ đầu tiên của vị tướng Mỹ là tìm ra hướng giải quyết với Nhật hoàng Hirohito. Nhiều người muốn thấy vị vua của nước Nhật khi ấy bị bắt giữ và bêu rếu vì những tội ác trong chiến tranh. Tuy nhiên, MacArthur lại đưa ra quyết định bất ngờ. Ông chờ Nhật hoàng lên tiếng trước. Vài tuần sau khi cuộc chiếm đóng bắt đầu, Nhật hoàng đề xuất một cuộc gặp mặt. MacArthur nhận lời và làm điều chưa từng xảy ra trước đó: Mời Nhật hoàng tới gặp tại nhà riêng.
Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II - 2
Bức ảnh chụp tướng MacArthur (trái) và Nhật hoàng Hirohito trong cuộc gặp mặt ngày 27/9/1945
Trong văn hóa Nhật Bản, mọi người phải tới trình diện với vua chứ không bao giờ có điều ngược lại. Dẫu vậy, cuộc gặp vẫn diễn ra vào ngày 27/9/1945. Một bức ảnh chụp cảnh Nhật hoàng cùng tướng MacArthur tại nhà riêng sau đó được công bố khắp nước Nhật.
Người Nhật mong chờ cuộc gặp để biết được cách thức cuộc chiếm đóng diễn ra và bức ảnh này cho họ một sự khích lệ. Vị vua của họ không bị hạ nhục. Về phía MacArthur, vị tướng Mỹ tin rằng sự thành công của cuộc chiếm đóng phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ và hợp tác của Nhật hoàng.
Tháng 1/1946, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố chính thức ủng hộ kế hoạch của tướng MacArthur nhằm dân chủ hóa Nhật Bản. Ngoài việc ủng hộ dân chủ hóa, Nhật hoàng còn nói với người dân rằng mình không phải "thiên tử". Theo quan niệm của người Nhật suốt hàng trăm năm, Nhật hoàng được xem là "thiên tử" và nắm mọi quyền lực. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc dân chủ, nơi quyền lực nằm trong tay tất cả mọi người.
Bằng cách từ bỏ sứ mệnh "thiên tử" của mình, Hirohito vẫn là vua của Nhật Bản nhưng không còn là người thâu tóm mọi quyền lực trong tay.  Tướng MacArthur rất vui với tuyên bố của Nhật hoàng và xem đây là một phần quan trọng để đảm bảo một nước Nhật dân chủ và ổn định.
Khi Thế chiến II xảy ra, khoảng 6 triệu lính Nhật Bản được điều động đi khắp chiến trường Thái Bình Dương. Trong suốt thời kỳ chiếm đóng ở Nhật, số lính này được đưa trở về quê hương. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng với MacArthur và phải mất nhiều năm tướng Mỹ mới hoàn thành nhiệm vụ.
Nó cũng là vấn đề khá phức tạp. Ở cấp độ nhân đạo, không gì tuyệt vời bằng việc đưa lính Nhật trở về nhà, đoàn tụ với gia đình họ. Trong khi đó, với nhiều khu vực ở châu Á phải hứng chịu chiến tranh, việc quân Nhật rút lui sẽ tạo tiền đề để các khu vực này xây dựng lại.
Tuy nhiên, việc MacArthur đưa về hàng triệu lính Nhật Bản cũng đồng nghĩa mang về thêm những khó khăn. Quốc gia Đông Á đang chật vật xây dựng lại sau chiến tranh, có rất ít cơ hội cho những binh lính mới trở về này. Và thành công của thời kỳ chiếm đóng khi đó được đánh giá dựa trên khả năng tái hòa nhập với xã hội của binh lính Nhật tham chiến ở nước ngoài.
Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II - 3
Phụ nữ Nhật có nhiều quyền lợi sau khi Hiếp pháp mới được thông qua năm 1946
Một điểm mới khác mà tướng MacArthur đem đến cho nước Nhật đó chính là vấn đề bình đẳng nam nữ. Trước Thế chiến II, phụ nữ Nhật Bản không có nhiều quyền như bỏ phiếu, sở hữu tài sản, kết hôn tự nguyện hay tranh cử. Nhưng khi thời kỳ chiếm đóng bắt đầu, tướng MacArthur đã chỉ đạo ủy ban soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản mới trực tiếp giải quyết vấn đề này và cấm nạn phân biệt giới tính.
Với việc Hiến pháp mới được thông qua năm 1946, phụ nữ Nhật có được nhiều quyền lợi, bao gồm cả quyền bầu cử. Điều này cho phép họ tự do, bình đẳng hơn với nam giới và có một vị thế cao hơn trong xã hội Nhật Bản. Cuộc bầu cử diễn ra sau đó chứng kiến 13 triệu phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên và 39 phụ nữ được lựa chọn vào cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản.
Trong suốt thời kỳ Chiếm đóng ở Nhật Bản, văn phòng tướng MacArthur được đặt tại tòa nhà Dai Ichi ở thủ đô Tokyo. Ông làm việc 7 ngày/tuần và giữ lịch trình này suốt thời gian dài. Dù từng là kẻ thù của người Nhật trong Thế chiến II, dấu ấn quản lý thời kỳ Chiếm đóng của tướng MacArthur khiến người Nhật vô cùng khâm phục. Họ gọi ông với nhiều biệt danh, một trong số đó là "Kẻ chinh phục tử tế".
Ngày 25/6 năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Khi Liên Hợp Quốc quyết định cử lực lượng đa quốc gia tới bảo vệ nền độc lập của Hàn Quốc, tướng MacArthur được chỉ định làm chỉ huy lực lượng này. Điều này đồng nghĩa tướng Mỹ sẽ phải "phân thân" khi vừa quản lý thời kỳ Chiếm đóng ở Nhật vừa tham gia cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Dù MacArthur có được những thành công lớn trong cuộc chiến Triều Tiên, ông và Tổng thống Mỹ Truman lại xảy ra nhiều bất đồng. Ngày 11/4/1951, tướng MacArthur bị mất chức.
Nhiều người trên thế giới sững sờ trước vụ việc. Dĩ nhiên, người dân Nhật Bản là những người buồn nhất. Khi MacArthur rời xứ Phù tang, khoảng 2 triệu người Nhật Bản đã tới chào tạm biệt ông.
"Người Mỹ coi MacArthur như một người chinh phục Nhật Bản nhưng người Nhật lại không nghĩ như vậy. Họ xem vị tướng Mỹ như một người giải phóng, người đứng trên cả vạn người và chỉ dưới các vị thần".
Rinjiro Sodei, nhà khoa học chính trị viết nhiều cuốn sách về tướng MacArthur.
"Ông ấy là người phù hợp với khuôn mẫu và là một vị tướng quân hoàn hảo".
 Frank Gibney, người phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ những ngày đầu thời kỳ Chiếm đóng.
Cuối thập niên 40 của thế kỷ 20, cuộc chiếm đóng Nhật Bản thành công. Người Nhật toàn tất một quá trình phi quân sự hóa, thông qua một hiến pháp dân chủ và xây dựng lại nền kinh tế của họ. Gần nửa năm sau khi MacArthur mất chức, hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký kết. Theo hiệp ước này, cuộc chiếm đóng Nhật Bản sẽ chấm dứt vào ngày 28/4/1952.
Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shigeru Yoshida đã gửi một bức điện tín cho MacArthur sau khi hiệp ước được ký kết. Giống như nhiều người Nhật khác, ông Yoshida tin tướng MacArthur giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra một Nhật Bản mới hậu Thế chiến II.
-----------------------------
Với sự mở đường của tướng MacArthur, Nhật Bản có bước phát triển đột phá. Nhiều người gọi đây là giai đoạn phát triển thần kỳ. Điều này sẽ được làm rõ trong 2 bài dài kỳ tiếp theo.
Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô vào hậu phương địch đã tạo nên bước ngoặt chiến tranh.

Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp (Dân Việt)

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II

Thứ Hai, ngày 21/07/2014 19:00 PM (GMT+7)

Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô vào hậu phương địch đã tạo nên bước ngoặt chiến tranh.

Từ những ý tưởng manh nha ban đầu, được xúc tiến bởi sự bế tắc khủng khiếp của "chiến tranh chiến hào" trong Thế Chiến I, lực lượng lính dù dần dần thu hút được sự quan tâm của quân đội các nước, trong bối cảnh thế giới hồi đó đang sôi sục chuẩn bị cho Thế Chiến II.
Trong thời gian này, nước Đức dưới chế độ Quốc xã của Hitler cũng tích cực xây dựng cho mình một lực lượng lính dù hùng hậu. Lính dù ở Đức được gọi bằng danh từ Fallschirmjager, ghép lại giữa hai từ “thợ săn” và “dù”.
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra, và Đức là quân đội đầu tiên trên thế giới sử dụng lính dù trong chiến đấu. Chiến dịch đổ bộ bằng lính dù này được thực hiện vào năm 1940 trong cuộc xâm lược Na Uy và Đan Mạch.
Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 1
Lực lượng lính dù Fallschirmjager của quân đội Đức trong Thế Chiến II
Vào rạng sáng ngày 9/4/1940, các “thợ săn dù” của Đức lao ra khỏi những chiếc máy bay vận tải Junkers Ju-52 và nhẹ nhàng bung dù đáp xuống sân bay Aalborg ở Đan Mạch. Một đơn vị khác nhanh chóng chiếm giữ các cây cầu gần đó trong sự bất ngờ đến choáng váng của quân Đan Mạch.
Trong các đợt nhảy dù tiếp theo, lính dù Fallschirmjager của Đức từ trên trời rơi xuống tấn công và chiếm giữ một pháo đài trên đảo Masnedo và cầu Stostrom, cắt đứt Masnedo với các hòn đảo xung quanh. Thành công của chiến dịch nhảy dù này tiếp tục được phát huy trên chiến trường Na Uy, khiến lực lượng phòng thủ địa phương không kịp trở tay.
Tiếp sau đó là cuộc xâm lược Crete vào năm 1941, khi cả một sư đoàn Đức được tung xuống lãnh thổ đối phương bằng dù. Hiệu quả của chiến thuật này đã vượt ngoài sức tưởng tượng của các sĩ quan chỉ huy Đức. Lính dù Đức đã gây ra tình trạng rối loạn và hoảng sợ trong lực lượng phòng thủ Crete khiến họ thất thủ nhanh chóng.
Nhiều nhà sử học khi phân tích về chiến dịch này đã kết luận rằng chính chất lượng của những người lính dù và sự hiệu quả của chiến thuật nhảy dù đã đem lại thành công cho chiến dịch tấn công của Đức, mặc dù họ phải hứng chịu tổn thất không ít bởi hỏa lực mặt đất của đối phương.
Trong thời kỳ này, độ tin cậy của việc nhảy dù không được cao như ngày nay. Lính dù thường không có dù phụ, và nhiều dù không chịu bung sau khi lính đã nhảy ra khỏi máy bay, dẫn đến những cái chết thương tâm. Ngay cả trong huấn luyện, tình trạng quân nhân chết hoặc bị thương khi nhảy dù không phải là hiếm gặp.
Trong chiến đấu, lính dù thường nhảy ra khỏi máy bay mà không mang theo các loại vũ khí hạng nặng và nhảy xuống những nơi đối diện với hỏa lực của kẻ thù. Ngoài ra, những chiếc máy bay vận tải chở họ còn là mục tiêu kềnh càng, ngon ăn dễ dàng bị hỏa lực phòng không của đối phương bắn hạ ngay khi người lính dù đầu tiên còn chưa kịp nhảy xuống.
Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 2
Lính dù Anh trên khoang một chiếc máy bay vận tải C-47
Đổi lại, khả năng tấn công chớp nhoáng và bất ngờ của lực lượng lính dù mang lại hiệu quả tác chiến vô cùng cao có thể làm mê mẩn bất cứ chiến lược gia quân sự nào. Trước cú sốc do lính dù Đức gây ra ở trận Crete, quân đội Anh và Mỹ mới bắt đầu thực sự chú trọng vào lực lượng chiến lược này.
Tuy nhiên Liên Xô mới là nước đầu tiên của phe Đồng minh sử dụng lực lượng lính dù trong tác chiến. Ngày 23/2/1942, hơn 7000 lính dù Liên Xô thuộc Lữ đoàn Dù số 4 đã nhảy dù xuống thị trấn Vyazma để thực hiện chiến dịch Rzhev-Vyazma.
Bốn ngày sau, Sư đoàn Dù số 1 của Anh mới bắt đầu có những trải nghiệm thực sự đầu tiên trên chiến trường trong chiến dịch Biting. Khoảng 120 đặc nhiệm dù Anh đã đáp xuống khu vực Bruneval bị quân Đức chiếm đóng trên đất Pháp để chiếm một trạm radar.
Theo kế hoạch, các đặc nhiệm dù này sau khi nhảy xuống đất địch sẽ tấn công trạm radar và sau đó rút ra bờ biển để lên một chiếc tàu chiến đang đợi sẵn. Trong chiến địch đột kích táo bạo đó, quân Anh mất hai lính dù và 6 người khác bị thương, nhưng họ đã lấy được thiết bị radar tối mật của Đức rồi rút ra biển an toàn.
Dù đây chỉ là một chiến dịch nhỏ, song thắng lợi của nó đã trở thành một liều doping động viên tinh thần cho dư luận nước Anh đang không ngớt lo lắng về cuộc chiến, đồng thời thể hiện tính hiệu quả ưu việt của lực lượng lính dù trong tác chiến.
Đến cuối năm 1942, Trung đoàn Bộ binh Nhảy dù 509 của quân đội Mỹ mới có chiến dịch tấn công đầu tiên trong lịch sử. Trong chiến dịch này, 39 chiếc máy bay vận tải C-47 chở theo hơn 500 lính dù đã cất cánh từ Anh tới các mục tiêu ở Bắc Phi.
Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 3
Sĩ quan dặn dò các lính dù Mỹ trước khi lên đường làm nhiệm vụ
Tuy nhiên chiến dịch này không hề thành công như mong đợi. Chỉ có 10 chiếc máy bay đến được mục tiêu là 2 sân bay đang do phe phát xít kiểm soát, và một số máy bay còn bị lạc đội hình, buộc phải chuyển hướng hạ cánh xuống Gibraltar.
Một số chiếc lại nhầm mục tiêu và thả lính dù xuống một sa mạc rộng lớn, khiến lính dù phải vất vả hành quân trên bộ suốt một quãng đường xa mới đến được mục tiêu, làm mất tính bất ngờ và chớp nhoáng của chiến dịch. Một tuần sau, một nhóm lính dù khác mới thực hiện cuộc đổ bộ thành công hơn xuống dọc biên giới Tunisia.
Đến cuối năm 1942, khái niệm về tác chiến lính dù ngày càng được hoàn thiện khi lực lượng “thiên binh” này ngày càng được sử dụng nhiều hơn và hiệu quả hơn. Ngày càng có thêm nhiều lính dù được đào tạo, và các chiến thuật nhảy dù cũng được thay đổi tùy theo tính chất của từng nhiệm vụ.
Đến thời kỳ này, lực lượng lính dù của phe Đồng minh đã bắt kịp với khả năng tác chiến của lính dù Đức, và đến cuộc tấn công vào Sicily năm 1943, các đơn vị lính dù đã trở thành một lực lượng không thể thiếu trong quân đội Đồng minh.
Cho đến cuộc đổ bộ Normandy năm 1944, các đơn vị nhảy dù của phe Đồng minh đã trở thành những lực lượng tinh nhuệ có kỹ năng và trình độ cao. Trong cuộc đổ bộ mang tính bước ngoặt này, những cuộc nhảy dù của Sư đoàn Dù 101, 82 của Mỹ Sư đoàn Dù 6 của Anh đã trở thành lực lượng tối quan trọng đảm bảo cho thành công của chiến dịch.
Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II - 4
Lính Mỹ đổ bộ bằng dù xuống đất Pháp trong chiến dịch lịch sử Normandi
Tuy nhiên, cuộc đổ bộ Normandy vẫn không phải là chiến dịch nhảy dù lớn nhất trong lịch sử chiến tranh. Kỷ lục này thuộc về chiến dịch Varsity diễn ra vào ngày 24/3/1945, khi hơn 16.000 lính dù và hàng ngàn máy bay của liên quân Anh-Mỹ nhảy xuống chiến trường chỉ trong một ngày để giành quyền kiểm soát vài cây cầu bắc qua sông Rhine.
Bên kia chiến tuyến, quân đội Đế quốc Nhật Bản cũng xây dựng một lực lượng lính dù hải quân có tên gọi là Rikusentai gây ra nhiều nỗi khiếp đảm ở châu Á. Tháng 1/1942, lực lượng Rikusentai của Nhật Bản nhảy dù xuống Indonesia và quét sạch lực lượng phòng thủ Hà Lan trong trận chiến Manado. Quân Nhật tiếp tục tổ chức nhiều chiến dịch nhảy dù khác sau khi xâm lược Timor và Sumatra trong năm 1942.
Tháng 12/1944, 750 lính bộ binh nhảy dù của Nhật Bản (Teishin Shudan) đã mở một chiến dịch nhảy dù quy mô lớn vào các sân bay do lính Mỹ kiểm soát ở Philippines. Hơn một nửa số lính dù này thiệt mạng khi máy bay của họ bị hỏa lực phòng không đối phương bắn rơi, 300 lính dù còn lại chiến đấu quyết liệt với quân Mỹ và gây ra thiệt hại nặng nề cho đối phương.
Có thể nói Thế Chiến II là thời kỳ hoàng kim của lực lượng lính dù và cũng là thời kỳ các chiến thuật nhảy dù liên tục được phát triển, thay đổi và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ tác chiến.
Trong thời kỳ này, sự xuất hiện bất thình lình “từ trên trời rơi xuống” theo đúng nghĩa đen của những người lính dù luôn là nỗi khiếp đảm cho bất cứ lực lượng phòng thủ nào. Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô đã góp phần tạo nên bước ngoặt của chiến tranh, giúp phe Đồng minh có được chiến thắng vang dội trước phe Phát xít.
Sau Thế Chiến II, người ta không còn thấy những chiến dịch nhảy dù cấp sư đoàn hay lữ đoàn với những cánh dù ngập trời nữa, thay vào đó là những chiến dịch cỡ tiểu đoàn gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, lính dù ngày càng trở nên gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn với lực lượng nhỏ hơn, cơ động hơn, thể hiện tính ưu việt của lực lượng “thiên binh” này.
_____________________
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) (Khampha.vn)

Lính dù: Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại

Thứ Ba, ngày 22/07/2014 19:00 PM (GMT+7)

Với sự phát triển của công nghệ, lính dù sẽ trở thành lực lượng vô cùng lợi hại trên chiến trường.

Trong hàng chục năm trời sau Thế Chiến II, người ta không còn chứng kiến những chiến dịch quân sự quy mô cực lớn nữa, thay vào đó là những cuộc chiến, xung đột lẻ tẻ, quy mô nhỏ. Bởi vậy, những cơ hội tham chiến của lính dù này càng ít ỏi, song không vì thế mà quân đội các nước dám coi nhẹ tầm quan trọng của lực lượng này.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lính nhảy dù ngày càng ít được sử dụng trong tác chiến là do sự ra đời của máy bay trực thăng, một phương tiện cơ động, vận chuyển hàng không vô cùng lợi hại trên chiến trường.
Với khả năng cơ động linh hoạt, cất hạ cánh thẳng đứng, máy bay trực thăng có thể đưa những nhóm nhỏ lính đặc nhiệm lợi dụng địa hình để bay thấp, luồn lách vào sâu trong hậu phương của quân địch và đổ quân xuống những địa điểm đã định mà vẫn giữ được bí mật, bất ngờ.
Lính dù: Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại - 1
Sự ra đời của trực thăng làm thay đổi căn bản chiến thuật của lực lượng lính dù
Với những đặc tính ưu việt như vậy, trực thăng quân sự ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong tác chiến, đến mức trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, “trực thăng vận” là hình thức di chuyển chủ yếu của lính Mỹ. Có trực thăng trong tay, các chỉ huy quân sự không còn muốn tung những người lính dù của mình phiêu bạt theo chiều gió xuống những nơi vô định trong lòng địch nữa.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc lực lượng lính dù đã trở nên tuyệt chủng. Năm 1989, lần đầu tiên trong suốt 50 năm, Sư đoàn Dù 82 của Mỹ lại thực hiện chiến dịch nhảy dù đầu tiên để đưa quân can thiệp xuống Panama.
Đến năm 2001, Trung đoàn Biệt kích 75 của Mỹ đã nhảy dù xuống tỉnh Kandahar của Afghanistan để chiếm lĩnh một sân bay quan trọng từ tay phiến quân Taliban. Mới đây nhất, vào đầu năm 2013, quân đội Pháp đã cho 250 lính thuộc Lữ đoàn Dù 11 nhảy dù xuống Mali để hỗ trợ một chiến dịch tấn công giành lại quyền kiểm soát Timbuktu từ tay lực lượng nổi dậy.
Vậy tại sao lực lượng lính dù vẫn được tin dùng trong quân đội các nước như vậy, trong khi chiến thuật sử dụng trực thăng phổ biến và dễ dàng hơn cho các chỉ huy quân sự cũng như an toàn hơn cho binh lính rất nhiều?
Lính dù: Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại - 2
Một chiến dịch nhảy dù của quân đội Mỹ ở Afghanistan
Có thể nói dù các trực thăng chiến thuật hiện đại tỏ ra rất hữu dụng trên chiến trường, tuy nhiên nó vẫn không thể nào sánh được với lực lượng lính dù được đào tạo bài bản, tinh nhuệ trong những môi trường tác chiến đặc biệt phức tạp của chiến tranh hiện đại.
Điều dễ nhận thấy nhất là phạm vi hoạt động của máy bay trực thăng khá hạn chế so với các loại máy bay vận tải thả lính dù. Những chiếc máy bay vận tải như A-400 hoặc C17 là những vũ khí chiến lược có thể đưa lực lượng lính dù tới được những mục tiêu ở quá xa so với tầm hoạt động của trực thăng.
Với khả năng tiếp dầu trên không và phạm vi hoạt động xa hơn, máy bay vận tải ngày nay có thể đưa lực lượng lính dù tới bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 18 tiếng đồng hồ. Đây là một ưu thế chiến lược mà các lực lượng mặt đất và hải quân khác không dễ gì có được, đem lại cho lính dù một ưu thế vô cùng nổi bật.
Thứ hai, lính dù là lực lượng có thể triển khai với tốc độ nhanh nhất trong một trận chiến. Các chỉ huy quân đội không thể có phương án nào khác để có thể đưa 1.000 binh sĩ xuống mặt đất gần như đồng thời trong một chiến dịch tấn công.
Các chiến dịch nhảy dù tỏ ra hiệu quả vượt trội và là chiến thuật ưa thích của quân đội các nước khi tấn công chiếm giữ các sân bay có vị trí trọng yếu của đối phương. Với khả năng xâm nhập sâu, đổ bộ đồng loạt, ồ ạt của lính dù, các lực lượng bảo vệ sân bay sẽ nhanh chóng thất thủ và mất quyền kiểm soát vị trí chiến lược mà họ đang phòng thủ.
Lính dù: Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại - 3
Lính dù dần được hoàn thiện thành các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ
Thứ ba, lính dù đang ngày càng được trang bị hiện đại hơn, với các loại vũ khí, khí tài hạng nặng. Trong Thế Chiến II, lính dù chỉ được mang theo vũ khí cá nhân và thiếu sự yểm trợ của các loại hỏa lực mạnh, bởi họ không có cách nào để thả xuống mặt đất những cỗ xe thiết giáp nặng nhiều tấn hay những khẩu pháo lớn.
Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các kỹ sư quân sự đã thiết kế ra những xe thiết giáp, xe chở quân có trọng lượng nhẹ hơn để có thể thả được bằng dù từ máy bay vận tải C17 để yểm trợ cho lực lượng lính dù. Với những trang bị, vũ khí này, lính dù sẽ được bảo vệ tốt hơn, nâng cao khả năng sống còn và năng lực tấn công của họ.
Ngoài ra, chiến thuật “trực thăng vận” cũng thể hiện một nhược điểm chết người khác liên quan đến sinh mạng của các binh sĩ. Để thực hiện nhiệm vụ chuyển quân, trực thăng phải cất hạ cánh hoặc treo mình lơ lửng phía trên mục tiêu, trở thành những “miếng mồi” béo bở cho hỏa lực cỡ nhỏ và súng phóng lựu của đối phương.
Khi phải bay thấp để đổ quân, trực thăng cũng chịu những nguy cơ tai nạn lớn hơn rất nhiều. Trong vụ đột kích vào Abbottabad, Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, đặc nhiệm Mỹ đã mất một trực thăng vì vướng vào tường rào trong lúc hạ cánh, rất may là không biệt kích nào bị thương vong.
Lính dù: Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại - 4
Máy bay trực thăng của Mỹ bị rơi trong khi đột kích để tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden
Trong khi đó, máy bay vận tải chở lính nhảy dù thường bay ở độ cao 1000-4000 mét ở vận tốc hơn 200 km/h, giảm thiểu rủi ro cho cả máy bay và lực lượng nhảy dù.
Với những ưu điểm trên, ngày nay lực lượng lính dù thường được triển khai ở phía sau phòng tuyến địch để chiếm giữ các mục tiêu chiến lược như sân bay, cầu cống, các cơ sở hậu cần hay những khu vực mà phương tiện đường bộ không thể tiếp cận được.
Ngoài ra, lính dù còn được sử dụng để đổ bộ chiếm lấy các vị trí có lợi, đánh tạt sườn nhằm ngăn cản đối phương tiếp cận được với các tuyến đường trọng yếu hoặc các nguồn tài nguyên chiến lược. Sau khi chiếm được mục tiêu, lính dù sẽ đóng chốt để bảo vệ nó cho đến khi có lực lượng tiếp viện. Trong một số tình huống, lính dù được thả xuống chỉ để làm chậm bước tiến quân của địch, tạo thêm thời gian cho quân mình rút lui.
Hãy thử tưởng tượng một đại đội dù 100 người được trang bị quần áo dù bay (wingsuit) trên một chiếc máy bay vận tải C-17 bay dưới tầm của radar để tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 10 km. Ở khoảng cách này, máy bay bất ngờ vọt lên độ cao 3000 mét và cả đại đội dù đồng loạt nhảy ra ngoài hướng tới mục tiêu.
Với bộ quần áo dù bay có khả năng thay đổi hướng lượn, người đội trưởng dẫn đầu đội hình lướt gió theo tuyến đường đã định sẵn. Đến độ cao 200 mét, các binh sĩ lần lượt mở dù và đáp xuống trong một khu vực chỉ bằng một sân bóng đá theo đội hình đã quy định sẵn trong thời gian chưa đầy 2 phút. Như vậy một đại đội dù đã được triển khai ngay trong lòng địch một cách nhẹ nhàng mà không hề bị radar của đối phương phát hiện.
Lính dù: Mũi nhọn đột kích trong tác chiến hiện đại - 5
Những bộ wingsuit hiện đại sẽ được lính dù sử dụng để nhanh chóng tiếp cận mục tiêu
Nếu đó không phải là một chiếc C-17 mà là 10 chiếc, ta có thể đưa cả một lữ đoàn dù tiếp cận mục tiêu với độ chính xác gần như không tưởng vào ngay trong lòng địch, khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ.
Trên những chiến trường sa mạc như Afghanistan, bất cứ sự di chuyển nào của các phương tiện trên bộ đều để lại những vệt cát mù mịt, khiến tung tích của đoàn quân dễ dàng bị phát hiện ở khoảng cách xa, khiến họ dễ bị phục kích bằng mìn hoặc hỏa lực của đối phương.
Còn nếu sử dụng lực lượng lính dù, ta có thể triển khai quân tới bất kỳ địa điểm nào gần như đồng thời. Nếu bị quân địch phát hiện và nổ súng, một vài lính dù có thể bị trúng đạn, tuy nhiên lực lượng còn lại sẽ nhanh chóng tấn công để áp đảo đối phương. Chiến thắng bất ngờ của lính dù sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý rất lớn, khiến đối phương vô cùng hoang mang trên chiến trường.
Nói tóm lại, lực lượng lính dù có những ưu điểm về chiến thuật và chiến lược không thể coi thường trong tác chiến hiện đại, khiến họ vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của quân đội các nước trên khắp thế giới. Dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, những người lính dù tinh nhuệ vẫn là lực lượng quan trọng có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường.
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) (Khampha.vn)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH