Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

TT&HĐ I - 5/f

 
69/143-Vũ Trụ Quan Phật Giáo-Phật Học Phổ Thông-HT Thích Thiện Hoa
 
TĐ:2731- Bản chất của vật chất là ý niệm (2)
 
TĐ:2732- Căn nguyên của vũ trụ

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.



CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."

 Albert Einstein 

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)




(Tiếp theo)


* * *

Đó là một câu chuyện cổ tích mà chúng ta đã nghe được trong một giấc mộng. Trong giấc mộng ấy, chúng ta thấy mình lang thang đâu đó nơi thâm sơn cùng cốc và gặp được một quái nhân trần như nhộng, tóc râu rối bời trắng xóa; ngồi im phắc như đá tảng, có lẽ đang trầm tư mặc tưởng những điều thiêng liêng. Chúng ta đoán là đạo sĩ vì chỉ có đạo sĩ mới có hình nhân khác lạ như vậy, và ngồi ở một nơi héo lánh như vậy. Chưa kịp định thần thì “tảng đá” ấy bỗng trừng mắt và cất tiếng vang vọng cả núi rừng:
- Người ở thế kỷ XXI về đây làm gì? 
- Dạ, thưa đạo sĩ, chúng tôi cũng không biết vì sao chúng tôi lại lưu lạc được đến chốn này. Xin đạo sĩ rộng lòng cho biết, chốn này là chốn nào? – Chúng ta rụt rè nói vì vẫn chưa hết sợ sệt âu lo.
- Đây là Ấn Độ, thời kỳ tiền Vêđa, AUM! Ta không phải là đạo sĩ, các người hãy gọi ta là thánh triết!

Chúng ta giật thót mình, thế quái nào mới hôm qua còn ngồi ăn nhậu trong quán “Kiều My” với mấy em người mẫu xinh như mộng mà hôm nay lại có mặt ở vùng rừng núi Ấn Độ được, không những thế còn cách đến mấy nghìn năm? Chịu, không thể hiểu được!
 Vốn sẵn lòng kính phục từ lâu, chúng ta quì xuống bái lạy:
- Xin kính chào thánh triết! Thật là trời có mắt, chúng tôi đã nói rất nhiều về ngài và hôm nay mới may mắn được thấy ngài bằng xương bằng thịt hẳn hoi…
“Tảng đá” ngửa mặt cười ha hả làm cả ngàn cây xao động, lá vàng rơi lả tả:
- Thánh triết cũng như bình dân, đều là Atman, chẳng có gì phải trọng vọng.
- Ủa, thưa thánh triết, nếu chúng tôi nhớ không lầm thì đến thời Upanishad mới xuất hiện từ Atman, sao ngài lại nói thế được ạ?
- AUM! Tao còn có thể nói: “Chúng mày là Brahman” nữa, biết chưa lũ ưa bắt bẻ? “Biến” đi cho tao nhờ!
- Ấy chết, xin ngài đừng giận vô cớ như thế! Thực tình chúng tôi không hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả. Mong ngài chỉ giáo… 
- Ái chà chà!... Thôi được, ta biết các người đang bị cái “Vì sao?” dày vò, ta biết các người thắc mắc, đoán già đoán non về AUM, ta có thể giảng giải cho các người nhưng ta không giảng giải. Đối với những bộ não “không biết bay” thì giảng giải những sự thực huyền hoặc là điều vô ích…
- Không, không, thưa ngài, não chúng tôi biết bay, chúng tôi mắc chứng hoang tưởng mà…
- Lại cãi!... Các người hãy im lặng và, “upanishad” (!). Ta sẽ kể cho các người câu chuyện này:
Và đây là câu chuyện mà chúng ta đã lĩnh hội được từ thánh triết: 

Ngày xửa ngày xưa, Atman chưa có. Vì Atman chưa có nên cũng chưa có Brahman, chưa có bất cứ cái gì cả. Dù chưa có bất cứ cái gì cả thì cũng chỉ có thể là hư vô chứ không thể Hư Vô được. Nếu là hư vô thì vẫn "Có" nghĩa là còn một cái gì đó. Một cái gì đó không phải là Hư Vô thì chẳng biết là cái gì cho nên chẳng là cái gì cả (?!). Chẳng là cái gì cả nghĩa là chưa có tất cả, chỉ là Nghiêm Nghị với Nghiêm Nghị, An Nhiên với An Nhiên mà thôi.

Trong cái tĩnh lặng mịt mùng đó đột nhiên ầm vang tiếng gầm hạnh phúc của Nghiêm Nghị, tiếng rú khổ đau của An Nhiên. Tiếng gầm và rú ấy hòa quyện vào nhau thành AUM vọng mãi đến tận bây giờ, trong sâu thẳm tâm linh, mà các bậc cao đồ trong thiền tu vẫn còn linh giác rõ ràng.

Nhờ có AUM thức tỉnh mà thành ra có. Có đủ cả chỉ trừ tên gọi là chưa có nên cái gì cũng có mà chưa biết có cái gì. Cái có khởi thủy ấy còn chìm trong hỗn mang, lẫn lộn nên vẫn cứ như là không có.

Thế rồi một ngày kia AUM hóa ra ánh chớp chói lòa, sau đó thành sấm truyền: Tat Tvam Asi! (Cái ấy là mày). Từ đó Atman xuất hiện như một sự bừng ngộ. Nhờ có Atman mà tất cả cái có đều có tên gọi. Cái có như nhất không phân biệt được có gì ấy gọi là Cái Ấy, sau này để phân biệt với Atman nên được đặt tên là Brahman.


Có Atman là tất cả có, có cái này thì phải có cái kia để cái gì cũng có. Lúc này cái gọi là không có vẫn là có, nó không có ở “chỗ này” nhưng có ở “chỗ khác”, chỗ không nhìn thấy nhưng vẫn cho là thấy được.


Nếu Brahman là cái tất cả có thì Atman là cái có ở giữa, cái có trung tâm làm cơ sở phân biệt, định danh cho mọi cái có mà Atman chứng thực được (quan sát được, cảm giác được, phát hiện phán đoán được …), nhờ thế mà Atman nhận biết được sự xuất hiện, mất đi, biến đổi, tác động, chuyển hóa lẫn nhau giữa tất cả những cái đã được phân biệt và định danh ấy; biết được cuộc xoay vần ấy là khép kín và có nghĩa là mãi mãi, vĩnh cửu. 

Nhưng rồi một câu hỏi lớn xuất hiện trong Atman: tất cả những cái có ấy trong đó có cả Atman cùng với cuộc xoay vần của chúng (cũng là cái có!) từ đâu mà ra? Có thể từng cái có đều từ cái tất cả có mà ra và trở về cái tất cả có. Nhưng cái tất cả có ấy, cái Brahman ấy từ đâu mà ra? 

Atman tự hỏi để rồi trăn trở, suy nghĩ, ưu phiền trong bế tắc. Atman trở lại soi mói những điều đã nhận biết từ cuộc xoay vần của những cái có, mong rút ra được những điều cần thiết nhằm trả lời cho câu hỏi ấy, nhưng không những chẳng được gì mà còn phát hiện ra biết bao nhiêu nghịch lý, trái ngược trong những điều tưởng chừng như đã nhận biết trước đây. 

Atman đành tìm hiểu lại tất cả để nhận biết lại tất cả. Và tất cả lại được nhận biết, chỉ còn câu hỏi cuối cùng chưa biết. Atman lại trăn trở, lại suy tư, lần này tạm quên những điều đã nhận biết để tâm hồn lặng tĩnh, lắng nghe trong sâu thẳm tiềm thức. Trong nhiều lần như thế, có một lần Atman đã nghe được tiếng vọng AUM đầy huyền bí và thiêng liêng, văng vẳng cõi tột cùng siêu thoát tâm linh. Atman hiểu rằng AUM là căn nguyên của mọi căn nguyên, là mật mã cuối cùng còn chưa thể nhận biết. Ai giải nghĩa chính xác nó, người đó sẽ biết được Brahman ở đâu mà ra. Cả thánh triết, minh triết, hiền triết kiệt xuất, thiên tài cố gắng vò đầu bứt tai làm sáng tỏ sự bí ẩn của AUM vì Atman là một cái có tò mò nhất trong mọi cái có, nó chẳng bao giờ chịu “chào thua” trước bất cứ thế lực nào; trước bất cứ điều gì. Vẫn uổng công, AUM huyền bí vẫn mãi là huyền bí...

                                            ***

Đáng lẽ câu chuyện kể của thánh triết chỉ đến đó là hết nhưng nhờ có cuộc đối thoại dưới đây mà sau đó ngài đã vui lòng kể thêm một đoạn nữa, và có lẽ là đoạn bổ ích nhất.

Chúng ta dạm hỏi:
- Kính thưa thánh triết, theo ngài thì rồi đây có thể hiểu được AUM không?
- Ôi cái lũ này, ý nghĩa của AUM đã có ở phần đầu câu chuyện cổ tích vừa kể rồi, nhớ lại xem?!
- Thế cái Nghiêm Nghị và Nghiêm Nghị, An Nhiên và An nhiên là cái gì trong khi vẫn chưa có gì cả?
- Chà, câu hỏi này nghe khá đấy! Đó là tên gọi sau này mới có, do Atman đặt cho cái tĩnh lặng nhưng không phải Hư Vô mà nó đã chiêm nghiệm được trong khi linh giác AUM.
- Vậy thì có thể hiểu thế này không, thưa thánh triết: Nhờ có AUM mà có Atman, nhờ có Atman mà có Brahman, Brahman khi chưa có Atman là Cái Ấy, Cái Ấy là cái tất cả có nhưng chưa thành danh, cái có hỗn mang như không có, cái đó nhờ có AUM mà ra từ cái tĩnh lặng rỗng rang nhưng không phải Hư Vô; vì không phải Hư Vô nên cái tĩnh lặng rỗng rang ấy như là có gì đó. Cuối cùng, cái tĩnh lặng rỗng rang mà như có ấy từ đâu mà ra?
- Các người định giở tư duy lôgic ra đây chứ gì? Không ổn đâu! Một câu chuyện cổ tích thì làm sao lấy lôgic ra soi mói được? Các người nên nhớ rằng: Trước Atman thì chẳng có bất cứ cái gì cả, cả rỗng rang, cả AUM, cả cái có hỗn mang chưa thành danh và cái có thành danh. Chỉ sau khi có Atman và Atman biết “mày là cái Ấy” thì mới có tất cả, tất cả đều có tên gọi, kể cả cái trước khi có Atman. Cho nên tất cả những điều các người nêu ra chỉ là Atman mường tượng ra thế. Chính vì vậy, cần phải tìm hiểu ngay chính Atman trước tiên. Nhưng muốn tìm hiểu nó, phải biết căn nguyên sinh ra nó, đó là AUM…
- Chóng mặt quá thánh triết ơi! Hay là bất khả tri vì thiên cơ là bất khả lậu?
- Ta trầm tư mặc tưởng cả đời không phải để biết điều đó! Thôi các người tiếp tục yên lặng và upanishad, ta sẽ kể tiếp đoạn sau câu chuyện cổ tích mà ta định không kể, cho mà nghe.

Và đoạn sau câu chuyện, chúng ta còn nhớ thế này:

Một hôm, một ý nghĩ lóe lên gợi mở cho Atman: tại sao lại không hỏi ngay chính Brahman về nguồn cội của nó, có thể nó biết một điều gì chăng. Và thế là Atman miệt mài tu tập đến cùng tột để rồi cũng đạt đến cảnh giới mà Brahman đang trú ngụ ở đó.
Atman cất tiếng dõng dạc hỏi:
- Này hỡi Brahman cao cả, cái có bao dung vạn vật và đã được ta đặt vương miện danh xưng lên đầu, ngươi từ đâu mà ra?!
- Cái mày ngạo mạn kia, cái mày mà chính mày đặt tên là Atman ấy, tự nhận mình là trung tâm để rồi đặt lên đầu tao cái quái quỉ gì đó như vòng kim cô chứ vương miện vương miếc gì; nó làm tao nhức nhối khó chịu quá đi mất! Mau mau tháo ngay cái của nợ ấy ra cho tao nhờ, nếu mày còn muốn làm cái có. AUM!
- Định mệnh đã đặt ta ở vị trí trung tâm, giữa muôn vàn cái có; định mệnh đã trao quyền cho ta gắn nhãn mác lên tất cả những cái có, kể cả ngươi, hỡi Brahman cao cả. (Ta không có lỗi trong chuyện này!). Và định mệnh đã cho ta nhận biết được tất cả, chỉ trừ có ngươi. Vì vậy ta lặn lội đến đây, hỏi đích danh ngươi để mong biết được cái chưa biết cuối cùng…
Brahman bật cười ồ ồ như tiếng lợn bị chọc tiết rồi đột nhiên hắt xì một tiếng to đến nỗi Atman chỉ thấy nhói một cái ở tai và giật bắn mình:
- Ôi chao ơi!... AUM! A… U… M! Xin chân lý Tối cao ở muôn trùng kia thứ lỗi cho sự thô lỗ này! Nhưng thật là những lời quá quắt và phạm thượng!... Này, Atman! Mày đã lầm to rồi! Hãy câm họng lại để ta nói cho mà nghe:
Cái Atman ở gầm trời này đâu có biết rằng còn rất nhiều cái có tự nhận mình là Atman trên Thiên đình kia và chúng cũng tự cho mình ở giữa để gọi tên những cái có khác, để cho là đã nhận biết tất cả trừ Brahman ở đâu ra là chưa biết và cũng lũ lượt tìm đến Brahman để hỏi cho ra lẽ. Này hỡi Atman u minh và chưa hoàn toàn được giải thoát kia, việc mày xuất hiện ra có gì là “ầm ĩ” đâu, một cái nụ xuất hiện trong một vườn hoa chẳng phải là một điều gì đáng ngạc nhiên cả. Cái nụ nở thành bông hoa tất nhiên là hay ho rồi, nhưng cũng chẳng có gì là kỳ bí (nụ mà không nở thành hoa mới là dị thường!), thậm chí sự kiêu hãnh của một bông hoa là một thể hiện hết sức hồn nhiên và đáng yêu làm sao. Bông hoa nào mà không kiêu hãnh, mà không cho mình là quan trọng?

Chính điều này đã làm cho những bông hoa rước lấy sự khốn nạn đồng thời cũng nhận được vinh quang: ong bướm đua nhau tìm đến, hút mật ăn hương, người ta đua nhau vặt hái những bông hoa kiêu sa nhất để bán, cho, dâng, tặng; nhờ thế mà tình yêu thương được duy trì và cảnh sắc luôn nhuốm màu tươi thắm; nhờ thế mà dịu bớt đi những khổ đau và tràn trề hơn những hạnh phúc…

Này hỡi Atman! Nhờ có lời sấm truyền “Tat Tvam Asi!” mà mày bừng ngộ. Mày bừng ngộ và kiêu hãnh hệt như một bông hoa nhưng mày xấu và tệ hơn bông hoa vì mày không muốn làm bông hoa, lại đòi đẹp hơn bông hoa; đòi là chúa tể của các bông hoa. Điều đó làm cho sự bừng ngộ của mày không còn trong sáng nữa mà vẩn đục bởi danh lợi, dẫn đến tự huyễn hoặc bản thân mình, tự cho mình là cái ở giữa duy nhất, cái mốc duy nhất để gắn nhãn mác cho tất cả cái có, để so đo, cân nhắc, định đoạt tất cả cái có, và như vậy mày vô minh cho là đã nhận biết được tất cả, chỉ trừ Brahman là chưa biết, cái mà mày ngộ nhận, từ lời sấm truyền “Mày cũng là Cái Ấy”, là ngang hàng với Nó và ở giữa Nó.

Nhưng mày làm sao ở giữa tao được khi đâu phải chỉ có mình mày là Atman thôi? Cái sai lầm nghiêm trọng và hết sức tai hại của mày là như thế đấy, hỡi Atman!

-AUM! Này Atman, mày hãy dỏng tai lên mà nghe tao mách bảo đây này: "Cũng như những cái có nhận thức khác, mày cũng chỉ là một cái có nhận thức ở một tầng nấc nào đó, ở một phạm vi nào đó, ở một khu vực, góc trời nào đó cho nên mày cũng chỉ có thể là cái ở giữa của tầng nấc nào đó, của phạm vi nào đó, của khu vực, góc trời nào đó, và cũng chỉ là sự tự qui ước mà thôi, và từ sự tự qui ước ấy mà mày định ra các nhãn mác, đủ loại danh hình sắc tướng để gán cho tất cả những cái có mà mày thấy, mày cảm nhận được, hay mày phán đoán ra, và xét cho cùng cũng là sự qui ước nốt. Rồi mày dựa vào tất cả cái có đã thành danh nhờ mày ấy để mà nhìn, suy xét và nhận biết cuộc xoay vần theo cách của mày chứ không thể theo cách nào khác và như vậy, nhận thức của mày về tao, một Brahman cao cả, cũng nặng tính qui ước nên nếu có đúng thì chỉ đúng cho riêng mày thôi, và không thể đúng hoàn toàn và cho tất cả, cũng như cho các Atman khác được. Vì cái đúng không hoàn toàn cho nên có lúc mày lại thấy sai và mày lại nhận thức lại để rồi các triết thuyết cứ nối đuôi nhau ra đời, vừa đúng vừa sai, vừa sai vừa đúng, cứ như thế mày tự điều chỉnh mãi nhận thức của mày và làm nên một núi tác phẩm triết học không biết dùng vào đâu cho đỡ phí phạm: AUM!...

- Hỡi Brahman cao cả và huyền linh, người nói thế có nghĩa là mỗi Atman đều có bức chân dung riêng vừa đúng vừa sai, về người và vĩnh viễn không bao giờ biết người từ đâu tới? – Atman buồn bã hỏi.
- Không hẳn thế đâu Atman ạ! Dù rằng sẽ chẳng bao giờ thoát được sự qui ước nhưng chừng nào mày biết phân biệt được những cái có bất biến trước mọi qui ước với những cái bất biến chỉ trong từng qui ước; chừng nào mày không còn lẫn lộn về vị trí ở giữa của mày, nghĩa là biết lúc nào nó là ảo, lúc nào nó là thật trong việc suy xét hành vi của những cái có và mối quan hệ giữa chúng, chừng đó Brahman qua nhận thức của mày, một Brahman ảo, sẽ giống tao như hình với bóng và mày cũng sẽ biết được điều bí ẩn cuối cùng… AUM!

Đó là toàn bộ đoạn cuối câu chuyện cổ tích của thánh triết.
Nghe xong, chúng ta cúi lạy:
- Xin vô cùng biết ơn thánh triết đã chỉ dạy chúng tôi những điều sáng láng và câu chuyện cổ tích rất đáng ghi nhớ cho muôn đời… Chúng tôi kính chào tạm biệt ngài để trở về tiếp tục cuộc hành trình còn dang dở…
- Cái lũ này, chắc chẳng thể khá hơn được… Lúc nào cũng vội vội vàng vàng thì làm sao mà nghiền ngẫm được cái gì? Thôi thì… xéo đi cho khuất mắt ta. AUM!
- Ấy chết, chúng tôi là hậu bối, ngài là tiền bối, là thánh triết, đáng lẽ trước khi chia tay ngài cho chúng tôi một lời khuyên vàng ngọc, đằng này ngài lại xài xể những lời nặng nề và có phần thô lỗ quá…
- Ha ha ha! Mấy người thấy chưa? Để rời bỏ được cái quan niệm thâm căn cố đế: ta là trung tâm Vũ Trụ, đâu phải dễ dàng. Mấy người là gì mà đòi nhận được lời khuyên vàng ngọc, mà đòi không được đối xử thô lỗ! Vả lại khái niệm vốn dĩ là qui ước thì qui ước nào cho rằng lời ta nói là thô lỗ. Ta là thánh triết nhưng cũng có thể gọi là Mày.

Thà các người coi ta là thánh triết và gọi là Mày còn hơn coi ta là Mày mà gọi là thánh triết, còn nếu không thì đừng gọi. Điều ta vừa nói cũng chính là lời khuyên vàng ngọc cho mấy người mang về thế kỷ XXI. Còn nếu mấy người vẫn cho đó là lời thô lỗ thì đây là lời khuyên cuối cùng: Hãy biết bừng nở để vui sống và kiêu hãnh để hiến dâng như một bông hoa, đó là cứu cánh đến với toàn ngộ, toàn bích!...

Lời khuyên cuối cùng ấy đã làm cho chúng ta giật mình tỉnh mộng.

Đến tận bây giờ chúng ta vẫn không tài nào hiểu nổi cuộc trò chuyện giữa một ông già sơn cước của ngàn xưa và mấy kẻ thị dân hiện đại lại trôi chảy lưu loát như vậy. Đúng là trên đời có những tồn tại lạ kỳ đến độ chẳng bao giờ chúng ta ngờ đến được!
Có thể sẽ chẳng ai tin, nhưng sự thực thì chẳng cần đến đức tin!



* * *
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét