TT&HĐ I - 5/b

 
Vũ Trụ Và Các Chiều Không Gian Khác Có Thực Sự Tồn Tại? | Khoa Học Huyền Bí

PHẦN I:     CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

“Tại sao có một cái gì đó chứ không phải là không có gì?”
Lepnit.


CHƯƠNG V: KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

"Thời gian là gì? Chẳng là gì cả! Nếu Tồn Tại là không gian thì thời gian là cái bóng của không gian chuyển hóa".
NTT

"Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố."
 Albert Einstein 

"Này Anadda, tất cả những người nào, hoặc ngay bây giờ, hoặc sau khi ta chết, tự làm ngọn đèn soi sáng cho mình, tự làm chỗ nương tựa cho mình, không tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài chính mình ra, mà can đảm coi chân lý là ngọn đuốc … không tìm một chỗ nương tựa nào ở người khác - những người đó sẽ lên được tới các bậc tối cao! Nhưng những người đó phải lo học hỏi hoài mới được!”. 
(Đức Phật Thích Ca)

(Tiếp theo)


* * * 

Theo Wikipedia: "Hy Lạp là cái nôi của văn minh phương tây. Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, những đồng bằng trù phú và các thành phố lớn như Athens ra đời sớm. Thương mại cũng phát triển từ rất sớm với các hải cảng và đảo rải rác trên biển Egée. Đó là nơi hội tụ những điều kiện hết sức thuận lợi cho nền văn hóa tinh thần, bao gồm triết học, phát triển mạnh mẽ. Năng lực sản xuất tiến bộ mạnh mẽ trong thời kỳ thế kỷ VIII-VI trước công nguyên cùng với những mô hình nhà nước thành bang cũng góp phần tạo nền tảng cho triết học Hy Lạp ra đời và phát triển nhanh chóng. Triết học Hy Lạp cổ đại ra đời trong bối cảnh diễn ra sự chuyển biến lâu dài và sâu sắc các quan hệ xã hội. Đó là sự ra đời của xã hội có giai cấp đầu tiên trong lịch sử-chế độ chiếm hữu nô lệ. Hy Lạp cổ đại trước đây là một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm phần đất liền và vô số hòn đảo lớn nhỏ trên biển Egie, vùng duyên hải Ban căng và Tiểu Á. Sự thuận lợi về thiên nhiên, địa lý đã tạo điều kiện cho Hy Lạp nhanh chóng phát triển tất cả các lĩnh vực, mở rộng bang giao, tiếp nhận nhiều giá trị văn hoá. Vì vậy, nơi đây đã hội tụ đầy đủ những điều kiện để tư duy con người có dịp bay bổng, để thoả sức sáng tạo ra những giá trị triết học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Xứng đáng là chiếc nôi của nền văn minh châu Âu và của cả nhân loại. Đúng như Ph.Ăngghen nhận xét: "Không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp, không có chế độ nô lệ thì không có đế quốc La Mã mà không có cái cơ sở là nền văn minh Hy Lạp và đế quốc La Mã thì không có châu Âu hiện đại được". Sự hình thành triết học Hy Lạp không diễn ra một cách ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của việc kế thừa những di sản tinh tuý của truyền thống trong sáng tác dân gian, trong thần thoại, trong các mầm mống của tri thức khoa học (khoa học tự nhiên). Hy Lạp cổ đại là đất nước của thi ca, thần thoại. Thần thoại là nơi để con người tưởng tượng, diễn giải về các hiện tượng thiên nhiên kỳ bí mà còn là nơi thể hiện đời sống tâm linh, sự hình thành số phận cũng như muôn mặt của đời sống thường ngày. Thần thoại là nơi đâù tiên để tư duy triết học ra đời và từng bước triết học tách khỏi thần thoại, tự mình tư duy về tự nhiên, đạo đức, về xã hội, về lẽ sống, về chân lý, về con người… Những tinh hoa về toán học, thiên văn học, địa lý, hệ thống đo lường, lịch pháp,…đã xuất hiện do nhu cầu buôn bán, vượt biển đến các nước phương Đông. Vì vậy, các nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp cũng là những người đã nhiều lần đến phương Đông và nhiều vùng đất khác. Như vậy, có thể thấy rằng sự ra đời của triết học Hy Lạp cổ đại là một tất yếu-đó là kết quả nội sinh của cả một dân tộc, một thời đại. C.Mác viết: "Các nhà triết học không phải những cây nấm mọc trên đất. Họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình mà những tinh lực tinh tế nhất, quý giá nhất và khó nhìn thấy nhất đã được suy tư trong các khái niệm triết học". Triết học Hy Lạp cổ đại phát triển qua 3 thời kỳ sau: - Triết học thời kỳ tiền Xôcrat (thời kỳ sơ khai) - Triết học thời kỳ Xôcrat (thời kỳ cực thịnh) - Triết học thời kỳ Hy Lạp hoá.
(...)
Triết học Hy Lạp cổ đại là nền triết học được hình thành vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên đến thế kỷ VI tại Hy Lạp. Triết học Hy Lạp cổ đại được xem là thành tựu rực rỡ của văn minh phương tây, tạo nên cơ sở xuất phát của triết học châu Âu sau này. Alfred Whitehead nhận xét rằng "triết học phương tây thực ra chỉ là một loạt các chú thích cho Plato". Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại tập trung vào hai chủ đề chính. Thứ nhất là mối liên hệ giữa nguyên nhân và hệ quả, hay nói cách khác, tìm câu trả lời cho câu hỏi phải chăng các sự vật hiện tượng vận động theo một chuỗi nguyên nhân-hệ quả tất yếu khách quan hay chỉ là sự trùng hợp, tình cờ ngẫu nhiên. Thứ hai là bản chất và khởi thủy của thế giới tồn tại. Những đại diện tiêu biểu nhất của nền triết học này là Socrates, Plato, Aristotle và Epicurus".
Có thể rằng triết học Hy Lạp cổ đại ra đời là nhờ vào bà đỡ của nền văn minh Trung Cận Đông. Nhưng phải thừa nhận rằng Hy Lạp là một trong những nơi có nền văn hóa rực rỡ nhất, sớm nhất của nhân loại, cái nơi được coi là quê hương của nền triết học – khoa học Châu Âu. F. Angels nói rất hay:
“… chúng ta phải luôn trở lại với thành tựu của cái dân tộc nhỏ bé đó, cái dân tộc mà năng lực và hoạt động toàn diện của nó đã tạo ra cho nó một địa vị mà không một dân tộc nào khác có thể mong ước được trong lịch sử nhân loại”.
Chính vì vậy mà khi nói hay bàn luận bất cứ vấn đề triết học gì, chúng ta thường quay về lục lọi cái kho tàng có một thời vô cùng “oanh liệt” mà giá trị của nó vẫn còn mãi đến tận ngày nay và theo thiển ý chúng ta, sẽ còn tới muôn đời sau.
Không có một triết học nào đi tìm câu trả lời về Tồn Tại mà trốn tránh được vấn đề không gian và thời gian. Ở triết học Hy lạp cổ đại cũng vậy thôi.
Héraclite là người chủ trương thế giới là thường biến, vận động là vĩnh viễn. Quan niệm không gian và thời gian của ông được Nietzsche nhận xét:
“Quan niệm của Héraclite về thời gian, theo đó mỗi khoảnh khắc chỉ hiện hữu khi nó đã hủy diệt khoảnh khắc trước, cha đẻ ra nó, vì chính nó cũng được tiền định là sẽ bị hủy diệt cũng nhanh chóng như thế. Đối với ông, quá khứ và tương lai cũng phù phiếm như một giấc mộng, còn hiện tại chỉ là cái giới hạn không có trường độ mà cũng không kiên cố phân cách quá khứ với tương lai. Nhưng không gian cũng tương tự thời gian. Và cái không gian ấy, cùng tất cả vạn vật khác vừa hiện hữu trong nó và trong thời gian, chỉ có được một hiện thể tương đối, chỉ hiện thể cho một thực thể đồng dạng với chúng; do đấy cũng chẳng tồn tại lâu dài hơn chúng”.
Mỗi con người đều có một cái tôi riêng, phân biệt được với muôn vàn cái tôi khác. Quan niệm như Héraclite thì con người luôn luôn biến đổi (đồng ý điều này!) đồng thời cái tôi cũng luôn thay đổi, mà cái tôi thay đổi thì nhân cách, cách suy nghĩ cũng ít nhiều phải thay đổi do đó mà một đời người là vô vàn nhân cách. Kinh nghiệm phản đối điều đó! Cái tôi thực sự tồn tại suốt cuộc đời mà Tạo Hóa ban cho nó!
Có thể thấy Héraclite mắc sai lầm giống như Kỳ Na Giáo đã mắc, (có thể không phải, có thể là cả hai mà cũng không phải cả hai!!!).
Trong khi Héraclite “khăng khăng” về một thế giới thường biến thì trái lại Parménide luôn khẳng định tính bất biến của Tồn Tại. Ông cho rằng Tồn Tại được chứa đầy trong không gian, không có không gian thì không có Tồn Tại; bản chất của Tồn Tại là bất biến, vĩnh viễn và đồng nhất vì bản thân Nó, tức là Nó không thể mất đi, không có cái gì khác ngoài Nó. Parménide còn cho rằng nhận thức chính là nhận thức Tồn Tại; Tồn Tại không thể nhận thức được bằng giác quan nữa mà phải bằng tư duy. Chân lý, theo ông, là sự nhận thức đối với khái niệm Tồn Tại trừu tượng, bất biến, còn nhận thức về thế giới muôn màu muôn vẻ chỉ là giả tượng, là sai lầm, không phải chân lý.
Parménide đã viết trong “Bàn về Tự Nhiên” của mình như sau:
“Cho nên chỉ còn lại một con đường để nói, đó là: Tồn Tại là Tồn Tại. Trên con đường này có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng: bởi vì Nó không sinh ra cho nên Nó cũng không mất đi, Nó hòan chỉnh, duy nhất, bất động, vô hạn. Nó không có quá khứ và tương lai, bởi vì toàn bộ của Nó là hiện tại, là một thể hoàn chỉnh, thống nhất. Nếu như anh muốn đi tìm nguồn gốc ra đời của Nó chăng? Nó sinh ra như thế nào và từ đâu mà sinh ra? … tôi không thể để cho anh nói hoặc nghĩ như thế này: Nó là từ Phi Tồn Tại mà sinh ra. Bởi vì nếu nói Tồn Tại có thể không Tồn Tại, thì quả là khó nói cũng như khó tưởng tượng ra được. Lý do gì để cho Nó nhất thiết phải sớm hơn hay muộn hơn một chút để sinh ra? Cho nên hoặc là Nó vĩnh viễn tồn tại hoặc vĩnh viễn không tồn tại … Như vậy xem ra thì Tồn Tại ra đời trong tương lai cũng như trong quá khứ như thế nào vậy? Bởi vì nếu Nó ra đời trong quá khứ hoặc trong tương lai thì có nghĩa là bây giờ Nó không tồn tại. Cho nên làm gì có sản sinh cũng như làm gì có tiêu diệt”.
Theo chúng ta, đây là một suy tưởng thiên tài!

Nhiều người cho rằng học thuyết về Tồn tại của Parménide mang tính chất duy tâm, siêu hình, đã tuyệt đối hóa khái niệm, tách rời hoàn toàn cái chung khỏi cái cá biệt, trở thành khởi đầu cho những quan điểm duy tâm khách quan của Platon sau này.
Đành rằng có thể Parménide đã đồng nhất tư duy và tồn tại, chưa phân biệt được sự khác nhau giữa tư tưởng về đối tượng với đối tượng của tư tưởng, nhưng theo chúng ta thì ông đã nói rất đúng về Tồn Tại (tồn tại viết hoa!!!): Bồ Đề Đạt Ma là Bồ Đề Đạt Ma chứ dứt khóat không phải là một ai khác!
Hêghen chắc là đã nhận ra điều đó, đã thấy được sự khác nhau giữa Tồn Tại (tuyệt đối) và tồn tại (tương đối), giữa Thế Giới Khách Quan bao gồm “cả chúng ta” trong đó và thế giới khách quan qua nhận thức của một chủ thể quan sát và tư duy, nên ông đã đi đến nhận định rằng khái niệm “tồn tại” của Parménide là điểm mở đầu thực sự của triết học, vì đó là một khái niệm triết học mang tính khái quát cao. Khác hẳn với những quan niệm mộc mạc, thô sơ, cho khởi nguyên thế giới là một sự vật cụ thể nào đó của đa số các nhà triết học duy vật đương thời. Vói việc đề cao nhận thức lý tính, đề cao tư duy, Parménide đã đặt nền móng cho sự phát triển tư duy lý luận thời cổ Hi Lạp, đồng thời mở đầu cho chủ nghĩa duy lý trong triết học Phương Tây sau này.
Điều đặc biệt đáng tiếc là Parménide đã không giải quyết đến rốt ráo mối quan hệ giữa Tồn Tại như ông quan niệm với không gian và thời gian. Một khi Tồn Tại là duy nhất mà còn lệ thuộc vào không gian thì kể cũng… buồn cười. Nếu hồi đó, ông “nhét” luôn không gian vào Tồn Tại (chứ không phải ngược lại!), coi không gian cũng là Tồn Tại, là bản tính kết tụ của Tồn Tại trong tư duy thì hay biết bao nhiêu. Đối với thời gian cũng thế. Cái ý tưởng cho rằng Tồn Tại là một Hiện Tại vĩ đại (từ của chúng ta) là một ý tưởng “siêu quần” nhưng chưa “tuyệt đích”. Thật là “uổng” khi ông dừng lại ở đó. Cái Tồn Tại của Parménide không thể ở trong thời gian được vì nó luôn là Hiện Tại vĩ đại (Hiện Tại vĩ đại xét cho cùng cũng là Vĩnh Cửu). Có thể tưởng tượng là Hiện Tại vĩ đại ở “trong lòng” thời gian, nhưng vì thời gian không thể tác động đến nó, không “thấm” được vào nó nên nó lại vẫn được coi là ngoài thời gian. Nhưng nếu thời gian ở trong nó thì lại càng không thể được vì quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ cùng một lúc xuất hiện khắp nơi trong lòng nó như là… hiện tại. Vậy thì thời gian phải vừa ở trong vừa ở ngoài, vừa là Tồn Tại, Tồn Tại đóng vai trò hiện tại để phân cách hai phần quá khứ và tương lai của thời gian. Nhưng vì Tồn Tại là duy nhất và cũng vì không thể tin nổi Tồn Tại lại có thể tồn tại được khi bị “kìm kẹp”, trong vai trò “là thứ chung chạ” của hư vô quá khứ và hư vô tương lai nên phải “chua xót” thừa nhận rằng không có thời gian tồn tại độc lập đối với Tồn Tại. Tương tự như đối với không gian, nếu hồi đó Parménide “nhét” luôn thời gian vào Tồn Tại, cho đó là bản tính dàn trải của Tồn Tại trong tư duy thì “đẹp” biết chừng nào. Làm như thế rất có thể Parménide vẫn có thể bảo vệ quan điểm về Tồn Tại của mình, đồng thời còn giải quyết được vấn đề hết sức “khó chịu” là mối quan hệ giữa Tồn Tại với không gian và thời gian: không gian - thời gian là tồn tại thuộc về Tồn Tại nên nó chẳng có tác động nào đến Tồn Tại cả; mặt khác đó là cặp khái niệm được hình thành nên trong quá trình nhận thức Thực Tại của tư duy, chúng mang tính tương đối, qui ước.
Nếu có công thức: Vợ + chồng = những đứa con, thì tại đây, cũng có thể viết: Héraclite + Parménide = Chúng ta!

* * *
 
Tất cả mọi sự vật hiện tượng xuất hiện, tồn tại và mất đi đều là nguyên nhân và kết quả của nhau, đếu phải phục tùng nguyên lý Tự Nhiên, đều tự do trong ràng buộc, chịu ràng buộc để tự do. Một sự buông thả hoàn toàn mà đối tượng không quen trạng thái ấy thì vẫn là nô lệ, trái lại, một sự ràng buộc toàn diện mà đối tượng thỏa mãn trạng thái ấy, lại là tự do. Trong trường hợp nào, một chiếc xe lao xuống dốc không phanh là sự tự do?
Một cách tương đối, mỗi sự vật - hiện tượng đều tự thân tồn tại. Tự thân tồn tại thể hiện ra như nó có một nội tại thường biến gọi là vận động nội tại. Vận động nội tại chính là hai quá trình đồng hóa và dị hóa liên tục tác động nhau, chuyển hóa nhau hướng tới cân bằng tĩnh tại (sự đồng nhất), dưới tác động liên tục của một môi trường, chúng thường xuyên biến đổi. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, nội tại của sự vật - hiện tượng không bao giờ đạt tới cân bằng tĩnh tại (tuyệt đối) được, nó chỉ có thể đạt đến trạng thái cân bằng động, cân bằng tương đối, có tính chất tạm thời, qui ước và luôn bị phá vỡ bởi môi trường. Có thể nói vận động nội tại là một quá trình biến đổi tuần hoàn (mang tính chu kỳ) hình thành cân bằng và phá vỡ cân bằng, mà nguyên nhân sâu xa chính là do sự tác động không thể cách ly được của một quá trình biến đổi tuần hoàn lớn hơn nó, bao trùm nó, đó là môi trường chứa nó. Nó đã được C.Mác nói đến như một qui luật cơ bản của tự nhiên: "Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập".
Sự ràng buộc lẫn nhau nói trên giữa sự vật và môi trường phản ánh trong tư duy làm hình thành nên cặp khái niệm tác động - phản ứng. Và từ việc khám phá ra cặp khái niệm này, chúng ta có được một nguyên lý cơ bản khác của tự nhiên, được cho là hệ quả của nguyên lý Tự Nhiên. Đó là nguyên lý "tác dụng tương hỗ" (giống với định luật Niutơn, nhưng tổng quát hơn nhiều!). Phản ứng là quá trình sự vật “cố duy trì” trạng thái tồn tại trước đó, đang ổn định của mình trước tác động của môi trường để sau đó “thỏa thuận” với môi trường, làm hình thành trạng thái tồn tại mới, phù hợp với điều kiện mới. Đối với cơ thể sống quá trình phản ứng và thỏa hiệp được gọi là sự thích nghi. Quá trình hoàn thiện thích nghi từ tự phát đến tự giác, từ thụ động đến chủ động cũng chính là quá trình hình thành nên hệ thần kinh với trung tâm là bộ não. Lúc đầu là bộ não cảm giác biết tự điều chỉnh bản thân để thích nghi, chủ động trốn chạy tìm nơi để thích nghi. Sau đó là bộ não suy nghĩ được, có trình độ tự giác cao, chủ động tác động tích cực trở lại môi trường, cải tạo môi trường để không những thích nghi mà còn đảm bảo ngày một chắc chắn khả năng tồn tại của mình.
Cuộc trường chinh vạn dặm nói trên đã sinh ra con người biết tư duy trừu tượng, và lẽ tự nhiên, bước đầu tiên của tư duy là tìm hiểu về môi trường để tác động ngày một hiệu quả đến môi trường nhằm mục đích sống còn, rồi tư duy về mình để nhận thức rõ hơn khả năng của mình, vị trí, vai trò của mình trong môi trường, cũng nhằm cải thiện sinh tồn. Đến một trình độ phát triển nào đấy, trong một mức sống “dư dả” nào đấy sẽ xuất hiện tư duy mang mầm mống suy lý và nhiều khả năng, những suy lý đầu tiên lại là về con người với những câu hỏi đại loại: con người từ đâu đến; sao tôi được sinh ra để rồi phải chết đi, chết là gì, thế nào là giàu-nghèo?…
Lại cũng là điều hết sức tự nhiên, con người khi suy tư về mình, cố nhận thức về mình sẽ phải quay ra nhận thức về thế giới khách quan, vì họ nhận ra rằng muốn nhận thức con người, một bộ phận của thế giới khách quan, có nguồn gốc từ thế giới khách quan thì chỉ có duy nhất con đường ấy.
Sẽ không thể nhận thức được rốt ráo bản thân mình nếu con người chưa nhận chân được Tồn Tại, một cái gì đó toàn bộ và vốn có sẵn.
Từ đó chúng ta thấy rằng nhận thức cũng chính là một quá trình của Tự Nhiên Tồn Tại, do đó mục tiêu cuối cùng của nhận thức là Tồn Tại, trong đó có con người, vì sự tồn tại của con người. Loài người đã trao nhiệm vụ thiêng liêng ấy cho triết học nói riêng và khoa học nói chung (ở đây, chúng ta dùng danh từ khoa học để chỉ toàn bộ mọi lĩnh vực nghiên cứu của con người về Tự Nhiên Tồn Tại; như vậy triết học chỉ là bộ phận của nó; nghiên cứu một cách duy lý, trên những nét chung nhất, phổ biến nhất, do đó cũng … “mơ hồ” nhất).
Để hiểu được cặn kẽ, rõ ràng Tồn Tại, cần phải nhận thức được những gì mà Tồn Tại tác động vào bộ não, phản ánh lên trong tư duy dưới dạng các khái niệm, mà những khái niệm cơ bản, cốt tử nhất là: vật chất, vận động, không gian và thời gian. Chỉ khi nào triết học “nuốt trôi” được bốn vấn đề ấy thì mới gọi là hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng trước loài người (!).
Nhưng than ôi, dù bốn vấn đề ấy được nêu ra rất sớm, từ buổi đầu tiên của triết học, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết được một cách xác đáng. Điều huyền bí nhất là ở chỗ này: dù chưa hiểu gì về bản chất của chúng cả, nhưng con người cứ tưởng rằng đã hiểu hết, thoải mái dựa vào đó như dựa vào nền tảng để xây dựng nên thế giới, và thực sự đã đạt đến những thành tựu hết sức rực rỡ (?)...
Có thể lý giải rằng dù chưa hiểu hết Tồn Tại nhưng con người đã hiểu được khái niệm tồn tại và khái niệm về tồn tại đã tương đối giống với Tồn Tại? Bốn khái niệm: vật chất, vận động, không gian và thời gian đã mô tả sát thực bốn thể hiện của Tự Nhiên Tồn Tại? Phải chăng, hiểu cái chưa biết; chưa biết cái tưởng chừng đã hiểu và hiểu cái tưởng chừng như đã biết là con đường tất yếu đi đến sự hiểu biết toàn bộ về Tự Nhiên Tồn Tại?

* * *
Zénon sinh tại Élée, miền nam nước Ý; là một trong những nhà triết học đại diện xuất sắc cho Trường phái Élée (coi thế giới là duy nhất, bất biến và về cơ bản là không nhận thức được). Ông là học trò và cũng là con nuôi của Parménide; được Aristote cho là người sáng lập ra phép biện chứng.
Theo Zénon thì nếu không gian và thời gian được tạo ra bằng những đơn vị hữu hạn không thể phân chia, ta sẽ vướng phải nghịch lý về một độ dài hay khoảng thời gian không thể phân chia và lớn vô hạn (bất cứ sự vật nào cũng phải lớn vô hạn!). Còn nếu chúng có thể được phân chia đến vô hạn thì làm cách nào tạo nên được những độ dài và những khoảng thời gian lớn được (hay một thể tích hợp thành từ những đơn vị thể tích nhỏ vô hạn sẽ không có thể tích!?)? Đằng nào cũng không thể chấp nhận được (một sự vật không thể vừa lớn vô hạn vừa nhỏ vô hạn!). Do đó phải đi đến kết luận: thời gian và không gian đều không có thực: “thế giới biến đổi” là một ảo tưởng. Zénon lập luận như vậy!

Zeno xứ Elea
Nhà triết học
Zeno xứ Elea là một nhà toán học, nhà triết học người Hy Lạp. Ông là khoa học lớn đến từ thành phố Elea, một thành phố hiên nay nằm ở miền Nam nước Ý xinh đẹp. Ông là tác giả của Nghịch lý Zeno nổi tiếng. Wikipedia
Sinh: 490 tr. CN, Velia, Ý
Mất: 430 tr. CN, Siracusa, Ý

Zénon còn đưa ra những nghịch lý nổi tiếng khác, gọi là nan đề (aporie) để phủ nhận vận động và thời gian, còn được lưu truyền đến ngày nay. Chúng ta chú ý bốn nan đề sau đây:
- Sự phân đôi: Cái gì vận động đến đích thì trước hết phải đi qua phân nửa con đường đến đích ấy. Còn nửa đoạn đường, muốn đến đích lại phải đi qua phân nửa của nửa đoạn đường ấy, cứ thế đến… vô cùng.
Aristote đã phê phán: “… không gian và thời gian có thể phân chia đến vô hạn… nhưng không phải đã bị phân chia đến vô hạn”.
- Achilles và con rùa: Achilles, một chiến binh trong thần thoại chạy đua với con rùa. Achilles nhường cho con rùa chạy trước một đoạn xa rồi mới bắt đầu chạy. Nghịch lý là anh ta chẳng bao giờ đuổi kịp con rùa: bởi vì khi anh ta vừa chạy đến vị trí con rùa thì con rùa đã bỏ đi rồi.
Aristote phê phán: “Achilles sẽ đuổi kịp nếu người ta cho phép Achilles vượt giới hạn”.
- Mũi tên bay: mũi tên đang bay thực ra là đứng yên. Ở bất kỳ thời điểm nào trong thời gian, nó cũng chiếm một không gian đồng nhất chính xác với hình thể của nó.
Aristote phê phán: “Sai lầm ở chỗ là đã giả thiết dường như là do những “lúc này riêng lẻ hợp thành”.
- Một nửa bằng gấp đôi: Giả sử có ba vật thể A; B; C sắp như hình 1a; biết B và C chuyển động ngược chiều nhau; A đứng yên. B và C dùng khoảng thời gian như nhau để đi đến vị trí của A (hình 1b).
    A   °   °   °   °
B   °   °   °   °
        C   °   °   °   °

Hình 1a
A   °   °   °   °
B   °   °   °   °
C   °   °   °   °

Hình 1b

 
Vì B vượt qua C nhiều gấp đôi A nên thời gian mà nó dùng để vượt qua C nhiều gấp đôi thời gian nó dùng để vượt qua A. Vậy: một nửa bằng gấp đôi. 

V.L.Lênin phê phán: “Sự vận động là bản chất của không gian và thời gian. Hai khái niệm cơ bản biểu thị bản chất ấy: tính liên tục và tính đứt đoạn. Sự vận động là sự thống nhất của tính liên tục (của thời gian và không gian) và tính gián đoạn (của thời gian và không gian). Vận động là một mâu thuẫn, là một sự thống nhất của các mâu thuẫn". 

Thế còn chúng ta, có ý kiến gì? Zénon đã “cố tình” không muốn quan sát thực tại và rất có thể là cụ tổ đầu tiên của… Thầy Cãi. Công bằng mà nói thì Zénon cũng đúng. Để đảm bảo tính đầy đủ của Tồn Tại thì nếu có sự thực khách quan, cũng phải có sự thực chủ quan và sự thực chủ quan là cái mà Zénon đã “thấy”? Nói vui thế chứ biết đâu chừng những nan đề của Zénon, nhìn ở góc độ khác lại là minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại của những thứ được gọi là vận động, không gian và thời gian. Vận động làm cho sự vật - hiện tượng xuất hiện và nhờ vận động mà sự vật hiện tượng được phân biệt với các sự vật hiện tượng khác trong không gian cũng như với chính nó trong thời gian. Đến lượt sự vận động, xét cho đến cùng, là tương quan giữa không gian và thời gian. Như vậy, về mặt vận động thì mỗi sự vật - hiện tượng được đặc trưng bởi một mối tương quan không - thời gian riêng, hay ta nói là trạng thái vận động của tồn tại. 

Trong nan đề chia đôi hay chạy thi giữa Achilles và rùa, nếu trạng thái vận động không đổi (ở đây là tốc độ không đổi) thì nghịch lý không thể xảy ra; còn nếu trạng thái vận động thay đổi (ở đây là chậm dần) theo ý chí của Zénon thì vì quá trình chia nhỏ là vô tận nên vận động dù có nhỏ đến mấy cũng không thể bị “tiêu diệt”. 

Đối với trường hợp mũi tên đang bay thì nó cứ như thế mà… bay, không có lúc nào dừng, miễn là đừng ai đụng đến nó (cản nó hoặc làm cho nó biến thành sự vật - hiện tượng khác). Nó bay mãi được như thế là vì nó chẳng tốn tí sức lực nào để tự giải quyết mâu thuẫn cả. Nó là một bất biến nếu không có quan sát (nhận thức). Nói mũi tên vừa bay vừa đứng yên là theo nghĩa như vậy. 

Cũng có thể suy ra lời giải thích cho nan đề một nửa bằng gấp đôi dựa trên khái niệm tương đối của quan sát và sự khác nhau về trạng thái vận động mà không cần đến giả thiết về mâu thuẫn. Chỉ có tư duy con người là mâu thuẫn và phải cố mà tự giải quyết lấy! 

Aristote đã nhận thức được vai trò tối quan trọng của vận động: 

“Tự nhiên đã được định nghĩa là “căn nguyên của vận động và biến hóa”, vả lại là đề mục mà chúng ta nghiên cứu. Do đó chúng ta phải làm rõ ý nghĩa của “vận động”. Bởi vì nếu như không hiểu được nghĩa của vận động thì cũng không hiểu được ý nghĩa của tự nhiên” 

Ông cũng đã thấy được mối quan hệ khăng khít giữa vận động và thời gian: 

“Nếu như không có thời gian tồn tại thì làm sao có được cái gọi là “trước” và “sau”? Còn nếu vận động không tồn tại thì làm sao có thời gian được? Cho nên thời gian là số lượng của vận động, hoặc giả bản thân nó là một loại vận động. Thế thì nếu như thời gian là vĩnh viễn thì vận động cũng là vĩnh viễn”; giữa vận động và sự vật: 

“Không thể có một loại vận động nào tồn tại mà tách rời khỏi sự vật cả”.
(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH