CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 154
ĐC sưu tầm trên NET)
Phương Vũ
Anne Frank, Cô bé luôn sống mãi | Compa Cuộc Đời
Nhật ký của thiếu nữ Do Thái bị phát xít Đức sát hại
Renia Spiegel bắt đầu viết nhật ký vào ngày 31/1/1939 mà không biết rằng ba năm sau mình sẽ qua đời khi vừa bước qua tuổi 18.
"Tôi muốn nói với ai đó về những nỗi lo lắng và niềm vui hàng ngày của
mình, ai đó có thể cảm nhận tâm trạng của tôi, tin tưởng điều tôi nói và
không bao giờ tiết lộ bí mật của tôi", Renia giải thích lý do viết cuốn
nhật ký từ trang đầu tiên.
Thiếu nữ Do Thái Renia sống cùng em gái Ariana ở nhà của ông bà tại
Przemysl, thị trấn nhỏ phía đông nam Ba Lan vào thời điểm bắt đầu viết
nhật ký, vài tháng trước khi Thế chiến II bắt đầu. Ở tuổi 15, Renia thầm
thương Zygmunt Schwarzer, người cô "gọi yêu" là Zygu, hơn cô một tuổi.
Chàng trai này là chủ đề chính trong cuốn nhật ký, với những bài viết
bộc lộ cảm xúc đầy e thẹn của một thiếu nữ mới lớn.
Hai người đã trải qua nhiều tháng ngượng ngùng với nhau. Tới tối
20/6/1941, Zygmunt quyết định đẩy mối quan hệ lên một nấc thang mới khi
cùng Renia trao nụ hôn đầu.
"Trời tối, chúng tôi không thể tìm thấy đường và lạc lối. Chuyện xảy ra
quá đột ngột, bất ngờ, ngọt ngào và đầy lo sợ. Tôi không nói nên lời và
bối rối khủng khiếp. Anh ấy nói: 'Renuska, hãy trao anh một nụ hôn'.
Trước khi tôi ý thức được, điều đó đã đến", nhật ký có đoạn.
![]() |
Nhật ký và ảnh của Renia Spiegel. Ảnh: NY Post.
|
Hai ngày sau đó, Đức Quốc xã tuyên chiến với Liên Xô, chấm dứt hiệp ước
không xâm lược lẫn nhau và đưa quân vào miền đông Ba Lan.
Đối với Renia, khi chiến tranh len lỏi vào cuộc sống thường nhật, tình
yêu trở nên cần thiết, mang lại niềm an ủi mà cô vô cùng khao khát. "Số
phận thật trớ trêu. Tôi và Zygu không chắc có thể sống sót. Nhưng khi đi
dạo cùng anh ấy trên những con phố xa xôi, tôi cảm thấy hạnh phúc",
Renia viết trong nhật ký, vài tuần sau nụ hôn đầu.
Renia và cha mẹ của Zygmunt sau đó đều phải đi trốn để tránh bị đưa tới
các trại tập trung giam người Do Thái do không có giấy phép lao động.
Zygmunt đã tiếp quản cuốn nhật ký của Renia.
Những ngày tiếp theo, Zygmunt nỗ lực trong tuyệt vọng để cứu lấy "ba
người quý giá nhất cuộc đời mình", nhưng không thành công. Lính Đức Quốc
xã cuối cùng tìm thấy nơi ẩn náu của ba người trên gác xép một ngôi nhà
ở Przemysl.
"Ba phát súng! Ba mạng sống ra đi! Định mệnh đã đưa những người thân yêu
nhất rời khỏi tôi. Cuộc đời của tôi chấm dứt rồi. Tất cả âm thanh tôi
có thể nghe thấy chỉ là tiếng súng", Zygmunt viết những dòng cuối cùng
trong cuốn nhật ký. Renia bị phát xít Đức bắn chết vào ngày 30/7/1942,
chưa đầy hai tháng sau khi cô tròn 18 tuổi.
Zygmunt bị đưa vào trại tập trung Auschwitz nhưng vẫn sống sót. Hiện
chưa rõ cách ông cất cuốn nhật ký trước khi bị đưa vào trại và làm thế
nào ông lấy lại được nó vào những năm 1950.
Sau khi thoát khỏi Auschwitz, Zygmunt tìm đường tới New York, nơi mẹ và
em gái của Renia sinh sống và trao cuốn nhật ký cho họ. Ariana, em gái
của Renia, đã đổi tên thành Elizabeth Bellak và hiện 88 tuổi. Bà cất
cuốn nhật ký trong một hộp ký gửi an toàn suốt nhiều thập kỷ bởi không
đủ can đảm để đọc.
"Renia đảm nhiệm thay vai trò mẹ chúng tôi khi bà ấy ở xa. Mỗi khi mở
cuốn nhật ký tôi đều khóc vì có quá nhiều cảm xúc", bà Bellak cho biết,
kể thêm rằng Renia yêu thích sáng tác thơ và đã giành được nhiều giải
thưởng trước chiến tranh.
Alexandra Renata Bellak, con gái của bà Bellak, là người nhận ra giá trị
của cuốn nhật ký. Hồi năm 2014, cô tới gặp đạo diễn người Ba Lan Tomasz
Magierski và nhờ ông giúp tìm kiếm một nhà xuất bản. Ông không những
giúp Alexandra xuất bản sách, mà còn sản xuất một phim tài liệu có tên
"Những giấc mơ tan vỡ" dựa trên cuốn nhật ký. Bộ phim được công chiếu
tại một rạp ở Ba Lan hôm 18/9. Toàn bộ 700 trang nhật ký cũng đã được
xuất bản tại 13 quốc gia, trong đó có Anh, Đức, Nga và Mỹ.
Nhà sử học Alexandra Garbarini, giáo sư tại Đại học Williams, bang
Massachusetts, Mỹ, cho biết câu chuyện của Renia khá đặc biệt. "Tài liệu
này cho thấy cuộc sống của một thiếu nữ trước và trong chiến tranh, cho
tới khi cô phải tới sống ở khu biệt cư của người Do Thái và bị xử tử.
Nó vô cùng hoàn hảo", giáo sư giải thích.
Theo nhiều khía cạnh, Renia được coi là đại diện của hàng chục nghìn
thiếu nữ sống cùng thời và bị tước đi mạng sống trước khi có thể tận
hưởng trọn vẹn tuổi trẻ và mối tình đầu của họ. Cuốn sách về Renia còn
được ví như phiên bản khác của Nhật ký Anne Frank, cô gái người Đức gốc
Do Thái qua đời trong cuộc tàn sát Holocaust của phát xít Đức.
"Họ là hai người trẻ tuổi đã cứu lấy chính mình khỏi sự khủng khiếp của
chiến tranh nhờ tình yêu sâu sắc dành cho nhau", Marcel Tuchman, người
kết bạn với cả Renia và Zygmunt trong thời chiến, trả lời phỏng vấn hồi
năm 2016.
Ông Tuchman vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Zygmunt sau khi cả hai bị
đưa tới Auschwitz, cùng sống sót và di cư sang Mỹ, nơi họ trở thành bác
sĩ. Zygmunt mất năm 1992 ở tuổi 69 và Tuchman qua đời năm 2018 khi 97
tuổi.
Mitchell Schwarzer, con trai của Zygmunt, cho biết cha mình bị ám ảnh
bởi cuốn nhật ký khi sao chép ra nhiều bản và đọc chúng suốt hàng giờ.
"Vào một ngày nọ ông ấy nói với tôi rằng: 'Nhìn này, đây là nhật ký của
mối tình đầu của bố. Chúng ta từng vô cùng gần gũi. Cô ấy là bạn tâm
giao của bố'", Mitchell kể lại.
Bà Bellak cho biết Zygmunt từng nói rằng "quá khứ không lùi xa mà hiện
diện trong trái tim của chúng ta, cũng như những hành động và bài học
chúng ta dạy cho con cháu".
"Zygmunt đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc với Gienia, một người Do Thái tới
từ Ba Lan khác. Ông ấy không bao giờ quên chị gái tôi", bà Bellak nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Bộ tranh giải phẫu người mang quá khứ đen tối của phát xít Đức
Bộ tranh Giải phẫu Cơ thể người Pernkop rất hữu ích với các bác sĩ, nhưng phía sau nó là quá khứ đẫm máu của phát xít Đức.
![]() |
Eduard Pernkopf (áo đen) và các họa sĩ. Ảnh: BBC.
|
Khi bác sĩ phẫu thuật thần kinh Susan Mackinnon từ Đại học Washington ở
St Louis cần sự giúp đỡ để hoàn thành một ca phẫu thuật, bà lấy ra một
cuốn sách về giải phẫu từ giữa thế kỷ 20.
Nhờ các hình vẽ minh họa thể hiện cơ thể con người theo từng lớp,
Mackinnon hoàn thành thành công ca phẫu thuật. Sách mà bà sử dụng là Bộ
tranh Giải phẫu Cơ thể người Pernkopf gồm 4 tập, thường được gọi là
Atlas của Pernkopf. Nó được nhiều người coi là bộ tranh giải phẫu tốt
nhất trên thế giới, cụ thể và sống động hơn bất kỳ cuốn sách nào khác.
Da, cơ, gân, dây thần kinh, các cơ quan và xương được thể hiện tường tận
từng chi tiết. Cuốn sách này không dành cho những người yếu tim.
Tuy nhiên, nó không còn được xuất bản, bộ sách đã qua sử dụng được rao
bán với giá hàng nghìn USD trên mạng. Mặc dù sách rất có giá trị, ít
người trưng bày nó trong phòng khám, thư viện hoặc nhà họ, bởi các bản
vẽ trong sách được thực hiện dựa trên việc cắt xẻ thi thể hàng trăm
người bị phát xít Đức sát hại.
Nhiều nhà khoa học trăn trở về vấn đề đạo đức khi sử dụng nó. Bác sĩ
Mackinnon nói rằng bà cảm thấy không thoải mái với nguồn gốc bộ tranh
nhưng nhấn mạnh rằng nó có thể giúp bà cứu người và làm vậy mới đúng là
một "bác sĩ phẫu thuật có đạo đức".
Giáo sư luật y tế Rabbi Joseph Polak, người sống sót sau thảm họa diệt
chủng người Do Thái Holocaust, gọi cuốn sách là một "ẩn số về đạo đức"
vì nó có nguồn gốc từ "tội ác thực sự, nhưng có thể được sử dụng để phục
vụ điều tốt".
Cuốn sách này là dự án 20 năm của bác sĩ Eduard Pernkopf, người đã vươn
lên nhanh chóng trong hàng ngũ học thuật ở Áo nhờ vào sự ủng hộ với đảng
của trùm phát xít Đức Adolf Hitler vào Thế chiến II. Từ năm 1938,
Pernkopf luôn mặc đồng phục của Đức quốc xã mỗi khi đi làm. Khi giữ chức
chủ nhiệm khoa tại Đại học Vienna, ông ta sa thải tất cả học giả Do
Thái trong khoa, bao gồm ba người đoạt giải Nobel.
Năm 1939, phát xít Đức ra luật yêu cầu thi thể tất cả tù nhân bị xử tử
ngay lập tức được đưa đến khoa giải phẫu gần nhất để phục vụ mục đích
nghiên cứu và giảng dạy. Pernkopf đã dành 18 giờ mỗi ngày mổ xẻ xác chết
để một nhóm họa sĩ vẽ lại.
![]() |
Một bức vẽ trong Bộ tranh Giải phẫu Cơ thể người Pernkop. Ảnh: BBC.
|
Bác sĩ Sabine Hildebrandt, từ trường y thuộc Đại học Harvard, cho biết
ít nhất một nửa trong số 800 hình ảnh của bộ sách là từ thi thể của các
tù nhân chính trị, bao gồm những người đồng tính, người Di-gan, nhà hoạt
động chính trị và người Do Thái.
Pernkopf bị bắt sau khi Thế chiến II kết thúc và bị sa thải khỏi trường
đại học. Ông ta bị giam tại một nhà tù của quân Đồng minh trong ba năm
nhưng không bị buộc tội. Sau khi được trả tự do, ông ta trở lại trường
đại học, tiếp tục ra sách và qua đời năm 1955.
Trong lần phát hành sách năm 1937, họa sĩ minh họa Erich Lepier và Karl
Endtresser còn lồng ghép biểu tượng phát xít vào chữ ký của mình. Phiên
bản tiếng Anh gồm hai tập được xuất bản năm 1964 cũng có chữ ký này. Các
phiên bản sau đó đã xóa đi biểu tượng của Đức quốc xã. Hàng nghìn bản
của bộ sách được bán trên khắp thế giới và được dịch ra 5 thứ tiếng.
Phần giới thiệu mô tả nó gồm "những bức vẽ ấn tượng" mà không đề cập đến
quá khứ đẫm máu.
Đến những năm 1990, sinh viên và các học giả mới bắt đầu đặt câu hỏi
những cơ thể được khắc họa trong sách là ai. Sau khi lịch sử tàn bạo
được tiết lộ, sách bị dừng xuất bản vào năm 1994. Đại học Phẫu thuật
Hoàng gia Anh cho biết tài liệu này không được sử dụng ở Anh nhưng được
lưu trữ ở thư viện.
![]() |
Bộ sách được lưu trữ tại thư viện Anh. Ảnh: BBC.
|
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trong giới các bác sĩ phẫu thuật thần kinh
gần đây cho thấy 59% số người được hỏi biết về sách của Pernkopf, 13%
đang sử dụng nó. 69% cho biết họ cảm thấy thoải mái khi sử dụng cuốn
sách dù đã biết về lịch sử của nó, 15% không thoải mái và 17% không trả
lời.
Bác sĩ Mackinnon cho biết không tài liệu nào có thể sánh ngang độ chính
xác và chi tiết của bộ tranh. Nó đặc biệt hữu ích cho các ca phẫu thuật
phức tạp vì nó giúp bà "xác định dây thần kinh nào trong số rất nhiều
dây chạy quanh cơ thể chúng ta gây ra đau đớn". Tuy nhiên, Mackinnon
khẳng định bà luôn đảm bảo những người tham gia vào cuộc phẫu thuật biết
về nguồn gốc đen tối của cuốn sách.
Tiến sĩ Jonathan Ives, nhà đạo đức sinh học (nghiên cứu về các vấn đề
đạo đức nổi lên từ những tiến bộ trong sinh học và y học) từ Đại học
Bristol, đồng ý rằng bộ tranh "chi tiết đến đáng kinh ngạc" nhưng nhấn
mạnh rằng nó bị vấy bẩn bởi "quá khứ kinh hoàng".
"Nếu chúng ta sử dụng nó và gặt hái những lợi ích từ nó thì việc này gây
cảm giác chúng ta là 'những kẻ đồng lõa", ông nói. "Nhưng bạn cũng có
thể lập luận rằng nếu không được sử dụng, bộ tranh sẽ bị quên lãng và nó
không thể nhắc nhở chúng ta về những gì đã xảy ra".
Năm ngoái, Rabbi Polak và nhà sử học y tế kiêm bác sĩ tâm thần Michael
Grodin đã nghiên cứu và ra kết luận hầu hết giới chức Do Thái cho phép
sử dụng bộ tranh này để cứu mạng người, với điều kiện những người liên
quan đến quá trình chữa bệnh được thông báo về lịch sử của nó.
"Hãy nhìn vào trường hợp của bác sĩ Mackinnon. Bà ấy không thể xác định
được một dây thần kinh dù bà ấy là người giỏi nhất trong ngành. Bệnh
nhân nói với bà ấy rằng 'tôi muốn cưa chân nếu bà không thể tìm thấy'.
Không ai muốn điều đó xảy ra cả", Polak nói.
"Vì vậy, Mackinnon phải sử dụng đến tài liệu của Pernkopf. Bà tìm thấy
dây thần kinh trong vài phút nhờ những bức vẽ", ông nói thêm. "Bà ấy đã
hỏi tôi về khía cạnh đạo đức của tình huống này. Tôi trả lời rằng nếu
cuốn sách có thể giúp chữa lành cho bệnh nhân và trả lại cho họ cuộc
sống thì không có lý gì nó bị cấm sử dụng".
Phương Vũ (Theo BBC)
Những anh hùng không cầm súng trong Thế chiến II
Lão nông Matvey Kuzmin và bác sĩ Desmond Doss là hai trong số nhiều người được tôn vinh là anh hùng dù không bao giờ cầm vũ khí.
Phi công Mỹ bị thương vẫn cố lái oanh tạc cơ cứu đồng đội năm 1944
![]() |
Sĩ quan tuyên úy Sampson làm lễ cho binh sĩ thiệt mạng tại Normandy. Ảnh: US Army.
|
Không phải anh hùng nào trong Thế chiến II cũng là người đạt thành tích
hạ nhiều binh sĩ đối phương. Một số đã tận dụng tài trí, sự hiểu biết
môi trường xung quanh và lòng dũng cảm để lập công mà không đụng tới các
loại vũ khí sát thương, theo War History.
Chuẩn tướng Francis L. Sampson sinh ngày 29/1/1912 ở
Cherokee, bang Iowa, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học Notre Dame năm 1937,
ông theo học tại Trường Thánh Paul ở bang Minnesota. Sampson được thụ
phong linh mục Công giáo La Mã vào năm 1941.
Sampson nhập ngũ năm 1942 và hoàn thành khóa huấn luyện lính dù, trở
thành sĩ quan tuyên úy trong biên chế Trung đoàn số 501 thuộc Sư đoàn
lính dù số 101 trong quân đội Mỹ. Ông được coi là một anh hùng trong
trận đổ bộ Normandy, Pháp ngày 6/6/1944.
Trong trận này, Trung đoàn 501 có nhiệm vụ đổ bộ xuống thị trấn Carentan
gần bờ biển Normandy để hỗ trợ quân Đồng minh. Ông nhảy dù xuống sông
Douve dưới cơn mưa đạn của Đức và phải bỏ lại gần hết trang bị để khỏi
bị chết đuối. Sau đó, Sampson phải bơi 90 m về vị trí ban đầu và lặn 5-6
lần để lấy lại quân tư trang dưới đáy sông.
Sampson bị bắt ngay tối 6/6 khi đang chăm sóc cho các đồng đội bị thương
và không đến được điểm tập kết. Khi sắp bị xử bắn, ông sợ hãi đến mức
đọc đi đọc lại lời cầu nguyện trước bữa ăn, thay vì kinh sám hối. Nhờ
vậy, một sĩ quan Đức theo Công giáo đã cứu mạng ông. Sampson được đưa
đến một căn cứ tình báo, bị thẩm vấn và được thả vì quân Đức đánh giá
ông không phải mối đe dọa.
Sampson trở về một trung tâm y tế gần bãi biển Normandy, nơi ông chăm
sóc cho cả lính Mỹ và Đức bị thương. Ông được trao tăng Huân chương Danh
dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, vì hành động nhân đạo
này.
Ngày 19/12/1944, Sampson nhảy dù xuống hậu phương địch ở Hà Lan và bị
bắt trong trận Bulge. Ông và các tù binh bị áp giải gần 300 km trong 10
ngày dưới thời tiết lạnh giá về trại giam Stalag II A, phía bắc Berlin.
Ngày 28/4/1945, Hồng quân Liên Xô tấn công nhà tù và giải thoát cho các
tù binh, trong đó có Sampson.
![]() |
Bill Millin (đứng) chơi kèn túi cho các đồng đội trước trận đánh. Ảnh: War History.
|
Bill Millin sinh ngày 14/7/1922 ở Regina, Canada. Ông
là nghệ sĩ kèn túi phục vụ trong quân đội Anh, trực tiếp tham gia trận
Normandy năm 1944.
Sau khi rời xuồng đổ bộ lên bờ biển Normandy, Millin chạy tới chạy lui
trên bờ biển để thổi kèn, bất chấp cơn mưa đạn từ lính Đức. Chỉ huy đơn
vị và nhiều đồng đội cho rằng đây là cách tuyệt vời để nâng cao sĩ khí,
trong khi nhiều lính Đức lại nghĩ rằng Millin bị điên và không còn nhắm
vào ông.
Chiếc kèn túi cuối cùng bị hỏng do trúng đạn, nhưng Millin vẫn chơi nhạc để giúp đồng đội thư giãn suốt trận đánh.
Matvey Kuzmin là một nông dân Liên Xô sinh năm 1858 tại làng Kurakino ở tỉnh Pskov, miền tây nước Nga ngày nay. Ông sống bằng nghề đánh bắt cá và săn bắn.
Khu vực Kuzmin sống bị phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến II. Quân
Đức tìm đến Kuzmin, nhờ dẫn đường để tìm lối tắt xuyên qua phòng tuyến
Liên Xô và đánh tập hậu điểm cao gần Kurakino. Ngày 13/2/1942, chỉ huy
Đức đề nghị Kuzmin, khi đó đã 83 tuổi, dẫn đường cho một tiểu đoàn đến
sau điểm cao Malkino để đổi lấy tiền, bột mì, xăng và một khẩu súng săn.
Kuzmin đồng ý nhưng bí mật bảo cháu trai đến cảnh báo Hồng quân Liên Xô.
Kết quả là binh sĩ Liên Xô tổ chức phục kích, gây thiệt hại nặng cho
đơn vị Đức với 50 tên bị tiêu diệt, 20 lính bị bắt sống. Trong lúc giao
tranh, một sĩ quan Đức đã phát hiện ra nguyên nhân cuộc phục kích và bắn
chết Kuzmin.
Ngày 8/5/1965, Kuzmin được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì ngăn
phát xít Đức giành chiến thắng quan trọng. Ông là anh hùng nhiều tuổi
nhất trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô.![]() |
Desmond Doss (phải) sau lễ trao Huân chương Danh dự. Ảnh: War History.
|
Bác sĩ quân y Desmond Doss là người theo chủ nghĩa hòa
bình và từ chối đụng vào vũ khí dưới mọi hình thức. Tháng 3/1945, lính
Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa và vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân
Nhật. Sau nhiều ngày giằng co, đơn vị của Doss bị sa lầy và hứng chịu
thương vong nặng nề.
Trong một đêm tại vách núi Hacksaw, Doss liên tục bò trên mặt đất suốt
12 tiếng để đưa 75 đồng đội bị thương, gồm cả chỉ huy là đại úy Jack
Glove, về tuyến sau chỉ bằng một sợi dây thừng. Anh liên tục phơi mình
dưới làn hỏa lực địch, kéo những người bị thương đến nơi an toàn rồi thả
họ xuống vách núi bằng một hệ thống ròng rọc.
Doss còn cứu đồng đội bằng cách đá văng một quả lựu đạn, khiến anh bị 17
mảnh kim loại găm ở chân khi quả lựu đạn phát nổ. Doss tiếp tục chăm
sóc các đồng đội bị thương trong 5 tiếng rồi mới tự băng bó vết thương.
Năm 1946, Doss được tổng thống Mỹ Harry S. Truman trao Huân chương Danh
dự tại Nhà Trắng. "Tôi tự hào về anh vì anh thực sự xứng đáng. Tôi coi
đây là vinh dự lớn hơn làm tổng thống", Truman nói với Doss khi trao
huân chương.
Duy Sơn
Viện sĩ Liên Xô 88 tuổi vẫn cầm súng ra chiến trường diệt phát xít Đức
Dù đang làm giám đốc một viện nghiên cứu, viện sĩ Morozov vẫn xung phong ra tiền tuyến và dùng khẩu súng bắn tỉa để diệt địch.
Nữ xạ thủ bắn tỉa 48 tuổi Liên Xô diệt 122 lính Đức trong Thế chiến II / 8 cô gái Nga kiện quân đội vì không được làm xạ thủ bắn tỉa
![]() |
Viện sĩ Nikolai A. Morozov. Ảnh: YWR.
|
Nikolai A. Morozov sinh năm 1854 trong gia đình có cha là quý tộc, còn
mẹ là nông nô. Sau khi gia nhập phong trào "Dân ý" (Narodnaya Volya),
lên kế hoạch và tham gia vụ ám sát Sa hoàng Alexander II vào ngày
1/1/1881, Morozov bị chính quyền Đế quốc Nga kết án 25 năm tù.
Trong thời gian ngồi tù, Morozov tự học 11 ngoại ngữ, nghiên cứu về vật
lý, hóa học, thiên văn học cũng như tìm hiểu về toán học, triết học và
chính trị. Năm 1905, Morozov được trả tự do trong một đợt ân xá, bắt đầu
nghiên cứu khoa học và công bố 26 công trình khoa học khác nhau, theo AIF.
Năm 1910, nghi ngờ Morozov có ý định ám sát Sa hoàng Nicholas II, chính
quyền Đế quốc Nga bắt giam Morozov thêm hai lần, khiến ông có tổng thời
gian ngồi tù gần 30 năm.
Năm 1918, sau Cách mạng tháng 10, Morozov được bổ nhiệm làm giám đốc
Viện Khoa học Tự nhiên P.F. Lesgaft và đảm nhận chức vụ này đến cuối
đời. Morozov có số lượng công trình nghiên cứu khổng lồ thuộc 17 lĩnh
vực khác nhau như thiên văn học, vật lý, hàng không, vũ trụ, triết
học...
Lĩnh vực Morozov đặc biệt quan tâm là hàng không vũ trụ, khi ông chế tạo
bộ trang phục đặc biệt trở thành nguyên mẫu cho trang phục vũ trụ Liên
Xô sau này.
Trong thời gian công tác, Morozov hoàn thành các khóa huấn luyện bắn tỉa
do lực lượng dân quân tổ chức. Dù phải đeo kính, viện sĩ này vẫn có
những phát bắn rất chính xác.
Khi phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô ngày 21/6/1941 khiến nhiều
người dân Leningrad thiệt mạng trong những trận pháo kích, Morozov liên
tục tới phòng tuyển quân, yêu cầu được ra tiền tuyến. Trước quyết tâm
của ông, đại diện Hồng quân nói rằng ông có thể tới mặt trận gần
Leningrad để chiến đấu, nhưng chỉ trong một tháng.
Khi viện sĩ Morozov mang theo khẩu súng trường bắn tỉa Mosin Nagant tới
trình diện, thiếu tá chỉ huy một tiểu đoàn phòng thủ tại mặt trận
Volkhov vô cùng bất ngờ. "Tháng 6 này tôi 88 tuổi. Anh đừng băn khoăn,
không ai gọi tôi vào quân đội, tôi tình nguyện. Hãy chỉ cho tôi vị trí
bắn được, tôi không cần gì đặc biệt, giống mọi người là được", Morozov
nói với tiểu đoàn trưởng.
Sau vài ngày chọn vị trí và hai tiếng phục kích, Morozov dùng khẩu Mosin
Nagant bắn hạ một sĩ quan Đức, lập chiến công đầu tiên. Trong khoảng
thời gian ngắn ở tiền tuyến, Morozov hạ thêm nhiều lính Đức. Trước khi
nổ súng, viện sĩ già tính toán rất cẩn thận đường đạn, đặc biệt trong
điều kiện độ ẩm cao.
Sự có mặt của viện sĩ Morozov ở chiến trường khiến những người lính Hồng
quân Liên Xô vừa ngạc nhiên, vừa kính phục. Viện sĩ 88 tuổi di chuyển
nhanh nhẹn trong chiến hào và cúi người tránh pháo, ăn cùng khẩu phần
với những người khác, không than thở dù điều kiện chiến đấu khắc nghiệt.
![]() |
Viện sĩ Morozov trên cánh đồng. Ảnh: YWR.
|
Tin tức về Morozov lan ra khắp mặt trận Volkhov và tới tai chỉ huy quân
Đức. Theo lệnh của trùm phát xít Hitler, lực lượng cảnh sát mật Gestapo
liệt Morozov vào danh sách những người cực kỳ nguy hiểm với Đức Quốc xã
và kết án tử hình vắng mặt. Phát xít Đức săn lùng Morozov, thường xuyên
pháo kích các vị trí chúng nghi "xạ thủ - viện sĩ" đang ẩn náu.
Chỉ huy mặt trận ra lệnh ngay lập tức rút Morozov về hậu phương và yêu
cầu viện sĩ quay lại tập trung nghiên cứu khoa học. Phản đối nhiều lần
không được, Morozov rời mặt trận Volkhov. Ở hậu phương, Morozov nhiều
lần đề nghị được trở lại chiến trường làm xạ thủ bắn tỉa nhưng bỏ cuộc
sau vài tháng bị khước từ.
Trong lá thư gửi lãnh đạo Stalin vào ngày 9/5/1945, Morozov viết: "Tôi
hạnh phúc khi còn sống để chứng kiến Ngày Chiến thắng phát xít Đức,
những kẻ gieo rắc bao đau thương cho Tổ quốc và nhân loại chúng ta. Thật
tiếc vì tôi chưa làm được gì nhiều trên chiến trường để góp sức cho
chiến thắng".
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Morozov là người lính cao tuổi nhất
trực tiếp chiến đấu chống phát xít Đức. Viện sĩ Morozov được trao Huân
chương Phòng thủ Leningrad năm 1944, hai Huân chương Lenin vào năm 1944
và 1945. Morozov qua đời tại nhà riêng ngày 30/7/1946, với lời trăn
trối: "Vĩnh biệt những vì sao".
Nguyễn Tiến
Tình bạn của Hitler với cô bé Do Thái
Hitler từng mời cô bé gốc gác Do Thái vào dinh thự của mình năm 1933 và trao đổi thư từ trước khi bị phụ tá cản trở.
Hitler có thể là người song tính
![]() |
Bức ảnh có chữ ký của Hitler được bán đấu giá tại Mỹ. Ảnh: Alexander Historical Auctions.
|
Thoạt nhìn, hình ảnh người đàn ông ôm một cô bé trông rất ấm áp. Nhưng
khi nhìn kỹ, bạn sẽ thấy một câu chuyện u ám hơn: đây là Adolf Hitler,
người đứng sau vụ giết hại 6 triệu người Do thái và cô bé đó là người Do
thái.
Bức ảnh hiếm này được chụp vào năm 1933 bởi nhiếp ảnh gia chính thức của
trùm phát xít, Heinrich Hoffmann. Tuần này nó được bán đấu giá tại Mỹ
với giá 11.000 USD, theo Washington Post.
"Hitler thường chụp ảnh với trẻ em vì mục đích tuyên truyền. Điều đáng
kinh ngạc về bức ảnh này là ông ta dường như có cảm tình thật sự với cô
bé", người chủ trì phiên đấu giá nói.
Ngày 20/4/1933, Rosa, 7 tuổi, và mẹ cô bé hòa vào đám đông mừng sinh
nhật của Hitler tại dinh thự Berghof ở Obersalzberg. Sau khi biết Rosa
trùng ngày sinh với mình, Hitler mời hai mẹ con vào trong dinh thự, nơi
bức ảnh này được chụp.
Bà của Rosa là người Do Thái nên cô bé cũng được coi là người Do Thái
theo luật chủng tộc của Đức quốc xã. "Nghiên cứu cho thấy rằng Hitler đã
sớm biết về gốc gác Do Thái của cô bé nhưng phớt lờ việc đó, vì lý do
cá nhân hoặc tuyên truyền", nhà đấu giá Alexander Historical cho biết
trên trang web.
Hitler đã gửi một bản sao bức ảnh kèm chữ ký cho cô bé. "Rosa Nienau
thân yêu và chu đáo, Adolf Hitler Munich, ngày 16/6/1933", ông ta viết.
Rosa sau đó dán tem của mình và vẽ hoa lên bức ảnh đen trắng.
Cô bé viết thư cho Hitler và phụ tá Wilhelm Bruckner của ông ta ít nhất
17 lần năm từ năm 1935 đến năm 1938, cho đến khi cô và mẹ bị thư ký
riêng của Hitler là Martin Bormann yêu cầu cắt đứt liên lạc. Trong lá
thư ngày 27/9/1936, cô bé viết: "Thưa bác Bruckner, hôm nay cháu có rất
nhiều điều để kể với bác. Cháu đang làm tất Giáng sinh cho bác Hitler vì
năm ngoái khi cháu hỏi bác ấy tất có vừa không, bác ấy trả lời là
"có!".
Hitler giận dữ với những người đã khiến ông ta mất liên lạc với người
bạn nhí. Ông ta nói với Hoffman: "Một số người có tài phá đám tất cả
những thú vui nhỏ của tôi".
Một năm sau khi Rosa bị cắt đứt liên lạc với Hitler, Thế chiến II nổ ra.
6 triệu người Do Thái chết khi cuộc chiến kết thúc vào 6 năm sau.
Rosa cũng không sống sót qua chiến tranh. Cô qua đời vì bệnh bại liệt
khi 17 tuổi tại một bệnh viện ở Munich năm 1943, một thập niên sau lần
đầu tiên gặp Hitler.
Đòn tâm lý khiến thuyền trưởng Đức tự đánh chìm chiến hạm năm 1939
Chiến dịch của hải quân Anh khiến Đức chịu thiệt hại nặng khi mất một chiến hạm đầy uy lực ngay đầu Thế chiến II.
Chiến hạm Đức trả giá khi đóng giả tàu khách Anh trong Thế chiến I / Đòn tập kích xóa sổ tham vọng hạt nhân của phát xít Đức năm 1943 / 5 vũ khí đáng sợ nhất của phát xít Đức trong Thế chiến II
![]() |
Tuần dương hạm Đô đốc Graf Spee hồi năm 1936. Ảnh: Wikipedia.
|
Đô đốc Graf Spee là tàu tuần dương lớp Deutschland được Đức đóng năm
1932, khi nước này bị cấm chế tạo tàu chiến có lượng giãn nước trên
10.000 tấn theo điều khoản hiệp ước Versailles được ký sau Thế chiến I.
Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân nhỏ nhưng tinh
nhuệ của Đức, nhưng nó lại bị đánh đắm chỉ bởi đòn tâm lý của hải quân
Anh.
Đô đốc Graf Spee có lượng giãn nước tới 16.000 tấn, nên để lách quy định
của hiệp ước Versailles, Đức gọi nó là "tàu bọc thép". Dù chỉ có kích
thước bằng một phần ba thiết giáp hạm Bismarck nổi tiếng sau này, Graf
Spee vẫn được trang bị hải pháo cỡ nòng 279 mm, thay vì các khẩu pháo
203 mm như tàu tuần dương hạng nặng thời đó.
Là một trong những tàu chiến đầu tiên sử dụng hoàn toàn động cơ diesel,
Đô đốc Graf Spee sở hữu hoả lực mạnh, khả năng cơ động cao và dự trữ
hành trình dài, khiến nó là vũ khí lý tưởng cho nhiệm vụ săn lùng, tiêu
diệt tàu buôn phe Đồng minh. Quân đội Anh gọi lớp Deutschland là "thiết
giáp hạm bỏ túi".
Năm 1939, tuần dương hạm Đô đốc Graf Spee dưới quyền chỉ huy của hạm
trưởng Hans Langsdorff nhận lệnh tiến về phía nam với nhiệm vụ đánh chìm
các đoàn tàu buôn ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Trong một thời gian
ngắn, "thiết giáp hạm bỏ túi" của Đức đã đánh chìm 9 tàu của đối phương
với tổng khối lượng 50.000 tấn.
Sự xuất hiện của Đô đốc Graf Spee khiến hải quân Anh chú ý. Họ nhanh
chóng xác định vùng hoạt động của tàu chiến Đức nhờ thông tin cầu cứu từ
các tàu buôn. Một trong các nhóm tàu chiến nhận nhiệm vụ săn lùng Đô
đốc Graf Spee nằm dưới quyền phó đề đốc Henry Harwood, gồm tuần dương
hạm hạng nặng HMS Exeter cùng hai tàu tuần dương hạng nhẹ HMS Achilles
và HMS Ajax.
Harwood dự đoán chiến hạm Đức sẽ tiến về cửa sông Plate nằm giữa
Argentina và Uruguay sau khi đánh chìm tàu buôn Doric Star. Sáng sớm
13/12/1939, lực lượng của Harwood phát hiện cột khói của Đô đốc Graf
Spee ở đường chân trời. Phía Đức cũng phát hiện tàu chiến Anh nhưng cho
rằng đó chỉ là tàu khu trục hộ tống đoàn tàu vận tải. Đến khi hạm trưởng
Langsdorff nhận ra sai lầm thì đã muộn, ba tàu chiến Anh với lợi thế
hoả lực đã tăng tốc tối đa để tiếp cận.
Tàu của Langsdorff không có nơi ẩn náu và sửa chữa nếu bị hư hại do phe
Trục không có cảng đồng minh ở Nam Mỹ, buộc nó phải thực hiện hành trình
dài 13.000 km, vượt qua vòng phong toả của phe Đồng minh để trở về Đức.
Đây cũng là lý do Bộ chỉ huy Đức yêu cầu Đô đốc Graf Spee không được
giao chiến với tàu có lượng giãn nước lớn hơn.
Tuy nhiên, Langsdorff không còn lựa chọn nào khác, bởi động cơ của Đô
đốc Graf Spee đang rất cần được bảo dưỡng sau nhiều tháng hoạt động trên
biển nên khó có thể chạy thoát khỏi đội tàu Anh. Đối phương cũng có thể
gọi lực lượng chi viện chặn đường trong quá trình truy đuổi. Bởi
vậy, hạm trưởng Đức ra lệnh tăng tốc tiến thẳng vào đội hình tàu Anh để
giao chiến.
![]() |
Đô đốc Graf Spee tiến vào cảng Montevideo sau trận đánh. Ảnh: Wikipedia.
|
Ba tuần dương hạm của Anh tấn công Đô đốc Graf Spee từ nhiều phía, buộc
đối phương phân tán hoả lực đối phó. Khi pháo Đức nhằm vào HMS Exeter,
chiếc Achilles và Ajax sẽ tận dụng tốc độ để tấn công giải nguy. Cả hai
bên đều phóng ra nhiều ngư lôi nhưng trượt mục tiêu.
Sau 30 phút chiến đấu, lợi thế thuộc về phe Đức khi HMS Exeter thiệt hại
nặng với cụm pháo chính bị bắn hỏng và đài chỉ huy hư hại, tàu HMS
Achilles và HMS Ajax cũng trúng nhiều phát đạn. Dù có thể đánh chìm tàu
Anh, hạm trưởng Langsdorff quyết định rút lui bởi Đô đốc Graf Spee cũng
bị một quả đạn pháo làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống tiếp nhiên liệu
đến mức nó chỉ còn đủ lượng dầu cho 16 tiếng hoạt động.
Hư hại này khiến tàu chiến Đức không thể trở về nước. Langsdorff hiểu
rằng phía Anh sẽ tiếp tục điều tàu tiếp viện để đánh chìm chiến hạm của
mình, nên quyết định cập cảng Montevideo của Uruguay, một quốc gia trung
lập. Đô đốc Graf Spee vẫn bị biên đội tàu của Harwood bám theo trong
hành trình đến nơi trú ẩn.
Khi đến cửa sông Plate, Langsdorff nhận ra mình đã "chui đầu vào rọ" bởi
tàu chiến nước ngoài chỉ được lưu lại cảng trung lập trong 24 tiếng và
hải quân Anh đang canh sẵn ngoài cảng. Luật quốc tế cũng quy định các
chiến hạm phải chờ 24 giờ sau khi tàu buôn đối phương rời đi mới được
nhổ neo. Lực lượng Anh và Pháp sắp xếp để các tàu buôn của họ thay nhau
rời cảng Montevideo nhằm giữ chân Đô đốc Graf Spee.
Trong thời gian đó, Phó đề đốc Harwood cho tàu chiến tập kết cách lãnh
hải Uruguay 5 km và liên tục phun khói, làm thủy thủ đoàn Đức tin rằng
Anh có lực lượng lớn ngoài khơi. Trên đất liền, tình báo Anh tung tin
đồn nước này đã điều một tàu sân bay và một tuần dương hạm hạng nặng đến
tiếp viện, dù thực tế lực lượng Anh chỉ được bổ sung tàu tuần dương HMS
Cumberland lạc hậu và nó cũng mất vài ngày mới đến nơi.
Các tàu chiến Anh khi đó đã gần cạn đạn pháo, nên nếu liều mình ra khơi,
tàu Đô đốc Graf Spee vẫn có thể lết được tới Argentina, quốc gia trung
lập nhưng có cảm tình với Đức.
Tuy nhiên, chính phủ Uruguay thân Anh đã gây sức ép, tuyên bố sẽ tịch
thu tàu và bắt giam thuỷ thủ đoàn nếu Đô đốc Graf Spee không rời cảng.
Bộ chỉ huy ở Berlin yêu cầu Langsdorff không được phép để tàu bị bắt.
Không muốn hy sinh mạng sống của thuỷ thủ cho trận chiến không cân sức
với hạm đội Anh, Langsdorff ra lệnh đánh chìm tàu Graf Spee vào ngày
17/12/1939. Uruguay sau đó cho phép Langsdorff cùng thuỷ thủ đoàn đến
thủ đô Buenos Aires của Argentina.
![]() |
Đô đốc Graf Spee sau khi bị thủy thủ đoàn phá hủy. Ảnh: Wikipedia.
|
Khi đến nơi, Langsdorff và thủy thủ đoàn bị báo chí Argentina gán tội
danh hèn nhát, Buenos Aires cũng định tống giam họ thay vì đưa về nước.
Hai ngày sau, Langsdorff viết bức thư tuyệt mệnh gửi tới đại sứ Đức tại
Argentina, khẳng định ông muốn bảo toàn danh dự bằng cách "chìm cùng con
tàu của mình". Hạm trưởng Đức nằm lên lá cờ Đức và tự bắn vào đầu.
Sự kiện Đô đốc Graf Spee bị đánh đắm đã giáng đòn nặng nề vào lực lượng
hải quân của Hitler, vốn có số lượng ít và chi phí chế tạo rất đắt đỏ. 6
tháng sau, thiết giáp hạm Bismack lớn nhất nước này bị đánh chìm trên
Đại Tây Dương. HMS Exeter, tuần dương hạm tham gia trận chiến với Đô đốc
Graf Spee, bị quân Nhật đánh chìm 8 tháng sau ở biển Java.
Lã Linh (Theo National Interest)
Nhận xét
Đăng nhận xét