TT& HĐ II - 14/d

                                                            Đạo Phật Duy Tâm Hay Duy Vật


                  PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
 (Ph.Bêcơn)


“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
  (Arixtốt)

                CHƯƠNG III: HƯƠNG CAU


"Nơi nào có người đàn bà đẹp, thì nơi đó có người đàn ông thở dài."
(Tục Ngữ Hung-Ga-Ri) 
"Người đàn bà không sợ chết, không sợ đau khổ, nhưng chỉ lo sợ khi mình chết mà chưa được người mình thương yêu biết đến tình yêu của mình."
(Lombroso)

Người ta có thể quyến rũ người đàn bà bằng sự dối trá. Nhưng người ta chỉ chinh phục được họ bằng tấm lòng chân thật”
Khuyết danh.

“Dịu dàng không phải nhu nhược. Dịu dàng mà vẫn cương quyết là bí ẩn của người phụ nữ” 
 A. A. Milne.

 Không ai ngoài người phụ nữ có thể giúp người đàn ông trước nỗi phiền muộn của con tim…”.
Bram Stoker.

“Danh dự của một thiếu nữ thuộc về nàng nên nàng suy nghĩ rất cẩn thận. Danh dự của người đàn bà là thuộc về chồng, nên nàng suy nghĩ ít hơn”.
 Khuyết danh

“Người đàn bà đẹp đạt được thành công dễ dàng hơn người đàn bà thông minh. Chỉ đơn giản là những người đàn ông mù thì ít, bù lại những người đàn ông ngốc nghếch lại quá nhiều”.
 Khuyết danh.

Có hai dạng phụ nữ, một dạng nói thẳng với bạn về các nhu cầu của họ, còn dạng kia thì nói bóng gió”.
 Khuyết danh.


Phụ nữ mà ghen với quá khứ thì sẽ không có tương lai; phụ nữ mà ghen với tương lai thì không còn quá khứ”.
 Khuyết danh.

Người phụ nữ thông minh nghe lời khen để đánh giá đàn ông, còn người ngu ngốc nghe để tự đánh giá bản thân mình”.
 Khuyết danh.

“Phụ nữ thường lo lắng cho tương lai cho đến khi cô ấy kiếm được một tấm chồng. Đàn ông chẳng lo nghĩ gì về tương lai cho đến khi anh ta lấy vợ”.
 Khuyết danh.

“Không gì khiến người phụ nữ xinh đẹp hơn là niềm tin rằng nàng xinh đẹp”.
Sophia Loren.

Khi phụ nữ nói chuyện với bạn về vấn đề của họ, nhiều khả năng là họ không tìm kiếm một câu trả lời mà chỉ muốn có người lắng nghe”.
 Khuyết danh.

“Người đàn bà không biết trang điểm thì chỉ giống như thửa ruộng khô cằn.
Ngạn ngữ Ấn Độ.

“Người con gái thích được khen dù xấu. Vì thế cho nên người đàn bà nào cũng thường hay chết vì người đàn ông am tường điều đó”.
 Blaise Pascal.

Khi một người phụ nữ đang nói, hãy nghe điều nàng nói qua đôi mắt của nàng”.
Victor Hugo.

Tôi nghĩ sự quyến rũ đến từ bên trong. Nó là thứ hoặc ở trong bạn hoặc không ở trong bạn, và thực sự không liên quan gì nhiều tới ngực hay đùi hay đôi môi hờn dỗi”.
Sophia Loren.

Có một hiện tượng phổ biến là chỉ có những cô gái xinh đẹp nhất mới thấy thật khó khăn tìm được người đàn ông cho mình”.
 Heinrich Heine.

“Nước mắt đàn bà có nhiều tác dụng song họ chẳng mất gì khi khóc”.
 Ngạn ngữ Tây Ban Nha

“Phụ nữ đồng bóng đến nỗi bạn sẽ không bao giờ biết được họ muốn nói gì. Họ bảo Không trong khi ý họ là Có, và khiến đàn ông phát điên chỉ để giải khuây.”.
Louisa May Alcott.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…"
                                                            (Bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu)





(Tiếp theo)


***

- Bác Ba phải không ạ?  
Câu hỏi làm chúng ta sực tỉnh. Trước mặt chúng ta là cô gái còn rất trẻ, chắc độ hai mươi, nhìn chúng ta chăm chú. 
- Ba nào, ở đây không có “Ba” nào cả! Chắc em lầm với ai rồi đấy! - Chúng ta hơi hoảng, trả lời: 
- Đúng bác Ba Đá rồi!... 
- Ủa! Sao cô… - Chúng ta ngạc nhiên. Đến lượt chúng ta nhìn chăm chú cô bé và thấy hình bóng Huệ - A!.. Rồi! Có phải Hương không? 
- Dạ! Con nè!... 
  Hương là con của Huệ. Ngày chúng ta bỏ quán, lên đường đi tìm ngọc trong lịch sử, Hương nhỏ xíu, còn quàng khăn đỏ đến trường. Ấy vậy mà giờ đây đã là một thiếu nữ rực rỡ xuân thì. Bảy, tám năm rồi còn gì! Thời gian, tưởng phù phiếm mà hóa ra rất thật; tưởng là tĩnh lặng, yên ắng đến vô hữu như “Thu điếu” của cụ Nguyễn Khuyến, mà tàn nhẫn xô đẩy vạn vật trôi vùn vụt theo cùng một hướng, kết nụ tỏa hương rồi héo úa lụi tàn. 
“Bác Ba” mừng quýnh, hệt như lần “thấy” được viên ngọc quí trong lòng Lão Tử.
- Ngồi đây chơi, Hương, cho bác Ba hỏi chuyện chút coi! Trời ơi là trời, không ngờ cháu lớn nhanh quá đấy!
- Bao nhiêu năm rồi mà bác!... Con thấy bác từ lúc mới vào cơ, nhưng chỉ ngờ ngợ chứ không dám chắc…
- Ừ! Vật đổi sao dời mà lại. Bác cũng đâu nhận ra cháu ngay. Từ một con bé nhỏ thó, ốm nhách trở thành một thiếu nữ phổng phao xinh đẹp như hôm nay là một biến đổi “vĩ đại”, đố ai mà nhận ra ngay được!…
- Em khui bia nữa nhé? - Cô nàng tiếp thị tên Lan, ở đâu tới cắt ngang (may là vừa hết câu nên cũng không ngang lắm!).
- Khui đi Lan! Lát hồi thấy hết, em cứ tiếp tục khui tự nhiên đến khi nào thấy tiếng bọn anh ngáy khò khò thì thôi, không cần hỏi nữa! Đã bảo tối nay em gặp hên mà!
Cô nàng cười toét miệng. Lại thấy cái cổ…
Hương nhoẻn cười theo:
- Bác Ba vẫn thế, cứ như hồi xưa ấy!
- Như hồi xưa là sao? Hồi xưa ấy Hương còn nhỏ xíu, đã biết chuyện gì đâu?
- Không phải! Con biết nhiều lắm!... Bác không tin chứ gì?... Thế này nhá, bác Ba, con làm một bài văn kể chuyện để bác xem có đúng không nha?
Chúng ta cầm ly bia, uống một hơi cạn kiệt, khà một tiếng sảng khoái rồi ngả lưng dựa vào ghế, khoanh tay lại, nói:
- Ôkê! Bác nghe đây, xem thử Hương đúng được bao nhiêu!
Hương tủm tỉm cười, mắt nhìn về phía ba cây cau và ở trạng thái im lặng đó khá lâu. Không biết Hương có thấy ba cây cau không mà ánh mắt có vẻ thất thần, như bị dán chặt vào cảnh giới nào đó ở tít xa vời?... Rồi chớp mắt, quay sang nhìn chúng ta long lanh, sinh động trở lại, Hương bắt đầu kể:
- Ngày xửa ngày xưa có một đấng mày râu lạc đến quán Hương Cau và ngồi lỳ ở đó hết tối này đến tối khác, uống bia như hũ chìm mà chẳng bao giờ bị “be bét”. Đấng này hầu như chỉ ngồi đúng một chỗ là chỗ ở cạnh ba cây cau. Thường thì đấng mày râu ngồi một mình, vừa lai rai từng tợp bia vừa nhả khói mịt mùng và mắt thì, qua làn khói ấy, “lãng du” đây đó khắp trong quán. Các chị tiếp viên thấy thế, đặt tên cho vị khách “không mời mà đến” ngồi đồng một mình không nói không rằng, không cười không khóc ấy là “Ba Đá”. Lúc đầu, thấy Ba Đá có vẻ chỉ “toàn lãnh đạm với lãnh đạm mà thôi” nên các chị tiếp viên ngại ngần không dám “hỏi han”. Một lần trước “hiện tượng lạ” ấy, bà chủ quán muốn tìm hiểu, ghé ngồi với cái cớ là bày tỏ cảm ơn sự “trung thành” với quán của Ba Đá. Bà hỏi Ba Đá rằng sao không kêu em nào ngồi trò chuyện cho vui. Ba Đá đáp lại rằng cũng muốn vui say nhưng tiền mua say còn chưa đủ thì lấy đâu ra để mua vui nữa. Bà chủ cười ra chiều thông cảm “nỗi khổ” của Ba Đá. Nhưng từ đó, như là có phép lạ, chị Tuyết, chị Điệp, rồi chị Thương nữa, lúc nào rảnh rỗi khách lại ra ngồi chơi với Ba Đá như “anh em một nhà”. Ba Đá ngồi một mình trầm mặc bao nhiêu thì khi ngồi với “em út” lại sôi nổi bấy nhiêu, cười đùa rất chi là “giòn giã”. Khi ngồi một mình, Ba Đá có nghĩa là hòn đá ở bên cạnh ba cây cau, khi ngồi với những Tuyết, Điệp, Thương thì Ba Đá đúng nghĩa là…Thằng Ba Đá. Hình như có hai Ba Đá tương phản nhau, cùng tồn tại trong đấng mày râu này, chuyển hóa nhau, làm tiền đề cho nhau hiện hữu: Ba Đá này “lặn xuống” cho Ba Đá kia “nổi lên” và ngược lại. Thế là bàn của Ba Đá trở thành nơi “tạm trú” của ba con bướm đêm. Có thể nói, bàn của Ba Đá vui nhất vẫn là khoảng thời gian quán đã vãn, chỉ còn năm ba khách, khi Ba Đá đã “thấm” bia và ba con bướm kia đều “đậu” lại, không bận bay tiếp đi đâu nữa. Trong những khoảng thời gian như thế, Ba Đá trở nên liến thoắng, “hùng hồn” vô cùng, lúc đóng vai nhà tư tưởng ồn ào bênh vực cho loài bướm đêm, lúc đóng vai chuyên gia tâm lý, an ủi, động viên cho những con bướm đêm phiền muộn vui sống lên; lúc là anh hề làm đủ trò hài hước, kể đủ chuyện tếu táo cả thanh lẫn tục, lúc hóa thành nhà thơ “sáng tác”, đọc lại, ngâm lại hết bài thơ này đến bài thơ khác, hay có mà dở cũng nhiều; lúc thì hò hát om sòm, như một ca sĩ thực thụ, được các bướm và cả bà chủ quán mến mộ. Bàn Ba Đá vui đến độ nhiều khi vài khách còn lại trong quán cũng vác ghế sang ngồi góp vui, kêu thêm bia uống tiếp một cách “quá đã”. Hồi đó, Ba Đá đâu biết rằng có một con bé, tên Hương, lảng vảng gần đó, giả đò dọn dẹp, lau chùi để lắng nghe mọi chuyện. Rồi con bé đó thầm đoán già đoán non xem Ba Đá “trồng cây si” chị nào trong ba chị Tuyết, Điệp và Thương. Nhưng nó đã lầm! Bỗng một hôm, Ba Đá không đến và những hôm sau cũng không đến nữa. Mọi người làm trong quán xầm xì hỏi nhau, bàn tán đủ điều nhưng chẳng ai biết tí gì. Ba Đá bỏ đi, ai cũng cảm thấy hụt hẫng mất một thời gian. Mỗi lần ngắm nghía ba cây cau, con bé Hương lại nhớ về hòn đá biết nói và nói nhiều điều làm cho nó quí trọng. Một hòn đá kỳ lạ, đột ngột lăn đến ngồi lỳ đó, đột ngột nói năng hùng hồn, cười đùa hào hển, rồi đột ngột lăn đi, biến mất như rớt xuống sông không sủi tăm, và hôm nay lại đột ngột lăn về, rêu phong lấm lem …
- Quá hay! Bác khen thế vì nó có… văn phong của bác! Quá đúng vì… không sai! Há,há...há, ngay cả chi tiết “rêu phong lấm lem” cũng đúng vì bác thực sự là mới từ đầm lầy “bò” lên. Không ai ngờ Hương còn nhớ đến thế!… À, mẹ Huệ khỏe không cháu?
Mặt Hương đang tươi rói chợt sụ xuống, đanh lạnh như mặt Huệ xưa kia:
- Mẹ con mất rồi!
- Trời ơi!… Bác xin lỗi cháu vì câu hỏi vô tình! Thật là buồn quá!
Chúng ta vội ngồi thẳng dậy, châm thuốc hút, quay sang nhìn phía khác, nhả khói mịt mùng. Mới ngày nào Huệ đứng đó khoe đôi chân tuyệt trần dưới làn váy cực ngắn mà giờ… Những phô diễn của một kiếp đời, nhiều khi thấy vô nghĩa quá!
- Mẹ con bị xe đụng… 4 năm rồi.
- Thôi, nhắc lại làm gì nữa, Hương ?… Độ này quán bán có khá không cháu? - Chúng ta hỏi lảng.
- Dạ, cũng lai rai, nhưng không bằng hồi đó đâu. Mà con cho người khác thuê lại chứ con không đứng ra làm chủ nữa. Khi mẹ mất, quán nghỉ luôn, mãi nửa năm sau, kẹt tiền quá, con mới cho người ta thuê mở lại, bán đến giờ. Ông chủ này hiền lắm, không cho gái ngồi bàn vào đâu.
- Hương nói thế nghĩa là Hương cũng không thích gái ngồi bàn, đúng không?
- Không hẳn thế! Bác biết đấy, con quen mắt rồi, không thích mà cũng không không. Có lẽ con thương hoàn cảnh chị Tuyết, chị Điệp, còn chị Thương cứ tưng tửng thế nào ấy, con không ưa…
- Theo bác thì Thương cũng đáng mến. Họ cũng như chúng ta thôi, Hương ạ! Đã là con người thì ai cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp nhưng không phải ai cũng được hưởng cuộc sống ấy. Ngay một cuộc sống được cho là tốt đẹp không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Có một nhà văn hay triết gia nào đó mà bác quên tên có nói đại ý: mặt trời không chiếu sáng suốt đời cho riêng ai trong số những người trần thế. Câu nói ấy hoàn toàn chính xác, Hương ạ! Nhưng có điều nói thế cho hay, cho bóng bẩy thôi chứ thực ra chính thiên nhiên và xã hội đã là nguyên nhân chủ yếu tạo ra những thân phận, những hoàn cảnh buồn, khổ không ai muốn…
- Bác Ba Đá lại vào vai nhà tư tưởng rồi! - Hương mỉm cười.
- Thế à?… Thôi thì mình nói qua chuyện khác vậy… Cháu hiện nay làm gì nào?
- Con vẫn còn đi học, đang học ở trường đại học “Khoa học xã hội và nhân văn”, còn hơn một năm nữa mới ra trường…
- Tưởng gì, chứ học ở đó ra, không khéo lại là “nhà tư tưởng” hơn bác nữa ấy chứ! - Chúng ta nói xong, cười khà khà.
- Con nói vui đấy, chứ bác nói nghe rất thích! Nhưng vừa rồi bác có nói đến thiên nhiên và xã hội làm nảy ra những thân phận buồn khổ… Con không hiểu…
- Hương ơi, cháu có biết xã hội loài kiến tồn tại được là nhờ có thiên nhiên, tồn tại trên nền tảng của thiên nhiên, theo thiên nhiên và là bộ phận của thiên nhiên, mà thiên nhiên lại chính là bộ phận được cho là đặc thù của Tự Nhiên không? Nếu Hương đồng ý như thế thì xã hội loài người cũng vậy thôi. Nhưng vì loài người biết suy nghĩ nên xã hội loài người, một cách tương đối, còn do chính con người tạo dựng nên một cách tự giác nữa. Tuy nhiên sự tạo dựng của con người không phải là vô điều kiện, phi tự nhiên và tùy tiện. Một cách tổng thể, xã hội loài người vẫn phải theo thiên nhiên. Nếu có một ông thánh ở đâu đó tít trên trời cao kia nhìn xuống, cũng sẽ thấy xã hội loài người chẳng khác gì xã hội loài kiến cả, nghĩa là cũng ngược xuôi tìm kiếm, khai thác, tích lũy thức ăn từ thiên nhiên, chống chọi với những hiểm họa thường trực của thiên nhiên theo những cách thức xác định nào đó có thể dự đoán được diễn tiến và cũng chính là bộ phận của thiên nhiên, sinh ra từ thiên nhiên ấy, biến đổi theo thiên nhiên ấy và chết đi về với thiên nhiên ấy. Nói gọn vậy chứ đó là vấn đề rất rộng lớn, ngồi đây mà uống hết bia quán Hương Cau chưa chắc gì đã nói hết được ý!…
Hương lại cười, hỏi tiếp:
- Bác nói thế, có vẻ ''chán chường'' quá! Theo con hiểu, con người ta đâu phải không thể tạo dựng được một xã hội theo ý mình muốn, một xã hội không còn những thân phận khổ đau chẳng hạn? Tại sao ngay trong ''tứ diệu đế'', Phật Tổ đã chỉ ra cho mọi người thấy: sinh là khổ?...
    Chúng ta rót đầy ly bia, uống một hơi. Đã bắt đầu thấy chếnh choáng. Hương có khuôn mặt đôn hậu, đôi mắt mở to trong sáng và diễm lệ nhờ hàng mi dài và cong. Nhưng đối với chúng ta, khuôn mặt ấy đôi lúc vẫn phảng phất có phần mơ hồ nét đanh lạnh của khuôn mặt Huệ. Có lẽ đó là cái cần thiết cho một thiếu nữ con một, không biết mặt cha, và mẹ thì mất sớm. Chắc rằng đời Hương sẽ đi trên một con đường khác hẳn con đường mà Huệ đã đi. Và như thế có tốt đẹp hơn không?
- Hương hỏi khó bác quá đấy nhé! Đó là một câu hỏi kinh điển, đã được đặt ra từ ngàn đời nay. Các nhà tư tưởng vĩ đại trước đây đã từng tìm cách trả lời câu hỏi này, đã từng đưa ra những hình mẫu xã hội. Chưa ai trả lời được một cách thỏa đáng, căn cơ. Tất cả những hình mẫu xã hội họ đưa ra không hoang đường thì cũng không tưởng, không không tưởng thì cũng… lý tưởng, và tất cả những thứ ấy đều chỉ đang là hiện thực… ảo. Theo thiển ý của bác thì có thể tạo dựng được một xã hội tốt đẹp. Nhưng một xã hội có tốt đẹp đến mấy thì cũng chỉ giảm thiểu được đến mức nhất định những buồn khổ mà thôi. Buồn khổ từ đâu mà ra? Theo Phật Giáo thì từ tham-sân-si. Cứ cho là Phật Giáo đúng đi, thì tham-sân-si có nguồn gốc từ đâu? Cũng theo Phật Giáo thì tham-sân-si có nguồn gốc từ sự vô minh, mê lầm của con người và như vậy loài người chính là “thủ phạm” gây ra buồn khổ cho bản thân mình. Quan niệm đó có phần đúng nhưng nếu nhìn ở phạm vi rộng lớn hơn thì phần đúng ấy cũng chỉ là đúng theo nghĩa là duyên cớ trực tiếp chứ không phải nguyên nhân sâu xa. Tai họa giáng xuống từ thiên nhiên, giáng vào từ môi trường đủ mọi hình thức như động đất, núi lửa, sóng thần, bão tố, bệnh tật… làm tổn thất biết bao nhiêu sinh mạng, của cải, làm ly tán, chia lìa biết bao nhiêu gia đình, biết bao nhiêu thân nhân, có gây ra nỗi buồn khổ ở mỗi con người không? Loài động vật rõ ràng là vô minh, mê lầm nhưng chúng có buồn khổ không hoặc có buồn khổ như con người không? Bác nghĩ là tin rằng có Thiên Đường, tin vào cõi Niết Bàn, tin vào đầu thai luân hồi cũng có thể là một dạng của vô minh, mê lầm mà thôi. Chưa thấy ai mô tả được dứt khoát, rành mạch Niết Bàn hay cõi Thiên Đường vì không thể mô tả, vì mô tả cách nào đi nữa thì nó cũng bộc lộ ra những nét hiện thực của Trần Gian, những kinh nghiệm quan sát được ở Trần Gian mâu thuẫn với tưởng tượng hoang đường kiểu thần thánh. Dù đầu thai luân hồi là có thực đi chăng nữa mà kiếp sau chẳng có một tý tẹo hồi ức nào về kiếp trước (có thể có một vài trường hợp nhớ lại được nhưng vô cùng hãn hữu mà cũng vô cùng phiến diện, nhạt nhòa, và có lẽ nên giải thích hiện tượng đó theo một hướng khác, có bản chất khác!) thì rốt cuộc cũng chỉ được coi là một kiếp duy nhất mà thôi. Vả lại nếu có luân hồi thì chỉ có linh hồn là bất tử cho nên lực lượng linh hồn ấy phải có sẵn từ trước. Vì bất tử nên linh hồn cũng bất sinh và lực lượng linh hồn phải được xác định ''từ trước'', không thể là vô hạn. Thế thì nó là bao nhiêu? “Kinh nghiệm” cho thấy rằng, số lượng người “đang sống” có xu thế ngày càng tăng theo suốt chặng đường lịch sử của xã hội loài người và nếu kể cả loài vật nữa (phải kể đến vì giữa người và vật có sự đầu thai luân hồi thành nhau!!!) thì sự tăng “dân số” ấy đến bao giờ mới dừng lại; đến ngày gọi là “tận thế” chăng? Hay là tăng lên vô hạn khi loài người đã phát hiện và đến được rất nhiều “miền đất hứa” trong dải Ngân Hà và thậm chí là ở những thiên hà khác nữa? Tại sao linh hồn lại phải “xếp hàng chờ đợi” đến lượt mình đầu thai thành người hay động vật? Tại sao những khủng long hay người Nêandectan dù linh hồn của chúng “vẫn còn” nhưng ngày nay không thấy xuất hiện nữa?… Những câu hỏi đại loại như thế có rất nhiều và cho dù là ngô nghê đi nữa thì một triết thuyết đúng phải “đủ sức” và có trách nhiệm trả lời. Tuy nhiên sự vô minh và mê lầm mà chúng ta đang nói đến không những không gây buồn khổ cho con người mà trái lại nó đã có góp công lao to lớn trong việc xoa dịu biết bao nhiêu nỗi thống khổ đau thương, an ủi biết bao nhiêu thân phận buồn tủi, qua biết bao nhiêu thế hệ cho đến ngày nay!…
- Bác Ba ơi! Bác nói nghe “đã” quá!...Nhưng hình như bị lạc đề mất rồi! …
Chúng ta chựng lại, lấy hai ngón tay chùi bọt mép, lúc lắc đầu cười hiền trước đứa cháu gái tỉnh táo:
- Ừ, đúng là bác nói quá nhiều. Con người hung hăng của Ba Đá lại bắt đầu trỗi dậy. Kể cũng tệ thật!
- Nhưng tại sao Phật Tổ cho là buồn khổ như một định mệnh đeo bám, không buông tha con người? Cháu muốn biết riêng điều ấy thôi! …
- Hỏi mà cấm cho giải thích dài dòng đối với một người đã bị “rượu vào” hơi nhiều rồi thì có “ác” không? Bác đùa đấy nhé! Cho bác suy nghĩ một chút để có thể đáp ngắn gọn nhất cho Hương nghe… - Chúng ta cố lục lọi vốn kiến thức đã học lóm được từ triết học duy tồn để tìm câu trả lời, phà khói thuốc mịt mù làm Hương phải khoát tay trước mặt lia lịa. Chiều sâu của suy nghĩ làm chúng ta không nhận thức được sự khiếm nhã của chúng ta, dù chúng ta vẫn nhìn hiện tượng ấy. Và chúng ta đã tìm ra lời đáp, dù chưa chỉnh lắm - Hương này, con người ta sống ai cũng muốn vui sướng nên đều cố gắng tìm kiếm niềm vui sướng. Nhưng ai biết thế nào là vui sướng khi không có trải nghiệm buồn khổ. Do đó một khi con người còn đi tìm niềm vui sướng thì có nghĩa là vẫn còn buồn khổ. Nói đến loài người thì phải nói đến văn minh. Nền văn minh xuất hiện được là kết quả của một tập đoàn người cùng tìm kiếm niềm vui sướng từ vật chất, phấn đấu thi đua, cạnh tranh nhau để đạt đến niềm được cho là vui sướng ấy. Hành động đó cũng tự nhiên làm cho sự thỏa mãn niềm vui sướng ngày càng cao về chất lượng và càng nhiều (nhu cầu) về số lượng, chưa cần nói đến nhiều nguyên nhân khác như thiên tai, địch họa, sự phát triển tự nhiên về dân số, mà chỉ bản thân mức độ thỏa mãn sự sung sướng được “qui định” ngày càng cao, đi liền với trình độ của văn minh thôi cũng làm nảy sinh ra thêm nhiều buồn khổ rồi. Có thể nói nền văn minh không thể “tiêu diệt” được buồn khổ. Nền văn minh càng cao thì nhu cầu cần thiết đáp ứng cho sự vui sướng càng nhiều. Mà nhu cầu để đáp ứng cho sự vui sướng càng cao, càng nhiều bao nhiêu thì cũng gây ra những hệ lụy làm xuất hiện buồn khổ càng nhiều, càng ''quá quắt'' bấy nhiêu. Chung qui lại thì sự buồn khổ và cùng với nó là những thân phận khổ đau không bao giờ “vắng bóng” trong xã hội loài người và như thế, xã hội loài người rất cần đến tình yêu thương đồng loại, thứ an ủi hiệu quả nhất và có thể làm giảm đến mức thấp nhất sự buồn khổ. Như vậy, tham - sân - si không phải do mê lầm, vô minh mà ra, mà là kết quả được hun đúc nên từ quá trình "người hóa". Chắc rằng sẽ đến lúc sự tiến bộ về nhận thức cuộc sống đồng thời với mức độ đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu cuộc sống giảm thiểu sẽ làm lu mờ tham - sân - si. Hết!
- Có thể trong xã hội không bao giờ hết được sự buồn khổ như bác nói, nhưng đối với một con người thì có thể không còn buồn khổ. Những vị chân tu trong Phật Giáo, trong Thiên Chúa Giáo… vì đã được giác ngộ nên không còn thấy buồn khổ nữa, họ sống bình thản, an lành. Nếu toàn thể loài người đều theo gương họ mà siêng năng tu tập đạt đến giác ngộ thì rõ ràng cõi trần gian lúc đó sẽ hết buồn khổ. Bác Ba nghĩ sao về điều này?
- Bác chưa có trải nghiệm về sự giác ngộ nên bác không thể nói được gì cả.- Chúng ta ''biết tỏng'' nhưng nói né - Ở cuộc sống đời thường bác đã thấy nhiều người chẳng cần tu tập hay giác ngộ gì vẫn sống vui vẻ tự nhiên. Trẻ em có lẽ vì bản ngã thể hiện chưa rõ rệt nên niềm vui sướng và buồn khổ cũng ở mức nông nổi, chóng quên. Chắc Hương học đã biết về Đạo Gia. Cách đây hơn 2500 năm, những tiền bối chủ trương “vô vi” như Lão Tử, Liệt Tử, Dương Chu , Trang Tử… có buồn khổ không, hay họ sống hồn nhiên vui vẻ vì đã thấm thía được nguyên lý Tự Nhiên? Muốn không buồn khổ chỉ còn cách “quên mình"”để trở thành vô ngã. Con người suy nghĩ được là nhờ có sự phân định ra thành khách thể và chủ thể hay khách quan và chủ quan của Tự Nhiên, nghĩa là nhờ có “cái tôi”. Mất “cái tôi” rồi, đã là vô ngã rồi thì cũng mất luôn sự suy nghĩ, buồn khổ không còn nhưng vui sướng cũng không nốt. Lúc đó cái cơ thể vô ngã nào có khác gì con vật vô thức. Từ con người mà “phấn đấu lên” thành con vật thì có nên không và được gì? Cần phải hiểu lại khái niệm vô ngã, đó là một yêu cầu tất yếu! Có thể tạm gọi cái trạng thái vừa là vô ngã vừa biết suy nghiệm là siêu ngã. Siêu ngã là cái tôi mở rộng hòa hợp với thiên nhiên, không phân biệt, biết rằng “sống là tạm đến, chết là tạm đi” như Dương Chu quan niệm. Có lẽ ở trạng thái ấy, con người không cảm thấy buồn khổ nữa chăng? Nhưng một trạng thái không còn buồn khổ nữa phải được hiểu như thế nào, vui sướng hay không vui sướng, thỏa mãn hay không thỏa mãn, ơ thờ hay không ơ thờ? Nếu một trạng thái được xác định thì sự xác định ấy phải là sự so sánh với một trạng thái nào đó đã qua trải nghiệm. Còn nếu trạng thái đó không là gì cả thì nó không sống, không hiện hữu và thậm chí là không tồn tại. Một con người vẫn còn muốn đạt đến một cảnh giới nào đó được cho là tuyệt đích thì vẫn còn ham muốn, vẫn còn khát vọng, và do đó vẫn còn mầm mống của buồn khổ, chỉ có điều mầm mống ấy đã bị chế ngự ở tầng ẩn giấu. Bác cho là như vậy!… Mà thôi, nói mệt quá rồi Hương ơi! Bác cháu mình ngồi chơi, nói sang chuyện khác cho nhẹ đầu. Chắc bác cũng chỉ uống độ một hai chai nữa là “oải chè đậu” …
Để diễn tả cái sự uống “oải chè đậu”, chúng ta lấy hai tay ôm cái bụng cố phưỡn ra, lè lưỡi, nhăn nhó. Hương nhìn điệu bộ ấy, phá lên cười khanh khách.
- Mới chín rưỡi à, còn sớm chán! Con nhớ ngày xưa bác thường ngồi đến mười một, mười hai giờ đêm mà vẫn chưa thấy say gì mấy…
- Thời đó khác, bây giờ già rồi, phải yếu đi chứ?… Nhớ lại những khoảng thời gian xa xăm ấy, vẫn còn cái cảm giác lâng lâng, thích thú, đôi khi bác vẫn cứ tủm tỉm cười một mình. Ước gì…
- A! Phải rồi! Bác đọc thơ đi bác Ba, bác đọc lại những câu thơ hồi xưa bác hay đọc cho mấy chị Tuyết, Điệp, Thương nghe ấy. Hồi đó con cũng rất thích, cứ lẩm nhẩm theo mà không thuộc được. Bác đọc đoạn thơ gì ấy của Tố Hữu đi!
- Bài “Từ ấy” chứ gì?
- Không, không phải! Bài đó cũng hay, nhưng bài khác cơ!…
- Nhớ rồi! Một đoạn của bài thơ “Tiếng hát sông Hương”
Chúng ta đằng hắng lấy giọng rồi chậm rãi đọc vừa đủ cho Hương nghe:

Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng
Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!

Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh,
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát có lành được không?

- Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi kiếp sống đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay.
- Hay!… Con còn nhớ bác có đọc một đoạn thơ nói về cái đẹp nội tâm rất đáng quí…
- Đây bác đọc luôn:

Anh yêu em không phải bởi sắc đẹp bề ngoài
Những cái đó thời gian dài sẽ mất
Anh yêu em vì bề trong đẹp nhất
Là tâm hồn, sự sống, vần thơ.

Ôi tình yêu rộng lớn vô bờ
Ôi tình yêu không bao giờ phai nhạt
Anh hiểu con người không qua lớp phấn son trên mặt
Không qua nụ cười gượng gạo ngây thơ
Mà trái tim đã chết tự bao giờ!…

- Đoạn thơ trên bác không biết là của ai, bác chỉ thuộc qua một người bạn lúc còn thanh niên. Nhưng Hương còn nhớ bài thơ “Quán Hương Cau” của bác không?
- Nhớ chứ ạ! Bài đó bác đọc xong rồi viết tại chỗ vào ba tờ lịch “bloc”, đưa cho ba chị gọi là tặng. Sau này con có đọc đi đọc lại và thuộc luôn. Để con đọc bác nghe nha:

Vô tình ghé quán Hương Cau
Định vui say chút, ngờ đâu đến giờ
Hoa cau rụng trắng mấy mùa
Còn ngồi như đá, chơ vơ cô buồn
Nghe em kể, chạnh lòng thương
Hồng nhan bạc phước, phấn hương bạc tình
Đã đành là chuyện mưu sinh
Sao em quá đỗi truân chuyên thế này
Tả tơi một đóa hình hài
Rã rời một giọt sương mai lìa cành
Em cười với khách bên bàn
Thoảng trong sâu thẳm cung đàn Nguyễn Du
Em ca dưới ánh đèn mờ
Vó câu khấp khểnh, bơ vơ thân Kiều

Ơi người em gái mến yêu
Cho ta nhắn nhủ đôi điều được chăng?
Còn Trời, còn Đất, còn Trăng
Là còn hạnh phúc thênh thang đường về
Mật đời rồi sẽ thỏa thuê
Quanh em là cả bốn bề bình minh
Em bồng con nhỏ xinh xinh
Nghe chồng thổi sáo ru tình trăm năm
Véo von trong ánh trăng rằm
Bên dòng sông lặng, gió ngàn thanh cao
Mẹ già bỏm bẻm nhai trầu
Bình yên tấc dạ, mái đầu bạc phơ…

- Theo Hương, tác giả bài thơ đó là người như thế nào? Nhớ là phải nói thật đấy nhé!
- Là một người đàn ông mang tên Ba Đá, lúc im phắc buồn tênh như pho tượng đá, khi vỡ òa vui nhộn như… chợ Đông Ba, nhưng nói chung là một người đàn ông tốt bụng, dù hơi bị… tưng tửng - Hương vừa nói vừa cười tươi rói.
- Hạt bụi nào… hóa… kiếp… thân tôi,… để một mai… tôi về… làm… cát bụi. Ôi, cát bụi… mệt… nhoài,… mặt trời… soi… một kiếp… rong chơi - Chúng ta cố hát cho tròn vành rõ tiếng mà sao cứ ê a, nhão nhẹt. Chắc chúng ta say lắm rồi! Đó là lời hát trong “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn mà chúng ta nhớ không biết có chính xác không nữa? - Hương ơi!… Đó là… một kẻ… tật nguyền…, cái ông Ba Đá ấy!

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH