Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

TT & HĐ II - 15/a

 
Người Việt đã sáng tạo ra Kinh Dịch?

                                                   Tìm hiểu và cội nguồn của Kinh dịch


PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt


“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”

(Sir James Jeans.)

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
 (Ph.Bêcơn)


“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
  (Arixtốt)


CHƯƠNG IV: PHẢN PHỤC



Đạo rất huyền nhiệm tinh vi, không ai biết hết được, tùy bẩm thụ khác nhau mà người (có đức) nhân thấy nó nhân, gọi nó là đạo nhân; người trí (sáng suốt) thấy nó trí, gọi nó là trí. (Hệ Từ truyện – quyển thượng).


Kẻ tiểu nhân cho rằng một điều thiện nhỏ là vô ích nên không làm, một điều ác nhỏ là vô hại nên cứ làm; vì vậy mà các điều ác cứ tích lũy tới lúc không che giấu được nữa, tội hóa lớn mà không thể tha được. (Hệ Từ truyện – quyển hạ).

Theo tôi đã có một nền văn minh siêu việt nào đó tồn tại trên trái Đất , đã sản sinh ra lý thuyết này (tức Kinh Dịch) và đã có một thiên tai mang tính toàn cầu hủy diệt nó, và những bộ phận sống sót còn lại đã lưu truyền những giá trị của nó . Dân tộc Việt ở Nam Dương Tử chính là bộ phận sống sót còn lại của nền văn minh đó.
(Nguyễn Vũ Tuấn Anh)

“Thiên nhiên buộc phải đặt vấn đề trên ngôn ngữ toán học, vì chỉ trên ngôn ngữ toán học, ta mới có thể thu được lời giải. Nhưng chính vấn đề lại hướng về quá trình xảy ra ở trong thế giới vật chất, thực tiễn”
Heisenberg

“Toán học là ngôn ngữ viết về vũ trụ. Phát triển Toán là một tiền đề để phát triển nền khoa học”
Galileo Galilei

“Mọi phát kiến của nhân loại đều có bàn tay hướng dẫn của Toán học, bởi vì chúng ta không thể có một người chỉ đường nào khác”
Charles Darwin

“Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy lôgic”
Albert Einstein





Trong kho tàng văn hóa Trung Hoa có một “Thiên cổ kỳ thư” còn lạ lùng và nổi tiếng hơn rất nhiều cuốn “Quỉ Cốc tử” nữa, đó là Kinh Dịch.
Phải nói rằng trên thế giới từ cổ chí kim, không có cuốn sách nào kỳ dị hơn được Kinh Dịch bởi sự xuất hiện, quá trình hình thành và nội dung “đủ thứ” cao siêu của nó. Nó đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực và công sức của các học giả trong việc tranh luận, khảo cứu, truy nguyên cũng như gây ra biết bao nhiêu ngạc nhiên cho họ với những khám phá bất ngờ thú vị liên quan đến nhiều ngành khoa học như: toán học, hóa học, phân tâm học, luân lý học …

Theo Nguyễn Hiến Lê (“Kinh Dịch, đạo của người quân tử”, NXB Văn học, 1992) thì:
“Nó là một trong ba bộ kinh cổ nhất Trung Hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nhưng nguồn gốc của nó - tức bát quái - thì có thể sớm hơn, vào cuối đời Ân, 1200 năm trước Công nguyên.
Nó không do một người viết mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm, từ Văn Vương nhà Chu mãi đến đầu đời Tây Hán, nó mới có hình thức gần như hình thức ngày nay chúng ta được biết. Từ Tây Hán đến nay, trên 2000 năm nữa, thời nào cũng có người tìm hiểu nó thêm, đem ý riêng của mình và tư tưởng của thời đại rọi vào nó, khiến cho ý nghĩa và công dụng của nó mỗi ngày một nhiều và một xa nguồn gốc”
Tác phẩm đầu tiên nói về Kinh Dịch là cuốn Chu Lễ. Theo đó thì đời Chu có ba loại bói là: Liên Sơn Dịch, Qui Tàng Dịch và Chu Dịch. Hai loại Liên Sơn và Qui Tàng thất lạc chỉ còn Chu Dịch là lưu truyền được từ đó (đến nay), và chúng ta vẫn quen gọi là Kinh Dịch.
Kinh Dịch gồm hai phần là Dịch Kinh và Dịch Truyện, Dịch Kinh là lời đoán của các quẻ. Vì các lời đoán quá ngắn gọn, khó hiểu nên Dịch Truyện ra đời nhằm chú giải cho nó rõ ràng hơn.
Cũng theo Nguyễn Hiến Lê (ở cuốn sách nói trên):
“Điều kỳ dị nhất là cả môn “dịch học” đó chỉ dựng trên thuyết âm dương, trên một vạch liền (─) tượng trưng cho dương, một vạch đứt (─ ─) tượng trưng cho âm, hai vạch đó chồng lên nhau, đổi lẫn cho nhau nhiều lần thành ra hình bát quái, rồi tám hình bát quái này lại chồng lẫn lên nhau thành sáu mươi bốn hình mới: lục thập tứ quái. Dùng sáu mươi bốn hình này, người Trung Hoa diễn được tất cả các quan niệm của họ về Vũ Trụ, về nhân sinh, từ những hiện tượng trên trời dưới đất, những luật thiên nhiên, tới những đồ dùng, những công việc thường ngày như trị nước, ra quân, chuyện nhà, cưới hỏi, ăn uống, xử thế …”
Như vậy, có thể coi Kinh Dịch, vừa là sách triết học, vừa là sách có tính chất luân lý, vừa có thể dùng để bói toán (mà ngày nay, chủ yếu là dùng để bói toán!). Nó đã từng là nơi chiêm nghiệm, suy tư, gửi gắm tư tưởng của những bậc hiền tài, uyên bác và cũng là nơi giao du, học hỏi, vui buồn của muôn nẻo đời thường. Hơn thế nữa, trong “Lời nói đầu” cuốn sách “Dự đoán theo Tứ trụ “ (NXB văn hóa thông tin, HN 1996) của mình, Thiệu Vĩ Hoa có viết: “Tứ trụ dự đoán học là một nhánh khoa học dự đoán thông tin dựa trên cơ sở Chu Dịch. “Chu Dịch” bát quái là khoa học dự đoán những thông tin không cố định của người và sự việc. Tứ trụ là khoa học chuyên dự đoán những thông tin cố định của con người. Nó vẫn lấy sự biến hóa của âm dương làm nguyên lý, lấy ngũ hành sinh khắc chế hóa làm qui tắc, lấy thời điểm ra đời của người làm căn cứ để đoán vận mệnh. Nó là môn khoa học dạy người ta hướng về điều tốt, tránh xa cái xấu”.
Đối với vấn đề bói toán, xin những cái đầu “duy vật nóng nảy” đừng vội phản bác, nó tồn tại được dẻo dai như thế là phải có một phần nào hợp lý đấy!
Chúng ta thừa nhận rằng quan niệm âm dương của người Trung Hoa cổ xưa chứng tỏ họ đã nhận thức được một đặc tính cơ bản và nổi trội của thế giới khách quan, đó là sự tương phản. Sự tương phản đó không phải bất động theo nghĩa như "mâu thuẫn cố định" mà biến hóa, không phải như chỉ có xung khắc, "mong" bài trừ nhau, mà còn có sự cần đến nhau, sự "cầu cạnh" lẫn nhau, và thực sự có sự chuyển hóa qua lại giữa các mặt tương phản nhau với nhau một cách sinh động. Điều đó tất yếu dẫn đến sự phát triển mở rộng quan niệm âm dương sơ khai ban đầu thành một học thuyết "bao trùm" ngày một hoàn chỉnh.
Có thể nói, Kinh Dịch xuất hiện trên cơ sở nền tảng đó với nhiệm vụ cụ thể hóa, hệ thống hóa thành một học thuyết triết học về Tự Nhiên Tồn Tại của người Trung Hoa thời xa xưa.
Tương tự, quan niệm Ngũ Hành xuất hiện cũng không phải tùy tiện, theo sở thích chủ quan “cho vui” của ai đó hoặc do sự mách bảo nào đó của Thượng Đế, mà phải từ sự nhận thức thế giới trước đó, dù sơ khai. Có thể cho rằng học thuyết Ngũ Hành là một cách nhìn khác, nhìn theo góc độ khác của người cổ xưa về hiện thực. Điều quan trọng bậc nhất là học thuyết Ngũ Hành cũng phản ánh được tính tương phản và nguyên lý chuyển hóa giữa các mặt ấy, tương tự như thuyết Âm Dương.
Từ đó, chúng ta thấy rằng cả hai thuyết ấy đều có thể đã xuất phát từ cùng một quan niệm đúng đắn cổ xưa hơn nữa, đều chứa trong lòng chúng không nhiều thì ít những hạt nhân hợp lý về nhận thức thực tại, và do đó giữa chúng có thể xây dựng được mối quan hệ qua lại, đồng thuận. Tương tự như quan niệm về tính thể hiện đồng thời hai mặt của Tự Nhiên Tồn Tại là vật chất và vận động hay chất và lượng, Âm Dương và Ngũ Hành cũng có thể được cho là sự thể hiện đồng thời của hai mặt ấy trước người Trung Hoa cổ xưa: vận động biến hóa và vật chất tương khắc, tương sinh. Trong cuốn “Chu Dịch vũ trụ quan” (NXB Giáo dục, Hà Nội - 1995), giáo sư Lê Văn Quán đã có một nhận xét khá xác đáng: “Thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ Hành phát triển đến đời Tần Hán đã có sự phân biệt rõ rệt. Thuyết Âm Dương thiên về nguyên lý sinh thành Vũ Trụ. Thuyết Ngũ Hành thiên về phân loại hiện tượng sự vật trong Vũ Trụ và hệ thống quan hệ giữa những thuộc tính. Hai cái đó hòa vào nhau và trở thành hệ thống giải thích hiện tượng sinh thành Vũ Trụ, cuối cùng hoàn thành từng bước ở đời Hán”.
***
Có người nhận định, nếu không phải là tất cả thì cũng hầu hết các học giả xưa nay đều cho rằng Kinh Dịch xuất hiện lúc đầu tiên chỉ là sách bói; dùng để bói toán. Theo chúng ta, nhận định như vậy là khiên cưỡng. Có thể thời đó người ta đã “vận dụng” bát quái để bói toán nhưng không phải bát quái sinh ra vì mục đích bói toán mà phải là do yêu cầu của nhận thức tự nhiên, phải là kết quả của quá trình làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn để phù hợp với thực tại hơn đối với nhận thức trước đó. Vì nguồn gốc xuất hiện của nó chính là quan niệm âm dương, được suy ra từ một quan niệm đúng đắn về Tự Nhiên, nên bản thân nó chí ít cũng phải chứa chấp đôi nét phản ánh nào đó của Tự Nhiên. Chẳng hạn, tiền bạc sinh ra để làm trung gian trao đổi sản phẩm; làm nên hiện tượng mua bán hàng hóa. Nhu cầu phát sinh trong việc chi trả, lưu, giữ trong mua bán hàng hóa làm xuất hiện ra đồng xu. “Tiện thể” có đồng xu, người ta dùng luôn nó trong việc xin quẻ để bói, chứ không phải người ta làm ra đồng xu với mục đích đầu tiên là để bói. Hoặc loại bài “tú lơ khơ” (porker), người ta nghĩ ra nó để vui chơi giải trí. “Nào ngờ” một “thiên tài” nào đó đã có sáng kiến dùng nó để bói luôn. Chúng ta ai cũng biết cụ Nguyễn Du sáng tác ra “Truyện Kiều” đâu phải để phục vụ cho bói toán, ấy vậy mà vẫn xuất hiện kiểu bói gọi là “bói Kiều”.
Vậy thì sự biến đổi từ âm dương lên bát quái (và sau này là lục thập tứ quái) phải là một sự suy diễn của con người thời kỳ cổ xưa khi quan sát, cảm nhận hiện thực về một thể hiện nào đó của thực tại khách quan. Cái “thể hiện nào đó” ấy, phải chăng là sự kết hợp, chuyển hóa giữa hai lực lượng tương phản trong thiên nhiên, làm hình thành nên vạn vật - hiện tượng?
Từ những suy tưởng ở trên, chúng ta đi đến nhận định: những biểu hiện tương phản trong thiên nhiên như nóng - lạnh, sáng - tối, mưa - nắng, trời cao - đất thấp…, và trong đời sống như đực - cái, trai - gái, già - trẻ, sống - chết…, đã làm nảy sinh khái niệm âm - dương trong nhận thức. Âm dương bát quái chính là học thuyết Âm Dương thuở sơ khai, hay nói bóng bẩy là thời thơ ấu của học thuyết Âm Dương. Đó cũng là nội dung đích thực của Kinh Dịch thuở ban đầu, mà chính những hiền triết thuộc hàng tiền bối của Đạo Gia (trước Lão Tử) đã san định, khi mà việc “viết lách” còn nhiều hạn chế.
Ngoài cái nội dung đích thực, cơ bản đó, thời Tây Chu đã thêm cho Kinh Dịch nội dung dùng để phục vụ bói toán nữa, nhưng ý nghĩa của các quẻ bói có lẽ vẫn còn rất đơn giản, đại loại như: tốt hay xấu, nên làm hay không nên làm, lợi hay hại, đi hay không nên đi, may hay rủi, mưa hay không mưa…
Triết thuyết của Lão Tử là sự kế thừa và phát huy cực kỳ xuất sắc các nội dung triết học đúng đắn của Kinh Dịch thuở đầu tiên ấy. Theo thời gian, các hiền triết thuộc phái Đạo Gia tiếp tục giúp cho Kinh Dịch tiếp tục phát triển: làm cho nó thâm hậu thêm, mở rộng ý nghĩa hơn và có thêm một phần nữa là Dịch Truyện.
Hầu như mọi người cho rằng Kinh Dịch thể hiện đồng thời nhiều hệ tư tưởng, nhưng theo chúng ta hiểu về triết học Hoàng Lão thì thực ra Kinh Dịch chính là sự gửi gắm hệ tư tưởng của Đạo Gia phái. Ở đây, để cho rõ hơn, có một chú ý nhỏ thế này: nếu không có quan niệm “cột trụ kiên cường”, “thấy không làm được mà vẫn làm” thì dễ thấy rằng Nho Gia (chưa phải Nho Giáo) đã "học hỏi" rất nhiều từ quan niệm "gốc" về tự nhiên của Đạo Gia, mà lúc ban đầu "nó" cứ như chỉ là một bộ phận lý luận có phần sáng tạo thêm "ngoài lề" về nhân sinh - hành vi của đạo ấy.
Có thể thấy rằng trong suốt thời Xuân Thu - Chiến Quốc, người của Đạo Gia phái đã là những tác giả làm công việc chồng quái, luận giải, bổ sung để Kinh Dịch thời kỳ đầu trở thành bộ sách vừa triết vừa bói hết sức kỳ lạ và đầy vẻ huyền bí đối với chúng ta ngày nay. Và họ làm như thế nhiều khả năng là để phục vụ cho mục đích “minh chứng” cho triết lý Đạo Gia mà thôi.
Đến đây, chúng ta lại nhớ đến một Quỉ Cốc tiên sinh, một “Vô tự đại thư”, không màng danh vọng mà danh vọng còn lừng lẫy âm vang đến tận ngày nay và có lẽ đến mãi mãi mai sau. Không biết ông có dự phần nào vào việc xây dựng Kinh Dịch không? Chúng ta sẽ rất lấy làm thích thú nếu ông là người làm cái công việc chồng quái rất “đáng nể” ấy. Nhưng nhiều khả năng hơn phải là Bá Dương Phụ. Vì chỉ như thế thì Kinh Dịch mới đủ “nhiều” để Khổng Tử “nghiên cứu” đến sách phải rách bìa da đến ba lần! Còn Văn Vương thì theo chúng ta nghĩ, không có “cửa” để làm được việc ấy mà chỉ có thể may ra là người cụ thể hóa bát quái từ Lạc Thư để ứng dụng vào quân sự (lập nên Bát quái trận đồ!?). Phải chăng, Văn Vương là người sáng tạo ra bát quái, về sau, khi bát quái lan truyền phổ biến trong xã hội như một cách bói, thì các hiền triết thuộc phái Đạo Gia đã ứng dụng nó mà "trước tác" nên những nét cơ bản đầu tiên của Kinh Dịch, nhằm giải thích Vũ Trụ theo quan niệm của họ?
Chúng ta phán đoán về người chồng quái, chỉ cho vui thế thôi chứ không cố ý “lập công”. Mục đích của chúng ta không phải là tạo dựng lại lịch sử mà chỉ là đi “bới móc” lịch sử để tìm ngọc quí và cũng chỉ quí đối với chúng ta thôi. Do đó đối với chúng ta, ai là người chồng quái, chẳng quan trọng gì, mà chỉ muốn biết người xưa, dựa vào ý tưởng nào mà lại nhào nặn ra bát quái từ âm - dương để có quái mà chồng.
Chúng ta viết cái ý thắc mắc đó dưới dạng một câu hỏi thế này:
"Nghĩ kiểu quái gì mà có quái từ âm - dương và lấy quái chồng lên quái để làm quái gì?"
Câu hỏi đó có khó trả lời không? Phải nói là rất khó vì chúng ta chưa thấy ai trả lời cả! Hay là nó “chẳng ra cái quái gì cả” nên chẳng ai thèm bận tâm trả lời làm quái gì!?
Chúng ta sẽ cố gắng tự trả lời câu hỏi “quái quỉ” đó vì… danh lợi; được danh là kẻ đầu tiên trả lời và được lợi là thỏa chí tò mò “khủng khiếp”! Nhưng để trả lời được, chúng ta phải nâng trạng thái tâm thần của chúng ta lên đến… hoang tưởng cực độ! Nhờ có “khí công thiền pháp”, chúng ta đã “vận khí” để đạt đến cõi “mơ mơ hồ hồ” mà Lão Tử từng dạy. Từ cõi ấy, nhờ có “công phu thượng thừa” học lóm được của Nghiêm Tân trong “Hoa Hạ thần công”, chúng ta đã tới được trạng thái mong muốn là hoang tưởng như một nhà thông thái thuộc triết phái duy tồn. (Tiện đây, chúng ta xin có ý kiến rằng khí công là một phương pháp dưỡng sinh kỳ diệu, đồng thời nó chính là chiếc cầu nối giữa chiêm nghiệm và thường thức; giữa thế giới thường nhật và thế giới vi diệu. Ai đến được với khí công, người đó sẽ bớt buồn khổ đi rất nhiều, thật đấy! Còn không tin thì… thôi!).
Ở trạng thái vừa đạt được nói trên, bây giờ chúng ta không là chúng ta nữa mà là nhà thông thái (viết tắt NTT). NTT bắt đầu “làm việc”.
Đầu tiên, NTT nhìn ra thế giới trầm ngâm: vạn vật chẳng có cái nào giống hệt cái nào cả. Cùng là cây cối mà cây nào cũng khác cây nào. Cây thì to, cây thì nhỏ, cây thì đeo bám ngoằn ngoèo, cây lại mọc thẳng đứng, cây thì gọi là lê, cây lại gọi là táo, dù hai cây đều gọi là táo cả thì cũng chẳng giống hệt nhau được. Ở loài động vật cũng vậy: cùng là động vật bốn chân nhưng con này gọi là dê thì con kia gọi là ngựa, cùng là ngựa cả nhưng con thì có lông vàng, con lại đen và có cả những con loang lổ, cùng là ngựa đen (gọi là ngựa ô) nhưng con tai to, con tai nhỏ, con lùn, con cao… Nói chung vạn vật là phân biệt được với nhau, tuy có những bộ phận giống nhau mặt này mặt kia nhưng không bao giờ giống hệt nhau được nếu xét trên mọi phương diện. NTT lấy làm lạ rằng không lẽ trên đời này với hằng hà sa số vạn vật lại không thể nào có hai vật giống nhau như đúc? Hay tại quan sát chưa hết? NTT bèn giả sử rằng vẫn có hai vật giống nhau tuyệt đối. Nếu hiện tượng đó không xảy ra trong thế giới khách quan thì cũng có thể, nhờ vào ý chí, cho nó xuất hiện trong não, nghĩa là trong tưởng tượng. Và NTT bắt đầu tưởng tượng. Tưởng tượng một lúc lâu, mồ hôi đầm đìa mà NTT vẫn không làm sao thấy được hai vật giống nhau tuyệt đối vì dù có thể hình dung được ra hai điểm giống nhau tuyệt đối về hình dạng, kích thước thì vẫn là… hai điểm khác nhau về vị trí của chúng trong không gian. Nếu cho chúng trùng nhau để triệt tiêu cái khác nhau cuối cùng ấy thì chỉ còn lại một điểm, điểm kia “hy sinh” đâu mất, do đó không thể nào bàn về sự giống nhau tuyệt đối của hai điểm được nữa. NTT “à” lên một tiếng, gật gù ra tuồng đã hiểu: vạn vật vừa giống nhau, vừa khác nhau một cách tương đối, không thể có sự giống nhau hay khác nhau tuyệt đối.
NTT hí hửng "thừa thắng" nhận xét tiếp: sự đa dạng phong phú của vạn vật hiện tượng như là sự thể hiện tính đầy đủ của Vũ Trụ, không có cái gì là không có, có cái này thì cũng có cái kia, có đầy đủ thì cũng có vơi hụt, có dư thì cũng có thiếu, có tròn thì có méo, có dài thì có ngắn, có to thì có nhỏ, có cao thì có thấp, có đực thì có cái, có thực thì có ảo… Trong quá trình quan sát, NTT cũng thấy đúng là như vậy. Sự phơi bày của hiện thực đã “chứng giám” tính đúng đắn của nhận xét: Vũ Trụ là đầy đủ.
Cái phát kiến về sự đầy đủ của Vũ Trụ tưởng làm cho NTT vui mừng, nhưng không, trái lại, đã làm cho ông ta băn khoăn. Nếu cho rằng Vũ Trụ là đầy đủ thì nó phải có tất cả. Nhưng có tất cả hình như vẫn chưa… đầy đủ. Vì đầy đủ là có cái này thì phải có cái kia nên nếu “có tất cả” thì cũng phải có “không có gì”. Để cố “nuốt trôi” được “món” đó, NTT đành tìm kiếm sự tương tự trong thực tiễn xung quanh và bất chợt nhìn thấy một trái táo tròn trịa, chín tới, tươi nguyên, thơm phức… nói chung là một trái táo hoàn hảo đang treo trên cành. Trái táo đó có phải là trái táo làm nên định luật vạn vật hấp dẫn bất hủ không? Chắc là không vì nó chưa… rơi! NTT nghĩ thoáng qua một cách vô bổ như thế, mỉm cười thư giãn một tý, rồi tiếp tục suy luận. Nếu so với những tiêu chuẩn đánh giá một trái táo chín hoàn hảo thì nó được gọi là đầy đủ vì thỏa mãn mọi yêu cầu. Nhưng nếu đem so sánh trái táo đó với “tiêu chuẩn chất lượng” của một viên gạch hoàn hảo thì nó “chả là cái quái gì cả” hay nói nó “không gì cả” đối với “họ nhà gạch”. Đến đây, NTT chưng hửng một cách thích thú: quan niệm khó nuốt, nếu biết cách nuốt thì cũng nuốt được dễ dàng! Thế rồi, không một áp lực, không một gượng ép, NTT hồn nhiên thốt ra một chân lý giản dị và trong sáng: Vũ Trụ là đầy đủ, vì là đầy đủ nên nó vừa có tất cả vừa không có gì cả, là cả hai mà cũng không phải cả hai!...
Mặt khác, nhìn vào hiện thực, NTT còn thấy một điều rất phổ biến là theo một phương diện nào đó, với một qui ước nào đó, đều có thể phân chia vạn vật hiện tượng thành những lực lượng trái ngược nhau. Chẳng hạn, có trời cao thì trái ngược với nó là đất thấp, có béo thì phải có gầy, có nắng thì phải có mưa, có đực thì phải có cái, có Đông thì phải có Tây, có nóng thì phải có lạnh, có thực thì phải có ảo, có ngoài thì phải có trong, có Vũ Trụ thì phải có cái tôi… Hiện tượng như thế, NTT gọi là sự tương phản và suy ra sự tương phản chính là biểu hiện rõ nhất về cái đặc tính đầy đủ của Vũ Trụ.
Để phân biệt được hai thế lực, hiện tượng hay hai mặt lập nên sự tương phản của nhau, NTT đưa ra hai khái niệm đã được dân tộc Trung Hoa khái quát hóa là “âm” và “dương” và thấy rằng trước nhận thức, xét theo biểu hiện tương phản của vạn vật hiện tượng, một Vũ Trụ đầy đủ có thể được phân ra thành hai nửa âm và dương. Nếu tổng hợp đơn thuần chúng lại theo từng cặp âm - dương thì hai lực lượng tương phản ấy sẽ mất đi (sự biểu hiện tương phản sẽ mất đi chứ Vũ Trụ vẫn còn đó!). Trong cơ học, có thể thấy hiện tượng triệt tiêu tương phản khi tổng hợp hai tương phản với nhau. Chẳng hạn hai khối lượng m có hai vận tốc lần lượt là v và -v (là tương phản hay gọi là ngược chiều của v). Khi ta tổng hợp hai vận tốc đó với nhau (trên lý thuyết, hay cộng toán học đơn thuần) sẽ không còn thấy sự tương phản vận tốc nữa, chúng đã bị triệt tiêu (nhưng tổng lực lượng vật chất thì vẫn còn đó: khối lượng hợp thành vật mới bằng 2m).
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét