Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

QUÁI KIỆT LÀNG CỜ 26

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Đòn phi đao THẦN SẦU hạ sát cao thủ số 1
Mạnh Thần vs Vương Thiên Nhất Danh Thủ Mạnh Thần sử dụng đòn phi đao thần sần khiến cao thủ số 1 Vương Thiên Nhất phải ôm hận cay đắng biến thành Vương Thiên Nhì.

Những Kỳ nhân tuyệt thế trong lịch sử cờ tướng Trung Quốc

  1. Mặc định Những Kỳ nhân tuyệt thế trong lịch sử cờ tướng Trung Quốc

    Kỳ I. Vua pháo Ba Cát Nhân
    Trong số những kỳ vương tuyệt thế của lịch sử cờ tướng Trung Hoa, Ba Cát Nhân là một trong số rất hiếm hoi những người tộc Mãn. Tuy thế kỳ nghệ của Ba Cát Nhân cực kỳ tinh thâm, từng xưng hùng xưng bá một thời. Ông đặc biệt có sở trường sử dụng lối đánh " tuần hà Pháo", nên đời sau vẫn thường gọi ông là Tuần Hà Pháo Vương Ba Cát Nhân.

    1. Sử sách viết rằng, tổ tiên họ Ba vốn sinh sống ở vùng Đông Bắc, nhưng sau này khi người Mãn tiến vào Trung Nguyên, thành lập nên triều đình Mãn Thanh, tổ tiên họ Ba mới đến vùng Giang Tô làm quân rồi định cư luôn ở đó. Ba Cát Nhân sinh vào năm Đồng Trị thứ 7, tức năm 1868 tại vùng Trấn Giang, Giang Tô, nơi cha Ba Cát Nhân đương nhậm chức Tào Vận. Chuyện kể rằng, khi Ba Cát Nhân sắp ra đời, ngôi chùa Di Đà ở ngày cạnh phủ họ Ba bùng phát một trận hỏa hoạn vô cùng khủng khiếp. Lửa lan từ Tàng Kinh Các đến phòng phương trượng rồi từ Đại Hùng Bảo Điện lan sang Quan Âm các, cả ngôi chùa Di Đà chìm ngỉm trong một biển lửa. Nhìn ngọn lửa cháy đã 3 ngày 3 đêm chưa tắt đang bừng bừng lan sang nhà mình, cả phủ họ Ba hốt hoảng tìm cách di tản đồ đạc đi nơi khác. Trong lúc hốt hoảng, Ba phu nhân đã trở dạ sinh trước mấy ngày. Điều kỳ lạ là, đúng vào thời khắc đứa trẻ nhà họ Ba ra đời thì ngọn lửa như bị một phép thần dập tắt. Chuyện này được truyền đi, người vùng Trấn Giang đều nói, đứa con nhà họ Ba là tượng trưng của điềm may mắn, cát tường. Sau đó, vị quan đứng đầu Trấn Giang đã lấy cái tên “ Cát Nhân” ( người đem lại điềm may mắn) để đặt cho đứa trẻ này, ý rằng đứa trẻ này đem lại điềm may mắn cho mọi người. Cái tên Ba Cát Nhân của vị Kỳ vương tuyệt thế những năm sau này đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
    Ngay từ nhỏ, Ba Cát Nhân đã rất mê cờ tướng, lại thêm thiên phú thông minh nên mới hơn mười tuổi Cát Nhân đã tinh thông kỳ nghệ xưng hùng một dải Trấn Giang. Không chỉ thông minh hơn người Ba Cát Nhân còn rất cần cù hiếu học. Đối với kỳ nghệ Ba Cát Nhân càng chăm chú nỗ lực tìm tòi không biết mệt mỏi.
    Ba Cát Nhân ham học đến mức trên màn của ông lúc nào cũng dán sẵn một tờ giấy, bên trên là những thế cờ nổi tiếng của các cao thủ cổ kim. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, Ba Cát Nhân lại nằm nhìn chăm chăm vào thế cờ dán trên màn rồi trầm tư mặc tưởng suy nghĩ rất mông lung về những cách phá giải. Cho đến khi người đã mệt bã ra, hai mắt nhắm lại Ba Cát Nhân mới chịu ngủ yên. Cứ như vậy ngày qua tháng lại những biến hóa của thế cờ dần dần in sâu vào trong đầu Ba Cát Nhân, đồng thời khiến chơi cờ trở thành thứ vô cùng thân thuộc và gần gũi với Ba Cát Nhân.
    2. Những người yên cờ vùng Trấn Giang đều gọi Ba Cát Nhân là “Ba Bất Đấu”, liên quan đến biệt hiệu này có hai cách giải thích. Một thuyết nói rằng khi Ba Cát Nhân chơi cờ ông rất giỏi dùng pháo, tuần hà pháo, thuận thủ pháo, liệt thủ pháo đều rất tinh diệu, có thể nói là xuất thần nhập hóa áp đảo quần hùng. Những kỳ thủ đấu pháo với Ba Cát Nhân trên bàn cờ mười người thì có đến chín người thua. Vì thế mọi người mới đặt cho Ba Cát Nhân biệt hiệu “ Ba Bất Đấu”, nghĩa rằng chẳng ai đấu lại được ho Ba cả.
    Lại có một thuyết khác nói rằng, từ nhỏ Ba Cát Nhân đã chơi cờ rất giỏi. Năm 15 tuổi, Ba Cát Nhân đã không tìm được địch thủ ở vùng Trấn Giang. Khi đó, gia đình họ Ba còn rất sung túc, phụ thân thường mang Ba Cát Nhân đi khắp nơi để đấu cờ. Ba Cát Nhân kỳ nghệ hơn người đánh đâu thắng đấy nên lần nào hai cha con cũng trở về hả hê với một túi tiền đầy. Trước sau, Ba Cát Nhân đã đánh bại các cao thủ Hoa Hồng Tuyền ở Tô Châu, Quan Hồ Tử, Ngô Chí long ở Hàng Châu…. Một lần, Ba Cát Nhân hẹn thách đấu với một cao thủ trong vùng nhưng đến ngày hẹn người này đột nhiên thay đổi quyết định nhất quyết không chịu giao đấu với Ba Cát Nhân. Nguyên nhân là do vị cao thủ này thấy Ba Cát Nhân tuổi trẻ nhưng kỳ nghệ kinh người sợ khi đấu cờ sẽ thua, vừa mất tiền lại vừa mất danh nên chẳng bằng tìm cách thoái thác không tham gia nữa. Sau này cũng có rất nhiều cao thủ dùng cách đó để thoái thác những cuộc đấu trực tiếp với Ba Cát Nhân. Lâu dần giới chơi cờ thường gọi Ba Cát Nhân là “Ba Bất Đấu”

    Nguồn Báo Pháp luật và Cuộc sống
    Tác giả: Lê Văn
  2. Kỳ I. Vua pháo Ba Cát Nhân ( tiếp theo)
    3. Cho đến những thập niên đầu thế kỉ XX khi xã hội Trung Hoa bước vào thời kỳ Dân Quốc, từ một gia đình quan chức triều Mãn Thanh, gia đình họ Ba bắt đầu sa sút dần. Không còn bổng lộc của cha, lúc này miếng cơm manh áo của cả gia đình họ Ba đều đặt lên vai Ba Cát Nhân. Chẳng còn cách nào khác Ba Cát Nhân chỉ còn biết lấy việc đánh cờ ăn bạc làm nghề, dùng kỳ nghệ xuất thần nhập hóa của mình để tìm kế mưu sinh. Kể từ đây những trận cờ lừng danh của vị kỳ vương Ba Cát Nhân cũng bắt đầu.
    Để mưu sinh, kỳ tài cờ tướng một thời Ba Cát Nhân thường xuyên lui tới Thụy Nguyên trà lầu và Đồng Nguyễn trà lầu ở thành Trấn Giang để tìm người chơi cờ. Bới vì chơi cờ nổi tiếng nên mỗi lần chơi Ba Cát Nhân thường phải nhường đối thủ đi trước hoặc nhường đối thủ một đôi mã. Tuy nhiên, dù nhường thế nào thì Ba Cát Nhân vẫn ung dung giành chiến thắng.
    Một lần Ba Cát Nhân bày cờ ở Thụy Nguyên trà lầu đội nhiên một khách lạ tìm đến nói rằng vì ngưỡng mộ danh tiếng Ba Cát Nhân nên tìm đến đấu cờ. Theo thường lệ Ba Cát Nhân nhường người khách một đôi mã rồi dùng tuần hà pháo đánh cho người khách lạ thua không còn manh giáp nao. Sau này người ta mới biết rằng người khách bí ẩn đấy là một tướng quân nổi tiếng. Về sau dân gian mới chế ra câu vè chê bai vị tướng quân này đồng thời cũng ca ngợi sự tinh diệu vô song của nước tuần pháo của Ba Cát Nhân rằng: “ Duyên hà thập bát đả, tướng quân lạp hạ mã” ( ven sông mười tám trận, tướng quân phải ngã ngựa).

    4. Nước cờ của Ba Cát Nhân có phong cách rất riêng. Tất cả các loại binh chủng trên bàn cờ từ tướng, sĩ, tượng tới mã, xe pháo ông đều vận dụng rất tinh diệu. Chỉ cần vào tay Ba Cát Nhân thì dù chỉ là một quân tốt nhỏ nhoi cũng hóa rồng hóa hổ, sức mạnh kinh người. Tuy nhiên Ba Cát Nhân cực ký lợi hại trong việc điều khiển pháo có thể xưng là “ thiên cổ nhất tuyệt”. Trong suốt thời gian bày cờ mưu sinh ở các trà lầu, do trận nào Ba Cát Nhân cũng phải nhường nước hoặc quân nên quân pháo của ông càng trở nên tinh thông khó lường. Trong vô số những trận cờ mà Ba Cát Nhân tham gia ông không ngừng làm mới và phong phú thêm thế cờ sử dụng quân pháo như “đương đầu pháo” “quá cung pháo” “ quy bối pháo” … Trong các thế cờ này thế “ quy bối pháo” nhiều người cho rắng sức mạnh của các quân cờ chỉ tập trung ở tuyến trên mà để hở phần hậu phương. Tuy nhiên, “ quy bối pháo” của Ba Cát Nhân tuyệt không có chút sơ hở nào, thế tấn công cực kỳ mãnh liệt khó mà đỡ được. Chính vì thế những người chơi cờ trong vùng đều nhất nhất gọi Ba Cát Nhân “ Ba Bất Đấu” là “ Tuần hà pháo Vương”.
    Lúc còn sống, Ba Cát Nhân từng nói rằng: “ Những người mới học cờ đại đa số chỉ có thể dùng xe, luyện thêm một thời gian mới biết dùng pháo, sau đó mới biết dùng mã. Những người như vậy thì tạm coi như là học xong phần nhập môn. Đợi khi anh ta tiến bộ hơn thì mới học được cách sử dụng tốt. Thêm một thời gian nữa mới biết cách dùng tượng, dùng sĩ. Lại thêm một tầng bậc nữa mới có thể biết cách vận dụng quân tướng. Khi ấy mới có thể xem là đủ khả năng xưng hùng kỳ đài trở thành cao thủ.

    5. Sau khi bày cờ ở các trà lầu rồi đánh bại hàng loạt các cao thủ cờ tướng trong vùng, danh tiếng của Trấn Giang “ Tuần hà pháo Vương” Ba Cát Nhân càng được nhiều người biết tới. Vì thế các cao thủ, kỳ khách từ khắp mọi miền đất nước đều tìm về thành Trấn Giang gặp Ba Cát Nhân để so tài kỳ nghệ. Những cao thủ Trương Mưu của Nam Kinh, Dương Kim Đình ở Dương Châu …đều từng lặn lội đến Trấn Giang tìm Ba Cát Nhân thách đấu.
    Nhưng chẳng phải cao thủ khắp nơi tìm đến mà Ba Cát Nhân sợ hãi. Với người mê cờ như Ba Cát Nhân còn gì bằng có người cũng mình chơi cờ. Thế nên đã đến là không từ chối, Ba Cát Nhân chỉ trầm mặc bày cờ xuất quân ứng chiến. Và nhờ vào kỳ nghệ vo song khả năng khiển pháo tuyệt thế “ Tuần hà pháo Vương” Ba Cát Nhân vẫn trăm trận trăm thắng khiến những cao thủ kỳ nghệ đều phải tâm phục khẩu phục mà trở về. Người đời sau có thơ ca ngợi kỳ nghệ tuyệt luân của Ba Cát Nhân rằng: “Song pháo tề phi kết trận hùng, Đương đầu chuyển giáp thế như hồng, Duyên hà thập bát liên hoàn hưởng, Tiện tựa kinh lôi khởi nộ phong” ( nghĩa là: Hai pháo cùng xông lên kết thành thế trận hùng mạnh, Đối đầu chuyển góc thế tấn công như cầu vồng, Mười tám nước cờ ven sông nổ vang liên tiếp, Tựa như sấm động nổi gió dữ).

    Nguồn Báo Pháp luật và Cuộc sống
    Tác giả: Lê Văn
    Kỳ I. Vua pháo Ba Cát Nhân ( tiếp theo)

    Cây càng cao,gió lay càng dữ.Danh tiếng của Ba Cát Nhân càng nổi đình nổi đám càng khiến các bậc trưởng lão làng cờ cảm thấy bị xúc phạm nên tìm đến khiêu chiến .Lúc ấy danh tiếng của pháo vương Ba Cát Nhân uy hiếp trực tiếp vị trí của Tô Vạn Niên , một kỳ vương đất Dương Châu thời bấy giờ. Tô vốn là người Giang Tô ,kỳ nghệ cũng cực kỳ tinh thâm. Nhờ vào kỳ nghệ của mình, Tô tung hoành một dải Giang Nam nhiều năm trước sau chưa từng gặp đấu thủ. Kỳ nghệ của Tô cao siêu tới mức các đối thủ của họ Tô thường được chọn 3 tiên hay 1 mã. , Thế nhưng trong tất cả các trận đấu của mình Tô vẫn thắng nhiều hơn bại, thế nên kỳ giới đương thời vẫn gọi Tô Vạn Niên là Tô Vô Địch .
    Đương thời, cùng Tô Vạn Niên đứng ngang hàng còn một vị cao thủ nữa tên gọi Dương Kiện Đình. Vào cuối đời Thanh, cuốn kỳ phổ nổi tiếng ảnh hưởng gần như toàn bộ giới chơi cờ “ Thạch Dương di cục” chính là cuốn kỳ phổ ghi lại những ván đấu giữa Tô Vạn Niên và Dương Kiện Đình .Họ Dương xuất đạo muộn hơn so với Tô Vạn Niên vài năm, kỳ nghệ cũng kém hơn một chút. Tuy nhiên, Dương học nghề rất quyết tâm, khắc khổ nghiên cứu vì vậy kỳ nghệ ngày càng thăng tiến. Sau khi thành tài Dương háo hức vô cùng, quyết đi tìm cao thủ số một đương thời là Tô Vạn Niên thách đấu.
    Khi thông tin được truyền đi, những người yêu cờ xôn xao không ngớt. Ai cũng nóng lòng chờ xem vị khách lạ sẽ đấu với kỳ vương Dương Châu ra sao. Nhiều người còn đặt cược hàng chục lạng bạc cho một trận thắng. Sau khi cờ được bày xong, theo thường lệ Tô Vạn Niên định vươn tay bỏ đi một con mã của mình. Nhưng Dương Kiện Đình yêu cầu chỉ cần nhường ông đi trước chứ không nhận nhường mã, nói rằng nếu như đấu một trận mình không địch lại Tô thì sẽ chấp nhận nhường mã. Nhưng Tô Vạn Niên cũng muốn giữ thanh danh của mình nhất định không chịu phá lệ nhường mã. Trọng tài của trận đấu đó vỗn là một người nổi tiếng mê cờ Mã Đức An cũng nhiều người xem đều khuyên hai người nhượng bộ, thế nhưng cả hai đều cố chấp không chịu nghe. Cuối cũng mọi người đành chán nản thu bàn cờ rồi ra về. Tuy trận đấu giữa hai họ Tô Dương không thành nhưng từ đó hai người trở thành tri kỷ của nhau. Dương Kiện Đình cũng nhờ thế mà thành danh được người đời gọi là “ Tứ diện hổ”.
    Khi danh tiếng của “ Tuần hà pháo Vương” Ba Cát Nhân lan đến Dương Châu. Dương Kiện Đình cũng là một trong số những cao thủ hăm hở tìm đến Trấn Giang để so tài cao thấp. Dương vốn cho rằng kỳ nghệ của Ba Cát Nhân chắc chắn không thể lợi hại như người ta đồn đại. Nếu có cao thủ bậc nhất, thì cùng lắm cũng chỉ thi đấu ngang ngửa với mình là cùng, làm sao có chuyện “không thể đấu”. Vì thế cái tên “ Ba Bất Đấu” mà người đời dành cho Ba Cát Nhân chắc chắn chỉ là một huyền thoại do dân gian đơm đặt để khoa trương tài nghệ của Ba Cát Nhân mà thôi.Nghĩ vậy, Dương bèn lên thuyền đến Trấn Giang, thẳng đến Thụy Nguyên trà lầu khiêu chiến Ba Cát Nhân.
    Nhưng kết quả không hề ngang ngửa như Dương hằng mong đợi. Trong một ngày trước rất đông người xem Dương thua liền 6 ván trước Ba Cát Nhân. Đến kỳ vương Giang Nam Dương Kiện Đình cũng bị Ba Cát Nhân đánh cho thua liền 6 ván không thắng nổi 1, danh tiếng của “ Tuần hà pháo vương” càng trở nên vang dội, nhiều người đã mạnh bạo gọi ông là “ Thiên hạ vô địch” trên kỳ đàn Trung Hoa

    Nguồn Báo Pháp luật và Cuộc sống
    Tác giả: Lê Văn

Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam

Hữu Bình 04/12/2018 16:25
Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam Trong khi các kỳ thủ cờ tướng mạnh nhất của chúng ta "đến hẹn lại lên" tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM để thi đấu giải đấu thủ mạnh toàn quốc (từ 2-9/12) thì tại Trung Quốc, giới mộ cờ của họ đang được thưởng thức Bích Quế Viên Bôi - giải đấu dành cho các bậc "kỳ vương" (những người từng vô địch Trung Quốc) với giải thưởng "mơ ước" với mọi kỳ thủ VN…
Quá nhiều thiệt thòi, liệu có thể bù đắp?
Trước thềm giải đấu thủ mạnh toàn quốc, Ban chấp hành của Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam (mới tách ra từ Liên đoàn Cờ Việt Nam) đã tổ chức kỳ họp thứ 2, qua đó xác định được rất nhiều vấn đề bức thiết nhằm tạo điều kiện phát triển cho cờ tướng nước nhà có bước phát triển tốt hơn.
Giới mộ điệu cờ cả nước đều đã rõ về tiềm năng vô tận của thề thao trí tuệ nói chung, cờ tướng nói riêng tại Việt Nam. Nhưng không ít người tường tận rằng tiềm năng ấy bao lâu nay bị gò bó bởi hàng loạt những vướng mắc từ "cơ chế" tới điều kiện thực tế.
Cùng thời điểm này, các VĐV đỉnh cao của cờ vua đang thi đấu giải Đại hội thể thao toàn quốc tại Hà Nội - cũng là một giải đấu cấp quốc gia thôi, nhưng đấy lại thật sự là một niềm mơ ước của các VĐV cờ tướng đỉnh cao. Không có trong chương trình của Đại hội, đồng nghĩa với việc nhiều tỉnh, thành đã "nản chí", không còn muốn dành ngân sách đầu tư cho cờ tướng ở cấp đội tuyển nữa. Hà Nội - cái nôi của làng cờ miền Bắc và cả nước - là một minh chứng.
Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam - Ảnh 1.
Ban chấp hành của Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam (tác giả đứng hàng dưới, thứ 2 từ trái qua)
Rất nhiều tuyển thủ hoặc các tài năng xuất sắc của cờ tướng Thủ đô đã phải đầu quân cho một số tỉnh, thành khác (như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu hay thâm chí là… Thừa Thiên Huế) thi đấu tại các giải quốc gia chỉ vì không có "đất dụng võ". Liên đoàn Cờ tướng VN xác định: Cần cả một kế hoạch bài bản và dài hơi với hy vọng thay đổi nhận thức về Cờ tướng, để môn thể thao trí tuệ này cũng sẽ có cơ hội được đối xử công bằng…
Ở cấp độ thấp hơn, Ban chấp hành của LĐ Cờ tướng VN (mới được thành lập hồi tháng 5 vừa qua và tới tháng 10 mới hoàn chỉnh về thủ tục hoạt động) cũng đã lên kế hoạch để vận động, đưa cờ tướng vào chương trình của Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cấp khu vực cũng như các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (chưa nói tới cấp toàn quốc) do Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như ngành Giáo dục các địa phương tổ chức.
Được vậy, thì cơ hội để phát triển cờ tướng trong trường học  mới khả quan, cũng như tạo động lực to lớn đến phát triển cờ tướng trong giới trẻ nói chung. Thêm một thiệt thòi mà các giới chức hữu trách  với cờ tướng Việt Nam vốn chẳng hề muốn đề cập khi cứ phải so sánh với… "bên cờ vua"!
Đổi mới để tự cứu mình
Tại Trung Quốc, các VĐV đỉnh cao của họ có môi trường thi đấu chuyên nghiệp quanh năm với hàng loạt giải đấu lớn, trong đó có giải đồng đội VĐQG cũng tương tự như bên bóng đá (với những VĐV chuyên nghiệp, "ngoại binh", quy chế chuyển nhượng…), các CLB có sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, được tổ chức cực kỳ quy củ (qua đó tạo hiệu ứng truyền thông tốt).
Không những thế, họ có những giải cờ với giải thưởng cực lớn. Trận cờ "siêu cúp" giữa 2 nhà VĐQG gần nhất là Vương Thiên Nhất và Từ Siêu trị giá tới 3,5 tỷ đồng VN (người thua cũng được nhận 1 tỷ đồng). Còn tại giải Bích Quế Viên Bôi (lần thứ 7) đang diễn ra ở Quảng Châu, người vô địch cũng sẽ nhận được tới 2,5 tỷ đồng (chỉ cần góp mặt tham dự là có tối thiểu hơn 100 triệu đồng).
Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam - Ảnh 2.
Giải Bích Quế Viên Bôi có giá trị tiền thưởng rất lớn
Gần như tỉnh, thành lớn nào cũng có Kỳ viện - trường cờ được tổ chức quy mô, vừa là nơi đào tạo trẻ bài bản, vừa để các VĐV đỉnh cao tập trung nghiên cứu. Cờ tướng cũng từ lâu đã được Trung Quốc đưa và trường học, tạo cơ hội gìn giữ và phát triển môn thể thao trí tuệ "quốc hồn, quốc túy". Nào phải tự nhiên mà vòng loại giải quốc gia ở 1 tỉnh của Trung Quốc cũng có thể thu hút tới hàng chục nghìn VĐV phong trào tham dự?
Còn ở Việt Nam, thực tế là đa số các VĐV cờ tướng đỉnh cao còn không thể sống với đồng lương ít ỏi. Họ đành tự tìm thêm cơ hội: hoặc đánh cờ độ, dạy cờ phong trào, thậm chí kiếm việc khác để có thêm thu nhập. Họ cũng không có những giải đấu lớn để có thể thường xuyên sống trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp…
Chính vì nhiều địa phương không còn sự đầu tư cho cờ tướng nên tại giải đấu thủ mạnh toàn quốc 2018, thật xót xa khi chỉ có vỏn vẹn… 7 VĐV thi đấu ở giải cá nhân nữ, và 5 trong số cùng mang 1 màu áo: TPHCM (2 VĐV còn lại đến từ Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội).
Còn đó một chữ THƯƠNG cho cờ tướng Việt Nam - Ảnh 3.
Giải cờ tướng đấu thủ mạnh toàn quốc 2018 chỉ có 7 VĐV nữ
So sánh là khập khiễng, nhưng qua đó ít nhiều có thể thấy khoảng cách rất xa về điều kiện giữa cờ tướng VN với Trung Quốc. Dù tại các giải cờ tướng thế giới và châu Á, bấy lâu có một giải thưởng mang tên "Phi Hoa - Việt duệ" (giải dành riêng cho các kỳ thủ không phải gốc Trung Quốc và Việt Nam), cho thấy vị thế của cờ tướng VN không hề nhỏ.
Muốn thay đổi những thực tế đáng buồn bấy lâu, LĐCTVN cũng như các giới chức hữu trách cần tiến hành một cách đồng bộ, rất nhiều việc trong thời gian tới nhằm nâng tầm cờ tướng Việt, đồng thời tạo nên những hướng đi và cơ hội mới cho sự phát triển.
Để từng bước thay đổi nhận thức về cờ tướng (trong các cấp lãnh đạo, các ban ngành cũng như toàn xã hội), công tác truyền thông cho cờ tướng phải được quan tâm hơn, thậm chí xem như một "mũi nhọn" cần sự đầu tư nghiêm túc. Thực trạng "áo gấm đi đêm" bấy lâu nay thật sự đáng tiếc, và LĐCTVN cần quyết tâm đổi mới cách làm, cầu thị hơn với giới truyền thông, đồng thời cũng cố gắng thay đổi hình ảnh môn "thể thao trí tuệ" này với những dự án quảng bá theo đúng nghĩa.
Việc đẩy mạnh công tác truyền thông cũng đồng thời với tạo thêm cơ hội cho công tác vận động tài trợ, tạo nguồn tài chính của Liên đoàn nói riêng, cờ tướng VN nói chung. Bởi vậy, việc lên kế hoạch tổ chức một số giải đấu, sân chơi uy tín trên cơ sở cố gắng huy động các nguồn lực từ xã hội là vô cùng cần thiết. Giải cờ tướng trẻ châu Á mở rộng 2018 sắp diễn ra tại Quảng Ninh vào trung tuần tháng này là một ví dụ…
Chữ THƯƠNG với cờ tướng Việt vẫn còn đó. Nhưng đã đến lúc cần sự quyết liệt đổi mới để tự cứu mình, thay vì mãi chỉ biết khóc thương!


Hữu Bình

Kỳ thủ Hồ Vinh Hoa - Huyền thoại cờ tướng Trung Quốc

Hồ Vinh Hoa là kỳ thủ được liệt vào dạng huyền thoại của cờ tướng Trung Quốc. Ông được giới cờ tướng đặt cho danh hiệu Thập Liên Bá.

Hồ Vinh Hoa sinh năm 1945 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông đạt thành tích 14 lần vô địch cờ tướng toàn Trung Quốc - thành tích mà chưa có ai làm được cho tới ngày nay.

Thành tích cờ tướng của Hồ Vinh Hoa:

- Năm 1959 (14 tuổi) Hồ Vinh Hoa đã tham gia tập luyện tại đội tuyển cờ tướng người lớn của Thượng Hải.
- Đầu năm 1960 tham dự giải vô địch cờ tướng cá nhân toàn Trung Quốc và giành chức vô địch khi chỉ mới 15 tuổi. Từ năm 1960 đó đến năm 1979 giành ngôi vô địch mười lần liên tục, được gọi là thập liên bá.
- Vào các năm 1983, 1985, 1997 và 2000 ông tiếp tục giành chức vô địch cờ tướng cá nhân toàn Trung Quốc thêm bốn lần nữa. 
Ông là nhà vô địch ít tuổi nhất (15 tuổi) và nhà vô địch nhiều tuổi nhất (55 tuổi) của cờ tướng Trung Quốc.
- Trong thập kỷ 80 giành năm chức vô địch giải Ngũ dương bôi.
- Trong năm 1988 giành danh hiệu Kỳ vương đầu tiên.
- Vô địch đồng đội toàn Trung Quốc các năm 1960, 1979, 1986, 1991, 1994 cùng đội tuyển Thượng Hải
- Năm 1982 ông được phong Đặc cấp đại sư (cờ tướng Trung Quốc). Năm 1988 ông được phong Đặc cấp quốc tế đại sư. 
Kỳ thủ Hồ Vinh Hoa - Huyền thoại cờ tướng Trung Quốc
Kỳ thủ Hồ Vinh Hoa
- Trong hai năm 1982, 1991 ông được thưởng huân chương thể thao danh dự của Ủy ban TDTT Trung Quốc.

Phong cách chơi cờ của Hồ Vinh Hoa:

- Giỏi chơi cờ mù (không nhìn bàn). Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, cờ tướng bị cấm chơi, nên Hồ Vinh Hoa đã tự luyện tập chủ yếu bằng phương pháp chơi cờ mù này.
- Giỏi sáng tạo các biến, thay đổi đấu pháp khi chơi với các đấu thủ khác nhau.
Sở trường khai cục Phi Tượng, Phản cung Mã và Thuận Pháo. Trung cục thường đưa về các tình huống đối công căng thẳng để tranh thắng.
- Có khả năng nghiên cứu và khám phá các biến mới trong những khai cục cũ, ít ai dám chơi. Điển hình là cuốn sách Phản cung Mã chuyên tập đã xuất bản tại Singapore năm 1983.
- Đi trước thường khai cục bằng Phi Tượng, đi sau thường khai cục bằng Phản cung Mã, với rất nhiều biến mới tự nghiên cứu.

Sách cờ được viết bởi Hồ Vinh Hoa:

- Phản cung mã chuyên tập
- Hồ Vinh Hoa bình luận các ván cờ của mình
- Hồ Vinh Hoa Phi Tượng cục
- Hồ Vinh Hoa đối cục tuyển

Chức danh của Hồ Vinh Hoa trong giới cờ tướng:

- Chủ tịch viện cờ tướng Thượng Hải
- Phó Chủ tịch Hiệp hội cờ tướng Trung Quốc
- Phó Chủ tịch Hiệp hội cờ tướng châu Á
(theo Wiki)
KHÔNG ĐẬP ĐẦU CHỐT


Cách nay đã lâu – Chừng hai mươi năm có dư, khi tôi còn trẻ trung, có lần tôi gặp một cụ già. Tên thật của cụ không rõ là gì, chỉ nghe mọi người xung quanh gọi cụ là bác Chín nên tôi cũng gọi cụ như thế.

Bác Chín ở huyện Hàm Tân (La Gi) thuộc tỉnh Bình Tuy cũ, nay thuộc tỉnh Bình Thuận. Được biết bác Chín là người cao cờ nổi tiếng cả tỉnh Bình Tuy, đã từng thủ hòa với danh thủ Việt Nam Lý Anh Mậu (lúc đó Lý Anh Mậu là Tượng Kỳ Viện Sài Gòn, Biên Hòa), tại Giải trí trường Thị Nghè vào những năm 1959, 1960. Tôi và bác Chín đã có trao đổi về nghệ thuật cờ tướng và đúng là tiếng đồn không sai – những ván cờ bác Chín thủ hòa với Lý Anh Mậu tại cuộc thi đấu ở Giải trí trường Thị Nghè bác Chín còn nhớ như in trong tâm trí. Bác Chín đã đi lại ván cờ đó cho tôi xem từ nước sơ khởi cho đến nước kết thúc.


Tôi tấm tắc thán phục:

- Ván cờ này bác Chín xuất quân khai cuộc rất vững, còn ở trung cuộc thì có nhiều nước sáng tạo rất hay. Qủa là “danh bất hư truyền”.
Được tôi ngưỡng mộ nhưng bác Chín không tỏ thái độ khoái chí mà lại tỏ ra hối tiếc, Bác nói:

- Không hay đâu: Lý ra bác đã thắng nhưng vì đi sai một nước chốt nên Lý Anh Mậu mới thủ hòa được. Tuy vậy, hồi đó khán giả cũng hoan nghênh tán thưởng ghê lắm.

Tôi trầm ngâm suy nghĩ một lát để tìm nước đi sai lầm của bác Chín. Tôi hỏi:

- Có phải do nước đi sai lầm là chốt 5 bình 4 mà lý ra phải đi chốt 5 tấn 1 ăn sĩ?

Bác Chín gật đầu:

- Phải đó. Cơ hội làm bàn để thắng kiện tướng Lý Anh Mậu không còn nữa. Bác cứ ân hận mãi mà cũng vì thế mà ván cờ này bác không bao giờ quên được.

Tôi động viên bác:

- Không thắng, nhưng hòa được với Lý Anh Mậu thì cũng tốt rồi.

- Thì cũng được thôi, nhưng tiếc là vì mình không chịu suy nghĩ, bỏ lỡ đi một dịp “làm bàn” hiếm có.
- Có tiếc rẻ thì dịp may đó cũng không còn nữa, ở đời ai mà chẳng mắc phải sai lầm.Đó chính là những bài học kinh nghiệm nhớ đời nhắc nhở mình luôn phải cẩn trọng trước những danh thủ.

Trong những ván cờ tôi và bác Chín đấu giao hữu, có khi hứng chí tôi đập quân chốt của bác một cái “cốc” nên thân, bác Chín liền ngừng cuộc cờ và đi lấy dầu xoa đầu cho quân chốt vừa bị tôi bắt.

Tôi lấy làm lạ, cứ tưởng bác Chín giận nên xin lỗi:

- Cháu vì hứng chí nên nặng tay, xin bác Chín thứ lỗi.

Bác Chín ôn tồn:

- Tôi đâu có giận cậu, nhưng nghĩ tội nghiệp con chốt quá. Xức dầu cho nó là để tỏ lòng quí trọng nó đó chớ.

- Quân cờ làm bằng sừng vô tri vô giác mà bác Chín làm như quân cờ là con người vậy? Tôi hỏi.

- Thế thì cậu không hiểu gì cả, bác Chín nghiêm sắc mặt – Cậu đánh cờ có khá thật, nhưng cái đạo lý cờ tướng thì dường như cậu chưa biết gì nhiều.

Lời nhận xét của bác Chín vừa đúng đắn vừa sâu sắc nên làm cho tôi hổ thẹn. Tôi cúi mặt, không còn dương dương tự đắc như trước.

- Quả thật cháu chưa hiểu cái gì gọi là đạo lý cờ tướng cả. Xin bác vui lòng chỉ giáo.

Thấy tôi thật lòng muốn học hỏi bác Chín mới nói tiếp:

- Trong cờ tướng có nhiều loại quân cờ như cậu biết đó. Ngoài tướng là thành phần độc tôn vì quí giống như vua của một nước thì còn có sĩ, tượng, xe, pháo, mã, chốt. Nếu nói về tôn ti trật tự thì cao nhất là tướng rồi mới đến sĩ, tượng, xe, pháo, mã và cuối cùng là quân chốt. Chốt là hàng binh lính. Người ta sẵn sàng thí chốt bất cứ lúc nào. Người ta xem chốt như con vật hy sinh. Khi nào thấy có lợi thì họ thí chốt. Chỗ nào nguy hiểm thì đẩy chốt tới trước, giống như con chó săn thui thủi vào bờ bụi để bắt con mồi cho chủ dẫu có chết cũng không trốn chạy. Người ta không hề biết quý trọng quân Chốt. Người ta yến tiệc linh đình mừng chiến công. Vua quan tướng tá chỉ biết hỉ hả, có ai để ý nhớ tới quân chốt đã hy sinh để cho họ được sung sướng đâu.

Bác Chín trầm ngâm, tư lự, không nói nữa. Một lúc lâu sau, bác Chín nhìn tôi, rồi hỏi:

- Cậu thấy sao? Nhân tình thế thái như vậy có được không?

- Như vậy thì bạc nghĩa quá. Tôi trả lời.

- Vậy mà quân chốt nó nghĩ sao cậu có biết không?

Ôi! Câu hỏi thật là hóc búa. Quân chốt được làm bằng gỗ, hoặc sừng, quí lắm thì cũng bằng ngà voi thôi. Những thứ đó đều là vật vô tri vô giác thì làm gì có suy nghĩ được. Tôi cứ ngỡ bác Chín già rồi lẫn thẫn, nên tôi hỏi lại:

- Bác Chín hỏi đùa cháu phải không?

- Đâu có đùa. Tôi hỏi thật chứ.

Bác Chín lặp lại câu hỏi – Quân chốt nó suy nghĩ gì cậu có biết không?

- Cháu xin chịu – có gì xin bác chỉ giáo cho.

- Nếu cậu không biết thiệt thì tui nói cho cậu nghe. Bác Chín đằng hắng rồi tiếp – Quân chốt nó chỉ có một ý nghĩ là lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tướng. Biết rằng đi vào chỗ chết nhưng lúc nào nó cũng tuân lệnh tiến lên chứ không bao giờ chịu thụt lùi. Cậu thấy có đúng không?

Lúc này tôi mới vỡ lẽ:

- Đúng ạ! Bác Chín phân tích thật chí lý. Vì bác hiểu được quân chốt suy nghĩ như vậy nên bác mới xức dầu xoa dầu cho quân chốt chứ gì?

- Đúng thế. Có được chiến công thắng lợi trước tiên phải ghi công đầu cho quân chốt chứ. Mình phải biết quí trọng quân chốt. Bác Chín cười rồi tiếp – Chứ ai lại nhè đầu quân chốt mà đập như cậu vậy. Bây giờ cậu đã phần nào hiểu được đạo lý của cờ tướng chưa?

- Dạ cháu hiểu rồi ạ! Từ nay về sau cháu xin chừa không bao giờ dám đập đầu quân chốt nữa. Nhưng thưa bác Chín ngoài quân chốt ra còn tất cả các quân cờ khác cháu có thể đập đầu chứ?

- Đập tuốt. Vì trừ quân chốt ra thì các quân cờ còn lại dẫu thiện chiến như xe, pháo, mã, sĩ, tượng đều chạy lui hết. Hễ thấy thắng thì tiến lên, còn thấy bại thì thụt lùi.

- Còn tướng thì sao bác Chín? Có được đập đầu không hở bác?

- Đập tuốt luôn – Bác Chín cười thoải mái. Vì tướng cũng thụt lùi như các quân cờ khác vậy. Cái đạo lý của cờ tướng là quý trọng sự trung thành, cái dũng cảm dám hy sinh thân mình cho sự sinh tồn của Tổ quốc mà không hề nghĩ tới một tí lợi riêng tư nào, như quân chốt ấy vậy.

- Xét cho cùng cái đạo lý của cờ tướng cũng sâu sắc quá bác Chín nhỉ!

- Đúng thế. Nếu nghệ thuật cờ tướng không phong phú và sâu sắc thì làm sao nó tồn tại hàng mấy ngàn năm qua cho được.

Từ dạo chia tay bác Chín đến nay, tôi chưa có dịp nào gặp lại bác. Không biết bác Chín có còn không. Tuy nhiên cái đạo lý cờ tướng mà bác đã dạy bảo hôm nào thì vẫn còn đọng mãi trong tôi. Cũng như kể từ ngày ấy tôi biết khiêm tốn hơn, không muốn tranh hơn thua với ai. Đánh cờ chỉ cốt để tìm hiểu cho am tường bộ môn nghệ thuật phong phú của người xưa, rút ra cho được cái sâu sắc tiềm ẩn trong đạo lý của cờ tướng và tìm ra được những cách ứng xử hợp với đạo lý của cuộc đời.

( Theo Dương Diên Hồng - " kỳ đạo - nghệ thuật cờ tướng " )


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét