Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 6/e


                                                         Tổng luận về Bách Gia Chư Tử

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”

CHƯƠNG VI: ĐÓNG - MỞ 

Tôi để ý rằng kể cả những người khẳng định là mọi thứ đã được định sẵn và chúng ta không thể làm gì để thay đổi điều đó, họ vẫn luôn quan sát trước khi sang đường.

Stephen Hawking  

Động mà không động, Không động mà động, Không tức thị Có, Có tức thị Không, Có có, Không không, Không không, Có có, Có rồi lại Không, Không rồi lại Có, Có cũng như không, Không tốt hơn có, Không có mà Có,Có vẫn hơn Không


Có Không, Không Có 

Lão Tử 


“Và thật vô nghĩa khi đánh giá tư duy của một dân tộc nào đó là có tính triết lý hay không nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn được định sẵn, đặc biệt những tiêu chuẩn truyền thống riêng của một dân tộc. Triết lý của bất cứ dân tộc nào đều là tinh hoa của nền văn hóa và là sự diễn tả trọn vẹn các phong cách tư duy, cảm nghĩ và sinh hoạt của dân tộc đó. Do đó, triết lý của từng dân tộc là sản phẩm của môi trường tạo ra nó và những cách thức riêng về nhận thức, tri thức, thẩm mỹ, luân lý và tôn giáo. Như vậy đánh giá triết lý của người khác theo những chuẩn mực và tiêu chí của một nền văn hóa nào đó quả là một hành vi tự phụ mù quáng để có thể hiểu các dân tộc khác. Để hiểu biết một dân tộc và nền văn hóa của dân tộc đó chính là hiểu cách thức dân tộc đó nhìn thế giới, nhìn chính nó và nhìn các dân tộc khác. Chỉ khi các thành viên của từng nền văn hóa tiếp cận các nguồn triết lý của các nền văn hóa khác bằng một đầu óc phóng khoáng và nghiêm túc nghiên cứu chúng, lúc ấy người ta mới hiểu được các dân tộc khác hoặc mới khai sáng và phong phú hóa triết học và văn hóa của chính họ..."
(R. Puligandla)


 

(Tiếp theo)
* * * 

Cuốn sách “Quỉ Cốc Tử” trở thành bất hủ, được mang danh là thiên cổ kỳ thư là nhờ cái nội dung sáng tỏ mà thâm trầm, dung dị mà sâu sắc, tưởng là chỉ nói về ứng xử, quyền mưu mà hóa ra hàm chứa những nguyên lý cơ bản nhất về tự nhiên - xã hội. Có được như thế là nhờ tác giả của nó đã có sự nhận thức nói chung là đúng đắn về những biểu hiện có tính nguyên lý, qui luật đặc thù của Tự Nhiên Tồn Tại, có cái nhìn hợp lý về nhân sinh. Có lẽ đối với tác giả, cái đạt trong đối nhân xử thế, trong tranh đoạt quyền mưu chỉ xoay quanh một chữ PHÙ (phù hợp, hợp lý, hợp lẽ tự nhiên): mục đích phù hợp, suy nghĩ phù hợp, hành động phù hợp, và đó cũng chính là con đường của tự nhiên dẫn đến nhân nghĩa: phù hợp với ước nguyện của quần chúng, lực lượng vô địch, có thực mà vô danh, làm nên lịch sử. 

Lấy dân làm gốc và chăm lo cho cái gốc ấy, đó là tuyệt đỉnh quyết sách mà cũng là tuyệt đích của hành động nhân nghĩa. 

Chúng ta không biết chắc chắn tác giả “Quỉ Cốc Tử” là ai. Nhưng dù là ai đi nữa mặc lòng, cũng vẫn là... Quỷ Cốc tiên sinh. 

Thưa Quỷ Cốc tiên sinh, ông là ai? 

Và bốn bề im lặng trước câu hỏi có phần ngô nghê, mù tịt và kỳ dị ấy!


* * * 

Chúng ta đã nói xong về cái nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đặt chương này có cái tên là Đóng - mở. Và rồi, cái sự kể lể dông dài ấy, vô tình, cũng làm nên nội dung của chương. 

Lịch sử loài người là một viện bảo tàng vĩ đại về nhận thức Tự Nhiên, đầy ắp những điều kỳ thú, bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ, vô vàn những kỳ quan. Những kẻ nghèo hèn, không đủ tiền "mua vé” mà lại ước mơ được du lịch đó đây, thì chỉ cần mượn đâu đó (trong thư viện chẳng hạn) những quyển sách nói về lịch sử - văn hóa nhân loại, và “chịu khó” thả cho tâm hồn bay bổng một chút là sẽ có ngay một cuộc tham quan thỏa thích, tha hồ mà chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt tác, tha hồ mà thưởng thức những của ngon vật lạ ở khắp nơi, ở khắp mọi dân tộc, không những ở hiện tại mà còn ở những thời điểm xa lắc thậm chí là tít tắp tận thượng nguồn (hay hạ nguồn?) quá khứ. Để ngắm nghía, chiêm nghiệm cho hết được mọi thứ trong viện bảo tàng vĩ đại ấy, một đời người là không thể xuể được. Còn nếu có đủ tiền sắm được cái máy tính thì...thôi rồi!!! 

Viện bảo tàng vĩ đại ấy cũng chính là trường học vĩ đại của thế hệ hiện tại, bởi vì con người học từ đâu nếu không từ những bài học của lịch sử con người, của tổ tiên? Thế tổ tiên chúng ta học từ đâu? Học từ Thượng Đế! Chính xác là như vậy, chỉ có điều Thượng Đế là một huyền thoại, là cái tên tỏ lòng tôn kính mà tổ tiên chúng ta dùng để ca ngợi hiện thực. Còn hiện thực là gì thì chúng ta… biết rồi, khổ lắm nói mãi. 

Trong cái viện bảo tàng vĩ đại ấy, có một khu vực rực lên hết sức đậm nét về bản sắc con người, đó là lịch sử Trung Quốc. Nếu cho rằng về đại thể, lịch sử nhân loại là lịch sử quyền mưu của con người đối với thiên nhiên thì lịch sử Trung Quốc là lịch sử quyền mưu của con người đối với con người. Ở đó phô bày tất cả những gì là đặc sắc nhất, quí giá nhất về quyền mưu và nhờ đó mà có thể thấy hết được những đặc tính mà con người vốn có. 

Nhân dân Trung Quốc thật đáng tự hào về những cống hiến của họ cho nền văn minh nhân loại. 

Chúng ta tạm dừng bước phiêu bồng cho bộ não hoang tưởng của chúng ta nghỉ ngơi đôi chút, vì có lẽ nó đã thấm mệt rồi. Nhân tiện, chúng ta sẽ kể vài ba câu chuyện của người xưa, gọi là “ôn cố tri tân”, cho nhau nghe để thư giãn. 

* * *

 Chuyện thứ nhấtNước Việt (không phải nước của chúng ta đâu!) có nàng Tây Thi đẹp tuyệt trần (Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa). Nàng hay đau bụng, mỗi khi đau là ôm bụng nhăn mặt. Lúc đó trông nàng càng đẹp. 
 Một người đàn bà gần đó, thấy vậy, cũng bắt chước, về nhà ôm bụng nhăn mặt. Người ta trông thấy, tưởng là ma quỉ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn. 
(Trang Tử) 
Lạm bàn:
Hành động không phù hợp, thành trò cười thiên hạ. Nghệ sĩ hài thường vận dụng điều này. Chuyện thứ hai 
Vua Cảnh Công nước Tề hay uống rượu, có bận say luôn mấy ngày đêm, xao lãng việc nước.
Huyền Chương can:
- Nhà vua uống rượu say sưa như thế, hạ thần xin can, nhà vua không nghe, hạ thần xin tự tận.
Ngay lúc ấy Án Tử vào yết kiến vua. Vua bảo:
- Huyền Chương can ta bỏ rượu, không thì y tự tận. Nếu ta nghe, thì ta hóa ra non, nếu ta không nghe, nhỡ Huyền Chương chết, thì cũng đáng tiếc.
Án Tử nói:
- May lắm! May cho Huyền Chương gặp được nhà vua, chứ như vua Kiệt, vua Trụ, thì chết mất rồi, còn đâu sống được đến bây giờ nữa!
Cảnh Công nghe thế, tỉnh ngộ, từ hôm đó chừa rượu.
(Án Tử Xuân Thu)

Lạm bàn: 
 Cảnh Công là ông vua hiền. Rượu không xấu không tốt, bậc hiền thánh vẫn hay dùng, trong lễ tiệc vẫn thường dùng. Cách uống rượu của Cảnh Công là không hợp, nên điều tiết lại cho hợp chứ bỏ hẳn (chừa) thì kể cũng… uổng!
Huyền Chương là bầy tôi trung, dọa chết thì được chứ đừng chết thật, uổng mạng mình.
Án Tử hay, không dùng “chính ngôn” như Huyền Chương mà dùng “kỳ ngôn” là hợp tình thế (lúc này, chính không bằng kỳ!)
 

(Án Tử Xuân Thu)

Chuyện thứ ba 
Giáp hỏi Ất:
- Đúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông kêu tiếng boong boong, thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay đồng kêu?
Ất đáp:
- Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu là do đồng.
Giáp hỏi:
- Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do đồng mà ra không?
Ất nói:
- Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở các đồ vật rỗng mà ra.
Giáp hỏi:
- Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?
(Âu Dương Tu)

Lạm bàn: 
Nếu cái dùi không đập vào đâu cả hoặc giả đập vào không khí thì không nghe được tiếng kêu. Nếu cái dùi đập vào chuông mà tai điếc thì cũng chẳng nghe được tiếng kêu. Do đó tiếng kêu là do va đập và tai nghe mà ra. Nói chung đã va đập là có tiếng kêu, không “boong boong” thì cũng “bẹt bẹt”, chỉ có điều tai có nghe được hay không mà thôi.
Nếu lấy cái dùi đánh vào mông Ất, Giáp thì sẽ nghe được ngoài tiếng kêu “bịch bịch” còn có tiếng “ái ái”.
Cần phải bắt Ất, Giáp học thuộc Kinh Âm phù chứ không biết ất giáp gì mà tranh luận thì chỉ gây ra tiếng ồn ào mà thôi.



Chuyện thứ tưCó người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, đánh rơi thanh kiếm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, lẩm bẩm: “Gươm ta rơi ở chỗ này đây.”
Lúc thuyền đậu vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước mò tìm thanh kiếm.
Thuyền đã đi đến bến, kiếm rơi đâu thì vẫn còn đấy chứ có theo thuyền vào bến đâu? Tìm gươm như thế chẳng khờ dại lắm ư?
(Lã Thị Xuân Thu)

Lạm bàn: 
Người nghĩ ra chuyện này phải là người có tính hài hước, nếu không thì cũng là người hiểu rõ nghĩa chữ “Thời”. Chuyện thứ nămBa con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:
- Ba anh kiện nhau về việc gì thế?
Ba con rận đáp:
- Chúng tôi kiện nhau vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ.
Con rận kia nói:
- Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh nhau làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể và ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.
Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, no đói có nhau. Con lợn ngày một gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, nhờ thế bà con rận no đủ mãi.
(Hàn Phi Tử)

Lạm bàn: 
Ba con rận không biết, nhưng biết lắng nghe, nên biết và tha hồ vui sống.
Con rận thứ tư nhìn xa thấy rộng, không nói về tình yêu thương mà nói về lẽ tự nhiên, thật là phù ngôn. Con rận này chắc là bậc minh triết!


Chuyện thứ sáu 
Đất Kiềm xưa nay không có lừa. Có người hiếu sự mang một ít lừa về nuôi.
Lừa được thả dưới chân núi. Lúc đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá cong đuôi chạy. Dần dần về sau, hổ nghe mãi, thấy tiếng lừa lúc nào cũng chỉ kêu như thế, lấy làm thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giơ chân đá đi đá lại, quanh quẩn chỉ một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy bụng bảo dạ: “Tài nghệ con lừa thì ra chỉ có thế!”. Rồi hổ gầm lên vồ, xé xác con lừa, đánh chén no nê, đoạn bỏ đi.
(Liễu Tôn Nguyên)

Lạm bàn: 
Lần đầu tiên “thấy” khủng long, con người ta ai mà không ngán ngại. Tương tự, hổ lần đầu tiên thấy lừa cũng vậy. Nhưng thấy mãi thành quen, quen thì thành thường. 
Có lẽ là bị đói mà hổ xáp đến con lừa, vì đã học được “Phản ứng chi thuật” nên giở kế “Đấu thạch vấn lộ” (ném đá hỏi đường), thử vờn và lừa đã bộc lộ điểm yếu. Hổ ta cứ thế mà xơi tái. Được vậy là nhờ quan sát.
Nếu sau này gặp con lừa khác, hổ sẽ “chẳng nói chẳng rằng nữa” mà xông tới vồ ngay. Đó là nhờ kinh nghiệm.
Con người ngày xửa ngày xưa chắc cũng thế nên bây giờ chúng ta mới có nhiều món thơm ngon để ăn!


Chuyện thứ bảy 
Có người bảo vua nước Lương rằng:
Huệ Tử nói việc gì cũng hay “thí dụ”. Nếu nhà vua không cho thí dụ thì Huệ Tử chắc không nói gì được nữa.
Vua bảo:
- Ừ, để rồi xem.
Hôm sau, vua đến thăm Huệ Tử, bảo rằng:
- Xin tiên sinh nói gì cứ nói thẳng, đừng thí dụ nữa.
Huệ Vương nói:
- Nay có một người ở đây không biết nỏ là cái gì, hỏi cái nỏ là thế nào. Nếu tôi đáp: Nỏ là cái nỏ, thì người ấy có hiểu được không?
Vua nói:
- Hiểu làm sao được?
- Thế nếu tôi bảo người ấy: Cái nỏ giống như cái cung có cán, có lẫy, thì người ấy có biết được không?
Vua nói:
- Biết được.
Huệ Tử nói:
- Ôi! Khi nói với ai là đem cái người ta đã biết làm thí dụ với cái người ta chưa biết, để khiến người ta biết. Nay người ta bảo tôi đừng thí dụ nữa thì tôi không sao nói được.
(Huệ Tử)

Lạm bàn: 
Biết được cái không biết từ cái đã biết là quá trình của dạy và học; là quá trình của quan sát và nhận thức; là quá trình hình thành và phát triển của hệ thống khái niệm.

Câu chuyện thứ tám 
Mạnh Thường Quân nhà giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ.
Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi:
- Tiền nợ thu được, có định mua gì về không?
Mạnh Thường Quân nói:
- Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại bảo rằng:
- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả.
Rồi đem văn tự ra đốt sạch.
Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng:
- Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa, chỉ còn thiếu một cái “nghĩa”, tôi trộm phép vì chúa công mua về.
Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa.
Sau, Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng:
- Trước tiên sinh vì tôi mua “nghĩa”, nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.
(Quốc sách)
Lạm bàn: 
Đó chính là kế Tử nhi hậu sinh (chết để sau sống)
Phùng Huyên giỏi
Mạnh Thường Quân hiền
 
Dân đất Tiết có nghĩa  

Câu chuyện thứ chín Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Có người thợ rừng đứng cạnh nó mà không đốn. Hỏi tại sao, người đó nói:
- Không biết dùng nó vào việc gì cả.
Trang Tử nói với đệ tử:
- Cây này vì bất tài mà sống lâu.
Ra khỏi núi, Trang Tử ghé vào nhà quan. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để đãi khách. Thằng con hỏi:
- Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?
Chủ nhà nói:
- Giết con không biết gáy.
Hôm sau, đệ tử hỏi Trang Tử:
- Hôm qua, cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giá như thầy thì nên xử trí thế nào?
Trang Tử cười, nói:
Tài và bất tài cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân. Chỉ có kẻ nào “biết” là sống thôi. Khôn, chết. Dại, chết. Biết, sống.
(Trang Tử)

Lạm bàn: 
Người ta đốn cây về để sử dụng. Cây này chẳng có tích sự gì cả nên nó sống. Người ta nuôi chim mòng để gáy mà chim này không biết gáy nên nó chết. Do đó hợp lẽ tự nhiên thì sống; không hợp lẽ tự nhiên thì chết. Nhưng muốn hợp lẽ tự nhiên thì phải… biết. 

Câu chuyện cuối cùng  
Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử (Dương Chu)
- Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết, có nên không?
Dương Tử nói:
- Có sống thì phải có chết, lẽ nào không chết được?
- Thế cầu sống lâu có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng, sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thế an nguy, xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đã lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?
Mạnh Tôn Dương nói:
- Nếu như thế thì chóng chết còn hơn sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?
Dương Tử nói:
- Không phải thế. Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm tới sống lâu hay chóng chết làm gì?
(Dương Tử)

Lạm bàn: 
Ngôn ngữ Việt Nam đặt tên cho giống loài có tư duy cao nhất của Trái Đất là CON NGƯỜI. Đó là điều phải nói rằng “tuyệt cú mèo”. Con người khác con hổ, con chó, con thỏ… Khi mới sinh ra, chúng ta đều là con chứ chưa phải người, rất giống người nhưng vẫn là con. Mà đã con thì chưa có “ngã” (dần dần có mầm mống của ngã). Ở tuổi học trò, chúng ta vừa con vừa người (không hẳn con cũng không hẳn người) nên chúng ta hồn nhiên, tinh ngịch và chúng ta có ngây thơ (vừa ngã vừa phi ngã). Sự tinh quái của học trò được ông bà “khen”: “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Người ta còn gọi cái trạng thái chưa thành người ấy là “ngợm” (cũng có khi gọi là “nửa người nửa ngợm”). Ngợm rất giống quỉ, ma nhưng không phải quỉ, ma: ngợm là quỉ ma chưa thành người, còn quỉ ma là từ người mà thành.
Lớn khôn, chúng ta vào đời, lặn lội tự mưu sinh, mưu cầu danh lợi. Không ai bảo ai, mọi người lúc đó đều tham sống, mưu sinh trước hết vì bản thân mình, vì một bản ngã đã trĩu nặng thân xác.
Con mà có bản ngã thì được gọi là con người. Con người vì là con nên phải tìm ăn để sống, vì là người nên ước cầu danh lợi để sống giàu sang, khỏi lo hậu sự.
Như lẽ tự nhiên, ở đời biết thế nào là giàu sang khi không có nghèo hèn. Vì vậy mà đời người là cuộc chạy trốn nghèo hèn và tìm kiếm giàu sang. Bước vào đời, ai ai cũng cắm đầu cắm cổ chạy cùng một chiều như thế nên nghèo hèn trở thành mênh mông mà giàu sang trở nên eo hẹp, do đó mà có thi đua, tranh giành, thủ đoạn, máu chảy đầu rơi, huynh đệ tương tàn. Thế rồi có dằn vặt, suy ngẫm về nghĩa sống - chết, sang - hèn, sướng - khổ, vinh - nhục, thiện - ác… Kẻ nhận định thế này, thì thành vua Kiệt, vua Trụ (tính ác); người nhận định thế kia thì thành vua Nghiêu, vua Thuấn (tính thiện).
Có lẽ Dương Tử đã thấy một điều, đó là: Con vật cầu miếng no, miếng đủ để an nhiên sống, còn con người lại cầu miếng ngon, miếng lạ, đủ để phè phỡn sống. Điều đó cho thấy vì sao mà con người đã hèn thì hèn hơn con vật, đã dũng thì dũng hơn con vật, đã tham thì tham hơn con vật, đã nhường thì nhường hơn con vật, đã thù hằn thì thù hằn hơn con vật, đã yêu thương thì yêu thương hơn con vật, đã ác thì ác hơn con vật mà đã thiện thì cũng thiện hơn con vật. Cho nên ông đã đề ra học thuyết với tôn chỉ là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự riêng mình cũng không nhận, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”.
Người đời sau gọi thuyết đó là thuyết “vị ngã”, và hiểu vị ngã là “vì cái tôi” với nghĩa nhỏ hẹp, ích kỷ, yếm thế… Hiểu như thế, theo chúng ta, là đã hiểu lầm cái tư tưởng vĩ đại của Đạo gia.
Con là vô ngã, người là hữu ngã, hữu ngã thì không thể quay về vô ngã được, nhưng hãy biết sống hợp lẽ tự nhiên giống như vô ngã: mất một sợ lông mà lợi cả thiên hạ cũng không “biết” cho; được cả thiên hạ phụng sự cũng không “biết” nhận.
Đúng hơn, nên gọi là thuyết “vô ngã”.
 (Hết chương VI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét