TT&HĐ I - 5/d

 
"Lỗ hổng thời gian" và những vụ mất tích bí ẩn

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."
 Albert Einstein 

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)



(Tiếp theo)


Đứng trước Kim tự tháp Ai Cập, chúng ta nói nó bất động hay di động, tĩnh hay động? Lịch sử nhân loại nói rằng hàng ngàn năm nay nó sừng sững ở đó, giờ đây chúng ta thấy nó ở đó và cả ngàn năm sau nữa, nếu như bỏ qua tác động của khí hậu và không ai đập phá, có lẽ nó vẫn còn đó. Nếu đồng thuận như vậy thì chúng ta chỉ có một câu trả lời là nó bất động. Hỏi một đứa trẻ, chỉ cần nó hiểu thế nào là tĩnh và động, nó sẽ trả lời không do dự : Kim tự tháp là tĩnh. Đối với chúng ta với năm giác quan mà Tạo Hóa ban tặng thì Kim tự tháp Ai Cập là một bất biến, chẳng biểu hiện ra công cơ giới nào cả.

Nhưng nhà vật lý học chắc chắn phải theo Héraclite thôi: Kim tự tháp luôn luôn biến đổi nội tại, không một ai có thể ngắm nó được hai lần trong đời, dù là nó vẫn sừng sững ở đó. Và nếu biết được khối lượng M của nó, ông ta sẽ tính ra ngay toàn bộ công cơ giới tiềm tàng của nó "ẩn dấu" dưới dạng là MC^2 (C là vận tốc ánh sáng!)

Chưa hết, một người “ngoài hành tinh” xuất hiện cười ha hả mà rằng: “Kim tự tháp không những vận động nội tại mà bản thân nó cũng không bất động; nó đang quay quanh trục Trái Đất, cùng với Trái Đất, “chạy” quanh Mặt Trời và thậm chí còn ngao du vô định đâu đó trong Vũ Trụ. Công cơ giới toàn phần có thực hẳn hoi của nó đâu phải là bằng O mà phải là MV^2 (với V là vận tốc di dời của Trái Đất trong Vũ Trụ).
Thế thì chân lý thuộc về ai? Thật là khó mà trả lời cho dứt khoát được.

Có hai vật chuyển động đối đầu nhau. Tùy vào trạng thái người quan sát mà sẽ thấy những hoạt cảnh khác nhau: có thể thấy hai vật “đâm sầm” vào nhau với cùng vận tốc, hoặc khác vận tốc, hoặc một vật đứng yên và một vật chuyển động. Điều đó có nghĩa là tùy vào trạng thái vận động của bản thân hệ quan sát mà đối với nó, sự thể hiện công cơ giới của hai vật đó sẽ khác nhau và như thế những người ở những hệ quan sát khác nhau sẽ không thỏa thuận được mức độ chuyển động của hai vật đó, hay chúng ta nói rằng sự chuyển động cũng huyền hoặc y hệt như sự đứng im. Rõ ràng là cùng một thực tại nhưng lại có tác động khác nhau vào những hệ quan sát khác nhau, phản ánh thành những hoạt cảnh sai biệt, méo mó trong tư duy, làm cho sự nhận thức về thực tại không còn chính xác, chân thực như nó vốn dĩ thế. Tuy vậy mỗi hệ quan sát đều phải thừa nhận không thể chối cãi được về một sự thực rằng đang “có một cái gì đó” xảy ra được gọi là thế giới khách quan thể hiện những đặc tính được đặt tên là vật chất, vận động, không gian và thời gian, bởi vì chí ít thì ai cũng “thấy” được một kết quả không thể khác, mang tính tuyệt đối, đó là sự va chạm của hai vật (người quan sát ở hệ này “thấy” được sự va chạm thì người ở mọi hệ quan sát khác cũng phải “thấy” được, nếu ai đó không thấy thì có nghĩa là ngay lúc hai vật va chạm, đã ngủ gật hoặc đã bị che khuất tầm mắt!). Nói cách khác, trong hiện tượng va chạm của hai vật, cường độ và thời điểm va chạm của chúng là có tính tuyệt đối khách quan, nghĩa là ở các hệ quan sát khác nhau đều thấy như nhau, chỉ có trạng thái vận động của từng vật, phụ thuộc vào trạng thái chủ quan của mỗi hệ quan sát khác nhau, là khác nhau!

Nếu thời Ănghen mà vật lý học đã có được thành quả đột phá như ngày nay thì ông đã phải chỉnh sửa lại không ít trong lập luận của mình về Tự Nhiên Tồn Tại.

Trong “Biện chứng của tự nhiên”, Ănghen viết:
“Vật chất với tính cách là vật chất, là một sáng tạo thuần túy của tư duy và là một điều trừu tượng thuần túy. Chúng ta bỏ qua những sự khác nhau về chất của những sự vật, khi chúng ta gộp chúng với tư cách là những vật tồn tại hữu hình; vào khái niệm vật chất. Do đó, khác với những vật chất nhất định và đang tồn tại, vật chất, với tính cách là vật chất, không có sự tồn tại cảm tính”.

Hay đoạn khác:
“Thực thể, vật chất không phải là cái gì khác hơn là tổng số những vật thể từ đó người ta rút ra khái niệm ấy bằng con đường trừu tượng hóa (…). Vì thế chỉ có thể nhận thức được vật chất và vận động bằng cách nghiên cứu những vật thể riêng biệt và những hình thức riêng biệt của vận động”.

Theo Lênin thì khái niệm vật chất là “rộng đến cùng cực, rộng nhất, mà cho đến nay, thực ra nhận thức luận vẫn chưa vượt qua được”, do đó chỉ có thể định nghĩa nó trong mối quan hệ với ý thức; một cách gián tiếp:
“Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.
“đặc tính” duy nhất của vật chất – mà chủ nghĩa duy vật biện chứng thì gắn liền với việc thừa nhận đặc tính này – là cái đặc tính là thực tại khách quan, tồn tại ở ngoài ý thức của chúng ta”.

Tiện đây, chúng ta nêu ra luôn một đoạn trong “Bút ký triết học” của Lênin mà thực tình, chúng ta không hiểu nổi:
“… vận động có nghĩa là: vừa ở chỗ này nhưng đồng thời lại không ở chỗ này, đó chính là tính liên tục của không gian và thời gian – và chính tính liên tục đó làm cho vận động trở thành khả năng”. Phải chăng I. Lênin đã nhận thấy được tính nước đôi của Vũ Trụ?

Nếu đồng ý rằng sự va chạm của hai vật nói trên là hiện tượng tuyệt đối thì phải thừa nhận rằng ngay lúc va chạm, hai vật không thể vừa ở chỗ này lại vừa ở chỗ khác được. Mặt khác, sự va chạm đó, đối với bản thân nó là duy nhất, xảy ra tại vị trí đó, tại thời điểm đó chứ dứt khoát không phải ở vị trí khác, ở lúc nào khác cho dù các quan sát có thể thấy nó ở những vị trí khác nhau, vào những thời điểm khác nhau theo quan niệm riêng, chủ quan của mình. Đành rằng nếu không gian và thời gian không có tính liên tục thì khó mà hình dung (hoặc không thể hình dung) ra vận động, nhưng nếu không gian và thời gian không có tính phân định (tính gián đoạn) đến một giới hạn nhất định (không phải đến vô tận!) thì không thể xuất hiện va chạm được. Vậy thì không gian và thời gian cùng một lúc luôn có hai tính liên tục và gián đoạn. Quan niệm như vậy sẽ dẫn đến phải hình dung trong khoảng thời gian nhỏ nhất, không thể phân chia được nữa, gọi là đơn vị, sự vật - hiện tượng nói riêng và toàn thể Vũ Trụ nói chung ở trạng thái bất động tuyệt đối. Từ đó cũng không thể hình dung được vận động là một chuỗi kế tiếp nhau của các trạng thái bất động ấy (tương tự như một cuộc chiếu phim, các hình ảnh bất động xuất hiện kế tiếp nhau liên tục tạo nên hoạt cảnh sống động). Chẳng dễ dàng gì mà trốn chạy Thượng Đế!.

Thôi, để cho đỡ nhức đầu, chúng ta cứ nói rằng Vũ Trụ đã sẵn như thế rồi, Nó tự vui đùa hồn nhiên với chính Nó; Nó luôn luôn là thực tại, chẳng có quá khứ, cũng không có tương lai, chẳng cần ai phải quan tâm tới Nó. Không "bị" nhận thức, Nó chẳng là gì cả; chính nhận thức đã làm cho Nó thành đủ thứ rối rắm, nào là có một lịch sử, có một tương lai,..., nói chung là có… đủ thứ!



* * *


Vâng, Vũ Trụ đã qua nhận thức là Vũ Trụ có… đủ thứ, có thần linh thì phải có ma quỷ, có tất yếu thì phải có ngẫu nhiên, có đúng thì phải có sai, có chân lý thì phải có phi lý, có thuận lý thì phải có nghịch lý, có thể xác thì phải có linh hồn, có khách thể thì phải có chủ thể, có cái phi tôi, Cái Ấy, Brahman thì cũng có cái tôi, Cái Này, Atman… Như thế mới là hợp lẽ tự nhiên! Với tư duy trừu tượng mà Tự Nhiên Tồn Tại nhèo nàn, đơn diệu, không có gì cả hoặc thiếu đủ thứ mới là lạ đời, mới quái đản!

Cũng chính vì thế mà trong tư duy mới có sự phản ánh làm hình thành nên khái niệm “có” và tương phản với nó là khái niệm “không có”. Có – Không Có là cặp khái niệm tương phản cơ sở, khởi nguyên của tất cả các cặp khái niệm tương phản tồn tại trong hệ thống khái niệm của nhận thức. Chẳng hạn cặp tương phản ở mức độ đối lập nóng - lạnh xuất phát từ cặp tương phản có nóng – không có nóng (hay nói tắt là nóng – không nóng; không nóng lại gồm nhiều mức độ: ấm, mát, lạnh… mà lạnh được coi là ở mức đối lập với nóng qua điểm giữa là khái niệm bình thường, không nóng mà cũng không lạnh).

Cần lưu ý rằng khái niệm “không có” không có nghĩa là hư vô. Một căn phòng không có gì có thể là trống rỗng nhưng không có nghĩa là hư vô. Tương tự, không tồn tại là nói không có một sự vật - hiện tượng nào đó chứ không phải Vũ Trụ không tồn tại ở đó. Chỉ khi nói Không Tồn Tại mới ám chỉ đến Hư Vô. Không nhìn thấy gì không có nghĩa là nhìn thấy Hư Vô mà đơn giản là tại nhìn nhưng...không thấy!

Trong triết học chúng ta thường gặp cặp tương phản hiện hữu – vô hữu (hay còn nói là hữu – vô hữu; hữu – vô; hiện diện – không hiện diện…) mà thực chất chính là cặp khái niệm có – không có. Dù thế nhưng có thể cho rằng trong suốt quá trình sử dụng, cặp hiện hữu – vô hữu đã có sự hiểu khác biệt ở mức độ nào đó đối với cặp có – không có, nghĩa là giữa chúng đã không còn đồng nhất hoàn toàn về ý nghĩa nữa.

Chúng ta đã có cách hiểu cho riêng mình về hiện hữu và vô hữu. Nhưng trước khi trình bày ra, như thói quen, chúng ta xem các bậc tiền bối nói gì về hai khái niệm ấy, hay những khái niệm gần với chúng.

Rõ ràng là chỉ có Tồn Tại và không có Hư Vô, nên phải "có một cái gì đó chứ không phải là không có gì”. Đó chính là câu trả lời cho tại sao lại “có cái gì đó” và “cái gì đó” là cái gì? Đó chắc chắn là câu hỏi mà ngay thuở ban đầu của triết học đã được đặt ra, và việc trả lời câu hỏi đó là nhiệm vụ cơ bản của triết học và nhiệm vụ đó đến nay có thể đã hoàn thành, nhưng chưa rõ ràng.

Trong triết học Hy Lạp, “cái gì đó” được gọi là hữu thể; có nghĩa “tồn tại”, “một vật tồn tại”; “có vật gì”; “vật đó là”; hữu tức là “là”. Vậy hữu thể là gì? Ở đây, có thể triết học Hy Lạp hiểu hữu thể là ám chỉ về mọi vật tồn tại chăng?

Trong “Siêu hình học”, quyển 4, Aristote viết:
“Có một môn khoa học (tức siêu hình học, tức triết học - Người viết) chuyên nghiên cứu về hữu thể với tư cách là hữu thể và các thuộc tính về hữu thể này theo đúng bản chất của nó. Nhưng khoa học này không giống bất kỳ các khoa học được gọi là chuyên biệt nào; vì không khoa học nào trong những khoa học này bàn một cách tổng quát về hữu thể với tư cách là hữu thể. Chúng chỉ cắt ra một phần của hữu thể với nghiên cứu về thuộc tính của phần ấy: chẳng hạn đấy là những gì toán học thực hiện. Giờ thì chúng ta đang đi tìm những nguyên lý thứ nhất và những nguyên nhân cao nhất; thì rõ ràng phải có một cái gì đó mà những nguyên lý này thuộc về, vì nó là bản chất riêng của nó. Thế thì những ai đã đi tìm cái yếu tố của sự vật đang tồn tại, thì đang đi tìm cùng những nguyên lý này, nhất thiết những yếu tố ấy phải là những yếu tố của hữu thể không do tình cờ nhưng chính vì nó là hữu thể. Vì thế, nó thuộc hữu thể với tư cách là hữu thể mà chúng ta cũng phải nắm bắt các nguyên nhân thứ nhất”.

Cũng trong “Siêu hình học”, quyển 4, Aristote viết:
“Lại nữa, trong những “mục khái niệm tương phản” một trong hai hàng là đại biểu cho “khiếm khuyết”, còn hết thảy những cái tương phản đều có thể qui kết về “hữu” và “phi hữu”, “một” và “nhiều”. Ví như đứng im là thuộc về “một”, vận động là thuộc về “nhiều”. hầu như mọi nhà tư tưởng đều thừa nhận hữu thể và thực thể là do cái tương phản hợp thành. Ít ra là họ đều đề xuất ra cái tương phản là nguồn gốc đầu tiên (…). Bởi vì hết thảy mọi vật đều hoặc là tương phản, hoặc là do tương phản tạo ra. Còn “một” và “nhiều” lại là khởi điểm của tương phản”.

Không biết từ suy tư chiêm nghiệm nào mà Aristote lại cho cặp một - nhiều là gốc, khởi nguyên của tương phản? Theo chúng ta thì đối với nhiều phải là ít chứ? Từ một - nhiều chúng ta có thể đưa về “nguyên trạng” của nó là có một – không có một, không có một là tập hợp của có hai, có ba…, có nhiều… và như thế, có thể cho rằng cặp một - nhiều là tương phản chưa tới mức đối lập (hay đối ứng?!) và nó không thể là gốc nhất được mà phải là có – không có.

Còn đây là đoạn triết lý của nhà thần học Thomas Aquinas (trong “Những câu hỏi V và VI. Dẫn giải về Chúa Ba Ngôi của Boethius”), mà chúng ta cho là lý thú; có liên quan đến “hiện hữu”.

“Thế thì có một số đối tượng của sự suy đoán tùy thuộc vào vật chất xét về mặt hiện hữu của chúng, vì chúng chỉ có thể tồn tại trong vật chất. Và có sự khác biệt giữa những đối tượng này. Một số tùy thuộc vào vật chất cả về khía cạnh tồn tại lẫn khái niệm. Đây là trường hợp của những vật mà định nghĩa của chúng hàm chứa vật chất khả giác đó; chúng không thể được hiểu nếu không có vật chất khả giác (…). Vật lý học và khoa học tự nhiên nghiên cứu về loại này. Tuy nhiên có một số đối tượng của sự suy đoán, dù chúng tùy thuộc vào vật chất về mặt hiện hữu, lại không tùy thuộc vật chất về mặt khái niệm, vì vật chất khả giác không được bao hàm trong định nghĩa của chúng. Đây là trường hợp của những đường thẳng và các con số - loại được toán học nghiên cứu. Còn có những đối tượng của sự suy đoán không tùy thuộc vào vật chất về mặt hiện hữu vì chúng có thể tồn tại mà chẳng cần vật chất, chẳng hạn Thượng Đế và các thiên thần, hoặc chúng hiện hữu trong một vài thứ nhưng trong những thứ khác thì không, chẳng hạn bản chất, chất lượng, hữu thể, tiềm năng, hành vi, một và nhiều và vân vân… Thần học hoặc khoa học về thần linh bàn về tất cả những điều này”.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu vì sao trước đây chúng ta không hiểu những lập luận của Thánh Thomas Aquinas bàn về sự hiện hữu của Thượng Đế!
Kết quả hình ảnh cho nhà triết học Thomas Aquinas
Tôma Aquinô
Linh mục
Tôma Aquinô, cũng phiên âm là Tômát Đacanh từ tiếng Pháp Thomas d'Aquin, là một tu sỹ, linh mục dòng Đa Minh người Ý và là một nhà thần học và triết học có nhiều ảnh hưởng trong truyền thống chủ nghĩa kinh viện mà trong lĩnh vực này ông cũng được gọi ... Wikipedia
Martin Heidegger (1889-1976) là nhà triết học hiện đại thuộc trường phái chú giải học, (từ sự giải thích tác phẩm của Homère ở thời cổ đại Hy Lạp; giải thích văn bản kinh thánh trong phong trào cải cách tôn giáo, chú giải học đã trở thành một trào lưu triết học ở cuối thế kỷ XIX). Theo ông, bản thể là vấn đề cơ bản của triết học. Các triết học trước đây đã đặt ra nhưng không giải quyết được. Ông cho rằng bản thể là nền tảng của hữu thể hay hữu thể là bản thể đặc thù; muốn nhận thức được chân lý, trước hết phải làm sáng tỏ được vấn đề hữu thể. Trong tác phẩm “Hữu thể và thời gian”, Heidegger viết: 
“… Trên cơ sở những đóng góp đầu tiên của hai triết gia Hy Lạp này (chỉ Platon và Aristote – NV) nhằm giải thích hữu thể, một giáo điều đã được triển khai, không những công khai cho rằng vấn đề ý nghĩa của hữu thể là không cần thiết, mà còn xúi giục người ta quên hẳn nó đi. Họ cho rằng khái niệm hữu thể là khái niệm phổ quát và rỗng tuếch nhất, do đó không thể có một định nghĩa về nó… 
Khi bắt đầu nghiên cứu thì hầu như không thể đưa ra báo cáo chi tiết về những tiền giả định và thành kiến đã ăn sâu và nuôi dưỡng niềm tin cho rằng việc thẩm tra hữu thể là không cần thiết. Chúng đã đâm rễ vào chính bản thể học cổ đại, và sẽ mãi như thế cho đến khi nào vấn đề hữu thể được làm sáng tỏ và tìm được câu trả lời, cũng như được nhìn nhận là một manh mối – ít nhất là, nếu chúng ta muốn quan tâm đến mảnh đất mà từ đó những khái niệm cơ bản về bản thể học đã phát triển, và nếu chúng ta muốn xem là liệu các phạm trù ấy đã được chứng minh thích đáng và đầy đủ chưa. Do vậy, chúng ta bàn về những tiền giả định này chỉ trong mức độ cần thiết làm sáng tỏ câu hỏi về ý nghĩa của hữu thể. Có ba tiền giả định: 
1 - Trước hết, đã có quan niệm cho rằng hữu thể là khái niệm phổ quát nhất… “Sự hiểu biết về hữu thể đã được bao hàm trong việc nhận thức bất kỳ điều gì mà một người hiểu rõ trong các thực thể” (…) Trong bản thể học thời trung cổ, hữu thể được phác họa là “Siêu việt” (transcendens) (…) Và cuối cùng, khi Hêghen (Hegel) định nghĩa hữu thể như là cái “tức thời trung gian” và làm cho định nghĩa này thành nền tảng cho tất cả những giải thích sâu xa hơn về phạm trù của ông về “lôgic”, ông vẫn tiếp tục nhìn vấn đề theo cùng một hướng với bản thể học cổ đại, có chăng, ông không còn lưu ý đến vấn đề của Aristote về tính đơn nhất của hữu thể vượt trên tính vô số của “các phạm trù” có thể áp dụng cho các sự vật. Cho nên nếu nói hữu thể là khái niệm phổ quát nhất, thì điều này không có ý nghĩa nó là khái niệm sáng sủa nhất, hoặc không cần phải bàn luận thêm nữa. Phải nói đó là khái niệm tối tăm, khó hiểu nhất mới đúng. 
- Thứ đến, có quan điểm cho rằng khái niệm hữu thể là không thể định nghĩa được. Quan điểm này được suy diễn từ tính phổ quát tối thượng của hữu thể (…) Thực vậy, hữu thể không thể được quan niệm như một thực thể: bản tính không thêm gì cho thực thể, cũng không thể có được nó - đặc tính như thế để có thể được gọi bằng thuật ngữ “thực thể”. Hữu thể, theo định nghĩa, không thể xuất phát từ những khái niệm cao hơn, cũng không thể được trình bày bằng những khái niệm thấp hơn. Nhưng phải chăng điều này hàm ý rằng hữu thể không còn đưa ra vấn đề? Không đâu! Chúng ta chỉ có thể suy ra rằng hữu thể không thể có đặc tính của thực thể. Như vậy, chúng ta không thể áp dụng cho hữu thể khái niệm về “Sự định nghĩa” như được trình bày trong luân lý học truyền thống, vốn tự có các nền tảng trong bản thể học cổ đại và ở một chừng mực nào đó, mang lại cách thức chính đáng để mô tả “các thực thể”. Tính bất khả định của hữu thể không loại trừ vấn đề về ý nghĩa của nó; nó đòi hỏi chúng ta phải nhìn vấn đề một cách trực diện. 
- Cuối cùng, có quan niệm cho rằng hữu thể thuộc mọi khái niệm mà tự nó đã rõ ràng. Bất cứ khi nào một người nhận thức bất kỳ vật gì hoặc khẳng định một điều gì, bất cứ khi nào một người hành xử hướng về thực thể, cả với chính bản thân, thì một cách nào đó ta đã sử dụng khái niệm hữu thể, và khái niệm này được cho là “khả tri” mà không cần khó nhọc gì thêm, giống như mọi người đều hiểu: “bầu trời thì xanh”, “tôi đang vui” … Nhưng ở đây, chúng ta chỉ có một loại khả tri trung bình, đơn giản là vì khái niệm ấy lại bất khả tri. Cũng rõ ràng theo bất cứ cách hành xử nào hướng về thực thể như thực thể - cả theo bất cứ hữu thể nào hướng về thực thể như thực thể - ở đó vẫn có cái gì tiên thiên, một cái gì bí ẩn. Chính sự thể là chúng ta đã sống trong sự hiểu biết về hữu thể, nhưng ý nghĩa của hữu thể vẫn còn bị che giấu trong bí mật (…). 
(…) 
(…) Như đã biết, chúng ta luôn cố gắng để hiểu về hữu thể. Vì sự hiểu biết này sẽ làm sáng tỏ được ý nghĩa của hữu thể và cùng với nó sẽ hướng chúng ta đến chỗ nhận thức được hữu thể (…). 
(…) 
(…) Mọi cái chúng ta nói về, mọi cái chúng ta nhìn thấy, mọi cái chúng có quan hệ với, cách này cách khác, đều là hữu thể; việc tồn tại của chúng ta chính là hữu thể, và cách thức tồn tại của chúng ta cũng thế. Hữu thể nằm trong sự kiện là một cái gì đó tồn tại, và tồn tại trong hữu thể của nó, trong thực tại, trong hiện tại gần bên, trong sự sinh tồn, trong tính hiệu lực, trong hiện tính thể (Dasein), trong cái “có”…”.
Rối rắm quá xá chừng! Chúng ta đã cố gắng tập trung để lĩnh hội suy tưởng về hữu thể của Heidegger mà hầu như không được gì. Hữu thể rốt cuộc vẫn là cái chưa được nhận biết, vẫn bí ẩn (thậm chí còn bí ẩn hơn cả cái hữu thể của Aristote, cái ra đời trước đây hơn hai ngàn năm!). Có điều đó là tại chúng ta “lú” hay tại Heidegger “siêu”, hay đơn giản hơn, bản chất của hữu thể là "bất khả tri"? Nếu chúng ta thay thuật ngữ "hữu thể" bằng thuật ngữ "tồn tại" thì tình hình sẽ ra sao nhỉ?
Immanuel Kant, như đã nói, cho rằng con người chỉ có thể tiếp cận hiện tượng, cái được hình thành nên từ ý thức chủ quan, chứ không bao giờ tiếp cận được “vật tự nó”, cái khách thể, như nó vốn có. Cùng với việc khai sinh ra vũ trụ hiện tượng, Kant đồng thời cũng chối bỏ bản thể học. Heidegger không chấp nhận điều đó. Ông đưa ra lời phê bình chua chát đối với xã hội chúng ta, xã hội đang đắm chìm trong sự lãng quên nặng nề về hữu thể, mà như thế sẽ không thể nhận thức được thực tại. Tuy vậy, ông lại cho rằng ngôn ngữ hàm chứa và biểu lộ bản chất của sự vật, của người, do đó tư duy phải hướng theo ngôn ngữ vì “ngôn ngữ là ngôi nhà của bản thể”; chỉ ở ngôn ngữ, bản thể mới xuất hiện; thông qua ngôn ngữ mà hiểu được ý nghĩa của hữu thể, và như vậy ngôn ngữ có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự thông hiểu để thấu đạt chân lý. Chúng ta cho rằng quan niệm đó của Heidegger là hoàn toàn sáng suốt và đúng đắn.
Kết quả hình ảnh cho nhà triết học Martin Heidegger
Martin Heidegger
Triết gia
Martin Heiderger, là một triết gia Đức. Ông chịu ảnh hưởng của triết học Brentano, sau khi nghiên cứu, ông quyết định tìm hiểu ý nghĩa của khái niệm tồn tại và cấu trúc bản thể của tồn tại người. Wikipedia
Sinh: 26 tháng 9, 1889, Meßkirch, Đức
Có lẽ là cũng đồng ý quan điểm đó mà trong tác phẩm: “Nội quan: Nghiên cứu về sự hiểu biết của con người” của mình, Bernard J. F. Lonergan viết:
“Vậy thì theo định nghĩa của chúng ta, hữu thể là mục đích của khát vọng tri thức thuần túy. Khi đó hữu thể là:
1) Toàn bộ điều được nhận biết và
2) Toàn bộ điều chưa được nhận biết
 

Lại nữa, vì tri thức đạt được mức tăng trưởng hoàn toàn chỉ theo phán đoán, nên hữu thể là cái phải được tri thức nhờ tổng số phán đoán đúng. Người ta có thể thắc mắc, tổng số ấy là gì? Nó là một bộ đầy đủ các giải đáp cho trọn bộ câu hỏi. Các giải đáp là gì thì còn phải được xem xét. Các câu hỏi là gì thì còn đợi chúng nổi lên (…). Trước mắt, có thể khẳng định rằng ở đó tồn tại một khát vọng tri thức thuần túy, một tinh thần thẩm tra và phê phán, theo sau những câu hỏi có thêm các câu hỏi, hướng tới mục đích nào đó được gọi là hữu thể.

(…) Bao lâu nhận biết được xác định, bấy lâu chúng ta có thể nói rằng hữu thể là cái được nhận biết bởi những phán đoán đúng. Bao lâu khát vọng nhận biết vượt quá nhận thức thực tế, bấy lâu chúng ta có thể nói được rằng hữu thể là cái được nhận biết bởi tổng số phán đoán đúng. Do vậy, hữu thể ít ra cũng có một đặc tính: nó bao hàm tất cả. Ngoài hữu thể ra, chẳng có gì khác. Hơn nữa, hữu thể hoàn toàn cụ thể và hoàn toàn phổ quát. Nó hoàn toàn cụ thể: bên kia và bên trên hữu thể của bất cứ sự vật nào. Nó hoàn toàn phổ quát: tách rời lĩnh vực của hữu thể, chỉ còn hư không”.

Một quan niệm thật là “ngộ nghĩnh” về hữu thể, nhưng hợp với "khẩu vị" của chúng ta! 

Triết học, trong thời buổi “ăn không ngồi rồi”, bị chứng “béo phì”, không thiếu những quan niệm còn đầy "lúng túng" về “hữu thể” đại loại như vậy. Nhưng như vậy không có nghĩa là vô ích. Tất cả những trăn trở, không phân biệt cao thấp, miễn nghiêm túc và trong sáng đều phụng sự cho nhận thức của con người trên con đường tìm đến sự thực khách quan, đồng thời cũng chính là để hiểu biết hết nguồn cơn của bản thân mình. Khát vọng tri thức thuần túy, do đó, là nét đẹp thanh cao, tao nhã của “yêu mến sự thông thái” - triết học. 

Chúng ta, những kẻ hậu bối ở vào điều kiện dễ thấy được cái hay cái chưa hay của quá khứ để nhặt nhạnh tích góp làm hành trang cho mình, và nếu có phê phán thì cũng chỉ nhằm mục đích ấy, cho nên phải cố mà tẩy rửa cho cái tâm sáng ngời… “Thầy và chân lý đều quí, nhưng chân lý còn quí hơn”, Aristote đã nói như vậy!

Chúng ta tiếp tục nói về… chúng ta!

Vâng, chúng ta đã nói, Tự Nhiên Tồn Tại, đúng như tên gọi mà chúng ta gượng ép cho nó, luôn mang tính đầy đủ (quá đầy đủ nữa là đằng khác!), đầy đủ tuyệt đối. Vì nó quá đầy đủ như thế, cho nên đối với nhận thức chủ quan của con người, nó lại có vẻ như thiếu đủ thứ.

Cũng vì “cái kiểu ỡm ờ” như thế mà Tự Nhiên Tồn Tại lại có vẻ như không toàn thiện tý nào: Con người là sản phẩm “cao cấp” của Tạo Hóa, được Thượng Đế và vô vàn thần linh bảo bọc, che chở, phù hộ, tưởng cứ thế mà vui sống, hạnh phúc và bất tử nhưng nào có được thế đâu. Lịch sử loài người là cả một chuỗi thời gian dài dằng dặc đi kiếm miếng ăn để sống còn, tranh giành, giết chóc lẫn nhau triền miên làm cho tội ác và đi liền với nó là cơ cực khổ đau chồng chất ngút trời. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được một tín ngưỡng lúc nào cũng rao giảng về cao cả, bao dung lại “dám” thiêu sống một con người lương thiện chỉ vì không “thần phục” đức tin. Tại sao trên mặt đất này không luôn được mưa thuận gió hòa mà thiên tai cứ thường xuyên nổi lên đủ mọi cấp độ dữ dội, khủng khiếp?... 

Hay chính phải như thế chứ không thể khác mới là sự bộc lộ tính toàn thiện tuyệt đối của Tự Nhiên Tồn Tại? Thật là hoang mang! Có điều tin được, thậm chí chắc chắn là con người quen ích kỷ, đã không đủ khách quan để đánh giá Tự Nhiên Tồn Tại; đã không chịu hiểu rằng Vũ Trụ này hiện hữu không phải chỉ để giành riêng cho con người mà là cho tất cả. Con người có thể nhìn Nó theo nhãn quan của mình, có thể gán ghép cho Nó đủ mọi nhãn mác, tên gọi nhưng không thể bắt Nó xử sự theo tín ngưỡng của mình và nhất là không thể nào thiêu sống Nó trên giàn hỏa được, tuyệt đối không thể! 

Nói lại: hệ thống khái niệm, cùng với ngôn ngữ (các ngôn ngữ) của con người vừa có nguồn gốc từ thế giới khách quan vừa là danh mục tên gọi của tất cả các sự vật - hiện tượng mà con người nhận thức được hoặc quan sát được, cảm nhận được (phán đoán được) trong quá trình nhận thức nhưng chưa nhận thức được (hoặc chưa nhận thức được triệt để). Các danh mục ấy luôn được bổ sung, điều chỉnh ngày càng một nâng cao của con người. Những điều đó dẫn chúng ta đến nhận định rằng: nhận thức của con người về Tự Nhiên Tồn Tại, dù lúc đầu có thể là thiển cận, nặng nề chủ quan (đương nhiên thôi!), dù có thể phải nhận thức thông qua khái niệm (tất yếu thôi!), nhưng cũng như bộ não người: từ tự phát phản ứng đến tự giác thích nghi, từ suy nghĩ trực giác đến tư duy trừu tượng đến linh cảm linh tri, thì rồi đây, đến một lúc nào đó con người sẽ nhận chân được chính xác (hợp lý thôi!) chân lý tuyệt đối. Và cũng ngay lúc đó, e rằng con người sẽ phải ồ lên: “Hóa ra chúng ta đã thấy nó từ lâu lắm rồi, từ thời xa xưa của tiên tổ con người; đó là Tự Nhiên Tồn Tại là Tự Nhiên Tồn Tại! Sao mà đơn sơ, giản dị đến thế !”.
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH