CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 336

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Chuyện tình báo Trung Quốc của con trai GS Hồ Ngọc Đại, cháu ngoại TBT Lê Duẩn giờ mới được phơi bày

Vị tướng tình báo Việt Nam không quân hàm là ai?

Thứ bảy, ngày 22/08/2020 10:34 AM (GMT+7)
Aa Aa+
Ông là nhà tổ chức tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Khi đó, ông đã 90 tuổi. Người nhỏ, hao gầy, đầu đội mũ len mỏng, ông đến trại viết bằng xe lăn. Ông không lên bục, các nhà văn dự trại kẻ đứng người ngồi vây quanh, háo hức và say mê nghe ông nói chuyện bằng giọng đã không tròn, chậm nhưng vẫn rõ, suốt 2 giờ liền.
Ông mở đầu: "Chúng ta không nên đề cập đến công tác an ninh bằng cách nói về lực lượng an ninh, về chiến công. Tốt nhất, chúng ta nên tìm hiểu kỹ về đối phương. Đừng bao giờ đánh giá thấp đối thủ, hãy tôn trọng họ. Biện pháp, cách thức đấu tranh, đấu trí chỉ mở ra khi ta hiểu rõ họ, còn đối phương thì tin ta nói thật, tôn trọng ta".
Câu chuyện của ông bắt đầu từ tháng 6/1956. Sau khi được Trung ương phân công vào miền Nam thiết lập, chọn người, huấn luyện, tổ chức và chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược ở miền Nam, chưa lâu, ông Mười Hương bị địch bắt.
Theo lệnh của Ngô Đình Nhu, địch đưa ông về giam lỏng (nhưng canh phòng rất nghiêm ngặt) luân chuyển ở một số nơi trong thành phố Huế. Gần như các hoạt động yêu nước, vai trò của ông từ khi gia nhập Đảng Cộng sản năm 1943, địch đều cơ bản nắm hết. Chỉ riêng vai trò nhà tổ chức mạng lưới tình báo ở miền Nam, chúng rất nghi nhưng không đủ bằng chứng.




Vị tướng tình báo không quân hàm - Ảnh 1.
Ông Mười Hương. (Ảnh Trần Trí Dũng).
Khi chúng hỏi, ông nhận hết tất cả những gì đối phương đã biết: là Đảng viên Cộng sản, hoạt động chống Pháp, được phân vào Nam nhưng chưa nhận vai trò công việc cụ thể thì bị bắt. Trong tất cả các cuộc thẩm vấn, ông luôn nhấn mạnh niềm tin vào ý thức hệ cộng sản của mình.
Trình độ, khả năng kiến giải, phân tích chính trị của ông quá sắc sảo cho nên phía tình báo và chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị đẩy vào thế lúng túng. Thay vì khai thác để nắm được những bí mật chiến lược từ nhà tình báo đối phương đã bị bắt, họ bị sa vào cuộc tranh luận chính trị mà ông nắm chủ động. Các cuộc thẩm vấn cứ tăng dần cấp độ. Sau 4 tháng, nó được đẩy đến mức cao nhất. Chính Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của miền Nam quyết định trực tiếp đối thoại, tranh luận với ông, thay vì thẩm vấn.
Cuộc đối thoại diễn ra tại căn phòng lớn trong nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn dựng ở cửa biển Thuận An. Khi ông được Lê Khắc Duyệt, Giám đốc Nha công an miền Trung đưa xe do tài xế tên Dư đưa đến nơi, trong phòng đã có cố vấn Ngô Đình Nhu, "chúa tể" miền Trung Ngô Đình Cẩn, Hà Thúc Luyện tỉnh trưởng Thừa Thiên, Hồ Đắc Hương... đại biểu Trung phần chờ đợi sẵn.
Điềm tĩnh, khá lạnh lùng, không chờ đối phương hỏi, ông Mười Hương chủ động vào đề ngay. Ông khẳng định: "Tôi ở đây vì tôi là người bị các ông bắt. Vì tôi là Cộng sản, vì tôi là người yêu nước, đối lập ý thức nên các ông coi tôi là người có tội. Nhưng tôi là người không có tội. Tôi ở đây là để vận động quần chúng đòi thi hành Hiệp định Geneve. Việc này đúng tinh thần đã thỏa thuận, không có gì gọi là gây bất ổn cả. Các ông cũng đã thừa nhận chúng tôi là những người yêu nước, vậy thì bắt tôi vì lý do gì?".
Ngô Đình Nhu là người thâm trầm. Ông ta không hề ngắt lời ông Mười Hương. Chỉ khi ông Mười hỏi ngược lại, ông cố vấn chính trị miền Nam mới trả lời, phản bác. Những người khác chỉ dự khán. Ông Nhu bảo: "Nếu thật tâm yêu nước, các anh đã không chống lại chúng tôi. Một người tầm cỡ như anh, chắc không phải có mặt ở miền Nam chỉ để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Cách yêu nước theo con đường Cộng sản của các anh là sai lầm, không thể thành công được"(!)
Trò chuyện đến gần nửa đêm, câu chuyện ngày càng có xu hướng mở đề tài ra quá rộng, không đạt được điều gì trong mục đích khai thác ý đồ, chủ trương của "Cộng sản Bắc Việt". Cuối cùng, chính người tù đang bị giam lỏng phải mở lối thoát.
Ông Mười Hương nhận xét như kết luận: "Chúng ta đều có những quan niệm, niềm tin khác nhau. Nếu còn tiếp tục tranh luận, chưa phải các ông đã chịu tôi đâu. Các ông cũng chưa có điều gì thuyết phục tôi được cả. Có lẽ chúng ta sẽ còn phải đối thoại nhiều. Hôm nay đã khuya rồi, kéo dài cũng không đi đến đâu".
Ngầm ý, ông muốn kết thúc câu chuyện, đồng thời tỏ thái độ bình thản đương đầu với thời gian giam cầm có thể sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Ngô Đình Nhu đồng ý, cho xe đưa ông về.
Ngay sau đó, theo lệnh của Ngô Đình Nhu, các cuộc thẩm vấn có tính đe dọa, trấn áp không còn nữa. Thay vào đó, Ngô Đình Nhu đã cho chuyển vào tận nơi giam một số sách báo, kể cả theo yêu cầu, để ông Mười Hương cập nhật tin tức. Đầu tháng 11/1956, đích thân ông Nhu lại đến tận nơi giam thăm, mang cho ông một chiếc radio của Nhật, bảo: "Anh thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, anh tự nghe đi".
Thời sự quốc tế nóng hổi là ngày 4/11/1956, Liên Xô đưa xe tăng và một lực lượng quân sự lớn tiến vào thủ đô Budapest thực hiện "Chiến dịch bão lốc" (Operation Whirlwind) để đập tan những kháng cự có vũ trang do đảng nông dân nghèo độc lập mới thành lập chống lại Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary và chính phủ Hungary thân Liên Xô.
Dưới sự chỉ huy của Thượng tướng MarshalIvan Konev, 5 sư đoàn Liên Xô được yểm trợ thêm bởi 15 sư đoàn nữa của một số nước trong Khối Warszawa đã tiến vào Budapest. Giao tranh ác liệt. Quân tấn công không thể phân biệt được rõ đâu là những người nổi dậy vũ trang, đâu là dân thường nên đã gây nhiều thương vong, thiệt hại cho người dân. Trên 2.500 người Hungary và 722 lính Liên Xô đã bỏ mạng và hàng ngàn người bị thương. Không chống nổi, sau 1 tuần, ngày 10/11/1956, quân nổi dậy phải hạ vũ khí...
Đúng hôm đó, Ngô Đình Nhu quay lại. Ông ta bảo: "Các anh tôn thờ Chủ nghĩa Cộng sản, tin tưởng vào Liên Xô. Anh thấy đấy, họ sẵn sàng can thiệp vũ trang, gây thiệt hại cho nhân dân nước đồng minh. Liệu đó có phải là phương cách đáng tin cậy?".
Rất điềm tĩnh, ông Mười Hương bảo: "Anh nói đúng, nhưng là đúng với trường hợp Liên Xô, không hoàn toàn đúng với Chủ nghĩa Cộng sản, càng không đúng với Việt Nam chúng ta. Chúng tôi đang đấu tranh, chính là để những điều tương tự không có cơ hội xảy ra trên đất nước này. Chúng tôi chống Pháp, và giờ là chống Mỹ. Hẳn là anh cũng không mong một ngày Mỹ sẽ đưa quân vào Việt Nam với danh nghĩa nào đó, kiểu như chống lại những người Cộng sản đang đối lập ý thức hệ với thể chế miền Nam. Đúng chứ? Vậy chúng tôi có gì sai?".
Ông Nhu im lặng, không nói gì. Sau này, ông Nhu có quay lại thăm vài lần, có cho biết: "Tôi đang cho soạn "Chính đề Việt Nam". Nhiều ý kiến của anh rất đáng tham khảo để đưa vào "Chính đề".
Từ những cuộc thảo luận trong thời gian bị cầm tù, nhà tình báo Trần Quốc Hương đã có những tác động nhất định lên tận đầu não chính trị của nền Đệ nhất Cộng hòa.
Nhưng cũng phải mất gần 6 năm, không thêm được điều gì, Ngô Đình Nhu mới cho thả Trần Quốc Hương. Trong thời gian bị giam lỏng, những cuộc tiếp xúc kín đáo với một học trò là nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, ông Mười Hương cũng đã kịp chỉ đạo nhiều kế sách. Ông Vũ Ngọc Nhạ sau đó đã "trèo sâu, leo cao" vào bộ máy chóp bu của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, vừa tác động vào quyết sách quốc gia, vừa thu thập chuyển về Trung ương được nhiều nguồn tin tình báo chiến lược có giá trị.
Trước khi bị địch bắt, từ năm 1955, ông Trần Quốc Hương cũng đã kịp chỉ đạo, vạch chiến lược để một nhà tình báo xuất sắc khác là Lê Hữu Thúy sớm lọt vào bộ máy chính quyền miền Nam. Ở tuổi 25, ông Thúy đã được Ngô Đình Diệm mời làm Bộ trưởng. Nại tuổi đời còn ít, thiếu kinh nghiệm chính trị, ông Thúy từ chối, chỉ nhận hàm Thứ trưởng, hoạt động rất hiệu quả.




Vị tướng tình báo không quân hàm - Ảnh 2.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng TW Đảng Nguyễn Văn Nên trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Trần Quốc Hương. (Ảnh Trần Trí Dũng).
Cùng thời điểm, một học trò tình báo do ông Trần Quốc Hương huấn luyện đã phát huy tác dụng, hoạt động ngay từ những ngày đầu đất nước mới bị chia cắt hai miền. Từ một Trung đoàn trưởng kháng chiến "bỏ về thành", Phạm Ngọc Thảo đã thăng tiến rất nhanh trong màu áo sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Từ một giảng viên Trường tham mưu, ông Thảo đã được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (1960), có những đóng góp rất quan trọng cho Cách mạng miền Nam giai đoạn Đồng khởi và sau đó nữa.
Chính quyền miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm tháng 11/1963 bước vào một giai đoạn cực kỳ rối ren. Các phe nhóm tướng lĩnh liên tục chia rẽ, hạ bệ lẫn nhau để tranh quyền lực và ngày càng dựa vào Mỹ, quyết liệt chống Cộng.
Trước tình hình đó, ngày 19/2/1965, Đại tá Phạm Ngọc Thảo cùng thiếu tướng Lâm Văn Phát, đại tá Bùi Dzinh và trung tá Lê Hoàng Thao đã quyết định điều một số đơn vị mà họ nắm cùng 45 xe tăng, thiết giáp làm binh biến, quyết tâm bắt sống Quốc trưởng Nguyễn Khánh, thay đổi nội các chống nguy cơ chính quyền Việt Nam Cộng hòa đồng ý để Mỹ đổ quân vào tham chiến ở miền Nam, gây đại họa cho nhân dân và phong trào Cách mạng, kéo dài mục tiêu thống nhất đất nước.
Cuộc binh biến bất thành, 20 giờ cùng ngày, ông Thảo tuyên bố chấm dứt. Trên tờ Việt Tiến in bí mật, với bút danh Lê Minh, ông viết: "Chúng tôi vì không muốn đổ máu mà hơn nữa ngay từ phút đầu đã thấy có sự chia rẽ và tranh giành nhau, nên tôi đã cho lệnh chấm dứt cuộc chính biến vào lúc 20 giờ ngày 19/2 và coi như 20 giờ làm chủ thủ đô đã chấm dứt".
Sau một thời gian bỏ trốn, Phạm Ngọc Thảo đã bị phía quân đội Sài Gòn bắt và thủ tiêu.
Một học trò xuất sắc khác của Trần Quốc Hương là nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Từ trước khi bị giam ở Huế, phát hiện ra những phẩm chất nổi trội của Phạm Xuân Ẩn, ông Trần Quốc Hương đã cùng một lãnh đạo an ninh lão luyện là ông Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống) lên kế hoạch đưa ông Ẩn sang Mỹ học báo chí, tạo vỏ bọc sau đó quay về nước hoạt động. Là một nhà tình báo vĩ đại, nhưng mãi nhiều năm sau giải phóng, đã công khai mang quân hàm thiếu tướng, ông Ẩn mới khiến những người "bạn" trong chế độ cũ ngã ngửa nhận ra là sĩ quan tình báo Cộng sản. Dù vậy, với ông, họ vẫn luôn là bạn bè chí tình đúng nghĩa.
Trừ ông Lê Hữu Thúy mang quân hàm đại tá, những học trò tình báo xuất sắc còn lại của ông Trần Quốc Hương như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn... sau này đều được phong thiếu tướng. Nhưng riêng mình, ông Trần Quốc Hương chưa từng mang bất kỳ quân hàm nào. Nghề tình báo, dù là bậc thầy, thầy của các thầy, các tướng, với ông cũng chỉ là thiên bẩm. Bản thân ông không hề được đào tạo qua trường lớp hay giáo trình tình báo nào. Cơ duyên bắt đầu từ khi ông gặp ông Trần Hiệu từ năm 1949.
Ông Trần Hiệu, một trong những điệp viên được tình báo Anh huấn luyện từ đảo Madagascar (Nam Phi) và cho nhảy dù về biên giới phía Bắc từ trước Cách mạng Tháng 8/1945, từ đó tham gia Cách mạng, hoạt động suốt đời trong nghề tình báo. Sau này, ông là Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục tình báo Bộ Quốc phòng. Ông Trần Hiệu đã phát hiện, mời ông Trần Quốc Hương vào "nghề". Và từ đó, họ đều trở thành những bậc thầy kiệt xuất.
Vị tướng không mang quân hàm Trần Quốc Hương sau này đã giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Ông được biết đến như một nhà lãnh đạo xuất sắc. Sinh năm 1924 quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, tham gia Cách mạng từ năm 1937, cuộc đời ông đã thành huyền thoại. Suốt đời "dĩ công vi thượng", còn nhiều quãng lặng khác trong đời ông, chắc phải nhiều pho sách mới có thể tải hết. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 tuổi Đảng.
Ngày 11/6/2020, ông tạ thế, thọ 96 tuổi.
Xin nghiêng mình vĩnh biệt một nhà tình báo tài ba, một người con trung hiếu của dân tộc.
Nguyễn Hồng Lam (Theo An Ninh Thế Giới)



Rúng động vụ FBI giăng bẫy bắt một cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc

Thu Thủy |



Rúng động vụ FBI giăng bẫy bắt một cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc
Việc các cựu nhân viên CIA phản bội,hoạt động gián điệp cho Trung Quốc là vấn đề khiến tình báo Mỹ đau đầu (Ảnh: The Hill).

Hôm thứ Hai (17/8), một cựu nhân viên của Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã bị cơ quan pháp luật Mỹ cáo buộc phạm tội bán bí mật cho Trung Quốc. Người này đã bị FBI giăng bẫy bắt giữ tại Honolulu, Hawaii hôm 14/8.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 18/8, Mã Ngọc Thanh (tên tiếng Anh Alexander Yuk Ching Ma) từng là nhân viên Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã đồng mưu phạm tội cùng một người họ hàng.
Người họ hàng này cũng là một cựu nhân viên CIA và có quyền truy cập vào những bí mật hàng đầu. Cả hai đã đồng mưu bán các bí mật của Mỹ cho các nhân viên tình báo Trung Quốc.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ, Mã Ngọc Thanh, 67 tuổi, là một cựu nhân viên CIA và bị bắt vào ngày 14/8/2020. Hồ sơ hình sự chống lại ông ta đã được mở niêm phong vào ngày 17/8.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp về An ninh Quốc gia John Demers, Công tố viên khu vực Hawaii Kenji Price, Trợ lý Giám đốc Bộ phận phản gián của FBI Alan Kohler và nhân viên Văn phòng FBI Honolulu Eli Miranda đã cùng thông báo tin này.
Rúng động vụ FBI giăng bẫy bắt một cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc - Ảnh 1.
Mã Ngọc Thanh gặp gỡ các nhân viên tình báo Trung Quốc tại Hồng Kông nhận nhiệm vụ tháng 3/2001 (Ảnh: Đông Phương).
Mã rời CIA vào năm 1989, sống và làm việc ở Thượng Hải, sau đó đến sống ở Hawaii vào năm 2001.Mã Ngọc Thanh 67 tuổi, là một công dân Mỹ nhập tịch năm 1968, sinh ở Hồng Kông.
Theo tài liệu của tòa án, Mã bắt đầu làm việc trong CIA từ năm 1982, có quyền truy cập vào các bí mật hàng đầu, đã ký nhiều cam kết bảo mật, trong đó có cam kết sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật của chính phủ Mỹ trong và sau thời gian làm việc tại CIA.
Thông đồng với người thân, gặp gỡ nhiều quan chức Trung Quốc
Theo tài liệu của tòa án, trong vòng 10 năm, Mã Ngọc Thanh và một người thân (được xác định là kẻ chủ mưu số 1) đã thông đồng với nhau và âm mưu liên lạc với nhiều quan chức tình báo của Trung Quốc.
Kế hoạch đánh cắp bí mật này bắt đầu trong một cuộc gặp với ít nhất 5 nhân viên tình báo Trung Quốc kéo dài ba ngày tại một khách sạn ở Hồng Kông vào tháng 3/2001.
Trong thời gian này, hai cựu nhân viên CIA đã cung cấp cho các cơ quan tình báo Trung Quốc các thông tin về danh sách điệp viên CIA, các hoạt động và phương thức liên lạc bí mật.
Một phần của cuộc họp được ghi hình và đoạn video cho thấy Mã đã cung cấp bí mật cho các nhân viên tình báo Trung Quốc, sau đó nhận 50.000 USD tiền mặt rồi đếm tiền.
Các tài liệu của tòa án còn cáo buộc sau khi chuyển đến Hawaii sống, ông ta bắt đầu tìm cách làm việc với FBI để tiếp tục lấy các thông tin mật của chính phủ Hoa Kỳ, những thông tin này có thể được cung cấp cho người chủ quản Trung Quốc của anh ta.
Năm 2004, Văn phòng Honolulu của FBI đã thuê Mã làm chuyên gia ngôn ngữ theo hợp đồng, phụ trách việc xem xét và dịch các tài liệu tiếng Trung.
Các tài liệu của Bộ Tư pháp cho thấy trong 6 năm sau đó, Mã Ngọc Thanh thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp các tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ có dấu mật; bao gồm cả việc sử dụng máy tính của FBI để ghi các tài liệu liên quan đến hệ thống dẫn đường tên lửa vào đĩa CD và sử dụng máy ảnh kỹ thuật số để chụp ảnh các tài liệu mật.
Mã thường đến Trung Quốc, mang theo một số tài liệu và hình ảnh đánh cắp được để cung cấp những tài liệu và hình ảnh này cho người nhận là quan chức tình báo Trung Quốc. Mã cũng thường mang về hàng nghìn USD tiền mặt và những món quà đắt tiền từ Trung Quốc, chẳng hạn một bộ gậy đánh gôn hàng hiệu.
Theo tài liệu của tòa án, vào mùa xuân năm 2019, một đặc vụ ngầm của FBI đã thuyết phục để Mã tin người này là một nhân viên tình báo của Trung Quốc.
Trong hai lần gặp gỡ, Mã đã xác nhận các hoạt động gián điệp của mình với người mật vụ và nhận 2.000 USD tiền mặt của FBI. Mật vụ FBI nói với Mã số tiền này chỉ là "món quà nhỏ" để cảm ơn anh ta vì đã giúp đỡ Trung Quốc.
Theo tài liệu của Bộ Tư pháp, Mã cũng đề xuất tiếp tục làm việc cho cơ quan tình báo của Trung Quốc một lần nữa. Vào ngày 12/8/2020, trước khi bị bắt, ông ta đã có một cuộc gặp với đặc vụ chìm của FBI, ông ta lại nhận số tiền do đặc vụ ngầm đưa cho và bày tỏ nguyện vọng "tiếp tục giúp đỡ chính quyền Trung Quốc".
Rúng động vụ FBI giăng bẫy bắt một cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc - Ảnh 3.
Mã Ngọc Thanh đếm tiền sau khi nhận 50 ngàn USD từ quan chức tình báo Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ: những người này là vật hy sinh
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp John Demers cho biết: "Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Điều đáng buồn là, các cựu nhân viên tình báo Mỹ đã phản bội các đồng nghiệp, đất nước và các giá trị tự do, dân chủ để ủng hộ chế độ Trung Quốc".
Ông nói rằng, cho dù bây giờ hay nhiều năm sau, khi những người này nghĩ rằng họ đã trốn thoát, Bộ Tư pháp đều sẽ tìm ra những kẻ phản bội này và đưa họ ra trước công lý.
"Đối với tình báo Trung Quốc, những người này là vật hy sinh. Đối với chúng ta, họ là những người đáng buồn, nhưng họ cũng khẩn thiết nhắc nhở rằng chúng ta cần phải cảnh giác", Demers nói.
Công tố viên Kenji Price cho biết: "Các cáo buộc được công bố hôm nay gây sốc và nhắc nhở cộng đồng chúng ta ở Hawaii về mối đe dọa tiếp tục được những người cố gắng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng ta gây ra thông qua hoạt động gián điệp".
"Điều đặc biệt quan tâm là hành vi phạm tội của các nhân viên phục vụ trong giới tình báo Hoa Kỳ. Họ đã chọn cách phản bội đồng nghiệp cũ và toàn bộ đất nước bằng cách làm rò rỉ thông tin mật quốc phòng cho Trung Quốc. Văn phòng của tôi sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh chống hoạt động gián điệp", Price nói.
Ông Alan Kohler, Trợ lý giám đốc về phản gián của FBI, nói: "Hành động gián điệp nghiêm trọng này là một ví dụ về một loạt các hoạt động bất hợp pháp do Trung Quốc tiến hành chống lại Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hoa Kỳ".
"Vụ án này cho thấy bất kể thời gian điều tra dài hay ngắn và độ khó của đến đâu, những nam nữ nhân viên của FBI sẽ nỗ lực không ngừng để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta trước các mối đe dọa từ các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Mọi hành vi phản bội nước Mỹ, không cần biết tội ác của họ sau bao nhiêu năm mới bị phanh phui, đều sẽ phải đối mặt với công lý", ông nói.
Quan chức chi nhánh FBI Honolulu Eli Miranda nói, những vụ án này rất phức tạp, phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới khép lại, nhưng để đảm bảo an ninh quốc gia, FBI sẽ không bao giờ cho qua.
Rúng động vụ FBI giăng bẫy bắt một cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc - Ảnh 5.
Lý Chấn Thành, cựu nhân viên CIA nhận án tù 19 năm tháng 11/2019 vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Sing Tao).

Mức án tối đa là tù chung thân
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Mã Ngọc Thanh sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ của Tòa án bang Hawaii vào thứ Ba (18/8). Ông ta bị cáo buộc âm mưu truyền bá thông tin quốc phòng để giúp đỡ chính phủ nước ngoài.
Nếu bị kết tội, Mã sẽ phải đối mặt với mức án chung thân. Mức án tối đa do Quốc hội quy định, đây chỉ mang tính chất tham khảo.
Nếu Mã bị kết tội, thẩm phán của Tòa án Liên bang địa phương sẽ xác định mức án của ông ta sau khi tham khảo các hướng dẫn tuyên án và các yếu tố luật định khác.
Cuộc điều tra này được tiến hành bởi các Văn phòng Honolulu và Los Angeles của FBI. Công tố viên Ken Sorenson của Phòng Phản gián và Kiểm soát Xuất khẩu thuộc Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và các công tố viên xét xử Scott Claffee và Steve Marzen đang tiến hành khởi tố vụ án.
Công tố viên nói, người họ hàng 85 tuổi của Mã Ngọc Thanh cũng làm việc trong CIA và sau đó đã hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, nhưng ông này không bị truy tố vì bị mắc "một chứng bệnh khiến suy nhược nhận thức".
Trước khi Mã Ngọc Thanh bị bắt, một cựu "điệp viên hai mặt" của CIA khác là Lý Chấn Thành (Jerry Chun Shing Lee) cũng là cư dân Hong Kong và lớn lên ở Hawaii, đã thừa nhận thông đồng cung cấp thông tin tình báo cho Trung Quốc, đã bị Tòa án Liên bang ở Virginia kết án 19 năm tù vào tháng 11/2019.


Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn

Lê Ngọc |


Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn
Penkovsky tại phiên tòa xét xử tội phản quốc (Nguồn: theintercept.com).

Có nhiều dấu hỏi và giả thuyết về điệp viên 3 mang Penkovsky - Đại tá tình báo Liên Xô, đồng thời là đặc vụ của CIA và MI16.

Oleg Vladimirovich Penkovsky sinh ngày 23/4/1919 tại Vladikavkaz, trong một gia đình kỹ sư khai thác mỏ. Đặc vụ tam trùng tương lai này từng tốt nghiệp trường Pháo binh ở Kiev, năm 1939, tham gia vào chiến tranh chống lại người Ba Lan, và năm 1940, chiến đấu với người Phần Lan.
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Penkovsky phục vụ tại Bộ chỉ huy Quân khu Moscow, rồi tình nguyện ra mặt trận, đã chiến đấu dũng cảm, được tặng thưởng nhiều huân huy chương. Penkovsky là trợ lý của Varentsov (về sau là Nguyên soái) - người đã ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai của đặc vụ này.
Sau chiến tranh, Penkovsky kết hôn với con gái của một vị tướng, người đã giúp đôi vợ chồng son có được một căn hộ ở một khu danh giá gần Điện Kremlin. Không lâu sau đó, Penkovsky vào Học viện Quân sự Frunze và Học viện Quân sự-Ngoại giao - nơi được coi là lò rèn của các cán bộ tình báo quân đội Liên Xô.
Ở tuổi 31, Penkovsky đã là đại tá. Năm 1955, Penkovsky được cử ra nước ngoài với tư cách Trợ lý Tùy viên Quân sự và Phó chỉ huy GRU tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, mối quan hệ với cả đồng nghiệp và cấp trên của Penkovsky không êm thấm. Mơ ước được đảm nhận thay chân Trưởng phòng, Penkovsky đã viết đơn tố cáo xếp lên Ủy ban Trung ương của ĐCS Liên Xô.
Nhưng bức thư đã gây tác dụng ngược lại - Penkovsky bị triệu hồi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí suýt bị sa thải, phải nhờ những người quyền lực ra tay cứu vớt (theo một số nguồn tin, đó là người đứng đầu GRU - Tướng Serov).
Bị loại khỏi nghiệp tình báo nhưng thậm chí người ta còn định cử Penkovsky làm Tùy viên Quân sự tại Ấn Độ, một chức vụ có hàm tướng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bị thất bại, Penkovsky được chuyển sang làm việc trong Ủy ban Điều phối Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước - là vỏ bọc nhiều sĩ quan tình báo.
Những người làm việc ở Ủy ban này có thể tự do giao tiếp với người nước ngoài, đi ra nước ngoài để thiết lập quan hệ quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời hoạt động tình báo khoa học kỹ thuật.
Chào đón
Tự cho mình là người bị thiệt thòi, Penkovsky nhận ra mình sẽ không bao giờ được đeo lon tướng. Có lẽ, sự phẫn uất là một trong những nguyên nhân khiến viên Đại tá phản bội. Penkovsky đã cố gắng thiết lập liên lạc với CIA.
Lúc đầu, tình báo Mỹ e ngại ông này là "kẻ cài cắm" của các cơ quan tình báo Liên Xô. Tuy nhiên, sự kiên trì của viên Đại tá đã thành công.
Một lần, gặp hai du khách Mỹ ở Moscow, Penkovsky đã nhờ họ chuyển cho Đại sứ quán Mỹ một bức thư, hứa cung cấp thông tin về hoàn cảnh chiếc máy bay trinh sát tầm cao Lockheed U-2 của Mỹ bị bắn rơi.
Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn - Ảnh 1.
Điệp viên tam trùng Penkovsky (Nguồn: wikipedia).
Trong khi CIA đang cố gắng thiết lập liên lạc với Penkovsky, Penkovsky đã giao cho một người quen là Greville Wynn - một doanh nhân người Anh - một số tài liệu bí mật để chuyển cho cho Đại sứ quán Anh ở Moscow.
Các cơ quan tình báo CIA của Mỹ và MI6 của Anh quyết định hợp tác với Penkovsky. Tháng 4/1961, Penkovsky dẫn đầu một phái đoàn các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô đến London. Buổi tối, sau khi hoàn thành công việc chính, Penkovsky đến điểm hẹn, nơi các sĩ quan MI6 và CIA đang đợi sẵn.
Tại đây, Penkovsky đã chuyển các tài liệu tuyệt mật về tên lửa và các vũ khí chiến lược khác, thông tin về thực trạng giới lãnh đạo quân đội Liên Xô, về các hoạt động của GRU và tên của các sĩ quan tình báo mà y đã học cùng hoặc tiếp xúc trong quân ngũ.
Những ông chủ mới đã thảo luận về các điều khoản hợp tác và cách thức duy trì liên lạc với Penkovsky. Y được hứa nhập quốc tịch Mỹ hoặc Anh và phong quân hàm Đại tá trong quân đội Anh hoặc Mỹ, sẽ nhận được 2.000 USD mỗi tháng (1.000 USD từ mỗi cơ quan tình báo) và một khoản thanh toán bổ sung cho mỗi tài liệu mật.
Ở London, y thích đi mua sắm, nhà hàng và hộp đêm mà phải đắn đo nhiều. Penkovsky tự đánh giá rất cao về bản thân, thậm chí còn muốn được Nữ hoàng Anh tiếp. Không được gặp Nữ hoàng, nhưng y đã gặp được giám đốc tình báo Anh Dick White.
Các cơ quan tình báo phương Tây nhận được thông tin từ Penkovsky trong các chuyến công tác với các phái đoàn Liên Xô tới London và Paris. Nhờ Nguyên soái Varentsov, điệp viên tam trùng được tiếp cận các tài liệu đặc biệt quan trọng tại kho lưu trữ tối mật của Bộ Tổng Tham mưu.
Đặc biệt quý giá là thông tin về lực lượng tên lửa, tình trạng và việc triển khai của chúng. Khi Wynn đến Moscow, Penkovsky đã trao đổi thông tin với anh ta.
Một liên lạc viên khác của Penkovsky là Janet Chisholm - vợ của một nhân viên MI6 làm việc dưới "mái nhà" đại sứ quán Anh. Vỏ bọc của cô này ở Moscow là ba đứa trẻ, cùng cô đi dạo trong công viên - nơi cô định kỳ gặp Penkovsky.
Bại lộ
Vào đầu năm 1962, các sĩ quan KGB đang thực hiện giám sát người nước ngoài nhận thấy hành vi sau: Janet Chisholm bước vào một lối vào nhà, vài giây sau một người đàn ông đi ra khỏi đó và cố gắng xác định xem ông ta có bị theo dõi hay không.
Hóa ra, ông này không sống và cũng không có người quen ở đó - đó chính là Penkovsky. Mối nghi ngờ càng gia tăng khi Penkovsky đến Đại sứ quán Anh mà không thông báo về mục đích chuyến đi với cơ quan an ninh nhà nước.
Căn hộ của Penkovsky được giám sát suốt ngày đêm. Công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ, bao gồm cả thiết bị nghe trộm và nhìn đêm, đã được sử dụng. Một chiếc máy ảnh được gắn trong một cụm hoa trên ban công phía trên căn hộ của Penkovsky có thể giúp đọc được các tài liệu mà điệp viên chụp được trên bệ cửa sổ.
Hệ thống phức tạp được điều khiển từ ngôi nhà đối diện và cáp được đặt dọc theo đáy sông Moscow. Điệp viên 3 mang liên tục bị bí mật theo dõi, điều mà ngay cả một đặc vụ chuyên nghiệp cũng khó phát hiện ra.
Mọi hành vi, giao tiếp của Penkovsky đều được ghi bằng camera giấu trong cặp. Các sĩ quan KGB cũng đã bí mật đột nhập vào căn hộ của y, tìm thấy một chỗ bí mật trong bàn làm việc, trong đó có các sổ ghi chép mã hóa, một máy ảnh Minox, một xấp tiền, phim ảnh chụp tài liệu bí mật và một hộ chiếu giả - không loại trừ khả năng điệp viên chuẩn bị trốn ra nước ngoài.
Ngày 22/10/1962, Penkovsky bị bắt giữ (điều mà các cơ quan tình báo phương Tây không biết) và y ngay lập tức, thừa nhận tội lỗi của mình, đồng ý hợp tác điều tra - khai mật mã và mã liên lạc với các sĩ quan tình báo nước ngoài và tham gia Chiến dịch Kho mật («Тайник»).
Rất lâu trước khi bị bắt, Penkovsky đã bố trí một hộp thư mật để chuyển các thông điệp quan trọng ở lối vào một ngôi nhà ở Moscow.
Khi bị bắt, y đã gửi đến Đại sứ quán Mỹ một tín hiệu quy ước trước, ám chỉ trong hộp thư mật có thông tin khẩn. Một nhà ngoại giao Mỹ đến nhận tin đó đã bị bắt, sau đó ở Budapest, Wynn cũng bị bắt và bị di lý đến Moscow.
Điệp viên 3 mang Penkovsky - Những dấu hỏi lớn - Ảnh 3.
Penkovsky tại phiên tòa xét xử tội phản quốc (Nguồn: theintercept.com).
Ở trong tù, Penkovsky đã viết một bức thư cho lãnh đạo KGB, yêu cầu được giữ mạng sống và đảm bảo rằng y vẫn có thể hữu ích, sẽ không làm tổn hại thêm; nếu y thay đổi lời hứa của mình và cung cấp tài liệu chất lượng thấp hoặc "thông tin rởm" - sát hại gia đình y và y, nhưng sẽ không ai sử dụng y làm đặc tình.
Phiên tòa xét xử được mở công khai, Penkovsky bị kết án tử hình, và bị xử bắn ngày 16/5/1963. Có thông tin rằng, Penkovsky không bị bắn, mà bị thiêu sống trong lò hỏa táng. Toàn bộ thủ tục đã được ghi hình và trong tương lai, sẽ được chiếu cho các tình báo tương lai, để răn đe.
Greville Wynn - đồng phạm của Penkovsky - lãnh 8 năm tù chế độ nghiêm khắc. Nhưng Wynn ngồi tù không lâu, tháng 4/1964, được đổi lấy sĩ quan tình báo Liên Xô Konon Molodoy (Gordon Lonsdale) - người được tái hiện một cách xuất sắc trong bộ phim Mùa chết (“Dead Season”) của Donatas Banionis.
12 nhà ngoại giao từ các đại sứ quán Anh và Mỹ đã được tuyên bố là các cá nhân “không được hoan nghênh”. Những người bảo trợ của Penkovsky - Ivan Serov và Sergei Varentsov - bị giáng cấp và nghỉ hưu sớm. Gia đình, mẹ, vợ và con gái của Penkovsky không biết về công việc của y, được cấp một căn hộ khác và được đổi họ tên.
Sau khi Penkovsky bị xử bắn, một số cuốn sách và bộ phim về y đã được xuất bản ở phương Tây. Gerald Scheckter - một trong những tác giả của cuốn Đặc vụ cứu thế giới (“The Spy Who Saved the World”) tin chắc rằng, Penkovsky đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Chính điệp viên này đã thông báo cho người Mỹ rằng việc triển khai tên lửa của Liên Xô ở Cuba là một trò lừa bịp; Liên Xô không có tên lửa xuyên lục địa có khả năng tiêu diệt Mỹ. Điều này có nghĩa là Liên Xô sẽ không chiến đấu với Mỹ.
Tổng thống Kennedy đã giữ vững lập trường cứng rắn, và kết quả là các bệ phóng tên lửa của Liên Xô từ hòn Đảo Tự do đã bị tháo dỡ. Còn người Mỹ đã loại bỏ tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ và đảm bảo không tấn công Cuba.
Tuy nhiên, các chuyên gia Liên Xô lại giữ quan điểm ngược lại. Vài ngày trước khi bị bắt, Penkovsky nói với người Mỹ rằng Liên Xô đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Mỹ, mặc dù y không có chứng cớ để minh chứng điều đó.
May mắn thay, CIA đã không xem trọng thông tin này và không báo cáo với Kennedy. Nếu không, rất khó để nói cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba sẽ kết thúc như thế nào.
Penkovsky đề xuất cho nổ các đầu đạn hạt nhân mini gần các tòa nhà của Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô, KGB, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng, bằng cách đó, tiêu diệt ban lãnh đạo Liên Xô, hàng chục nghìn người được cho là sẽ chết, nhưng khía cạnh đạo đức của vấn đề này hầu như không khiến y lo lắng.
Kẻ phản trắc, phản bội Tổ quốc đã nhận được những gì xứng đáng với hành động của mình. Có vẻ như người ta có thể đặt dấu chấm hết cho vụ này, tuy nhiên ...
Sự thực?
Năm 2010, cuốn sách "Bí mật chính của GRU" được xuất bản ở Nga. Tác giả của nó - Anatoly Maksimov, một cựu tình báo Liên Xô - cho rằng, Penkovsky không phải là kẻ phản bội, mà thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tình báo Xô viết để thông tin sai cho phương Tây về sức mạnh hạt nhân của Liên Xô.
Penkovsky đã truyền thông tin sai lệch về sự không hoàn hảo của công nghệ tên lửa của Liên Xô, vốn không gây ra mối đe dọa cho Mỹ, điều cho phép Liên Xô có thêm thời gian để tạo ra lá chắn hạt nhân đáng tin cậy của mình.
Maksimov tin chắc rằng Đại tá Penkovsky không bị bắn; vì nghĩa lớn mà ông đã đồng ý đóng vai một kẻ phản bội, sống ở đất nước của mình với thân phận bất hợp pháp và chết ở tuổi 80. Nhưng phán quyết của tòa thì sao?
Theo Maksimov, bản án chỉ là để thuyết phục người Mỹ rằng thông tin mà Penkovsky chuyển đi là có giá trị. Giả thuyết này hoàn toàn có quyền tồn tại. Rốt cuộc, những nguyên nhân khiến một người từng là người lính trận và một sĩ quan thành đạt, liều mạng trở thành kẻ phản bội cũng như nhiều dấu hỏi và bí mật trong vụ án “điệp viên thế kỷ” Penkovsky vẫn chưa được tiết lộ.
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH