Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

VÕ THUẬT TINH HOA 81

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tinh Hoa Võ Thuật : Tuyệt Kỹ Võ Mèo
  
Bài quyền Miêu tẩy diện
nguồn gốc tuyệt kỹ công phu miêu tẩy diện (mèo rửa mặt-PV), võ sư Hỷ cho biết, bài quyền được ông tổ của dòng họ là Lý Thế mô phỏng theo sự linh hoạt, nhanh nhẹn của con mèo. Tính đến nay, chiêu thức này đã tồn tại hơn 150 năm. Vừa mô phỏng theo động tác của con mèo đang rửa mặt, võ sư Hỷ hào hứng nói: "Miêu tẩy diện tha thướt, nhẹ nhàng, ít gây tiếng động... nhưng cũng rất mạnh mẽ. Chúng ta để ý con mèo khi ngủ dậy, nó "rửa mặt" bằng cách lấy đôi chân trước vuốt mặt thật điêu luyện. Trong mắt của cao tổ dòng họ tôi, đó cũng là một trong những tuyệt chiêu võ học". Nói rồi võ sư Hỷ dẫn tôi ra sau vườn biểu diễn tuyệt chiêu miêu tẩy diện. Theo ông, học thuộc tuyệt kỹ này chỉ khoảng một tháng nhưng để đánh bài bản thì phải mất rất nhiều thời gian. Nếu ai có khiếu võ, nhập tâm có thể đánh thuần thục trong hai năm, nhưng có người cố cả đời cũng không thể được. Tập miêu tẩy diện là phải tập đôi tay sao cho linh hoạt. Bởi thế trong võ học, người ta vẫn thừa thận rằng cách đánh nhanh nhẹn và nguy hiểm nhất là cặp tay con cọp và mèo. Tuy không thiên về dùng lực mạnh mẽ như hổ quyền, nhưng miêu quyền xoay trở linh hoạt, tấn pháp thấp, thủ pháp gọn và hiểm hơn. Đôi tay cực kỳ ảo diệu khi vừa sử dụng hổ trảo vừa sử dụng kiếm chỉ điểm vào tử huyệt đối phương. Được biết, giới võ thuật vẫn truyền tai nhau rằng, cái hay của bài quyền miêu tẩy diện là ở những bộ trửu (chỏ) thuộc bộ thủ (tay), phát huy thế mạnh khi cận chiến. Miêu tẩy diện sử dụng trong lúc đánh chỏ, lấy thế của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công, phát huy được thế mạnh ở sự kết hợp nhuần nhuyễn trong bộ tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, bông pháp (tay múa-PV)... để có được sự tập trung cao độ. Đồng thời, võ sỹ phải kết hợp nhẹ nhàng, linh động, mạnh mẽ tạo nên phản xạ tự nhiên, từ đó có được sự công phá bằng nắm đấm và đòn chỉ (điểm huyệt). Ưu điểm của bài quyền này là luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, gài đòn phản công...


Huyền thoại về võ sư với tuyệt kỹ “roi đánh nghịch”

Thứ Năm, ngày 13/12/2018 00:32 AM (GMT+7)

Nhắc đến võ cổ truyền Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến võ Bình Định. Và, nói đến võ Bình Định, không thể không nhắc đến đường roi Thuận Truyền đã đi vào ca dao: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái".

Bậc thầy về roi một thời danh bất hư truyền với tuyệt kỹ "roi đánh nghịch" nơi đây chính là võ sư huyền thoại Hồ Nhu (1891 - 1976, thường gọi là Hồ Ngạnh).
Đường roi "độc nhất vô nhị"
Làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) gắn với tên tuổi của cố võ sư Hồ Ngạnh với tuyệt kỹ "roi đánh nghịch". Song thân của võ sư Hồ Ngạnh là ông Hồ Đức Phổ và bà Lê Thị Quỳnh Hà. Thời ấy, ông Phổ ra kinh thành Huế dự thi văn thì gặp bà Hà (người Huế) dự thi võ. Người văn, người võ nhưng mối lương duyên đã khiến họ gặp gỡ và gắn kết cuộc đời với nhau.
Khi về quê chồng, bà Hà đã đem theo những tuyệt chiêu võ học của dòng họ mình. Điều đặc biệt là bà không vội vàng truyền dạy võ công cho con trai, mà cho con theo học nhiều thầy như học roi của Ba Đề, học nội công của Đội Sẻ, tiếp đến học roi của Hồ Khiêm. Sau đó, bà xem con đánh roi rồi chỉ ra những điểm mạnh, yếu trong các chiêu thức và uốn nắn, xây dựng cho con lối đánh hiệu quả nhất. Và, tuyệt kỹ "roi đánh nghịch" độc đáo, cực kỳ lợi hại của võ sư Hồ Ngạnh là do chính bà Hà truyền dạy.
Theo võ sư Hồ Sừng (SN 1938, cháu nội võ sư Hồ Ngạnh), roi là một loại binh khí tiêu biểu của võ Bình Định. Roi làm bằng gỗ dẻo, mây già hoặc tre đặc, to nhỏ tùy theo bàn tay người sử dụng lớn, nhỏ. Một bài roi gồm hai phần là lời thiệu và động tác. Lời thiệu thường là thể thơ, ca dao dân gian…
Động tác là các đòn thế tấn công và phòng thủ theo các phách cơ bản như bát, bắt, triệt, chận (nặng về thủ để triệt phá các đòn tấn công của đối phương); hoành, khắc, lắc, tém (vừa thủ vừa công). Thủ ở đây không có nghĩa thụ động, mà phải dùng các phách hợp lý để triệt tiêu đòn tấn công đối phương rồi ra đòn tiêu diệt đối phương. Hay có thể giả vờ trá bại, dụ đối phương vào thế.
Có lúc phải dùng trừ công để thủ, tức là khi đã trừ được các đòn tấn công của đối phương, phải thủ cho kín chặt, không cho đối phương ra đòn tấn công tiếp, rồi phán đoán nhanh xem đối phương phản ứng để có đối sách.
Huyền thoại về võ sư với tuyệt kỹ “roi đánh nghịch” - 1
Võ sư Hồ Ngạnh với tuyệt kỹ roi đánh nghịch
Bài "Tam thao tùy hình pháp" của võ sư Hồ Ngạnh biến chuyển dị thường, mỗi câu mỗi đoạn có giá trị khác nhau. Chẳng hạn, câu một là chuyên trị các đường thương, câu hai chuyên phá các đường đao kiếm, câu ba đánh dụ địch vào thế hiểm, câu bốn đánh nơi cần đánh gấp, câu năm và sáu chuyên đánh ra vào nơi loạn quân.
"Roi đánh nghịch là ngược với cách đánh thuận thông thường, trên cơ sở sử dụng các tuyệt kỹ roi của nhiều môn phái khác nhau. Nhờ khổ luyện, ông nội tôi có thể đánh nghịch cũng thuần thục như đánh thuận. Sau này khi phải giao chiến với các cao thủ, ông nội tôi nhờ có ngọn roi đánh nghịch bất ngờ và hiểm nên giành chiến thắng", võ sư Hồ Sừng nói về đường roi đánh nghịch của ông nội mình.
Những năm 1930, tiếng tăm của võ sư Hồ Ngạnh vang dội khắp nơi nên học trò đến theo học rất đông. Các học trò của ông phải kể đến Mười Mỹ, Đinh Văn Tuấn, Năm Tạo, Sáu Được... đều đã có danh tiếng.
Điều đặc biệt, thâu nhận học trò, ông đều thử trước rồi dạy sau, kể cả con cháu trong nhà. Khi tuổi cao sức yếu, võ sư Hồ Ngạnh thiên về nghề làm thuốc nhiều hơn dạy võ. Ông thường lui tới nhà chùa như giác ngộ sự bình yên qua cuộc đời nhiều oan khiên, sóng gió của mình.
Huyền thoại về võ sư với tuyệt kỹ “roi đánh nghịch” - 2
Võ sư Hồ Sừng biểu diễn roi Thuận Truyền
Giai thoại "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái"
Huyền thoại "roi đánh nghịch" Hồ Ngạnh được truyền tụng với nhiều giai thoại ly kỳ và đậm tinh thần thượng võ. Tuy nhiên, thú vị bậc nhất phải kể đến cuộc giao đấu giữa đệ nhất roi Thuận Truyền - Hồ Ngạnh và đệ nhất quyền An Thái - Diệp Trường Phát.
Ở làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cách Thuận Truyền không xa, có phái Quyền Tàu do ông Diệp Trường Phát (thường gọi là Tàu Sáu, người Trung Quốc) khai mở vào đầu thế kỷ XX. Nghe danh nhau, Tàu Sáu và Hồ Ngạnh hẹn thí võ để giao kết bạn bè, với giao ước hai bên không đả thương, mà chỉ dùng mực ghi dấu trên võ phục đối phương để phân định thắng thua.
Sau hiệp đấu quyền, người xem đếm được những vết mực trên áo hai người như nhau. Tuy thế, Hồ Ngạnh vẫn chắp tay bái phục Tàu Sáu, thừa nhận mình kém hơn một bậc. Ông lý giải rằng, các vết mực do Tàu Sáu lưu trên y của phục mình có phần nhạt hơn.
Điều đó chứng tỏ đường quyền thế cước của Tàu Sáu đã đến mức thượng thừa, có thể vận hành công lực như ý muốn nên đòn ra nhẹ nhàng, để lại dấu mực nhạt. Với quyền thế ấy, Tàu Sáu có thể lấy mạng đối phương trong chớp mắt.
Đến trận đấu roi, hai binh khí roi mỗi đầu bọc đệm bông trắng được đưa ra, một thấm mực xanh do Hồ Ngạnh cầm, một thấm mực đỏ do Tàu Sáu giữ. Thời gian đấu là tàn một cây nhang, võ phục người nào ít bị điểm mực hơn tức người đó thắng.
Sắp tàn cây nhang, Tàu Sáu nhảy ra ngoài, ngượng ngùng nhìn những vết mực xanh chi chít trên võ phục mình đang mặc, chắp tay bái phục: "Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất" (Roi Thuận Truyền chỉ có một). Hồ Ngạnh cũng liền ra câu: "Thủ vũ An Thái ngã vô song" (Tay quyền An Thái cũng không hai). Câu ca dao: "Roi Thuận Truyền, quyền An Thái" bắt nguồn từ giai thoại này. Cũng từ đó, hai người kết nghĩa thâm giao, trao đổi võ nghệ lẫn nhau.
Thời ấy, nơi này có tướng cướp Dư Đành nổi tiếng khắp vùng. Dư Đành có dáng người lực sĩ, võ nghệ rất cao cường. Đang tung hoành ngang dọc không đối thủ, bỗng dưng cái tên Hồ Ngạnh nổi lên làm Dư Đành khó chịu. Muốn Hồ Ngạnh làm thuộc cấp của mình nên nhiều lần Dư Đành ngỏ lời mời mọc. Nhưng lần nào y cũng bị từ chối nên rất tức giận. Chiêu mộ mãi không được, Dư Đành liền khiêu chiến với Hồ Ngạnh. Đồng thời, y đưa ra yêu cầu nếu Hồ Ngạnh thua thì phải nhập bọn của y. Chối mãi không được, cuối cùng Hồ Ngạnh phải nhận lời thách đấu.
Trận đấu diễn ra ban đêm và Hồ Ngạnh một mình cầm roi đến điểm hẹn. Với đường roi nghịch, ông đã đánh bại hơn chục lâu la trong băng đảng của Dư Đành. Thấy thuộc cấp của mình lần lượt nằm bẹp dưới đường roi của Hồ Ngạnh, tướng cướp Dư Đành nộ khí cầm đao tấn công tới tấp đối thủ. Tuy nhiên, tất cả đều bị Hồ Ngạnh hóa giải và liền đánh những đòn roi nghịch áp đảo đối phương. Sau nhiều đòn đánh hiểm vô phương chống đỡ, Dư Đành chấp nhận chịu thua.
Vốn là tên tiểu nhân nên Dư Đành tìm cách đánh lén Hồ Ngạnh để trả thù. Một lần, y cho người nhổ sạch đám mì của nhà Hồ Ngạnh nhưng củ thì để lại. Biết là tướng cướp Dư Đành phá hoại nên Hồ Ngạnh chỉ ra gánh củ mì về nhà. Nhưng không ai ngờ, đó lại là kế của Dư Đành.
Khi Hồ Ngạnh đang trên đường gánh củ mì về thì Dư Đành cùng đám lâu la từ trong bụi rậm lao ra đánh lén. Hôm ấy, Dư Đành dùng chiếc bắp cày bất ngờ tấn công Hồ Ngạnh, nhưng với một người giỏi võ, ông nghe tiếng động và né kịp. Sau đó, ông dùng chiếc đòn gánh làm roi đánh Dư Đành và đám lâu la của y văng liên tục vào trong các bụi rậm. Bị đánh thừa sống thiếu chết, Dư Đành quỳ gối xin tha mạng và hứa không dám đánh lén nữa.
Huyền thoại về võ sư với tuyệt kỹ “roi đánh nghịch” - 3
Các cô gái trẻ miền "đất võ trời văn" múa roi
Viết tiếp truyền thống
Võ sư Hồ Ngạnh có một người con trai nhưng mất sớm, để lại người cháu nội duy nhất là võ sư Hồ Sừng. Đến nay, võ đường Hồ Gia (hay còn gọi là võ đường Hồ Sừng) kéo dài qua 5 thế hệ, từ thời cố võ sư Hồ Ngạnh, sang thế hệ cháu nội của ông là võ sư Hồ Sừng, rồi các con võ sư Hồ Sừng là Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Dư, Hồ Sỹ. Tiếp nối truyền thống gia đình, thế hệ thứ 5 của võ đường Hồ Gia là Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Thiệt, Hồ Đức Hạnh… đều mang trong mình đam mê võ thuật.
Làng võ Thuận Truyền xưa kia có nhiều gia tộc võ cùng tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, từ sau giải phóng đến nay, bề dày võ của làng Thuận Truyền chỉ còn võ đường Hồ Gia tồn tại. Đây là một trong những dòng họ võ lâu đời ở Bình Định, có công đóng góp rất lớn cho sự nghiệp võ cổ truyền tỉnh nhà. Hiện tại, đại gia đình này có người tham gia dạy võ tại Bảo tàng Quang Trung, người làm huấn luyện viên võ thuật, người theo nghiệp vận động viên võ thuật…
Đại gia đình nhà võ này sống quây quần trong địa bàn huyện Tây Sơn, đến mùa võ đường tuyển sinh, các con cháu lại cùng nhau tụ về để chăm lo cho võ đường. Hàng năm, võ đường Hồ Gia đón hàng trăm môn sinh trong và ngoài tỉnh Bình Định đến học. Võ đường đã đào tạo ra rất nhiều võ sư, võ sinh nổi tiếng cho Bình Định, trở thành vệ tinh cung cấp vận động viên cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định.
"Chúng tôi xem võ là tổ nghiệp của gia đình, không thể để mai một, nhưng cũng luôn động viên con cháu cố gắng học tri thức. Cái vốn tri thức, văn hóa càng dày thì cái chất võ biền càng giảm. Đó mới là cách luyện võ sâu rễ bền gốc. Thế hệ tôi và các con hiện vẫn đang cố gắng truyền dạy võ để gìn giữ truyền thống, chứ nguồn thu học phí để cải thiện kinh tế cũng chẳng bao nhiêu", võ sư Hồ Sừng cho biết.
Cũng tại làng võ Thuận Truyền, từ nhiều năm nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, võ đường Hồ Gia đều đứng ra tổ chức giải võ thuật cổ truyền để vui Xuân đón Tết. Võ đường Hồ Gia mời các võ đường trong tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận về làng Thuận Truyền giao lưu võ thuật, thượng đài mùa Xuân.
Ghi nhận những đóng góp của cố võ sư Hồ Ngạnh cho võ thuật nước nhà, tháng 3/2018, Viện Nghiên cứu phát triển và quảng bá võ học Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Danh nhân Võ học Việt Nam cho cố võ sư Hồ Ngạnh.
Võ sư Việt Nam được hãng tin CNN tôn vinh
CNN miêu tả các học viên Vovinam “giống như những diễn viên đóng thế trong các bộ phim bom tấn”.

Theo Phan Nhuận Phin (Cảnh sát toàn cầu)



Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN

Chủ Nhật, ngày 16/03/2014 00:05 AM (GMT+7)

Giới võ lâm Sài Gòn đến bây giờ vẫn nhớ như in một lão thiền sư với chòm râu bạc dài và đôi mắt sáng tinh anh trong bộ áo cà sa vàng, tay lần chuỗi hạt Phật pháp. Đó chính là vị cố nhân sáng lập nên môn phái Trung Sơn võ đạo Mai Văn Phát lừng lẫy một thời trong giới võ thuật Sài Gòn thập niên 60 – 70.

Ông là vị võ sư đầu tiên xuống tóc tu hành của làng võ cổ truyền Việt Nam với mong muốn “lấy võ học để cảm hóa và rèn luyện nhân cách con người” trong hoàn cảnh đất nước đang hỗn loạn bởi tiếng súng của giặc ngoại xâm.
Bén duyên nghiệp võ nơi cửa thiền
Sau bấy nhiêu năm kể từ ngày vị cố nhân đã về với đất, chúng tôi được dịp trò chuyện với những đại đệ tử còn lại của võ sư Mai Văn Phát để tìm hiểu về những năm tháng của vị võ sư, đồng thời là nhà tu hành yêu nước vang danh huyền thoại một thời khói lửa. Ông ra đi đã để lại một sự nghiệp võ học lẫy lừng và những đóng góp to lớn cho nền võ thuật nước nhà.
Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN - 1
Đại sư Mai Văn Phát. Ảnh TG
Theo lời kể của hậu duệ vị võ sư này thì ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Thới Đông, huyện Ô Môn (Cần Thơ). Từ nhỏ, cậu bé Mai Văn Phát vốn gầy gò, nhỏ con bởi tuổi thơ vất vả theo cha mẹ đi cày cấy. Vì thế, mới 7 tuổi, cậu đau ốm thường xuyên. Đến năm 10 tuổi, những trận ốm liên tiếp trước đó “dồn tụ” lại trở thành một cơn bạo bệnh, e chừng không thể qua khỏi. Thương con, cha mẹ ông đi khắp nơi tìm người thầy thuốc cao tay mong mỏi chữa bệnh cho con trai. Lúc bấy giờ, hay tin ngôi chùa trên núi Thất Sơn thuộc Châu Đốc (An Giang) có vị cao nhân giỏi võ với khả năng chữa bệnh cao siêu nên cha mẹ Phát liền tìm đến gửi gắm đứa con tội nghiệp đang bị bệnh tật dày vò. May mắn thay, sau một thời gian được sư thầy vận nội công đẩy độc tố trong người ra, cậu bé Phát dần khỏe mạnh. Cũng từ đây, một cơ duyên mới cùng võ thuật đã mở ra với cậu bé ốm yếu vốn bị cho là “không nhấc nổi một tấc sắt” này.
Vị sư thầy trụ trì ngôi chùa nói trên chính là thủ hạ của tướng Nguyễn Trung Trực, người anh hùng đã chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu của Pháp trên dòng sông Nhật Tảo. Khởi nghĩa sau đó thất bại, vị chủ tướng bị giặc chặt đầu, ông đành lên núi Thất Sơn lánh nạn, mai danh ẩn tích dưới pháp danh Thích Thiện Hoa. Ở nơi hoang vu náu mình, ông vẫn không quên nhiệm vụ của vị chủ tướng trước lúc chết và bí mật rèn luyện võ nghệ cho những thanh niên yêu nước trong vùng để chờ thời cơ khởi nghĩa. Mai Văn Phát trong quá trình ở chùa, nhờ thông minh, ham học hỏi, chịu khó rèn luyện nên vượt trội về võ thuật so với các đồng môn và thành đệ tử ruột của vị thiền sư ẩn danh. Sau bao năm tháng khổ luyện, cậu thanh niên tuổi đôi mươi đã sớm tinh thông những quyền cước của võ trận quân sự trong đội nghĩa quân bí mật.
Thế nhưng, sau 10 năm xa cách cha mẹ làm chàng trai mới lớn không chịu nổi sự nhớ nhung quê nhà. Vậy là, cậu từ biệt sư phụ về Cần Thơ sống với cha mẹ và tiếp tục niềm đam mê võ học của mình. Tiếp bước sư phụ, chàng trai trẻ đã mở lớp dạy võ cho các trai tráng trong làng để rèn luyện sức khỏe. Một hôm, có bậc cao thủ người Trung Hoa tên là Lào Thêm đi ngang qua sân tập võ, chợt nhìn thấy khí chất quân tử và phong thái tinh anh của Phát đang hướng dẫn tập luyện cho các môn sinh, bèn sinh lòng cảm mến và ngỏ ý thu nhận làm đệ tử để truyền dạy tuyệt kỹ võ công của mình.
Như một sự nhân duyên hiếm có, mai Văn Phát nhanh chóng lĩnh hội được tinh hoa các quyền cước của vị cao thủ này và giữ trọn lời hứa đem võ thuật để cống hiến vì cuộc sống con người. Vì vậy, ngày thì tập luyện võ cho thanh niên, ban đêm, ông thường chèo xuồng luồn lách qua những kênh rạch của Cần Thơ để vận chuyển thuốc men, lương thực cho bộ đội đang lẩn trốn trong rừng. Người trong vùng ai cũng nể phục một chàng thanh niên vừa giỏi võ vừa có sự dũng cảm và tinh thần yêu nước cao độ trong khi ở miền đất tạm chiếm này, quân địch đang cày xới và truy lùng cách mạng ráo riết.
Đến phong trào võ học chống nạn đầu độc con người bằng thuốc phiện
Đến năm 1950, khi hoạt động ngầm bị bại lộ, võ sư Mai Văn Phát rời quê nhà lên Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông vừa mở lớp dạy võ tại nhà vừa bôn ba khắp nơi kiếm sống trong những ngày tháng cơ cực. Nghe tiếng của người võ sư yêu nước đã lâu, vị sư thầy trụ trì chùa Phước Viên (Quận 1, TP.HCM) đã mời ông về dạy võ cho chi đoàn Phật tử Trúc Lâm. Tại đây, võ sư Mai Văn Phát đã quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp hiệu là Thích Thiện Tánh với mong muốn dùng võ học để cảm hóa và rèn luyện nhân cách con người hướng về điều thiện, đồng thời bồi đắp tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ trong thời kỳ đất nước đang lâm nguy.
Thời kỳ này, đế quốc Mỹ thay chân Pháp tiếp tục thực hiện chính sách đầu độc nhân dân Việt Nam để làm giàu cho chúng và làm suy yếu con người dễ bề cai trị. Căm tức bọn đế quốc trước tình trạng hàng ngàn người dân chìm đắm trên bàn đèn thuốc phiện, vị hòa thượng Thích Thiện Phát đã quấy động phong trào tập võ để rèn luyện thân thể cho mọi người dân nhằm chống lại hiểm họa do bọn đế quốc gây nên. Lúc đó, sân chùa đã biến thành võ đường thực sự, thu hút hàng ngàn môn sinh theo học với số lượng đồng nhất so với các lò võ thời kỳ ấy. Ngay cả những thanh niên trốn đi quân dịch cho lính Ngụy cũng được sư phụ giúp ẩn náu và cưu mang. Năm 1964, thiền sư Mai Văn Phát chính thức thành lập môn phái Trung Sơn võ đạo, là sự kết hợp tinh hoa của võ Việt quân sự và võ thuật Trung Hoa Thiếu lâm ở ngay nơi ông bắt đầu nghiệp tu hành.
Chuyện ít biết về võ sư tu hành huyền thoại của VN - 2
Đệ tử của đại sư Mai Văn Phát biểu diễn kỹ thuật của Trung Sơn võ đạo. Ảnh TG
Với tâm thế của một người xuất gia, ông không bao giờ chủ trương đấu đài cho các môn sinh của mình. Ông từng nói: “Võ đài là chốn gian lận”. Bởi vậy, trong khi các võ đường khác luôn lựa chọn môn sinh xem như “con gà cựa” để đào tạo võ sĩ đấu đài, thì ông lại cấm các học trò của mình đi thượng đài mà chỉ luyện võ để tự vệ và rèn luyện sức khỏe bản thân. Thế nhưng, có một số đệ tử của ông vẫn trốn sư phụ đi giao đấu với các võ sĩ khác. Điều này làm ông giận đến nỗi không nhìn mặt họ nữa bởi vị thiền sư luôn tâm niệm rằng, học võ không phải để đi đánh người bị thương mà chỉ sử dụng trong trường hợp bất khả kháng!
Đến bây giờ, khi đại sư Mai Văn Phát đã viên tịch, những đệ tử của ông vẫn đang dốc sức truyền dạy võ thuật , làm rạng danh hơn nữa Trung Sơn võ đạo mà sư phụ đã sáng lập. Nói đến tuyệt kỹ của phái võ mình mà vị cố nhân đã sử dụng để ngăn chặn nạn đầu độc con người Việt Nam bằng thuốc phiện, võ sư Phạm Ngọc Hùng, một trong những đệ tử ruột của tổ sư mai Văn Phát tiết lộ: “Trung Sơn võ đạo không đặt nặng vào công phu ghê gớm mà chủ yếu dựa vào kỹ thuật và đường hướng vận động khéo léo của tứ chi để tạo nên sự biến hóa khôn lường hạ gục đối thủ. Đó là sự kết hợp của vũ khí toàn thân: chỏ gối, tay, chân để áp sát đối tượng theo bộ pháp (cách di chuyển) linh hoạt; từ đấy tấn công bằng cách đánh lạc hướng khôn khéo làm đối phương không kịp trở tay. Tuy đòn thế không thật mạnh mẽ nhưng lại vô cùng biến ảo, đưa đối thủ vào trong tầm ngắm dễ dàng.”
Hiện nay, môn phái đã phát triển lên hơn 30 võ đường trong nước và một số ở nước ngoài với số lượng môn sinh đông đảo. Dù đại sư Mai Văn Phát - vị tu hành huyền thoại võ đạo đã ra đi nhưng những thế hệ tiếp nối vẫn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết võ Việt đến thế hệ trẻ hôm nay theo di nguyện của vị cố nhân.
Tuyệt chiêu “hổ trảo” của đại thiền sư
Trung Sơn võ đạo có tất cả 18 bài quyền với đủ các loại binh khí. Những quyền cước đã trở thành “món ăn đặc sắc” của môn phái như: Bạch xà dương hổ thượng trì, Tạt thủ hoành phong, Hầu xiềng,… Tương truyền, giang hồ thời đó thường đồn rằng đại sư Mai Văn Phát có chiêu “hổ trảo” làm bọn giặc phải khiếp sợ. Nhưng những võ sư còn lại với tư cách là đệ tử môn phái gắn bó với vị đại sư lại phản bác rằng: Thầy là một nhà tu hành, tâm luôn hướng đến điều từ bi nên không thể ví với “hổ trảo” như vậy (tức là bàn tay như móng vuốt của hổ có thể “xé” xác đối phương). Thực ra đó chỉ cách sử dụng bàn tay linh hoạt để “trói” đối phương trong tích tắc, cũng là một trong những tuyệt kỹ trong các thế đánh của phái Trung Sơn.

Theo Diệu Linh (Gia đình & Xã hội)

Tuyệt kỹ phái võ “hổ trảo” vang danh khắp thiên hạ

(Văn hóa) - Sinh ra trong lòng mảnh đất “oai linh” thú dữ, người anh hùng Hai Yên đã luyện nên tuyệt chiêu “hổ trảo” khiến cho bọn giặc Pháp xâm lược lúc bấy giờ phải khiếp sợ. Và cả khi bị chúng bắt tội đày ra Côn Đảo , ông vẫn âm thầm tầm thụ võ đạo của các nhà cách mạng yêu nước ngay trong nhà tù thực dân.
Tiếng tăm về người anh hùng võ nghệ xuất chúng thôn vườn trầu đã lan ra khắp Lục tỉnh Nam kỳ. Để đến mai sau, người kế tục sự nghiệp của ông đã lập ra môn phái Võ lâm vườn trầu vang danh võ lâm, đóng góp to lớn vào tinh hoa võ thuật cổ truyền dân tộc.
Vang danh mười tám thôn vườn trầu
Đầu thế kỷ 17, Mười tám thôn vườn trầu xưa, còn gọi là Thập bát phù viên hình thành do quá trình di dân từ Đàng Ngoài vào khai phá, lập nghiệp ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn (thuộc Gia Đình cũ, nay là TP.HCM). Đây là vùng đất vốn hoang sơ bởi núi rừng bạt ngàn và nhiều thú dữ, đặc biệt là loài cọp tinh. Vì vậy, trong dân gian thường truyền miệng câu: “Hung dữ như cọp vườn trầu”. Bởi thế, những người dân đi khai phá nơi đây thường có tinh thần đoàn kết, luyện tập võ thuật để cùng nhau chiến đấu chống lại thú rừng. Đến đầu thế kỷ 19, Mười tám thôn vườn trầu đã trở thành một vùng dân cư trù phú với những phiên chợ trầu sầm uất. Khi đất nước sa vào vòng lệ thuộc Pháp, chính nơi đây là chiếc nôi cách mạng đầu tiên với những anh hùng hào kiệt vang danh làm bọn thực dân phải khiếp sợ.

Một thế trong bài quyền “Thanh long thám trảo”
Thời bấy giờ, khi giặc Pháp đang ra sức áp bức, bóc lột dân chúng, ở mười tám thôn vườn trầu xuất hiện ba anh hùng hảo hán trấn danh khắp một vùng, trong đó có người anh hùng Hai Yên. Sớm được học võ nghệ từ người chí sĩ cách mạng Phan Văn Hớn (còn gọi là Quản Hớn), chàng trai trẻ Hai Yên trở nên tinh thông võ thuật đánh trận, cùng sư phụ của mình đứng ra bênh vực cho dân lành, chống lại cường hào, ác bá. Lúc này, tên quan cai quản vùng Bà Điểm là Đốc Phủ Ca, tay sai thực dân hết sức tàn ác, áp bức, vơ vét con dân thậm tệ. Bị người anh hùng Hai Yên được người dân tôn sùng, nhiều lần “dằn mặt” mình mà không làm gì được, tên Đốc phủ Ca lấy cớ khép tội loạn vào ông và sư phụ Quản Hớn rồi cho Pháp đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông lại được cơ hội gặp gỡ với nhà cách mạng lớn của dân tộc, đó là cụ Phan Chu Trinh. Nhìn thấy khí chất vượt trội và tinh thần trượng nghĩa của chàng trai trẻ, Phan Chu Trinh liền nhận ông làm con nuôi và truyền dạy hết những bí kíp võ thuật của mình. Thế là, trong thời gian 5 năm đằng đẵng ở nhà tù thực dân, Hai Yên đã âm thầm đêm đêm tập luyện võ công để chờ ngày tự do.
Sau khi ra khỏi tù Côn Đảo, ông như một “mãnh hổ” trở lại võ lâm với trọng trách cách mạng. Thực dân Pháp càng áp bức, nhân dân ở mười tám thôn vườn trầu càng như một chảo lửa, sẵn sàng nhấn chìm bọn ngoại xâm. Thực hiện lối đánh du kích, ông Hai Yên dẫn đội quân cách mạng chiến đấu ngoan cường với bọn tay sai và quân đội Pháp. Những móng vuốt từ tuyệt kỹ hổ trảo mà ông khổ luyện bấy lâu đã làm nên những trận đánh vang dội, khiến bọn tay sai khiếp vía khi nhắc đến tên Hai Yên. Hằng đêm, đội quân du kích được ông truyền dạy võ nghệ ngày càng thu hút nhiều người dân đến đầu quân. Dần dần, thế lực cách mạng ngày càng hùng mạnh, ông cùng với sư phụ Quản Hớn chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa tiêu diệt bọn tay sai bán nước. Năm 1885, khởi nghĩa thắng lợi, Đốc Phủ Ca bị giết chết, đem bêu đầu trước chợ Hóc Môn trong sự reo hò của dân chúng thôn vườn trầu.
Sự thắng lợi vẻ vang của quân cách mạng đã làm tiếng tăm người anh hùng Hai Yên vang khắp Lục tỉnh Nam kỳ thời ấy. Sau này, khi cháu nội ông là Nguyễn Văn Tư, khi đó mới 9 tuổi đã được ông truyền lại hết tuyệt kỹ và tâm huyết võ thuật của mình. Vốn “con nhà nòi” lại thông minh, chịu khó nên cậu bé lĩnh hội rất nhanh và hấp thụ tinh hoa võ học gia truyền. Đến năm 1990, võ sư Nguyễn Văn Tư chính thức thành lập môn phái Võ lâm vườn trầu ở chính nơi vùng căn cứ địa cách mạng nổi danh một thời.
Vị chưởng môn cùng tuyệt kỹ “hổ trảo” võ lâm vườn trầu
Sau khi khai sinh võ lâm vườn trầu, võ sư Nguyễn Văn Tư (SN 1947) lập võ đường tại xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thu hút đông đảo những môn sinh trong và ngoài các vùng lân cận đến rèn luyện. Với mong muốn học hỏi tinh hoa võ thuật môn phái khác, ông đã tìm đến sư phụ Đoàn Tâm Ảnh để hấp thụ võ công của vị đại sư. Vì vậy, kỹ thuật võ lâm vườn trầu càng lúc phát triển và ngày càng hoàn thiện, nối nghiệp cha ông làm rạng danh võ công gia truyền nơi thôn vườn trầu năm xưa.

Võ sư Nguyễn Văn Tư biểu diễn tuyệt kỹ “hổ trảo”.
Vị võ sư tóc đã hoa râm  Nguyễn Văn Tư tiết lộ bí kíp “hổ trảo” làm rạng danh võ lâm vườn trầu năm nào: “Nó dựa trên Tứ tượng bộ pháp căn bản của môn phái. Đó là bộ di chuyển, những bước chân linh hoạt trái, phải, lui, tới nhằm dụ cho đối tượng tấn công, kết hợp với đòn tay, chân đánh vào những huyệt đạo hạ gục đối thủ. Khi tấn công, bàn tay với móng vuốt khép chặt lại được tôi luyện với sức mạnh như mãnh hổ dùng để chụp, xé, khiến quân thù khi xưa khiếp đảm là vì vậy. Ngoài ra còn có “long trảo”, tức là mở rộng các khớp ngón tay để vồ, vuốt con mồi tới khi mệt lả thì thôi. Với tuyệt chiêu này, ta không cần tiêu tốn sức lực mà có thể dễ dàng đốn ngã đối phương trong tích tắc”.
Theo ông, muốn luyện thành tuyệt kỹ này đòi hỏi môn sinh phải hết sức kiên trì, khổ luyện. Trước tiên là phải luyện nội công và khí công, nhằm đả thông kinh mạch (nham mạch và đốc mạch) tạo thành dòng chu thiên. Theo đó, võ sinh phải ngồi thiền tập trung tư tưởng và hít thở vận nội công vào thời điểm âm dương giao hợp, tức 11h đêm đến 1h sáng hôm sau. Cũng bởi lẽ đó, anh hùng Hai Yên năm nào thường chỉ tập võ ban đêm để luyện thành bí kíp. Tiếp đó, để có bàn tay cứng như sắt như sức mạnh từ móng vuốt của hổ vồ cần phải luyện “Thiết sa chưởng”, tức dùng bàn tay để “chặt” gạch nung. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được, chỉ có người luyện võ thực sự mới thành công. Ngoài ra, không thể không kể đến phương pháp “Thượng quán công” từ vị anh hùng xưa truyền lại cho những lớp môn sinh ngày nay. Người luyện võ thực hiện động tác cuốn, thả dây gắn trên một khúc cây, phía dưới có gắn một cục chì nhỏ, tưởng chừng như dễ dàng nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì rất cao. Làm như thế liên tục trong một thời gian sẽ tạo được sức mạnh vô cùng cho đôi cánh tay, không có đối thủ.
Võ lâm vườn trầu có tất cả 70 bài quyền, trong đó có những bài vô cùng đặc sắc cho môn phái như: Long hổ quyền (hổ trảo), Thanh long thám trảo (long trảo), Viên tử hiến đào, Ngư hầu điểm huyệt (thế đánh của loài khỉ), Liên hoàn thập bát cước (18 thế đá cơ bản),… Về binh khí, với tinh thần võ trận, võ lâm vườn trầu xưa chủ yếu dùng côn, lưỡi liềm, đoản côn (khúc cây) để thực hiện lối đánh du kích của anh hùng Hai Yên, đụng giặc chỗ nào đánh chỗ đó. Qua năm tháng, võ sư Nguyễn Văn Tư đã phát triển và sử dụng nhiều loại binh khí đặc sắc về chiến đấu. Trong đó, có Giác long phong vũ đao là loại binh khí với tính sát thương rất cao, chỉ những người lên cấp bậc huấn luyện viên mới được phép sử dụng.
Giờ đây, khi cuộc đấu tranh ái quốc chống giặc ngoại xâm đã đi qua, nhưng tinh thần của người anh hùng võ lâm thôn vườn trầu năm nào vẫn là tôn chỉ hoạt động của môn phái hôm nay: “Rèn luyện thân thể và trừng trị những kẻ xấu hiếp đáp người dân”. Võ lâm vườn trầu hiện có 4 võ đường ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Những học trò sau này của ông tham gia đấu đài và nổi danh võ lâm khắp các tỉnh miền Tây. Và lão võ sư Nguyễn Văn Tư dù đã vào tuổi xế chiều vẫn đang tiếp tục truyền dạy võ lâm vườn trầu cho các môn sinh của mình, giữ lửa tinh hoa võ thuật cổ truyền cho lớp trẻ mai sau.
(Theo Gia Đình)

Truyền nhân “Bát quái côn” trong giới võ thuật cổ truyền Việt Nam

(Văn hóa) - “Bát quái côn” đã trở thành một trong 10 bài quyền bắt buộc tại các cuộc thi quyền của võ cổ truyền Việt Nam sau một cuộc nghiên cứu, bình chọn rất cẩn trọng của gần 100 võ sư, huấn luyện viên tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh cuối 4-1995.
Vượt qua giới hạn nội tộc từ thời xa xưa,“Bát quái côn” đã trở thành một trong 10 bài quyền bắt buộc tại các cuộc thi quyền của võ cổ truyền Việt Nam sau một cuộc nghiên cứu, bình chọn rất cẩn trọng của gần 100 võ sư, huấn luyện viên tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh cuối 4-1995.
1. Tình cờ nghe đến bài quyền “Bát quái côn” với nhiều tình tiết giàu sức hấp dẫn sau cuộc trò chuyện bên ly cà phê với một bậc “lão làng” trong giới võ cổ truyền Việt Nam, tôi tìm về thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên để gặp võ sư (VS) Trương Hùng  – người được coi là truyền nhân chính thức và đã có công quảng bá “Bát quái côn” trong giới võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Sau vài phút trầm tư, VS Trương Hùng kể lại: “Bậc sư tổ đã truyền dạy bài quyền “Bát quái côn” là cụ Hoàng Dền, quê ở Nghệ An, ông còn có tên gọi khác là Huỳnh Sáu. Cách đây hơn bảy thập kỷ, trong hành trình vào phương Nam mưu sinh giữa năm 1945, chàng trai Hoàng Dền lúc bấy giờ đã dừng lại làng quê phía tả ngạn hạ lưu sông Đà Rằng.
Khi đó ông kết duyên với một cô gái chân quê ở nơi này, là cô ruột của tôi  – bà Trương Thị Thanh,  người con thứ sáu của cụ Trương Đống ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bây giờ. Theo lời kể của cha và chú tôi thì từ thời xưa, cụ Dền đã từng học ở trường võ Thiếu Lâm Tự bên Trung Quốc.
Với khả năng ứng biến nhanh nhạy, thể lực tốt nên chẳng bao lâu ông trở thành một võ sĩ có kỹ năng cao cường, lão luyện, nội công thâm hậu. Trong thời gian dài mấy chục năm sinh sống ở vùng quê Hòa An, ban ngày ông cùng người vợ lặng lẽ mưu sinh bằng nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa, ban đêm mở lò võ để truyền dạy nhiều bài quyền thế, binh khí cho một số võ sinh là thanh niên trong làng nhưng tuyệt nhiên không hề đề cập đến bài quyền “Bát quái côn”.
Mãi đến sau này – khi đã nhập môn võ cổ truyền từ người thân hơn chục năm, tôi mới biết trong số những bài quyền thế nổi bật như “Bát quái côn”, “Bát quái kiếm”, “Dương hoa côn”, “Lệ hoa thương”, “Song long kiếm”, “Long vương xuất thế”…
Chỉ tay về phía bức vách trưng bày hình ảnh, văn bằng chứng nhận chuyên môn võ thuật, VS Trương Hùng kể tiếp: “Tôi đến với nghiệp võ năm mười tuổi nhưng không thụ giáo từ cha ruột là Trương Ngổ, mà chú ruột Trương Hường là người trực tiếp truyền dạy những bài võ đã học của cụ Hoàng Dền bằng tất cả tâm huyết và khát vọng bảo tồn bài quyền “Bát quái côn” trong nội tộc. Với niềm đam mê võ thuật kết hợp với những nỗ lực khổ luyện, đến ngày 11-12-2011 tôi đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng VS”.
thumb_660_b0660bb4-0757-42e0-8150-c4da2c4cfb89.jpg
Huấn luyện viên Trương Dương – con trai của cố VS Trương Hường biễu diễn “Bát quái côn”.
Cho tới nay đã gần chín thập kỷ trôi qua nhưng những câu chuyện về cố VS Trương Hường – cây đại thụ trong làng võ cổ truyền ở Phú Yên vẫn được truyền tụng trong giới võ thuật bằng sự kính phục tài năng và tinh thần võ sĩ đạo của ông gắn liền với nhiều bài quyền thuật, binh khí, trong đó có “Bát quái côn”. Giới võ cổ truyền ở Phú Yên từng kể rằng, vào tầm giữa năm 1930, ông Trương Hường bước lên sàn đài với tư cách võ sĩ khi mới 16 tuổi nhưng đã “hạ gục” nhiều võ sĩ tên tuổi đến từ một số tỉnh, thành ở miền Trung lúc bấy giờ.
Những năm đầu thập kỷ 60, Bảy Cọp là võ sĩ nổi tiếng ở miền Nam, từng “hạ gục” nhiều võ sĩ cứng cựa trên sàn đài. Có lẽ vì thế nên Bảy Cọp luôn tỏ thái độ ngạo mạn, tự coi mình là người không có đối thủ.
Chạm tự ái khi vấp phải cá tính của Bảy Cọp, VS Trương Hường tự tin và bản lĩnh khi bước lên sàn đài với 10 hiệp đấu theo quy định. Tài năng và sự khổ luyện của ông đã khiến cho Bảy Cọp rơi xuống khỏi sàn đài ở hiệp thứ 6 bởi cú “Song long cước” hết sức ngoạn mục.
Lần khác, Sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn tổ chức thi đấu võ đài biểu diễn ở sân vận động Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để tạo uy thế cho môn võ Taekwondo. Trận đấu vừa khép lại, đám binh lính, sĩ quan kéo nhau lên một quán giải khát ở công viên Diên Hồng dưới chân núi Nhạn – nay thuộc địa bàn phường 1, TP Tuy Hòa.
Chứng kiến hình ảnh họ ngồi hí hố, lớn tiếng tự bốc phét với nhau về trình độ võ thuật của người này, kẻ kia trong môn phái Taekwondo nhưng lại giở chiêu “quỵt nợ” mấy chai Coca của người chủ quán hiền lành, ông Trương Hường ngồi cạnh đó không kiềm chế nổi cơn bực tức nên túm cổ một gã ngạo mạn nhất để dằn mặt.
Bị quê mặt, gã lính cao to rút dao lê ra đâm, nhưng ông Hường đã kịp né tránh bằng một động tác rất nhẹ nhàng rồi bất ngờ tung thế “Song hầu triệt chưởng” khóa tay đối phương nhanh gọn, khiến đám lính Mãnh Hổ phải nể phục.
Trước đó, vào năm 1969, với bài quyền “Bát quái côn” và một số thế võ khác, ông Trương Hường đã “hạ gục” một võ sư Tam đẳng Thái cực đạo người Đại Hàn đang dạy võ cho đám sĩ quan Mỹ ở sân bay quân sự Đông Tác lúc bấy giờ– nay là sân bay hàng không dân dụng Tuy Hòa.
thumb_660_98689b58-c80a-4f31-9cfa-1800b6a4cf87.jpg
Võ sư Trương Hùng – truyền nhân bài quyền “Bát quái côn”.
Có thể nói trong “Thập bát ban võ nghệ” mà sư phụ tôi truyền dạy, nhiều đệ tử tỏ ra lo ngại khi luyện “Bát quái côn” vì bài quyền này có nhiều đòn thế phức tạp.  Riêng tôi thì đam mê “Bát quái côn” bởi sự biến hóa phong phú, đa dạng mà hiểm hóc và dễ dàng gây ra bất ngờ cho đối phương”.2.  VS Trương Hùng chia sẻ: “Trong những bài võ đã thụ giáo từ cố VS Trương Hường được truyền dạy bởi cụ Hoàng Dền, “Bát quái côn” là bài quyền có nét độc đáo chuyên biệt đã khiến tôi luôn say mê và trăn trở nhiều năm liền trước khi “trình làng” trong giới võ cổ truyền Việt Nam.
Mới nghe thấy tưởng chừng đơn giản lắm, nhưng muốn học được bài quyền này một cách trọn vẹn thì người nhập cuộc phải đến với nghiệp võ ít nhất từ năm đến bảy năm, phải có niềm đam mê, kiên tâm, chuyên luyện và phải có thể lực, công lực thật tốt may ra mới thành đạt.
Chính vì vậy, “Bát quái côn” được đánh giá là bài quyền khó học và khó thuộc nhất trong 10 bài quyền cơ bản thống nhất toàn quốc. Khi đã học được rồi, nếu không chuyên luyện thường xuyên rất dễ quên.
Theo VS Trương Hùng, có hai nét độc đáo của “Bát quái côn”. Một là lấy nghịch chế thuận, nên khi bị phản công, đối phương dễ trúng đòn hiểm bất ngờ. Hai là người tinh thông bài quyền này có thể vận dụng hiệu quả trong trường hợp chạm trán vài ba đối thủ.
Ngoài VS Trương Hùng còn có huấn luyện viên Trương Dương, Trương Vương Nguyên – con trai của cố VS Trương Hường, rất tinh thông nghệ thuật “Bát quái côn”.
Theo VS Trương Hùng, khi tư tưởng võ thuật nội tộc đã “cởi trói” thì “Bát quái côn” được truyền dạy cho một số môn sinh có đẳng cấp, nhưng do tính phức tạp của bài võ và yêu cầu kỹ thuật cao nên không ít người thiếu kiên tâm đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
(Theo Dân Trí)

Chuyện kể về "minh chủ võ lâm" của võ thuật VN

Thứ Hai, ngày 06/01/2014 16:00 PM (GMT+7)

Được biết đến là "minh chủ võ lâm" của nền võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ sư Lê Kim Hòa luôn dành hết tâm huyết và cuộc đời mình để nâng tầm hồn võ Việt.

Nhưng ít ai biết rằng để có sự nghiệp võ thuật lừng lẫy như thế, người con của vùng biển cát cháy Phú Yên đã phải trải qua những thử thách khôn lường, hiểm hóc trong giới võ lâm đầy sóng gió. Đó là một chặng đường gian nan để thống nhất võ lâm mà chỉ con người đầy khí chất và bản lĩnh như vậy mới làm nên thành công.
Chuyện kể về "minh chủ võ lâm" của võ thuật VN - 1
Võ sư Lê Kim Hòa. Ảnh T.G
Duyên võ đạo với người con xứ biển
Sinh ra tại miền biển nắng gió Tuy Hòa, Phú Yên giàu truyền thống võ học, cậu bé Lê Kim Hòa sớm nuôi dưỡng lòng yêu võ thuật từ chính ông nội mình. Khi đó cậu mới có 9 tuổi đã được người ông võ sư "áo vải" Lê Côn truyền dạy võ dân tộc với cái tên bình dị là võ Ta. Những trận huyết chiến thư hùng của dân tộc trong những thế võ cổ truyền vừa cương vừa nhu mà ông nội kể lại càng khơi dậy trong huyết quản đứa cháu niềm đam mê võ thuật cháy bỏng.
Vừa say sưa học võ nhưng cậu bé vẫn không quên học văn hóa. Ba mẹ đều làm nghề lênh đênh trên biển sớm tối, vì thế tinh thần tự học của cậu rất cao, không cần ai phải nhắc nhở. Sáng sáng, cậu đều phải vượt quãng đường xa xôi mấy chục cây số đến trường bằng cách… nhảy tàu vì không có xe đạp. Học xong văn hóa, cậu bé lại tìm bãi đất trống ở gần đó để "tung hoành ngang dọc" với những đường quyền thế bay bổng giữa biển cát cháy Phú Yên. Chính vì thế, cậu không quản xa xôi đến trường bởi "một công đôi việc", được tập võ nơi tiếng sóng và gió biển vi vu như dẫn hồn người học võ càng say mê và rạo rực hơn.
Sau khi được truyền thụ tình yêu và những đường thế căn bản của võ dân tộc từ ông nội, cậu bé ham học hỏi đã tìm đến nhiều vị võ sư khác trong huyện, tỉnh để chắp cánh cho ước mơ võ đạo của mình. May mắn, ông đã tìm được thầy Võ Kim Khanh, người giỏi về binh pháp và quyền cước của dòng võ Tây Sơn - Bình Định nổi tiếng lúc bấy giờ. Những đòn thế hiểm hóc của võ Tây Sơn cùng thăng hoa với chất tinh túy, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ của dòng võ gia truyền đã làm cho người thụ giáo "ngộ" ra một võ thuật của riêng mình. Đối với người con xứ biển này, võ thuật không chỉ để tấn công mà nó đầy kỳ ảo và biến hóa như gió lùa và trăng khuyết trên biển đêm quê ông vậy.
Mong muốn phát triển những tinh hoa võ học mà ông nội truyền dạy và những binh pháp được điêu luyện của phái võ Tây Sơn được học, võ sư Lê Kim Hòa tự mình đứng ra thành lập môn phái Thanh Long võ đạo khi mới bước vào tuổi 20. Không tự phụ với những gì mình đạt được, chàng thanh niên ấy vừa hăng say tập luyện, rèn rũa võ thuật, vừa mở lớp dạy võ cho những môn sinh của mình. Năm 1979, trong khi giới võ thuật còn "loạn nhịp" trong thời cuộc thì phái võ của ông đã lan rộng khắp Sài Gòn, rồi lên tận cao nguyên Đà Lạt xa xôi. Đó quả là một sự cố gắng không ngừng của ông khi phát triển một phái võ còn non trẻ như vị chủ nhân sáng lập nhưng đã tạo nên tiếng vang khiến cả giới võ lâm kinh ngạc.
Đó quả thực là thời kỳ khó khăn với môn phái Thanh Long võ đạo buổi đầu khi giới võ thuật đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Lúc đó, ông phải lặn lội ngược xuôi thuê võ đường để có đất truyền dạy võ thuật cho môn sinh ở nhiều nơi Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Thiêm,… Môn phái nào cũng muốn được nhiều người chú ý đến, lôi kéo người học võ. Khi biết được phái võ của ông chiêu mộ được nhiều đệ tử, những người của môn phái khác đã kéo tới thách đấu để thử tài vị chưởng môn. Nhưng ông biết rằng nếu tiếp nhận thách thức với các phái võ dù thắng hay thua cũng tạo nên ân oán sau này. Vì thế, ông khéo léo từ chối, bởi người theo võ không được để mình rơi vào vòng xoáy giang hồ.
Chuyện kể về "minh chủ võ lâm" của võ thuật VN - 2
Đi đến thống nhất nền võ thuật cổ truyền Việt Nam
Bị võ sư Lê Kim Hòa khước từ thách đấu, những người kia đều tỏ ra đắc chí cho rằng vị chưởng môn này vì sợ thua nên không dám tiếp mình. Nhưng có một vị giang hồ nhất quyết buộc ông phải ra mặt cho bằng được, biết không thể từ chối, ông liền âm thầm sắp xếp một trận thư hùng để phân thắng bại. Sau lần tỉ thí ấy, vị giang hồ kia xin kết bạn tâm giao với ông như một sự kính phục và bày tỏ mong muốn được thỉnh giáo võ thuật phái Thanh Long võ đạo. Từ đó, tin tức về cuộc đấu võ ấy lan truyền khắp giới võ lâm đã dẹp tan mọi hoài nghi và chứng tỏ khả năng võ thuật của ông với những kẻ từng thách đấu. Và những người yêu thích họ võ cứ lũ lượt kéo nhau tới võ đường của ông ngày một đông. Bằng tài năng và tâm huyết với nghề võ, ông đã đưa Thanh Long võ đạo tạo nên uy tín lớn trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong hoàn cảnh nhiều môn phái võ thuật hoạt động riêng lẻ, cần có sự hợp nhất để tạo nên tính bền chặt phát triển cho võ thuật nước nhà. Vì vây, ngành thể dục thể thao đã thành lập ban chuyên môn về võ thuật để đưa phong trào vào nề nếp. Bằng tài năng và uy tín trong giới võ thuật, võ sư Lê Kim Hòa được anh em đồng môn tín nhiệm và bầu làm Trưởng ban chuyên môn, nhằm tạo cơ sở để thống nhất võ lâm. Tiếp đó, ông lại được bầu chọn làm Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền TP.HCM (một "thị trường" võ thuật sôi động của cả nước) kiêm Phó Chủ tịch hội võ cổ truyền Việt Nam. Với khí chất và bản lĩnh trẻ của mình, vị "minh chủ võ lâm" khi mới 36 tuổi này không khỏi khiến nhiều người kinh ngạc và nể phục. Nhưng ông luôn tâm niệm: "Tôi cũng chỉ là một nhân tố nhỏ bé hòa vào dòng võ thuật cổ truyền đất nước mà thôi. Bất cứ ai theo học võ dân tộc đều là góp phần phát triển nền võ học của Việt Nam chứ không phải chỉ riêng tôi".
Từ đây, ông say sưa truyền dạy võ thuật không chỉ trong nước mà còn "xuất khẩu" sang phương trời Tây Âu. Những lần xuất chinh ra nước ngoài dạy võ làm cho ông thấy cuộc đời võ học của mình có ý nghĩa hơn. Ông kể rằng, kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình là chuyến đi lưu dạy vào năm 1991. Đó là lần đầu tiên một vị võ sư người Việt đến xứ sở bạch dương dạy võ cổ truyền Việt Nam. Những môn sinh nước ngoài hăm hở đón thầy tận sân bay Matxcơva để chứng tỏ lòng thành kính và yêu thích võ Việt.
Lớp học đông đúc gồm 80 môn sinh, lọt thỏm người thầy nhỏ nhắn ở giữa những chàng thanh niên Nga cao lớn. Ai cũng tỏ ra hiếu kỳ về võ cổ truyền Việt Nam, thử thách thầy bằng những ngón tấn công hiểm hóc sở trường. Nhưng ông đã hóa giải bằng đường quyền nhẹ như gió thoảng nhưng có sức công phá mạnh mẽ. Đó là bí quyết lấy nhu thắng cương, lý giải vì sao con người Việt Nam nhỏ bé như thế lại có thể đánh thắng bao nhiêu giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Nói đến đây, các học trò phương Tây ai nấy đều nhìn người thầy bằng ánh mắt khâm phục. Hai nền văn hóa và lịch sử khác nhau dường như ngay lúc này đã thấu hiểu và hòa hợp làm một bởi cầu nối đam mê võ thuật.
Sau khi ông trở về nước, các môn sinh còn theo về tận Việt Nam để được thọ giáo thầy nhiều hơn. Trong đó, một học trò người Nga đã ở lại theo ông học võ khổ luyện suốt mười mấy năm trời để thành tài. Và sau đó, người đệ tử này đã trở lại phương trời Tây Âu để thực hiện tâm nguyện của thầy, mở rộng môn phái Thanh Long võ đạo đến nhiều nơi trên nước Nga rộng lớn. Đến nay, nhờ sự cố gắng của mình, ông đã mở được hơn 30 lớp võ cổ truyền Việt Nam với vô vàn môn sinh ở các dân tộc khác nhau.
Để chứng tỏ vị thế của võ Việt, ông đã nhiều lần dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia các kỳ festival và đại hội võ thuật truyền thống quốc tế. Tới đâu, đoàn võ thuật Việt Nam đều gặt hái được nhiều thành tích, gây tiếng vang lớn trong giới võ toàn cầu. Ông tâm sự: "Đó là niềm vinh dự và tự hào lớn nhất trong nghiệp võ của tôi. Điều quan trọng nhất là võ cổ truyền Việt Nam đã quy về một mối, anh em võ sư có một nơi giao lưu võ nghệ thật sự." Có lẽ, người võ sư đã qua tuổi "tri thiên mệnh" này vẫn đau đáu về tương lai võ thuật trẻ nước nhà để làm rạng danh nền võ thuật cổ truyền của dân tộc ngàn năm văn hiến.

Theo Diệu Linh (Gia đình & Xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét