Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

TRÀ DƯ TỬU HẬU 16/a4

 
Giải Mã Bí Ẩn Vũ Trụ #1 | Phản Vật Chất 
  
Sự giãn nở của Vũ trụ (Thuyết minh)

-Không có khoa học vì khoa học, không có nghệ thuật vì nghệ thuật. Khoa học nghệ thuật tồn tại để phục vụ xã hội, để làm con người hạnh phúc hơn, cao thượng hớn, có kiến thức phong phú hơn và có nhiều tiện nghi vật chất hơn trong đời sống...
Khuyết danh 
- Cuộc sống đặt mục tiêu cho khoa học, khoa học soi đường cho cuộc sống.
Khuyết danh.
-Phương pháp thích đáng nhất để nghiên cứu đặc tính của sự vật là suy luận xuất phát từ những cuộc thí nghiệm.
Isaac Newton 
-Ngu dốt sinh ra sự quả quyết hơn là tri thức; chính những người biết ít chứ không phải những người biết nhiều mới quả quyết khẳng định vấn đề này hay vấn đề kia sẽ không bao giờ được khoa học giải đáp.

Charles Darwin 
-Khoa học cho chúng ta tri thức, nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta sự thông thái.

Will Durant
 
- Thật sai lầm khi nghĩ rằng nhiệm vụ của vật lý là tìm ra bản chất của Tự nhiên. Vật lý là điều chúng ta nói về Tự nhiên.

Niels Bohr 
-Trí tuệ trực giác là một năng khiếu thiêng liêng và trí tuệ thuần lý là đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội chỉ tôn kính tên đầy tớ mà quên mất đi cái năng khiếu. 
Albert Einstein  
-Khoa học không bao giờ có điểm dừng, nó là một câu đố vĩnh hằng.
Albert Einstein
-Rồi đây, khoa học sẽ nhận thấy rằng hoang tưởng vừa là kẻ thù lung lạc tinh thần, vừa là người bạn đồng hành thân thiết đóng vai trò cứu cánh không thể chối bỏ cuối cùng của vật lý học nghiêm túc trong công cuộc đi tìm sự thực khách quan của Tự Nhiên.
NTT

-Nếu Thượng Đế có thật thì đó chính là Tự Nhiên.
NTT

(tiếp theo)

Chuyện 16: SỰ THỰC KHÁCH QUAN
4/ NGHI NGỜ:
Không biết ông B, ông C có đọc không, nhưng tôi thì tôi đọc hết. Nguyên nhân là vì dốt hoặc vì đã bị rượu lũng đoạn tâm trí hay sao mà đọc rồi thấy lơ mơ quá, chẳng hiểu mấy. Hay là tại vì cả hai? Dù sao thì đọc là thứ chán ngắt khi đang nhậu!
"Đọc bài trên mạng thì lúc nào đọc mà chả được, cứ gì phải lúc nhậu? Thôi, anh A nói về những ý tưởng "hoang tưởng khoa học" của anh đi, hứng thú hơn! Thằng Thu đang há mồm chờ kìa" - Ông B đột ngột lên tiếng như nói hộ suy nghĩ của tôi.
"Hình như đề tài này anh A "hùng biện" rồi mà. "Hùng biện nữa tôi e nhàm lắm!" - Nói xen ngang xong, ông C quay sang tôi. -"Có đúng thế không Thu?"
"Không! Nói đi, "hùng biện" đi, anh A!". -Tôi giở giọng cụt lủn.
Có lẽ quá thất vọng, ông C đành lắc đầu, miệng lúng búng: "Cả người nói lẫn người nghe đều quá... r...ả...n...h!".
Đến đây, như chiếc xe tăng xung kích hạng nặng không gì cản nổi, ông A dấn thân vào cuộc nói chuyện có vẻ tào lao nhưng hùng hồn của mình sau khi đã tợp nguyên một ly rượu Bàu Đá:
"Ngày nay học thuyết Big Bang đã trở thành hòn đá tảng tri thức trong nhận thức khoa học của loài người về căn nguyên sinh thành Vũ Trụ và cách thức cơ bản của vận hành Vũ Trụ. Nó đã trở thành tín ngưỡng của đa số các nhà bác học và của mọi người. Nhưng vẫn có số ít các nhà vật lý và con người "thiếu hiểu biết" nghi ngờ tính chân lý đích thực của nó. Tôi là một trong số ít đó!
Tôi không tin không phải vì đã tỏ tường về thuyết Big Bang, mà trái lại, tôi vẫn rất "gà mờ" về học thuyết ấy. Dù nó đã được thực chứng và chứng minh nhiều điều theo cảm nhận chủ quan của các nhà vật lý, nhưng cũng vấp phải nhiều nghịch lý, thậm chí là phi lý không thể gỉai quyết được. Nói tóm lại, thuyết Big Bang vẫn còn hàm chứa nhiều mâu thuẫn trong lòng nó, chưa giải thích được cặn kẽ nguồn gốc Vũ Trụ và vô hình dung, nó đã đóng vai trò đắc lực chứng minh cho sự hiện diện của đấng sáng tạo, tức Thượng Đế.
Tôi không tin có Thượng Đế. Tôi tin vào triết học duy tồn, tin vào quan niệm cho rằng, Vũ Trụ là vốn dĩ thế, không có sự hình thành và kết thúc. Quan niệm như vậy sẽ loại bỏ được những câu hỏi bất tận về nguồn gốc Vũ Trụ, sẽ không cần thiết đi tìm câu trả lời đằng sau bức tường Planck là cái gì.
Theo triết học duy tồn, Vũ Trụ là Tự Nhiên Tồn Tại. Tự Nhiên Tồn Tại là gì? Là Tồn Tại một cách Tự Nhiên. Tồn Tại  là cái gì đó ở trạng thái có thật, có thể hiện trước cái khác, con người có thể hoặc không thể nhận biết bằng giác quan, nhưng không phải Hư Vô - sự không có gì tuyệt đối. 
Còn Tự Nhiên? Tự Nhiên là những thể hiện trước cái khác, những tồn tại không do bất cứ loài có tư duy nào sáng tạo ra, làm ra, gây ra mà có. Hành động một cách Tự Nhiên là hành động tự do nhất mà cũng ràng buộc tuyệt đối. Sự bó buộc ấy tuy không phải theo một ý chí nào, tuân thủ một sở nguyện cá thể riêng tư nào, mà cứ như làm theo một lý trí duy nhất, tối thượng với mục đích: tránh Hư Vô!
Có thể nói, Vũ Trụ là một Tồn Tại vĩ đại vô thủy vô chung, vận động, chuyển hóa một cách hồn nhiên nên chúng ta gọi một tên khác là Tự Nhiên Tồn Tại. Vì không thể xuất hiện Hư Vô nên nó có một tiên đề hay một nguyên lý, nguyên lý đầu tiên, nguyên lý cội nguồn của tất cả các nguyên lý, qui luật, định luật mà vật lý học có thể khám phá ra được. Triết học duy tồn gọi đó là "nguyên lý Tự Nhiên". Nguyên lý tự nhiên phát biểu rằng, Tự Nhiên Tồn Tại là cái "CÓ" duy nhất, được tồn tại và chuyển hóa một cách tự do, miễn không xuất hiện Hư Vô. Do Tự Nhiên Tồn Tại và vận động của nó nhất nhất phải thỏa mãn nguyên lý Tự Nhiên nên Vũ Trụ là một thể thống nhất.".
"anh A nói tất cả các nguyên lý, qui luật, định luật trong vật lý đều có xuất xứ từ nguyên lý Tự Nhiên (nhiều khả năng do anh bịa ra chứ không thật) nghe phi lý hết sức. Không lẽ vật lý học là hệ quả của nguyên lý Tự Nhiên?" - Ông C chen ngang đầy bức xúc.
"Theo tôi là như thế đấy! Còn ai có tin không thì lại là chuyện khác. Tùy!" - Ông A chỉ trả lời cho ông C có vậy rồi tiếp tục - "...Sự thực khách quan tuyệt đối là chỉ có "CÓ" tuyệt đối, không có "KHÔNG" tuyệt đối. Nói cách khác, sự thực khách quan là chỉ có Tồn Tại, không có Hư Vô. Muốn thế, Tồn Tại không thể yên lặng mà phải luôn luôn vận động để thể hiện sự Tồn Tại của mình. Suy ra, thể hiện là đặc tính vốn dĩ của Tồn Tại, là bản chất của Tồn Tại. Trong Vũ Trụ, mọi thực thể đều phải thể hiện ra xung quanh, đối với lẫn nhau, dù bằng cách này hay cách khác. Từ đó mà có các định luật cảm ứng điện - từ, vạn vật hấp dẫn, tác dụng tương hỗ...Ngày nay, tuy các định luật ấy đóng vai trò là nền tảng cơ bản góp phần xây dựng nên văn minh nhân loại, nhưng hình như vẫn chưa phải là chân lý khách quan đích thực? Chẳng hạn khi khoảng cách giữa hai vật tiến tới 0 (nhưng khác 0) thì còn lực hấp dẫn không và giá trị lực ấy bằng bao nhiêu, có khi nào là lớn đến vô hạn?
Dù chưa có một người nào đủ tài năng đứng ra thiết lập thành một học thuyết triết - khoa hoàn chỉnh, dù triết học duy tồn mới ở dạng sơ phác, nhưng tôi tin rằng rồi đây, trong tương lai, nó sẽ đóng vai trò trọng yếu trong nhận thức của loài người về thế giới tự nhiên.
Tương tự như đối với triết học Mác - Lênin, trước đây, tôi xem vật lý học là kim chỉ nam tìm hiểu mọi xuất sinh Vũ Trụ, nhưng dần dà tôi tin vào triết học duy tồn hơn. Vì dù vẫn chưa chứng minh được, dù những quan niệm của triết học duy tồn hầu hết đều xuất phát từ suy luận cảm tính, nhưng cách giải thích của nó về xã hội nói riêng hay tự nhiên nói chung có vẻ giản dị hơn, lưu loát hơn, vấp váp rất ít mâu thuẫn. Chẳng hạn, triết học duy tồn cho rằng, thế giới này không có gì ngoài không gian và thời gian. Không gian là một tồn tại thực, một mạng khối thể tích bền chặt không phân biệt trong - ngoài, được kết thành từ các điểm KG. Còn thời gian là một tồn tại ảo, là thước đo của sự vận động, chuyển hóa không gian. Thời gian tồn tại song hành, gắn kết chặt chẽ với không gian. Có thể nói, tuy không thể quan niệm không gian và thời gian hòa lẫn với nhau để hợp thành một khối không -thời gian như vật lý học hiện nay quan niệm được, nhưng không có không gian thì không có thời gian, và ngược lại, không có thời gian thì lập tức xuất hiện Hư Vô. Hư Vô là không Tồn Tại, là tuyệt đối không có gì. Trong hiện tại và hồi tưởng, thì quá khứ và tương lai là tồn tại ảo, nhưng nếu ở ngoài hồi tưởng, thì chúng chính là Hư Vô. Đối với căn nguyên Vũ Trụ, triết học duy tồn cho rằng, Vũ Trụ là một "khối" Tự Nhiên Tồn Tại vĩ đại. Tự Nhiên Tồn Tại là vô thủy vô chung, là vốn dĩ thế, có sẵn như thế, vận động theo ý chí phi lý trí tự thân thống nhất và duy nhất: bảo toàn Tồn Tại, không cho phép chuyển hóa Tồn Tại thành Hư Vô. Để phần nào giúp quan niệm ấy dễ dàng hơn, chúng ta có thể hình dung Tự Nhiên Tồn Tại là một đại dương mênh mông đầy ăm ắp mà không gian là nước và vật chất là băng, băng tan về với nước, nước kết lại thành băng. Vì đại dương ấy không có khái niệm trong - ngoài nên nó cũng không có khái niệm vô hạn - hữu hạn: đi về hướng tột cùng nhỏ sẽ đến tột cùng lớn và ngược lại, đi về hướng tột cùng lớn sẽ đến tột cùng nhỏ...
Với quan niệm như thế về Vũ Trụ, triết học duy tồn đã dứt khoát khẳng định rằng không có Thượng Đế hoặc nếu có thì Thượng Đế chính là Tự Nhiên. Để nhận thức được tận cùng Vũ Trụ thì trước hết và trên hết phải dứt khoát phủ định sự tồn tại của Thượng Đế. Còn học thuyết Big Bang, dù thấm đẫm tính khoa học, vẫn không loại bỏ được hoài nghi có hay không về sự tồn tại của Thượng Đế. Sự giải thích nửa vời về Vũ Trụ của học thuyết Big Bang dẫn đến việc dung túng khả năng tồn tại của Thượng Đế trong khoa học đã không những làm cho tư tưởng vô thần khoa học lâm vào tình trạng hoang mang, nhụt chí, mà còn làm cho tín ngưỡng tôn giáo (nhất là thiên chúa giáo và phật giáo) trở nên có vẻ thắng thế, "cười mũi" vào khoa học, thậm chí lấy tôn giáo làm chỗ dựa trí tuệ mỗi khi gặp bế tắc. Có lẽ đó cũng là nguyên do đưa Anhxtanh đến với tư tưởng phiếm thần đầy tính thỏa hiệp, yếm thế:
"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".
"Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".
Và ông để lại cho đời một phủ dụ nổi tiếng: "Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng".
Theo tôi thì câu nói đó không hay tý nào! Vì bất lực trước cuộc sống mà ngay từ thuở chào đời, tôn giáo đã mê muội, mù quáng, lầm lạc, khuyên con người giũ bỏ mọi lạc thú trên đời, thụ động tu thân, và do tính bảo thủ luôn tồn tại một cách tự nhiên trong tư tưởng của nó mà nó luôn mù quáng trong niềm tin tín ngưỡng của mình. Nhờ khoa học khai sáng nó mới dần dần tỉnh ngộ trong chừng mực nào đó. Nếu ai hỏi tôi về mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học, tôi sẽ nói thế này: "Chỉ có khoa học mới làm cho tôn giáo giác ngộ và cũng chỉ có khoa học mới đủ sức mạnh vùi chôn tôn giáo", hay thế này: "Tôn giáo mà thiếu khoa học thì không thể khai ngộ. Khoa học không mang màu sắc tôn giáo mới có khả năng nhận thức đúng đắn sự thực khách quan".
Học thuyết Big Bang hình thành trên hai cơ sở, một là từ lý thuyết tương đối rộng của Anhxtanh, hai là những kết quả đúc kết được từ việc quan sát các hiện tượng Vũ Trụ. Tuy rằng học thuyết Big Bang cho đến nay vẫn là giả thuyết, nhưng nền vật lý thực chứng đã gieo rắc niềm tin vững chãi về sự đúng đắn, tính hợp lý trong sự diễn giải về tiến trình hình thành Vũ Trụ đối với các nhà vật lý và ngày nay đa số các nhà vật lý đã coi thuyết này là một trong những kiến thức cơ bản để tìm hiểu Vũ Trụ. 
Tuy nhiên, như đã nói, quá trình hình thành học thuyết Big Bang cũng làm nảy sinh nhiều nghịch lý và nhiều câu hỏi nếu không dựa vào giả thuyết về sự tồn tại của Thượng Đế thì sẽ không trả lời được! Do đó, theo tôi, giả thuyết Big Bang có lẽ mãi là một huyền thoại làm say mê lòng người của vật lý cho đến khi nó giải quyết ổn thỏa các nghịch lý và trả lời rốt ráo được một cách "phi thần học" tất cả những câu hỏi phát sinh trong suốt quá trình hình thành nên nó như hình thái Vũ Trụ trước khi có điểm kỳ dị, tại sao có lực hấp dẫn, vật chất tối - năng lượng tối có thật không,Vũ Trụ giãn nở đến đâu, bản chất của sự giãn nở Vũ Trụ....
Trên mạng internet, tôi đã đọc được hai bài này. Bây giờ xin đọc hầu lại cho các bạn nghe.
Bài thứ nhất:

"Thuyết Vụ nổ lớn bị thay thế?

TUẤN SƠN - 16:04 20/02/2019



GD&TĐ - Thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang) – thuyết phổ biến nhất về sự hình thành vũ trụ, chứa nhiều sự giản lược. Tuy nhiên, chúng ta vẫn trung thành với thuyết này, bởi đơn giản là không có gì để thay thế nó. Thế nhưng, hóa ra, có các nhà khoa học “có đủ dũng khí” để đưa ra những thuyết mới.

Thuyết Vụ nổ lớn bị thay thế?


Trong số các nhà khoa học đó, chắc chắn có Niayesh Afshordi (Viện Vật lý lý thuyết Perimeter, Canada), Rajesh Purhasan và Robert Mann (ĐH Waterloo, Canada). Theo thuyết của họ, sự bùng nổ của cái gọi là điểm kỳ dị không thể tạo ra vũ trụ. Ba nhà khoa học này cho rằng có nhiều hiện tượng và quan sát mà thuyết Vụ nổ lớn không thể giải thích được.
Theo thuyết Vụ nổ lớn, vũ trụ hình thành thông qua sự giãn nở của điểm kỳ dị (mật độ vật chất vô cùng lớn). Tuy nhiên không ai biết trước đó là cái gì. Các nhà vật lý và vật lý thiên văn tranh cãi về chuyện tại sao lại có một thứ gì đó hình thành từ hư vô. Hơn nữa, các vấn đề, chẳng hạn như nhiệt độ ổn định của không gian vũ trụ đã không giúp hiểu sự việc một cách dễ dàng.
Theo các định luật Vật lý, vũ trụ với tuổi đời 13,8 tỷ năm, không thể đạt tới sự cân bằng nhiệt. Vậy mà vũ trụ đã đạt tới trạng thái đó! Như vậy, hoặc là thuyết Vụ nổ lớn có điểm sai, hoặc là chúng ta không thấy hết được bối cảnh ảnh hưởng đến hiện trạng này.
Giải thích sự bất thường nhiệt độ có thể dựa trên quan điểm cho rằng trong những thời khắc tồn tại đầu tiên vũ trụ giãn nở nhanh hơn so với vận tốc ánh sáng. Điều đó giúp giải thích, tại sao các phép đo cho kết quả khác với giả định ban đầu. Ngoài ra, một số nhà vật lý thiên văn khẳng định, vũ trụ non trẻ là không đồng nhất, thậm chí hỗn loạn. Vì thế sự giãn nở đồng nhất của vũ trụ ra các hướng là ít có cơ hội xảy ra.

Thuyết mới đề xuất sự tồn tại của những ngôi sao 4 chiều, có thể sụp đổ như những ngôi sao 3 chiều tương ứng. Các ngôi sao 4 chiều có thể bùng nổ như các siêu tân tinh, gây ra sự giãn nở mà các nhà khoa học quan sát được. Liên quan đến việc ấy, các nhà khoa học nhận thấy khởi đầu vũ trụ không phải là vụ nổ mà là sự sụp đổ của ngôi sao 4 chiều lớn, tạo ra siêu lỗ đen.
Nói một cách khác, các nhà khoa học đề xuất Vụ nổ lớn cần được xem là kết quả của một thảm họa ở chiều kích cao hơn. Vũ trụ mà chúng ta coi là vô hạn, chỉ là sự nhiễu loạn của siêu lỗ đen hoặc một đối tượng lý thuyết khác. Siêu lỗ đen hình thành do kết quả của sụp đổ sao có thể có chân trời sự kiện riêng, làm thành cầu nối giữa phần bên trong và môi trường bên ngoài lỗ đen.
Trong vũ trụ 3 chiều, chân trời sự kiện có diện tích 2 chiều, thế nhưng trong vũ trụ 4 chiều, nó có thể có hình siêu cầu. Sự giãn nở của vũ trụ có thể là hiệu ứng của sự giãn nở siêu cầu này trong không gian 3 chiều.

Theo Tuấn Sơn
Nauka".
Và bài thứ hai:

"Thuyết Big Bang có thể sai

Sự khởi đầu của vũ trụ có thể không phải từ vụ nổ Big Bang như chúng ta vẫn nghĩ lâu nay, mà lại giống quá trình nước đóng băng, một nhóm nhà vật lý học ở ĐH Melbourne và ĐH RMIT cho biết.

Họ cho biết bằng cách tìm hiểu những vết nứt và kẽ hở trên các loại tinh thể - trong đó có băng - thì cách hiểu của chúng ta về vũ trụ có thể thay đổi hoàn toàn.

James Quach, trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng đây là giả thuyết mới nhất đối trên hành trình truy lùng nguồn gốc và bản chất của vũ trụ.

“Người Hy Lạp cổ đại băn khoăn rằng vật chất được làm từ thứ gì: có phải từ một chất liền mạch hay các nguyên tử rời rạc? Với những kính hiển vi hiện đại nhất, chúng ta đã khám phá ra vật chất được cấu tạo từ các nguyên tử", Quach nói.

“Hàng nghìn năm sau, Albert Einstein giả thuyết rằng không gian và thời gian là liên tục và êm ả, nhưng giờ chúng ta tin rằng giả thuyết này có thể không đúng ở một chừng mực nào đó”.

Có thể vũ trụ không phải sinh ra từ một vụ nổ lớn như chúng ta vẫn nghĩ lâu nay. Có thể vũ trụ không phải sinh ra từ một vụ nổ
lớn như chúng ta vẫn nghĩ lâu nay. (Ảnh minh hoạ)

“Thuyết mới, được đặt tên là Quantum Graphity, cho rằng không gian có thể được tạo thành từ những hạt rất nhỏ và vô hình, giống như các nguyên tử tí hon. Những hạt vô hình này có thể so sánh với những điểm ảnh làm nên một bức ảnh. Thách thức hiện nay là những khối làm nên vũ trụ vô cùng nhỏ và không thể nhìn thấy trực tiếp”.

Tuy nhiên, James Quach và các đồng nghiệp tin rằng họ có cách để nhìn những nguyên tử đó một cách gián tiếp. “Hãy nghĩ vũ trụ thời nguyên sơ giống như một chất lỏng. Sau đó khi vũ trụ mát đi, nó được tinh thể hoá để trở thành ba chiều không gian và một chiều thời gian như chúng ta thấy ngày nay”.

Nếu giải thích theo cách vũ trụ trở nên mát hơn, chúng ta có thể nghĩ rằng trong vũ trụ nhất định phải có các khe nứt, tương tự như những khe nứt hình thành khi nước đóng băng. Theo PGS. Andrew Greentree, một số vết nứt như thế có thể nhìn thấy được. “Ánh sáng và các loại hạt khác sẽ bẻ cong hoặc phản chiếu những kẽ nứt đó, vì thế nên trên lý thuyết, chúng ta có thể tìm ra những kẽ nứt đó", PGS. Greentree nói.

Nhóm nghiên cứu đã tính toán một số hiệu ứng nếu những điều trên đây được kiểm nghiệm bằng chứng cứ. Có thể một ngày nào đó các nhà khoa học có thể sẽ trả lời được câu hỏi vũ trụ là liên tục, bằng phẳng hay được làm từ các hạt nhỏ xíu.

Cập nhật: 21/08/2012 Theo Đất Việt".
Rõ ràng, cũng đã có những nhà khoa học phủ định giả thuyết Big Bang. Tuy rằng những phủ định đó vẫn còn "rụt rè", chưa đủ sức thuyết phục. Muốn loại bỏ dứt khoát giả thuyết Big Bang ra khỏi công cuộc nhận thức Vũ Trụ, phải chứng minh được một cách thuyết phục và sáng tỏ rằng nó là một suy tưởng huyễn hoặc và hoàn toàn sai lầm. Đó là một điều rất khó vì dù sao, nó cũng có một cơ sở lý thuyết vững chắc và những thực chứng khó lòng bác bỏ. Nhưng một học thuyết nếu thực sự ẩn chứa sai lầm, nhất quyết phải có chỗ dung chứa cái nguyên nhân gây ra sai lầm ấy. Vậy thì nó ở đâu? Theo tôi, cần tìm nguyên nhân gây ra nhận thức sai lầm của thuyết Big Bang ở chỗ nó đã bắt đầu được xây dựng từ quan niệm sai lầm về không - thời gian, về lực hấp dẫn,..., và cách giải thích sai lầm về những hiện tượng Vũ Trụ."

                                                   *** 
(Còn tiếp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét