TT& HĐ II - 14/c


          Người Ngựa Ngựa Người | Hài Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền Hay Nhất - Hài Tết Cười Vỡ Bụng

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
 (Ph.Bêcơn)


“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
  (Arixtốt)

CHƯƠNG III: HƯƠNG CAU


"Nơi nào có người đàn bà đẹp, thì nơi đó có người đàn ông thở dài."
(Tục Ngữ Hung-Ga-Ri) 
"Người đàn bà không sợ chết, không sợ đau khổ, nhưng chỉ lo sợ khi mình chết mà chưa được người mình thương yêu biết đến tình yêu của mình."
(Lombroso)

Người ta có thể quyến rũ người đàn bà bằng sự dối trá. Nhưng người ta chỉ chinh phục được họ bằng tấm lòng chân thật”
Khuyết danh.

“Dịu dàng không phải nhu nhược. Dịu dàng mà vẫn cương quyết là bí ẩn của người phụ nữ” 
 A. A. Milne.

 Không ai ngoài người phụ nữ có thể giúp người đàn ông trước nỗi phiền muộn của con tim…”.
Bram Stoker.

“Danh dự của một thiếu nữ thuộc về nàng nên nàng suy nghĩ rất cẩn thận. Danh dự của người đàn bà là thuộc về chồng, nên nàng suy nghĩ ít hơn”.
 Khuyết danh

“Người đàn bà đẹp đạt được thành công dễ dàng hơn người đàn bà thông minh. Chỉ đơn giản là những người đàn ông mù thì ít, bù lại những người đàn ông ngốc nghếch lại quá nhiều”.
 Khuyết danh.

Có hai dạng phụ nữ, một dạng nói thẳng với bạn về các nhu cầu của họ, còn dạng kia thì nói bóng gió”.
 Khuyết danh.


Phụ nữ mà ghen với quá khứ thì sẽ không có tương lai; phụ nữ mà ghen với tương lai thì không còn quá khứ”.
 Khuyết danh.

Người phụ nữ thông minh nghe lời khen để đánh giá đàn ông, còn người ngu ngốc nghe để tự đánh giá bản thân mình”.
 Khuyết danh.

“Phụ nữ thường lo lắng cho tương lai cho đến khi cô ấy kiếm được một tấm chồng. Đàn ông chẳng lo nghĩ gì về tương lai cho đến khi anh ta lấy vợ”.
 Khuyết danh.

“Không gì khiến người phụ nữ xinh đẹp hơn là niềm tin rằng nàng xinh đẹp”.
Sophia Loren.

Khi phụ nữ nói chuyện với bạn về vấn đề của họ, nhiều khả năng là họ không tìm kiếm một câu trả lời mà chỉ muốn có người lắng nghe”.
 Khuyết danh.

“Người đàn bà không biết trang điểm thì chỉ giống như thửa ruộng khô cằn.
Ngạn ngữ Ấn Độ.

“Người con gái thích được khen dù xấu. Vì thế cho nên người đàn bà nào cũng thường hay chết vì người đàn ông am tường điều đó”.
 Blaise Pascal.

Khi một người phụ nữ đang nói, hãy nghe điều nàng nói qua đôi mắt của nàng”.
Victor Hugo.

Tôi nghĩ sự quyến rũ đến từ bên trong. Nó là thứ hoặc ở trong bạn hoặc không ở trong bạn, và thực sự không liên quan gì nhiều tới ngực hay đùi hay đôi môi hờn dỗi”.
Sophia Loren.

Có một hiện tượng phổ biến là chỉ có những cô gái xinh đẹp nhất mới thấy thật khó khăn tìm được người đàn ông cho mình”.
 Heinrich Heine.

“Nước mắt đàn bà có nhiều tác dụng song họ chẳng mất gì khi khóc”.
 Ngạn ngữ Tây Ban Nha

“Phụ nữ đồng bóng đến nỗi bạn sẽ không bao giờ biết được họ muốn nói gì. Họ bảo Không trong khi ý họ là Có, và khiến đàn ông phát điên chỉ để giải khuây.”.
Louisa May Alcott.

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…"
                          (Bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu)




(Tiếp theo)



                                                                ***
   Mải trò chuyện với mình (!) về cái đề tài muôn thuở, cũ mèm nhưng cứ mãi hấp dẫn, gây nhiều hưng phấn ấy, chúng ta đã uống cạn chai bia thứ ba tự lúc nào không biết nữa. Trong ly chỉ còn trơ lại đá, trắng nhách. Cô gái chạy bàn có lẽ bận rộn với đám khách mới vào bàn bên cạnh, giờ mới thấy ra “sự cố”, tiến lại:
- Cháu lấy thêm bia cho mấy chú nha?
- Vẫn còn mà, bé?! Để bọn chú uống hết đá đã rồi lấy luôn một thể!
   Cô bé hiểu ý đùa, mỉm cười. Chợt nhớ ra, chúng ta nói với theo cô bé, lúc này mới đi được hai, ba bước:
- Đổi sang Tiger nhé, bé ơi!
   Cô bé quay lại, nhìn quanh, mặt có vẻ tươi hơn, gọi:
- Chị Lan ơi, cho mấy Tiger bàn “gốc cau” đi! - Rồi thoăn thoắt gắp thêm đá vào các ly - Các chú không kêu món gì ạ?
- Có chứ! Cho một tô cơm đi!
   Cô bé mở to mắt, ngạc nhiên nhìn trân trân vào những bộ mặt tỉnh như ruồi.
- Chú ơi, ở đây không có bán cơm. Mấy chú kêu món khác dùm đi!
- Vậy hả? Thế thì kêu dùm chú một dĩa “gỏi xoài khô cá sặc” cũng được. Mai mốt bé nói với chủ quán là nên thêm món “cơm” vào thực đơn nữa. Nhiều người thích nhậu món đó với bia lắm đấy!
    Chúng ta vừa nói vừa tủm tỉm cười. Nhờ thế mà cô bé mới nhận ra:
- Mấy chú vui quá hà!
    Không lâu đâu, rồi cô bé sẽ “chai lỳ” rất nhanh với những lời cợt nhả của những ông già ''còn máu'', nhiều khi thô lậu của những khách ham vui trong chuếch choáng hơi men, một khi cô đã hiểu được cái “chính trường” mà cô đang đứng. Chúng ta tin như thế dù không hi vọng như thế.
    Hình như chúng ta có muốn hay không muốn, mặc lòng, mọi sự đời đều trôi theo chiều định mệnh của nó, khó mà đoán định được.
    Nàng tiếp thị đã mang bia ra, lộ rõ niềm vui.
- Nãy giờ bán được nhiều chưa, Lan? - Chúng ta hỏi.
- Dạ, cũng được két mấy, gần hai két… Bữa nay em hên mới bán được vậy, chứ mọi bữa, đến giờ này chưa được một két, có khi nửa két còn chưa tới nữa…
- Tụi anh mang hên đến cho em đấy!
- Phải vậy không ta? - Lan cười, nghiêng nghiêng đầu làm duyên.
- Đúng vậy chứ còn gì nữa! Đã mang hên đến, còn uống ủng hộ nữa. Thế mà chẳng được xơ múi gì…
- Có! Lát hồi em khuyến mãi mỗi người một hộp quẹt ga…
- Quí hóa quá! Cảm ơn Lan vì bọn anh đang cần nụ hôn thì lại được hộp quẹt. Ở nhà bọn anh đã gom được số hộp quẹt từ khuyến mãi, đủ dùng không những hết đời cha mà còn cho cả đời con. Hộp quẹt Lan tặng, bọn anh sẽ để dành cho lũ cháu, chúng chưa có cái nào! Một lần nữa, xin cảm ơn Lan!
Cô nàng tiếp thị ngước lên cười hắc hắc. Cái cổ dài, tròn lẳn, không lằn ngấn lại hiện ra. Lần này, hơn nữa, nó trắng ngần.
- Em có cái cổ đẹp lắm đấy, Lan ạ! - Chúng ta buộc miệng khen thật lòng - Em có biết không?
- Biết chứ! Em mà búi tóc lên còn đẹp nữa - Lan trả lời dạn dĩ đến không ngờ.
    Chúng ta gục gặc đầu ra chiều nhất trí, định ghẹo thêm một câu cho vui thì nàng tiếp thị đột ngột nói:
- Mấy anh ngồi chơi vui nha!...
   Đôi chân dài nhanh nhẹn bỏ chúng ta, thoăn thoắt đi về phía chiếc bàn có mấy khách mới vô.
    Dõi theo, ngắm nhìn cái dáng đi rất gọn, vừa khoan thai vừa dứt khoát ấy, chúng ta có cảm tưởng rằng nếu đất trời cho Lan gặp vận may, biết đâu đấy, rất có thể Lan sẽ là một nữ doanh nhân thành đạt, đủ sức cai quản cả một công ty thuộc loại tầm cỡ. Nếu có như thế thật, thì lúc đó gặp chúng ta, Lan sẽ ứng xử ra sao nhỉ?...
                                                 ***

    Cô bé chạy bàn gọi bàn chúng ta đang ngồi là bàn “gốc cau” vì bên cạnh có ba cây cau chụm gốc. Nhớ lại trước đây, khi lần đầu tiên ngồi ở chỗ này ba cây cau đó đã rất cao. Bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng, hình như chúng vẫn vậy, chẳng cao thêm được tý nào mà chỉ có vẻ như cong hơn. Sự già nua đã làm cho chúng xọm xuống chăng?
    Hồi đó, có thời kỳ hầu như chiều nào chúng ta cũng đến sớm, ngồi chính chỗ này, nhậu nhẹt say sưa đến thường là 10 giờ đêm và đôi khi đến 12 giờ đêm mới ''nhổ neo'' ra về. Vì thế mà rồi chúng ta trở nên thân tình với mọi người trong quán, từ lão già giữ xe, các cô phục vụ quán đến cả bà chủ. Có lẽ tướng mạo chúng ta xù xì, chiều chiều ngồi như hòn đá bên ba cây cau mà được một em ngồi bàn hồi đó tên là Điệp gọi là anh “Đá cau”, sau, nghe “kỳ” quá, mọi người chỉ gọi gọn lỏn là “Đá”. Rồi sau đó nữa, không biết ai “thương tình” đặt thêm tiếng “Ba” đằng trước, thành chết tên “Ba Đá” từ đó. Những nhân viên tuyển sau của quán, hiểu sai nghĩa, người tưởng rằng chúng ta: thứ ba, tên Đá, kẻ lại nghĩ chúng ta là “thứ dữ” có ngón đòn “tam cước” thần sầu hoặc chỉ đơn giản là thằng… ba đá!… Thực ra nghĩa nguyên gốc là “hòn đá ngồi cạnh ba cây cau”.
    Giờ hòn đá lại ngồi đây, ba cây cau vẫn còn đó mà sao những người quen xưa đâu cả rồi?! Mái quán do chính tay Ba Đá thi công khi còn lăn lộn trong làm ăn, chưa dấn thân vào hoang tưởng, dù có cũ kỹ, sạm màu cùng mưa nắng thì vẫn vững chãi còn kia, mà sao những Huệ, Tuyết, Điệp, Thương của thuở ấy không còn “có mặt” nữa?
   Huệ là tên chị chủ quán. Gọi là chị cho lịch sự chứ thực ra Huệ còn nhỏ hơn Ba Đá dăm tuổi. Huệ là diễn viên múa, lăng nhăng, lấy chồng có được đứa con gái rồi li dị, hết thời về mở quán tại nhà, đặt tên là “Hương Cau” vì sẵn có ba cây cau mọc chụm gốc ngoài sân.
   Theo Ba Đá thì Huệ không xấu nhưng cũng chẳng có gì gọi là đẹp ngoài đôi chân tuyệt trần cả về hình dáng lẫn làn da. Huệ hay mặc váy cực ngắn, qua lại trong quán, ghé bàn này bàn kia chào hỏi khách quen, làm không cứ gì Ba Đá mà nhiều ông sồn sồn phát “lộn ruột”. Thế rồi cũng có một ông khách, nghe đâu làm “mặt lớn” trong Sở Điện Lực, “hy sinh”, thành “bồ” của Huệ.
    Hôm nào bồ đến thì thôi, hôm nào bồ không đến, Huệ vẫn thường ra ngồi đưa đẩy vài chuyện với khách quen để, sâu xa là giữ mối khách. Huệ hay đến ngồi chơi với Ba Đá nhất. Trong một dịp ngồi chơi như thế, Ba Đá khen chân Huệ hết lời và lấy một ngón tay rờ rờ đùi Huệ. Huệ cười ngặt nghẽo rồi rằng:
- Đàn ông như anh, có mà đàn bà nó chạy đi hết! - Rồi Huệ có vẻ nghiêm túc - Mấy đứa con gái ở quán, chúng nó thích anh lắm đấy…
- Có gì đặc biệt đâu mà thích - Ba Đá đáp - thì cũng ăn nhậu, cũng sàm sỡ, nói đôi khi là tục tĩu, không hiểu còn cho là xúc phạm nữa, nhậu xong thì cũng “bo” từng đó tiền thôi; nói chung là giống mọi ông khách khác, cũng “rứa”, chả hay ho gì đâu!…
- Thì đàn ông, đã vào đây ăn nhậu, “lão” nào mà chẳng thế. Anh cũng thế thôi, nhưng chúng nó bảo anh rất khác. Nói thật, bản thân em cũng thấy thế, ngồi chơi với anh rất vui, có cái gì đó như là sự an ủi, đồng cảm… Cho nên có lẽ anh là người khách mà em quí nhất… Nhưng không phải là yêu đâu đấy nhé!…
    Hú vía!
    Suốt từ chập tối đến giờ, chúng ta quan sát mà không thấy Huệ xuất hiện. Hay là quán đã được sang tay cho chủ khác? Nhưng đây là nhà Huệ cơ mà?...
Tuyết là lứa ngồi bàn đầu tiên mà Huệ tuyển vào làm. Tuyết nhỏ hơn Huệ cỡ 10 tuổi. Về mặt nhan sắc thì khỏi nói. Tuy đã bị thời gian xung vào đội ngũ “mệnh phụ” nhưng nét son sắc vẫn chưa phai mờ, không biết tả sao cho đúng nữa! Nếu nàng La Giôcông của họa sĩ thiên tài Lêôna Đờvanhxi mà không có nụ cười mỉm bất hủ thì chắc chắn là thua Tuyết xa.
    Ba Đá đã có lần hàn huyên với Tuyết hàng giờ và đã thấy được bao nhiêu gió sương mà đời Tuyết đã phải trải qua. Cái gió sương không phải là gió sương thiên nhiên mà là gió sương tình người. Kẻ bình thường tạo ra gió sương cho người thiếu nữ đã là đáng ghét lắm rồi, huống hồ đứa quyền cao chức trọng làm nên gió sương thì thật là độc địa, tàn nhẫn và đáng… căm thù.
   Tuyết bây giờ ở đâu Tuyết ơi?!
    Điệp là cô gái mở đầu cho cái tên “Ba Đá” danh bất hư truyền! Điệp quê đâu tít tận miền Trung, ở vùng mà nói “ăn” thành “eng”, thất học nên mù chữ, vào thành phố này từ năm 15 hay 16 tuổi gì đó. Mới đầu, đi ở cho nhà được bà con giới thiệu ở quê, được nuôi cơm còn tiền công thì cho bao nhiêu biết bấy nhiêu, tùy ý chủ nhà. Đâu được hơn hai năm thì Điệp xin nghỉ chỗ đó, đi phụ bán cà phê ở một quán cách đó không xa lắm. Ngày rời đi, bà chủ nhà có làm bữa cơm ngon cho Điệp ăn, căn dặn đủ điều và còn cho Điệp thêm một ít tiền.
    Điệp nói rằng sống ở quê, nhà nghèo, khổ lắm. Theo mẹ làm mướn quần quật mà ăn chẳng bao giờ được no. Đi ở cũng cực nhưng vẫn sướng hơn ở dưới quê. Phụ bán cà phê sướng hơn đi ở nhiều vì tự do, thoải mái hơn, tiền có nhiều hơn. Tiền lương nếu trừ đi ăn uống thì cũng chẳng nhiều hơn đi ở bao nhiêu, nhưng có thêm thu nhập từ tiền “bo” của khách nữa. Hồi còn đi ở, chẳng có nhu cầu gì mấy, quần áo được bà chủ nhà cho, sửa lại từ quần áo của bà hoặc mua ở những nơi bán “sôn” gọi là đồ “sida”, thường thôi, nhưng tươm tất, nên hầu hết tiền bà chủ cho, Điệp đều gửi về quê phụ mẹ nuôi mấy đứa em. Khi phụ bán cà phê, tiền nhiều hơn, hóa ra lại chẳng gửi được bằng như thế, không biết tại sao nữa.
    Điệp không biết thật hay giả đò không biết? Nhưng Ba Đá hiểu rằng phụ bán cà phê, tiếp xúc với bao nhiêu cám dỗ vật chất và nhu cầu tự nhiên muốn ngày một đẹp hơn, quyến rũ hơn của thiếu nữ nói chung trong cái chốn lấy sự súng sính, hào hoa, diêm dúa bề ngoài làm chỉ tiêu để hội nhập, đã là nguyên nhân chủ yếu.
    Ở lứa tuổi khi phụ bán cà phê, chắc rằng Điệp là một cô gái rất quyến rũ. Quyến rũ không phải vì nhan sắc nổi trội (Điệp không xinh lắm), mà nhờ vào cái duyên thầm, ẩn chứa tiềm tàng trong vóc dáng, trong từng cử chỉ hành động hồn nhiên chân chất, trong lời ăn tiếng nói trong veo, dịu ngọt…
    Quãng đường từ quán ngày xưa Điệp phụ bán cà phê đến quán “Hương Cau” này không xa, độ chục cây số đổ lại. Nhưng từ vai phụ bán cà phê đến thành gái “ngồi bàn” ở đây đã là bảy năm trời dài đăng đẳng. Suốt bảy năm trời ấy, Điệp đã đi đâu về đâu? Ba Đá không hỏi và Điệp cũng không nói. Nhìn nét mặt đã bắt đầu mệt mỏi vì phấn son, qua cử chỉ lời nói (nếu lưu ý vẫn còn thấy “bóng duyên quê”) đã đượm buồn nản, ơ thờ, buông thả đến bất cần, Ba Đá cũng có thể phỏng đoán một cách đại thể.
   Khái niệm “gái đứng đường” thì ai cũng biết; khái niệm “gái ngồi bàn” thì ít người biết hơn. Gái đứng đường hay gái ngồi bàn thì cũng là “một giuộc”. Tuy vậy cũng có sự khác nhau tương đối. Gái ngồi bàn có vẻ như “chất lượng hơn” vì để cho khách chấp thuận ngồi chơi thì ít ra là dưới ánh đèn phải xinh, trẻ, vui vẻ và… lỳ.
    Vì phải chất lượng hơn nên thu nhập của gái ngồi bàn cũng “ổn định” hơn. Khi đã có khách quen rồi thì chỉ “ngồi” thôi cũng tạm gọi là đủ ăn đủ mặc. Nếu đi được “bước nữa” thì tốt, không thì cũng… không sao, lại có quyền lựa chọn chứ không gay gắt và “mù quáng” như gái đứng đường. Nếu “hên” nữa, gặp được một ông khách hứng tình cặp làm bồ một vài tuần, đôi ba tháng, thì đó là khoảng thời gian tạm quên “cơ cực” và nếu làm được vợ hờ cho một “cha” có tiền thì cũng có thể gọi là sung sướng, “yên thân”.
    Ba Đá còn nghe đến một “loại hình nghệ thuật” nữa là gái gọi. Gái gọi là gái mà khách có nhu cầu phải gọi qua điện thoại (có khi phải “nhờ” gọi) mới “chịu” đến và nếu “không được giá” thì có gọi rã họng cũng không thèm đến. Ba Đá không đủ “năng lực” tiếp cận nên cũng chẳng có gì để nói về họ. Tuy nhiên nếu phân hạng tương đối được thì theo Ba Đá, gái đứng đường thuộc hàng lính lác hoặc “thượng sĩ già”, gái ngồi bàn (mà gái ôm là một biến tướng ở mức “cực đoan”) thuộc hàng sĩ, úy; còn gái gọi được cho là trung, cao cấp, thuộc hành tướng tá. Trong cái lực lượng hùng hậu ấy có hàng soái không thì Ba Đá không biết!
    Tuyết có lẽ là trường hợp điển hình của một cô gái quê lên thành phố mưu sinh và thành gái (bán dâm là nữ gọi là gái mại dâm, tên khác là gái điếm, gọi “cộc cằn” là con đĩ; gọi cho gọn là gái, tùy tiện mượn cách gọi thông thường, không hàm ý gì cả trong dân gian).
    Quê Tuyết ở Gò Công Đông, nghe theo mách bảo, lên thành phố làm phụ bếp, rửa chén bát cho một quán nhậu; lớn lên một chút thì chạy bàn. Đám đàn ông ham vui không bao giờ “đồng tình” việc một bông hoa tên Tuyết có làn da “tuyết điểm” như thế lại phải chạy bàn cả. Thế là Tuyết được “dìu dắt lên” thành gái ngồi bàn. Sau năm bảy “anh trẻ” “đánh trống bỏ dùi”, cuối cùng có một “anh già” “tai to” “bế” Tuyết 3 năm liền. Tưởng anh già “tai to” kia “mù mịt” hóa ra là Tuyết nhẹ dạ. Tuyết đã bán 3 năm với giá gần như "bán xôn" rồi khi anh già đột nhiên "xộ khám" thì Tuyết tìm đến Hương Cau này tiếp tục ngồi bàn như thuở “hàn vi”, nhưng nhan sắc đã pha thêm màu sương gió...
    Qua Tuyết mà Ba Đá biết được Điệp đã có một đứa con trai gần hai tuổi, kháu khỉnh và rất dễ thương. Cha đứa trẻ là một chàng trai kỹ sư xây dựng, lớn hơn Điệp ba tuổi. Trong một lần ăn nhậu, chàng trai đó đã phải lòng Điệp, yêu Điệp chân tình. Hai người yêu nhau một thời gian. Suốt thời gian ấy, Điệp bỏ “nghề”, đi phụ nấu, bưng bê cho một quán phở. Thế rồi Điệp có thai. Chàng trai chở Điệp về ra mắt cha mẹ và xin cưới Điệp làm vợ. Năn nỉ thế nào cha mẹ chàng trai cũng không đồng ý. Chàng trai bất lực, khuyên Điệp nên phá thai đi. Nhưng ý Điệp khác. Họ vẫn yêu nhau tha thiết. Chàng trai thuê một phòng trọ lớn hơn cho Điệp, chu cấp tiền bạc cho Điệp. Ngày Điệp sinh con, chàng trai đóng vai một người chồng thăm nuôi chăm sóc vợ hết mực tận tình.
    Một lần, khi con của Điệp đã được 5 tháng tuổi, chàng trai chở mẹ anh ta tới phòng trọ. Điệp ngỡ ngàng và hy vọng trỗi dậy: mẹ chàng sẽ vì đứa cháu nội mà chấp nhận cho nàng về làm dâu và nếu được thế nàng tự hứa là sẽ cố gắng làm một con dâu tận tụy phụng sự nhà chồng.    Nhưng Điệp đã lầm! Bà ta chỉ đến khuyên Điệp nên trao đứa nhỏ cho gia đình bà ta nuôi kẻo sau này nó khổ tội nghiệp. Đổi lại, bà ta sẽ gởi cho Điệp một số tiền lớn để Điệp về quê, có vốn mà xoay sở, đừng có theo con bà nữa. Nhưng Điệp lại nghĩ khác. Bà ta dọa đủ điều. Nhưng Điệp chỉ khóc, chẳng nói gì.
    Sự đời cứ trôi theo chiều của nó, cái gì đến cứ phải đến. Chàng trai sửa soạn lấy vợ theo sự đặt gả của bà mẹ. Ngày nhận được tin ấy, Điệp ngất lên ngất xuống mấy lần. Ngày chàng trai buồn rầu đến định phân trần với Điệp về điều đó, Điệp đã bạt tai anh chàng mấy cái rồi ngất đi lần nữa.
    Ngay tối hôm ấy Điệp xin quán phở cho nghỉ việc về quê có chuyện. Nhà phở thanh toán hết tiền công, còn cho Điệp thêm một khoản nữa. Đời Điệp gặp nhiều người tốt, nhưng số Điệp vẫn cứ khổ. Có lần Điệp nói với Ba Đá như vậy. Sáng hôm sau, Điệp âm thầm bế đứa con trai hơn một tuổi ra đi, bỏ lại tất cả, giấu tất cả. Nghe đâu chàng kỹ sư kia tìm kiếm khắp mấy ngày trời, sau đó về cả quê Điệp để dò la (mẹ Điệp mãi sau này mới biết Điệp ở đâu và vào luôn với Điệp, trông cháu. Mà nếu lúc đó có biết, mẹ Điệp thương con, chắc cũng chẳng nói).
Và Điệp lại làm gái ngồi bàn ở quán Hương Cau này.
Điệp ơi, bây giờ em ở đâu và sinh sống, nuôi con bằng nghề gì?
    Thương là nhân viên chạy bàn của quán Hương Cau. Vì có chút nhan sắc nên Huệ thường kêu Thảo ra ngồi bàn tạm. Lúc đầu Thương không chịu, Huệ mắng: “ra ngồi nghe chúng nó “dâm mồm” một tý, chúng nó cho tiền hơn cả tiền công ngày mày làm cho chị, có mất mát gì đâu mà sợ!”.
    Một lần còn ngại chứ vài lần thành quen, mà tiền khách “bo” kể cũng nhiều thật. Gặp được ông khách xỉn tưng đời, “qua cho em” có khi là cả tuần tiền công chạy bàn. Quen rồi thì thành thích, thành nghiện cái nghề ngồi bàn: chẳng cần vốn liếng, chỉ ngồi đưa đẩy thôi mà lời lãi thì… khá lắm. Thế là nhờ “chị Tuyết” tư vấn, chị Điệp ”mách nước”, Thương xin Huệ cho phép được ngồi bàn, nhưng sẽ chạy bàn không công khi quán bị kẹt người; nghĩa là vừa ngồi vừa chạy. Huệ chịu liền!
    Thương cười đùa rất tự nhiên, “bá vai bá cổ” chẳng cần ý tứ e dè gì cả. Chiêu thức ấy đạt hiệu quả thấy rõ: nhiều khách khoái ngồi với Thương lắm. Thương thường có cách nói tréo ngoe, sống sượng, ở trong quán nhậu cho là bình thường, là vui nữa đằng khác, nhưng nếu người mô phạm nghe được, chắc rằng sẽ bị “ói”. Chẳng hạn: “Nội ơi, cưới em về làm vợ đi nội!” hay: “Anh ơi anh, rước cháu về dinh đi anh!”
    Ba Đá vì thế mà gọi Thương là “nhóc”. Khách nhậu tưởng nhóc vậy nhưng nhóc không phải vậy. Nhóc thương chị Điệp phải nuôi mẹ nuôi con, vẫn thường ghé phòng trọ chị Điệp mua đủ thứ cho đứa bé. Nhóc thương chị Tuyết đã về chiều mà cô đơn, có tháng không đủ trả tiền trọ phải mượn nhóc. Nhóc cho mượn nhưng không bao giờ đòi. Chính Tuyết tâm sự với Ba Đá rằng trên đời này, ngoài cha mẹ ra thì nhóc là người duy nhất mà Tuyết chịu ơn.
Mãi sau này, Ba Đá mới được Huệ cho biết nhóc đâu phải gái quê mà là người thành phố này, cha mẹ vẫn còn nhưng không hiểu được sao nhóc lại như thế. Đúng là sự đời chỉ trôi theo ý nó, khó mà đoán định được!
    Thương ơi, em đã về lại gia đình chưa hay còn trôi dạt nơi đâu?

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH