Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 267

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chuyện tình báo Trung Quốc của con trai GS Hồ Ngọc Đại, cháu ngoại TBT Lê Duẩn giờ mới được phơi bày


Luật sư của "nữ gián điệp" Nga: "Cô ấy bị Mỹ buộc tội chỉ vì quá xinh đẹp, hấp dẫn"

Hồng Anh |

Luật sư của "nữ gián điệp" Nga: "Cô ấy bị Mỹ buộc tội chỉ vì quá xinh đẹp, hấp dẫn"
Maria Butina. Ảnh: AP.

Luật sư bào chữa của cô Maria Butina, người phụ nữ nghi là gián điệp của Nga, cho rằng chính phủ Mỹ đang suy diễn và đưa ra các cáo buộc vô căn cứ đối với cô gái này.

Theo CNN, trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Anderson Cooper hôm thứ 6 vừa qua (21/7), luật sư bào chữa của cô Maria Butina, người phụ nữ nghi là gián điệp của Nga, đã phân tích những lời cáo buộc của chính phủ Mỹ đối với thân chủ của mình.
Trước đó, cô Butina đã bị tòa cáo buộc dùng tình dục và các chiêu trò lừa gạt để thâm nhập vào mạng lưới tổ chức chính trị tại Mỹ, trong đó có Hiệp hội Súng trường Quốc gia, trước khi cuộc bầu cử Tống thống Mỹ năm 2016 diễn ra.
Trong cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình đã đề cập đến những đoạn tin nhắn trên Twitter giữa Butina và người 'cố vấn' của mình, chính trị gia Nga Alexander Torshin, bao gồm cả câu hỏi của Butina về "những chỉ thị tiếp theo".
Tuy nhiên, ông Robert Driscoll, luật sư của Butina khẳng định những dòng tin nhắn được người dẫn chương trình đưa ra không chứng tỏ cô này hoạt động gián điệp cho Nga.
"Tôi nghĩ rằng [những đoạn tin nhắn này] đang bị chính phủ suy diễn ngoài bối cảnh của chúng", ông Driscoll nói. "Hầu hết các điệp viên Nga đều không liên lạc qua Twitter. Hơn nữa những đoạn tin nhắn trao đổi [của Butina và đối phương] đều không được mã hóa, và có hàng ngàn tin nhắn giống như vậy.
Cô ấy còn hỏi [đối phương] về việc mua kem đánh răng ở Mỹ, hay gửi hình những đứa trẻ, cún con và nhiều thứ khác nữa", ông Driscoll nói.
"Tôi nghĩ rằng đối với một người phụ nữ đã bị chính phủ theo dõi trong gần 2 năm, thì các điều tra viên giống như đang cố 'bới lông tìm vết' khi 'đào' một tin nhắn từ 2 năm trước, và nói đó là bằng chứng cho thấy cô ấy là gián điệp.
Thông thường các gián điệp sẽ hành động. Nhưng cô ấy đâu có đi tìm bản thiết kế tàu ngầm hạt nhân, đi tuyển điệp viên, hay trả tiền cho người khác [để làm điều mờ ám]", ông Driscoll bào chữa cho thân chủ mình.
Trước lời phân tích khá sắc bén của vị luật sư, người dẫn chương trình liền đáp: "Tôi cho là chính phủ sẽ nói rằng, 'Dù cô ta có phải là điệp viên giỏi hay không, thì điều đó cũng không phải là vấn đề, mà vấn đề thực sự là ở mục đích và âm mưu của cô ta".
Trong chương trình, luật sư Driscoll đã cho biết cô Butina "vẫn ổn trước những cáo buộc [của chính phủ Mỹ]" và "tự tin rằng mình vô tội".
Ông Driscoll, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận lời làm luật sư đại diện khi Butina bị Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ triệu tập thẩm vấn. Theo lời ông này, Butina đã tình nguyện tham gia cuộc thẩm vấn kéo dài 8 tiếng và cung cấp cho họ nhiều tài liệu liên quan.
Ông Driscoll cũng khẳng định ông chưa từng đại diện cho người bạn trai 56 tuổi của Butina, Paul Erickson. Các điều tra viên đã tìm thấy một tờ giấy nhắn trong căn hộ của ông Erickson với câu hỏi: "Nên trả lời như thế nào đối với lời mời của FSB (cơ quan tình báo Nga)?". Chữ viết tay trên tờ giấy này được xác định là của ông Erickson.
Ông Driscoll cho biết thân chủ của ông không có nghĩa vụ phải giải thích về tờ giấy nói trên.
Ngoài ra, khi được hỏi về địa chỉ email được cho là của nhân viên FSB có trong điện thoại của Butina, ông Driscoll đã giải thích rằng "có thể đó là một người bạn chung" của cô Butina.
Trong hồ sơ tố tụng được công bố trong phiên điều trần ngày 18/7, chính phủ Mỹ đã cáo buộc Butina dùng tình dục để đổi lấy một vị trí "trong một tổ chức lợi ích đặc biệt". Ông Driscoll cho rằng cáo buộc này là điều rất đáng tiếc.
"Chính phủ dường như chỉ đưa ra những cáo buộc này mà không cần bằng chứng cụ thể nào cả. Thực lòng, tôi thấy điều đó rất xúc phạm - họ đưa ra cáo buộc đó chỉ vì cô ấy là một người phụ nữ xinh đẹp và hấp dẫn".
Luật sư của cô Maria Butina: Chính phủ Mỹ đang bới lông tìm vết
theo Trí Thức Trẻ

Kamufliaz - Chiến dịch ngụy trang táo bạo của KGB

Hồng Sơn |
Kamufliaz - Chiến dịch ngụy trang táo bạo của KGB

Ngày 1-8-1985, quan chức đứng đầu bộ phận phản gián Gadner Hathaway tại Langley (trụ sở của Cục tình báo trung ương Mỹ - CIA) nhận được một bức điện khẩn từ chi nhánh của tình báo Mỹ tại Italy. Nội dung bức điện cho biết ngay sáng hôm đó, đại tá Vitaly Sergeyevich Yurchenko đã có mặt tại đại sứ quán Mỹ ở Rome với mong muốn hợp tác với Washington.

Khỏi phải nói Hathaway đã mừng tới mức độ nào khi cương vị hiện tại của nhân vật đào tẩu này là hết sức ấn tượng – Phó chỉ huy ban 1 (ban phụ trách nước Mỹ) của Tổng cục I (tình báo đối ngoại của KGB), là nơi chuyên triển khai các chiến dịch tình báo trên lãnh thổ Mỹ và Canada. Kể từ thời của đại tá Penkovski, người Mỹ chưa bao giờ bắt được “con cá vàng” cỡ bự như vậy.
Tuy nhiên, CIA không thể biết được rằng, đó chỉ là điểm mở đầu cho một chiến dịch ngụy trang hết sức mạo hiểm của KGB nhằm che giấu siêu điệp viên Aldrich Ames của mình tại Langley…
Kế hoạch “Lỗ hống sạch”
Cũng ngay trong chiều tối hôm đó, Hathaway nhận thêm một bức điện nữa từ Rome. Trong đó Yurchenko cho biết, 6 tháng trước tại Vienna, có một người Mỹ đã liên hệ với chi nhánh KGB tại đây, cung cấp tên tuổi của một số công dân Xôviết đang làm việc cho Mỹ.
Dù chưa làm việc trực tiếp với nguồn tin này, nhưng Yurchenko biết được nhân vật này từng có thời gian làm việc cho CIA và bất ngờ bị sa thải ngay trước chuyến công tác tới Moscow.
Hathaway thật ra vào thời điểm đó đã biết được, nhân vật được nhắc tới không ai khác chính là Edward Lee Howard. Ông ta nhấc điện thoại gọi điện trực tiếp cho Giám đốc CIA William Casey để báo về tin mừng này.
Kamufliaz - Chiến dịch ngụy trang táo bạo của KGB - Ảnh 1.
Vitaly Sergeyevich Yurchenko.
Quay trở lại thời điểm năm 1977, Hathaway, khi đó đang lãnh đạo chi nhánh của CIA tại Moscow, nhận thấy rằng, tất cả các điệp viên của ông ta mỗi khi rời khỏi đại sứ quán đều không thể thoát được sự theo dõi của phản gián Xôviết.
Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ thuần túy lại không hề nằm trong tầm ngắm. Thực tế cho thấy trước khi bất cứ nhân viên CIA nào đặt chân tới Moscow, KGB đều đã nắm được đầy đủ thông tin về nhân vật này, chủ yếu bằng cách rà soát những công việc anh ta đã làm trước đây tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Ý tưởng về kế hoạch “Lỗ hổng sạch” của Hathaway ra đời từ thời điểm đó, mục tiêu là lôi kéo các điệp viên có “vỏ bọc sạch”, tức là có độ tuổi dưới 30, từ trước chưa từng làm việc cho cơ quan tình báo ở nước ngoài.
Theo dự kiến của Hathaway, những điệp viên loại này cần phải hoạt động như một bóng ma: xuất hiện nhanh chóng tại địa điểm vào đúng thời gian cần thiết và cũng nhanh chóng rút lui. Chân tướng thực sự của họ chỉ có Langley và đại sứ của Mỹ tại Moscow biết đến. Kế hoạch “Lỗ hổng sạch” nhanh chóng được phê chuẩn với người tiên phong là viên sĩ quan trẻ Edward Lee Howard.
Để có thể đảm trách được với những khó khăn sẽ phải đương đầu tại Moscow, Howard được thông tin khá chi tiết về các chiến dịch tình báo Mỹ đang triển khai tại đây.
Howard tuy nhiên đã không thể tới được Moscow – tại đợt sát hạch qua máy kiểm tra nói dối vào tháng 4-1983, anh ta bị phát hiện đã cố tình giấu giếm về việc sử dụng các loại thuốc an thần trong quá khứ, cũng như về tật nghiện rượu của mình.
Việc không được cử tới Moscow và sau đó là quyết định sa thải không rõ lý do chỉ một tháng sau đó đã khiến giấc mơ trở thành “anh hùng dân tộc” của Howard tan vỡ.
Tháng 8-1983, lãnh sự của Liên Xô tại Washington nhận được đơn xin cấp visa du lịch của Howard, trong đó có kẹp một lá thư với yêu cầu gặp đại diện của KGB để cung cấp một số thông tin mật.
Nhưng do đề xuất gặp gỡ của anh ta ngay tại khu đồi Capitol là khá nguy hiểm, nên KGB đã khước từ vì lo ngại đây có thể là một cái bẫy của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Một năm sau, trước những nỗ lực của Howard tìm cách liên lạc, trung tâm đã chấp thuận đề xuất tiếp xúc với anh ta. Một biến cố bất ngờ đã khiến cuộc gặp không thể diễn ra nhanh chóng.
Tháng 2-1984, trong một cuộc cãi cọ tại quán bar, Howard đã rút súng bắn lên trần nhà. Hậu quả là anh ta phải ra tòa, nhận bản án 5 năm tù treo cùng quyết định cấm xuất cảnh. Howard chuyển tới sống tại Santa Fe, tạm hài lòng với vai trò chuyên gia kinh tế tại Nghị viện bang New Mexico.
Sau khi điệp viên KGB tìm ra địa chỉ mới của Howard, anh ta rất nhanh chóng nhận lời mời hợp tác. Ngày 21-9-1984, Howard lén bay sang Vienna, tới lãnh sự quán Xôviết tại đây để gặp gỡ đại diện KGB.
Anh ta tiết lộ nhiều thông tin quý giá về kế hoạch “Lỗ hổng sạch” cũng như những điệp viên đầu tiên tham gia chương trình trên đang hoạt động tại Moscow. Howard nhận được khoản tiền thưởng hậu hĩnh 150 ngàn đôla. Dù Howard chỉ cho đây là một “thương vụ nhất thời”, nhưng Moscow lại đánh giá khác. KGB vẫn liên tục giám sát anh ta với hy vọng có thể tiếp tục khai thác.
Sau khi nhận được thông báo từ Giám đốc CIA như đã nói ở trên, FBI đã tổ chức theo dõi Howard rất sát sao nhằm tìm kiếm bằng chứng để bắt giữ anh ta. Do không thể tìm ra chứng cớ, ba nhân viên FBI đã trực tiếp thẩm vấn Howard trong suốt 8 giờ liên tục.
Cựu nhân viên CIA vẫn khăng khăng phủ nhận tất cả. Một ngày sau, anh ta lẻn vào lãnh sự quán Xô Viết tại New York, từ đây được bí mật đưa tới Đan Mạch và Phần Lan, trước khi an toàn đặt chân tới Moscow.
Những tiết lộ của “cá vàng”
Quay trở lại với vụ của Yurchenko. Anh ta được đưa từ Italy tới Mỹ trên một chiếc máy bay vận tải quân sự. Theo chỉ thị của chính Giám đốc CIA, Yurchenko được nhận một khoản tiền lương suốt đời vào khoảng 70 ngàn đôla mỗi năm. Kèm theo đó là quyền sử dụng một biệt thự hai tầng tại khu vực ngoại ô Washington.
Kamufliaz - Chiến dịch ngụy trang táo bạo của KGB - Ảnh 2.
Cáo trạng truy nã Edward Lee Howard của FBI.
Người Mỹ đã nhận được “cơn mưa thông tin” có giá trị từ Yurchenko. Anh ta kể chi tiết về quá trình Tổng cục I điều tra về các nguyên nhân phản bội của Oleg Gordievski.
Tiếp đó là tiết lộ về một loại “bụi gián điệp” được phản gián Xô viết bí mật rắc lên quần áo các nhà ngoại giao Mỹ và bên trong xe hơi của họ để có thể xác định những công dân Liên Xô đã từng tiếp xúc.
Yurchenko tiết lộ cho người Mỹ về kế hoạch của KGB triển khai những hòm thư và kho vũ khí bí mật trên lãnh thổ các nước Tây Âu để sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.
Yurchenko cho biết, chi nhánh KGB tại Washington vào tháng 1-1980 từng tiếp xúc với một người Mỹ có bộ râu màu hung, người tự giới thiệu là một chuyên gia phân tích của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Chỉ nhờ thông tin trên, CIA cùng FBI đã rà soát tổng cộng 580 trường hợp trước khi xác định đó là Ronald William Pelton.
Cũng như Howard, Pelton vào tháng 10-1979 đã không thể vượt qua được cuộc thử nghiệm trên máy phát hiện nói dối liên quan đến những câu hỏi về sử dụng ma túy. Hậu quả là anh ta bị giáng chức, tước khả năng được tiếp cận thông tin mật, lương bổng giảm xuống một nửa.
Khó khăn về tiền bạc đã thúc đẩy Pelton bước chân vào đại sứ quán Liên Xô tại Washington, đề xuất khả năng cung cấp thông tin mật.
Nhờ Pelton, Moscow biết được về chiến dịch siêu bí mật “Ivy Bells” của CIA nhằm lấy cắp thông tin qua đường cáp biển dưới đáy biển Okhot. Ngoài ra, anh ta còn cung cấp dữ liệu về 5 hệ thống do thám điện tử khác của Mỹ cùng 60 trang tài liệu mật khác. Qua thông tin có được từ Yurchenko, Pelton nhanh chóng bị bắt giữ.
Trong phiên tòa xét xử vào ngày 18-6-1986, Pelton bị phán quyết tội danh hoạt động gián điệp cho Liên Xô với mức án tù chung thân. Cũng cần nói thêm, cả Howard và Pelton đều có cơ hội chạy sang Moscow theo các kế hoạch bảo vệ cộng tác viên của KGB.
Nhưng Pelton đã tỏ ra do dự khi nhận được sự cảnh báo của KGB, không tới nơi hẹn như đã định. Qua một loạt những thông tin quan trọng do Yurchenko cung cấp, CIA đã đặt trọn niềm tin vào nhân vật này. Họ không thể ngờ rằng, đó chỉ là một cái bẫy được vạch sẵn trong khuôn khổ chiến dịch “Kamufliaz”…
Cuộc chạy trốn bất ngờ
Trưa ngày 2-11-1985, Yurchenko cùng với nhân viên trẻ của CIA là Tom Hennen – người luôn tháp tùng Yurchenko để ngăn chặn nguy cơ KGB có thể trả đũa – có mặt tại nhà hàng Au Pieddu Cochon nổi tiếng về món ăn Pháp tại một khu sang trọng của Washington.
Cần nói thêm, tại nhà hàng này cho tới nay vẫn còn một tấm biển đề dòng chữ: “Nơi đây vào ngày 2-11-1985 đã diễn ra bữa ăn cuối cùng của Vitaly Yurchenko”…
Sau khi giải quyết xong món tráng miệng, Yurchenko lấy cớ ra ngoài hít thở không khí trong lành. Vài phút sau, khi cảm thấy có gì đó bất thường, Hennen chạy bổ đi tìm đối tượng cần bảo vệ của mình, nhưng khi hiểu ra thì đã muộn.
Yurchenko sau khi hoàn thành sứ mạng “kẻ đào tẩu” của mình đã quay trở lại để thực hiện giai đoạn hai – đó là vạch trần và đả kích hoạt động của CIA.
Một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau đó vào ngày 4-11-1985 trong khuôn viên đại sứ quán Liên Xô tại Washington đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các phóng viên Mỹ và quốc tế. Họ muốn tận mặt chứng kiến và tìm hiểu: tại sao một nhân viên KGB từng chạy sang với người Mỹ 3 tháng trước đó lại quyết định quay trở lại với đồng đội.
Trước đầy đủ các phóng viên, Yurchenko khẳng định, anh ta bị CIA bắt cóc tại Rome. Trong 3 tháng qua, anh đã bị nhân viên CIA chích ma túy nhằm bẻ gãy ý chí và tìm cách để khai thác những bí mật quốc gia.
Yurchenko còn tố cáo về việc anh ta bị CIA tìm cách ép buộc để thừa nhận mình đã phản bội tổ quốc trước công luận nước Mỹ - cụ thể là bắt ký một hợp đồng với điều khoản được nhận 1 triệu đôla nếu đồng ý làm điều này. Cuối cùng, Yurchenko bày tỏ mong muốn được sớm quay trở về Liên Xô.
Sự kiện trên là một đòn giáng mạnh vào uy tín của CIA, cũng như là một cú sốc thực sự đối với giới chức lãnh đạo tại cơ quan này. Họ chỉ biết triển khai một chiến dịch quy mô trên báo chí nhằm bôi nhọ Yurchenko – công bố những bức ảnh có vẻ khá thân thiện giữa anh ta và các quan chức CIA cũng như FBI, mô tả chi tiết một số bí mật do anh ta cung cấp…
Chiến dịch đánh lạc hướng tinh vi
Câu hỏi đặt ra là: tại sao KGB lại phải dày công chuẩn bị một chiến dịch hết sức tinh vi như trên? Chiến dịch “Kamufliaz” thật ra có mục đích chính nhằm che chắn cho siêu điệp viên Aldrich Ames.
Cho tới thời điểm Yurchenko có mặt tại trụ sở của CIA, Ames đã cung cấp cho KGB thông tin về hàng chục sĩ quan kỳ cựu của KGB và GRU (Cơ quan tình báo quân đội) đang bí mật làm việc cho Mỹ.
Nhờ sự giúp đỡ của Ames, Liên Xô đã kịp thời phong tỏa những kênh thông tin rò rỉ có tầm quan trọng đặc biệt sống còn đối với an ninh đất nước. Mục tiêu chính đặt ra là phải bằng mọi giá bảo vệ nguồn tin đặc biệt quan trọng trên.
KGB đã rất kỳ công để chuẩn bị những thông tin quan trọng để Yurchenko có thể chuyển cho CIA, trong đó có cả hai điệp viên về cơ bản đã không còn có thể khai thác. Washington đã phải mất nhiều thời gian, công sức để tập trung kiểm chứng những gì Yurchenko đã khai báo, chưa kể những nỗ lực cứu vớt chút danh dự sau cuộc chạy trốn đầy bất ngờ của anh ta.
Tổng thống Reagan khi đó cũng phải lên tiếng về vụ việc của Yurchenko: “Tôi cho rằng, bất cứ người Mỹ nào cũng phải đặt câu hỏi về hành động của con người đó, khi anh ta không biết vì sao lại quay trở lại Nga, khi đáng ra có thể sống yên ổn tại Mỹ”.
Dù thế nào, thành công của chiến dịch “Kamufliaz” với vai trò đặc biệt của Yurchenko chính là lôi kéo cả CIA và FBI vào một “cuộc chơi vô bổ” trong một thời gian dài nhằm xác minh những thông tin của anh ta, cũng như khắc phục hậu quả từ vụ trốn chạy sau đó.
Tình báo Mỹ đã bị xao nhãng trong một thời gian đáng kể trước khi có thể phát hiện ra siêu điệp viên Aldrich Ames của Moscow.
Vitaly Sergeyevich Yurchenko sau khi trở về nước đã được trao tặng danh hiệu “Nhân viên danh dự của Cơ quan An ninh quốc gia”, phần thưởng cao quý nhất của KGB. Còn Edward Lee Howard, trước khi Liên Xô tan rã đã chuyển tới sống tại Hungary theo lệnh của Phó chủ tịch KGB Vadim Bakatin.
Dưới áp lực của Mỹ, Hungary đã trục xuất Howard sang Thụy Điển, nơi anh ta bị bắt giữ vào tháng 8-1992 vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Bị trục xuất trở lại Nga một tháng sau đó, Howard lao vào kinh doanh bằng cách mở một công ty bảo hiểm nhỏ. Ông này qua đời tại Moscow vào năm 2006 vì chứng bệnh xơ gan.
theo Công an nhân dân

Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel

Hồng Sơn |
Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Israel luôn là một địa bàn hoạt động quan trọng của tình báo Xô Viết, cho dù về mặt địa lý, quốc gia này không phải là một đối thủ có tầm quan trọng chiến lược. Trọng tâm các thông tin được khai thác tại đây chủ yếu tập trung vào những bí mật về công nghiệp quốc phòng của Mỹ nằm trong các vũ khí hiện đại trang bị cho Israel (vốn là một đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực).

Siêu điệp viên Liên Xô Gordon Lonsdale Điệp viên Liên Xô bị thất sủng Cha đẻ thuyết tương đối và mối tình với nữ điệp viên Liên Xô
Những thông tin quan trọng còn lại thường được Moskva chuyển giao cho các đồng minh Arab, giúp họ có thể đối đầu hiệu quả hơn với quốc gia Do thái trong các cuộc chiến nổ ra tại khu vực. Trên thực tế, Liên Xô có 2 điệp viên đáng chú ý nhất tại mặt trận này …
Yisrael Bar – Điệp viên nổi tiếng nhất
Ông ta là điệp viên duy nhất của Liên Xô có khả năng xâm nhập sâu vào hàng ngũ giới lãnh đạo chính trị-quân sự của Israel: kết bạn với Thủ tướng David Ben-Gurion, tiếp cận được các tài liệu bí mật của quốc gia này và chỉ chút nữa đã trở thành phó tổng tham mưu trưởng quân đội. Ngay cả sau khi đã nghỉ hưu, Bar vẫn được đánh giá là một chuyên gia và nhà nghiên cứu sử học quân sự hàng đầu.
Các nhà nghiên cứu cho tới hiện nay vẫn chưa thể thống nhất được về chân dung thực sự của Yisrael Bar, cho dù đã trải qua cả nửa thế kỷ sau cái chết của ông trong tù.
Câu trả lời chuẩn xác cho những nghi vấn trên có lẽ chỉ nằm trong những tài liệu có dấu tuyệt mật trong kho lưu trữ của KGB. Những thông tin ban đầu cho biết, vào cuối hè năm 1938, sau khi phát xít Đức thôn tính nước Áo láng giềng, tại Jerusalem xuất hiện một chàng trai đeo kính đến từ Vienna, tự xưng là George Bar.
Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel - Ảnh 1.
Yisrael Bar.
Sau khi đổi tên thành Yisrael, anh ta vào học tại Đại học Do thái, đồng thời gia nhập tổ chức quân sự bí mật Haganah của người Do thái. Theo lời kể của Bar với những đồng đội mới, anh ta là một cựu sĩ quan quân đội Áo, từng tham gia cả cuộc nội chiến Tây Ban Nha và chỉ huy cả một tiểu đoàn.
Rất nhanh chóng, những kiến thức khá rộng của Bar về lịch sử quân sự, khả năng phân tích và tư duy mang tầm chiến lược của anh đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều lãnh đạo cao cấp của quân đội Israel về sau này – trong đó đáng chú ý có cả người sáng lập ra Haganah là Eliyahu Golomb và hai chỉ huy cao cấp khác là Yaakov Dori và Yigael Yadin, hai tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Israel.
Cho đến năm 1949, Bar đã là chỉ huy Ban kế hoạch tác chiến trong Bộ tổng tham mưu quân đội Israel, đồng thời là trợ lý thân cận nhất của tướng Yigael Yadin – nhà lãnh đạo trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử tại cơ quan quân sự trọng yếu này của Israel.
Dưới sự nâng đỡ của tướng Yadin, Bar đã nỗ lực hết sức để hy vọng trở thành nhân vật phó của ông ta. Việc bổ nhiệm đáng tiếc đã bị hủy bỏ vào đúng thời khắc cuối cùng vì một số nguyên nhân chính trị.
Bar có mối quan hệ quá thân cận với giới lãnh đạo của Đảng công nhân thống nhất Mapam theo đường lối cánh tả. Hậu quả khiến cho Bar buộc phải rời khỏi quân đội, dù cả đến thập kỷ sau (trước khi bị bại lộ vào đầu những năm 1960) ông vẫn được coi là một nhân vật rất có ảnh hưởng trong giới chức tướng lĩnh quân sự.
Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel - Ảnh 2.
Báo chí Israel đưa tin về vụ bắt giữ Yisrael Bar.
Vào tháng 7 năm 1962, tức là sau khi Bar đã bị phát hiện, ra tòa và thú nhận mọi chuyện, một tạp chí của Thụy Sĩ cho đăng tải một bài phỏng vấn nhà văn người Anh Bernard Hutton, tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị về đề tài tình báo, đồng thời cũng là một cựu điệp viên Xôviết, người khẳng định đã từng quen biết với Yisrael Bar.
Cụ thể theo lời Hutton, cả hai vào năm 1934 từng sống trong một ký túc xá dành cho các thành viên Quốc tế cộng sản tại Moskva. “Đồng chí Kurt”, tên gọi khi đó của Bar không phải là người Do thái, mà là một đảng viên Đảng cộng sản Áo. Kurt được giới lãnh đạo đánh giá khá cao, và được tuyển chọn đặc biệt để đào tạo cho một sứ mạng bí mật.
Ngay từ đầu những năm 1930, sau hai năm được huấn luyện, Kurt được cử tới Vienna. Cho đến khi Hutton gặp lại anh ta tại Vienna, Kurt đã trở thành một trong những điệp viên hàng đầu của tình báo Liên Xô tại Áo.
Vài năm sau, Kurt được gửi tới Tây Ban Nha, sau đó quay lại Vienna, đảm trách việc lãnh đạo mạng lưới tình báo tại thủ đô nước Áo.
Hutton còn khẳng định, Yisrael Bar trên thực tế là người Do thái, từng học tại Đại học tổng hợp Berlin, vào năm 1938 đã chạy trốn tới Vienna trước nguy cơ thanh trừng của phát xít Đức rồi mất tích. Kurt được cho là đã lấy danh tính của chính nhân vật này.
Isser Harel, chỉ huy bộ phận an ninh của Haganah (về sau trở thành giám đốc cơ quan tình báo Mossad) đã nghi ngờ Bar từ giữa những năm 1950. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Bar đã trở thành một diễn giả khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước, phụ trách nhiều chuyên mục bình luận quân sự trên nhiều tờ báo khác nhau.
Bar còn thử sức mình cả trong chính trị, trở thành ứng cử viên của đảng Mapam trong cuộc bầu cử đầu tiên vào quốc hội Israel, dù không thể thắng cử.
Lên nắm quyền điều hành Khoa lịch sử quân sự thuộc Trường đại học Tổng hợp Tel-Aviv, Bar bắt đầu thiết lập được mối quan hệ khá chặt chẽ với giới lãnh đạo quân đội Tây Đức, tìm mọi cách trở thành người điều phối hoạt động hợp tác giữa các cơ quan mật vụ Israel và Tây Đức.
Dù bị nghi ngờ từ lâu, nhưng nguyên nhân bại lộ của Bar bắt nguồn từ một sự việc khá tình cờ. Sau khi phản gián Israel phát hiện một nhà thờ tại khu vực Abu Kabir là một điểm gặp gỡ của các điệp viên KGB, họ bí mật tổ chức theo dõi thường xuyên. Kết quả đã phát hiện Bí thư thứ hai của đại sứ quán Liên Xô Vladimir Sokolov trao cặp tài liệu cho một người Israel nào đó, được xác định sau đó chính là Bar.
Trong quá trình thẩm vấn, ông ta chỉ thừa nhận được điệp viên Sergey Losevy, dưới vỏ bọc phóng viên Hãng thông tấn TASS của Liên Xô, tuyển mộ từ năm 1956. Bar thú nhận đã chuyển giao cho Moskva nhiều tài liệu quan trọng, chẳng hạn như thông tin chi tiết về căn cứ quân sự của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tin tức về vụ bắt giữ Bar đã gây ra một cơn sốc thực sự tại Israel. Tờ Maariv đã đặt tít bài viết là “Sét đánh ngang tai”, tạp chí “HaOlam HaZeh” còn phát hành cả một số riêng về đề tài trên. Năm 1962, Bar phải nhận bản án 10 năm tù.
Đơn kháng án của ông không những không được chấp nhận mà còn khiến bản án tăng thêm 5 năm. Trong tù, Bar còn kịp viết cuốn sách cuối cùng của mình với nhan đề “An ninh Israel: hôm qua, hôm nay và ngày mai”. Điệp viên nổi tiếng hàng đầu của Liên Xô tại Israel qua đời trong tù vào tháng 5 năm 1966 vì một cơn đột quỵ.
Shabtai Kalmanovich – Điệp viên thành công nhất
Thua kém Yisrael Bar về mức độ nổi tiếng trên chính trường Israel, nhưng Shabtai Kalmanovich lại nổi trội hơn nhờ sự hiệu quả và cả… khả năng kinh doanh.
Kalmanovich sinh năm 1947 tại Kaunas (Litva). Ông lọt vào mắt xanh của KGB kể từ khi gia nhập Trường đại học Bách khoa Kaunas. Rời khỏi ghế đại học, ông có một năm phục vụ trong quân đội, trước khi được cử đi đào tạo tại trường tình báo của KGB.
Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel - Ảnh 3.
Shabtai Kalmanovich (trái) và Berel Lazar - nhà lãnh đạo cộng đồng Do thái giáo tại Nga (ảnh chụp năm 2004).
Năm 1971, gia đình Kalmanovich hồi hương về Israel, trước khi ông tiếp tục vào học tại Đại học Tổng hợp Jerusalem, đồng thời bắt đầu bước chân vào kinh doanh.
Hoạt động tình báo vốn cần có không ít tiền, còn bản thân tiền bạc cũng phải được hợp thức hóa. Kalmanovich khởi nghiệp tại châu Phi và nhanh chóng kiếm được hàng triệu đôla. Ông quay trở về Israel, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đang rất hứa hẹn vào lúc bấy giờ.
Trong khi các công ty của Kalmanovich chế tạo và buôn bán đồ điện tử, ông tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ sinh học của Israel.
Trong suốt 12 năm hoạt động cho tình báo Xôviết (từ năm 1974 cho tới khi bị bắt vào năm 1986), Kalmanovich đã chuyển cho Moskva rất nhiều thông tin có giá trị về các công nghệ mới nhất của Israel. Vụ bắt giữ nhà triệu phú này cũng là một thông tin gây bất ngờ lớn trong cộng đồng kinh doanh và nghiên cứu khoa học tại Israel.
Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân nào đã dẫn tới việc Kalmanovich bị bắt giữ, khi cơ quan phản gián Israel không tiết lộ bất cứ thông tin nào cho tới thời điểm này. Các chuyên gia về cơ bản vẫn cho rằng, đó không phải là lỗi của bản thân ông, mà rất có thể cuộc khủng hoảng sâu sắc của Liên Xô từ đầu những năm 1980 đã dẫn tới kết cục này.
Một trong những giả thuyết cụ thể là một điệp viên Xôviết nào đó đã tiết lộ về Kalmanovich. Nhân vật này sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại đây, dù rất mong tiếp tục được sống tại Israel. Kết quả là anh ta đã thỏa thuận với Cơ quan an ninh Shin Bet, khai báo một điệp viên quan trọng của Liên Xô để đổi lấy quốc tịch Israel.
Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel - Ảnh 4.
Thi thể Shabtai Kalmanovich được đưa ra khỏi xe sau vụ ám sát ngay tại trung tâm Moskva vào năm 2009.
Năm 1987, Kalmanovich ra tòa và nhận bản án 9 năm tù vì tội hoạt động gián điệp. Việc Tổng thống Gorbachev khi đó đã công khai đề nghị sự khoan hồng từ phía Israel thậm chí được coi là có hại hơn đối với Kalmanovich.
Vấn đề là ở chỗ, trong khi Moskva khẳng định rằng, điệp viên này chỉ chuyển giao cho Liên Xô “một vài công nghệ không đáng kể”, sự can thiệp trực tiếp của nguyên thủ quốc gia này đã gián tiếp nhấn mạnh tầm quan trọng của Kalmanovich.
Đến năm 1993, Kalmanovich được ân xá và trả tự do, nhiều khả năng do một thỏa thuận nào đó giữa cơ quan mật vụ hai nước. Lo ngại về nguy cơ phải hứng chịu những hằn thù đối với một cựu gián điệp, Kalmanovich quay về nước Nga, tiếp tục hoạt động kinh doanh và cũng rất nhanh chóng thành công.
Ngày 2-11-2009, Kalmanovich đã thiệt mạng một cách khá bi thảm, khi chiếc xe hơi của ông bị chặn và hứng trọn hàng loạt đạn súng tiểu liên ngay giữa trung tâm Moskva. Các nhà chức trách đã không thể xác định được kẻ đặt hàng, cũng như những kẻ trực tiếp thực hiện tội ác trên. Nguyên nhân được đánh giá nhiều khả năng là do những mâu thuẫn trong kinh doanh từ trước đó.
Một chi tiết khá thú vị là trước khi bị ám sát, Kalmanovich từng bày tỏ nguyện vọng được chôn cất tại Israel sau khi chết. Thể theo di nguyện trên, tro cốt của ông giờ đây được an táng tại một nghĩa trang tại thành phố Petah Tikva (Israel). Kalmanovich cho tới giờ vẫn được đánh giá là điệp viên thành công nhất của tình báo Xôviết tại Israel.
theo An ninh Thế giới

Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu

Hồng Sơn |
Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu
Cảnh trong phim “Chiến công của tình báo viên”.

Phim ảnh về đề tài tình báo luôn là những sản phẩm thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng bởi sự gay cấn, táo bạo và cả tính trí tuệ cao. Tất nhiên, các nhân vật tình báo viên trong điện ảnh Xô viết cũng không phải là ngoại lệ.

Trên thực tế, mỗi nhân vật tình báo viên Xô viết trong phim ảnh đều có những khuôn mẫu ngoài đời thực, đôi khi những số phận thực tế của họ còn hấp dẫn và thú vị hơn cả trong phim. Hãy cùng điểm qua một số bộ phim đáng chú ý…
Điệp viên Xô viết cự phách tại viện Đại học Oxford Nguyên mẫu của nhân vật điệp viên Xô viết lừng danh Stierlitz trong tác phẩm “17 khoảnh khắc mùa xuân”: Số phận đau đớn
“Chiến công của tình báo viên”
Bộ phim của đạo diễn Boris Barnet quay vào năm 1947 kể về tình báo viên Aleksey Fedotov (diễn viên Pavel Kadochnikov), người hoạt động dưới vỏ bọc của nhân vật Heinrich Eckert. Nhân vật chính trong phim đã khai thác được nhiều tài liệu mật và lập được nhiều chiến công quan trọng tại thành phố Vinnytsia (Ukraine) khi đó đang bị quân Đức chiếm đóng.
Nguyên mẫu ngoài đời thực của Fedotov chính là điệp viên hoạt động trong vùng địch hậu nổi tiếng Nikolai Kuznesov.
Cũng như Fedotov, Kuznesov đã bắt giữ được viên tướng Max Iigen, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Osttruppen của phát xít Đức tại mặt trận phía Đông.
Có điều khác với trong phim, Kuznesov đã không thể đưa được viên tướng tù binh này về hậu phương mà xử bắn hắn sau khi thẩm vấn. Số phận của Kuznesov cũng bi kịch hơn nhân vật hóa thân trong điện ảnh của ông. Nếu như điệp viên Fedotov bình an quay trở về nhà thì Kuznesov đã hy sinh trong một trận đánh tại Lvov vào mùa xuân năm 1944.
“Thiếu tá gió lốc”
Đến năm 1967, điện ảnh Xôviết ra mắt một bộ phim đáng chú ý của đạo diễn Yevgeny Tashkov về hoạt động của nhóm tình báo với nhiệm vụ chính là ngăn cản quân Đức phá hủy thành phố Krakow (Ba Lan), một di tích nổi tiếng của văn hóa nhân loại. Nhân vật “Thiếu tá gió lốc” trong phim có tới 2 nguyên mẫu ngoài đời là Engeny Berezniak và Aleksey Botian.
Trên thực tế, nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu phá hoại của phát xít Đức được giao cho 2 nhóm tình báo khác nhau. Còn cảnh điệp viên Xôviết chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Đức trong khu chợ của thành phố hoàn toàn giống với thực tế ngoài đời của Berezniak.
Berezniak sau khi chạy thoát khỏi sự truy lùng của quân Đức đã phải trải qua một thời gian dài bị nghi ngờ từ phía cơ quan an ninh. Phải đến khi bắt giữ được một nhân viên Gestapo tại Krakow, thực tế về cuộc chạy trốn của ông mới được làm sáng tỏ, giúp ông khôi phục lại lòng tin của cấp trên.
Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu - Ảnh 1.
Áp phích của bộ phim “Thiếu tá gió lốc”.
Khác với “Thiếu tá gió lốc” trong phim, về sau đã hy sinh trong chiến đấu – cả Berezniak và Botian đều sống sót. Botian có một thời gian dài tiếp tục làm việc trong cơ quan mật vụ, có đóng góp đáng kể trong việc thành lập ra lực lượng đặc nhiệm “Vympel”.
Mọi chi tiết về chiến dịch đặc biệt tại Krakow chỉ được công luận biết đến nhiều vào đầu thế kỷ XXI, khi các nhân vật chính được chính thức khen thưởng vì công lao bảo vệ thành phố cổ kính của Ba Lan.
“Sỹ quan tùy tùng của tướng quân”
Đây là một bộ phim đáng chú ý ra đời vào năm 1969, kể về hoạt động của tình báo Xôviết trong cuộc nội chiến. Theo đó, điệp viên Pavel Kolsov thâm nhập vào hàng ngũ của quân Bạch vệ, trở thành sỹ quan tùy tùng của tướng Kovalevski.
Nguyên mẫu của nhân vật Kolsov là Pavel Makarov có một số phận phức tạp hơn nhiều hóa thân của ông trong điện ảnh. Từng là một cựu chiến binh có quân hàm chuẩn úy, Makarov ban đầu gia nhập Hồng quân.
Sau khi bị quân Bạch vệ bắt giữ tại Melitopol (Ukraine), Makarov không những an toàn mà còn được sung vào đơn vị tình nguyện của lực lượng này. Nhờ biệt tài biết thu hút lòng người, Makarov trở thành sĩ quan tùy tùng của viên tướng tư lệnh May-Mayevsky.
Về sau, khi bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo của Bolshevik, Makarov buộc phải chạy trốn. Ông tham gia tích cực vào cuộc chiến trong hậu phương quân Bạch vệ và được Hồng quân khen thưởng.
Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu - Ảnh 2.
Cảnh trong phim “Sỹ quan tùy tùng của tướng quân”.
Sau khi Krym được giải phóng, Makarov vào làm việc tại Cơ quan An ninh Cheka, cho công bố cuốn sách “Sỹ quan tùy tùng của tướng quân” kể về quãng thời gian hoạt động tình báo trong hàng ngũ Bạch vệ của mình.
Cuốn sách chính là cơ sở để hai tác giả Igor Bolgarin và Georgie Severski xây dựng kịch bản cho bộ phim nói trên. Trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Pavel Makarov là một trong những chỉ huy của phong trào du kích tại Krym. Ông qua đời vào năm 1970.
“Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”
Điệp viên nổi tiếng nhất trong bộ phim này – đại tá lực lượng SS Max Otto von Stierlitz – lại không có một nguyên mẫu rõ ràng, cho dù nhiều phần trong tiểu sử và các chiến dịch đã tham gia của ông trong phim đều có trong thực tế.
Cụ thể một phần tiểu sử của Stierlitz lấy từ tiểu sử của nhân viên Gestapo – đại úy SS Willi Lehmann, người được tình báo Xôviết tuyển mộ từ năm 1929.
Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu - Ảnh 3.
Diễn viên Viacheslav Tikhonov trong vai đại tá Max Otto von Stierlitz.
Ông đã từng chuyển giao cho Liên Xô những thông tin quan trọng nhất về chương trình quân sự của Hitler, về những thiết kế kỹ thuật mới nhất của Đức. Ba ngày trước khi nổ ra cuộc chiến, Lehmann là người đã báo trước về việc những hành động quân sự của Hitler chống Liên Xô sẽ bắt đầu vào ngày 22-6-1941. Lehmann bị phát xít Đức phát hiện và thủ tiêu vào năm 1942.
Còn một nguyên bản nữa của Stierlitz là thượng úy không quân Đức Harro Schulze-Boysen, một người có tư tưởng chống phát xít và là thành viên của tổ chức chống phát xít “Dàn nhạc đỏ”.
Từ năm 1936, ông đã hợp tác tích cực với tình báo Xôviết bằng việc chuyển giao nhiều thông tin có giá trị. Năm 1942, phản gián Đức đã may mắn giải mã được một bức điện vô tuyến từ Moskva và phát hiện ra Schulze-Boysen. Hậu quả là ông bị xử tử tại Berlin vào tháng 12-1942.
“Mùa chết”
Bộ phim được sản xuất vào năm 1968 được coi là sản phẩm điện ảnh đầu tiên kể về hoạt động của các chiến sĩ tình báo Xôviết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nguyên mẫu của điệp viên Ladeynikov trong phim chính là một trong những ngôi sao của Cơ quan Tình báo Xôviết – Konan Molody, người từng hoạt động rất thành công tại nước Anh trong những năm 1950-1960.
Molody, ngoài việc thu thập thông tin tình báo, còn thể hiện là một thương gia rất thành đạt, kiếm khá nhiều tiền phục vụ cho nhu cầu hoạt động của tình báo Xôviết.
Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu - Ảnh 4.
Một cảnh trong bộ phim “Mùa chết”.
Hơn nữa, Molody – nổi tiếng tại Anh với cái tên thương gia Gordon Lonsdale – không lâu trước khi bị phát hiện và bắt giữ từng được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ nhờ những “thành công trong việc phát triển hoạt động thương mại”. Cũng như phần lớn các điệp viên khác trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Molody bị lộ do một kẻ đào tẩu khai báo.
Vào năm 1961, điệp viên này bị bắt giữ vào thời điểm đang chuyển giao các tài liệu mật và bị kết án 25 năm tù. Ba năm sau, ông được trao đổi với điệp viên Greville Wynne của Anh trước đó bị bắt giữ tại Liên Xô.
Điều thú vị là chính Molody cũng tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim, khi ông được mời làm cố vấn cho êkíp dàn dựng phim. Tham gia vào lời dạo đầu của bộ phim còn có một huyền thoại khác của tình báo Xôviết là Rudolf Abel, tên thật là Vilyam Fisher.
Abel từng hoạt động tại Mỹ và bị các nhân viên Cục điều tra liên bang (FBI) bắt giữ, sau này được trao đổi với Francis Powers, viên phi công lái chiếc máy bay do thám U-2 bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô.
“TASS được quyền tuyên bố”
Khác với phần nhiều bộ phim khác, tác phẩm “TASS được quyền tuyên bố” ra đời năm 1984 không nói về đề tài tình báo, mà về hoạt động phản gián. Chính vì vậy, nhân vật phản diện chính của bộ phim là tay điệp viên “Trianon” của Mỹ.
Nguyên mẫu của Trianon cũng có trong đời thực – đó là Alexander Ogorodnik, nhân viên Ban phụ trách nước Mỹ thuộc Cục Kế hoạch chính sách đối ngoại – Bộ Ngoại giao Liên Xô.
Điệp viên Xô Viết hóa thân nghệ thuật và những nguyên mẫu - Ảnh 5.
Một cảnh trong phim “Tass được quyền tuyên bố”.
Bộ phim đã mô tả khá chi tiết về chiến dịch phát hiện và vô hiệu hóa tên gián điệp này. Ogorodnik trên thực tế đã được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tuyển mộ nhờ trò mỹ nhân kế. Hắn thậm chí còn đầu độc cô người yêu Olga khi bị nghi ngờ và cuối cùng đã tự vẫn cũng bằng một chiếc bút có chứa chất độc.
Các nhân viên phản gián Xôviết đã thành công trong việc che giấu CIA về cái chết của tên gián điệp, nhờ đó trong quá trình theo dõi hộp thư bí mật đã bắt quả tang một nam nhân viên của đại sứ quán Mỹ. Còn trên thực tế, người bị bắt giữ không phải là nam, mà là một nữ nhân viên có tên Martha Peterson.
Cần nói thêm là nhân vật chính diện trong phim, tình báo viên Slavina cũng có một nguyên mẫu. Yulian Semenov, tác giả cuốn tiểu thuyết cùng tên, cũng như là của kịch bản bộ phim đã chọn nguyên mẫu trên là thiếu tướng KGB Viatreslav Kevorkov.
theo An ninh Thế giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét