Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 4/e


                                           
Không-Thời Gian Là Gì? | Thư Viện Thiên Văn

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.


CHƯƠNG IV: ĐỒNG HÓA VÀ DỊ HÓA 

-Thế giới hiện thực có giới hạn; thế giới tưởng tượng là vô hạn.  

Jean Jacques Rousseau 

-Không gì giới hạn thành tựu hơn là suy nghĩ tủn mủn; không gì mở rộng những khả năng hơn là trí tưởng tượng được giải phóng.

                William Arthur Ward 

             -Con người tạo ra các vị thần trong trí tưởng tượng          của họ.


              Xenophanes

             -Trí tuệ rộng rãi, sức tưởng tượng mạnh mẽ và tâm
              hồn năng động, đó chính là thiên tài.

               Khuyết danh


"Trí tưởng tượng bị bóp méo dạy chúng ta rằng ánh sáng và bóng tối, dài và ngắn, đen và trắng là những điều khác nhau và phải được phân biệt rõ ràng; tuy nhiên, chúng không độc lập với nhau; chúng chỉ là những mặt khác nhau của cùng một sự vật; chúng là những ngôn từ của một mối quan hệ, chứ không phải là một hiện thực.”.
(Đức Phật)

(Tiếp theo)

* * *
Vận động là bản chất và cũng là tiền đề tồn tại của vật chất. Vật chất vận động là quá trình khỏa lấp những dị biệt (khác biệt) giữa chúng, đồng thời làm xuất hiện những dị biệt mới. Đồng nhất hóa, và dị biệt hóa là hai tác động đồng thời của vận động cho nên đồng nhất và dị biệt vừa là mục đích vừa là kết quả của vận động vật chất. 

Đồng nhất hóa là làm cho vật chất được liên tục, nhất quán, thống nhất và không phân biệt được lẫn nhau. Ngược lại, dị biệt hóa làm cho vật chất phân định ra như những bộ phận, những mặt rời rạc, sai lệch, tách chia và phân biệt được lẫn nhau. 

Con sông quê hương của chúng ta đó, lúc nào cũng là nó, lúc nào chúng ta cũng nghĩ về nó như một mối tình sâu sắc, chẳng đổi thay dòng. Chúng ta đâu có nhớ rằng nó luôn đổi thay theo bốn mùa mưa nắng. Chúng ta đâu đếm được từ thuở ấu thơ, lần đầu tiên theo mẹ ra bến sông đến sau này lớn khôn, biết bao nhiêu lục bình đã trôi qua cầu và giờ này chúng đang phiêu bạt ở những nơi đâu. 

Thật là diệu kỳ khi những sông, những biển, những hồ với những khối nước đồng nhất không thể phân biệt ấy lại là nguồn gốc của những giọt mưa, những cá thể tròn trịa dễ thương nối đuôi nhau trút xuống từ tầng cao vợi để làm nên những trận mưa tắm gội cuộc sống cho muôn loài vạn vật và lại trở về trong sự đồng nhất ở những dòng, những biển, những hồ ấy, tạo nên cái chu trình tưởng chừng như bất diệt. 

Mải mê huyên thuyên đủ mọi chuyện, miêu tả ca ngợi đủ mọi cảnh vật, đến đây, chúng ta chợt nhận ra tại sao chúng ta “thấy” được tất cả những cái ấy. Thông thường, “thấy” một vật có nghĩa là ánh sáng phản xạ từ vật ấy tới tác động vào võng mạc, truyền lên não, não xử lý thông tin giúp “cái tôi” nhận diện được. Nhưng có những sự vật - hiện tượng chúng ta thấy “trong tâm”, chẳng hạn là trong giấc mơ thì sao, có nguyên nhân ánh sáng không? 

Thật ra gốc gác của mọi kiểu, mọi dạng nhận biết có thể truy nguyên từ vận động vật chất, từ sự đồng hóa và dị hóa. Dị biệt hóa vật chất xét cho đến cùng là sự phân định vật chất thành những vùng, những bộ phận, những mặt, những tính cách sai biệt nhau, tương phản nhau (tính âm dương), tạo tiền đề cho sự chuyển hóa vật chất nhằm “xóa” đi những dị biệt giữa chúng (nhưng có “xóa” được không? Đó là vấn đề!).
Vì sao chúng ta thấy một hiện thực khách quan phức tạp đến "ghê hồn" như thế? Nguyên nhân nào đưa đến một thực tại khách quan rối rắm "quá cỡ thợ mộc" như              thế? Câu trả lời giả dị không ngờ: nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nguyên nhân có tính căn  nguyên, gốc gác chính là vì Tồn Tại có đặc tính đầy đủ! Nhờ đặc tính đầy đủ mà Vũ Trụ trở thành đa dạng, đa hình, đa phong cách, phân lập trong thống nhất, mang tính "nước đôi" mà con người có trí tuệ, suốt mấy ngàn năm nay vẫn ù mờ, chưa thể "nắm bắt" được thực chất của Vũ Trụ. Nhờ có tính đầy đủ mà tất cả các sự vật - hiện tượng trong Vũ Trụ tha hồ biến hóa, "muốn ra sao thì ra" miễn bảo toàn Tồn  Tại.

Nhờ có sự phân định và quá trình vận động của vật chất mà các sự vật - hiện tượng được hình thành, phân biệt được với nhau, một cách tương đối. Và cũng nhờ tính phân biệt được ấy mà chúng ta, trong một chừng mực nhất định (trong thế giới thường nhật hay còn gọi là thế giới vĩ mô) có thể quan sát được, nhận biết được bằng ngũ quan, các sự vật - hiện tượng và sự biến hóa của chúng một cách tương đối.
Chúng ta tồn tại, nhận thức tương đối độc lập được là nhờ có sự phân định. Xin đội ơn phân định! Phân định muôn năm!
Nhờ phân định trong thống nhất mà có âm - dương, Trời - Đất, đực - cái; có ngoài thì phải có trong; có khách thể thì phải có chủ thể; có ngày thì phải có đêm, có vạn vật, có muôn loài… Tất cả những biểu hiện ấy của Tồn Tại phản ánh vào bộ não biết suy nghĩ làm hình thành nên những cặp khái niệm có ý nghĩa tương phản nhau; tương tự như thực tại vốn có. Xin nhấn mạnh tương phản không có nghĩa chỉ là trái ngược, mâu thuẫn. Trước đây có lẽ do không thấy được vấn đề một cách sâu sắc, do thấy hầu như khái niệm nào cũng có khái niệm trái ngược với nó, nên nhiều người cho rằng thực tại khách quan được xây nên từ những cái trái ngược, sự vật tồn tại được là nhờ có một nội tại liên kết các mặt đối lập; nhờ có mâu thuẫn bên trong, ngoài ra không còn gì khác nữa.
Thế giới khách quan không chỉ phản ánh vào chúng ta tính tương phản của nó mà còn những tính khác nữa như: tính tuần hoàn, tính thể tích (không gian), tính trôi đi (thời gian), tính “nước đôi” …
Làm sao có thể xác định được những mặt, những tính, những bộ phận nào là tương phản nhau; làm sao chúng ta có thể so sánh được mức độ sai biệt giữa các sự vật hiện tượng không tương phản nhau? Trong thực tại, có những sự vật hiện tượng nhìn ở góc độ này là tương phản nhau, nhìn ở góc độ khác lại không tương phản nhau; mức độ sai biệt cũng tùy thuộc vào chủ thể quan sát mà có thể nhiều, ít. Cùng ngắm nhìn một bình minh, người thì thấy rực rỡ tươi hồng, người thì thấy nó sáng sủa trong xanh, cùng ngắm nhìn một hoàng hôn, đối với người này là một chiều bầm tím u buồn, đối với người kia là một chiều tím biếc nhớ nhung, đối với người khác nữa lại có thể là một chiều tươi hồng hứng khởi …
Phải chăng có thể tìm lời giải thích ở tính “nước đôi” của Tự Nhiên Tồn Tại, cái mà trong nhận thức hiện nay vẫn được gọi là tính tương đối, tính bất định, hay đúng hơn là có cả điều này: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"?
Sự tồn tại của các cặp khái niệm tương phản là một hiển nhiên, thậm chí là tất yếu. Sự có mặt của chúng trong tư duy là một thể hiện về tính đầy đủ của Tồn Tại: có cái này thì phải có cái kia, cái nào cũng có. Có đói thì phải có no, có khổ đau thì phải có hạnh phúc, không trải qua nỗi buồn thì cũng chẳng cảm nhận được niềm vui; có khi cười nhiều có khi cười ít, lúc nói dai nhách (như lúc này?) lúc cạy mồm ra không được nổi một câu… Và để biết được thế nào là đói, thế nào là no; thế nào là khổ đau, thế nào là hạnh phúc… nghĩa là để hiểu được khái niệm (nói chíng xác hơn là thuật ngữ của khái niệm) có nghĩa gì, nói về cái gì thì phải có cái gọi là định nghĩa. Định nghĩa là dựa vào những ý niệm, khái niệm có sẵn, có trước đó (cũng rút ra từ thực tại, tên gọi qui ước của cái có thực trong thế giới khách quan) làm cái chuẩn mốc, cái mực thước, cái trung dung để so sánh; để nói về sự vật - hiện tượng mới xuất hiện, mới phát hiện ra, để qui ước, đặt tên, gắn nhãn mác cho nó, hoặc để giải thích truyền đạt vấn đề nào đó. Chúng ta trình bày đại khái như thế (có thể là rườm rà, có thể là lẩn thẩn) để cố phơi bày ra cái ý này: hệ thống khái niệm của con người được xây dựng nên từ những tên đặt, nhãn mác, những ý niệm sơ khai, những khái niệm mang tính gốc, nguyên thủy; tiền đề, đóng vai trò là cơ sở cho việc hình thành nên những khái niệm khác. Không thể giải thích bằng suy lý (rành mạch và cặn kẽ) được những khái niệm cơ sở ấy, những khái niệm chẳng hạn như Tồn Tại, Sự Thực Khách Quan, vật chất, không gian, Tự Nhiên… Nếu vẫn cứ cố tình để giải thích cho được thì sẽ lâm vào cảnh dở khóc, dở cười như bài đồng dao: “Chim ri là …”. Có thể tưởng tượng những khái niệm cơ sở ấy như là hệ thống chữ cái của một ngôn ngữ (tượng thanh). Không thể giải thích A, B, C… là cái gì?Có một nghi vấn: hình như cho đến tận hiện nay, hệ thống khái niệm (triết học) của loài người chưa thực sự tồn tại hoặc mới tồn tại ở dạng "ngẫu hứng", có tính tự phát, đầy manh mún, khiếm khuyết? Cần thấy rằng, bản thân hệ thống khái niệm cũng là một phản ánh quan trọng về trình độ nhận thức Tự Nhiên của loài người!
Trong quá trình nhận thức thế giới, để xác lập được những cái (sự vật - hiện tượng, mặt, tính chất…) tương phản nhau thì trước hết chúng ta phải xác định ra được, chọn được, qui ước được cái thứ ba để làm chuẩn mốc, mực thước. Có thể gọi cái thứ ba ấy là cái giữa, cái trung dung, cái vừa làm cho nhận thức được thăng hoa, vừa làm cho nhận thức dễ lầm lạc, gây biết bao nhiêu cuộc “cãi vã” khốn khổ trong lịch sử nhận thức của con người. Chúng ta sẽ nêu một số thí dụ để “minh họa” điều chúng ta nói:
Sự tương phản “kinh điển” là âm - dương. Chúng ta biết được “âm” là nhờ cái gì đó “không âm”; biết được “dương” là nhờ cái gì đó “không dương”. Cái “không âm” nhưng không phải là “dương” và cái “không dương” nhưng không phải là “âm” phải nằm ở giữa âm, dương: chúng trùng nhau thành cái ở giữa “vừa dương vừa âm, là cả hai mà cũng không phải cả hai”. Số không trong toán học là một khám phá vĩ đại của con người. Nó chính là cái ở giữa của “cộng” và “trừ”; nó “vừa là cộng, vừa là trừ, là cả hai mà cũng không phải cả hai”. Nhiều người cho rằng số không toán học là một Hư Vô, nhưng thực ra không phải. Nó có thể là một thể hiện sự “không có gì”, “không còn gì” nhưng vẫn là một cái gì đó chứ không phải Hư Vô. Có thể gọi số O là hư vô tương đối! Một căn phòng không có ai, không có bất cứ vật gì thì gọi là căn phòng trống không (trống rỗng). Tuy vậy nó vẫn còn có vách, có sàn, có trần... Giả sử những cái đó không thuộc về căn phòng thì vẫn còn cái cuối cùng không thể chối bỏ được, đó là thể tích không gian!
“Nóng”, “lạnh” là hai khái niệm tương phản gần gũi với chúng ta nhất. Để biết được nóng hay lạnh, con người đã chọn một cách cảm tính (hợp lý thôi!) thân nhiệt của chính bản thân mình để qui ước làm chuẩn mốc: do sự giao động của thân nhiệt, mà cũng do tính qui ước của con người nên mối tương phản nóng - lạnh mang tính tương đối. (Một bầu không khí được cho là mát mẻ nhưng nếu ở phòng “máy lạnh” ra thì cũng trong bầu không khí ấy, ta sẽ cho là nóng nực. Vì thế mà trong đời sống mới xảy ra hiện tượng “chín người, mười ý”, cãi lộn om sòm! …).
Khi nói vật ở đàng đông, vật ở đàng tây thì có nghĩa rằng chúng ta đang ở giữa và hai vật đó, và hai vật đó có sự tương phản về vị trí. Nhưng nếu chúng ta đứng cùng trên một trục nhưng ngoài khoảng cách được xác định bởi hai vật ấy, thì đối với chúng ta, giữa chúng đã không còn sự tương phản (đối ứng) về vị trí nữa (hoặc nếu có thì chỉ có trong qui ước, trong tưởng tượng). Tùy thuộc chúng ta đứng phía nào mà chúng cùng ở hướng tây hoặc cùng ở hướng đông. Giả sử ngay lúc đó, có một kẻ đứng đâu đó cách xa trục ấy, nghe ta nói thế, sẽ cười sằng sặc mà rằng: “Ông nói cho ông nghe thì được. Đừng có bắt tôi phải theo ý ông đấy nhé!”
Hay giả sử thế này: có ba người tên là A, B, C đứng thẳng hàng theo hướng đông tây, anh A ở đằng đông, anh B ở giữa, anh C ở đằng tây. Chúng ta đến, lần lượt hỏi từng người về vị trí của họ. Anh A sẽ trả lời: “Tôi ở đằng đông, hai ông kia ở đằng tây, ông B ở tây “gần”, ông C ở tây “xa”. Anh C trả lời: “Tôi ở đằng tây, hai ông kia ở đằng đông, ông B ở đông “gần”, ông A ở đông “xa”. Cuối cùng, anh B trả lời: “Ông A ở đàng đông, ông C ở đàng tây, tôi chẳng đông mà cũng chẳng tây, tôi ở giữa”. Nhưng nếu cả ba ông đều bị bịt mắt, bị dẫn từ đâu đó đến đứng thành hàng y như vậy thì trước câu hỏi: “Anh ở đâu?”, cả ba sẽ phải trả lời: “Tôi không biết!”, hoặc: “Tôi đang ở nơi tôi đứng!”. Đó là sự thực khách quan mà chúng ta đã thấy. Nhưng nếu ta đứng ở ngoài trái đất để quan sát thì sự thực khách quan ấy phải được quan niệm lại. Từ đây cũng thấy sự hình thành nên quan niệm là mang nặng tính chủ quan của con người.
Nói về khái niệm mệt lắm, cũng chẳng khác gì mấy nói về Tồn Tại. Khó mà nói hết cái cần nói, khó mà nói cho mạch lạc được, vì chúng ta không được trang bị kiến thức chuyên sâu; nghĩa là chúng ta không đủ năng lực để nói về nó. Vả lại, chúng ta thực hiện cuộc hành trình không phải là để đến với đại dương khái niệm rồi lặn hụp trong đó, chết chìm trong đó, mà là bị bắt buộc phải đụng đầu đấu với nó. Dù không thích thú gì lắm nhưng đành phải “làm việc” với nó đôi chút để lựa thời cơ vượt nhanh qua nó, thoát qua nó, nếu chúng ta còn muốn tiếp tục hành trình đi tìm thực chất cái căn nguyên của Tự Nhiên Tồn Tại.
Nhờ có sự phân định mà các sự vật - hiện tượng có thể được phân biệt tương đối so với nhau, mà từ đó có sự phản ánh lẫn nhau, ảnh hưởng, tác động, chuyển hóa lẫn nhau, làm nên mối quan hệ vừa phụ thuộc lẫn nhau, vừa độc lập tương đối so với nhau. Sự độc lập tương đối (tính phân biệt được của Tồn Tại) chính là nguyên nhân khách quan làm hình thành nên giữa các sự vật - hiện tượng mối quan hệ khách thể và chủ thể (khách quan và chủ quan) mà khách thể được coi là thế giới khách quan bị quan sát bởi một chủ thể quan sát mang tính chủ quan, bảo thủ!
Đối với một chủ thể biết suy nghĩ và có trí nhớ duy trì (không có cái này thì không thể nhận thức!!!) thì việc quan sát và tích lũy kinh nghiệm sẽ làm hình thành nên những khái niệm, hệ thống khái niệm để quan sát và nhận thức ngày một sâu rộng hơn, đúng đắn hơn về thế giới khách quan.
Không thể nhận thức được Tự Nhiên Tồn Tại nếu không có sự phân định thành chủ thể và khách thể, chủ quan quan sát và khách quan được quan sát. Nhưng nếu coi sự phân định ấy là tuyệt đối thì lại cũng không thể nhận chân bao quát được sự thực khách quan.
Con người có thể hiểu rõ được, nhưng sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ nhìn thấy được Tự Nhiên Tồn Tại một cách chân thực như nó vốn thế vì nó luôn hiện lên trước con người thông qua hệ thống khái niệm như là được tạo dựng nên từ những khái niệm, từ những cái mà con người rút ra được từ chính thực tại nhờ kinh nghiệm chủ quan của mình một cách tương đối, siêu hình và không bao giờ đầy đủ. Do đó cái hiện thực khách quan của ý niệm và đầy chủ quan ấy, nếu có đúng thì cũng chỉ đúng cho con người, làm thỏa mãn cho chính con người. Ai đó nói rằng Vũ Trụ như thế là bởi có con người, là vì con người (nguyên lý vị nhân) kể cũng đúng. Phật Giáo kêu gọi là muốn nhận chân được Thực Tại phải biết vượt lên trên mọi khái niệm. Không thể như thế! Một khi đạt được như thế, con người sẽ trở về thành...con vật?...
Chúng ta đã nói về điều này rồi: “Tồn Tại là Tồn Tại”. Đó là một chân lý tối thượng, trực diện tuyệt đối nhưng cũng tuyệt đối… mù tịt, không làm cho con người nói chung, vốn dĩ cực kỳ tò mò, được thỏa mãn. Và bằng con đường nào nếu không kế thừa những nhận thức đã có trong quá khứ để linh nghiệm, linh tri? Nhưng làm thế nào mà linh nghiệm, linh tri khi không có khái niệm!?
Nếu được đứng ngoài Tồn Tại để ngắm nhìn nó thì còn gì bằng! Nhưng, than ôi! …
Biết đâu chừng tất cả những đặc tính, những biểu hiện mà chúng ta gán cho Tự Nhiên Tồn Tại từ trước tới nay là sai lầm, là do nhận thức bị lệch lạc, chứ thực chất ra nó chẳng có những thứ đó? Khi chúng ta nói tồn tại lấp đây Vũ Trụ thì nên hiểu Vũ Trụ bao gồm vật chất và các khoảng rỗng rang. Vì không có Hư Vô nên các khoảng rỗng rang đó là gì? Có phải cũng là vật chất không? Làm sao vật chất lấp đầy Vũ Trụ mà không mảy may cản trở chuyển động của các vì sao, thiên thể? Nếu vật chất lấp đầy Vũ Trụ thì vật chất vận động như thế nào? Chúng ta nói rằng Tự Nhiên Tồn Tại bao hàm cả không gian và thời gian; lại nói rằng Tự Nhiên Tồn Tại là Vũ Trụ được lấp đầy vật chất, ngoài ra không có gì khác. Thế thì không gian và thời gian cũng phải là vật chất hoặc chí ít là những tồn tại "kiểu gì đó" mang thuộc tính của vật chất. Hiểu điều này như thế nào khi chúng ta lại quan sát thấy tất cả các sự vật - hiện tượng đều ở trong không gian và sự tương tác, biến đổi của chúng đều theo thời gian?
Để tự bảo vệ mình, chúng ta phải giải đáp thỏa mãn những khúc mắc trên!
Chúng ta đã hành trình đến đây và thấy… cụt hứng. Tưởng sắp tìm ra được căn nguyên của Tồn Tại đến nơi, nào ngờ tòa lâu đài mang tên Tồn Tại được chúng ta cố tình dựng lên một cách vụng về và cẩu thả có nguy cơ sụp đổ tan tành chỉ vì cái khúc mắc quá “đồ sộ” vừa nói đó. Cuộc hành trình của chúng ta dễ gì mà chinh phục được ngọn núi còn cao hơn cả ngọn Everest ấy? Hay là chúng ta quay về để tránh tiếng làm một:
“Dã Tràng xe cát Biển Đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.
Không thể quay về! Chúng ta rất giống Dã Tràng, nhưng đâu phải Dã Tràng? Dã Tràng dù biết xe cát lấp Biển Đông là vô ích, dù “nhọc lòng” nhưng nó vẫn cứ đinh ninh, nhẫn nại đến không tưởng là vì nó...quá bướng bỉnh, mù quáng theo tinh thần Nho Giáo: đã mang danh quân tử thì phải làm cái việc tự nhận thức thấy có thể là vô nghĩa, và dù biết không làm được,...vẫn làm(!). Chúng ta dứt áo ra đi đâu phải để thực hiện cái công việc lấp biển ngớ ngẩn đến quá ư kỳ quặc như thế, mà là leo lên "đỉnh chứng ngộ chân lý thực tại" và đã thấy được loáng thoáng cái đỉnh ấy, dù còn rất cao vời...
Anh em bằng hữu ơi, chúng ta cứ tiếp tục đi nhé, đừng để cuộc hành trình của chúng ta thành dở dang, chẳng hay ho gì đâu!. Hãy tin rằng chúng ta sẽ giải quyết suông sẻ mọi chuyện. Nên nhớ rằng chúng ta có một ưu thế vượt trội là chúng ta không phải nhà khoa học, nhà triết học gì cả, mà chỉ là những gã suy nghĩ viển vông có tài...hoang tưởng, và như thế, chúng ta có quyền bịa ra theo mọi cách sao cho câu chuyện hoang đường của chúng ta nghe “có duyên” một chút, để (biết đâu được đấy) lại có anh chàng giống nhân vật… của Nam Cao trong tác phẩm “Đôi mắt”, chỉ mới "ngẫm" đến đây thôi, đã phải vỗ đùi đánh "đét" một cái, thốt lên khen chúng ta: “Tài thật, tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào...Lao!”



* * *


Chớ thấy sóng cả mà lo,
Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng.
(Ca dao)

                                                * * *



CÂU ĐỐ
Ngồi buồn trơ trọi giữa không gian
Đem “đố” giương ra nhử thời gian
Bày binh bố trận che mình lại
Khuây khỏa tháng ngày chí dọc ngang.

Cái gì lớn nhất, lớn vô cùng
Vừa rộng, vừa sâu đến mịt mùng
Chẳng cản, tung hoành, cho mặc sức
Lệch, méo, vuông, tròn, thảy bao dung?

Cái gì dài nhất, mút ngọn nguồn
Chuồi theo một hướng, hướng mông lung
O ép tử sinh không hề mệt
Dễ lầm, dễ lẫn với Hóa Công?

Tách riêng hai cái, đứng bất bình
Giao hợp mới nên cái kỳ quan
Xưa kia cứ ngỡ không chung chạ
Bây giờ mới biết chúng tình tang

Hai cái quyện nhau như bóng hình
Khi co khi duỗi, ưỡn cong mình
Giở trò bất minh trong ánh sáng
Cho cái tư duy trố mắt nhìn!
  (Hết chương IV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét