Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 55

 
Chuyện Hoa Sim - Như Quỳnh
 
Chuyện Giàn Thiên Lý - Như Quỳnh

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc giải phóng hoặc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cộng sản có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".
-Giống như bóng tối không thể làm tiêu tan bóng tối, thì hận thù không thể xoa dịu được hận thù, và chiến tranh không thể xóa bỏ được chiến tranh.
-Chỉ có sự thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống, sự thấu hiểu về tính bất hạnh, vô nghĩa tột cùng của cái chết và sự cảm thông, yêu thương sâu sắc đồng loại mới có thể ngăn chặn được chiến tranh!
-Một khi còn tình cảm dân tộc hẹp hòi, lòng tham vị kỷ và cái tâm hận thù của con người, thì vẫn còn chiến tranh. 

 
This Is War - Music Video
 
------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
To the Shores of Iwo Jima

Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II

Thứ Bảy, ngày 31/08/2019 15:00 PM (GMT+7)

Nhân vật nhận được nhiều tình cảm của người dân Nhật Bản và điều khiển được cả Nhật hoàng lại là một người Mỹ, tướng Douglas MacArthur.

Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II - 1
Tướng Douglas MacArthur
Sau Thế chiến II, Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật bản, khoảng 10 triệu người không có lương thực, hơn 9 triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, 13 triệu người thất nghiệp.
Khoảng 6 triệu lính và dân thường từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về Nhật. 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở vùng nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước chiến tranh.
Theo Britainica, từ năm 1945 đến năm 1952, Nhật Bản nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Đồng minh và người có toàn quyền quyết định là Tư lệnh Tối cao lực lượng Đồng minh (SCAP), tướng Douglas MacArthur.
MacArthur là người Mỹ duy nhất từng chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn là Thế chiến I, II và Chiến tranh Triều Tiên. Những năm 30 của thế kỷ 20, ông từng làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, là một trong 5 quân nhân Mỹ được phong hàm Thống tướng, là người Mỹ duy nhất được Chính phủ Philippines phong hàm Nguyên soái quân đội Philippines.
Dẫu vậy, tiếp quản nước Nhật hậu Thế chiến II chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Lịch sử bất lợi với MacArthur khi chưa có cuộc chiếm đóng nào thành công trước đó, theo trang Macarthurmemorial.
Nhiệm vụ đầu tiên của vị tướng Mỹ là tìm ra hướng giải quyết với Nhật hoàng Hirohito. Nhiều người muốn thấy vị vua của nước Nhật khi ấy bị bắt giữ và bêu rếu vì những tội ác trong chiến tranh. Tuy nhiên, MacArthur lại đưa ra quyết định bất ngờ. Ông chờ Nhật hoàng lên tiếng trước. Vài tuần sau khi cuộc chiếm đóng bắt đầu, Nhật hoàng đề xuất một cuộc gặp mặt. MacArthur nhận lời và làm điều chưa từng xảy ra trước đó: Mời Nhật hoàng tới gặp tại nhà riêng.

Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II - 2
Bức ảnh chụp tướng MacArthur (trái) và Nhật hoàng Hirohito trong cuộc gặp mặt ngày 27/9/1945
Trong văn hóa Nhật Bản, mọi người phải tới trình diện với vua chứ không bao giờ có điều ngược lại. Dẫu vậy, cuộc gặp vẫn diễn ra vào ngày 27/9/1945. Một bức ảnh chụp cảnh Nhật hoàng cùng tướng MacArthur tại nhà riêng sau đó được công bố khắp nước Nhật.
Người Nhật mong chờ cuộc gặp để biết được cách thức cuộc chiếm đóng diễn ra và bức ảnh này cho họ một sự khích lệ. Vị vua của họ không bị hạ nhục. Về phía MacArthur, vị tướng Mỹ tin rằng sự thành công của cuộc chiếm đóng phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ và hợp tác của Nhật hoàng.
Tháng 1/1946, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố chính thức ủng hộ kế hoạch của tướng MacArthur nhằm dân chủ hóa Nhật Bản. Ngoài việc ủng hộ dân chủ hóa, Nhật hoàng còn nói với người dân rằng mình không phải "thiên tử". Theo quan niệm của người Nhật suốt hàng trăm năm, Nhật hoàng được xem là "thiên tử" và nắm mọi quyền lực. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc dân chủ, nơi quyền lực nằm trong tay tất cả mọi người.
Bằng cách từ bỏ sứ mệnh "thiên tử" của mình, Hirohito vẫn là vua của Nhật Bản nhưng không còn là người thâu tóm mọi quyền lực trong tay.  Tướng MacArthur rất vui với tuyên bố của Nhật hoàng và xem đây là một phần quan trọng để đảm bảo một nước Nhật dân chủ và ổn định.
Khi Thế chiến II xảy ra, khoảng 6 triệu lính Nhật Bản được điều động đi khắp chiến trường Thái Bình Dương. Trong suốt thời kỳ chiếm đóng ở Nhật, số lính này được đưa trở về quê hương. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng với MacArthur và phải mất nhiều năm tướng Mỹ mới hoàn thành nhiệm vụ.
Nó cũng là vấn đề khá phức tạp. Ở cấp độ nhân đạo, không gì tuyệt vời bằng việc đưa lính Nhật trở về nhà, đoàn tụ với gia đình họ. Trong khi đó, với nhiều khu vực ở châu Á phải hứng chịu chiến tranh, việc quân Nhật rút lui sẽ tạo tiền đề để các khu vực này xây dựng lại.
Tuy nhiên, việc MacArthur đưa về hàng triệu lính Nhật Bản cũng đồng nghĩa mang về thêm những khó khăn. Quốc gia Đông Á đang chật vật xây dựng lại sau chiến tranh, có rất ít cơ hội cho những binh lính mới trở về này. Và thành công của thời kỳ chiếm đóng khi đó được đánh giá dựa trên khả năng tái hòa nhập với xã hội của binh lính Nhật tham chiến ở nước ngoài.
Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II - 3
Phụ nữ Nhật có nhiều quyền lợi sau khi Hiếp pháp mới được thông qua năm 1946
Một điểm mới khác mà tướng MacArthur đem đến cho nước Nhật đó chính là vấn đề bình đẳng nam nữ. Trước Thế chiến II, phụ nữ Nhật Bản không có nhiều quyền như bỏ phiếu, sở hữu tài sản, kết hôn tự nguyện hay tranh cử. Nhưng khi thời kỳ chiếm đóng bắt đầu, tướng MacArthur đã chỉ đạo ủy ban soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản mới trực tiếp giải quyết vấn đề này và cấm nạn phân biệt giới tính.
Với việc Hiến pháp mới được thông qua năm 1946, phụ nữ Nhật có được nhiều quyền lợi, bao gồm cả quyền bầu cử. Điều này cho phép họ tự do, bình đẳng hơn với nam giới và có một vị thế cao hơn trong xã hội Nhật Bản. Cuộc bầu cử diễn ra sau đó chứng kiến 13 triệu phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên và 39 phụ nữ được lựa chọn vào cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản.
Trong suốt thời kỳ Chiếm đóng ở Nhật Bản, văn phòng tướng MacArthur được đặt tại tòa nhà Dai Ichi ở thủ đô Tokyo. Ông làm việc 7 ngày/tuần và giữ lịch trình này suốt thời gian dài. Dù từng là kẻ thù của người Nhật trong Thế chiến II, dấu ấn quản lý thời kỳ Chiếm đóng của tướng MacArthur khiến người Nhật vô cùng khâm phục. Họ gọi ông với nhiều biệt danh, một trong số đó là "Kẻ chinh phục tử tế".
Ngày 25/6 năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Khi Liên Hợp Quốc quyết định cử lực lượng đa quốc gia tới bảo vệ nền độc lập của Hàn Quốc, tướng MacArthur được chỉ định làm chỉ huy lực lượng này. Điều này đồng nghĩa tướng Mỹ sẽ phải "phân thân" khi vừa quản lý thời kỳ Chiếm đóng ở Nhật vừa tham gia cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Dù MacArthur có được những thành công lớn trong cuộc chiến Triều Tiên, ông và Tổng thống Mỹ Truman lại xảy ra nhiều bất đồng. Ngày 11/4/1951, tướng MacArthur bị mất chức.
Nhiều người trên thế giới sững sờ trước vụ việc. Dĩ nhiên, người dân Nhật Bản là những người buồn nhất. Khi MacArthur rời xứ Phù tang, khoảng 2 triệu người Nhật Bản đã tới chào tạm biệt ông.
"Người Mỹ coi MacArthur như một người chinh phục Nhật Bản nhưng người Nhật lại không nghĩ như vậy. Họ xem vị tướng Mỹ như một người giải phóng, người đứng trên cả vạn người và chỉ dưới các vị thần".
Rinjiro Sodei, nhà khoa học chính trị viết nhiều cuốn sách về tướng MacArthur.
"Ông ấy là người phù hợp với khuôn mẫu và là một vị tướng quân hoàn hảo".
 Frank Gibney, người phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ những ngày đầu thời kỳ Chiếm đóng.
Cuối thập niên 40 của thế kỷ 20, cuộc chiếm đóng Nhật Bản thành công. Người Nhật toàn tất một quá trình phi quân sự hóa, thông qua một hiến pháp dân chủ và xây dựng lại nền kinh tế của họ. Gần nửa năm sau khi MacArthur mất chức, hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký kết. Theo hiệp ước này, cuộc chiếm đóng Nhật Bản sẽ chấm dứt vào ngày 28/4/1952.
Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shigeru Yoshida đã gửi một bức điện tín cho MacArthur sau khi hiệp ước được ký kết. Giống như nhiều người Nhật khác, ông Yoshida tin tướng MacArthur giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra một Nhật Bản mới hậu Thế chiến II.
-----------------------------
Với sự mở đường của tướng MacArthur, Nhật Bản có bước phát triển đột phá. Nhiều người gọi đây là giai đoạn phát triển thần kỳ. Điều này sẽ được làm rõ trong 2 bài dài kỳ tiếp theo.
Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II
Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô vào hậu phương địch đã tạo nên bước ngoặt chiến tranh.

Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp (Dân Việt)




Kế hoạch của Mỹ đánh bom hạt nhân đội tàu chiến Nhật Bản

Thứ Hai, ngày 10/07/2017 19:45 PM (GMT+7)

Mỹ từng lên kế hoạch đánh bom cảng biển Truk, nơi được xem là Trân Châu Cảng “phiên bản Nhật” ở Thái Bình Dương.

Kế hoạch của Mỹ đánh bom hạt nhân đội tàu chiến Nhật Bản - 1
Mỹ từng dự định ném bom hạt nhân hạm đội tàu chiến Nhật Bản.
Chưa đầy một năm sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân hủy diệt. Chiến dịch Bước ngoặt năm 1946 đã thử nghiệm sức mạnh của bom hạt nhân với hạm đội tàu chiến và cảng biển.
Tuy nhiên, ít người biết rằng Mỹ đã lên kế hoạch tấn công các mục tiêu cảng biển, tàu chiến từ trước đó 2 năm.  Alex Wellerstein, sử gia kì cựu chuyên nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân tiết lộ rằng, Mỹ từng lên kế hoạch đánh bom hạm đội tàu chiến Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân. Dự định này còn được lên trước khi Mỹ ném bom vào hai thành phố là Nagasaki và Hiroshima năm 1945.
Kế hoạch của Mỹ đánh bom hạt nhân đội tàu chiến Nhật Bản - 2
Xác xe tăng Nhật Bản sau vụ tấn công của quân Mỹ ở cảng Truk.
Các nhà chiến lược của hải quân Mỹ nhận định, mục tiêu “khó nhằn” nhất ở khu vực Thái Bình Dương chính là cảng biển quân sự của Nhật Bản mang tên Chuuk hay còn biết tới với tên Truk. Sau khi kiểm soát đảo quốc Micronesia trong hơn 25 năm, Nhật Bản đã biến nơi này trở thành một phiên bản khác của Trân Châu Cảng nổi tiếng.
Với rạn san hô trải dài 60km quanh đảo và rừng cây xanh ngút tầm mắt, nơi đây chứa từ tàu chiến tới trang thiết bị hậu cần cho hải quân Nhật Bản. Quân Nhật điều động cả xe tăng lên đảo, đề phòng tình thế khẩn cấp. Sân bay tại đây có hàng trăm chiếc sẵn sàng cất cánh bất kể ngày đêm. Tiền tiêu của đảo là một tổ đội radar trực chiến.
Trong phiên họp của Ủy ban Chính sách Quân sự trong dự án Manhattan ngày 5.3.1943, những nhà hoạch định chính sách Mỹ nói rõ quan điểm sử dụng bom hạt nhân nhắm vào hạm đội tàu chiến của Nhật Bản neo đậu ở cảng Truk. Tướng Steyer nói rằng nếu quả bom không phát nổ hoặc ném trượt thì việc rơi vào nước cũng giúp giảm thiểu thiệt hại với môi trường xung quanh.
Kế hoạch của Mỹ đánh bom hạt nhân đội tàu chiến Nhật Bản - 3
Máy bay Nhật nằm dưới đáy đại dương sau vụ tấn công.
Sau “trận chiến xay thịt” tại Tarawa năm 1943, đảo Truk hiện lên lừng lững trước mắt nước Mỹ và là miếng mồi không thể ngon hơn. Tuy nhiên, quyết định tấn công cảng biển này bằng bom hạt nhân nhanh chóng bị hủy bỏ khi chiến tranh leo thang. Đầu năm 1944, hạm đội tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương quyết định cho phép chỉ huy tấn công cảng Truk nhưng chỉ được sử dụng vũ khí truyền thống.
Trong hai ngày 17 và 18.2.1944, Chiến dịch Mưa đá của Mỹ với sự tham gia của 500 máy bay, 5 tàu sân bay, 4 tàu khu trục hạng nhẹ, 7 tàu chiến và tàu hỗ trợ khác dội bom vào căn cứ Nhật Bản ở Truk. Bom và ngư lôi Mỹ đánh hạ 12 tàu chiến, 32 xe chở quân và 270 máy bay Nhật Bản.
Cuộc tấn công chớp nhoáng của Mỹ khiến Nhật Bản mất nguồn tiếp tế và tiền đồn quan trọng. Sau đó, Mỹ chuyển hướng sang phía tây khiến chiến dịch tấn công ở Truk và âm mưu đánh bom hạt nhân khu vực này nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Theo Quang Minh - NI (Dân Việt)




Cá sấu xóa sổ gần 1.000 lính Nhật trong Thế chiến 2

Thứ Năm, ngày 27/10/2016 00:30 AM (GMT+7)

Bị lực lượng lính thủy Anh truy đuổi vào vùng đầm lầy trên đảo Ramree trong Thế chiến 2, trung đoàn khoảng 1.000 lính Nhật không ngờ rằng đó là chuyến đi định mệnh, không có lối thoát.

Cá sấu xóa sổ gần 1.000 lính Nhật trong Thế chiến 2 - 1
Ảnh minh họa.
Theo Vintage News, trong Thế Chiến 2, quân đội Đế quốc Nhật Bản chiếm đảo Ramree vào năm 1942. Hòn đảo nằm ngoài khơi Myanmar, cách Akyabk khoảng 112 km về phía nam, khu vực ngày nay được biết đến với tên gọi Sittwe.
Bởi Ramree là cứ điểm chiến lược quan trọng, quân Đồng minh đã tấn công lên đảo năm 1945 và thiết lập một căn cứ không quân để hỗ trợ chiến dịch trên mặt đất. Giao tranh diễn ra hết sức ác liệt nhưng với sự yểm trợ từ trên không, quân Đồng minh đã liên tiếp giành thắng lợi vang dội, buộc trung đoàn khoảng 1.000 lính Nhật phải tháo chạy.
Liều lĩnh nhằm thoát khỏi sự truy đuổi của quân Anh, phát xít Nhật tiến sát đến khu vực đầm lầy ngập nước dài 16 km ở giữa đảo. Binh sĩ Nhật không hề biết rằng đó là lúc mà một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh sắp xảy ra.
Phớt lờ lời kêu gọi đầu hàng của quân Anh, trung đoàn lính Nhật bước vào đầm lầy vốn hoang sơ và nhiều nguy hiểm với tốc độ ngày càng chậm dần. Nhiều người trở thành nạn nhân của muỗi, nhện, rắn, bò cạp kịch độc ẩn mình trong những bụi cây trong đầm lầy.
Cá sấu xóa sổ gần 1.000 lính Nhật trong Thế chiến 2 - 2
Lính Anh đổ bộ lên đảo Ramree.
Suốt hành trình kéo dài vài ngày qua vùng đầm lầy này, quân Nhật dần thiếu nguồn nước sạch để uống và nạn đói bắt đầu xảy ra. Nhưng đó chưa phải cơn ác mộng lớn nhất, thảm họa kinh hoàng thực sự đang chờ đón phát xít Nhật.
Trong một đêm tuần tra quanh khu vực, nhóm quân Anh nghe thấy những tiếng la thất thanh và tiếng súng nổ trong đêm tối. Họ không biết chuyện gì xảy ra, chỉ có lính Nhật mới biết mình trở thành mục tiêu tàn sát của đàn cá sấu khát máu.
Trung đoàn phát xít Nhật không gặp may bởi vùng đầm lầy trên đảo Ramree là nơi cư ngụ của vô số những con cá sấu nước mặn khổng lồ với số lượng không xác định. Những con cá sấu này khi trưởng thành dài 6 mét, nặng hơn một tấn và là một trong những loài bò sát ăn thịt lớn nhất thế giới.
Những người lính mệt mỏi với những vết thương rỉ máu giữa đầm lầy trở thành mồi ngon cho cá sấu. Ngay cả một con cá sấu nước mặn cỡ trung bình cũng có thể dễ dàng sát hại người trưởng thành.
Cá sấu xóa sổ gần 1.000 lính Nhật trong Thế chiến 2 - 3
Lính Nhật trong Thế chiến 2.
Họ đã bị những con quái vật bò sát khổng lồ này tấn công và tàn sát không thương tiếc. Những người sống sót sau đó kể lại giây phút loài động vật hung dữ vùng đầm lầy bất ngờ tấn công họ, còn những người lính trong cơn hoảng loạn chỉ biết bắn loạn xạ về mọi hướng.
Những người sống sót mô tả những con cá sấu bất thình lình lao lên từ đầm lầy, ngoạm lấy những người lính đang la hét và kéo tuột họ xuống bùn. Thảm kịch này đã được nhà tự nhiên học Bruce Stanley Wright, một người lính Anh tham gia trận chiến đó, mô tả trong cuốn “Wildlife Sketches Near and Far “ (Phác họa Cuộc sống Hoang dã Gần và Xa) năm 1962.
"Đó là đêm kinh hoàng nhất mà các thành viên đội chúng tôi từng trải qua. Những con cá sấu bị đánh thức bởi những tiếng súng và mùi tanh của máu, tụ tập xung quanh những cây đước, trong khi mắt nhô lên khỏi mắt nước và lặng lẽ bơi về phía con mồi. Theo từng cơn sóng thủy triều, những con cá sấu lao tới đám lính đang bị thương, bị chết và cả những người khỏe mạnh mắc kẹt trong bùn lầy", Wright viết trong cuốn sách.
Cá sấu xóa sổ gần 1.000 lính Nhật trong Thế chiến 2 - 4
Cá sấu nước mặn.
Wright mô tả, “cảnh tượng như vậy, tôi nghĩ, rất ít người trên Trái đất này có thể chứng kiến được. Vào lúc bình minh, đàn kền kền kéo đến dọn sạch những gì mà lũ cá sấu bỏ lại… Gần 1.000 lính Nhật tiến vào đầm lầy Ramree, người ta chỉ tìm được hơn 20 người còn sống".
Cho đến nay, câu chuyện của Wright là dữ liệu lịch sử duy nhất còn lưu lại về thảm kịch trên trận chiến đảo Ramree. Một số nhà sử học và sinh vật học tỏ ra hoài nghi tính xác thực của câu chuyện này. Số khác tin rằng câu chuyện Wright kể là có thật nhưng số lượng đàn cá sấu và số lính Nhật bỏ mạng tại đầm lầy trên thực tế có thể thấp hơn.
Bất chấp những tranh cãi, trận chiến trên đảo Ramree được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là sự kiện "có nhiều nạn nhân nhất trong một cuộc tấn công của cá sấu".
Câu chuyện rùng rợn trên đảo Ramree đã trở thành một trong những truyền thuyết của Thế chiến II. Nhiều năm sau đó, đảo Ramree vẫn đem đến một nỗi sợ hãi. Những con cá sấu nước mặn vẫn ở đó cho đến tận ngày nay.

Theo Đăng Nguyễn - Vintage News (Dân Việt) 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét