Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 5/a

 
Bí ẩn bản chất của thời gian và không gian
  
 Thời gian là gì - YouTube.MKV

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."
 Albert Einstein 

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)


Từ cuộc thí nghiệm có một không hai về cái cây, chúng ta đã đi đến một kết luận rất dễ bị kết án là..."phần tử dị giáo”: Tất cả các sự vật - hiện tượng đều được cấu tạo nên từ vật chất; dù có khác nhau đến mấy thì bản chất cuối cùng của chúng vẫn là vật chất; còn bản thân vật chất lại là sự hợp thành của những cái gì đó (có thể vừa là hạt, vừa là không hạt, là cả hai mà cũng không phải cả hai - để cho tiện, có thể gọi là hạt) nhỏ đến tận cùng của sự nhỏ, bất khả phân chia (chứ không phải là có thể chia đến vô tận như Lênin quan niệm!) ...Và cuối cùng, những thực thể nhỏ tột độ đó vô hình dung, là (những) thứ làm nên không gian, vì thực tại khách quan là không thể Hư Vô. Như vậy, có thể nói vật chất xuất sinh từ không gian và khi không tồn tại nữa lại trở về không gian. Tựa như bầu khí quyển, ở tầm quan sát của con người, như là không có gì, như là hư vô, nhưng thực ra nó tồn tại, là thực thể thực sự, là tập hợp của các phân tử oxy, hydrô, nitơ...


Nếu kết luận rút ra từ cuộc thực nghiệm ấy chỉ dừng lại như nói trên thôi thì chẳng có gì gọi là “nguy hại” cả, thậm chí là tầm thường vì triết học từ cổ đại đến nay thiếu gì những nhận định như thế. Cái gọi là hạt (tạo nên) vật chất mà chúng ta đã “phát hiện” thực ra đã được nói tới từ rất lâu rồi. Upanishad gọi nó là thực thể tế vi (đạo tâm duy vi); Hi Lạp cổ đại gọi là “hạt nguyên tử”; Trung Quốc cổ đại gọi là thái cực (hay vô cực?), vật lý hiện đại (tạm) coi nó là lượng tử (hay photon).

Ngay cả khi chúng ta kết luận thêm rằng Vũ Trụ lấp đầy vật chất thì cũng chẳng có gì phải ầm ĩ khi thực chất là "Vũ Trụ lấp đầy tồn tại". Ấn độ cổ đại đã cho là như thế với từ “đầy” gọn lỏn. Triết học duy vật biện chứng cũng công nhận như thế khi cho rằng thực thể của thế giới khách quan là vật chất, cái tồn tại là vĩnh cửu, tạo nên mọi sự vật - hiện tượng cùng với những thuộc tính của chúng. Vật lý hiện đại đã dự báo về một chân không không hoàn toàn trống rỗng mà trái lại chứa “đầy” lượng tử, liên tục “thăng giáng”.

Cái “nguy hại” là ở kết luận cuối cùng này: “Vũ Trụ là duy nhất, lấp đầy vật chất, bao hàm cả vận động, không gian và thời gian, cũng chính là Tự Nhiên Tồn Tại".

Kết luận như thế phải nói là một sự liều mạng, người khen chắc chẳng có là bao (hoặc không có lấy một mống!) mà người chê “hồ đồ, dở hơi” thì chắc là nhiều vô kể!...

Đã từ lâu, tận cổ xưa, con người nhận thấy thế giới xung quanh ngoài những sự vật - hiện tượng quan sát được nhờ vào sự biểu lộ về hình dáng, kích thuớc, về sự biến đổi của chúng, còn có cái gì đó mà không biết đích xác là cái gì cứ như ẩn như hiện, hiển hiện mà không hiển hiện, dàn trải và bao trùm lên tất cả, các sự vật - hiện tượng như “bơi” trong đó. Con nguời đã đặt cho cái không biết là cái gì ấy, cái có thể hình dung như có bề rộng bề dài và bề sâu ấy là “không gian”. Ngoài không gian ra, con nguời còn cảm nhận một cái gì đó khác nữa; cũng không biết là cái gì, o ép tất cả các sự vật - hiện tượng quan sát được luôn phải “trôi” theo một hướng duy nhất không xác định được: từ đâu đó mông lung gọi là tương lai, “trôi” đến cái gì đó tưởng rất trực giác nhưng cũng chẳng biết là cái gì, gọi là hiện tại, rồi tiếp tục “trôi” đi, về đâu đó cũng lại mông lung nốt, gọi là quá khứ, và đặt cho nó cái tên: “thời gian”. Nhiều người hình dung thời gian như một dòng sông cuồn cuộn trôi các sự vật - hiện tượng. Hình dung như thế có lẽ là chưa đúng vì nếu thế, các sự vật - hiện tượng sẽ hiển hiện được không chỉ ở hiện tại mà còn ở cả tương lai và quá khứ nữa, chúng có thể biến mất khỏi hiện tại nhưng vẫn còn hiện diện thực sự trong thời gian. Hay chúng ta nên hình dung nó như một mụ phù thủy làm trò ma thuật, hô hiện, hô biến theo sở thích của một vị chúa tể: bày ra một sân khấu hiện tại để các sự vật - hiện tượng liên tục, lũ lượt hiện ra, múa may quay cuồng mua vui đủ kiểu đủ trò, đến mệt mỏi rã rời, đến kiệt quệ sức lực, rồi liên tục lũ lượt biến mất, và cái sân khấu ấy không bao giờ hạ màn? Một hình dung như vậy sẽ chứa đầy những câu hỏi muâu thuẫn khó đến hóc búa, không thể trả lời.

Những đêm trong trẻo, nhìn lên bầu trời, ngoài những vì tinh tú, những cụm tinh vân, chúng ta chỉ còn nhìn thấy một sự rỗng rang thăm thẳm, mịt mùng đến choáng váng, một màn đen tối thinh lặng đến ghê người. Vào thế kỉ XVII, Pascal đã phải thốt lên truớc quang cảnh ấy: “Sự im lặng vĩnh hằng của không gian vô tận làm tôi hoảng sợ”.

Pascal-old cropped.png
Blaise Pascal
Nhà toán học
Blaise Pascal là nhà toán học, vật lý, nhà phát minh, tác gia, và triết gia Cơ Đốc người Pháp. Là cậu bé thần đồng, Pascal tiếp nhận nền giáo dục từ cha, một quan chức thuế vụ tại Rouen. Wikipedia
Sinh: 19 tháng 6, 1623, Clermont-Ferrand, Pháp
Mất: 19 tháng 8, 1662, Paris, Pháp
Người ta đã quan niệm cái "khối" rỗng rang vô tận cùng với mọi thứ mà nó chứa đựng, gồm tất cả sự vật - hiện tượng và mọi quá trình biến đổi của chúng (có nghĩa là chứa đựng cả thời gian ?) là Vũ Trụ.Từ Vũ Trụ trong tiếng Việt được vay mượn từ tiếng Hán 宇宙. 宙 trong vũ trụ 宇宙 có nghĩa là không gian, còn trụ 宙 có nghĩa là thời gian. Vũ Trụ nghĩa mặt chữ là không gian và thời gian.


Vũ Trụ có một thể tích không gian (của chưa hiểu là cái gì) lớn đến cùng cực, có thể là vô tận. Có thể tưởng tượng Vũ Trụ như một đại dương với không gian là nước và vạn vật là các loài thủy sinh. Thế còn thời gian ? Không gian đã khó hình dung rồi mà thời gian còn khó hình dung hơn nhiều! Vật lý hiện đại coi nó như là thành phần thứ tư của không gian-thời gian bốn chiều (ba chiều kích thước, một chiều thời gian). Lúc này Vũ Trụ là một khối không - thời gian thống nhất gồm chứa các sự vật - hiện tượng lặn hụp trong đó, chuyển hóa, biến đổi lẫn nhau một cách bất tận theo sự quy định của nó.

Bức tranh vừa nêu trên không phù hợp với quan niệm của chúng ta. Nếu vật chất là thứ duy nhất tồn tại của Tồn Tại thì chúng ta phải cho rằng Vũ Trụ lấp đầy vật chất. Vậy thì ngoài vật chất ra, Vũ Trụ phải không còn cái gì khác nữa. Nghĩa là cái khoảng rỗng rang, sâu thẳm mịt mùng và thinh lặng một cách đáng sợ ấy, cái được gọi là không gian hay không - thời gian ấy cùng với tất cả sự vật - hiện tượng từ các thiên hà, cụm tinh vân, các vì sao cho đến phân tử, nguyên tử, điện tử và toàn bộ các bức xạ điện từ, đều phải là vật chất, là sự vật thể hiện ra những thuộc tính của vật chất; mang những yếu tố cấu thành của vật chất (và khái niệm vật chất ở đây phải được hiểu là chỉ thị về cái gì đó chung nhất, cơ bản nhất, cốt lõi nhất, mà cũng nền tảng nhất, cái mà thực chất, chúng ta vẫn chưa biết là cái gì!). Có thể cho rằng vạn vật là sự “ngưng tụ” của vật chất và rồi lại tan hòa vào vật chất; các hiện tượng là sự bộc lộ quá trình hai chiều ngưng tụ và phân tán ấy. Nhờ có sự phân định mà chúng ta biết quy mô, độ to nhỏ của “ngưng tụ” để xây dựng nên khái niệm thể tích không gian, đồng thời biết tốc độ, độ nhanh chậm, độ dài lâu của các quá trình để xây dựng nên khái niệm thời gian.

Phải nói rằng chỉ từ việc quan sát các sự vật - hiện tượng cùng với sự vận động của chúng, con người mới xây dựng nên được khái niệm không gian và thời gian (cái khoảng bao la tối đen sâu thẳm đã nói ở trên cũng là một sự vật - hiện tượng vì dù chưa biết nó là cái gì nhưng chúng ta vẫn “thấy” nó!). Do đó không gian và thời gian là những nhận thức có nguồn gốc khách quan nhưng cũng nặng tính quy ước chủ quan, tương đối và bất định.

Quan niệm của chúng ta về không gian và thời gian còn rất mơ hồ, chỉ là một giả định từ suy lý "vô lối" và do đó cũng khó lòng thuyết phục được ai lúc này. Mặc kệ! Chúng ta cảm nhận thấy cần phải quan niệm như thế thì mới dễ dàng hơn trong việc hình dung sự vĩnh cửu của Tồn Tại và tính duy nhất cũng như thống nhất của Nó.

Bởi vậy, dù đúng dù sai thế nào mặc lòng, chúng ta cứ bảo lưu ý kiến và đi xem xem các bậc tiền bối nói gì về không gian và thời gian.
                                       
                                           * * *


Không biết loài người đã đặt vấn đề lý giải về Tồn Tại, về không gian và thời gian từ bao giờ? Theo như chúng ta biết (và đã nhắc tới rồi) thì ngay từ thời Vêđa của triết học Ấn Độ cổ đại đã đề cập đến vấn đề đó trong các bài kinh ca ngợi các vị thần. Nếu tách bỏ cái bề ngoài thần thánh và tín ngưỡng đi, chúng ta sẽ thấy hiện lên những trăn trở, những suy tư thực sự nghiêm túc, thâm thúy và “thuần triết”, những phán đoán “xuất thần” về thực tại mà đến tận ngày nay vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.

Trong Rig.Veda X 129, có đoạn thế này (theo một cách dịch khác):
“Thuở ấy chưa hiện diện một vật gì mà cũng không phải là trống không (chưa có hiện hữu mà cũng không phải vô hữu).
Bấy giờ chưa có địa giới này và cũng chưa có bầu trời xa vời và cao tít kia. Đã có không biết cái gì nó bao phủ hai thế giới chưa?
Có ai sống bấy giờ và ở đâu? Ở đây, chỉ có một sự Nghiêm Nghị với Nghiêm Nghị mà thôi…”.

Hình như đó là một cố gắng hình dung và trăn trở về những thời khoảnh chưa hình thành Thái Duơng Hệ, chưa "khai thiên lập địa" thì phải? Và “sự Nghiêm Nghị với Nghiêm Nghị mà thôi” ấy có phải là ám chỉ cái không gian rỗng rang, rộng lớn đến choáng ngợp không? Nếu một đêm tối trời chúng ta quan sát bầu trời, chúng ta sẽ thấy ngay được "sự Nghiêm Nghị với Nghiêm Nghị mà thôi" ấy!

Chúng ta đọc tiếp:
“…Bấy giờ chỉ có cái một hồn nhất, tự tại tối cao không một chút gợn, yên lặng không một hơi thở…”

Phải chăng đó chính là Tinh Thần Vũ Trụ mà các bậc hiền triết của Ấn Độ cổ đại đã cảm nhận được?
Rất có thể Pascal cũng đã nhìn thấy quang cảnh ấy, cảm nhận được tinh thần ấy và ông đã “phát sợ” trong một lần cô đơn với một đêm khuya không trăng không sao, bốn bề vắng lặng như tờ nào đó ở thế kỷ XVII !?

“Hiện Hữu còn chìm bên trong Vô Hữu; cái vĩ đại của nó chỉ biểu hiện ra là Nghiêm Nghị với Nghiêm Nghị mà thôi”.

(Ở đây chúng ta thấy xuất hiện một cặp khái niệm là Hiện Hữu – Vô Hữu. Đó là cặp khái niệm tương phản mang tính gốc, tính cơ sở mà ở dạng đơn giản hơn nữa là cặp khái niệm: Có – Không Có. Vấn đề này sẽ được chúng ta nói tới sau, vì nó hơi dài và cũng cần thiết cho chúng ta hiểu tốt hơn về Thực Tại).

Cách nay hơn bốn tỉ năm về trước, khi “chưa có chết và không chết”, quang cảnh Trái Đất của chúng ta chắc cũng tương tự như thế.

Vào thời cổ sơ đó, các thánh triết Ấn Độ đã “quan sát" đuợc bề mặt sao Hỏa, sao Kim, sao Mộc… nhờ linh cảm linh tri?. Hay trước đó nữa đã có một sự mách bảo đâu đó từ Vũ Trụ, hoặc từ nền văn minh trước đó huy hoàng và rực rỡ hơn chúng ta đã tưởng mà đến nay chúng ta chưa phát hiện được, và qua khảo cổ tìm được đã có nhưng chỉ thị gợi ý đến vấn đề đó?

Trong Rig.Veda X 90.93, được cho là ca ngợi Thần Ngã (Putusa) nhưng đoạn dưới đây không thể không cho là đang nói về thời gian được:
“Ngài thấm nhuần hiện hữu của Ngài trong tất cả các mặt, trên mặt đất và
Ngài còn vượt ra ngoài khắp phía
Ngài vừa là tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai
Ngài là Chúa của trường sinh bất tử vì Ngài không chịu kết quả của hành động
Tất cả biểu hiện là biểu thị cho thế lực Ngài…”

Có một đoạn, tuy ngoài vấn đề đang bàn luận là không gian và thời gian, nhưng vì nó làm chúng ta quá kinh ngạc nên cũng xin chép ra đây:
“Toàn thể Vũ Trụ chỉ là một phần tư của bản thể Ngài
Ba phần tư ở tại miền thiên đình trong cõi bất tử”.

Tại sao lại có sự ấn định tỷ lệ một cách xác quyết như thế? Những lời sấm truyền tiên tri thường mù mờ, suy đoán “nát đầu” chưa chắc đã đúng. Thường thì chỉ khi sự việc đã xảy ra thì mới “à, ra thế!”. Nếu ta cho rằng bản thể Ngài là vật chất (mà đặc trưng của nó là khối luợng), thì chúng ta liên tưởng được ngay đến vấn đề "vật chất tối" mà vật lý thiên văn hiện nay đang đề cập. Bằng con đường quan sát và thông qua lập luận lý thuyết, các nhà vật lý đã đi đến giả thuyết rằng toàn bộ vật chất của Vũ Trụ gồm khoảng 30% vật chất thông thường (gồm 0,5% (so với mật độ tới hạn) vật chất thấy được, 4,5% vật chất tối thông thường) và 70% vật chất tối ngoại lai (đến nay chưa phát hiện được!). Dù là có sai biệt tỷ lệ nhưng phải nói là có sự tương đồng bất ngờ giữa phán đoán (hay được sự mách bảo?!) của các thánh triết cổ Ấn Độ và của các nhà vật lý hiện đại. Ta có thể nói rằng “một phần tư của bản thể Ngài” chính là vật chất thông thường, “ba phần tư ở tại miền thiên đình trong cõi bất tử” chính là vật chất tối ngoại lai trong Vũ trụ? Phải chờ đợi câu trả lời của tương lai và trong khi chờ đợi chúng ta cũng nên một lần đến bác sĩ tâm thần để nhờ tư vấn vì hình như não của chúng ta “có vấn đề”!...

Thôi, chúng ta “tạt qua” Kỳ Na Giáo (Jain, một giáo phái Ấn Độ đồng thời với Đạo Phật) xem họ nói gì về không gian và thời gian.

Theo Chandradhar Sharma, nhà triết học Ấn Độ thời hiện đại thì Kỳ Na Giáo cho rằng:

“Vật chất có vô số đặc tính và là đối tượng của sự sinh, diệt và tính thường tồn. Toàn bộ Vũ Trụ tuân theo hai phạm trù có tính bất diệt, tự thân, vĩnh hằng và cùng tồn tại là Jiva và Ajiva. Jiva là tinh thần ý thức và Ajiva là không tinh thần, không ý thức. Ajiva không chỉ bao gồm vật chất - gọi là “Pudgala”, mà còn bao gồm không gian, sự vận động, trạng thái đứng yên và thời gian. Tinh thần, vật chất, vận động, đứng yên và không gian (lần lượt là Jiva, Pudgala, Dharma, Adharma và Akasha) được mô tả là những Anstikaya Dravya hay vật chất sở hữu những bộ phận cấu thành có thể mở rộng trong không gian. Còn thời gian chỉ là Anastikaya Dravya không mở rộng trong không gian.
[...]
Thời gian là Anstikaya, không mở rộng trong không gian. Nó vô tận. Nó không nhận thức được mà chỉ suy luận từ những đặc tính giúp thể hiện tính liên tục, biến đổi, họat động, “hiện tại” hay “mới” và “sau đó” hay “cũ”. Nó duy nhất và không thể phân chia. Một số tác giả Kỳ Na Giáo đã tìm cách phân biệt thời gian thực và thời gian kinh nghiệm. Theo họ, thời gian thực giúp thể hiện tính liên tục, khoảng thời gian là vô tận, duy nhất và không thể chia được. Thời gian kinh nghiệm có thể chia thành thời khắc, giờ, ngày, tháng, năm và tạo ra những thay đổi khác trừ khoảng thời gian.
Như thời gian, không gian cũng vô hạn, vĩnh hằng và không nhận thức được. Nó được xem là điều kiện của việc mở rộng. Tất cả vật chất, trừ thời gian, đều có tính mở rộng. Sự mở rộng này có khả năng diễn ra được nhờ không gian. Bản thân không gian không phải là sự mở rộng mà nó chỉ là nơi mở rộng. Có hai loại không gian khác nhau. Loại không gian thứ nhất, vận động có thể xảy ra và được gọi là không gian lấp đầy. Còn loại không gian thứ hai không cho phép vận động, gọi là không gian rỗng. Không gian lấp đầy bao trùm tất cả thế giới, nơi diễn ra sự sống và vận động. Không gian rỗng tự nó trải ra vô tận phía sau không gian lấp đầy. Tại đỉnh điểm của không gian lấp đầy là “Cõi Siêu Thoát”". (Triết học Ấn Độ, NXB tổng hợp TP.HCM).

Chúng ta không quan niệm nổi một Tồn Tại có “nguy cơ” xuất hiện Hư Vô như thế. Kỳ Na Giáo đã chưa phân biệt được Tồn Tại tuyệt đối chưa nhận thức và Tồn Tại tương đối đã qua nhận thức. Trong triết học nói chung cũng thường lầm lẫn như vậy!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét