VÌ DÂN, VÌ NƯỚC?



-"Gốc có vững cây mới bền,
 Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"

“Dễ mười lần không dân cũng chịu
 Khó trăm lần dân liệu cũng xong”
 
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền...phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”
 
“Nước ta là Nhà nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân”.

“Từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Có gần gũi, hòa cùng nhân dân thì mới hiểu được dân, đồng cảm với dân, nắm được tâm tư tình cảm của dân... Hòa cùng Nhân dân còn để giác ngộ, lãnh đạo Nhân dân thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng có lợi cho Nhân dân”.
 
“...Máy móc, ép buộc đồng bào, nhiều việc quá trình độ, dân không hiểu, không thích. Đã thấy sai lầm mà không kịp thời sửa chữa, kịp thời báo cáo. Dùng thói quan liêu, chỉ biết ra lệnh, ép buộc dân chúng đóng góp”.
  
Hồ Chí Minh
 
------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
                       Những phát ngôn từng gây "bão" của ông Nguyễn Đức Chung | VTC Now
 

Chân dung giáo sư Nguyễn Quang Thuấn, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Phó Chủ tịch hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế.

Chân dung giáo sư Nguyễn Quang Thuấn, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn.

GS-TS Nguyễn Quang Thuấn sinh năm 1959 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế chính trị vào năm 1983. Sau một thời gian làm cán bộ nghiên cứu Viện Kinh tế thế giới thuộc Ủy Ban Khoa học xã Hội Việt Nam, năm 1990 ông sang Nga làm luận án Tiến sỹ tại Viện Hàn Lâm Khoa học Nga và có bằng tiến sĩ kinh tế năm 1993. Ông được phòng hàm giáo sư năm 2010.
Trước khi trở thành Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông từng đảm nhiệm các vị trí: phó Viện Trưởng, Viện trưởng, Tổng Biên tập Trung tâm Nghiên cứu SNG và Đông Âu (nay là Viện Nghiên cứu Châu Âu), Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Các nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung ở các chủ đề về: Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Các nền kinh tế chuyển đổi; Kinh tế Liên minh Châu Âu và quan hệ kinh tế Việt Nam - Châu Âu.
Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn đã tham gia và chủ trì nhiều dự án, đề tài khoa học quan trọng, các dự án hợp tác quốc tế như: Liên minh Châu Âu mở rộng và tác động đến Việt Nam; Sự phát triển của Cộng đồng các quốc gia độc lập trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay; Quan hệ Việt Nam – Ukraine trong bối cảnh phát triển mới; Thúc đẩy Hợp tác Việt Nam - EU trong triển khai cơ chế phát triển sạch CDM ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020…
Ông cũng là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên nhiều công trình đã xuất bản như: Cải cách kinh tế ở Ba lan và Việt Nam: thành tựu và những vấn đề (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2001); Quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2007); Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên minh Châu Âu: Thực trạng và triển vọng (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2009); Việt Nam 5 năm gia nhập WTO (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2013); Quản trị Quan hệ biến đổi giữa châu Âu và châu Á: Dấu hiệu từ các nền kinh tế mới nổi Trung Quốc và Việt Nam, xuất bản bằng tiếng Anh - The Governance of Climate Relations between Europe and Asia: Evidence from China and Vietnam as Key Emerging Economies (Nhà xuất bản Edward Elgar, 2013).
Trong đó, cuốn sách “5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới” tác giả đã tổng kết, đánh giá tình hình Việt Nam thực thi cam kết sau 5 năm gia nhập WTO, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho Chính phủ và khu vực doanh nghiệp nhằm đưa ra những phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả hơn trước những tác động bên ngoài.
Cuốn sách Quản trị Quan hệ biến đổi giữa châu Âu và châu Á: Dấu hiệu từ các nền kinh tế mới nổi Trung Quốc và Việt Nam do GS Thuấn là đồng tác giả được bán trên ebay và hiện đã hết hàng.
Ngoài ra, GS Thuấn cũng là chủ biên cuốn sách Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở sau 30 năm đổi mới: Thực trạng và giải pháp. Nhiều bài viết về chủ đề các nền kinh tế chuyển đổi và thể chế kinh tế thị trường của ông, cũng được xuất bản trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Chiều 11/11/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm ông Bùi Nhật Quang - ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - giữ chức vụ chủ tịch viện này thay cho ông Nguyễn Quang Thuấn.
  • TÍCH TỤ, TẬP TRUNG ĐẤT ĐAI CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
    Ở VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI

  • GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn
  • Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tóm tắt: Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi lớn và đạt được nhiều thành tựu phát triển. Tuy nhiên, đó vẫn là nền nông nghiệp của một nước đi sau, với nhiều hạn chế: phương thức và tổ chức sản xuất lạc hậu; quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, thiếu khả năng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao khiến cho năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp không cao... Do vậy, tích tụ, tập trung đất đai được coi là một trong những giải pháp đột phá giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới.
1. Kinh nghiệm quốc tế về tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp
Về mặt khái niệm, có thể phân biệt tập trung đất đai với tích tụ đất đai: Tích tụ đất đai là quá trình mua đất để sở hữu đất đai ở quy mô lớn hơn, còn tập trung đất đai là liên kết nhiều mảnh ruộng đất của nhiều chủ sở hữu khác nhau lại thành mô hình cánh đồng lớn (Trí Lâm, 2016). Theo đó, cách thức tích tụ đất đai khác với cách thức tập trung đất đai; quyền sở hữu và một số tác động xã hội như cách thức duy trì thu nhập, việc làm của người nông dân sau tích tụ và tập trung đất đai cũng khác. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, mục tiêu cuối cùng cả hai quá trình vẫn là tạo ra một diện tích đất đai quy mô lớn để có thể ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Trong thời kỳ hiện đại, tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp xuất hiện cùng với quá trình công nghiệp hoá, tính đến nay cũng đã trải qua gần ba thế kỷ. Làn sóng tích tụ, tập trung đất đai lần thứ nhất xuất hiện ở châu Âu vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ 18. Tuy nhiên, chỉ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các chương trình tích tụ, tập trung đất đai mới được nhiều quốc gia chính thức tiến hành. Ở các nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội (Liên Xô, các nước Trung và Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam…), tích tụ, tập trung đất đai nằm trong nỗ lực xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Làn sóng tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp diễn ra khá mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 20 ở những nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường. Nhiều kinh nghiệm thành, bại đã được rút ra từ những quá trình này ở cả những nước công nghiệp phát triển, những nước thuộc địa giành được độc lập cũng như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây lẫn các nền kinh tế đang hội nhập và chuyển đổi.
Những kinh nghiệm nói trên cho thấy, cần xử lý tốt một số vấn đề dưới đây trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai: 
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quyền tài sản đối với đất đai và tích tụ đất đai. Một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch là cơ sở quan trọng để người dân và doanh nghiệp nhận thức được quyền và các nghĩa vụ của mình, ý thức được các rủi ro có thể gặp phải khi tiến hành các dự án sản xuất, kinh doanh liên quan đến đất đai. Người dân và doanh nghiệp luôn muốn được đảm bảo an toàn cho các dự án sản xuất, kinh doanh liên quan đến đất đai. Về mặt lý thuyết, sở hữu tư nhân đối với đất đai dường như là cách thức đảm bảo an toàn tốt nhất và lâu dài nhất mà không sợ bị tước đoạt. Song thực tế cho thấy ngay cả các cá nhân sở hữu đất đai cũng bị giới hạn ở một số quyền (ví dụ: các hoạt động khai thác, sử dụng có thể ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên quý hiếm; chuyển nhượng đất đai có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, quốc phòng). Hơn nữa, nếu xét về việc đảm bảo quyền sử dụng lâu dài, một số mảnh đất có thể được thuê lại thậm chí với thời hạn ghi trong hợp đồng lên tới 999 năm. Bởi vậy, các hình thức sở hữu đất đai (dù sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể hay sở hữu nhà nước) thực tế không quan trọng bằng việc có các quy định rõ ràng về các quyền của người dân khi sử dụng, chuyển nhượng đất đai (ví dụ: được làm những gì và với những điều kiện như thế nào?) cùng với việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó.
Việc ban hành một khung pháp lý còn là cơ sở cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc thực thi tích tụ, tập trung đất đai. Luật về tích tụ đất đai đã ra đời ở Áo, Bỉ, Đức, Na Uy, Thụy Điển ngay từ những năm 1970, và muộn hơn ở Hà Lan, Ba Lan, Pháp, Hungary vào những năm 1980. Những luật này đưa ra các điều khoản liên quan trực tiếp tới quá trình tích tụ đất đai như công tác quy hoạch tích tụ đất đai, quy định về tích tụ đất nông nghiệp phục vụ các hoạt động phi nông nghiệp… (Damen, 2002). Tại Trung Quốc, Chính phủ đã thông qua Chương trình tích tụ đất đai cấp quốc gia vào năm 1998, ngay sau đó đã đưa vào triển khai ở Bắc Kinh, tỉnh Chiết Giang và Giang Tô dưới hình thức các nông trang tập thể và nông trang hộ gia đình quy mô lớn (Prosterman và cộng sự, 1998).
Thứ hai, cần có những điều chỉnh các quy định đã lỗi thời, không còn phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình tích tụ, tập trung đất đai, ví dụ:
1) Điều chỉnh các quy định về quyền sở hữu và sử dụng đất đai, cho phép người dân được chuyển giao quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình cho doanh nghiệp và cá nhân khác: Hiến pháp Trung Quốc không cho phép người dân sở hữu đất đai, người nông dân chỉ có quyền sử dụng đất trong vòng 30 năm. Với thời gian sử dụng ngắn, bản thân người nông dân, các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp không có nhiều động lực để đầu tư mở rộng sản xuất. Đứng trước trở ngại này, năm 2007, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định nâng hạn điền sử dụng đất lên 70 năm và cho phép người dân được chuyển nhượng, cho thuê và cầm cố quyền sử dụng mảnh đất của mình trên thị trường giao dịch ruộng đất. Sự thay đổi này đã tạo ra một bước ngoặt cho quá trình tích tụ đất đai ở Trung Quốc khi các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể thuê đất nông nghiệp để phát triển mô hình nông trang quy mô lớn (Lê Xuân Cử, 2015). Nhờ có chính sách mới mà các trang trại lớn đã mọc lên ở nhiều tỉnh, đặc biệt một số tỉnh (An Huy, Hoa Đông) còn thu hút được cả các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến mua, thuê đất để đầu tư.
2) Hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động mua, bán và chuyển nhượng đất đai: Về kỹ thuật, rất nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Áo… đã thành lập các ngân hàng đất đai. Mô hình này đã đem lại hiệu quả đáng kể cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai khi đảm bảo được “tính linh hoạt” cao. Ngân hàng đất nông nghiệp đóng vai trò trung gian kết nối người mua với người bán, người thuê với người cho thuê đất. Đa phần ngân hàng đất đai sử dụng ngân sách nhà nước để mua/thuê lại đất và sau đó bán/cho thuê lại. Ở Nhật Bản, người sở hữu đất dù không tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng nếu vẫn muốn duy trì quyền sở hữu đất có thể ủy thác ngân hàng đất đai cho thuê mảnh đất của mình. Ngân hàng đất đai sẽ hỗ trợ các chủ sở hữu đất qua việc được miễn các loại thuế có liên quan, đảm bảo sự công bằng giữa nông dân có đất ủy thác và người thuê lại đất từ ngân hàng… Ở Đan Mạch, hệ thống ngân hàng đất đai được thành lập từ khá sớm vào năm 1919, hoạt động tự nguyện và nằm dưới sự quản lý của Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp. Ngân hàng này mua, bán đất với các hộ nông dân hoặc làm cầu nối thực hiện việc trao đổi quyền sử dụng đất tạm thời giữa chủ sở hữu đất và các chủ thể có nhu cầu thuê đất (Clever và cộng sự, 2014). Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều biện pháp “cởi trói” cho hoạt động thuê và chuyển nhượng đất, như: cho phép doanh nghiệp/tập đoàn nông nghiệp thuê và sở hữu đất nông nghiệp (Clever và cộng sự, 2014), phát triển thị trường cho thuê đất. Nhật Bản cũng triển khai biện pháp “hợp nhất ruộng đất” (tương tự như dồn điền đổi thửa) - trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; và “ủy thác sản xuất” - các hộ sản xuất quy mô nhỏ sẽ ủy thác ruộng vườn và các tư liệu sản xuất cho hộ sản xuất quy mô lớn… Về tài chính, Trung Quốc đã đưa ra chính sách trao thưởng cho các tỉnh triển khai tốt chủ trương chuyển nhượng đất nông nghiệp để phát triển nông trang quy mô lớn… Ví dụ, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã quy định trao thưởng cho những xã hoàn thành chuyển giao trên 200 mẫu đất nông nghiệp với mức thưởng 10 tệ/2 sào ruộng. Chính quyền tỉnh này cũng đã thưởng 200.000 tệ cho xã đi đầu trong công tác chuyển giao đất nông nghiệp (DAS, 2015). Tại Hàn Quốc, các tổ chức phi chính phủ như Cộng đồng nông thôn và Hiệp hội nông nghiệp Hàn Quốc cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động tích tụ đất đai khi cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp.
3) Xóa bỏ hoặc điều chỉnh mức hạn điền: Quy định mức hạn điền thấp thường là trở ngại chính cho quá trình tích tụ ruộng đất và mở rộng sản xuất quy mô lớn. Tại Hàn Quốc, quy định mức hạn điền 3 héc ta mỗi hộ nông dân từ những năm 1950 là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trong một thời gian dài. Năm 1993, chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức hạn điền lên 10 héc ta cho các “vùng phát triển nông nghiệp”, thậm chí 20 héc ta nếu được địa phương cho phép và 5 héc ta cho các vùng nằm ngoài khu vực. Năm 2002, Hàn Quốc đã bãi bỏ mức hạn điền. Nhờ vậy, diện tích trung bình đất sản xuất của mỗi hộ nông dân ở Hàn Quốc đã tăng từ 0,94 héc ta năm 1975 lên 1,43 héc ta năm 2005.
4) Ngăn chặn việc bỏ hoang đất nông nghiệp: Cùng với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, tình trạng bỏ hoang đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Nhiều người nông dân rời bỏ ruộng đồng lên thành phố kiếm sống, trong khi đó những người ở lại rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất. Muốn tích tụ được ruộng đất, phải đảm bảo người cần sử dụng đất tiếp cận được với nguồn đất đai. Luật cơ bản mới về Lương thực, nông nghiệp và vùng nông thôn năm 1999 của Nhật Bản quy định chủ sở hữu đất nông nghiệp bắt buộc phải sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, không được để hoang hóa quá 1 năm.
Thứ bakhuyến khích hình thành các hiệp hội, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung mà không thay đổi chủ sở hữu đất. Đây là chính sách rất đáng lưu ý đối với Việt Nam. Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều là những điển hình thành công trong việc tích tụ đất đai theo mô hình này. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở những nước này hoạt động dưới dạng các hộ cùng hợp tác sản xuất một loại sản phẩm tương tự nhằm tận dụng lợi thế về quy mô, đồng thời vẫn giữ được các lợi thế của canh tác gia đình. Mô hình hiệp hội phát triển cây tì bà ở làng Can Đường, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc là một ví dụ. Hiệp hội này được hình thành trên cơ sở tự nguyện hợp tác giữa các hộ nông dân trong làng. Người đứng đầu hiệp hội sẽ đứng ra thuê đất và kêu gọi người dân góp vốn mở rộng sản xuất quy mô lớn. Trước đó, việc thuê đất của dân gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau khi hiệp hội được thành lập, nguồn vốn được huy động nhanh chóng, diện tích đất thuê được cũng lên tới 1.000 mẫu. Việc thuê đất được thoả thuận giữa đại diện hiệp hội và các hộ dân nhưng cũng có sự tham gia của đại diện chính quyền. Hiệp hội cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ khi được nhà nước đầu tư đường sá, hệ thống thủy lợi và nhà lưới phục vụ sản xuất (Argo Info, 2009). Nhật Bản cũng hình thành hệ thống hợp tác xã và nông hội hỗ trợ cho những hộ nông dân nhỏ. Hợp tác xã cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nông dân, như: tín dụng, bảo hiểm rủi ro, khuyến nông, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng tập thể các máy móc thiết bị…, thậm chí cả các phúc lợi xã hội, như: y tế, giáo dục, văn hoá, cải thiện điều kiện sống, du lịch... Hợp tác xã cũng là cầu nối của người nông dân với các cơ quan nông nghiệp chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và tư vấn... (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, 2015). Các hợp tác xã đã góp phần tạo ra sự thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản như “mỗi làng một sản phẩm”.
Thứ tưđảm bảo sự tham gia của tất cả các chủ thể có liên quan trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất. Việc tích tụ, tập trung đất đai có thể diễn ra thiếu minh bạch, thiếu dân chủ và không đảm bảo được quyền lợi của người dân cũng như cộng đồng. Thậm chí, ở nhiều nước đang phát triển, doanh nghiệp có thể câu kết với chính quyền địa phương để tước đoạt ruộng đất của người nông dân. Để tránh tình trạng đó, ở một số nước như Hà Lan đã thành lập các ủy ban ở từng địa phương, thành phần bao gồm đại diện của các tổ chức nông dân, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nguồn nước cùng tất cả các nhóm lợi ích có liên quan. Ủy ban này đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể tác động tới quá trình hình thành, đề xuất, lên kế hoạch và triển khai chương trình tích tụ ruộng đất, đảm bảo lợi ích của các chủ thể đều được bảo vệ và tôn trọng (Damen, 2002). Kinh nghiệm của nhiều nước còn cho thấy, cần xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai một cách hiệu quả. Thậm chí, một số quốc gia còn thiết lập một hệ thống toà án hoặc toà trọng tài chuyên giải quyết các tranh chấp về đất.
Thứ nămđẩy mạnh phát triển các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn và tăng cường công nghiệp hóa nông thôn. Mặt trái của tích tụ đất đai và phát triển trang trại quy mô lớn là đẩy một bộ phận lớn người nông dân vào tình cảnh mất đất dẫn tới mất việc làm. Tại các nước có lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp và nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, chính phủ đã rất chú trọng quá trình chuyển dịch sản xuất công nghiệp từ khu vực thành thị tới nông thôn. Có một nghịch lý là, việc tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp cho phát triển công nghiệp (ví dụ, xây dựng các nhà máy ở nông thôn) lại tạo ra nhiều việc làm hơn tích tụ, tập trung đất đai cho việc hình thành các trang trại lớn, cánh đồng mẫu lớn hay các mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Bởi vậy, chính phủ nhiều nước đã chủ trương phát triển doanh nghiệp nông thôn và đưa công nghiệp lớn về nông thôn, không chỉ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mà cả các ngành cơ khí, hoá chất... Mục đích của chính sách này là đảm bảo lao động nông thôn dôi dư có việc làm và thu nhập ổn định khi có cơ hội tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp. Ngoài ra, ở các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, chính phủ còn nỗ lực tạo dựng những công việc lâu dài, chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề mới để người nông dân mạnh dạn bỏ nghề làm ruộng, sẵn sàng chuyển nhượng đất cho các dự án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao hơn.
2. Quá trình nhận thức của Đảng và thực tiễn tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp ở Việt Nam
Vấn đề ruộng đất cho nông dân gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có những bài học sâu sắc từ một số lần thay đổi chính sách. Lần đầu tiên, trong giai đoạn 1953-1956, Nhà nước thực hiện cải cách ruộng đất, với khẩu hiệu "người cày có ruộng", tịch thu ruộng, đất của địa chủ, phú nông chia đều cho nông dân. Lần thứ hai, trong giai đoạn 1959-1960, Nhà nước triển khai hợp tác hóa nông nghiệp, thu gom các mảnh ruộng, đất của từng hộ nông dân vào hợp tác xã để thực hiện cánh đồng lớn. Những lần phân chia rồi lại tích tụ ruộng đất này đã tạo ra nhiều xáo trộn lớn trong cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đặc biệt, mô hình hợp tác xã nông nghiệp trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã không hoạt động hiệu quả, làm triệt tiêu động lực sản xuất của người nông dân.
Trong bối cảnh đó, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường được gọi là Nghị quyết về khoán 10) thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, thực hiện khoán tới hộ xã viên. Đây là một quyết định lịch sử - bước đột phá mạnh mẽ trong nhận thức lý luận của Đảng về vấn đề ruộng đất và nông dân trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với việc cho phép tự do lưu thông hàng hóa, Khoán 10 đã cởi bỏ sự ràng buộc khắt khe của cơ chế cũ, tạo ra cú hích lớn cho nông nghiệp phát triển trong thời kỳ đầu của Đổi mới. Với việc triển khai Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ (năm 1993) về phân bổ, giao lại cho các hộ nông dân sử dụng ruộng, đất của hợp tác xã, ủy ban nhân dân các cấp đã cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình cá nhân sử dụng đất ổn định, lâu dài, tạo điều kiện cho người sử dụng đất an tâm và có kế hoạch đầu tư, cải tạo làm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. 
Tuy nhiên, với cách giao khoán đến từng hộ gia đình theo nguyên tắc công bằng, nghĩa là đất nông nghiệp được chia bình quân: có ruộng tốt, có ruộng xấu, có gần, có xa, đã tạo ra những mảnh ruộng nhỏ, phân tán và manh mún. Bởi vậy, từ năm 1997 đến nay, chúng ta đã tiến hành tập trung ruộng đất theo chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, nhằm tạo ra những ô thửa lớn, gắn với quy hoạch giao thông, thủy lợi của địa phương, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, giúp tăng hiệu quả sản xuất.
Nhờ đổi mới trong tư duy, nhận thức và đánh giá đúng tầm quan trọng từ đó có các chủ trương, chính sách phù hợp, chúng ta đã giải phóng được tiềm năng phát triển to lớn của nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, tác động tích cực của nhiều chính sách “cởi trói” dường như đã tới hạn, thậm chí một số chính sách lại cản trở sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và giải quyết các vấn đề thiết yếu của nông dân. Kinh tế hộ một thời phát huy tác dụng như một động lực giúp người nông dân tích cực lao động trên mảnh ruộng được giao quyền sử dụng, nhưng đến nay dường như đã bộc lộ nhiều hạn chế trước yêu cầu áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới, tập trung, cơ giới hoá, chuyên môn hóa cao và với những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về số lượng, chất lượng, chi phí và thời gian cung ứng (Hội đồng Lý luận trung ương, 2014). Giải pháp “dồn điền, đổi thửa” cũng đạt tới ngưỡng do giới hạn về diện tích đất nông nghiệp của mỗi hộ; khó khăn cho việc chọn lựa các mảnh đất ngang giá trị để trao đổi và chưa làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn theo hộ gia đình. Ngay cả khi đã “dồn điền, đổi thửa” thì diện tích đất sản xuất bình quân của mỗi hộ nông nghiệp cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, việc triển khai “dồn điền, đổi thửa” ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, tham nhũng, trục lợi khiến cho người nông dân e ngại.
Trong quá trình cải cách, chuyển đổi, một số hợp tác xã nông nghiệp đã triển khai việc thuê lại đất của nông dân và xã viên để tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các hộ nông dân còn tập trung đất để sử dụng dịch vụ chung của hợp tác xã nông nghiệp mà vẫn giữ quyền sử dụng và canh tác trên đất của mình. Ngoài ra, các hộ nông dân có thể tự nguyện góp đất, góp vốn mua máy lập tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình như vậy đã phát triển khá thành công ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau… Mặc dù vậy, tích tụ, tập trung đất đai thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp cũng có những hạn chế. Việc hợp tác giữa những người nông dân nhỏ lẻ với nhau không phải là dễ dàng, rất chông chênh và không bền vững: Chỉ cần sự không hài lòng hay mâu thuẫn của một vài hộ dân trong quá trình sản xuất - kinh doanh với nhau, quá trình hợp tác có thể tan rã. Hơn nữa, các hợp tác xã nông nghiệp hiện vẫn vướng mắc ở các khâu quản trị, tiếp cận với vốn và công nghệ trong đầu tư, sản xuất và bán sản phẩm trên thị trường. Đa số các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng[1].
Trải qua 30 năm Đổi mới, đến nay Việt Nam cần phải đổi mới tư duy một lần nữa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của nền kinh tế đất nước cùng với những tác động đang diễn ra hết sức nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điều này đặt ra hai vấn đề quan trọng:
Thứ nhất, phải thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và các mô hình trang trại, hoạt động theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, cần thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong phát triển nông nghiệp, chuyển từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, có năng suất và giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội XII nêu định hướng: có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Hiện tại, chỉ chưa đến 1% doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành nông nghiệp, chiếm chưa đến 3% vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp. Điều đáng nói là đa số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 96%), số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%[2]. Ngoài những nguyên nhân như đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều, khó vay vốn, thì các doanh nghiệp cho rằng, rào cản lớn nhất là khả năng tiếp cận được quỹ đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn: đất đã được giao hết cho người dân. Thực tế chứng tỏ, nền nông nghiệp quy mô lớn bắt buộc phải thu hút được các doanh nghiệp lớn, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế. Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong việc giúp người nông dân giải quyết hiệu quả vấn đề thị trường đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều này, cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân để giúp tháo gỡ, xử lý những khó khăn mà tự người nông dân khó làm được, đặc biệt trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, thị trường đầu vào, áp dụng công nghệ hiện đại và những kỹ thuật canh tác mới...
Ở Việt Nam, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng kết quả tổng thể còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2017, cả nước có 78 triệu mảnh với 13,8 triệu hộ nông dân, như vậy bình quân mỗi hộ khoảng 5-6 mảnh (Bạch Dương, 2017), mỗi hộ có quyền sử dụng khoảng 0,3-0,5 héc ta đất nông nghiệp. Theo Tổ chức GIZ, ngay cả tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hộ chuyên trồng lúa phải có ít nhất 2 héc ta thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, phải có ít nhất 3 héc ta mới có thể làm giàu và sẽ rất khó để người nông dân bứt phá, vươn lên trong điều kiện đất đai bị chia nhỏ, manh mún như hiện nay (Ca Linh và Thế Dũng, 2017). Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp Việt Nam chỉ bằng từ 0,6 đến 0,8 lần các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Philippines (Thảo Nguyên, 2017).
Luật Đất đai năm 2013 được coi là chìa khóa pháp lý quan trọng để thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn. Luật này cho phép người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn và thế chấp quyền sử dụng đất nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, đất lâm nghiệp) để khuyến khích nông dân gắn bó và yên tâm đầu tư sản xuất.
Có nhiều cách phân loại các hình thức tích tụ, tập trung đất đai. Ví dụ, phân loại theo hoạt động có các hình thức như: dồn điền đổi thửa; xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn; các hoạt động chuyển giao đất nông nghiệp dưới các hình thức thuê, mua, thừa kế... Phân loại theo đối tượng như: tích tụ, tập trung ruộng đất bởi các cá nhân, hộ gia đình; bởi nhóm người (mô hình hợp tác xã nông nghiệp); bởi doanh nghiệp; bởi Nhà nước... Mỗi vùng, miền ở Việt Nam do những đặc thù về đất đai, tập quán tổ chức sản xuất nông nghiệp mà có các hình thức tích tụ, tập trung đất đai phổ biến khác nhau. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có hai hình thức tích tụ, tập trung đất đai nhận được nhiều sự chú ý sau:
Các hộ nông dân, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất, thông qua: i) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nông dân khác; ii) thuê lại đất của nông dân khác[3]. Trên thực tế, một số hộ nông dân “giỏi”, có năng lực tài chính, có ý chí bứt phá trong kinh doanh, vươn lên trong sản xuất đã triển khai tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành các trang trại, thương mại hóa sản phẩm quy mô lớn hơn[4]. Nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai theo kiểu này đã được triển khai trên khắp cả nước từ An Giang, Hậu Giang, Long An cho đến các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên[5].
Một số người cho rằng rào cản đối với quá trình này nằm ở hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. Theo các quy định hiện hành, tùy theo loại đất và tùy từng vùng thì có các hạn mức giao đất nông nghiệp trong khoảng từ 2 đến 30 héc ta (đất trồng cây hàng năm 02 - 03 héc ta; đất trồng cây lâu năm: 10 - 30 héc ta; đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ: không quá 30 héc ta). Hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất (đất trồng cây hàng năm 20 - 30 héc ta; đất trồng cây lâu năm 100 - 300 héc ta; đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ không quá 300 héc ta, tùy theo loại đất và khu vực). Về mặt chính trị, xã hội, một số người cũng lo ngại điều này có thể hình thành tầng lớp “địa chủ mới”, thực hiện “phát canh, thu tô” tạo ra một hình thức bóc lột mới ở nông thôn.
Doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp lớn hoặc tương đối lớn) tích tụ, tập trung ruộng đất, thông qua: 1) thuê lại đất nông nghiệp của nông dân; 2) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nông dân; 3) nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân; 4) thuê đất của địa phương hoặc nông lâm trường quốc doanh cũ. Đây là hình thức đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý và tranh luận với các quan điểm khác nhau. Hiện tại, pháp luật về đất đai không quy định hạn mức sử dụng đất đối với doanh nghiệp; nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp được nhà nước xem xét giao đất, cho thuê đất trên cơ sở dự án đầu tư.
Rào cản đối với quá trình này là các quy định pháp lý, các thủ tục và cơ chế chính sách có liên quan (ví dụ: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp tài sản trên đất đi thuê, phân cấp phân quyền…) còn thiếu vắng hoặc chưa phù hợp và phức tạp. Tâm lý của các hộ nông dân lo ngại bị thua thiệt, bị ép giá chuyển nhượng hoặc cho thuê bởi doanh nghiệp nên không muốn tham gia.
Trong lúc chưa có những quy định chính thức từ trung ương, những mô hình này đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương. Ví dụ như ở Hà Nam, tại những nơi hoạt động sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, đất đai manh mún hoặc bị bỏ hoang, trên cơ sở nhân dân tự nguyện, chính quyền đã chủ động ký hợp đồng thuê lại đất của nông dân; sau đó ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đất đó trong dài hạn. Như vậy, quyền sử dụng đất vẫn là của nông dân, nông dân chỉ chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định cho doanh nghiệp. Mô hình này đã triển khai ở một số địa phương như: xã Nhân Khang, Xuân Khuê, Nhân Bình (huyện Lý Nhân); xã Liêm Tiết, Phù Vân (TP. Phủ Lý). Các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần An Phú Hưng, Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup), Công ty Phúc Thành đã thực hiện một số dự án như: sản xuất rau quả sạch theo quy trình Nhật Bản và xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thông qua vai trò “trung gian” tích cực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp có thể thu gom được một diện tích đất nông nghiệp lớn để tiến hành sản xuất, kinh doanh mà tự mình họ khó có thể làm được. Thực hiện tập trung đất đai theo hình thức này có lợi thế tạo ra tâm lý tin cậy cho người dân và cả doanh nghiệp vì có chính quyền đứng giữa bảo đảm đối với mỗi bên.
Tuy nhiên, việc triển khai những mô hình như vậy cũng phát sinh một số lo ngại:
Thứ nhất, đây là giải pháp dường như có lợi trước hết cho doanh nghiệp song chưa rõ nguồn ngân sách địa phương sẽ thu được gì từ các dự án đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nhất là khi phải có các chính sách ưu đãi doanh nghiệp. Trong khi đó, rủi ro cho chính quyền địa phương là rất lớn (liên quan đến vấn đề hợp đồng, các chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách xã hội đối với người nông dân…). Điều quan trọng trong việc triển khai các dự án tích tụ, tập trung đất đai là phải tránh tư duy nhiệm kỳ (nhiệm kỳ lãnh đạo trước để lại những gánh nặng và rủi ro cho nhiệm kỳ lãnh đạo sau).   
Thứ hai, về vấn đề xã hội, đảm bảo thu nhập, giải quyết việc làm cho người nông dân. Với mức giá thuê lại đất của doanh nghiệp hiện nay, các hộ nông dân có thể có một khoản thu nhập tức thời tương đối lớn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động địa phương của các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, tuy trên thực tế có một số hộ bỏ hoang ruộng đất và làm việc phi nông nghiệp ở thành phố, song nông nghiệp vẫn là cơ sở phòng tránh rủi ro cho họ mỗi khi thất nghiệp, đau ốm phải quay về nông thôn. Vấn đề nữa đặt ra là đào tạo cho một lượng lớn người nông dân để chuyển đổi việc làm sau khi tích tụ, tập trung ruộng đất.
Thứ ba, có những lo ngại về mục đích thực sự của doanh nghiệp khi tập trung đất đai. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: liệu các doanh nghiệp (có cả các doanh nghiệp mà ngành kinh doanh chính là bất động sản) có thực sự muốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp không, hay nhằm mục đích khác? Trong tương lai, sau khi hết hạn hợp đồng thuê đất (thường là 20 năm), nếu như doanh nghiệp trả lại đất thì rất khó cho người nông dân có thể tổ chức sản xuất nông nghiệp trở lại (do đã không tham gia sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm). Chưa kể, lúc này việc chia, tách đất đai lại sẽ trở thành một vấn đề phức tạp. Giải pháp duy nhất là để doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng làm mất đi những diện tích đất được xem là tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp (vì khi thuê đất doanh nghiệp thường sẽ chọn những mảnh đất tốt nhất).
3. Một số vấn đề chính sách
Thứ nhất, xu hướng tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp gắn với trình độ phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn phát triển của đất nước; không thể nóng vội, cũng không thể hạn chế. Ở những nước công nghiệp phát triển, lao động trong nông nghiệp ít, tích tụ, tập trung đất đai có thể không tạo ra những xáo động lớn về việc làm trong nông nghiệp và nông thôn. Ngược lại, điều này có thể ảnh hưởng lớn ở những nước đang phát triển với tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn khá cao.  
Do vậy, mặc dù tích tụ, tập trung đất đai có thể được xem như là hướng phát triển khó tránh khỏi của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nó cần được kiểm soát để diễn ra phù hợp với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp khá cao, chiếm khoảng 45-46% lực lượng lao động. Vì thế, đẩy nhanh tốc độ tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp sẽ tạo ra một lượng lớn lao động dôi dư, vượt quá khả năng hấp thụ lao động của các ngành công nghiệp và dịch vụ (thuộc khu vực chính thức). Thực tế cho thấy, một số nước Đông Á, quá trình tích tụ, tập trung đất đai chỉ được đẩy mạnh sau khi đã trải qua một quá trình công nghiệp hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá thành công. Ngay cả như vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là vùng đệm cho các cú sốc hay rủi ro về thu nhập, việc làm cho những người có nguồn gốc nông thôn. Ví dụ điển hình là trong cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1997-1998, hàng triệu lao động Thái Lan thất nghiệp đã phải về nông thôn làm nông nghiệp tạm thời kiếm sống trong giai đoạn khó khăn. Về mặt xã hội, giải pháp quan trọng là phải tạo ra được nhiều việc làm phi nông nghiệp, hấp thụ được lượng lao động dôi dư từ nông nghiệp và ở nông thôn trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai.  
Thứ hai, tích tụ, tập trung đất đai trước mắt là giải pháp giúp phát triển nông nghiệp trong điều kiện hiện nay ở nhiều địa phương bởi nó tạo điều kiện tiến hành cơ giới hoá, mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: vốn đầu tư, khả năng áp dụng các công nghệ mới, sự liên kết trong tổ chức sản xuất, logistic, marketing… Hạn chế của mô hình kinh tế hộ gia đình trong nông nghiệp hiện nay có một phần là tình trạng đất đai manh mún, song một phần khác quan trọng không kém là nó gắn liền với cách thức sản xuất nông nghiệp truyền thống chủ yếu dựa vào lao động giản đơn, thiếu liên kết trong chuỗi giá trị6. Tại nhiều nước, ngay cả ở những nước phát triển, hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất nông nghiệp chủ yếu, song chỉ khác là các hộ này đã tổ chức sản xuất theo các mô hình trang trại, trong đó ứng dụng công nghệ và thương mại hóa nhiều hơn. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, không phải mô hình kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn do doanh nghiệp đảm nhận đã có hiệu quả hơn hẳn kinh doanh của hộ gia đình. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao cũng chỉ được tiến hành trên một diện tích đất không lớn. Rào cản lớn nhất hiện nay đối với các hộ gia đình nông dân Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tham gia vào chuỗi giá trị là vốn tín dụng.
Do vậy, cần đánh giá đúng tác động kinh tế - xã hội của việc tích tụ, tập trung đất đai quy mô lớn ở nông thôn. Điều này liên quan đến mặt kỹ thuật của một số đề xuất như: mở rộng hay dỡ bỏ hạn điền. Trên thực tế, có những người nông dân đã tích tụ, tập trung một diện tích lớn hơn mức hạn điền, qua đó tổ chức lại hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm tăng hiệu quả. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, số người này không nhiều, quy mô tích tụ, tập trung đất đai cũng không quá lớn (như khả năng của các doanh nghiệp lớn). Điều quan trọng là đảm bảo cho quá trình này chuyển đổi này diễn ra theo cơ chế thị trường: có sự thỏa thuận vừa ý giữa người nhận quyền chuyển nhượng và người chuyển nhượng; giữa người thuê và người cho thuê. Đồng thời, cần bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản đối với đất đai giúp đảm bảo rằng, ngay cả những mảnh đất bị Nhà nước thu hồi vì lý do chung vẫn được đền bù một cách thoả đáng. Nhà nước không nên dùng các biện pháp hành chính để hạn chế mà nên sử dụng các công cụ mang tính thị trường (như sử dụng thuế) để hạn chế việc tích tụ, tập trung đất đai.
Khi triển khai tích tụ, tập trung đất đai cho nông nghiệp hiện nay cần có những quy hoạch dài hạn hơn (tầm nhìn 20 năm) về quỹ đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; chọn ra những mảnh đất hiện có thể dành cho phát triển nông nghiệp, song trong dài hạn phù hợp để chuyển đổi thành đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng đô thị. Cần ưu tiên hơn các biện pháp tập trung đất đai (do không làm thay đổi quyền sử dụng của người dân trong dài hạn) để đảm bảo việc làm và thu nhập trong dài hạn cho người nông dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ những hộ nông dân không tham gia tích tụ đất đai và giữ lại đất để sản xuất nông nghiệp vì đây chính là những người gắn bó lâu dài với nông nghiệp (hiện nay và sau 20 năm nữa) chứ không phải là các doanh nghiệp. 
Thứ ba, cần thể chế hoá rõ ràng hơn và chính thức hơn mối quan hệ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi triển khai các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất... Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) đã chỉ ra rằng, những bất cập trong các cuộc cải cách đất đai, dù là phân chia hay tích tụ, tập trung ruộng đất có một nguyên nhân quan trọng là hệ thống quản trị đất đai yếu kém. Đây là quá trình ban hành các chính sách về tiếp cận và sử dụng đất, cách thức các chính sách đó được thực thi và cách thức giải quyết xung đột lợi ích liên quan đến vấn đề này (Palmer và cộng sự, 2009). Đối với các nền kinh tế đi sau, những chính sách “tốt” về đất đai trên giấy tờ là chưa đủ mà quan trọng hơn là cách thức thực thi chúng.
Cần đảm bảo cho việc tích tụ, tập trung đất diễn ra minh bạch, dân chủ, theo cơ chế thị trường (“thuận mua, vừa bán”), vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhất là trong mối quan hệ ở nông thôn, việc sửa đổi các quy định mang tính kiểm soát (như về hạn điền, thời gian,...) thường không quan trọng bằng việc tạo dựng “niềm tin” cho người dân và doanh nghiệp thông qua các quy định rõ ràng về các quyền của người dân khi sử dụng, chuyển nhượng đất đai (ví dụ: được làm những gì và với những điều kiện như thế nào) cùng với việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó. Trong giải quyết các xung đột, tranh chấp liên quan đến đất đai, một bài học quan trọng là đảm bảo sự tham gia của tất cả các chủ thể có liên quan và có sự giám sát, quản lý của các tổ chức cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
Argo Info. 2009. Trung Quốc: Tích tụ đất đai được hỗ trợ cơ sở hạ tang. Truy cập từ http://agro.gov.vn/news/tID15176_Trung-Quoc-Tich-tu-dat-dai-duoc-ho-tro-co-so-ha-tang-.html, ngày 19/8.
Bạch Dương. 2017. 78 triệu mảnh ruộng manh mún thì nông nghiệp không thể hiệu quả. Truy cập từ  http://vneconomy.vn/thoi-su/78-trieu-manh-ruong-manh-mun-thi-nong-nghiep-khong-the-hieu-qua-20170127031237399.htm, ngày 3/2/2017.
Ca Linh và Thế Dũng. 2017. Muốn làm giàu phải tích tụ ruộng đất. Truy cập từ http://nld.com.vn/kinh-te/muon-lam-giau-phai-tich-tu-ruong-dat-20170526222756232.htm, ngày 26/5.
Clever, Jennifer, Midori Iijima, and Benjamin Petlock. 2014. Agricultural Corporations Help Revitalize Japan’s Farm Sector. Global Agricultural Information Network Report 7/3.
Damen, Jack. 2002. Development of land consolidation in The Netherlands from project objective to project instrument, A paper presented at International Symposium by FAO, GTZ, FIG, ARGE Landentwicklung and TUM Land fragmentation and land consolidation in CEEC: A gate towards sustainable rural development in the new millennium, Münich, 25-28 February 2002.
DAS (Department of Agriculture, Shannxi Province). 2015. Fostering new agricultural entities and upgrade modern agriculture. Papers on Rural Economy, Vol. No. 4: 42-44.
Đảng Cộng sản Việt Nam. 2016. Các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Văn phòng Trung ương Đảng. Hà Nội.
FAO. 2015. Experiences with Land Consolidation and Land Banking in Central and Eastern Europe after 1989. Land Tenure Working Paper No. 26.
Hội đồng Lý luận Trung ương. 2014. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu tổng kết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hà Nội, tháng 6.
Lê Xuân Cử. 2015. Một số chính sách của Trung Quốc đối với nông dân và tham chiếu kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Cộng sản. Truy cập http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2015/36104/Mot-so-chinh-sach-cua-Trung-Quoc-doi-voi-nong-dan-va.aspx,ngày 12/11.
Palmer, David, Szilard Fricska, Babette Wehrmann. 2009. Toward Improved Land Governance. FAO & UN-HABITAT, September 2009, ISBN 978-92-1-132210-1
Prosterman, Roy, Tim Hanstad & Li Ping. 1998. Large-Scale Farming in China: An Appropriate Policy? Journal of Contemporary Asia, Vol. 28, No. 1
Thảo Nguyên. 2017. 6 điểm nhấn lớn trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam. Truy cập từ http://cafef.vn/6-diem-nhan-lon-trong-buc-tranh-nganh-nong-nghiep-viet-nam-20170721172622845.chn, ngày 22/7.
Thúy An. 2017. Đồng bằng sông Cửu Long: Tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tế. Truy cập từ http://www.baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/dong-bang-song-cuu-long-tich-tu-ruong-dat-nhin-tu-thuc-te-55518.html, ngày 20/6.
Trí Lâm. 2016. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Đất đai là nút thắt lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp. Truy cập từ http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-dat-dai-la-nut-that-lon-nhat-khi-dau-tu-vao-nong-nghiep-42998.html, ngày 17/9/2016.
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia. 2015. Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập từ http://www.vnep.org.vn/vi-vn/Kinh-nghiem-cai-cach-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-cac-nuoc/Chinh-sach-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-cua-Nhat-Ban-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-Viet-Nam.html, ngày 15/4.

[1] Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có khoảng 7% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, 23% số hợp tác xã hoạt động cầm chừng và chờ giải thể, 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao.
[3] Ngoài ra, còn có hình thức khác là “dồn điền, đổi thửa”.
[4] Ví dụ: ông Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; ông Dương Văn Thanh (Bảy Thanh), ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Truy cập từ http://www.baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/dong-bang-song-cuu-long-tich-tu-ruong-dat-nhin-tu-thuc-te-55518.html.
[5] Tính đến thời điểm 01/7/2016 cả nước có 33.488 trang trại, tăng 13.460 trang trại (67,2%) so với năm 2011.
[6] Có thể điều này cũng có nguyên nhân từ tình trạng đất đai manh mún.
Nguồn: Tạp chí Xã hội học, số 4 (140), 2017, tr3-tr14.


Bí ẩn BỆNH NHÂN bí số 21 & sự “tiếp xúc gần” với NHUNG en~cô~vy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH