Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 84

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tiểu Sử TRIỆU THỊ TRINH - Những Giai Thoại Kì Bí Xung Quanh Thân Thế BÀ TRIỆU

Cách lính Mỹ đón Lễ tạ ơn trên chiến trường Việt Nam

Bữa ăn là một phần rất quan trọng trong Lễ tạ ơn của binh lính Mỹ, cho dù họ đang ở đâu.

     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 1
    Dù cho cuộc chiến bên ngoài có ác liệt tới đâu, binh lính Mỹ cũng không quên bữa ăn sang trọng trong ngày Lễ tạ ơn, một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với người Mỹ. Nguồn ảnh: Pinterest.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 2
    Bữa ăn chính truyền thống trong ngày này chính là gà tây. Và nếu lễ tạ ơn nhằm trúng vào đợt hành quân thì cũng cứ yên tâm, bạn hoàn toàn có thể mang cả gà tây đi hành quân. Nguồn ảnh: Pinterest.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 3
    Những chú gà tây này được Không quân Mỹ chở tới từ nước ngoài hoặc thu mua từ những trang trại ở Miền Nam thời bấy giờ. Nguồn ảnh: Pinterest.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 4
    Binh lính Mỹ với bữa ăn thịnh soạn ngay bên chiến hào trong cuộc chiến. Nguồn ảnh: Pinterest.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 5
    So với những lực lượng khác như Hải quân hay Không quân thì các lực lượng bộ binh của Quân đội Mỹ có phần thiệt thòi nhất khi bữa tạ ơn của họ có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào nếu bị phục kích. Nguồn ảnh: Task.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 6
    Nuôi gà tây ngay trên mặt trận, chỉ chờ tới đúng ngày giờ để... thịt tại chỗ. Nguồn ảnh: Pinterest.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 7
    Trong những "vùng xanh"-nghĩa là những khu vực ít có giao tranh, bữa ăn Lễ tạ ơn có phần rất thịnh soạn. Nguồn ảnh: Youtube.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 8
    Thậm chí ở những thành phố lớn, binh lính Mỹ còn đón Lễ tạ ơn cùng với người bản địa. Nguồn ảnh: Mobile.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 9
    Trên tàu chiến và tàu sân bay, bữa ăn chính trong Lễ tạ ơn của thủy thủ Mỹ có vẻ diễn ra thịnh soạn hơn rất nhiều vì nhiên liệu và bếp công nghiệp đều có sẵn. Nguồn ảnh: DM.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 10
    Thậm chí họ còn có cả máy khuấy trứng. Nguồn ảnh: DM.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 11
    Một bữa ăn thịnh soạn trên tàu hải quân trong thời gian chiến tranh Việt Nam đang diễn ra căng thẳng. Nguồn ảnh: DM.
     cach linh my don le ta on tren chien truong viet nam hinh anh 12
    Kể từ khi đặt chân tới Việt Nam năm 1965, tổng cộng lính Mỹ đã ăn ở Việt Nam 8 cái Lễ tạ ơn trước khi phải "cuốn gói" về nước vào tháng 3.1973. Nguồn ảnh: DM.
    Theo Tuấn Anh (Kiến Thức) 

    Trận đánh có “1-0-2” trong lịch sử thế giới


    Đó là câu chuyện của những chiến binh Sikh chiến đấu chống lại đội quân hùng mạnh của Afghanistan diễn ra cách đây hơn 100 năm.



    Vào ngày 12.9.1897, 21 chiến binh Sikh đã chiến đấu chống lại 10.000 binh sĩ Afghanistan tại trận Saragarhi. Đây là câu chuyện về một trong những trận đánh vĩ đại nhất lịch sử Ấn Độ.
    Cuộc chiến đã diễn ra gần khu vực Tirah mà hiện nay thuộc Pakistan. Mặc dù lực lượng vô cùng chênh lệch, những người lính Sikh vẫn từ chối đầu hàng và đã làm nên lịch sử. Trận chiến này được vinh danh trong 8 câu chuyện về lòng dũng cảm được UNESCO chọn lọc và xuất bản.
    Saragarhi là một vị trí được lập nên để kết nối với các vị trí quan trọng khác là pháo đài Lockhart và pháo đài Gulistan. Phân đội tại Saragarhi gồm có 1 hạ sỹ quan và 20 binh sỹ khác, với sỹ quan chỉ huy là Havildar Ishar Singh.
     tran danh co “1-0-2” trong lich su the gioi hinh anh 1
    Một ngày trong năm 1897, gần 10.000 người Afghanistan đã tấn công vị trí này.Tất cả các chiến binh ấy đều biết rằng những bức tường dựng từ đá và bùn của họ không đủ để bảo vệ họ trước kẻ thù. Các chiến binh Sikh đã can trường chiến đấu anh dũng, nhiều lần đẩy lùi các đợt tấn công của kẻ thủ. Mặc dù bị lực lượng Afghanistan đánh bại nhưng với số quân ít ỏi, đội quân Sikh cũng tiêu diệt được 1000 quân địch trước khi hy sinh.
    Theo thống kê, chênh lệch quân số lố đó là 1 : 476. Tất cả 21 binh sĩ đã được chính phủ Ấn Độ trao tặng Huân chương cao quý nhất. Những câu chuyện về lòng dũng cảm của họ được Nghị viện Anh và thậm chí nữ hoàng Anh biết đến. Các thành viên nghị viện Anh đã đứng dậy tung hô lòng quả cảm của họ. Đến tận hôm nay, hàng năm người ta vẫn tôn vinh những hy sinh của 21 người lính dũng cảm ấy. Người ta nhắc đến câu chuyện này như một trong những sự kiện tiêu biểu nhất về lòng quả cảm.
    Theo V.Đ (Vothuat.vn)

    Bí mật bất ngờ về Ngụy Trung Hiền - “ông trùm” thái giám thời nhà Minh.


    Ngụy Trung Hiền được xem là “ông trùm” trong giới thái giám vô lương thời nhà Minh.


    Ngụy Trung Hiền được xem là “ông trùm” trong giới thái giám vô lương thời nhà Minh. Tên hoạn quan này vốn xuất thân là kẻ lưu manh, mù chữ. Thời còn trẻ, Ngụy Trung Hiền nổi tiếng máu mê cờ bạc, tới lúc trắng tay phải sống cảnh chui lủi trốn tránh vì bị chủ nợ săn lùng.
    Trong hậu cung, vốn là kẻ lưu manh, mù chữ nhưng Ngụy Trung Hiền rất thông minh, giỏi "nịnh hót" nên được Khách Thị, vú nuôi của vua Hy Tông, thương yêu và nâng đỡ.
     bi mat bat ngo ve nguy trung hien - “ong trum” thai giam thoi nha minh. hinh anh 1
    Ngụy Trung Hiền được xem là “ông trùm” trong giới thái giám vô lương thời nhà Minh. Ảnh minh họa.
     Hai chữ "Trung Hiền" được hoàng đế ban tặng đã nhấc bổng tên hoạn quan lưu manh lên đỉnh chóp bu của quyền lực. Dần dà, thói hợm hĩnh, "quái thai" của Ngụy Trung Hiền phát tiết cực độ.
    Công công này trở thành kẻ cầm đầu “đảng hoạn quan” dưới thời Minh Hy tông để lũng đoạn triều dã. Từ khi nắm việc trông coi Đông xưởng, quyền hành, thế lực của Ngụy Trung Hiến ngày càng bành trướng.
    Thân là thái giám, nhưng kẻ biến thái họ Ngụy vẫn mặt dày dung thê nạp thiếp, cướp đoạt dân nữ nhà lành, khiến nhà nhà rơi vào cảnh biệt ly, tan nát.
    Thao túng triều chính, thảm sát người vô tội
    Ngụy Trung Hiền nắm mọi quyền lực trong triều bao gồm Đông Xưởng, Tây Xưởng, Nội Xưởng, khống chế việc triều chính, đưa người thân tín vào nắm các vị trí quan trọng trong nội các.
    Hắn được coi là người quyền lực thứ hai sau vua Hy Tông. Nhiều quan lại trong triều bái lạy hắn để được thăng quan, thậm chí các quan tranh nhau nhận hắn là cha, ông nội.
    Ngụy Trung Hiền củng cố thế lực, uy quyền tuyển chọn các thủ hạ đắc lực, trung thành phục tùng hắn.
    Những ai không theo phe hắn đều bị loại ra khỏi nội các, thậm chí bị sát hại. Ngụy Trung Hiền sử dụng thuộc hạ cướp bóc của dân cống nạp cho hắn.
    Năm 1626, một tuần phủ Chiết Giang là người đầu tiên xây đền thờ cho Ngụy Trung Hiền khi hắn còn sống, sau đó, khắp nơi dưới triều nhà Minh đều lập thờ để thờ hắn.
    Từ đường thờ tượng của Ngụy Trung Hiền, ai đi qua cũng phải lạy 5 lạy, hô to "Cửu thiên tuế". Tại thời điểm ấy, Trung Quốc chỉ có Đức Khổng Tử mới được lập đền thờ. Trong triều, hắn thảo ra chỉ dụ, xưng "Trẫm và thần", các quan lại phải tuân theo.
    Năm 1627, Chu Do Kiểm lên ngôi. Ngụy Trung Hiền bị thất sủng. Các quan lại đứng lên tố cáo 10 trọng tội đòi xử tử Ngụy Trung Hiền. Hắn bị phế truất, đày đến giữ mộ ở đất Phụng Dương.
    Sau khi đi được nửa đường, hắn phải nhận lệnh bị truy bắt lại. Ngụy Trung Hiền sợ tội, thắt cổ chết, kết thúc tham vọng vương quyền của hoạn quan họ Ngụy, khiến nhà nhà rơi vào cảnh biệt ly, tan nát.
    Theo H.T.H.T (Khoevadep)

    Nghịch lý nạn nhân tự cởi quần áo khi sắp chết cóng

    Nhiều nạn nhân bị hạ thân nhiệt thực hiện những hành vi kỳ lạ như "đào hang" và tự cởi quần áo trước khi hoàn toàn mất ý thức.

      Hạ thân nhiệt là tình trạng xảy ra khi nhiệt độ trung tâm cơ thể hạ xuống dưới 35 độ C. Khi hạ thân nhiệt, nạn nhân bắt đầu run rẩy, phần lớn sẽ gặp các vấn đề về cử động như vấp ngã hay chậm chạp. Người bị hạ thân nhiệt cũng có thể lú lẫn, mất tỉnh táo, líu lưỡi khi nói chuyện hoặc hành động như say rượu.
       nghich ly nan nhan tu coi quan ao khi sap chet cong hinh anh 1
      Tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng có thể khiến nạn nhân tử vong. (Ảnh: Rare Historical Photos).
      Nếu tình trạng hạ thân nhiệt trở nên trầm trọng thì hô hấp và nhịp tim có thể giảm đến mức nguy hiểm. Nạn nhân có thể mất ý thức, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, trước khi hoàn toàn mất ý thức, nạn nhân sẽ thực hiện một số hành vi kỳ lạ như "đào hang" và tự cởi quần áo, theo Live Science.
      Mùa đông năm 1847, Donner Party, đoàn người tiên phong di cư đến California, bị mắc kẹt ở dãy núi Sierra Nevada giữa cơn bão tuyết. Đói khát và lạnh cóng, họ buộc những chiếc chăn lại với nhau để tạo thành căn lều giúp giữ ấm và ngăn tuyết. Tuy nhiên, điều đó vẫn không đủ để cứu sống Patrick Dolan, một thành viên trong đoàn.
      Patrick Dolan đã khá yếu từ vài ngày trước. Trong đêm đầu tiên không có lửa, anh ta bắt đầu mê sảng. Vừa thều thào vô nghĩa, Dolan vừa cởi bớt quần áo rách trên người và chạy ra khỏi căn lều, lao vào giữa trời đang đổ tuyết.
      Những người khác trong đoàn không còn đủ sức để chạy đuổi theo anh ta. Vài tiếng sau, Dolan lòng vòng trở lại quanh căn lều. Một số người phải ra ngoài và kéo anh ta, lúc này đang la hét và gần như khỏa thân, vào trong lều. Dolan tử vong ngay trong đêm đó.
       nghich ly nan nhan tu coi quan ao khi sap chet cong hinh anh 2
      Đoàn di cư Donner Party mắc kẹt trong cơn bão tuyết. (Ảnh: NPR).
      Một nghiên cứu về các trường hợp chết cóng giai đoạn 1978 – 1994 cho thấy, số trường hợp tử vong ngoài trời và trong nhà gần như tương đương nhau. 25% nạn nhân chỉ còn một ít quần áo hoặc hoàn toàn không mặc gì trên người. Họ thường cởi quần áo từ dưới trước, tức là cởi quần và giày rồi mới đến áo.
      Động vật ngủ đông máu nóng thường đào một hang nhỏ và kín để trú ẩn suốt mùa đông. Hang động nhỏ hẹp giúp cơ thể động vật hạn chế mất nhiệt. Trong những khoảnh khắc cuối cùng trước khi chết cóng, con người cũng thực hiện một hành vi tương tự mà các nhà nghiên cứu gọi là "đào hang kỳ cuối".
      Năm 1995, một nhóm các nhà nghiên cứu Đức miêu tả nạn nhân chết cóng trong tư thế thể hiện cơ chế tự vệ cuối cùng của con người như nằm dưới giường ngủ, sau tủ quần áo, trong ngăn kệ, theo tạp chí quốc tế Legal Medicine.
      Giới khoa học chưa nghiên cứu sâu rộng và hiểu rõ hành vi đào hang kỳ cuối. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Đức cho rằng đây là quá trình độc lập của cuống não, được kích hoạt trong giai đoạn cuối của hạ thân nhiệt, dẫn đến hành vi nguyên thủy gần giống với đào hang để bảo vệ cơ thể, tương tự như các loài động vật ngủ đông.
      Một hành vi khác còn kỳ lạ và khó hiểu hơn việc đào hang là "nghịch lý tự cởi đồ". Theo đó, nhiều nạn nhân bị giảm thân nhiệt tự thoát bỏ phần lớn hoặc toàn bộ quần áo trên cơ thể, khiến thân nhiệt càng giảm.
      Khi sưởi ấm cơ thể người bị hạ thân nhiệt bằng cơ thể một người khác, các chuyên gia sơ cứu thường khuyên cả nạn nhân và người sưởi ấm nên khỏa thân hoặc mặc thật ít đồ. Điều này giúp hơi ấm di chuyển từ người sưởi ấm sang nạn nhân dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng lời khuyên này không liên quan gì đến nghịch lý tự cởi đồ.
       nghich ly nan nhan tu coi quan ao khi sap chet cong hinh anh 3
      Nhiều nạn nhân tự cởi quần áo khi sắp chết cóng, khiến thân nhiệt càng giảm. (Ảnh: The Old Reader).
      Để ngăn hơi ấm thoát ra từ chân tay, cơ thể sẽ tự co mạch, tức là phản xạ co lại của các mạch máu. Nhưng dần dần, các cơ bắp cần thiết trong quá trình co mạch trở nên kiệt sức và không thể hoạt động đúng chức năng, khiến máu ấm chảy ra tứ chi. Điều này gây nên một cơn nóng đột ngột khiến nạn nhân, lúc này đang mất tỉnh táo, cảm thấy nóng bức và tự cởi quần áo, các nhà nghiên cứu nhận định.
      Nghịch lý tự cởi quần áo thường xảy ra ngay trước hành vi đào hang kỳ cuối. Nhóm nghiên cứu Đức khi điều tra các nạn nhân hạ thân nhiệt ghi chú, tư thế cuối cùng của các thi thể chỉ có thể tạo thành khi nạn nhân bò, trườn, gây ra những vết trầy xước ở khuỷu tay hay đầu gối. Hành động này xảy ra sau khi cởi quần áo, vì trên da có vết trầy nhưng vị trí tương ứng trên quần áo lại không tổn hại gì.
      Do hành vi đào hang kỳ cuối và nghịch lý tự cởi quần áo mà nhiều nạn nhân chết cóng từng bị hiểu nhầm là do người khác tấn công. Một số cảnh sát điều tra thường nhầm tưởng một người khỏa thân tử vong là nạn nhân của hành vi tấn công tình dục và giết người. Việc phát hiện thi thể bên trong không gian nhỏ khép kín như dưới gầm các đồ nội thất thì giống với hành vi giấu xác.
      Theo PV (Vnexpress)

      Chuyến bay vượt bức tường âm thanh đầu tiên của nhân loại


      Ngày nay những chiến đấu cơ bay với tốc độ siêu thanh trở nên phổ biến trong không quân các nước trên thế giới. Tuy nhiên, các kỹ sư hàng không phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc vượt qua bức tường âm thanh từ 70 năm trước.


      Những năm 1940, công nghiệp hàng không thế giới có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều mẫu máy bay mới ra đời. Tuy nhiên, các máy bay đều gặp rắc rối khi đạt đến tốc độ âm thanh. Giai đoạn này, các máy bay đều sử dụng động cơ cánh quạt. Khi đạt đến tốc độ âm thanh, hiện tượng rung mạnh xảy ra, dẫn đến mất kiểm soát máy bay.
      Hiện tượng này biến mất khi máy bay giảm tốc độ xuống dưới vận tốc âm thanh. Từ đó thuật ngữ “bức tường âm thanh” được hình thành, trở thành một rào cản lớn của nhân loại trong việc bay nhanh hơn tốc độ âm thanh.
      Vượt tường âm thanh khi gãy xương sườn
      Theo Business Insider, cuộc hành trình tới chuyến bay siêu thanh đầu tiên của nhân loại bắt đầu vào cuối năm 1943, tại một hội nghị do Ủy ban Cố vấn về Hàng không Quốc gia (tiền thân của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày nay) tổ chức.
       chuyen bay vuot buc tuong am thanh dau tien cua nhan loai hinh anh 1
      Phi công Chuck Yeager trong buồng lái máy bay thử nghiệm Bell X-1. (Ảnh: Không quân Mỹ).
      Những người tham dự hội nghị đang tìm kiếm cách để cải thiện tốc độ máy bay và kết luận rằng, một mẫu máy bay thực thụ cùng phi công thử nghiệm sẽ đem lại kết quả tốt hơn so với thí nghiệm ở hầm gió. Tập đoàn Bell được giao nhiệm vụ làm nhà thầu chính.
      Mẫu thử nghiệm Bell X-1, với biệt danh “Glamorous Glennis” hoàn thành vào năm 1945 nhưng vẫn chưa thể bay. Quá trình khắc phục các vấn đề kỹ thuật kéo dài đến năm 1947. Chuck Yeager, phi công kỳ cựu của Không quân Mỹ được giao nhiệm vụ làm phi công thử nghiệm chính.
      Tuy nhiên, vài ngày trước khi chuyến bay đầu tiên được thực hiện, Yeager bị gãy 2 xương sườn trong một vụ tai nạn mà ông mô tả là do “bất đồng” với con ngựa. Tuy vậy, chuyến bay thử nghiệm vẫn được tiến hành theo kế hoạch.
      Vụ tai nạn ảnh hưởng không nhỏ đến Yeager, ông phải sử dụng cán chổi cầm tay để đóng mở cửa máy bay X-1. Đêm trước chuyến bay lịch sử, Yeager ngủ rất ít vì đau nhức ở xương sườn nhưng ông khẳng định chỉ hủy kiểm tra nếu bản thân không thể bước vào buồng lái X-1.
      “Nếu tôi có thể bước vào vị trí của phi công, tôi biết tôi có thể bay”, Yeager nói trong một phát biểu vào năm 1987. Chiếc Bell X-1 được gắn vào khoang bom của máy bay ném bom B-29 Superfortress, khi đạt độ cao cần thiết, X-1 sẽ được thả khỏi B-29. Sau đó X-1 sẽ kích hoạt động cơ tên lửa gắn bên trong thân để vượt qua tốc độ âm thanh.
      Ngày 14.10.1947, mọi thứ đã sẵn sàng, chiếc B-29 cất cánh bay lên bầu trời, thiếu tá Bod Cardenas, phi công lái chính B-29 bắt đầu quá trình đếm ngược. Richard Frost, kỹ sư của tập đoàn Bell nắm chặt cần điều khiển ngắt dây cáp để thả X-1 vào không trung.
      Sau khi rời khỏi B-29, phi công Yeager kích hoạt động cơ tên lửa và chiếc X-1 vượt lên phía trước bỏ lại B-29 và máy bay giám sát P-80 phía sau. “Sau đó, tôi đánh lửa buồng đốt số 2 và số 4, máy bay tăng tốc ngay lập tức để lại vệt khói trắng phía sau”, Yeager nói.
      Chiếc X-1 đạt đến “bức tường âm thanh” khi Yeager thử nghiệm bộ ổn định của máy bay. Bánh lái ở đuôi và lực nâng của máy bay mất hiệu lực khi không khí mỏng đi nhưng bộ ổn định vẫn hoạt động hiệu quả, ngay cả khi đạt tốc độ Mach 0.95 (khoảng 1.162km/h).
      Yeager kể lại rằng ông rất bình tĩnh và chuyên nghiệp ghi nhận những thay đổi nhỏ nhất của máy bay trong quá trình tăng tốc. Máy bay tiếp tục được phép tăng tốc cho đến khi đồng hồ trong buồng lái đạt chỉ số Mach 0.96 (khoảng 1.173km/h).
      Chiếc X-1 tiếp tục lao về phía trước cho đến khi đồng hồ chỉ ở con số Mach 1.06 (khoảng 1.296km/h). Bức tường âm thanh, rào cản lớn của hàng không đã bị xuyên thủng, tạo ra bước ngoặt lớn trong lịch sử hàng không thế giới.
      “Tôi đã bay ở tốc độ siêu thanh trong khoảng 18 giây, không có cú va chạm mạnh nào, không chấn động hay rung xóc và trên hết là không có bức tường nào đập vào, tôi còn sống”, Yeager viết kể lại trong lễ kỷ niệm 40 năm chuyến bay siêu thanh đầu tiên của nhân loại.
      Mở ra kỷ nguyên siêu thanh
      Chiếc X-1 sau đó hạ cánh an toàn và không gặp bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào. Ở thời điểm đó, Không quân Mỹ bảo mật thông tin chuyến bay rất chặt chẽ. Tuy nhiên, câu chuyện vượt bức tường âm thanh của phi công Yeager bị rò rỉ với phóng viên Aviation Week và New York Times trong bài đăng vào ngày 21.12.
       chuyen bay vuot buc tuong am thanh dau tien cua nhan loai hinh anh 2
      Cựu phi công Yeager phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 chuyến bay siêu thanh đầu tiên ở căn cứ không quân Edwards, California. (Ảnh: Reuters).
      Ở thời điểm đó, Aviation Week mô tả sự kiện là “một bất ngờ lớn” về sự dễ dàng trong thử nghiệm mà họ đạt được. Không quân Mỹ rất tức giận và đe dọa kiện các phóng viên đã tiết lộ câu chuyện bí mật của họ.
      Thành tích của Yeager không được công nhận một cách chính thức cho đến tháng 6.1948, khi Bộ trưởng Không quân Mỹ Stuart Symington tuyên bố bức tường âm thanh đã bị phá vỡ bởi 2 máy bay thử nghiệm.
      Dựa trên kết quả thu được từ chuyến bay siêu thanh đầu tiên của nhân loại, các kỹ sư hàng không đã cho ra đời những thiết kế mới hiệu quả hơn, bay nhanh hơn. Yeager tiếp tục đảm nhận vai trò phi công thử nghiệm cho đến năm 1975.
      Kỷ lục tốc độ nhanh nhất mà Yeager đạt được là Mach 2.44 ( khoảng 2.900km/h). Yeager nghỉ hưu vào năm 1975 với quân hàm Chuẩn tướng.
      70 năm sau chuyến bay siêu thanh đầu tiên của nhân loại, hàng trăm mẫu máy bay siêu thanh đã được chế tạo. Các máy bay ngày này trở nên tinh vi hơn nhưng các phương tiện bay có người lái vẫn bị giới hạn ở tốc độ Mach 3 (khoảng 3.600km/h).
      Lĩnh vực hàng không siêu thanh vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực máy bay quân sự. Chỉ có 2 mẫu máy bay siêu thanh được áp dụng trong lĩnh vực hàng không dân dụng nhưng chúng cũng nhanh chóng bị khai tử do các tai nạn thảm khốc khi bay.
      Theo PV (Zing)

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét