Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 5/g


                                         
UFO Có Thật Hay Không? Thuyết Minh

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."

 Albert Einstein

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)



(Tiếp theo)


Mọi sự tương phản, nếu được lột bỏ tới tận cốt lõi của nó sẽ lộ ra cái thuần túy "Có – Không có". "Có – Không Có" chính là hơi thở của Tự Nhiên Tồn Tại mà tư duy có thể “nghe” được nhưng chưa “thấy” được ý nghĩa của nó trong mối quan hệ chằng chịt đến mức nhiễu loạn giữa vô kể các khái niệm.
   
Phải nói rằng sự tương phản cũng là một trong những biểu hiện tính đầy đủ của Tự Nhiên Tồn Tại, tính phân biệt được của Vũ Trụ các sự vật - hiện tượng; là mối quan hệ phổ biến mang tính động lực trong các quá trình vận động của các sự vật - hiện tượng mà tư duy nhận thức được thông qua các khái niệm tương phản được hình thành nên từ sự tác động của thực tại lên tư duy, phản ánh trong tư duy, xuất phát từ cặp khái niệm nền tảng, khái quát nhất là có – không có. Điều đó giải thích hiện tượng là không phải chỉ riêng trong triết học mà trong tất cả các ngành khoa học khác về tự nhiên và xã hội đều nhan nhản những biểu hiện tương phản. Định luật tác dụng tương hỗ của Niutơn, tính kiềm – axít trong hóa học, phép cộng - trừ, nhân – chia trong toán học… là những minh chứng hùng hồn.

Trong triết học, chúng ta thường gặp những khái niệm như hữu thể, thực thể, hiện hữu, hiện thực, hữu hạn, vô tận, thực thể, thực tại... được sử dụng rộng rãi một cách hết sức vô tư. Các triết gia mỗi người hiểu một cách, giải thích tùy tiện theo ý mình, chẳng theo một thể thống nào cả. Có những tác phẩm triết học coi hữu thể như hiện hữu và cũng như tồn tại, hoặc cho rằng thực thể là hữu thể, thực tại là tồn tại, hiện hữu là hiện thực, cũng có khi dùng hữu thể để chỉ tồn tại… nói chung là hết sức lộn xộn. Hình như không ai thấy được tầm quan trọng của việc phải minh định những khái niệm ấy. Mà có thực sự cần thiết phải minh định không? Cho đến ngày nay, triết học không cần sự minh định rõ ràng giữa các khái niệm ấy vẫn cứ phát triển với những tác phẩm đồ sộ cơ mà?…

Theo ý kiến chúng ta thì tình hình nêu trên cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt. Chúng ta cho rằng trước khi tranh biện những vấn đề sâu xa và cao siêu của triết học, trước hết và trên hết phải đồng thuận được về ý nghĩa của các khái niệm mang tính cơ bản, được coi như cơ sở không thể bàn cãi của lý luận. Một tranh biện triết học, dù trên tinh thần “hướng thiện” đến đâu chăng nữa cũng không thể đạt tới chân lý một khi đã không thừa nhận nhau ngay từ ý nghĩa của các khái niệm làm điểm xuất phát của lập luận.  Thực tế hoạt động chính trị trong xã hội ngày nay cho thấy các lực lượng đối lập đấu tranh với nhau gay gắt về các vấn đề như tự do, nhân quyền, độc quyền, toàn trị,..., nhưng lại vẫn chưa đồng thuận hoàn toàn được với nhau những khái niệm khởi đầu đó, và như vậy, làm sao giải quyết mâu thuẫn mà đi đến thống nhất được?

Tất cả những khái niệm cơ bản, thường dùng trong triết học nói ở trên không phải được hình thành một cách ngẫu nhiên mà phải có lý do, từ sự phản ánh nhờ tác động của thực tại khách quan. Chính vì vậy nên ít nhiều gì, những khái niệm tưởng chừng giống nhau cũng có những sự khác biệt về ý nghĩa so với nhau. Sự lầm lẫn giữa các khái niệm ấy, có thể là do vô ý khi chuyển ngữ, có thể do đã không thấy tầm quan trọng, sẽ dẫn đến (đã dẫn đến rồi!) những khó khăn không đáng có, thậm chí là do còn :nông cạn" dẫn đến ngộ nhận, sai lạc trong việc nhận thức Tồn Tại.

Cần phải hệ thống hóa lại toàn bộ các khái niệm cơ bản trong triết học, phải có một cuốn từ điển triết học đúng nghĩa, được bổ sung, điều chỉnh định kỳ và được tất cả các nhà triết học đồng thuận, cùng dựa vào đó mà lập luận trong quá trình tranh biện? 

Đó là nhiệm vụ của các nhà triết học toàn thế giới và có lẽ là chưa thể! Vì khái niệm cơ bản của triết học cũng chính là vấn đề mà triết học đang giải quyết, đang "cãi nhau om xòm" nên chưa thể đồng thuận được.

Thôi, kệ các nhà triết học thế giới! Họ có ý của họ. Còn chúng ta, để phục vụ cho câu chuyện của riêng mình và dựa vào ý tưởng về sự tương phản, chúng ta sẽ định vị một số khái niệm thường dùng trong triết học mà chúng ta cho là cần thiết.
Cặp khái niệm quan trọng nhất sau cặp có – không có là cặp khái niệm tồn tại – không tồn tại (tồn tại – hư vô). Nhưng vì đã nói nhiều về nó rồi nên ở đây không nhắc lại nữa.

Chúng ta xét cặp tương phản đối ứng quan trọng thứ hai là cặp hiện hữu – vô hữu. Không thể bàn bạc vấn đề tồn tại, vận động, không gian và thời gian nếu không định vị được cặp khái niệm này.

Không rành về ngôn ngữ học và ở đây không phải bàn chuyện về ngôn ngữ để mà truy nguyên gốc, mổ xẻ từ hiện hữu hay vô hữu. Nếu ai có nhu cầu này thì cứ đến nhà bác "Internet" mà hỏi!
 
Không dông dài thêm nữa vì đã quá dông dài rồi, chúng ta đi ngay vào đề. Hiện hữu là khái niệm chung nhằm chỉ tất cả các sự vật - hiện tượng mà chúng ta đang cảm nhận được nhờ các giác quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các thiết bị công cụ hỗ trợ. Như vậy có thể nói nôm na rằng hiện hữu là cái "có" mà chúng ta đã nhận diện được, đã đặt tên và hiện đang quan sát thấy.

Chẳng hạn ở thành phố A có vườn bách thú B và trong vườn bách thú đó có con voi tên C. Chúng ta đến chơi vườn B và thấy con voi C. Chúng ta nói con voi C hiện hữu. Hôm sau chúng ta lại đến vườn B và chẳng thấy con voi C đâu nữa cả. Lúc đó nếu có ai hỏi, chúng ta sẽ nói rằng con voi C không hiện hữu trong vườn B nữa (chữ “nữa” ám chỉ về sự kiện con voi C đã từng hiện hữu). Nhưng nó còn hiện hữu ở đâu đó không? Chúng ta không thể biết điều đó vì chúng ta không nhận được thông tin nào khác về con voi C cả. Có thể nó đang ở đâu đó hoặc cũng có thể đã bị “làm thịt”. Nếu nó đang ở đâu đó thì cũng không hiện hữu ở vườn B, hay nói cách khác nó tồn tại nhưng không hiện hữu (ở vườn B). Trong trường hợp thứ hai, vì nó đã bị làm thịt, đã chết nên nó không còn tồn tại và vì thế nó cũng không thể hiện hữu ở bất cứ đâu, trước bất cứ ai cả.

Thí dụ thứ hai: Vào một đêm trời trong, chúng ta nhìn lên bầu trời bằng mắt trần và thấy một khoảng trời nào đó không có bất cứ vì sao nào, bất cứ gì trong đó. Nếu ai đó hỏi ta rằng có gì hiện hữu ở đó không (?) thì chúng ta sẽ trả lời là chẳng có gì ở đó cả, không có bất cứ gì hiện hữu ở đó cả. Nhưng ngay lúc đó có người nhìn qua kính thiên văn thấy có các vì sao ở đó và anh ta nói: không đúng, ở đó có các vì sao hiện hữu. Trong trường hợp này ai là người trả lời đúng? Cả hai người đều đúng nhưng chỉ đúng cho mỗi người. Cần nói thêm là khi nhìn bằng mắt trần, chẳng có gì hiện hữu trong khoảng trời đêm đó cả, nhưng bản thân khoảng trời đêm là một hiện hữu. Khi nhìn qua kính thiên văn thì lại chỉ thấy các vì sao mà không thấy được khoảng trời đêm (ngoài tầm của kính thiên văn) cho nên khoảng trời đêm đó không hiện hữu. Như vậy cùng một sự vật - hiện tượng, có thể là hiện hữu ở cách nhìn này mà không hiện hữu ở cách nhìn khác; có thể là hiện hữu đối với người này mà không hiện hữu đối với người khác, có thể hiện hữu lúc này nhưng lúc khác không hiện hữu. Khi nói đến hiện hữu thì phải nói là hiện hữu đối với ai, đối với cái gì chứ không thể có hiện hữu không có đối tượng. Nếu người nhìn qua kính thiên văn thấy các vì sao, khi rời bỏ kính thiên văn mà vẫn nói các vì sao hiện hữu ở đó thì thực ra chỉ là sự khẳng định đã thông qua kinh nghiệm và câu trả lời tối nghĩa (vừa đúng vừa không đúng!). Nhưng có một chân lý gọi là “tuyệt đối” mà mọi người đều đi đến nhất trí sau khi đều được nhìn qua kính thiên văn là: khoảng trời đêm ấy là một tồn tại và trong đó tồn tại các vì sao.

Suy rộng ra, Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng là sự biểu hiện của Tồn Tại, chúng ta luôn quan sát thấy (một phần của) Nó, đã đặt tên cho (phần đó của) Nó là thực tại khách quan, là hiện thực khách quan vì luôn hiện hữu trước chúng ta. Ở tầm mức cùng tột của hiện hữu là hiện hữu tuyệt đối, và khi đó Hiện Hữu (viết hoa để chỉ thị sự tuỵệt đối) cũng chính là Tồn Tại đã qua quan sát (thấy tuyệt đối!), đã được tư duy đặt tên và thực sự đang tồn tại. Chúng ta có thể còn gọi Hiện Hữu là Hiện Tại vĩ đại; là thế giới  thực tại khách quan, là Hiện Thực… và nếu muốn thế thì chúng ta cũng có thể đặt thêm bất cứ tên gì, chẳng hạn như Vĩnh Cửu, Brahman, Cái Ấy, Thượng Đế,… thậm chí có thể gọi là John hay Tomy cũng chẳng sao, Tồn Tại vẫn không...hề hấn gì, vẫn hồn nhiên như thế!

Vì vậy tồn tại không có và cũng không cần đối tượng quan sát thì cứ vẫn tồn tại; còn hiện hữu không có đối tượng quan sát thì không thể hiện hữu. Tồn tại không nhất thiết phải hiện hữu nhưng hiện hữu thì phải trên nền tảng là tồn tại, nghĩa là trước khi hiện hữu thì phải tồn tại đã. Xét cho đến cùng thì hiện hữu hay tồn tại đều qui về Tồn Tại! Có thể nói ví rằng: nếu tồn tại là sự thể hiện của linh hồn Vũ Trụ thì hiện hữu là sự thể hiện của thể xác vật chất!

Dễ dàng nói luôn: tương phản của hiện hữu là vô hữu (không hiện hữu). Vô hữu không hẳn có nghĩa là không tồn tại. Con voi C khi đã bị làm thịt thì nó vừa vô hữu vừa không tồn tại; nhưng nếu nó còn sống đâu đó thì dù nó vô hữu trong vườn B nhưng nó vẫn tồn tại. Vô hữu ở đây có nghĩa là không hiện diện, không có mặt, vắng mặt ở một khu vực nhất định, mang tính qui ước nào đó (vì nó vẫn hiện hữu ở đâu đó, với ai đó!).
Câu chuyện về hiện hữu chưa kết thúc được. Vẫn còn những “vấn nạn”.

Chúng ta đặt tiếp câu hỏi nữa: biểu tượng trong tư duy có thể coi là một hiện hữu không? Sự vật - hiện tượng ở thế giới khách quan tác động vào chúng ta, làm hình thành nên những hình ảnh của sự vật - hiện tượng và được khái quát, cô đọng thành những biểu tượng trong tư duy (một bộ não không có trí nhớ sẽ không lưu được hình ảnh và do đó cũng không có biểu tượng!). Biểu tượng là thực tại khách quan hay một bộ phận của thực tại khách quan đã qua nhận thức (mang tính chủ quan). Thực tại khách quan chính là những gì ta cảm biết được từ thế giới khách quan, do đó nó mang tính phiến diện, không hoàn toàn, chỉ là bộ phận, là một vài phương diện nào đó của thế giới khách quan. Vì chúng ta cảm biết, đã đặt tên, cho nên có thể cho rằng thực tại khách quan là phần hiện hữu của thế giới khách quan (tạm cho rằng thế giới khách quan là tồn tại không có chúng ta trong đó!). Hình ảnh của thực tại khách quan, có được trong tư duy nhờ cảm giác, và còn lưu giữ được trong trí nhớ, chẳng gì khác hơn, là “chân dung” của một hiện hữu đã qua (đã không còn hiện hữu nữa). Mỗi lần ta muốn nhớ về hiện hữu đã qua (hay về một thời đã qua) thì hình ảnh ấy (nhiều hình ảnh kế tiếp nhau ấy) hiện lên (lần lượt hiện lên) trong tư duy và vì chúng ta cảm nhận được, hình dung được, hơn nữa là thể hiện của vận động trí não, một tồn tại, nên nó (chúng) cũng chính là hiện hữu (những hiện hữu). Dù hiện hữu đó là không thực thì vẫn tồn tại của một vật chất đang vận động nào đó, và vì nó giúp chúng ta cảm giác lại “thời đã qua”(thời không còn tồn tại nữa) nên chúng ta gọi nó là hiện hữu ảo của một thực tại ảo (phim, ảnh, TV… là thế đấy!).

Đến lượt biểu tượng, một cách tương đối, chúng ta qui ước là hình ảnh tổng hợp của nhiều hình ảnh lưu giữ được từ nhiều lần cảm biết, từ một quá trình nhìn nhận, xem xét, cân nhắc nào đó về thực tại khách quan, do đó nó mang tính chung, tính tổng quát, tính đầy đủ, tính điển hình… của một thực tại khách quan. Vì lý do đó mà chúng ta nói nó là một thực tại khách quan đã qua nhận thức (qua nhận thức không có nghĩa đã là chân lý!) đồng thời cũng chính là hiện hữu đã qua nhận thức mỗi khi ta suy nghĩ về nó, mỗi khi nó hiện lên trong tư duy, và tương tự cũng có thể coi nó là một hiện hữu ảo của một tồn tại ảo; nặng tính chủ quan vì ta có thể thêm bớt “râu ria” cho nó tùy trình độ nhận thức hoặc cũng có khi chỉ vì… thích như thế.

Thế thì chúng ta nói sao đây khi trong bộ não hoang tưởng của chúng ta xuất hiện một cái gì đó không phải do tác động của thực tại khách quan, chẳng hạn như một con quỉ chỉ có một nửa mặt, nửa tay, nửa chân? Rõ ràng đó phải là một hiện hữu, xuất hiện nhờ vận động đặc thù của bộ não, gọi nôm na là tưởng tượng. Chẳng có sự tưởng tượng nào mà không dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Có thể thoát li được thực tại nhưng chẳng có tưởng tượng nào  không có nguồn gốc từ thực tại, hay đã có lần chúng ta nói, không thể tưởng tượng được Hư Vô. Khi sự khủng khiếp đã đạt đến mức tột cùng rồi thì chẳng thể nào tìm ra được cái gì khủng khiếp hơn: quá khủng khiếp, khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng thì cũng chỉ là khủng khiếp thế thôi. Sự tưởng tượng, xét ra cũng là một biểu hiện về tính đầy đủ của Tồn Tại mà trong hệ thống khái niệm là cặp tương phản: thực – phi thực (thực - ảo).

Trong đời sống, theo như sách vở ghi chép lại, đã từng có nhiều giấc mơ gọi là tiên tri: thấy những điều xảy ra ở tương lai, và đã được xác nhận là đúng đắn. Giải thích thế nào về điều này? Đó là sự vật - hiện tượng mà chúng ta không (chưa) lý giải được; chỉ có thể phán đoán rằng nó phải có mối liên quan sâu sắc với vận động vật chất ở tầng nền tảng vi mô nào đó. Mà thôi, đã ngoài câu chuyện của chúng ta mất rồi! Người nào tò mò, nên tìm hỏi cha đẻ của “Phân tâm học”, ngài Freud, không, có lẽ đúng hơn nên tìm về Phương Đông!

Liên quan đến khái niệm hiện hữu có những khái niệm như: thực thể, hữu thể, hữu hình… 

Thực thể, đối với chúng ta, là tồn tại có hình dạng nhất định, có tính thể tích, có nội tại và tương đối ổn định (có thời gian tồn tại đủ để gọi là… thực thể). Con voi, trái núi, con người, hòn sỏi… là thực thể. Thực thể ấy hiện hữu thì gọi là hữu thể. Hữu hình được coi là một hiện hữu có hình dạng, có kích thước tương đối không ổn định, không có mối liên kết rõ ràng trong nội tại chẳng hạn: đám mây, làn khói, cầu vồng, nhưng không thể hiện…khối lượng.

Có thể cho thực thể đồng nghĩa với vật thể. Khái niệm tương phản của thực thể là phi thực thể. Tồn tại ảo là một phi thực thể. Tương phản của hữu thể là phi hữu thể, tương phản với hữu hình là vô hình. Có thể gọi hiện hữu ảo là hữu hình. Không khí trước mắt chúng ta là vô hình, nhưng khi ta hình dung ra bầu khí quyển thì là hữu hình, trong thực tại nếu quan sát từ ngoài Trái Đất, chúng ta có thể qui ước bầu khí quyển là hữu thể. Nóng, lạnh là hiện hữu vô hình, và nói chung sự biến đổi, vận động là vô hình…Vũ Trụ có phải thực thể không? Thật khó trả lời! Phải dùng cách trả lời "nước đôi": vừa có vừa không, là cả hai mà không phải cả hai! Nếu là thực thể thì nó không xác định và chính là vật thể UFO vĩ đại của mọi vĩ đại!

Sự vật thường là hiện hữu như một hữu thể thì hiện tượng lại như một vô thể. Nói đến sự vật - hiện tượng là phải nói đến sự biến đổi, sự xuất hiện và mất đi của chúng, vì vậy sự tồn tại của chúng là có một khoảng xác định, khoảng đó gọi là khoảng thời gian. Mỗi sự vật - hiện tượng đều có khoảng thời gian tồn tại, do đó tùy thuộc vào đối tượng quan sát mà nó cũng có một khoảng hiện hữu đối với quan sát ấy. Khoảng hiện hữu là một đoạn; một phần… của khoảng tồn tại; nó có thể bằng không (chú ý rằng khoảng tồn tại không bao giờ bằng không vì đã là sự vật - hiện tượng thì phải tồn tại, còn không có sự vật - hiện tượng mà nói đến khoảng tồn tại của nó là vô nghĩa. Đối với sự vật - hiện tượng ảo thì khoảng tồn tại của nó cũng là ảo!). Khoảng tồn tại của Vũ Trụ vừa bằng đơn vị, đó là khoảng tồn tại của một vòng tuần hoàn của nó và cũng bằng Hiện Tại vĩ đại, đó là khoảng tồn tại của Hằng Cửu. Khoảng hiện hữu của Vũ Trụ là không thể xác định được thời gian! 

Ngoài những khái niệm kể trên còn rất nhiều khái niệm liên quan đến Hiện hữu – Vô hữu như: vô định hình, đa hình, trạng thái, hệ thống… Chúng ta không “đủ sức”, không đủ thời gian, và cũng chẳng cần thiết lắm để nói về chúng trong lúc này. Mai kia mốt nọ, trên con đường phiêu lãng, nếu chẳng may “vướng” phải “đứa nào”, chúng ta sẽ “cho đứa đó...đo ván!”.

Phải nhấn mạnh rằng ngay cả ở đây nữa chúng ta cũng thấy được tính “nước đôi” của Tự Nhiên Tồn Tại: Nó là vô hữu đối với quan sát ngủ say, là hiện hữu đối với quan sát thức tỉnh, là cả hai đối với quan sát mê - tỉnh và đồng thời cũng không phải cả hai (hiện hữu giống Nó chứ Nó không phải hiện hữu, nhưng Nó cũng không phải vô hữu vì Nó là... Tồn Tại!!!).

Cuối cùng thì tất cả những điều vừa nói ở trên có thể đúng, có thể sai, vừa đúng vừa sai đồng thời có thể là tối nghĩa, nhưng nếu cần, chúng ta cứ thoải mái sử dụng các khái niệm đó tùy thích!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét