TT & HĐ II - 12/a

 
Trí nhớ của con người


PHẦN II:     Nền tảng

" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên" 

                                                 Arixtốt 


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như
là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

CHƯƠNG I: ÔN CỐ TRI TÂN


“Cái tuyệt đối tự biểu lộ đối với những ai tìm kiếm tri thức, là ánh sáng vĩnh cửu, rõ ràng và rực rỡ như mặt trời lúc chính ngọ cho những ai đấu tranh vì đức hạnh, là chính nghĩa vĩnh cửu, kiên định và công bằng cho những ai hướng tình cảm về tình yêu vĩnh cửu và vẻ đẹp thánh thiện”
S. Radhakrisnan.



"Tôi biết nhiều khoa học tuyệt vời, nhưng tôi không biết khoa học nào tuyệt vời hơn triết học". "Dù có cố gắng suy luận mà không quan tâm đến triết học, các khoa học khác thiếu nó thì vẫn không thể có sự sống, tinh thần, chân lý". (G. Hêghen)


“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”
(Ph.Bêcơn)


Con ong khai thác vật liệu từ hoa ngòai vườn và ruộng đồng, nhưng sử dụng và biến đổi nó phù hợp với khả năng và chủ định của mình. Công việc đích thực của nhà triết học cũng không khác gì công việc đó.”
(Ph.Bêcơn)


‘‘Các nhà triết học quen sửng sốt. Sửng sốt chính là sự bắt đầu của triết học”
(Platôn)



 
''Trí tưởng tượng bị bóp méo dạy chúng ta rằng ánh sáng và bóng tối, dài và ngắn, đen và trắng là những điều khác nhau và phải được phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên, chúng không độc lập với nhau; chúng chỉ là những mặt khác nhau của cùng một sự vật; chúng là những ngôn từ của một mối quan hệ, chứ không phải là hiện thực''. Đó được cho là một quan niệm của Đức Phật Thích Ca mà trước đây chúng ta đã từng nêu ra và...không đồng thuận. Nếu không có hiện thực thì làm sao chúng ta mô tả được; làm sao chúng ta “phân biệt rõ ràng” được những “mặt khác nhau”, thưa Đức Phật? Sự vật cùng với những mặt khác nhau của nó phải được gọi là những thực tại hoặc chí ít cũng là những chi tiết, những bộ phận cấu thành, hợp thành thực tại. Chỉ có điều để nhận thức được cái thực tại ấy bắt buộc chúng phải thể hiện thành một hiện thực và chúng ta phải dùng ngôn từ để mô tả dựa trên hàng loạt qui ước về chuẩn mực theo quan niệm tích lũy được trước đó (tính chủ quan đã chuyển hóa thành khách quan tương đối) và theo cách thức, góc độ “nhìn thấy” của chúng ta (hoàn toàn chủ quan). Nghĩa là chỉ có thể trí tưởng tượng bóp méo được hiện thực chứ tư duy không thể bóp méo được trí tưởng tượng!

Do đó cái hiện thực tuyệt đối khách quan của con người, sau khi được mô tả, nhận thức và suy tưởng, đã trở nên méo mó, biến dạng theo cách nhìn chủ quan của người quan sát, nhưng nó vẫn là một hiện thực vì bản thân ngôn từ đã là một hiện thực.

Như chúng ta đã nói, một sự vật - hiện tượng chưa được quan sát thì chưa phải là hiện thực. Hiện thực chỉ mới qua “sự thấy” thôi là hiện thực khách quan thuần túy mù quáng, nông cạn, bề ngoài và hầu như là vô tích sự. Hiện thực đã qua “sự hiểu” là hiện thực có được từ hiện thực khách quan đã qua suy nghĩ dài lâu,cho nên cũng đã ít nhiều giảm tính khách quan và ảo hơn, nhưng đầy tính chân lý, đầy sự thực, đầy tri thức, ngày một sâu rộng, thực chất, nhờ được chứng nghiệm từ hoạt động thực tiễn của chúng ta và vô cùng hữu ích đối với chúng ta! Đó là điều nghịch lý "tổ chảng", nhưng không phải ai cũng biết! Thử hỏi, Vũ Trụ mà chúng ta đang nhìn thấy và Vũ Trụ mà vật lý học đang quan niệm, cái nào ảo, cái nào thực, cái nào xác đáng hơn cái nào?...

***

Phải nói rằng trí nhớ là báu vật mà thiên nhiên đã ban cho loài người. Nếu không có trí nhớ, con người ngay lập tức trở thành vô tri. Nghĩa là trí nhớ là tiền đề của sự suy nghĩ. Ở loài vật cũng tồn tại sự nhớ nhưng tùy việc đứng ở đâu trong nấc thang tiến hóa mà mức độ nhớ (tính chủ động, sự sâu sắc, độ dài lâu) có khác nhau và càng tiến hóa cao hơn thì chất lượng trí nhớ càng tốt hơn. Nhưng dù có tốt đến mấy chăng nữa thì sự nhớ ở loài vật cũng chỉ có thể coi là ở dạng sơ khai, rời rạc, mờ nhạt, phiến diện và vì thiếu ''trí'' nên chỉ đóng vai trò như cái gốc, cái mầm sống của cái trí nhớ ở con người.

Khi chúng ta đặt cho một con chó con một cái tên, gọi nó, cho nó ăn và vuốt ve nó, có nghĩa là đã tạo cho nó một phản xạ có điều kiện. Đến một lúc nào đó, con chó đó sẽ “ngộ” ra được đó là tên của nó đến suốt đời. Đó có phải là sự hồi ức không nhỉ? Thật khó trả lời! 
Nếu cho rằng loài chó không có sự nhớ thì không thể giải thích được hiện tượng không gọi đúng tên thì con chó đó không chạy đến. Bản thân chúng ta đã từng gặp hiện tượng này: ở một cái hồ hạn hẹp và nhiều cá; lúc đầu chúng ta rất dễ câu và câu được nhiều cá lớn hơn cá nhỏ. Nhưng dần dà thì lượng cá câu được ít dần đi và lượng cá lớn cũng sẽ giảm đi rõ rệt. Cuối cùng thì lượng cá lớn câu được là không đáng kể. Vì lượng cá câu được là không đáng kể so với lượng cá có trong hồ nên có thể giả định rằng đã có những con cá trong hồ biết “rút kinh nghiệm đau thương” từ những lần bị “phù mỏ” nhưng thoát được “lưỡi câu tử thần” và đã truyền thông tin cho nhau về mối hiểm nguy rình rập làm cho chúng ta (kẻ đi câu) phải “vêu mõm” ngồi chờ? Và đó có phải là trí nhớ của loài cá?

Cũng trong một lần ngồi chờ mỏi gối như vậy mà cụ Nguyễn Khuyến đã để lại một cảnh thu buồn tuyệt đẹp cho hậu thế, thiên thu (?):

THU ĐIẾU

Ao thu lặng lẽ nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Thu điếu: Câu cá mùa thu)

Nhưng loài cá cũng chúa hay quên: hôm sau, chúng ta ra câu, lại được ối! Hoặc nếu để cho cá đói quá thì chúng chẳng còn hơi sức đâu mà nhớ nữa, bản năng sinh tồn đã làm chúng mù quáng trước những dấu hiệu cảnh báo hiểm nguy. Ở loài người, không ít trường hợp xảy ra y như thế.

Ở nhiều loài động vật bậc cao, chúng ta còn thấy rõ điều này nữa, là con cái khi sinh ra chưa có kỹ năng săn bắt mồi mà phải qua sự “dạy dỗ, chỉ bảo” của cha mẹ chúng. Nếu không có sự nhớ thì làm sao chúng “tiếp thu” được và giữ được những bài học đầu tiên đó suốt đời?

Thế thì nhớ là gì? Chúng ta không trả lời được câu hỏi này là vì …''dễ'' quá! Nhớ phải chăng là hồi ức, là sự hiển hiện trở lại những cảm giác, những gián giác đã từng trải? Và hồi ức chủ động, tự giác chính là nghĩ? Chỉ biết rằng ở những vật vô tri-vô cảm, chúng ta cũng quan sát thấy có những hành vi kiểu như sự nhớ: khi bị tác động bởi ngoại vật, chúng biến đổi (biến dạng, biến màu …), nhưng khi chấm dứt sự tác động ấy, chúng sẽ trở về trạng thái ban đầu. Tất nhiên những hành vi đó không phải là trí nhớ sinh vật mà là tuân theo những qui luật tự nhiên; thích ứng với tự nhiên và ở vật sống trở thành tiền đề của sự nhớ nhằm ''khắc phục'' hoàn cảnh, hướng tới thích nghi để duy trì tồn tại. Có thể nào đó là nguồn gốc của trí nhớ? Theo Wikipedia: "Trí nhớ là một khả năng của các sinh vật sinh sống có thể lưu giữ những thông tin quan trọng để sử dụng khi cần. Có ba loại trí nhớ là trí nhớ giác quan (sensory memory), trí nhớ ngắn hạn (short-term memory), trí nhớ dài hạn (long-term memory). 
Trí nhớ giác quan là vùng ghi nhớ tạm thời là dạng ngắn nhất của trí nhớ. Vùng ghi nhớ này có thể lưu giữ thông tin tạm thời sau khi nhân tố kích thích kết thúc. Nó hoạt động như một tầng đệm để thu nhận kích thích từ 5 giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Thông tin được thu nhận chính xác nhưng trong khoảng thời gian cực ngắn. Ví dụ: khi chúng ta nhìn một vật gì đó chỉ trong vòng 1 giây và có thể nhớ được nó trông như thế nào. Kích thích được nhận biết bởi các giác quan có thể bị bỏ qua một cách có chủ đích, trong những trường hợp đó, chúng sẽ biến mất ngay lập tức. Điều này không đòi hỏi sự nhận thức hay chú ý, và được xem như hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát. Bộ não được thiết kế để có thể chỉ xử lý thông tin có ích về sau, và cho phép não nghỉ ngơi hoàn toàn, bỏ qua tất cả mọi thứ đang diễn ra. Còn khi thông tin được nhận thức, nó sẽ được lưu lại trong vùng nhớ tạm thời một cách tự động. Khác với những loại trí nhớ khác, trí nhớ tạm thời không thể được kéo dài bằng cách luyện tập. Tuy nhiên, đây là bước cần thiết để lưu giữ thông tin vào vùng trí nhớ ngắn hạn. Thông tin được đưa từ trí nhớ tạm thời sang trí nhớ ngắn hạn qua quá trình chú ý (quá trình nhận thức có chọn lọc, tập trung vào 1 khía cạnh nào đó và bỏ qua tất cả những điều còn lại), quá trình này chọn lọc hiệu quả các kích thích chúng ta muốn ghi nhớ.
Còn trí nhớ ngắn hạn hoạt động như "một xấp giấy rời" dùng để nhớ lại tạm thời thông tin đã được xử lý. Nó có khả năng nhớ và xử lý thông tin cùng một lúc. Trí nhớ ngắn hạn có thể lưu giữ một lượng thông tin nhỏ (từ 5 đến 9 thông tin). Tuy nhiên, khả năng nhớ thông tin có thể được tăng cường thông qua một quá trình gọi là chunking (tạm dịch là "tập luyện" trí nhớ) trong tâm trí ở tình trạng hoạt động, sẵn sàng có thể sử dụng trong một thời gian ngắn (thường khoảng từ 10 đến 15 giây, đôi khi có thể lên đến 1 phút). Ví dụ, để hiểu được một câu, phần mở đầu của câu cần được lưu giữ trong đầu, và phần còn lại của câu cần được tiếp tục đọc, đây là việc được thực hiện bởi trí nhớ ngắn hạn.
Một ví dụ khác về hoạt động của trí nhớ ngắn hạn là nó có thể giữ một thông tin tạm thời để làm việc (ví dụ: thông dịch viên phải vừa nhớ thông tin bằng 1 ngôn ngữ và dịch nó ra thành một ngôn ngữ khác).
Tuy nhiên, thông tin này sẽ nhanh chóng biến mất trừ khi chúng ta cố gắng lưu giữ lại một cách có ý thức. Trí nhớ ngắn hạn là bước cần thiết đi đến giai đoạn tiếp theo, trí nhớ dài hạn. Sự chuyển thông tin đến vùng trí nhớ dài hạn để nhớ được lâu hơn có thể được kích hoạt và cải thiện bằng cách lặp lại thông tin đó, hoặc hiệu quả hơn nữa, bằng cách gắn thông tin đó với một ý nghĩa hoặc những kiến thức có sẵn. Động lực cũng là một điều quan trọng, khi thông tin liên quan đến một điều quan trọng của chúng ta, nó sẽ dễ được lưu vào bộ nhớ dài hạn hơn.
Thuật ngữ "trí nhớ làm việc" (working memory) thường được dùng như trí nhớ ngắn hạn, mặc dù về mặt kỹ thuật, trí nhớ làm việc thường ám chỉ toàn bộ cấu trúc và quá trình được sử dụng cho bộ nhớ tạm thời và xử lý thông tin. Trong đó, trí nhớ ngắn hạn chỉ là một yếu tố. "Trí nhớ làm việc" (Working memory) được định nghĩa như sau: Trí nhớ làm việc là một hệ thống chứa đựng giới hạn dành cho việc lưu trữ tạm thời và điều khiển thông tin dành cho những nhiệm vụ phức tạp như hiểu, học và lập luận (Baddeley, 2000).
Cuối cùng trí nhớ dài hạn được dùng để lưu trữ thông tin trong thời gian dài. Mặc dù có vẻ chúng ta quên đi mỗi ngày, dường như trí nhớ dài hạn bị mai một rất ít qua thời gian và có thể lưu trữ lượng thông tin không giới hạn trong thời gian vô hạn. Có một số tranh luận về việc chúng ta có thực sự "quên" hoàn toàn hay chúng ta chỉ ngày càng khó khan để truy cập hoặc lấy lại các thông tin lưu trong bộ nhớ.
Trí nhớ ngắn hạn có thể trở thành trí nhớ dài hạn qua quá trình hợp nhất, gồm việc nhắc lại nhiều lần và kết hợp với ý nghĩa. Không giống như trí nhớ ngắn hạn (chủ yếu dựa vào âm thanh, ít hình ảnh để lưu trữ thông tin), trí nhớ dài hạn mã hóa thông tin để lưu trữ (dựa trên ý nghĩa và sự liên tưởng). Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng bộ nhớ dài hạn cũng được mã hóa bằng âm thanh.
Trí nhớ dài hạn có hai dạng chính: trí nhớ bạn có thể tường thuật lại (ví dụ: bạn nhớ được thủ đô của Việt Nam là Hà Nội, hay bạn nhớ được những sự kiện đã từng xảy ra…) và trí nhớ tiềm ẩn (như khả năng chơi piano, chơi golf…)".

Từ mối quan hệ tương hỗ, chuyển hóa qua lại giữa vật và môi trường mà xuất hiện sự thích ứng. Trạng thái của môi trường luôn luôn biến đổi. Một trong những cách biến đổi của nó (phụ thuộc môi trường lớn hơn, ngoài nó!) là biến đổi ổn định, điều hòa hay gọi là biến đổi tuần hoàn, theo chu kỳ. Trong sự biến đổi ấy thì sự thích ứng cũng phải biến đổi theo một cách lặp đi lặp lại. Sự biến đổi lặp đi lặp lại ấy của sự thích ứng chính là cái gốc nguyên thủy, là điểm khởi thủy, là căn nguyên, giềng mối làm hình thành nên sự sống và mọi biểu hiện của sinh vật.

Nói như thế e rằng cộc lốc quá, dẫn đến có vẻ hồ đồ quá. Nhưng ở đây, chúng ta không chú ý tới chuyên môn sâu sinh vật học mà chỉ cố gắng giải thích hiện tượng trên tinh thần triết học, nói về cái chung nhất, cái xu thế tiến triển tất yếu của các mối quan hệ và vận động.

Đúng ra, chỉ có sự thích ứng thôi thì chưa đủ điều kiện để làm xuất hiện sự sống. Nó đóng vai trò như một tiền đề mà từ tiền đề đó làm hình thành nên những điều kiện cần và đủ để cùng với nó làm nên sự sống.

Tự Nhiên Tồn Tại là một thể thống nhất không thể tách rời. Việc phân chia ra thành thế giới vô cùng nhỏ và vô cùng lớn, thành hạ tầng nền tảng và thượng tầng thể hiện là mang tính chủ quan từ nhận thức của con người. Ở tầm quan sát của con người, Tự Nhiên Tồn Tại thể hiện ra như một Vũ Trụ tổng thể các sự vật hiện tượng có vẻ rời rạc và tồn tại độc lập so với nhau. Nhưng nếu tưởng tượng rằng tầm quan sát của chúng ta ở tầng vô cùng lớn hoặc vô cùng nhỏ thì có thể sẽ nhìn thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Tất cả các sự vật - hiện tượng lúc này hoặc không xuất hiện, hoặc thể hiện như những vùng, khoảng đậm nhạt khác nhau, phụ thuộc vào cái tạm gọi là mật độ năng lượng (hay mật độ khối lượng?). Trường hợp nhìn ở tầm vô cùng xa hay vô cùng gần cũng không khác điều nói trên bao nhiêu. Vì vậy mà chúng ta nói Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện tượng mà chúng ta quan sát được, thực chất chỉ là sự biểu hiện trong “tầm mắt” con người của vận động vật chất gọi là Nền Tảng, và như thế nó cũng có thể không thể hiện ra hoặc thể hiện ra nguyên lý (hay những nguyên lý) cơ bản nhất của Nền Tảng. Tuy vậy, nếu có thể hiện ra những nguyên lý cơ bản ấy, thì do tính đặc thù tương đối của thưc thể cảm giác, cũng như do tính khác biệt tương đối của các loại sự vật - hiện tượng mà sự thể hiện của chúng không đồng nhất và đã bị chi phối, làm biến dạng, bị “mờ” đi thành vô vàn những qui luật mang tính địa phương, tính riêng.

Cũng vì lẽ đó mà một sự vật (một vật) không bao giờ có thể độc lập hoặc cô lập tuyệt đối được, nó thuộc về Nền Tảng và luôn có mối quan hệ với bên ngoài nó (các vật khác và môi trường quanh nó). Mối quan hệ đó ở tầng sâu thẳm gọi là chuyển hóa mà ở tầng quan sát của chúng ta, gọi là tương hỗ (tạm gọi thôi!). Biểu hiện của mối quan hệ đó chính là tác động và phản ứng. Một vật chỉ có tác động vào hư vô mới không bị phản ứng (đây chính là định luật I Niutơn. Và không gian của Niutơn là Hư Vô nên một vật mới có thể chuyển động đều vĩnh viễn được vì không gặp bất cứ sự cản trở nào khác!). Khi một vật tác động vào vật khác, do tính phân biệt được và bình đẳng (không thị phi!) của thế giới mà giữa chúng (trong trường hợp này!) hình thành nên thế tương phản: Vật tác động sẽ bị cản trở bởi vật bị tác động. Sự cản trở ấy chính là phản ứng của vật bị tác động. Đó là sự tác động trở lại một cách tương xứng đến vật chủ động tác động. Tương hỗ có nghĩa đại loại như thế (không nên hiểu tương hỗ là đối kháng cực đoan, vì ở tầng rất nhỏ, đó lại chính là chuyển hóa). Như vậy, trong thực tại khách quan, không có chuyển động thẳng đều! 
Khi chúng ta ném đi một hòn đá thì có nghĩa là đã tác động vào nó. Chính sự phản ứng của nó (tác động lại chúng ta) làm ta phải tốn sức (mất năng lượng). Khi hòn đá trúng vào cái bình, ta nói hòn đá tác động vào cái bình và cái bình cũng tác động vào hòn đá làm hòn đá phải thay đổi quĩ đạo bay, dừng lại và có thể bị sứt mẻ. Nếu đó là một cái bình quí của người nào đó và bị ném vỡ thì lỗi tại hòn đá hay lỗi tại chúng ta? Rõ ràng lỗi trực tiếp là hòn đá vì nó trực tiếp làm vỡ bình! Chúng ta vô can chăng? Không! Chúng ta đã truyền tác động của mình, thông qua hòn đá tác động vào bình và là nguyên nhân sâu xa làm vỡ bình. Thậm chí chúng ta phải chịu lỗi hoàn toàn và lỗi càng nặng nếu chúng ta cố tình nhắm bình mà ném. Hòn đá vô tội vì chỉ là ''đầu sai''?

Giả sử rằng bình đó bị vỡ và người ta đưa ra bình khác. Chúng ta lại ném vỡ, cứ thế hết cái này đến cái khác. Cuối cùng người ta đưa ra một cái bình mà chúng ta ném hoài, ném kiểu nào cũng không vỡ. Đành phải thừa nhận rằng: bình nào cũng phản ứng nhưng chỉ có một bình chịu được hoàn cảnh khắc nghiệt của môi trường để vẫn tồn tại. Bình đó được cho là đã thích ứng với môi trường.

Mối quan hệ tương hỗ giữa các sự vật - hiện tượng với nhau và giữa chúng với môi trường tạo nên mối gắn kết nhất định làm hình thành nên một hệ thống tương đối độc lập (mà ở một góc độ khác có thể lại thấy nó như một sự vật - hiện tượng trong môi trường nào đó lớn hơn). Có cơ man những hệ thống như thế trong Vũ Trụ. Trong cái nhiều cơ man ấy, như một lẽ đương nhiên, sẽ có những hệ thống mà theo quan điểm chúng ta là không khắc nghiệt, là trung dung, có thể cưu mang được sự sống trong lòng nó và theo quan niệm hiện nay thì trước tiên trong nó phải xuất hiện một sự vật gọi là nước. Nước là loại vật chất (đừng lầm với vật chất nền tảng) có tính thích ứng rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất trong một hệ thống nhiệt động tương đối hòa nhã nào đó (mà như rồi đây chúng ta thấy, mọi hệ thống trong thế giới quan sát được của chúng ta, đều là hệ thống nhiệt động).

Nước đối với cuộc sống thường ngày thật bình thường. Đâu đâu cũng có nó, lúc nào chúng ta cũng thấy nó, sử dụng nó, làm cho đôi khi chúng ta quên béng luôn rằng nó cũng như không khí (chính xác là oxy và oxy cũng là một thành phần làm nên nước) là những thứ tài nguyên thiên nhiên quí báu nhất, mang tính sống còn. Nếu giả sử rằng nước đột nhiên biến mất khỏi trái đất này thì sinh vật, từ cây cối, muông thú cho đến con người ngay lập tức trở thành cát bụi theo đúng nghĩa đen.

Nước có những tính chất vô cùng kỳ diệu. Nhờ có những tính chất đó mà sự sống phôi thai mới có thể phát sinh trong lòng nó được. Chẳng hạn, nước là dạng chất lỏng có nhiệt dung cao, lớn hơn sắt mười lần. Nước nóng lên chậm hơn cát năm lần. Muốn nâng nhiệt độ của một lít nước lên một độ (oC) thì cần phải có một nhiệt lượng gấp 3300 lần so với khi đun nóng một lít không khí. Khi nguội đi, nó lại trả toàn bộ số nhiệt mà nó thu được khi bị đun nóng. Do biết “nuốt nhiệt” mà khoảng thay đổi nhiệt độ của nó trước sự thay đổi nhiệt độ tương đối khắc nghiệt của môi trường không đáng kể làm cho những loài sinh vật sống dưới nước không sợ bị quá nóng hoặc quá lạnh. Khi nước đóng băng, nó nở ra tới chín phần trăm so với thể tích ban đầu. Ngược lại, khi đạt tới bốn độ (oC), nó trở nên đặc và nặng nhất. Nhờ đó mà vào mùa đông băng giá có hiện tượng nước đóng băng (lạnh nhất) nổi lên trên và nước ấm hơn (4oC) chìm xuống dưới. Nhờ đó mà các sinh vật dưới nước tồn tại được suốt mùa đông giá buốt. Hoặc một tính chất quan trọng nữa của nước là: nó đóng vai trò là một dung môi tốt nhất thế giới, được các nhà hóa học tôn vinh là “Dung môi hùng vĩ”. Nó hòa tan được rất nhiều chất nhưng bản thân lại là chất trơ, không hề bị các chất khác mà nó hòa tan làm thay đổi. Nhờ tính chất này mà nước trở thành vật mang sự sống.

Ở hệ thống môi trường trái đất, chúng ta có cảm giác như “nước” biết chủ động thích ứng, hết sức linh động nhưng cũng không đến nỗi phân tán mà luôn có xu hướng tụ hội lại, tạo tiền đề cho các chất tiền sự sống được bảo tồn và liên kết lại thành sự sống. Không những có vẻ chủ động thích ứng mà một điều tối quan trọng, suy ra từ các tính chất của nước là nó còn đóng vai trò như một “máy điều hòa” làm cho biên độ biến đổi nhiệt độ của môi trường (ngoài nó) giảm xuống rất nhiều. Sự ổn định đó cũng là một điều kiện làm cho sự sống dần phát triển ở trên cạn nữa.

Chúng ta biết rằng đặc trưng của sự sống là cảm giác và sinh sản.

Sự thích ứng lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên cảm giác và nhịp điệu sinh học. Hai điều này sẽ làm nên một dạng thủy tổ của sự nhớ và nhờ có cái dạng nhớ sơ khai gần như vô thức ấy mà có thích nghi. Thích nghi là chủ động thích ứng từ những dấu hiệu ban đầu về sự biến đổi thời tiết khí hậu mà có sự “chuẩn bị” đề kháng, trú nấp hoặc thiên di. Sinh sản, ban đầu chính là sự phân đôi từ một sự sống thành hai sự sống giống hệt như sự sống ban đầu. Thuở đầu tiên, sự sinh sản kiểu phân đôi ấy có nguồn gốc từ thích nghi và là bộ phận của thích nghi.

Thế rồi, sau một quá trình luôn luôn biến đổi của môi trường (vật sống quay lại tác động vào môi trường, trở thành một nguyên nhân làm biến đổi môi trường sống) và luôn luôn tìm cách thích nghi của sự sống mà nảy sinh ra một loài lúc nào cũng vỗ ngực xưng là chúa tể: loài người.

Từ hai yếu tố cảm giác và lưu giữ thông tin (nhớ sơ khai) mà có thụ động thích nghi và tự giác thích nghi, phản xạ vô điều kiện, bản năng và lý trí. Sự biến đổi của môi trường làm cho sự thích nghi luôn phải được điều chỉnh, biến đổi theo cho phù hợp, làm cho cảm giác ngày càng “nhạy” và sự lưu giữ thông tin càng cao, dẫn đến yêu cầu tất yếu làm xuất hiện hệ thần kinh và cuối cùng là bộ não, trung tâm điều khiển mọi hành vi của vật sống.

Có thể nói rằng tương tác hay tác dụng tương hỗ là phương thức vận động vốn dĩ, cơ bản của Tự Nhiên Tồn Tại. Nếu không có "giác" vốn dĩ thì không có phản ứng. Không có phản ứng thì không có tương tác. Không có tương tác thì không có vận động vật chất. Và cuối cùng, nếu không có vận động thì tồn tại cũng không có nốt. Mặt khác, đối với thế giới sinh vật, nếu không có quan sát thì không có cảm giác; không có cảm giác thì không có sự nhớ và nhớ lại, do đó cũng không có nhận thức! Vì không có vận động thì không có tồn tại, nên chúng ta tuyệt đối không thể quan sát được bất cứ tồn tại nào không vận động. Vì đặc trưng cơ bản của vận động là thời gian, nên chúng ta chỉ có thể quan sát vật chất trong vận động và vận động vật chất trong thời gian. Như vậy, một cách chính xác, chúng ta không thể nói: quan sát thực tại khách quan, mà chỉ có thể nói: quan sát một khoảng khắc nào đó của thực tại khách quan.

Một cái gì đó, không biết là cái gì, ở rất sâu, tận Nền Tảng, cái nhờ nó mà vật vô sinh, vô tri có phản ứng. Chúng ta tạm gọi cái đó là cảm giác vô thức (hay còn gọi là "giác"). Quá trình thích nghi dài lâu trong môi trường đặc thù của Trái Đất (hoặc cũng có thể là ở tất cả các môi trường có nước khác?) mà từ đó cái cảm giác vô thức ấy hình thành tương đối nên năm giác quan (ngũ quan) ở loài động vật bậc cao là: xúc giác, thị giác, vị giác, khứu giác và thích giác: đủ đáp ứng cho quá trình đấu tranh sinh tồn của chúng. Năm cảm giác ấy được đảm nhận bởi năm giác quan là bề mặt da của toàn bộ cơ thể (các điểm thần kinh xúc giác), mắt, lưỡi (miệng), mũi và tai, mà về bản chất thì đều cùng là sự tác động của môi trường lên những đầu cảm ứng của thần kinh, phân bố khắp cơ thể. Loài người đã thừa hưởng được tất cả các kiểu cảm giác ấy của loài thú, tuy mức độ có những sai biệt, dịch chỉnh cho phù hợp với con người. Vì cảm giác vô thức là cảm giác nền tảng nên ở loài người, nó không thể mất đi được mà chỉ có thể bị chìm khuất, bị năm giác quan át đi, làm cho con người khó nhận thấy sự hiện diện của nó. Có thể cho rằng ở loài người, ngoài phạm vi là năm giác quan có khả năng nhận biết được, còn có thể có hai loại cảm giác nữa (thực ra đều là gián giác, đều được hun đúc nên từ sự liên tưởng và kinh nghiệm!). Loại thứ nhất là cảm giác vô thức như chúng ta đã nói nhưng đã được ''siêu hóa'' và loại thứ hai gọi là linh cảm (cảm giác tâm linh, có tính thiêng). Linh cảm cũng xuất phát từ cảm giác vô thức và hình thành nên ở trạng thái hoạt động trí não bị kích thích cao, có khi là tột độ của hệ thần kinh, của bộ não biết tư duy trừu tượng, hay có thể nói là của tinh thần thăng hoa. Linh cảm còn có thể được phân định thành hai dạng là linh giác và linh tri: nghe, thấy, nhận biết,..., được nhiều cái mà người thường không thể nghe, thấy; biết trước, dự đoán được nhiều điều mà người thường hoàn toàn không có khả năng...Nhưng phân chia thế nào là...tùy con người, là...sao cũng được, chứ cảm giác vẫn thế (!), vẫn ''là nó'' và không thể vô hạn độ, cũng như không thể ''chối bỏ'' cái gốc ''giác'' vốn dĩ mà Tạo Hóa ban cho vạn vật.

Ở giai đoạn đầu tiên, con người quan sát và nhận thức Tự Nhiên Tồn Tại bằng ''vỏn vẹn'' từng đó loại cảm giác cùng với mức độ hạn chế nhất định của chúng. Nhưng con người tài giỏi hơn con vật ở chỗ nhờ tích lũy được kiến thức học được từ thiên nhiên qua quá trình nhận thức mà càng về sau, càng sáng tạo được nhiều dụng cụ, thiết bị tinh vi hiện đại để quan sát ngày càng sâu rộng vào Tự Nhiên Tồn Tại, để nhận thức ngày càng chính xác Nó!

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH