Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

TIN BUỒN 50 (Nhà giáo Phạm Toàn)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nhà giáo Phạm Toàn: 'Cần phải hành động mới thay đổi được'

"Giáo dục của Việt Nam là một mớ bòng bong với nhiều quan điểm, phản biện nhưng ít việc làm. Muốn gỡ rối thì phải bắt đầu từ cấp tiểu học và đại học", nhà giáo Phạm Toàn tâm huyết chia sẻ tại hội thảo EduCamp.

Bài phát biểu với chủ đề "Nhóm Cánh buồm - nền giáo dục của việc làm" của nhà giáo Phạm Toàn được chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo Sáng kiến giáo dục Edu Camp diễn ra ngày 30/11 tại ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc.

IMG-0008-JPG-8283-1417596967.jpg
Hơn 200 diễn giả đã có mặt tại Hòa Lạc sớm để tham gia hội thảo.
Trong bài phát biểu, nhà giáo Phạm Toàn không chỉ thể hiện là người có nhiều kiến thức uyên thâm về giáo dục mà còn là một diễn giả bậc thầy về kỹ thuật lôi cuốn người khác. Dẫn dắt người nghe bằng lối kể chuyện hài hước hỏm hỉnh, câu chuyện giản dị nhưng chứa đầy ý nghĩa, chỉ trong gần một giờ phát biểu, nhà giáo đã truyền cảm hứng cải cách giáo dục cho hơn 200 diễn giả và khách mời tại chương trình.

Mở đầu bài phát biểu, nhà giáo Phạm Toàn tự hào khi mình 83 tuổi mà vẫn minh mẫn, vẫn dành cho những cuốn sách tình yêu cháy bỏng. Là một người nghiên cứu giáo dục từ rất sớm, luôn trăn trở tìm hướng đi để tạo ra những thế hệ vàng của Việt Nam, gần cả đời người nghiên cứu, người đứng đầu nhóm Cánh buồm nghiệm ra một điều: "Muốn làm gì thì cứ làm, bởi tranh luận lý thuyết sẽ không đi đến đâu, cần phải hành động mới có thể thay đổi được".

Chiêm nghiệm quý báu của diễn giả đã nhận được tràng pháo tay dài không ngớt của những người cũng đang cùng trăn trở và đồng điệu về suy nghĩ ở phía dưới khán đài.

IMG-0020-JPG-1991-1417596967.jpg
Theo nhà giáo Phạm Toàn, muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu từ cấp tiểu học và đại học.
Theo nhà giáo Phạm Toàn, muốn gỡ rối và cải cách giáo dục nên bắt đầu từ bậc tiểu học và đại học. Bởi, trong năm 5 đầu đời, con người phát triển củng cố về cơ bắp, giác quan, quan hệ tình cảm. Thời điểm học sinh lớp 1 đi học là cuộc ra đời lần thứ 2 cần sự "đỡ đẻ của giáo viên tử tế".

Ở bậc tiểu học, yêu cầu học sinh phải học có ý thức và phương pháp. Giáo dục ở tiểu học cần phải tạo ra sản phẩm lý tưởng mà có thật giúp các học sinh phát triển được trí tuệ, tâm hồn và năng lực làm việc. Để làm được điều này cần xây dựng một nền giáo dục tự học, tự giáo dục, tự do dấn thân và sống có trách nhiệm.

"Điều quan trọng nhất là phải bồi đắp được môi trường giúp học sinh dấn thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho các em được sống với hơi thở của cuộc đời thực với hạnh phúc, đau khổ, vấp ngã... Một tế bào lành mạnh phải ngay từ lúc sinh ra, không thể hy vọng nuôi dưỡng tế bào ung thư với mong muốn một phép màu xảy ra sau 18 năm nữa sẽ trở nên thành lành lặn", GS Phạm Toàn khẳng định.

Chính vì yếu tố trên, GS Phạm Toàn và nhóm Cánh buồm đã biên soạn bộ sách với 10 quyển (tiếng Việt và Văn từ lớp 1đến lớp 5) với nội dung căn bản dễ thực hiện, dễ huấn luyện cho cả giáo viên và phụ huynh, giúp trẻ luyện tập được trí tưởng tượng và liên tưởng nghệ thuật. Những ví dụ từ bộ sách tiểu học của nhóm Cánh buồm như trẻ lớp 2 có làm thơ, học tưởng tượng thông qua các hình vẽ vừa đủ trừu tượng để phát huy trí tưởng tượng vừa cụ thể để các em không nhầm lẫn... được nhiều người nghe tán thưởng.

Người đứng đầu nhóm Cánh buồm rất mong được hợp tác với khối Giáo dục FPT để tổ chức một hệ thống huấn luyện về giáo dục tiểu học. Bài phát biểu kết thúc nhưng người công tác trong lĩnh vực giáo dục tham gia hội thảo vẫn rất tâm đắc với tâm huyết và sự truyền lửa.

Nhiều câu hỏi và những gợi ý cho nhóm Cánh buồm được đưa ra như phản ứng của xã hội với bộ sách, động lực nào giúp các trường lựa chọn bộ sách của nhóm để đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa... Nhà giáo Phạm Toàn đã chia sẻ rất chân thành về những băn khoăn này.

Khi đưa ra tư tưởng mới với bộ sách giáo khoa gồm 10 quyển về chương trình dạy tiếng Việt và Văn bậc tiểu học, nhóm gặp phải nhiều luồng dư luận trái chiều. Tự nhận mình là "tổ lao động cộng sản lý tưởng", nhà giáo Phạm Toàn và các cộng sự vẫn miệt mài làm việc hết mình với nỗ lực, sự hiểu biết và mong muốn góp phần nhỏ cải cách giáo dục Việt Nam trong 100-200 năm tới.

Theo nhà giáo Phạm Toàn, điều gì cũng cần thời gian chứng minh, ông và cộng sự chỉ biết làm hết trách nhiệm và tâm huyết, để không bị sai sót nhầm lẫn. "Nếu làm sai tức là đã tham gia vào quá trình ngu dân thì không lấy gì làm mừng", ông nói.

IMG-0041-JPG-8067-1417596967.jpg
Bài tham luận của anh Thành Nam thu hút đông đảo người tham gia.
Ngoài bài tham luận của GS Phạm Toàn, có khoảng 40 bài thuyết trình với 200 diễn giả và người tham gia đã có mặt tại Hội thảo sáng kiến giáo dục - EduCamp lần đầu tiên được tổ chức ở Hòa Lạc.

Dù lần đầu tổ chức nhưng có rất nhiều bài tham luận có giá trị đã được trình bày như: "Làm sao để sinh viên không ngủ gật" của Phó Chủ tịch HĐQT ĐH FPT Nguyễn Thành Nam, SMAC trong giáo dục của Trần Thế Trung - Viên nghiên cứu công nghệ FPT, "Tương tác 1:1 trong lớp học tiếng Anh có khả thi" của diễn giả Trần Thị Thu Hương - FPT GEM...

IMG-0017-JPG-3565-1417596967.jpg
TS Đàm Quang Minh vui mừng vì có sự tham gia đông đảo của diễn giả người làm giáo dục và tâm huyết với ngành đã tham gia chương trình.
Phát biểu tại chương trình, TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH FPT chia sẻ: "Tôi vui mừng vì không chỉ có người làm giáo dục ở FPT mà còn đồng nghiệp ở Hà Nội, TP HCM cũng tới tham gia. Hy vọng, Educamp sẽ mở màn cho công cuộc nghiên cứu công nghệ mới trong giáo dục giúp nền giáo dục Việt Nam khi ra ngoài quốc tế có chỗ đứng và thầy cô sẽ làm chủ được không gian sư phạm của mình".

Anh Dương Trọng Tấn, Trưởng dự án công nghệ giáo dục ĐH FPT thông tin thêm, sau hội thảo này, trường dự kiến tổ chức định kỳ Educamp mỗi năm một lần để tạo diễn đàn cho cá nhân có tâm huyến với nền giáo dục tham gia trở thành chất xúc tác để đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, những sáng kiến giáo dục có giá trị, độ khả thi cao và đã có kết quả nhất định trong thực tế sẽ được ĐH FPT hỗ trợ triển khai và lan tỏa ý tưởng đến cộng đồng.

Hội thảo tìm kiếm sáng kiến giáo dục - Educamp đã truyền cảm lửa đến cho người tham gia. Chị Hồ Thị Thảo Nguyên, Phòng Phát triển chương trình FPT Polytechnic, chia sẻ, chị đến hội thảo nhằm tìm hiểu và cập nhật về phương pháp dạy và học đổi mới trong giáo dục qua chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. "Tôi rất ấn tượng với bài phát biểu của GS Phạm Toàn khi đưa ra môi trường giáo dục lý tưởng nhưng có thật để giúp phát huy hết khả năng của người học. Hội thảo rất ý nghĩa khi thúc đẩy người làm giáo dục cập nhật xu hướng để hội nhập thực tế", chị Nguyên nhìn nhận.

Educamp là hội thảo giáo dục mở đầu tiên của khối Giáo dục FPT, quy tụ nhiều chuyên gia cũng như những người quan tâm với mục đích kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng đổi mới.
Nhân kỷ niệm 15 năm khối Giáo dục FPT (1999-2014), FPT Educamp 2014 lần đầu ra mắt và hướng vào các chia sẻ và thảo luận xung quanh chủ đề “Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Đây là hội thảo khởi động một chương trình về giáo dục được nhà trường tổ chức thường niên, nhằm quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đóng góp tích cực không ngừng vào việc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.
Lưu Vân

Nhà giáo Phạm Toàn, nhóm Cánh Buồm: “Làm thật” để phản biện nền giáo dục

Thứ Ba, 23/10/2012 15:36 GMT+7

(TT&VH) - Đó là lý lẽ giản đơn để ông thầy 80 tuổi Phạm Toàn khởi xướng một chương trình cải cách giáo dục được giới sư phạm và dư luận đánh giá là “cấp tiến” nhưng cũng gặp không ít hoài nghi.
Tôi đến hỏi chuyện nhà giáo Phạm Toàn tại căn nhà ông thuê với giá 3,5 triệu đồng/tháng tại đường Lạc Long Quân, Hà Nội. Ông ở nhà số 4 phụ, tức là một gian nhỏ được chia ra để cho thuê bên cạnh nhà số 4 chính. Sống gần Hồ Tây dù không phải đại gia, nhưng chiều chiều, ông có thể đi bộ ra hồ cũng là cái thú ít ai có được.
Ông già và “những bạn trẻ"
Khi tôi đến, người đứng đầu nhóm Cánh Buồm đang làm dở bài thuyết trình về chương trình giáo dục trung học của nhóm để vài hôm tới trình bày trước các cộng sự. Sau bộ sách bậc tiểu học (chưa có môn Toán), bước tiếp theo, Cánh Buồm dự định soạn thêm đến lớp 10. Tức là, chương trình của nhóm sẽ bao quát 10 năm đầu đi học của mỗi con người.
Tôi hỏi chuyện ông, ông lại say mê kể về "những bạn trẻ" trong nhóm: “Biết mấy bạn trẻ trong nhóm tôi chúng nói thế nào không: Mình không làm thì ai làm?. Không phải vì chúng nó giỏi hơn tất cả, chỉ là biết nhận trách nhiệm sớm hơn thôi. Tôi yêu nhóm Cánh Buồm là vì thế”.


Nhà giáo Phạm Toàn trao bộ SGK tiểu học của Cánh Buồm cho nhà văn hóa Nguyên Ngọc trong hội thảo “Em biết cách học” hôm 6/10 ở Hà Nội. Ảnh: Hạ Huyền
“Mấy đứa trẻ” của Phạm Toàn cũng vào độ tuổi dưới 30, không còn quá trẻ,nhưng so với ông lão 80 thì đúng là "trẻ". Khi chọn những người trẻ vào nhóm Cánh Buồm để làm sách, ông muốn đó còn là "sự lựa chọn cho tương lai" để lớp trẻ tiếp tục nối dài con đường ông đang đi.
Cũng dễ hiểu khi với tư duy "trẻ" ấy, Phạm Toàn có thể thích ứng với phong cách làm việc dồn dập đầy chất “công nghiệp hóa”, phù hợp với những người trẻ hơn là một ông lão 80. “Tối 6/10 hội thảo công bố bộ SGK ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) thì đến 5/10 mới in xong cuốn cuối cùng là Văn lớp 5” - ông nói.
Chỉ nói suông, không cải cách giáo dục được
Hiện nay xã hội có rất nhiều ý kiến về cải cách giáo dục. Nhà giáo Phạm Toàn nói: “Tôi thấy sốt ruột. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ những việc làm để cụ thể hóa những tư tưởng tốt đẹp và to tát. Tôi nghĩ: Cốt lõi của giáo dục là ở nội dung học, sau đó là cách học và cách dạy. Nghĩ thế, nên tôi chủ động tạo ra một bộ sách. Trong bộ sách đó chứa đựng cả triết lý giáo dục, cả nội dung học, cả cách học và cách dạy. Đơn giản vậy thôi. Ít ra thì xã hội cũng có chỗ bám víu cụ thể để hình dung con em mình sẽ trở thành con người như thế nào”.
Tôi nhắc lại thắc mắc của nhiều người, vì sao trong bộ sách tiểu học Cánh Buồm mới chỉ có môn Tiếng Việt, Văn. Còn các môn Lối sống, Tiếng Anh, Khoa học - Công nghệ vẫn chưa xong cho cả 5 lớp. Và cũng chưa có môn Toán?
Nhà giáo Phạm Toàn giải thích: “Nhóm Cánh Buồm rất ít người. Nhưng nếu có thêm người, chúng tôi cũng không soạn sách Toán. Trình độ chúng tôi không cho phép. Xã hội nhiều nhà giáo dạy Toán tài ba, nên việc đó không nhất thiết rơi vào tay nhóm Cánh Buồm. Thế nhưng Cánh Buồm vẫn soạn những sách rất khó, như môn Tiếng Việt, Văn, Lối sống”.
Cánh Buồm có phiêu lưu?
Đánh giá một công việc xem có phiêu lưu hay không dựa trên hai điều cơ bản. Một là, xem đường lối của công việc đó có đáng tin cậy không - đây là công việc của chuyên gia. Hai là, xem vận dụng trong thực tiễn có ổn không?
Nhóm Cánh Buồm đang chờ đợi sự phản biện của các chuyên gia. Còn trong quá trình thực hành, những cuốn sách đang chờ thêm những nhận xét của người dùng sách để tiếp tục đổi mới cho phù hợp với thực tiễn.
“Cánh Buồm dùng việc làm cụ thể, việc làm thật, để “phản biện” lại nền giáo dục đang khủng hoảng. Chúng tôi không nói suông và chúng tôi càng không bao giờ “chọc gậy bánh xe”. Cánh Buồm mong chờ những ý kiến với nhiều giá trị phản biện. Hãy chỉ ra chỗ nào chúng tôi còn thiếu sót về lý thuyết và những khó khăn của người dùng sách trong thực tiễn” - nhà giáo Phạm Toàn tâm sự.
Trong số những phản biện mà ông nhận được, có ý kiến cho rằng: “Cách giáo dục cũ giúp chúng tôi học xong thì biết viết, biết làm tính, vậy thì đâu đến nỗi thất bại?”. Phản hồi của nhà giáo Phạm Toàn: “Nếu chỉ nhìn bản thân mình và tự mãn với những cái nhỏ bé đã có, thì xin cứ tiếp tục! Nhưng chúng ta phải tìm ra cái tốt hơn cho con em chứ! Khi soạn sách, nhóm mong sao cho học sinh có được tư duy khoa học và tâm hồn phong phú”.
Nhóm Cánh Buồm đã chuyển 200 bản mềm SGK cho tạp chí Tia sáng, các nhà giáo, học giả, các nhà xuất bản và nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội. GS Ngô Bảo Châu từ Mỹ cũng gửi thư điện tử về xin một bản và đã được nhóm đáp ứng, nhưng hiện nhóm vẫn chưa thấy phản hồi của giáo sư (thông tin tính đến ngày 16/10).
“GS Ngô Bảo Châu là người thẳng thắn, nếu thấy sách dở thì sẽ không khen cho được lòng đâu” - nhà giáo Phạm Toàn nói. Nhiều người nói ông là thầy cũ của GS Châu, nhưng thực ra, ngày ở trường Thực nghiệm, ông chủ yếu làm công việc soạn SGK chứ không trực tiếp dạy.
GS Vũ Thế Khôi từng nói (trong hội thảo “Em biết cách học” ở Hà Nội ngày 6/10), cả hai nhà sư phạm Phạm Toàn và Hồ Ngọc Đại đều bắt đầu nghĩ về con đường giáo dục mới cho Việt Nam từ “nửa thế kỷ trước”, thời mà ít ai trong số chúng ta nhận thấy đổi mới giáo dục luôn là điều cấp thiết.
Nửa thế kỷ, là hơn nửa đời người.
Phạm Toàn sinh năm 1932, quê ở Đông Anh, Hà Nội.
Năm 1951, ông bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên. Về sau ông còn dịch tiểu thuyết, từng dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt… Nhưng sự nghiệp chính của ông là sư phạm.
Phạm Toàn đính chính, ông không phải là “Giáo sư” như trên báo thường viết, cách gọi chính xác nhất là “nhà giáo”. Cách đây hơn 30 năm, ông bắt tay vào soạn sách giáo khoa cho trường Tiểu học Thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại, chủ yếu ở hai môn Văn và Tiếng Việt.
Mi Ly

Nhà giáo Phạm Toàn - nhà văn Châu Diên đã giong cánh buồm đi xa

26/06/2019 11:07 GMT+7

TTO - Nhà văn, nhà giáo Phạm Toàn (bút danh Châu Diên) vừa qua đời lúc 6h42 ngày 26-6, hưởng thọ 88 tuổi. Tưởng nhớ ông, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang - lớp 'hậu bối' 9X - vừa gửi đến Tuổi Trẻ Online một bài viết.

Nhà giáo Phạm Toàn - nhà văn Châu Diên đã giong cánh buồm đi xa - Ảnh 1.
Nhà văn, nhà giáo Phạm Toàn - Ảnh: NGUYỄN THÀNH KIÊN
Thầy Phạm Toàn cách tôi hơn nửa thế kỷ, nhưng thầy vẫn gần với thế hệ chúng tôi lắm. Khi tôi gặp thầy lần đầu, thầy đã ngoài 80, vẫn sử dụng thành thạo máy tính, mạng xã hội, vẫn biết tình hình trong nước và thế giới và rất hay trêu cái sự không chịu "cập nhật" của chúng tôi.
Chàng Sinbad trong những cuộc phiêu lưu tìm tòi cải cách giáo dục
Gọi thầy là gọi theo anh em bè bạn chứ thầy chưa dạy tôi buổi nào. Thầy Phạm Toàn đã sống trọn vẹn với nghĩa của từ "thầy", không chỉ là người truyền tải kiến thức mà còn là người thầy tinh thần cho bao thế hệ học trò.
Có lẽ bởi lối nói chuyện rất hóm, lúc nào cũng thích ghẹo bọn trẻ, chọc vui đấy mà cũng vừa dạy dỗ đấy. Đó cũng là phương pháp dạy học của thầy, không bao giờ gò bó, gượng ép hay nhồi nhét những bài học kiến thức, mà phải làm cho học sinh tiếp nhận tri thức một cách tự nhiên thoải mái nhất.
Đó cũng là tâm niệm khi thầy lập ra nhóm làm sách Cánh Buồm, muốn thực hiện một bộ sách giáo khoa thật hấp dẫn, vừa trang bị đầy đủ kiến thức, đồng thời trang bị kỹ năng để các em nhỏ bước vào đời.
Ngay từ tên Cánh Buồm đã nói lên nhiều điều, rằng môi trường học tập không chỉ bó hẹp trong phòng óc hay góc sân trường, nó phải vươn ra xa, tìm kiếm, khám phá những bến bờ mới, những chân trời mới.
Mong ước soạn một bộ sách giáo khoa tiên tiến, với vai trò "thuyền trưởng", thầy Phạm Toàn dù đã ngoài 80 vẫn háo hức như chàng Sinbad trong những cuộc phiêu lưu tìm tòi cải cách giáo dục.
Giáo dục là cả cuộc đời thầy Phạm Toàn. Trong các câu chuyện phiếm nói với nhau, lòng vòng một hồi cũng về giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học.
Bắt đầu nghiên cứu giáo dục tiểu học từ những năm 60, hơn nửa thế kỷ miệt mài cải tiến giáo dục, không phải cải cách nào của thầy cũng nhận được sự đồng tình nhưng ông giáo Phạm Toàn đều vui vẻ lắng nghe.
Bởi ông biết đó là một công việc lớn, không thể làm được một mình. Càng có tuổi thầy càng nhấn mạnh đến việc đào tạo thế hệ kế cận, để lỡ mai này "thuyền trưởng" Phạm Toàn có mất đi thì Cánh Buồm vẫn căng gió.
Thầy giáo Phạm Toàn nắm tay nhà văn Châu Diên...
Ít ai biết thầy còn là nhà báo, nhà văn, dịch giả với bút hiệu Châu Diên. Nhưng ông thầy Phạm Toàn đã vỗ về ông nhà văn Châu Diên ngủ say để mình yên tâm làm giáo dục.
Thi thoảng ông cũng lay cho dịch giả Châu Diên thức giấc để chuyển ngữ các danh tác trên thế giới - như Bay đêm, Vào một đêm không trăng, Mặc cảm của D, Hoàng tử bé, Chín mươi ba, Ruồi, Nhà tiên tri...., đặc biệt là các truyện thiếu nhi. Nếu không có tình yêu dành cho trẻ con, khó có thể buộc một người lớn kiên nhẫn dành trọn một đời đẹp nhất cho sự nghiệp giáo dục các bạn nhỏ.
Trong căn hộ của thầy có treo bức tranh do các em học sinh vẽ thầy Phạm Toàn, lơ phơ vài sợi tóc. Cái hình ảnh thầy giáo già buổi xế chiều, vẫn cặm cụi làm việc vì không muốn mình để lại cho thế hệ sau một dang dở. "Năm nay soạn xong bộ sách rồi tao chết", "Năm nay soạn xong bộ sách rồi tao hẳn viết hồi ký"…; thầy cứ thế, làm việc, làm việc để níu giữ chút thời gian hữu hạn của đời.
Mấy tháng trước khi thầy mất, thầy còn triển khai một dự án giới thiệu các kiệt tác văn chương cho các em học sinh, tôi được phân công viết vài bài. Nghe tưởng dễ nhưng nhiệm vụ thầy Phạm Toàn đưa ra khó vô cùng. Viết làm sao vừa ngắn gọn, súc tích mà phải hấp dẫn, khơi dậy được lòng tò mò muốn đọc ở các em và nhất là ngôn ngữ phải đơn giản, dễ hiểu.
Hôm nay thầy mất rồi mà tôi vẫn nợ thầy những bài viết ấy. Những ngày cuối đời, bao nhiêu bạn bè học trò ghé thăm, những vòng tay ôm, những lời hẹn lần sau, lần sau… dù biết không bao giờ còn lần sau nữa.
"Bạn bè" của thầy đủ mọi lứa tuổi - từ ông cụ trên 80 cho đến thanh niên 20 và trong lúc thầy dạy các em tiểu học, tôi tin thầy cũng coi các em là bạn. Mỗi người mang theo mình một mảnh "Phạm Toàn" và có cách nhớ về thầy rất riêng của mình.
Với tôi, có lẽ sẽ tìm lại những tác phẩm của thầy để đọc, là tiểu thuyết Người sông Mê chăng? Phải rồi, xem chừng trong sách, thầy giáo Phạm Toàn nắm tay nhà văn Châu Diên, đứng ở bờ bên kia của dòng sông Mê, nở nụ cười hóm hỉnh vẫy tay chào chúng tôi.
Có lần thầy khoe và tặng cuốn sách Em học em nghĩ em làm - một sản phẩm của các em học sinh trong độ tuổi tiểu học của trường Gateway. Tuyển tập là những bài thơ bài vè hay đoản văn do chính các em học sinh sáng tác, chẳng hạn một em học sinh lớp 2 đã viết lại đoạn kết truyện Tấm Cám:
"Sau khi thấy Tấm sống lại, mẹ con Cám đã thay đổi tính cách, hiền hậu hơn xưa. Tấm trở về nhà, mẹ con Cám đã nói lời xin lỗi và Tấm đồng ý. Họ đã cùng nhau ăn một bữa cơm quây quần. Từ đó ba mẹ con sống yêu thương, đùm bọc và hạnh phúc".
Tuyển tập cũng có những bài thơ haiku của các em lớp 3 như: Một người mất/ linh hồn ở đâu/ trong tim em; Mùa xuân đi thật nhanh/ nhưng vẫn còn/ trong năm sau; Ngày tháng cứ đến rồi đi/ hiện tại cũng thành kí ức/ nhưng đó vẫn là thời gian…
Cứ thế thầy say sưa nói, như bác nông dân tự hào khoe vườn cây trái do mình khổ công gieo hạt, chăm bón, giờ đã ra quả ngọt.

HUỲNH TRỌNG KHANG
 
Văn Việt trò chuyện cùng nhà giáo Phạm Toàn

Nhà giáo Phạm Toàn đã qua đời

Nghe VietNamNet
Chạy

Sáng nay 26/6, nhà giáo, nhà văn và dịch giả Phạm Toàn đã lên chuyến đò riêng của cuộc đời, rời xa dương thế.

Nhà giáo Phạm Toàn đã qua đời
Nhà giáo, nhà văn và dịch giả Phạm Toàn (1932-2019). Ảnh: Lê Anh Dũng
Phạm Toàn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đến năm 1946 ông đi bộ đội và cuối năm 1951, ông được đi học cao đẳng sư phạm.
Năm 1951, ông bắt đầu viết văn với bút danh Châu Diên, với một số giải thưởng về văn xuôi và truyện ngắn. Về sau ông còn dịch tiểu thuyết, từng dịch các tác phẩm của Victor Hugo, Carlo Goldoni, Jean-Paul Sartre, A.de Saint-Exupéry, Đới Tư Kiệt… 
Ông viết 2 tập truyện ngắn: "Mái nhà ấm" (Nxb Văn học, 1959) "Con nhện vàng" (Nxb Thanh niên, 1962), tiểu thuyết Người Sông Mê (Nxb Hội Nhà Văn, H. 2003 – in 2 lần), tái bản 2005.
Tác phẩm dịch của ông phải kể tới: Chín mươi ba (V. Hugo) Văn học, H. 1982, 1995, Bay đêm (St-Ex), Văn học, H. 1986, Nhà tiên tri, Con trai của người, Vẻ đẹp đời (Kh. Gibral), Văn học, H, 1992, Sư tử (J. Kessel), Văn học, H, 1987, Cô chủ quán (K. Goldoni), Văn học, H. 1983, Ruồi (J. P. Sartre), Văn học, 1985;v.v...
Nhưng sự nghiệp chính của ông là sư phạm.
Ông nghiên cứu Giáo dục Tiểu học từ 1967 cho đến bây giờ. Ông đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn sách cho học sinh dân tộc thiểu số, sách tâm lý giáo dục và bộ sách Công nghệ giáo dục cho học sinh trường Thực nghiệm. Ông nhận huy hiệu Lao động sáng tạo năm 1981, Giải nhì UNESCO khu vực châu Á và Thái Bình Dương năm 1984…
Nhà giáo Phạm Toàn đã qua đời
Nhà giáo Phạm Toàn trong một bàn tròn về giáo dục trên báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông còn cùng với GS Ngô Bảo Châu, và GS toán học Vũ Hà Văn, mở một trang mạng giáo dục với tên là Học thế nào chính thức hoạt động vào ngày 1/5/2013 với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam.
Và mười năm trở lại đây, nhà văn Phạm Toàn được biết tới nhiều ở vị trí thủ lĩnh nhóm Cánh buồm. Ông tập hợp ở đó những người làm việc hoàn toàn trên tinh thần tình nguyện để cùng nhau biên soạn một bộ SGK có khả năng phát triển năng lực tự học và tự giáo dục của người học.
Không chỉ đặt mục tiêu biên soạn SGK, nhóm còn muốn tổ chức việc học thành quy trình gắn với phương châm “Làm mà học, làm thì học” (Learning by doing).
Từ năm 2010 đến nay, nhóm Cánh Buồm đã biên soạn các cuốn SGK Văn và Tiếng Việt cho bậc tiểu học và trung học cơ sở, Khoa học, Lối sống, và Tiếng Anh cho bậc tiểu học... Đã có khoảng 100.000 bản SGK Cánh Buồm, trong đó nhiều nhất là các cuốn Văn và Tiếng Việt bậc tiểu học, được xuất bản bằng các nguồn lực xã hội do nhóm quyên góp. Bộ SGK Cánh Buồm cùng phương pháp học “Learning by doing” hiện đang được sử dụng tại một số trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ông cho biết việc của ông và nhóm Cánh Buồm đang làm không phải vì lợi nhuận, không phải vì danh tiếng mà chỉ vì trách nhiệm công dân bình thường, và vì “mình không làm thì ai làm?”.
Câu nói “Mình không làm thì ai làm” của nhà giáo Phạm Toàn trở thành triết lý hành động của nhóm Cánh buồm.
Anh Dương Trọng Tấn, thành viên Ban điều hành mới của nhóm Cánh buồm – một trong những “đứa trẻ” mà ông yêu mến nhất, kể rằng “Cuốn nào ông cũng dựng khung, viết bài mẫu, phản biện cẩn thận để ‘ít sai’ nhất. Các bài trong sách ông đều yêu cầu đem ra thảo luận kĩ càng, nhiều bài duyệt hơn chục lần mới được thông qua”.
Anh Tấn nói vui “Ông lãnh đạo triệt để và toàn diện, còn chúng tôi chỉ xúm vào phụ họa thêm”.
Còn nhà giáo Vũ Thế Khôi, Trưởng nam của cụ Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam) nói về Phạm Toàn và tâm huyết những năm cuối đời của ông như sau: “Nhà giáo Phạm Toàn không bao giờ dạy đối phó và nói dối… Các bậc phụ huynh nên dạy thêm sách của Cánh buồm cho con tại nhà. Tôi đã dạy thêm cho cháu nội, và thấy cháu có rất nhiều sáng tạo bất ngờ, vốn từ vựng cũng phong phú hơn”.
Nhà báo Kim Dung, một người bạn thân thiết của ông, hồi tưởng: "Một trí thức đầy nhiệt huyết với Đất nước, với Con trẻ. Lúc nào cũng vội vã làm việc chỉ sợ không đủ thời gian. Một tâm hồn trong sáng, yêu Đời, hồn nhiên và thiện lương như... con trẻ. Gặp Anh là thấy cười, là thấy nói về nhóm Cánh Buồm, khoe thơ, khoe văn của con trẻ...".
Nhà giáo Phạm Toàn qua đời lúc 6h42 ngày 26/6/2019 (24/5 Kỷ Hợi) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Lễ viếng từ 8h30-9h30, lễ truy điệu từ 9h30-10h30 ngày 28/6/2019 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch, Hà Nội). Hỏa táng cùng ngày tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển).
Ông được an táng tại quê nhà - thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.
Gia đình xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng). 
Ngân Anh

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục

Động lực để học sinh chăm học và thích học không do thi cử kích thích, mà được tạo ra bằng thay đổi cách học.
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được 3 bài viết mới của Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục sau những bùng nhùng thi cử vừa qua.
Tòa soạn giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết đầu tiên của ông và trân trọng cảm ơn Nhà giáo Phạm Toàn. “Một cách học Văn khác” và “Hoàn thiện công việc tự học khi kết thúc lớp 12″, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu trong những ngày tới.
Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Mạc Văn Trang viết, “… cho rằng không thể bỏ thi Trung học phổ thông được, vì không thi học sinh không học … đó là thứ lý luận giáo dục thấp kém, không nhìn thấy bản chất và mục đích của việc học, mà cố bấu víu vào việc THI để hù dọa, cưỡng chế, gây áp lực cho học sinh và cha mẹ chúng là phải học, cố học để THI có tấm bằng Trung học phổ thông. 98% đỗ, rồi để làm gì?”
Không nói quá lên chút nào, thực sự cả nước ta đang sôi sục sau một cuộc thi, mà nó chỉ thành to chuyện sau những vụ gian lận điểm đã lộ và chưa lộ.
Một cuộc thi, nhưng có thể coi như rất nhiều cuộc thi trong một cuộc thi, vì tất cả đều chỉ có chung một tư duy có học có thi.
Đáng buồn là, những cuộc rút kinh nghiệm chân thành và tốn kém cũng chỉ dừng lại và tự bó tròn quanh chủ đề: có học có thi, và thi hai trong một, hay một cho hai…!Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục - Hình 1

Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp.
Nhưng trong cái buồn có cái …cơ hội nhìn nhận toàn bộ cách thức tiến hành công cuộc Giáo dục của cả nước, nhân một chi tiết là việc thi.
Trong bài này tác giả sẽ nói chuyện bỏ thi và một nền Giáo dục không cần thi.
Có học có thi
Trên trang Facebook của mình, phó giáo sư Mạc Văn Trang viết phản đối mạnh mẽ cách tư duy này:
Ở đây muốn trao đổi về lý lẽ của mấy đại biểu cho rằng KHÔNG THỂ BỎ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐƯỢC, VÌ KHÔNG THI HỌC SINH KHÔNG HỌC…
Tôi xin nói thẳng rằng, đó là thứ lý luận giáo dục thấp kém, không nhìn thấy bản chất và mục đích của việc học, mà cố bấu víu vào việc THI để hù dọa, cưỡng chế, gây áp lực cho học sinh và cha mẹ chúng là phải học, cố học để THI có tấm bằng Trung học phổ thông. 98% đỗ, rồi để làm gì?” [1]
Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục - Hình 2
Thí sinh đang làm bài thi. Ảnh minh họa: TTXVN
Vì là trang Facebook nên ông Mạc Văn Trang chỉ có cơ hội giải thích rất ngắn những sai lầm của cách tư duy “có học có thi”.
Vốn là thành viên kỳ cựu của Viên Nghiên cứu Khoa học Giáo dục, nên ông Mạc Văn Trang biết rõ chuyện diễn ra khi Viện này từ những năm 1980 tức là từ khi thế hệ các giáo sư lãnh đạo Viện còn sống, đã nghiên cứu khái niệm đánh giá thay cho thi cử.
Tiếc thay, các khái niệm này đã không được chú ý nối tiếp trong công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và tư tưởng này cũng không thấy tiếp tục xuất hiện trong các cuộc thảo luận!
Một bài báo trên trang Vietnamnet [2] có thể khiến nhiều người tiếc nuối việc bỏ thi. Bài báo viết về những đề thi Triết học bậc Tú tài quá hay quá đẹp ở Pháp.
Đọc những đề thi lặp lại mà không bao giờ cũ qua cả trăm năm, ai cũng thích thú, và ngơ ngác tưởng tượng tại sao học sinh Pháp cuối bậc Phổ thông Trung học lại đọc lắm sách thế và có thể tiếp nối tinh thần Tự do, Khai sáng của dân tộc họ đến thế!
Đây là một số đề thi Triết học kỳ thi quốc gia năm 2017 trong bài báo đã dẫn trên.
Ban Khoa học:
Đề 1. Bảo vệ quyền của mình có đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của mình?
Đề 2. Người ta có thể thoát khỏi văn hoá của mình không?
Đề 3. Giải thích đoạn văn sau của Foucault, trong tác phẩm “Những điều đã nói và viết” (1978) [ ... ]
Ban Văn
Đề 1. Có phải chỉ quan sát là đủ để biết?
Đề 2. Có phải tất cả những điều tôi có quyền làm đều là đúng?
Đề 3. Giải thích một đoạn văn của Rousseau trong Diễn văn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng giữa người với người, 1755 [ ... ]
Ban Kinh tế – Xã hội:
Đề 1. Lý trí có thể trả lời mọi chuyện hay không?
Đề 2. Một tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết là đẹp hay không?
Đề 3. Giải thích một đoạn văn của Hobbes trong tác phẩm Léviathan (1651). [ ... ]
Ấy thế nhưng rồi chính một người Pháp nhà tâm lý học Henri Piéron từ những năm 1950 đã khai sinh ra khái niệm đánh giá thay cho thi cử.
Ông Piéron dùng cứ liệu bài thi đã chấm rồi, được chấm lại nhiều lần bởi chính người đã chấm nó…
Kết quả từ các lượt chấm cho những điểm rơi có phân bố hình chuông (phân bố Gauss), điểm thấp nhất là 4, điểm cao nhất là 18, trên thang điểm 20.
Ông Piéron viết cuốn sách tên là “Thi cử và khoa học đánh giá” (Examen et docimologie). Chữ docimologie không có trong tiếng Pháp, là chữ do ông lấy ra từ tiếng Hy Lạp dokimos có nghĩa “đánh giá”. Và Henri Piéron đề ra khái niệm đánh giá thay cho thi cử.
Có học có kết quả
Chống lại tư duy có học có thi là tư duy có học thì phải học có kết quả và chính người học tự đánh giá được kết quả đó.
Bỏ thi chỉ có nghĩa là bỏ một cung cách kiểm tra, đánh giá. Và việc thay đổi cách đánh giá đòi hỏi thay đổi việc tổ chức cách học của người học.
Có một cách học khác đã được đề xuất bởi nhóm Cánh Buồm ra đời năm 2009 (canhbuom.edu.vn).
Nhóm này không chỉ rao giảng tư tưởng giáo dục của nó, mà thể hiện tư tưởng đó thành hệ thống giải pháp nghiệp vụ sư phạm, tức là hệ thống việc làm của người dạy và người học, để có học có kết quả.
Nhóm đã xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa gửi xã hội.
Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục - Hình 3
Giới thiệu đầu sách các loại của nhóm Cánh Buồm
Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu một phương án khác tổ chức lại nền Giáo dục - Hình 4
Sách miễn phí trên trang Canhbuom.edu.vn mục Sách mở để bà con dùng thử và góp ý
Một cách học khác mang tên Cánh Buồm nêu ra trước xã hội những nét đặc trưng gì đáng chú ý?
1. Toàn cảnh Giáo dục
Nhìn vào một toàn cảnh hoạt động Giáo dục, ta thấy nhiều thành tố tham gia. Đem phân tích, sẽ thấy có ba thành tố: A. Nhà sư phạm; B. Người học; và C. Yếu tố tác động.
Yếu tố A và B hấu như không thay đổi nhiệm vụ trong lịch sử, nhưng yếu tố C thì có. Phần quan trọng nhất của yếu tố C trong toàn cảnh sự nghiệp Giáo dục là quản trị xã hội.
Một cơ quan quản trị xã hội có thể ngăn cản hoặc khích lệ hoạt động của nhóm yếu tố A và B.
Một thí dụ: quyết định chính thức dùng chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20 khiến nhà trường phát triển khác hẳn suốt hai thế kỷ trước đó khi chữ quốc ngữ bị “nằm ngủ”.
Yếu tố A và B trong toàn cảnh hoạt động Giáo dục có tính độc lập tương đối trước yếu tố tác động C.
Chẳng hạn, ngay khi chữ quốc ngữ còn bị dè bỉu thì vẫn có những người bướng bỉnh làm chủ được công cụ đó: từ điển “quấc âm” đồ sộ của Huỳnh Tịnh Của là một ví dụ.
Ngày nay, ta có quyền thấy mình hạnh phúc ngay cả khi cụ Huỳnh Tịnh Của còn viết sai chính tả!
Ở phương Tây, Jean Piaget đã kịp nhận thấy sự lạc hậu của cái lệnh cấp Nhà nước về bậc tiểu học cưỡng bức.
Những nghiên cứu của Piaget về thao tác học trí khôn thao tác cùng những cách đo nghiệm đánh giá người học mang tên Binet-Simon là những bổ khuyết để yếu tố A và B cùng vượt ra khỏi những ràng buộc của Yếu tố C.
Trong cuộc sống thực, nhóm A và B thường có phản ứng khôn ngoan trước yếu tố C: hệ thống trường tư thục cưỡng lại hệ thống công lập – và hệ thống homeschooling cũng không phải là sáng kiến kém giá trị!
2. Phương thức nhà trường
Tương tự như vậy, nhóm A và B thời nay sẽ có đủ trí và tâm để nhận thấy việc cải cách một nền Giáo dục không thể thực hiện chỉ nhờ vài ba dự án.
Nhóm Cánh Buồm nhìn nhận sứ mệnh của sự nghiệp Giáo dục cần phải được định nghĩa lại như là công việc tổ chức sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên cả dân tộc [3].
Đó là một tiến trình dài cả trăm năm hoặc nhiều trăm năm. Vì thế, vai trò nhà sư phạm ở yếu tố A quan trọng hơn yếu tố tác động C.
Nó xác định con đường lâu dài của nền Giáo dục, trong khi yếu tố C – trong trường hợp tốt nhất – sẽ là những kế hoạch ngắn hạn giúp thêm điều kiện thành công cho A và B.
Sự trưởng thành của người học diễn ra trong tiến trình học theo phương thức nhà trường. Phương thức này thể hiện ở chương trình học, sách giáo khoa và các hoạt động tổ chức việc học.
Chúng tôi đề nghị xác định lại từng khái niệm theo một viễn kiến dài hơi chứ không theo “mục tiêu” của những đề án có tầm nhìn hạn hẹp.
2.1. Chương trình học
Một chương trình học không thể chỉ là sự xếp đặt “cơ giới” mấy môn học với những tiết học.
Một chương trình học là một lý tưởng đào tạo. Một lý tưởng đào tạo không thể viển vông muốn đặt sao mặc lòng, rồi được che chắn bằng những lời lẽ nhân danh “khoa học”, hoặc nhân danh “học tập cái hay cái đẹp” của thế giới tiến bộ.
Một lý tưởng đào tạo như ở nước ta lúc này phải nhằm hiện đại hóa dân tộc đồng thời phải trong tầm tay thực thi của người dạy và người học, thành tố A và B của toàn cảnh Giáo dục.
Ở hoàn cảnh may mắn nhất, lý tưởng đào tạo phải thể hiện thành những cách học để ngay từ lớp 1 và suốt bậc tiểu học, giúp bậc học này thành bậc học phương pháp học.
Sau bậc tiểu học, học sinh sẽ hoàn thành bậc Phổ thông cơ sở với việc dùng phương pháp học đã được trang bị để tìm đến kiến thức.
Những kiến thức phổ thông này sẽ được học sinh tự tìm đến theo cách định tính nhiều hơn định lượng để tự trang bị cho mình một tư duy đủ sống trong thời hiện đại.
Hết lớp 9 được coi như đã hoàn thiện bậc học phổ thông. Sau đó, có ít nhất ba đường đi tiếp, theo trình độ và theo sở thích: lao động để kiếm sống, học nghề bậc sơ-trung và chuẩn bị học nghề bậc cao (đại học).
2.2. Sách giáo khoa
Để thực thi chương trình học này, nhà sư phạm phải thiết kế được việc học theo một quy trình tiếp nối nhau, mà giáo sư Hồ Ngọc Đại gọi tên là “Công nghệ giáo dục”.
Theo cách học này, người học làm được việc 1 thì sang được việc 2 và tiếp tục đến việc kết thúc.
Đó là việc học được đánh giá ngay trong từng bước của cả chuỗi công việc học.
Việc học theo việc làm trong cả chuỗi việc làm (quy trình) đòi hỏi nhà sư phạm tìm ra cách học của người học đi theo nguyên tắc được giáo sư Hồ Ngọc Đại nhắc đi nhắc lại nhiều lần [4].
Đó là (a) không trao vào tay người học những sản phẩm có sẵn, (b) người học làm lại những thao tác làm ra sản phẩm của người đi trước (nhà khoa học, người nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội …).[5]
Xin lấy một thí dụ để minh họa: những việc làm để học môn Văn. Xưa nay, việc học Văn dựa trên những giảng giải hấp dẫn các tác phẩm – đó là những sản phẩm có sẵn.
Ở sách Cánh Buồm, sách giáo khoa soạn sẵn những việc làm để người học làm lại những thao tác đã từng thực hiện ở nhà văn: lòng đồng cảm (học ngay từ lớp 1 qua các trò chơi đóng vai), tưởng tượng (học từ lớp 2 và kéo dài mãi về sau), liên tưởng (học từ lớp 3), bố cục (học ở lớp 4) và các kiểu loại nghệ thuật (học ở lớp 5) ứng dụng mọi thao tác nghệ thuật.
Việc tạo cho học sinh năng lực tự đánh giá không chỉ dễ dàng thực hiện ở những môn Toán và khoa học tự nhiên.
Các môn học xã hội và nhân văn khác cũng đều có thể thực hiện công việc tự đánh giá.
Việc tự đánh giá được thực hiện theo từng tiết học với ba việc làm:
(a) Ôn cái đã biết, nêu bài toán mới, (b) giáo viên cùng học sinh giải bài toán mới, (c) người học tự sơ kết và tự ghi vở.
Ở lớp 1 khi chưa biết viết thì có thể tự vẽ điều mình đã học vào vở.
Trong năm học và cuối năm học, tự học sinh tổ chức Hội thảo hoặc liên hoan, hoặc triển lãm, ra sách… báo cáo những điều mình đã học.
Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 9, có bài tổng kết, hướng dẫn cho người học tự tổng kết việc học của mình để tự viết báo cáo theo mấy đề tài như sau:
Đề tài 1 – Bạn học được cách tư duy như thế nào để có một vốn từ ngữ tích cực tiếng Việt? Khái niệm vốn từ ngữ tích cực nghĩa là gì?
Bạn đã có được vốn từ ngữ tích cực đó nhờ cách học như thế nào?
Khi học Ngữ âm tiếng Việt từ Lớp 1 các bạn được khuyến khích làm “Từ điển chính tả theo nghĩa”, việc làm nhỏ đó có ảnh hưởng gì tới bạn khi học từ Hán Việt?
Vốn từ ngữ tích cực giúp bạn biểu đạt ngôn ngữ như thế nào?
Đề tài 2 – Bạn hiểu như thế nào về năng lực ngôn ngữ (tiếng Việt) của một người trưởng thành?
Năng lực đó đã giúp bạn học Văn và cả trong việc học Toán cùng các môn khoa học khác như thế nào? Giúp về cách tư duy hay giúp về vật liệu ngôn ngữ?
Tuy chỉ học ngôn ngữ nhưng phương pháp học tiếng Việt có giúp thay đổi phương pháp học các môn học khác không?
Đề tài 3 – Bạn tự nhận thấy bản thân mình trưởng thành như thế nào? Trưởng thành về phương diện nào?
Trưởng thành về mặt nào khiến bạn thấy vui vẻ, hãnh diện, tự tin? Tại sao lại như vậy?
Bạn có nhận xét gì về những người lớn tuổi hơn bạn nhưng vẫn chưa thể hiện sự trưởng thành qua cách thể hiện về ngôn ngữ và về tư duy?
Tình trạng đó có lỗi do đâu? Do nhà trường? Do bản thân con người? Do xã hội? Theo ý bạn, có thể cải tạo được tình trạng đó không?
Đề tài 4 – Bạn nghĩ gì về nghề nghiệp tương lai của bạn với căn cứ là sự trưởng thành về tư duy của mình? Bạn sẽ chọn nghề gì và vì lý do gì?
Để theo nghề mà bạn chọn, bạn dự định sẽ học những gì và học như thế nào? Bạn nhận xét gì về tình trạng những người học nhiều mà vẫn không có nghề gì để làm mà sống?
Đề tài 5 – Bạn hãy chọn một số bài báo xuất bản chỉ trong một ngày và nhận xét những gì là đúng hoặc sai về biểu đạt ngôn ngữ và về tư duy khi biểu đạt về một vấn đề nào đó.
Bạn hãy nhận xét khen hoặc chê nhà báo dựa trên những số liệu có được. Bạn hãy cho biết ngôn ngữ biểu đạt trên báo chí có tham gia vào việc làm cho xã hội tốt đẹp lên không?
Đề tài 6 – Bạn nhận xét gì về cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học hoặc nghệ thuật được đăng trên báo chí. Hãy nêu ý kiến của bạn về trình độ biểu đạt và nêu ý kiến giải quyết.
Đề tài 7 – Bạn nhận xét gì về cách học tiếng Việt và Văn của những người thân hoặc người quen biết. Cách học đó có khiến cho tiếng Việt được ca ngợi như Lưu Quang Vũ từng viết:
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

[ ... ]
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi
tiếng Việt xót xa tình[6]

2.3 Triển khai dùng sách
Khi đã có một phương án hiện đại hóa nền Giáo dục, tất phải nghĩ đến việc mở rộng nó, để chữa những chỗ còn sai, bổ sung những điều còn thiếu, và điều quan trọng là để có thêm nhiều bạn đồng hành.
Nhóm Cánh Buồm huấn luyện những giáo viên (cũ và mới) cách dùng các sách giáo khoa mới của mình. Kết quả huấn luyện xếp theo ba loại:
(a) Loại “mộc”, biết cách dùng đúng phương pháp tổ chức việc học mới, không giảng giải, mà tổ chức cho người học thực hiện các việc làm, các thao tác để biết cách học; giáo viên loại này qua thực thi nghề sư phạm của mình để dần dần tiến lên loại b dưới đây;
(b) Loại giỏi, sau vài năm dạy học theo phương hướng mới, giáo viên sẽ giúp nhau quen dần với nếp dạy học mới, từ bỏ lối giảng giải áp đặt từ bao đời, họ sẽ được bồi dưỡng thêm để hiểu cơ sở tâm lý học đã dẫn đến những thay đổi như nhóm Cánh Buồm tiến hành;
(c) Loại xuất sắc, những nhà sư phạm có tài năng, sẽ tham gia nâng cao nền Giáo dục trong nhiều lĩnh vực.
Tiến trình huấn luyện giáo viên mới và huấn luyện lại giáo viên cũ đã được nhóm Cánh Buồm thực hiện đến hơn một trăm giáo viên trong mấy năm qua – những người đã vào dạy học có kết quả ở vài trường tư thục tại Hà Nội, Hải Phòng, Hội An và thành phố Hồ Chí Minh.
Có một số ít giáo viên trường công lập cũng đã được huấn luyện để tự nâng cao tay nghề theo cách riêng.
Có một số ít phụ huynh cũng tham gia học nghề sư phạm mới để tự tổ chức việc học của con em mình.
Điều thú vị và tạo cảm hứng cho nhà giáo, ấy là ngay giáo viên loại “mộc” cũng được chứng kiến kết quả học tập của nguời học mà không cần đến “đòn bẩy” thi cử.
Người học vẫn đàng hoàng vượt qua những cuộc kiểm tra định kỳ hoặc bất chợt từ trên Phòng Giáo dục đưa xuống.
Kết luận gì?
Những trải nghiệm chín năm hoạt động của nhóm Cánh Buồm giúp chính chúng tôi tự kiểm tra-đánh giá, và đến một vài nhận thức sau:
(a) Động lực để học sinh chăm học và thích học không do thi cử kích thích, mà được tạo ra bằng thay đổi cách học.
Có thể tạo ra một cách học khác để cuối bậc Giáo dục phổ thông người học sẽ biết cách tự học và thích tự học.
Nhà trường phổ thông chỉ cần tạo ra một năng lực tự học cho học sinh thì sẽ có các năng lực khác kéo theo.
(b) Chuyển từ lấy thày giáo làm trung tâm sang lấy học sinh làm trung tâm đòi hỏi nghiên cứu cách học.
Cách học của con người sẽ thay đổi trong phát triển bền vững theo tiến hóa của con người.
Cách học của con người là “đối tượng phục vụ” cao hơn và bất biến so với những “cơ sở khoa học” khả biến khác.
(c) Phương án Cánh Buồm có thể giúp cho công cuộc Giáo dục phổ thông có chất lượng hơn, tiết kiệm hơn cả tiền bạc và năng lượng, và giáo viên dễ thực thi hơn.
Học hết lớp 9 coi như xong phần “phổ thông” cần thiết nhất. Sau đó các trường Đại học sẽ triển khai tiến trình chuẩn bị học nghề cho chính mình. Họ sẽ tổ chức thi với yêu cầu khe khắt nhất có thể.
Vấn đề lúc này là có cơ chế để các phương án nghiên cứu được tự do đóng góp cho dân tộc bằng cách cùng có địa vị xã hội bình đẳng, dân chủ.
Tài liệu tham khảo:
(1) Một thứ lý luận giáo dục thấp kém - coi FB Mạc Văn Trang ngày 22 tháng 7-2018 https://www.facebook.com/macvan.trang/posts/1016398828528730
(2) Trích Vietnamnet ngày 17 tháng 6 năm 2017
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/triet-hoc-trong-giao-duc-phap-qua-ky-thi-tu-tai-nam-nay-378778.html
(3) Phạm Toàn, Định nghĩa lại khái niệm Giáo dục, Giaoduc.net https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dinh-nghia-lai-khai-niem-giao-duc-post173658.gd
(4) Xem Hồ Ngọc Đại, Tâm lý học dạy học, Bài học là gì, Công nghệ giáo dục … nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, từ những năm 1980..
(5) Xin tham khảo sách Cánh Buồm Tiếng Việt (từ lớp 1 dến lớp 9), Văn (từ lớp 1 dến lớp 9), Lối sống (từ lớp 1 đến lớp 5), Khoa học (từ lớp 1 đến lớp 5), Tiếng Anh(từ lớp 1 dến lớp 3) và tập kỷ yếu Hội thảo năm 2011 Tự học – Tự giáo dục, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, năm 2011, và có trong mục Sách mở trang Canhbuom.edu.vn của nhóm Cánh Buồm.
(6) Tiếng Việt lớp 9 của nhóm Cánh Buồm, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, Có trong mục Sách mở, trang Canhbuom.edu.vn. Xin mời đọc cả bài học cuối năm lớp 9 cả hai môn Tiếng Việt và Văn để thấy những gợi ý liên quan đến việc bỏ thi của nhóm Cánh Buồm.
Theo giaoduc.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét