Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 5/l


                                       
Không - thời gian qua ánh sáng Vật lý học đương đại (GS.VS. Đào Vọng Đức: )

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."

 Albert Einstein

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)





(tiếp theo)


* * *

Vấn đề không gian và thời gian coi như đã được giải quyết xong. Dù có thể còn hấp tấp trong nhận định, thô nhám và rườm rà, lẫn lộn về mặt ngôn từ, nhưng chúng ta coi như đã hoàn thành nhiệm vụ vì đã “sắm sửa” cho mình một bộ cánh phù hợp theo sở thích. 

Phải nói rằng chặng đường vừa qua là chặng đường đầy trắc trở, làm chúng ta mệt nhoài. Nhưng chúng ta thấy rất vui vì đã vượt qua được một cửa ải mà không phải ai muốn cũng có thể vượt qua cho dù có cánh đi chăng nữa. Đó là cửa ải luôn bị che khuất, ngụy trang hết sức kín đáo. Sự đắm chìm trong suy tưởng đã giúp chúng ta tìm ra được nó, vượt qua nó một cách “oai hùng” hơn bao giờ hết!!! 

Nhận thức về không gian và thời gian của chúng ta là phù hợp với riêng chúng ta, dù ắp đầy hoang tưởng, và nếu có trở nên hoang đường thì đó lại chính là điều chúng ta muốn. Tìm hiểu Vũ Trụ mà không suy tư hoang tưởng thì làm sao mà tìm hiểu? Chúng ta cứ tự hào là những người đầu tiên bíết lang thang đến đây, để tìm và nhặt được những viên bích ngọc của quá khứ và tự tưởng thưởng cho mình một câu nói rất hay không biết của ai đó nhưng vẫn còn tạc ghi rất sâu trong tiềm thức: “Không có những chiến công lớn lao cho những tâm hồn phẳng lặng!”. 

Giờ đây, chúng ta đang đứng trước một quang cảnh trong sáng và rực rỡ, hứa hẹn bao điều kì thú nữa của Tự Nhiên Tồn Tại. Nhưng cũng không nên vội làm gì vì ông bà nói “dục tốc bất đạt”. Hãy nghỉ ngơi cái đã! Và trong khi nghỉ ngơi chúng ta đọc lại một đoạn đối thoại rất thú vị và sâu sắc giữa nhà vật lý Trịnh Xuân Thuận và nhà sư Mathiêu Ricard trong “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” (NXB Trẻ, 2005): 

“Trịnh Xuân Thuận: Gaston Bachelard từng nói: “Suy ngẫm về thời gian là nhiệm vụ hàng đầu của mọi khoa học siêu hình”. Hẳn thời gian không phải là một khái niệm dễ nắm bắt, như Augustin từng nhận xét vào thế kỉ IV: “Thời gian là gì? Nếu không ai hỏi ta điều đó thì ta biết nó là gì. Nhưng nếu có người hỏi ta và ta cố giải thích thì lúc đó ta sẽ không biết nó là gì nữa”. Thời gian đóng vai trò quan trọng không chỉ trong siêu hình học mà cả trong vật lý. Trong quá trình nghiên cứu tự nhiên, các nhà vật lý đã liên tục vấp phải vấn đề thời gian. Điều này thoạt nhiên có vẻ nghịch lý, vì thời gian đo sự thoáng qua trong khi các nhà vật lý lại đi tìm các quy luật, nghĩa là các mối quan hệ bất biến, không thay đổi. Tuy nhiên khái niệm thời gian vẫn liên tục xuất hiện trong vật lý học. Galille là người đầu tiên vào thế kỉ XVI, đã đưa thời gian vào như một chiều (hay thứ nguyên) vật lý cơ bản nhằm sắp xếp và liên hệ về mặt toán học các phép chuyển động của các vật thể. Nhưng chính Newton với các định luật cơ học của mình vào thế kỉ XVII mới là người đưa ra định nghĩa rõ ràng về thời gian. Ông xác định chuyển động của các vật trong không gian bằng cách chỉ ra chính xác vị trí và vận tốc của chúng ở những thời điểm nối tiếp nhau (…). 

Năm 1905, khái niệm thời gian tuyệt đối này đã bị Einstein lật đổ bằng việc cho công bố thuyết tương đối hẹp. Với Einstien, thời gian mất đi tính bất biến và phổ quát mà Newton đã gán cho nó. Thời gian không còn dửng dưng với Vũ Trụ trong đó nó được coi là trôi liên tục mà trở nên co giãn khi nó tỏ ra phụ thuộc vào chuyển động của người quan sát. Nếu ta chuyển động càng nhanh thì thời gian càng chậm lại (…). 

Một thay đổi lớn khác: thời gian và không gian không tồn tại tách biệt nhau nữa. Einstien cho rằng không gian và thời gian là một cặp thống nhất. Không gian cũng trở nên co giãn. Các hành trang của không gian và thời gian luôn bổ sung cho nhau. Khi thời gian giãn ra và chậm lại, thì không gian bị co lại (…). Những biến dạng liên quan với không gian và thời gian có thể được coi như là sự chuyển hóa của không gian thành thời gian và ngược lại. Không gian bị co lại biến thành một thời gian kéo dài ra. Từ đây Vũ Trụ có bốn chiều. Để xác định một vật thể trong vũ trụ cần phải cho không những ba tọa độ không gian chỉ vị trí của nó mà còn cần phải cho cả thời gian đo được ở vị trí này. 

Thời gian bị chậm lại không chỉ do vận tốc mà còn do cả lực hấp dẫn. Đây là điều Einstein đã phát biểu năm 1915 trong thuyết tương đối. Ở lân cận lỗ đen có lực hấp dẫn cực lớn, đống hồ của nhà du hành vũ trụ sẽ chạy chậm lại so với đồng hồ của một người quan sát trên mặt đất. Sự chậm lại của thời gian không phải là kết quả của trí tưởng tượng. Nó đã được quan sát rõ nhất trong trường hợp các hạt được phóng với vận tốc cực lớn trong các máy gia tốc: các hạt này sống lâu hơn (trước khi bị phân rã) so với khi chúng ở trạng thái đứng yên, và điều này luôn theo đúng tỷ lệ mà Einstein đã tiên đoán: 

Tính co giãn của thời gian đã dẫn tới một hệ quả rất cơ bản: thời gian mất đi tính phổ quát của nó, nó không còn là như nhau đối với tất cả mọi người quan sát. Hiện tại của tôi có thể là quá khứ của ai đó khác và là tương lai của người thứ ba, nếu cả hai người này đều chuyển động so với tôi. Vì khái niệm “đồng thời” không còn ý nghĩa, nên từ “bây giờ” trở nên mơ hồ, không xác định. Và nếu đối với một người nào đó khác nữa tương lai đã tồn tại và quá khứ vẫn còn đang hiện diện, thì tất cả các thời điểm đều có giá trị như nhau. Do đó không còn thời điểm nào là ưu tiên cả. Theo Einstein, sự trôi của thời gian chỉ là ảo giác. Như để làm dịu đi nỗi buồn của mình, ông đã bộc lộ quan điểm này trong một lá thư viết năm 1959 sau cái chết của người bạn Michele Besso: “Đối với chúng tôi, những nhà vật lý xác tín, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo giác; ngay cả khi sự phân biệt này khó mà lay chuyển được”. Theo các nhà vật lý hiện đại thì thời gian không trôi: nó đơn giản chỉ là hiện hữu đó, bất động, như một đường thẳng kéo dài đến vô tận ở cả hai chiều. 

Mathiêu: Theo cách phân tích kinh điển của Phật Giáo, thời gian vật lý và tuyệt đối chỉ là một khái niệm. Nó không tồn tại tự thân. Sự trôi của thời gian là không thể nắm bắt được ở thời điểm hiện tại, thời điểm chưa trôi qua mà cũng không có độ dày cần thiết đề có đầu có cuối. Đối với hiện tại này, quá khứ đã chết và tương lai còn chưa sinh ra. Vậy thì làm sao hiện tại có thể tồn tại lơ lửng giữa cái không còn nữa và cái còn chưa sinh ra? Thời gian thuộc chân lý tương đối của thế giới các hiện tượng, thuộc lĩnh vực của trải nghiệm và chỉ là một khái niệm gắn liền với sự biến đổi được cảm nhận bởi người quan sát. 

Thời gian vật lý không có tồn tại độc lập, bởi vì người ta không thể nhận thức được một thời gian tách rời khỏi những thời điểm tạo nên nó. Không thể nhận dạng được nó lúc bắt đầu, lúc đang diễn ra hay lúc kết thúc của một giai đoạn nhất định. Nếu người ta định nghĩa một khoảng thời gian như một tổng thể được cấu thành từ khởi đầu, giữa và kết thúc của nó, thì rõ ràng là “tổng thể” này không hề tồn tại trong bất kì bộ phận nào trong ba bộ phận nói trên. Mặt khác, khoảng thời gian này cũng không tồn tại bên ngoài sự khởi đầu, giữa và kết thúc của nó, và do vậy bản thân khái niệm khoảng thời gian cũng thuần túy mang tính quy ước. Thời gian cũng như không gian, chỉ tồn tại đối với kinh nghiệm của chúng ta và đối với các hệ quy chiếu cụ thể. Tóm lại, thời gian là một phương thức tổng quát các hiện tượng. Khi không có các hiện tượng này, nó không hề tồn tại. 

Trịnh Xuân Thuận: cần phải phân biệt thời gian chủ quan hay còn gọi là thời gian tâm lý với thời gian vật lý vốn được coi là khách quan, luôn trôi đều đặn và không phụ thuộc vào ý thức của chúng ta. Thời gian vật lý là thời gian của các loại đồng hồ. Người ta đo nó bằng một chuyển động đều đặn: như sự dao động của một nguyên tử hay sự chuyển động của trái đất quanh mình nó. Chính vì thế, nói về thời gian (hay không gian) trước khi Vũ Trụ ra đời là vô nghĩa, bởi vì không có bất kì chuyển động nào có thể đo được. Trong lý thuyết Big Bang, thời gian và không gian được sinh ra đồng thời với Vũ Trụ. Chính Augustin cũng đã từng đưa ra ý tưởng cho rằng thời gian xuất hiện cùng với thế giới. Ông cho rằng ý tưởng về một vị Chúa phải chờ một thời gian vô hạn trước khi quyết định tạo ra thế giới là điều nực cười (…) 

Ngược lại, thời gian trải nghiệm tức là thời gian mà chúng ta cảm thấy bên trong chúng ta, là chủ quan và không trôi một cách đều đặn. Nó rất co giãn (…). Mặt khác, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng càng về già chúng ta cảm thấy thời gian trôi càng nhanh. Thời gian trôi nhanh cùng với tuổi tác đã được kiểm chứng bằng nhiều nghiên cứu đối với sự sinh trưởng của cây cối và động vật: tuổi càng cao, sự kéo dài “sinh lý” càng ngắn. 

Sự tương phản giữa thời gian chủ quan và thời gian vật lý thường xuyên hiện diện trong lịch sử tư tưởng. Theo các nhà triết học trước Socrate thì thời gian được xác định qua chuyển động, như thời gian vật lý. Thật vậy, Héraclite từng nói rằng : “thời gian là một đứa trẻ chơi trò cá ngựa” (có nghĩa là thời gian trôi theo nhịp dịch chuyển của các con ngựa trên bàn cá ngựa). Còn theo Aristote, thời gian là “con số của chuyển động”, nhưng ông cũng đã tự hỏi: “Vấn đề rắc rối cần phải biết là nếu như không có linh hồn, thì thời gian có còn tồn tại không?”. Vào thế kỉ IV, Agustin đã bác bỏ những lập luận của Aristote: “Thời gian không phải là chuyển động của một vật thể” và khẳng định chiều hiện sinh (hay chiều tâm lý) của thời gian: thời gian chỉ trôi trong linh hồn, vì rằng đối tượng của chờ đợi (tương lai) trở thành đối tượng của chú ý (hiện tại) và đối tượng này lại biến thành đối tượng của ký ức (quá khứ). Triết gia người Đức, Husserl, thế kỉ XX cũng đã tán đồng quan điểm này. 

Mathiêu: Kant cũng từng nói rằng các khái niệm về không gian và thời gian xuất hiện từ các mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên, chứ không phải là đặc tính riêng của bản thân tự nhiên: “Thời gian chỉ là một điều kiện chủ quan của tri giác chúng ta, và nó sẽ chẳng là gì khi nằm ngoài chủ thể”. Các nhà triết học Phật Giáo cũng đưa ra một ý tưởng tương đương, họ khẳng định rằng thời gian không có hiện thực tối hậu và không có bất kỳ tồn tại nào bên ngoài các hiện tượng và bên ngoài những người quan sát chúng: Hình dung thời gian như “mũi tên”, chẳng qua chỉ là phản ánh sự gắn bó của chúng ta với hiện thực của vạn vật mà thôi. (…) 

Trịnh Xuân Thuận: (…) Chúng ta gán cho thời gian một chiều không gian, và chính cách biểu diễn sự chuyển động thời gian trong không gian như thế đã tạo cho chúng ta cảm giác về quá khứ, hiện tại và tương lai. (…) 

Tuy nhiên, ý niệm này về sự trôi của thời gian đối với ý thức bất động của chúng ta không phù hợp với ngôn ngữ của vật lý hiện đại. Nếu thời gian chuyển động thì vận tốc của nó là bao nhiêu? Một câu hỏi hiển nhiên là vô lý. Chúng ta hãy thay dòng thời gian tâm lý bằng sự ỳ tĩnh lặng của thời gian vật lý, thì câu hỏi trên không còn được đặt ra nữa. Tại sao lại có sự khác biệt này giữa hai loại thời gian?. 

Mathiêu: Điều đó chỉ là một bí ẩn nếu người ta cho rằng chúng ta hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Khái niệm thời gian vật lý lẽ nào không đơn giản chỉ là sự trừu tượng hóa của thời gian tâm lý sinh ra từ sự phân biệt do chúng ta tạo nên giữa cái đã hoàn thành và cái sẽ xảy ra? Các nhà vật lý chẳng phải đã đảo ngược thứ tự ưu tiên khi muốn giải thích cái mà chúng ta đang sống bằng vật lý và khi vật hóa quan niệm ảo tưởng của chúng ta về thời gian để biến nó thành một thực tại đó sao? 

Trịnh Xuân Thuận: (…) 

Ngoài ra còn vấn đề về hướng (người ta còn gọi là mũi tên) của thời gian. Thời gian tâm lý luôn đi theo một hướng duy nhất và đưa chúng ta từ sinh đến tử. Giống như một mũi tên luôn bay về phía trước sau khi rời khỏi dây cung, thời gian tâm lý không bao giờ quay ngược trở lại. Chính tính không thể đảo ngược này của thời gian tâm lý là thủ phạm gây ra nỗi ám ảnh của chúng ta về cái chết. Tất cả mọi người đều biết rằng mình sẽ đi từ cái nôi đến nấm mồ. Triết gia người Pháp, Henti Bergson, không chấp nhận quan niệm của Einstein theo đó thời gian chỉ là ảo tưởng, không thực và không kéo dài. Theo ông, thời gian phải có độ “dày”. Chỉ có độ dày này của thời gian mới tương hợp với sự sống nội tại. Chỉ có sự kéo dài của thời gian mới cho phép tự do và sáng tạo, tiến bộ và mới mẻ, phát minh và thăng hoa trí tuệ. Triết gia người Đức, Edumnd Husserl, cũng đã nói về một “thời gian không thể nén được” và ý tưởng này đã được sinh học thần kinh hiện đại khẳng định. Phải chăng thời gian vật lý của Einstein là quá ư tất định và không mang tính con nguời? Nếu tất cả những gì đã xảy ra đều đã được quy định từ trước thì tự do ý chí và hy vọng của con người sẽ ra sao? 

Mathiêu: Ngay ý tưởng cho rằng: “mọi thứ sẽ xảy ra đều đã được quyết định” là phi logic. Như chúng ta đã thấy, khi xem xét khái niệm về đấng sáng thế, nếu mọi chuyện đều đã được quyết định từ trước thì tất cả các nguyên nhân và điều kiện của tương lai đều đã phải hiện diện. Trong trường hợp này, không có gì có thể ngăn cản chúng xuất hiện đồng thời. Còn nếu chúng chưa xuất hiện đầy đủ thì vẫn còn cái gì đó để viết. 

(…) 

Trịnh Xuân Thuận: Khái niệm này về thời gian liệu có giống với quan niệm của Einstein về một thời gian không trôi không? Trong thuyết tương đối, thời gian vật lý hiện hữu đó bất động và tĩnh. Không - thời gian cũng hiện hữu đó trong tính tổng thể của nó, chứa tất cả các sự kiện từ khi vũ trụ ra đời đến khi kết thúc. 

Mathiêu: Không, thời gian không hiện hữu đó, bất động và tĩnh bởi vì nó không có thực tại! Không, thời gian của Einstein không thể được coi là tuyệt đối. Lại một lần nữa, đó cũng chỉ là một qui ước. Bản chất tuyệt đối của thời gian là sự trống rỗng của nó, là sự không tồn tại độc lập của nó. Người ta gọi đó là “mặt thứ tư của thời gian, vượt lên trên ba mặt khác”, (là quá khứ, hiện tại và tương lai). Thời gian thứ tư này đôi khi bị đồng hóa với thời điểm hiện tại, thời điểm mà về bản chất vốn vượt ra ngoài khái niệm độ kéo dài. Trên phương diện thiền định về mặt nội tại mà nói, thì dừng lâu trong “sự tươi mới của thời điểm hiện tại” giúp ta nhận ra bản chất trống rỗng và sáng tỏ của tinh thần và sự trong suốt của thế giới các hiện tượng. Bản chất này là bất biến, không phải theo nghĩa nó là một dạng thực thể vĩnh hằng, mà bởi vì nó là một kiểu tồn tại đích thực của tinh thần và các hiện tượng, vượt ra ngoài các khái niệm đi và đến, tồn tại và không tồn tại, một và vô số, bắt đầu và kết thúc. 

Trịnh Xuân Thuận: Người ta lại tìm thấy tiếng vọng của khái niệm này trong lời của Boèce: “Cái bây giờ trôi qua tạo nên thời gian, cái bây giờ đang dừng lại tạo nên vĩnh cửu” 

Theo Kant, thời gian không thể tách rời khỏi sự vận động của tư duy tri giác nó. Ông cho rằng thời gian cho phép sự kế tiếp của các sự kiện, trong khi không gian làm cho tính đồng thời của chúng trở nên có thể. Nhưng cũng giống như Newton, ông coi thời gian và không gian tách biệt nhau. Điều này không tương hợp với sự liên kết lẫn nhau giữa không gian và thời gian mà Einstein đã phát hiện ra. Tôi nghĩ hình như Phật Giáo cũng coi thời gian và không gian như các thực thể tách biệt? 

Mathiêu: Không đúng, bởi vì Phật Giáo cũng bác bỏ quan niệm về không gian như một thực thể có thật. Không gian cũng như thời gian đều có liên quan với trải nghiệm của chúng ta về chúng trong các khuôn khổ qui chiếu vật lý cụ thể. Nếu ta xét một vùng không gian nào đó, bất kể to nhỏ thế nào thì không gian có gì khác hơn là một khái niệm. Không gian không thể bị giản lược thành một trong các bộ phận của nó. Nếu thực thể “không gian" tương ứng với tổng thể các bộ phận của nó (nếu là quảng tính thì nó phải có các phần hoặc các vùng) thì để xâm nhập vào thực thể này, cần phải xâm nhập vào tất cả các bộ phận của nó một cách đồng thời, mà điều này là không thể. Như vậy, thực thể “không gian” cũng chỉ là một cái nhãn tinh thần, không có sự tồn tại độc lập.” 

Đoạn đối thoại trên cho thấy Trịnh Xuân Thuận và Mathiêu đều là những nhà tư tưởng về tự nhiên uyên thâm, đã có nhiều ý kiến sắc sảo về không gian và thời gian. Tuy nhiên, cả hai ông vẫn chưa “vượt thoát” được những mâu thuẫn nội tại còn ẩn chứa tiềm tàng trong quan niệm của cả vật lý học và phật học về chúng. Mathiêu đã không thể biết rằng, không phải không gian không có sự tồn tại độc lập mà ngược lại, sự tồn tại của nó là một sự thực tuyệt đối không thể bàn cãi và chính vật chất, xét cho cùng, mới không có sự tồn tại độc lập. Vật chất và vận động vật chất thực ra là sự thể hiện hùng hồn trước quan sát - nhận thức sự tồn tại đích thực của không gian và sự chuyển hóa không gian. Hơn nữa, một đặc trưng cơ bản của chuyển hóa không gian chính là thời gian. Điều dễ hiểu và giản dị làm sao (?), nhưng phải đến hàng bao nhiêu ngàn năm sau, có lẽ đến tận bây giờ chúng ta mới bắt đầu...thấm thía về chúng. Và nếu nhận định trên là chân lý thì tất cả những hiện tượng như "xuyên không gian", "vượt thời gian" về quá khứ hay đến tương lai, cùng với những quan niệm như không - thời gian cong, không - thời gian co giãn... chỉ là ảo tưởng, không bao giờ là sự thật!
(Hết chương V)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét