Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 5/k

                                   Cách vũ trụ chuyển động - Khám phá vũ trụ - Thuyết minh
 

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."

 Albert Einstein

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)





(Tiếp theo)


* * *

Câu chuyện về không gian và thời gian vẫn chưa hết vì dù chúng ta đã tạm thời biết được những hình thức hiện hữu của chúng nhưng chưa biết chúng có quan hệ gì với nhau không và quan hệ như thế nào, rồi bản chất thực sự của chúng là gì. 

Chúng ta lại bắt đầu từ không gian vì không gian “dễ thấy” hơn thời gian: mở mắt ra, đâu đâu cũng thấy nó, nhắm mắt lại hình dung ra ngay được nó dù nó trống rỗng. Nhưng có thực là nó trống rỗng không? Trong thời đại ngày nay, khi mà con người đã có những thiết bị hỗ trợ quan sát cực kỳ tinh nhạy thì cái không gian trống rỗng được năm giác quan con người cảm giác, đã không còn trống rỗng nữa mà tràn ngập sóng điện từ (bức xạ điện từ). Hay không gian là sóng điện từ ? Nhưng sóng điện từ chỉ có thể hiện hữu (tồn tại) nếu có nguồn phát ra nó và nó sẽ mất đi nếu có vật thu nó. Vả lại, vật lý học đã xác minh được bức xạ điện từ là những dòng gồm các lượng tử mang bản chất lưỡng tính vừa sóng vừa hạt, tuy vô cùng nhỏ bé nhưng có thể định lượng được. Như vậy sóng điện từ nói chung; trước quan sát, là một hiện hữu mà các phôtôn như là những hữu thể và dòng các phôtôn được coi là sự vật - hiện tượng tương tự như bất kỳ một sự vật - hiện tượng nào khác, nghĩa là nó cũng được cấu thành từ vật chất. 

Bây giờ giả sử rằng ta lại “tống khứ” hết bức xạ điện từ ra khỏi khoảng không gian nào đó (việc này chắc cũng dễ dàng vì chúng ta đã có kinh nghiệm từ những lần “rút” vật chất ra khỏi một thể tích!!!) và ta được một khoảng “đen thui” (có "đen thui" thật không?) như đã nói. Và chúng ta đặt lại câu hỏi: khoảng “đen thui” đó có trống rỗng không? Đã thấy được "đen thui" thì phải có gì chứ!? Theo quan niệm Phật Giáo thì trống rỗng nhưng không Hư Vô. Chúng ta cũng đồng thuận với quan niệm này: Có thể chúng ta cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại không quan sát (hay là chưa quan sát) thấy gì và có cảm giác không gian hiện hữu lên như một thể tích rỗng rang, không có gì và được chúng ta quy ước gọi là hư vô, nhưng sự suy lý đã mách bảo chúng ta rằng chắc chắn không gian không thể là Hư Vô, không thể là từ Hư Vô cấu thành nên được. Tự Nhiên Tồn Tại là duy nhất, độc tôn! Không gian dứt khoát phải có nội dung! Nội dung đó là gì và có quan hệ gì với vạn vật không? Không gian không Hư Vô thì không gian phải là Tồn Tại, phải thường biến trong tổng thể bất biến của nó. 

Vì chúng ta khẳng định rằng không gian không thể là Hư Vô được nên sự trống rỗng của nó chỉ có nghĩa rằng chúng ta, những thực thể vĩ mô, chưa quan sát được, chưa nhận dạng được những tồn tại trong nó. Kinh nghiệm đã cho chúng ta biết rằng có những tồn tại thực sự nhưng không hiện hữu trong hiện thực vì nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta. Bằng mắt thường chúng ta làm sao thấy được các phân tử Oxy, Nitơ, Hydro… đang tung tăng nhảy múa trong  bầu khí quyển; làm sao thấy được những vì sao ở tận đâu đó gọi là tận cùng Vũ Trụ? Hoặc đơn giản như thế này: giả sử chúng ta có phép hóa thân to lớn bao nhiêu cũng được và nhỏ bé cỡ nào cũng được; lúc đó chúng ta đứng đâu đó trong Vũ Trụ quan sát Trái Đất. 

Chúng ta càng lớn dần lên thì độ phân giải của mắt càng thô nên Trái Đất như nhỏ dần đi (chưa kể càng xa Trái Đất thì góc nhìn càng hẹp), đến độ, ta chỉ còn nhìn thấy được dải Ngân Hà mà không thấy được Trái Đất nữa. Lúc này ta nói Trái Đất vẫn tồn tại nhưng không hiện hữu, và nếu chúng ta hóa lớn đến độ không thấy bất kỳ thiên thể nào mà chỉ nhìn thấy một thinh không có giải Ngân Hà. Ta to lớn hơn bội phần nữa, thì ngay cả dải Ngân Hà cũng không hiện hữu nữa và nếu ta đạt đến tầm cỡ Vũ Trụ thì có thể chẳng có gì hiện hữu trước mắt chúng ta ngoài cái Trống Rỗng vĩ đại(?!). Nếu chúng ta không hóa to lớn mà làm ngược lại: hóa nhỏ. Càng hóa nhỏ độ phân giải của quan sát càng cao và chúng ta càng không thấy được những vật lớn bởi kích thước của vật lớn bỗng trở nên khổng lồ quá tầm quan sát mà chỉ có thể quan sát được một phần rất hạn chế. Chẳng hạn khi ta bằng kích thước nguyên tử (khoảng 10^-8 cm) thì khoảng cách một mét đối với chúng ta lúc này sẽ tương đương 107 km đối với kích thước bình thường của chúng ta (mét). Càng hóa nhỏ, sự đa dạng phong phú của các sự vật - hiện tượng càng mất dần đi và sự đơn điệu bắt đầu chiếm ưu thế.  Lúc đó quanh chúng ta không phải là khoảng rỗng rang vĩ đại nữa mà thay vào đó, chúng ta như bị chèn trong một khối gì đó cứng hơn kim cương. Hiện thực khi đó chắc rằng phải khác với hiện thực thông thường của con người: không còn cái không gian khoáng đạt với cây cối xanh tươi hoa lá, không còn những dòng sông mênh mang chảy qua những bình nguyên trù phú để hòa vào đại dương, không còn bầu trời đêm mênh mông thăm thẳm lấp lánh ngàn sao. Ở kích thước hạt nhân nguyên tử, có thể chúng ta sẽ thường xuyên thấy sấm chớp và lốc xóay, không gian không còn trong suốt mà đục ngầu sóng điện từ, vận động của toàn thể đã trở nên chậm chạp vì bị sức cản của… không gian và rất có thể do có sự cản trở ấy mà các hạt vật chất (gồm protôn, nơtrôn, điện tử,…) không thể di dời theo đường thẳng được mà phải luồn lách như một giả sóng, dích dắc. Chúng ta hóa nhỏ nữa, nhỏ hơn nữa, nhỏ đến tận cùng giới hạn và chẳng quan sát được gì nữa vì không gian đã “đông đặc”, hóa cứng để không cho Hư Vô có cơ hội “xâm nhập” vào… Đó chắc chắn phải là cõi cứng tuyệt đối. Chúng ta có thể hóa nhỏ hơn nữa để vượt qua cái giới hạn tột cùng ấy không? Không mà cũng có! Không là vì không thể bước qua giới hạn của Tồn Tại; có là vì Tồn Tại không thể có giới hạn (vì như thế ngoài giới hạn sẽ phải là Hư Vô) và khi chúng ta bước qua giới hạn của sự nhỏ tột cùng ấy, chúng ta sẽ trở về với thế giới vô cùng lớn "này", từ bên kia giới hạn của sự  cực nhỏ của Tồn Tại. Nhìn vào cõi vi mô cũng tương tự như nhìn ra xa tít tắp trong cõi vĩ mô! 

Vì vạn vật, tất cả các sự vật - hiện tượng đều là sự biểu hiện của vật chất và vận động vật chất, vì Tự Nhiên Tồn Tại biểu hiện là một Vũ Trụ tổng thể của vật chất và vận động, vì bên cạnh Tồn Tại không thể là Hư Vô và sự xuất hiện của Hư Vô là vô vọng nên Vũ Trụ được quan sát ở tầng tột cùng ấy chỉ là một hiện thực với sự hiện hữu của không gian lấp đầy cái gì đó mà lúc này, chúng ta cứ tạm gọi là "tiền vật chất" với hai thể tương phản của nó (gọi là âm và dương?). Hai thể tương phản này luôn làm hiện ra và biến mất vào không gian "tiền vật chất" ấy. Khoảng tồn tại của một thể vật chất tương phản (âm hoặc dương) là khoảng giữa sự xuất hiện và biến mất của nó; vì mang tính dài lâu nên được gọi là khoảng thời gian, và đó chính là khoảng thời gian nhỏ nhất, là đơn vị thời gian nhỏ tuyệt đối của Vũ Trụ. 

Như vậy có thể đoán định rằng sự phân tầng phân lớp một cách tương đối theo qui mô của Tự Nhiên Tồn Tại, của Vũ Trụ trước quan sát là một sự thực khách quan, tùy thuộc vào nguồn gốc hình thành nên quan sát, tùy thuộc vào năng lực và trình độ quan sát mà hiện thực ở mỗi tầng nấc của Vũ Trụ có thể hiện lên khác nhau, tuy cùng một thế giới khách quan. Ở tầng sâu thẳm, khoảng tột cùng của vô cùng nhỏ, không gian thể hiện như một thể tích "đông cứng". Càng về phía vĩ mô, không gian càng "loãng" dần và trở nên rỗng rang hoàn toàn ở vô cùng lớn (không phải vô tận!). Vậy có thể nói, Vũ Trụ là không gian lấp đầy...thể tích, bao gồm toàn bộ vật chất. Nói chính xác hơn:  nói về  Tồn Tại có nghĩa là nói về Vũ Trụ, Vũ Trụ bao gồm không gian, thời gian và vật chất, như vậy nó cũng là nơi chứa chấp mọi chuyển hóa, vận động, hiện tượng, biến cố. Như thế, chúng ta phải đi tới quan niệm: vật chất có nguồn gốc từ không gian. Vậy không gian có nguồn gốc từ đâu? Đây là câu hỏi không thể trả lời! Để tránh Thượng Đế, chúng ta khẳng định: không gian là vốn dĩ thế Tồn Tại. Nhưng Một Tồn Tại vĩ đại được hợp thành nên từ không có gì hay Hư Vô là một quái dị, không tưởng tượng nổi, nên lại phải quan niệm: Tồn Tại là có giới hạn ở tột cùng nhỏ, nghĩa là Vũ Trụ là sự cấu thành từ những đơn vị tuyệt đối nhỏ, bất khả phân gọi là “hạt” không gian. Các hạt ấy phải cố định tuyệt đối trong Vũ Trụ, phải “chồng khít” lên nhau, áp chặt vào nhau để sao cho không xuất hiện kẽ hở Hư Vô. Vậy khi ta nói đến một thể tích trống không, không biết là gì cả, một thể tích toán học trong hình học Ơclit thì chúng ta phải nghĩ ngay đến không gian và nói rằng thể tích đó chính là một khối tồn tại của Tồn Tại, nó thể hiện về mặt lượng (lực lượng) của không gian. Hiểu như thế là chúng ta đã cố tình đạt đến kết luận: không gian là nguồn gốc vật chất, là tên gọi khác của nó (chúng ta gọi) là "tiền vật chất", và có thể gọi bức xạ điện từ là "vật chất nguyên thủy". Khi nói một thể tích không gian thì chẳng khác gì nói: một thể tích "tiền vật chất" và thể tích đó là sự thể hiện về một lực lượng  không gian nào đó. Nếu ta xác định được giá trị thể tích của hạt vật chất thì ta cũng sẽ tính được số hạt vật chất có trong thể tích không gian đang xét! Đó phải chăng là vật chất tối mà vật lý học hiện nay đang kiếm tìm? 

Chúng ta thừa nhận rằng chúng ta quan niệm như vậy về không gian và vật chất. Vật chất kiểu của chúng ta mang tính cụ thể, xác thực (và biết rằng bản chất thực sự của vật chất là không gian). Không gian là nền tảng làm xuất hiện vạn vật trong quan sát ở tầng nấc thế giới quan của chúng ta. Vật chất hiểu kiểu như vậy sẽ phải khác với quan niệm của Anghen khi ông cho rằng: “Vật chất, với tính cách là vật chất là một sáng tạo thuần túy của tư duy, và là một điều trừu tượng thuần túy; Chúng ta bỏ qua những sự khác nhau về chất của những sự vật, khi chúng ta gộp chúng, với tư cách là những vật tồn tại hữu hình, vào khái niệm vật chất; do đó, khác với những vật chất nhất định và đang tồn tại; vật chất, với tư cách là vật chất, không có sự tồn tại cảm tính”, nói riêng và của triết học duy vật biện chứng cũng như các trường phái triết học duy vật khác từ trước tới nay nói chung! 

Một phát kiến vĩ đại ra đời: Không Gian là tiền vật chất- là thứ "nguyên liệu" làm nên vật chất nền tảng của mọi vật chất đặc thù, vật chất là cái làm nên vạn vật, vạn vật xuất hiện từ không gian và biến vào không gian. Chúng ta là những người đầu tiên đã khám phá ra một trong những điều bí ẩn nhất của Tự Nhiên Tồn Tại và chúng ta có quyền vỗ ngực hãnh diện vì điều đó? Chưa biết đúng sai thế nào mà đã kiêu căng tự phụ như thế thì thật là hồ đồ! Nếu là sai, trước mắt mọi người, chúng ta sẽ là một hiện hữu “vô danh tiểu tốt” bị điện rồ, học lóm mù quáng, với chứng hoang tưởng đã chuyển sang thể “vĩ cuồng”. Nếu là đúng, thì người đời sẽ gọi chúng ta là lũ ăn cắp chiến công, vì vinh quang đời đời thuộc về triết học Upanishad với nhận định “Tất cả các thế giới kia từ đâu tới? Chúng từ không gian. Mọi sinh vật đều đến từ không gian và quay trở về không gian, vì thế, không gian là khởi đầu và là kết thúc”. Ở đây nếu muốn nói một lời nào để bày tỏ niềm sung sướng bởi chúng ta đã có một không gian phù hợp với mong muốn riêng tư của mình, thì chỉ có thể là: chúng ta vô cùng may mắn nhặt được viên ngọc bích quí giá từ quá khứ xa xôi trong lịch sử nhận thức của loài người. 

Một không gian - vật chất như mô tả ở trên, gồm vô vàn hạt không gian-vật chất “nhét đầy chặt” Vũ Trụ sẽ vấp phải câu hỏi “hiểm ác”: nếu thế thì vật chất vận động thế nào? Chắc chắn là các hạt không thể di dời được, vì vừa bị vây chặt bởi “đồng loại”, vừa sẽ lập tức “bộc lộ” Hư Vô. Nếu không thể di dời thì phải đi đến một kết luận rất “khó chịu” là tất cả các hạt vật chất phải cố định tuyệt đối trong Vũ Trụ, và để tồn tại, để phụng sự Tồn Tại, để đảm bảo tính thường biến và bất biến, đồng nhất và dị biệt, không còn cách nào khác, chúng chỉ còn cách biến hóa nội tại. Sự biến hóa này là vốn dĩ thế, là tự nhiên như thế, sự biến hóa nội tại của một hạt vừa tự do vừa phụ thuộc, là kết quả biến hóa độc lập, vừa là nguyên nhân của biến hóa nội tại của toàn thể các hạt khác bao quanh nó, làm nên sự tồn tại của nó. Mỗi một hạt so với những hạt kề cận xung quanh chúng đều hoàn toàn giống nhau về bản chất vật chất – không gian, nhưng đều khác nhau về trạng thái. Chúng vừa giống nhau vừa khác nhau như thế nên chúng tồn tại một cách vừa tuyệt đối vừa tương đối, tuyệt đối đối với quan sát và tương đối so với nhau. Đó là mường tượng hết sức "bạo lực" về sự  chuyển hóa của không gian- vật chất nhằm thỏa mãn những đặc tính của Tự Nhiên Tồn Tại mà chúng ta đã “dựng đứng” nên. Lần này, sự phán đoán chính hiệu là của chúng ta, nó làm cho tâm hồn chúng ta hết sức hoang mang và hoảng hốt. Đành vậy, nếu muốn không tồn tại phương thức vận động kiểu di dời vị trí. Cần nhớ, Vũ Trụ là đầy đủ! Hãy tự an ủi rằng trong cõi hoang đường, mọi cái đều có quyền và đều có thể tồn tại! 

Ở tình trạng tỉnh táo (không hoang tưởng), trong phạm vi thô thiển và què quặt, việc hình dung Vũ Trụ với không gian - vật chất như trên có lẽ cũng không khó lắm. Có thể coi hiện thực ở khoảng cuối của sự nhỏ tương tự như hiện thực mà chúng ta quan sát “thấy” ở trong lòng một đại dương, bốn bề nước, toàn nước là nước, không có bất cứ gì khác ngoài nước và nước đóng vai trò như thứ vật chất – không gian mà chúng ta đã ước đoán. Trong lòng đại dương ấy, chúng ta “thấy” muôn ngàn áp lực mà nếu có máy đo áp lực cực nhạy, chúng ta cũng sẽ “thấy được” sự tác động không đều của các phân tử nước (hạt vật chất); có một cái gì đó lan truyền khắp nơi nhưng hình như các phân tử nước vẫn ở nguyên vị trí của chúng (bỏ qua sự dao động quanh vị trí cân bằng)… Cùng cái thế giới khách quan ấy nhưng bây giờ chúng ta quan sát nó ở chiều kích bình thường thì hiện thực sẽ là một quang cảnh quen thuộc: cái dòng hải lưu nóng lạnh, những vùng nước ấm, những vùng nước mát, những vùng xoáy to nhỏ… xuất hiện, có khi là di động, rồi mất đi: đó chính là những sự vật - hiện tượng (những tảng băng) hình thành nên từ vật chất - không gian (từ nước) và biến mất (tan) vào vật chất - không gian (vào nước). 

Thế là, vấn đề không gian coi như đã được “mổ xẻ” xong. Bây giờ đến vấn đề thời gian. Chúng ta không thể “làm thịt” thời gian giống như đã làm với không gian vì đơn giản là nó… vô hình. Thời gian là một hiện hữu vô hình; là khoảng lâu-mau nào đó của tồn tại và cũng là một hiện hữu, hiện thực … chúng ta đã kết luận được như vậy. Nhưng làm sao chúng ta cảm giác được khoảng lâu-mau ấy? Bởi vì chúng ta có đồng hồ đo? Không hẳn thế, vì đồng hồ là sản phẩm do chúng ta làm ra và vận động theo như cách thức mà nó được chế tạo nên nó chẳng qua cũng chỉ là một sự vật - hiện tượng bình thường. Cho dù là có thể thông qua đồng hồ mà biết được khoảng  lâu-mau ấy, thì giả sử như chúng ta lúc đó chẳng có bất cứ loại đồng hồ nào, chúng ta có cảm nhận được khoảng cách lâu-mau đó không? Có thể! Chúng ta có thể cảm nhận được là nhờ kinh nghiệm ở những lần quan sát thấy những biến đổi, những lần so sánh độ dài của các biến đổi, sự xuất hiện và mất đi của quá trình nào đó. Chẳng hạn con người quan sát thấy sự tuần hoàn ngày và đêm, đồng thời cũng quan sát được sự hiện hữu của một sự kiện nào đó mà khoảng lâu-mau của nó ngắn hơn khoảng lâu-mau của một ngày đêm là 24 giờ. Một giờ và 24 giờ đã tạo cho chúng ta cảm giác về độ lâu-mau, chúng ta nhớ được, lưu giữ thành kinh nghiệm của cảm giác. Nhờ đó, ở những lần quan sát sau, về mặt định tính, chúng ta sẽ cảm giác được độ lâu-mau của các sự kiện khác. Trong cuộc sống hàng ngày, theo dõi một sự kiện nào đó, chúng ta thường thốt lên: “sao lâu quá!” hay: “nhanh thế?” là vì vậy. 

Từ đó mà suy ra rằng một hiện thực hay hiện hữu không biến đổi (tương đối) trước quan sát sẽ không làm cho quan sát cảm nhận được thời gian và do đó cũng không định lượng “chính xác” được thời gian. Nói rộng ra, nếu thế giới này bất biến như một bức tranh tĩnh vật thì chẳng bao giờ xuất hiện khái niệm thời gian (vẫn có thể xuất hiện khái niệm không gian!). Bị ràng buộc bởi kinh nghiệm, kiến thức về sự biến đổi, vì thời gian đã được phát hiện từ trước nên trước một hiện thực bất biến, chúng ta vẫn cảm nhận như thời gian hiện hữu trong đó, đang “trôi” trong đó, gây biết bao nhiêu lẫn lộn, phiền toái trên đời. 

Chỉ nhờ quan sát được những biến đổi trong hiện thực và so sánh độ lâu-mau giữa chúng trong quá trình nhận thức để phục vụ đời sống mà khái niệm thời gian hình thành. Do vậy chúng ta có thể nói nó có nguồn gốc từ sự biến đổi của các sự vật - hiện tượng hiện hữu trong hiện thực, khái quát hơn, từ sự vận động của vật chất tác động lên tư duy. Hay nói cách khác: thời gian là một đặc tính của vận động (sự lâu mau) đã qua nhận thức. 

Chúng ta có linh cảm rằng quan niệm về thời gian như thế là mạch lạc, trong sáng và thời gian vì thế trở nên dung dị, dễ hiểu. Một quan niệm càng mạch lạc, dung dị bao nhiêu càng gần chân lý bấy nhiêu. Nếu vậy, cần phải xét lại quan niệm về không gian của chúng ta. Việc gán cho không gian cái chức năng "đẻ ra" vật chất là một hành động cực đoan, thô bạo. Không, phải nói đó là một hành động hèn nhát thì đúng hơn. Vì thấy cái trống rỗng có nguy cơ biến thành Hư Vô (cái mà chúng ta không bao giờ muốn nghĩ tới!), chúng ta đã vội vàng, mù quáng ép buộc không gian thành vật chất, xây dựng nên một quan niệm rất mực u ám, hàm chứa nhiều phi lý và quái dị. Phải quan niệm lại không gian! 

Noi gương cách quan niệm về thời gian, chúng ta sẽ quan niệm lại không gian như thế này: Nhờ quan sát các sự vật đa dạng trong hiện thực; nhờ so sánh sự khác biệt về hình dáng và về qui mô (sự to nhỏ) giữa chúng mà khái niệm không gian được hình thành trong nhận thức. Do đó, có thể cho rằng khái niệm không gian có nguồn gốc từ sự hiện hữu trong hiện thực; khái quát hơn, từ hiện thực vật chất tác động lên tư duy trừu tượng. Hay nói cách khác, không gian là một đặc tính thể hiện của vật chất (sự to nhỏ, tròn méo) đã qua nhận thức, cái khoảng không gian trống rỗng hiện hữu trong hiện thực ấy, giờ đây chúng ta phải hiểu như thế nào? Khoảng ấy phải được lấp đầy bởi vật chất nền tảng (thứ vật chất mà chúng ta vừa tạm “xây dựng” mô hình như ở trên hoặc có thể là chân không lượng tử trong vật lý học, hoặc sự rỗng rang nhưng không Hư Vô của Phật Giáo). Vật chất nền tảng đã hiện hữu trong hiện thực (của con người) như một sự trống rỗng, bất định về không gian và thời gian! Nếu thế thì ta cũng suy ra rằng sự hiện hữu và hiện thực chỉ có thể tồn tại môt cách xác định trước một quan sát nhờ hai đặc tính của chúng tác động vào tư duy như là không gian và thời gian. 

Đến đây, câu hỏi cuối cùng được đặt ra là với không gian và thời gian kiểu như vậy thì giữa chúng có mối tương quan nào không, hay là chúng hoàn toàn độc lập so với nhau? Trả lời được câu hỏi này không phải là điều dễ dàng gì vì trong quá trình lập luận diễn giải hay tranh biện triết học, do sức ì của bộ não mà chúng ta thường xuyên lẫn lộn giữa những cái chưa qua nhận thức và đã qua nhận thức (nghiêm trọng hơn khi nhận thức còn sai lạc). Nhưng nếu không tìm cách trả lời thì sự tò mò sẽ mãi hành hạ tâm can chúng ta, làm cho chúng ta sẽ phải khổ sở vì nó trong cuộc hành trình này. Thôi thì mặc lòng, phải cố gắng một phen nữa, ra sao thì ra, được đến đâu hay đến đấy. 

Chúng ta sẽ lại bắt đầu quan sát một hiện thực tưởng tượng (trong đời sống, tưởng tượng là thứ vô cùng quí giá nhưng không phải giàu tiền giàu bạc là có thể mua được!). 

Trước mắt chúng ta là một môi trường (nói toẹt ra là không gian trống rỗng!), trong đó hiện hữu các sự vật - hiện tượng. Các sự vật - hiện tượng đó vận động: tác động tương hỗ với môi trường, thông qua môi trường tác động tương hỗ với nhau hoặc chuyển động va chạm trực tiếp làm chuyển hóa nhau và cùng biến đổi. Có những sự vật - hiện tượng biến đổi chậm, có những sự vật - hiện tượng biến đổi nhanh, có những sự vật - hiện tượng lớn dần lên, có những sự vật - hiện tượng nhỏ dần đi, có những sự vật - hiện tượng phân rã, tan rã, biến mất và cũng có những sự vật - hiện tượng mới hình thành… nếu môi trường đủ rộng lớn, chúng ta sẽ thấy đó chính là một cuộc xoay vần đa dạng về sự vật, phong phú về hiện tượng, muôn màu muôn vẻ đầy biến loạn nhưng cũng trật tự, nhịp nhàng, các sự kiện cứ tiếp nối nhau như tiền định và có vẻ như không bao giờ ngừng nghỉ. Từ kinh nghiệm rút ra của thế giới thiên nhiên xung quanh con người, chúng ta thấy rằng vận động xoay vần là mang tính chu kỳ, cân bằng nên có mức độ ổn định cao làm cho quá trình trở nên dài lâu và so với khoảng thời gian gọi là ngắn nào đó, một cách tương đối, chúng ta nói đó là quá trình bất tận. Đứng trước một cuộc xoay vần như vậy, chúng ta có cảm giác các sự vật - hiện tượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với môi trường, thông qua môi trường mà tác động lẫn nhau, làm nguyên nhân và kết quả của nhau, độc lập tương đối trong phụ thuộc tuyệt đối, tự do vận động theo “tiền định” đảm bảo tự do của toàn thể, sao cho sự tồn tại của tổng thể (cuộc xoay vần) được bảo tòan, nghĩa là sự vận động của toàn thể được duy trì cân bằng, ổn định và dài lâu (nếu không còn môi trường nào khác bao trùm môi trường đang xét làm cho môi trường đang xét trở nên là một sự vật - hiện tượng của môi trường lớn ấy thì hiện thực mà chúng ta đang thấy sẽ trở nên vĩnh cửu vì nó chính là biểu hiện của tổng thể Tự Nhiên Tồn Tại!!!); nghĩa là có sinh thì có tử, có phát triển thì có suy tàn; cái này mất đi để cái khác sinh ra (và buộc phải sinh ra!), cái khác phát triển làm cho cái khác nữa phải suy tàn đi… cứ thế cái quá trình “có vay có trả” ấy là bất tuyệt. 

Môi trường trong hiện thực đang được chúng ta quan sát (coi là cô lập so với bên ngoài nó) cũng đóng vai trò như một hiện hữu, nhưng là hiện hữu đặc biệt, hiện hữu của sự vật - hiện tượng nền tảng của các sự vật - hiện tượng có trong nó. Do đó nó cũng “vui buồn” theo cuộc sinh sinh tử tử trong lòng nó. Mọi biến động gây ra bởi các sự vật - hiện tượng trong môi trường đều làm mất cân bằng vận động của tổng thể làm môi trường phải biến đổi theo để cân đối duy trì sự cân bằng vốn có, trong trường hợp quá độ (phải có tác động từ bên ngoài), sự cân bằng mới sẽ được thiết lập, một môi trường mới (tương đối khác môi trường cũ) xuất hiện, làm biến đổi thậm chí làm tiêu vong một số sự vật - hiện tượng cũ đã không còn phù hợp, không thể thích ứng với điều kiện mới và đồng thời những sự vật - hiện tượng mới ra đời (có thể gọi như vậy là biến cố hay những biến cố không?). 

Mô tả một hiện thực sống động, “vĩ đại”, một cuộc xoay vần đến bất tuyệt mà chỉ với vài dòng như thế rõ ràng là không đầy đủ, là sơ sài, phiến diện, “đui què mẻ sứt” và rất dễ gây hiểu lầm sai lạc. Nhưng không sao, Tự Nhiên Tồn Tại đã chịu vô vàn sự hiểu lầm rồi, thêm vài ba sự hiểu lầm nữa cũng chẳng làm trầm trọng thêm tình hình. Vả lại, vâng theo lời khuyên của Sadi Carnot, nhà vật lý học tài năng người Pháp: “Nói ít thôi về cái mà ta biết, và hoàn toàn đừng nói về cái mà ta chưa biết”, chúng ta dại gì mà lòi cái dốt bao la của mình ra. Nhưng chủ yếu là vì chúng ta chỉ cần nhận biết vài vấn đề có “tính nguyên tắc” về vận động (nội tại) của một hiện thực để có cơ may lần mò đến được với điều mà chúng ta quan tâm. 

Giữa các sự vật - hiện tượng với nhau và với môi trường có những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau khắng khít. Không có một sự vật - hiện tượng nào tồn tại mà thiếu vắng môi trường và không chịu sự ảnh hưởng ít nhiều của môi trường. Một sự suy tàn và tiêu vong của sự vật - hiện tượng nào đó sẽ ảnh hưởng đến toàn thể, kích thích toàn thể biến đổi phù hợp để duy trì vận động cân bằng. Sự chấm dứt tồn tại của (những) sự vật hiện tượng không có nghĩa là sự mất đi của (lượng) vật chất làm nên nó (lượng vật chất là bảo toàn trong một hệ cô lập) mà chỉ có nghĩa là sự phân rã thành những dạng vật chất thành phần, hoặc vật chất nền tảng và (những) sự vật hiện tượng đó không hiện hữu nữa. Cùng với quá trình suy tàn và tiêu vong ấy, thỏa mãn đòi hỏi về sự cân bằng vận động của tổng thể và dưới tác động tương hỗ trong tổng thể mà hình thành nên mầm mống ra đời (những) sự vật - hiện tượng mới. Sự vật - hiện tượng mới xuất hiện và tồn tại được là nhờ có toàn thể và sau đó là nhờ có vận động nội tại tương đối độc lập, có tính cá biệt, phân biệt được với xung quanh, cái mà do chính toàn thể “góp sức” xây dựng nên. 

Cần nói thêm cho rõ là tất cả những khái niệm như hiện thực, hiện hữu, nội tại… chỉ mang ý nghĩa tương đối, theo quan điểm của quan sát. Tùy thuộc vào quan sát mà một nội tại được coi là một hiện thực (bị cô lập tương đối) và ngược lại. Đó cũng chính là sự “bấp bênh” cố hữu, tất yếu của khái niệm và cũng có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng thế giới này là không thể nhận thức được, là một phù phiếm đơn thuần tư duy, hay như Phật Giáo; là một sự giả hợp. Dù sao đi nữa thì “trái đất vẫn quay” (theo lời Galillê) và Tồn Tại cứ vẫn tồn tại (theo lời của những người bình dân)! 

Chúng ta nói năng loanh quanh từ nãy tới giờ để đạt đến điều này (không biết có đạt không nữa?): một sự vật - hiện tượng luôn là thành phần làm nên nội tại của một sự vật - hiện tượng bao trùm nó, đồng thời bản thân nó cũng có một nội tại; không có nội tại thì không có tồn tại, vận động nội tại là sự thể hiện của tồn tại trước quan sát, được quan sát gọi là sự vật - hiện tượng, và hiện hữu trước quan sát. Hiểu ngắn gọn thì: hiện hữu là sự trình hiện (phô diễn) vận động nội tại của một (hay một số) sự vật - hiện tượng nào đó. Khi đi trong sa mạc, chúng ta thường thấy ảo ảnh. Đó phải được cho là một hiện hữu. Nhưng là loại hiện hữu gì? Ảo ảnh là một hiện hữu thực (không ảo!) và hữu hình, là sự trình hiện của những vận động tác động lẫn nhau của hàng loạt các sự vật - hiện tượng (hay có thể là một sự vật - hiện tượng, tùy theo qui mô của sự kiện cũng như qui ước của quan sát) mà truy sát ra là vận động nội tại và truy cho đến cùng, chính là vận động vật chất. Chỉ khi ta hình dung lại ảo ảnh đó trong não thì cái được hình dung ra ấy mới được gọi là hiện hữu ảo, lúc này ảo ảnh được gọi là ảo ảnh ảo. 

Sự vật - hiện tượng được quan sát cảm nhận thì gọi là hiện hữu, vì thế mà không có hiện hữu nào mà không có nguồn gốc từ vận động nội tại. Mặt khác, như chúng ta đã trình bày, một trong những đặc tính cơ bản nhất của hiện hữu, nhờ đó mà có thể nhận biết được hiện hữu, đó là không gian. Nói đặc tính cơ bản của một hiện hữu là vì ngoài ra nó còn có những đặc tính không cơ bản, không phổ biến khác nữa. Chẳng hạn trong hoàn cảnh điều kiện đặc thù của Trái Đất, tất cả mọi hiện hữu trong đó (kể cả con người quan sát) đều có những nét đặc thù phù hợp, thích nghi với điều kiện ấy, do đó mà con người quan sát còn cảm giác hiện hữu bởi mùi thơm thối, vị ngọt đắng, sự nóng lạnh, tĩnh lặng và ồn ào… (nhưng rốt cuộc, tất cả những điều ấy cũng là biểu hiện của vận động nội tại và thấp thóang không gian). Có lẽ là một võ đoán: tuy chưa chắc đã là tất cả nhưng mọi chủ thể quan sát có tư duy không thể không cảm nhận được cái mà trong khái niệm, con người gọi là không gian, khi đứng trước một hiện thực? 

Chuyển hóa không gian, vật chất và vận động vật chất làm nên tất cả. Một nội tại chắc chắn cũng chỉ là hệ thống vận động đặc thù nào đó của không gian-vật chất. Để được gọi là nội tại, nội tại phải vận động như một hành động thể hiện mình. Nói đến nội tại là nói đến vận động nội tại. Một nội tại không vận động là điều vô nghĩa (nói theo nghĩa tuyệt đối của khái niệm này!). 

Như vậy, thông qua hiện hữu, vận động nội tại bộc lộ ra như một đặc tính của hiện hữu, như một hình thức của hiện hữu mà chúng ta gắn nhãn mác, đặt tên cho nó là không gian. Thực ra, vận động nội tại hay môi trường chỉ là khái niệm tương đối, một vận động ở phạm vi nào đó là vận động nội tại nhưng ở phạm vi khác thì lại là vận động môi trường! 

Quan sát ở một góc độ khác (chẳng hạn ở tầng nấc “sâu” hơn, có qui mô nhỏ hơn), có các sự vật - hiện tượng nào đó hiện hữu, vận động, tương tác lẫn nhau và biến đổi. Vì đó là một hiện thực đầy biến động nên quan sát sẽ cảm nhận được mối tương quan về mặt lâu mau, về thứ tự sớm muộn của các biến đổi và trong tư duy hình thành nên khái niệm thời gian. 

Tiếp tục thay đổi góc độ quan sát kiểu như thế, ngày một sâu hơn, vào thế giới vô cùng nhỏ, chúng ta luôn luôn thấy cảnh tượng tương tự: nội tại của sự vật - hiện tượng là một hiện thực, cũng có khoảng rỗng rang và các sự vật - hiện tượng biến đổi, chuyển động trong đó, chỉ có điều càng về hướng vô cùng nhỏ, các sự vật - hiện tượng càng mất đi tính đa dạng của chúng (sự giống nhau càng nhiều), và khoảng rỗng rang càng ngày càng như “đặc sệt” lại. Rồi cái gì đến sẽ phải đến! Hiện thực cuối cùng hiện ra; chất chứa một mâu thuẫn “khủng khiếp”, đe dọa nghiêm trọng đến sự tích về một Vũ Trụ đầy không gian mà chúng ta đang say sưa kể, có vẻ như rất hay ho mà cũng có lý nữa. Các sự vật là những hạt vật chất, biến đổi chuyển động trong cái rỗng rang mà giờ đây cũng đặc chặt các hạt không gian (chúng ta đã “muốn” thế mà!)! 

Để bảo vệ “thành quả” của mình, nhất thiết chúng ta phải đạp bằng mâu thuẫn nêu trên, đồng thời lý giải được cái hiện thực cuối cùng mà chúng ta đã “vô phúc” nhận thấy trong lúc này, vẫn có đủ đặc tính của một hiện thực “thông thường”, vẫn gồm những hiện hữu biến đổi, chuyển hóa lẫn nhau mà thôi; nghĩa là gồm các sự vật - hiện tượng và môi trường (khoảng rỗng rang). 

Chúng ta chẳng đủ năng lực làm việc đó. Cứ giả sử rằng chúng ta có thể vượt qua mâu thuẫn “đáng ghét” đó thì một vấn đề còn “khủng khiếp” hơn nữa (có lẽ khủng khiếp nhất từ đầu cuộc hành trình đến giờ!) lại hiện ra: nội tại hạt không gian là gì, trong đó có vận động không và vận động đó có phải của chuyển hóa không gian không? Vì thế, để tránh một chướng ngại không thể vượt qua nổi, chúng ta hãy giấu nhẹm tất cả những gì quan sát thấy về hiện thực cuối cùng, đừng cho ai biết và quay trở lại ở một tầng nấc nào đó với một hiện thực vẫn còn phô diễn rõ ràng, các sự vật - hiện tượng và khoảng rỗng rang, để tiếp tục khảo sát, suy tư nhưng theo… hướng khác. 

Từ những góc độ quan sát khác nhau theo chiều sâu (nhớ là trong đó không có lần quan sát cuối cùng vì chúng ta đã “ỉm” nó đi mất rồi), chúng ta đi đến nhận xét: các khái niệm “hiện thực”, “sự vật - hiện tượng”, “nội tại” đều mang tính tương đối, tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan, sự qui ước của quan sát, cũng như tầng nấc qui mô của thế giới khách quan được quan sát. Cái là sự vật hiện tượng ở tầng qui mô lớn hơn sẽ được thấy như một hiện thực ở tầng có qui mô nhỏ hơn và ngược lại. Và ngược lại…, ừ nhỉ, chiều kích cực đại của hiện thực chính là Vũ Trụ, là nội tại của Tồn Tại. Nhưng chúng ta đã quan niệm rằng Tồn Tại mang tính nước đôi, vừa có ngoài, vừa có trong, là cả hai mà cũng không phải cả hai, do đó buộc phải thừa nhận Vũ Trụ vừa hữu hạn để có nội tại, vừa vô hạn để không có nội tại; vừa quan sát được vừa không quan sát được và như vậy Vũ Trụ là một hiện thực vừa thực vừa ảo. Chúng ta cũng đồng tình với quan niệm về Vũ Trụ của nhà vật lý học Stephen Hawking: Vũ Trụ hữu hạn nhưng vô biên (thực ra quan niệm này là phiến diện, chỉ đúng trong một phạm vi giới hạn nhất định!). Tuy nhiên, chúng ta sẽ nói thêm rằng: vì là hữu hạn nên Vũ Trụ có tận cùng lớn và tận cùng nhỏ; vì là vô biên nên vượt qua tận cùng lớn sẽ là tận cùng nhỏ và ngược lại, vượt qua tận cùng nhỏ sẽ là tận cùng lớn. Nếu chui được vào hạt không gian, chúng ta sẽ thấy một hiện thực của cái Tận Cùng Lớn, nghĩa là sẽ lại trở về với quang cảnh thiên văn quen thuộc. Và cả những điều tưởng tượng này, chúng ta cũng phải giấu nhẹm nốt! 

Quan sát ở bất cứ “góc biển, phương trời” nào cũng đều chỉ thấy sự vật - hiện tượng với nội tại cũng là những sự vật - hiện tượng và rốt cuộc chỉ là vật chất và vận động của vật chất. Không có nội tại thì sự vật - hiện tượng không tồn tại. Nội tại vận động và vận động theo một cách thức nào đó làm cho sự vật - hiện tượng phân biệt được và luôn biến đổi phù hợp với biến đổi của môi trường chính nó. Đối với sự vật - hiện tượng, biến đổi là tuyệt đối, sự ổn định chỉ là tương đối. Sự ổn định tương đối ấy làm cho có ý niệm về không gian; quá trình biến đổi ấy làm cho quan sát có ý niệm về thời gian. Một sự vật - hiện tượng được coi là xác định trong hiện thực khi chúng ta biết được vị trí (tọa độ), hình dáng, kích thước… của nó, nghĩa là phải biết những yếu tố làm nên các biểu hiện không gian của nó trong không gian hiện thực; hay nói gọn lại là phải biết được không gian của nó trong hiện thực. Bởi cái mà không gian của sự vật - hiện tượng “chứa đựng” (nội tại) luôn vận động nên nó chỉ ổn định tạm thời, tương đối theo qui ước của quan sát và luôn luôn biến đổi… Nhờ theo dõi đuợc những biến đổi của sự ổn định mà quan sát nhận diện được thời gian. Ổn định và biến đổi chính là một biểu hiện về tính phân định của Tồn Tại, về mối quan hệ giữa bất biến và thường biến, về sự không phân biệt được và phân biệt được của một sự vật - hiện tượng với chính nó. Nói đến không gian thì phải nói đến biến đổi, nói đến biến đổi thì phải nói đến thời gian; không gian biến đổi là sự phân biệt với chính nó và có thể nói không gian biến đổi theo thời gian. Để so sánh mức độ biến đổi hay khoảng tồn tại được cho là ổn định (về không gian) của các sự vật hiện tượng, quan sát quy ước một “thước đo” thời gian chung làm hình thành nên mối quan hệ giữa không gian và thời gian. 

Mối quan hệ đó có thể là khác nhau và cũng có thể là giống nhau giữa các sự vật - hiện tượng. Những sự vật - hiện tượng có mối quan hệ không - thời gian giống nhau được cho là giống nhau. Giống nhau không có nghĩa là không phân biệt được. Mọi sự vật - hiện tượng luôn được phân biệt trong không gian và thời gian (quy ước) của hiện thực. Hai sự vật dù có giống nhau đến mấy thì quan sát cũng phân biệt được, chí ít thì chúng cũng khác biệt về tọa độ (nghĩa lã về không gian!). Tồn tại tình hình đó là do nội tại, cái không gian chứa đựng, quy định. Tại sao khoảng rỗng rang và các sự vật - hiện tượng xét cho cùng thì đều “chứa đầy” một “thứ” là  không gian chuyển hóa mà sao chúng lại khác nhau, có thể phân biệt đuợc với nhau? Vì Vũ Trụ, đâu đâu cũng đầy không gian-vật chất như nhau nên sự khác nhau về lượng sẽ dẫn tới khác nhau về quy mô không gian. Nếu chỉ thế thôi thì sự vật - hiện tượng làm sao mà hiện hữu được, do đó cũng không thể phân biệt được. Phải đi đến suy đoán rằng chính vận động vật chất (xét cho cùng là biểu hiện của chuyển hóa không gian) là nguyên nhân làm nên mọi sự khác biệt. Những nội tại khác nhau đều có cách thức và mức độ vận động khác nhau tương đối, làm hình thành nên những cấu trúc đặc thù, có tính riêng và được gọi là “chất” của nội tại. Nhớ lại rằng vật chất muốn vận động được thì trước tiên phải phân biệt được với nhau, phải phân định thành những lực lượng tương phản nhau, để chuyển hóa nhau, nghĩa là cần phải cho rằng vật chất ở tầng sâu thẳm của nó luôn tồn tại ở ba trạng thái âm, dương và trung tính (cái ở giữa). Có nhiều khả năng mối tương quan của ba trạng thái ấy trong một nội tại làm hình thành nên mức độ và cách thức vận động của nội tại, tùy thuộc vào môi trường, cái đã sinh thành, cưu mang nó. Nếu chúng ta gọi vận động là bị biến đổi và cũng có khả năng làm biến đổi thì cũng có thể gọi khả năng làm biến đổi là năng lượng và như vậy mức độ vận động cũng có thể được gọi là lượng năng lượng; mức độ vận động của một nội tại có thể được xác định bởi một giá trị gọi là mật độ năng lượng (năng lượng chia cho thể tích chứa nó). 

Có thể đó là hướng giải thích khả dĩ nhất về sự khác nhau giữa các sự vật - hiện tượng. Các sự vật - hiện tượng khác nhau là khác nhau về “lượng” và “chất”. Trong một hiện thực, cái khoảng không gian rỗng rang, suy ra từ sự giải thích trên có thể có mức năng lượng thấp nhất; thậm chí cho là bằng không nhưng không gian-vật chất vẫn luôn đầy và vẫn vận động. Vận động nội tại của khoảng rỗng rang ở mức độ thuần khiết hoàn toàn của nó (không xuất hiện những trạng thái tương phản làm nên năng lượng), là vận động tự thân, phi năng lượng; vận động theo sự quy định chặt chẽ của mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, là tiền đề và kết quả của nhau của toàn thể các hạt vật chất trung tính có trong đó cũng như trong Vũ Trụ. Để phân biệt hạt vật chất trung tính với các hạt tương phản (trạng thái tương phản của chính nó), chúng ta tạm gọi (ở đây thôi!), hạt vật chất trung tính là tiền vật chất (khái niệm của các nhà vật lý hiện đại trong công cuộc tìm kiếm căn nguyên của Vũ Trụ). 

Mối quan hệ giữa không gian và thời gian của sự vật-hiện tượng chính là bộc lộ sự biến đổi về chất và lượng; về cách thức và mức độ vận động nội tại của nó. Cách thức và mức độ vận động nội tại không phải cái gì khác cả, cũng là mối quan hệ giữa không gian và thời gian bên trong nội tại. Sự biến đổi không gian nội tại theo thời gian bên trong, bộc lộ ra thành sự biến đổi không gian theo thời gian bên ngoài và làm xuất hiện khái niệm năng lượng. 

Đường nào thì cũng đến La Mã! Và La Mã đã hiện ra: đặc trưng của vật chất là không gian, đặc trưng của vận động là thời gian, một cách hình thức và nôm na, không gian chuyển hóa theo thời gian và biểu hiện của nó là vật chất vận động, mức độ vận động (trước quan sát và nhận thức!) của vật chất là năng lượng, năng lượng là động lực của quy trình nhân - quả, của phát triển và suy tàn, của tạo dựng và phá hủy, là linh hồn của tất cả các sự vật - hiện tượng. 

Tóm lại, không gian là Tồn Tại và cũng là tồn tại, nên nó vừa bất biến vừa thường biến. Lực lượng của nó là thể tích. Không gian thực, duy nhất, tồn tại khách quan là không gian ba chiều. Còn lại, các không gian khác (không gian véctơ, không gian Riman,...) đều là không gian ảo, do tưởng tượng toán học có nguồn gốc từ đặc tính đầy đủ của Tồn Tại mà có. Vật chất xuất sinh từ không gian và trở về với không gian. Thời gian chỉ là tồn tại ảo, là một ước định chỉ mức độ thường biến (chuyển hóa) của không gian cũng như của mọi sự vật - hiện tượng. 

Không gian mở ra một hiện thực, hiện thực là cái nôi của Nhân - Quả, và thời gian chính là cơ hội cho Nhân - Quả được dàn trải mà nên hiện hữu. Hiện thực là vườn hoa hiện hữu hồn nhiên vui sống và rực rỡ hiến dâng!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét