TT&HĐ II - 13/d


                       Vật chất tối, năng lượng tối, phản vật chất trong vũ trụ | Khoa học vũ trụ

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
Sir James Jeans.

“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)


“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
  (Arixtốt)

CHƯƠNG II: PHÁC THẢO


“Mọi cái hiện thực đều hợp lý, mọi cái hợp lý đều là hiện thực” (G.Hêghen)


“Tương phản với không gian thì có nguyên lý về chất, về sự phân biệt và về “vật”. Dù sao thì chẳng có gì có thể tồn tại mà không có không gian. Không gian là điều kiện tiên quyết của mọi vật đang tồn tại, bất kể là dưới dạng vật chất hay phi vật chất, bởi vì chúng ta không thể tưởng tượng ra một vật hay một hữu tính mà thiếu không gian”.
Lama Anagark Govinda

"Đôi lúc cuộc sống thật khắc nghiệt, rắn như thép đã tôi. Nó có những lúc ảm đạm và đau đớn. Như bất cứ một dòng chảy nào của một con sông, cuộc sống có những lúc khô cạn và những khi triều cường.
Cũng như sự thay đổi theo chu kỳ từ trước đến nay của các mùa, cuộc sống có cái ấm áp dễ chịu của những mùa hè và cái rét buốt của những mùa đông…

Nhưng chúng ta có thể tự nâng mình lên khỏi nỗi chán chường và tuyệt vọng, vươn đến sự vui vẻ của hy vọng và biến đổi các thung lũng hoang vắng, tăm tối thành những lối đi chan hoà ánh nắng của sự thanh bình sâu lắng".
Martin Luther King

"Năng khiếu tưởng tượng có ý nghĩa đối với tôi hơn là tài năng tiếp thu kiến thức".  
Albert Einstein

"Dù chỉ nắm vững một kiến thức nào đó, cũng đều có ích cho trí óc, nó sẽ ném đi những thứ vô dụng nhưng giữ lại những thứ có ích".
 Leonardo da Vinci

"Mỗi thành công vĩ đại trong khoa học đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng hết sức táo bạo". 
G.Duy 






(Tiếp theo)



***


Theo triết học duy tồn thì điểm KG lấp đầy Vũ Trụ. Các điểm KG liên kết chặt chẽ với nhau (đến nỗi Hư Vô phải “chào thua”, không “chen chân” vào được), làm nên lực lượng KG hữu hạn nhưng vô biên, liên tục mà gián đoạn, bền chặt đồng thời cũng lỏng lẻo. Lực lượng KG là đại dương dung túng vạn vật - chất - hiện tượng; ở tầng sâu vi mô, không gian là khối cấu trúc cứng hơn mọi khối kim cương (cứng tuyệt đối), vì vậy có thể gọi Nó là Mạng KG, hay cũng có thể gọi theo cách của Lão Tử: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa (vạn vật tha hồ “bay nhảy” trong đó) nhưng không lọt (Hư Vô “đừng hòng” mà xuất hiện). Chất KG là chất gốc, chất nguyên thủy, chất làm nên mọi chất, mọi vật trong Vũ Trụ. Bằng cách nào đó, theo một cách chuyển hóa nào đó mà từ chất KG sẽ hình thành nên chất (hoặc những chất) mới khác nó. Từ sự kết hợp nào đó mà từ các đơn vị KG hình thành nên đơn vị (hay những đơn vị) có nội dung chất lớn hơn nó. Từ những chất mới, đơn vị mới lại hình thành nên những chất, đơn vị mới khác nữa và lớn hơn nữa. Và cứ thế mà cũng nhờ thế nên ở tầm quan sát của chúng ta mới xuất hiện vạn vật - chất - hiện tượng, mới có được những thiên thể khổng lồ, những vì sao lấp lánh tình tứ và những thiên hà lộng lẫy đến mức choáng ngợp. Như vậy, trong Vũ Trụ có rất nhiều chất khác nhau, mỗi chất là sự tập hợp, liên kết của nhiều đơn vị đặc trưng cho chất ấy mà chất KG và điểm KG được coi là nguồn cội, tổ tông (kiểu tổ tông tồn tại đồng thời với con cháu, hậu duệ xa lắc của mình?) của tất cả các chất khác, đơn vị khác.
Trên cơ sở nhận định đó, triết học duy tồn tiếp tục đưa ra những nhận định mới.
Do tính hữu hạn của số lượng điểm KG (nhưng ''khó'' đếm được, thậm chí là...không thể đếm!) mà sự hình thành nên đa dạng chất và dạng đơn vị chất cũng hữu hạn. Do đặc tính đó và với lý do đầy đủ mà quá trình hình thành nên các chất, đơn vị chất có tính mới, tính kế thừa, tính tương tự và từ đó mà cũng bộc lộ ra tính chu kỳ, có lớp có lang, phân biệt tương đối được…
Do tính vô biên của lực lượng KG mà đồng thời với những biểu hiện trên, việc hình thành nên các chất và đơn vị chất lại mang tính liên tục, phong phú, đa dạng và không thể phân biệt dứt khoát được giữa các chất với nhau và các đơn vị chất với nhau.
Ngược lại với quá trình hình thành là quá trình phân rã. Tất cả các chất và đơn vị chất được hình thành nên từ sự tích hợp của chất KG và điểm KG, do đó bất cứ chất nào và đơn vị chất nào, khi bị phân rã liên tục đến tận cùng cũng trở lại thành một bộ phận lực lượng KG và một tập hợp các điểm KG.
Tích hợp và phân rã là hai quá trình tương phản nhau, là tiền đề tồn tại của nhau nhưng đồng thời lại cũng không phân biệt được. Một quá trình đối với đối tượng này là tích hợp thì đối với đối tượng khác lại là phân rã. Để chính xác hơn, chúng ta nói rằng: tích hợp và phân rã là hai mặt của một quá trình thống nhất, cơ bản có tính “sống còn” đối với Vũ Trụ. Vũ Trụ không thể tồn tại được nêú không có quá trình này. Tự Nhiên Tồn Tại là Có, yêu cầu của Có tuyệt đối là phải thể hiện đến “chân tơ kẽ tóc”. Muốn thể hiện đến “chân tơ kẽ tóc” từ sự đồng nhất và bị khống chế bởi khả năng lặp lại của biến cố xác suất (tính hữu hạn của khả năng tích hợp) thì lực lượng KG phải chuyển hóa cũng đến tận “chân tơ kẽ tóc”, đến từng điểm KG. Quá trình chuyển hóa ấy chính là cái quá trình vĩ đại tích hợp và phân rã.
Có thể cho rằng quá trình vĩ đại nêu trên đã làm nên thêm cách phát biểu về nội dung nguyên lý Tự Nhiên Tồn Tại của nhận thức. Chúng ta thử phát biểu nó như sau:
Không Gian là vốn dĩ thế, không tự nhiên được sinh ra thêm và cũng không tự nhiên mà mất bớt đi, Nó chỉ có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Mọi sự vật - hiện tượng (theo một nghĩa nào đó thì kể cả Vũ Trụ) đều là nguyên nhân và kết quả đối với nhau trong quá trình tạo dựng và phá hủy, chúng luôn luôn bị biến đổi và làm biến đổi lẫn nhau làm nên cái quá trình phải theo, vừa tương đối vừa tuyệt đối, vừa ép buộc vừa tự nhiên, của mọi tồn tại, mọi hiện thực, mọi hiện hữu: sinh ra, phát triển, suy tàn và tiêu vong; hay: xuất hiện, biến hóa (tăng - giảm), mất đi; (đối với con người là sinh, lớn, già, chết, và có lẽ đó là điều nên suy nghĩ tới nhiều nhất trên con đường mưu cầu danh lợi cho đời sống?!)
Đó là lời phát biểu mới về nguyên lý Tự Nhiên Tồn Tại. Vì phát biểu vụng về nên lại “na ná” như cách phát biểu thứ nhất mà có lần chúng ta đã từng. Cũng có thể không phải là vì vụng về mà vì điều này: chỉ có một nguyên lý tuyệt đối, một chân lý “bất di bất dịch” mà thôi, con người nhận thức muốn “đẻ ra” bao nhiêu nguyên lý cơ bản để gán cho Tự Nhiên Tồn Tại cũng được, tùy thích. Hay là đến một nguyên lý cũng không có nốt? Không thể! Vì Vũ Trụ là thống nhất. Thôi kệ, chúng ta theo triết học duy tồn. Triết học duy tồn, đến đây, cho rằng có hai nguyên lý cơ bản: trong thực tại khách quan, mọi thứ đều tồn tại và biến hóa tuân theo nguyên lý thứ nhất gọi là nguyên lý Tự Nhiên. Nội dung ngắn gọn và giản dị của nguyên lý này: Tồn Tại là thứ duy nhất có trên thế giới này và nó luôn được bảo toàn.
Thực ra chất cũng là một khái niệm tương đối để có cơ may, nhận thức được xác thực nhất đối với thế giới khách quan. Ở vật lý vi mô, khái niệm chất dần trở nên phù phiếm. Ở đó không ai gọi điện tử, và proton… là chất cả. Chúng ta đừng lệ thuộc quá nhiều vào khái niệm chất kẻo sẽ xảy ra nhiều bất cập không đáng có. Đối với khái niệm đơn vị chất cũng vậy. Một chất có thể được xây dựng nên từ nhiều đơn vị chất mà mỗi đơn vị chất lại có thể được coi như một chất khác. Chẳng hạn như khí oxy, trong “hoàn cảnh” nào đó, được gọi là một chất, nhưng ở hoàn cảnh khác, do tính “rời rạc” của các nguyên tố oxy mà cũng có thể gọi nó là một tập hợp của nguyên tố oxy, và còn có thể gọi là một môi trường, một thực thể và thậm chí là một vật. Khí quyển là hỗn hợp của nhiều chất khí như nitơ, hidrô, ôxy… Chúng ta gọi nó là một vật cũng được, môi trường cũng được (bầu khí quyển) nhưng cũng có thể gọi nó là một chất (chất khí). Nhưng đơn vị làm nên khí quyển cũng chính là những đơn vị của các chất khí nêu trên, những nguyên tố khí (phân tử khí), nhưng cũng có thể coi các thành phần khí (về mặt lượng) là những đơn vị làm nên nó.
Tương tự như vậy, nếu được coi là một chất mà đơn vị của nó là sự kết hợp của hai chất khác nhau là hidrô và ôxy (H2O), nhưng cũng có thể gọi nó là một thực thể, một môi trường. Ở nhiệt độ thấp nhất định, nước đóng thành băng. Thành phần của băng rõ ràng cũng là thành phần của nước nên người ta gọi băng là một trạng thái của nước nhưng cũng có thể gọi là một chất khác nước (vì thực ra băng cũng có những tính chất khác nước và thành phần của chúng không hoàn toàn giống nhau mà có sự khác nhau về thành phần gọi là nhiệt lượng). Băng rõ ràng còn có thể gọi là vật.
Nước đường là một hỗn hợp của chất nước và chất đường. Nó là một thực thể, một tập hợp chất và đồng thời cũng là chất lỏng.
Ngoài ra còn có những khái niệm nói về chất như đơn chất, hợp chất, tạp chất… Ôi thôi, chọc vào khái niệm là chọc vào tổ ong vò vẽ. Phải hết sức cảnh giác và tốt hơn cả là chỉ nên “ngắm” nó ở cự ly không quá “gần”.
Từ những lập luận “không thể cãi lại được” ấy, chúng ta giật mình thấy rằng sự phân chia vật chất đến tận cùng mà chúng ta từng tiến hành một cách “thuận lợi” trước đây quả thực là tùy tiện và giản đơn đến nực cười. Có lẽ nên nói thêm chút ít nữa về sự phân chia cho… vui.
Vật chất, vì nằm trong quá trình Chuyển hóa vĩ đại nên luôn luôn biến đổi. Sự biến đổi là kết quả của quá trình tương tác lẫn nhau giữa chúng ở tầng qui mô “thấy được” của chúng ta, đồng thời là kết quả của quá trình tích tụ và phân tán, hấp thụ và bức xạ ở tầng vi mô mà chúng ta không quan sát được. Mức độ biến đổi của vật chất tùy thuộc vào những nguyên nhân nhất định có thể nhanh, có thể chậm. Do đó trong thế giới cảm nhận đã được “trời ban cho”, của chúng ta, có một số vật, chất được cho là có tính ổn định, tồn tại tương đối lâu dài, đôi khi tưởng là vĩnh cửu. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng không có vật nào, chất nào lại không “già” đi theo thời gian, dù có thể là “rất thọ”.
Như thế, có thể nói rằng bản thân Vũ Trụ luôn có quá trình tự phân chia. Nhưng đồng thời với quá trình tự phân chia là quá trình tích hợp. Cho nên quá trình phân chia tự nhiên của Vũ Trụ là không triệt để vì không thể tách biệt được với quá trình tích hợp. Không thể làm ngưng được một cách tuyệt đối, một trong hai quá trình tự nhiên ấy của sự Chuyển hóa.
Nhưng một cách tương đối, mang tính qui ước và trong một phạm vi hạn chế, chúng ta nói rằng vật chất là có thể phân chia (chỉ có thể phân chia triệt để Vũ Trụ đã qua nhận thức, Vũ Trụ ảo hay còn có thể gọi là Vũ Trụ nhân tạo!!!). Việc phân chia ấy đương nhiên là phải “tùy cơ ứng biến” và phải “lượng sức”.
Giả sử có một đống sỏi. Chúng ta muốn phân chia nó ra thì làm cách nào? Dễ nhất là làm một phép toán! Nếu chúng ta muốn chia đều thì chỉ việc lấy đống sỏi ấy chia cho một số n bất kỳ nào đó (tùy vào sự lựa chọn ngông cuồng của chúng ta!). Chia như thế có thể hết hoặc không hết tùy qui ước của chúng ta đối với đống sỏi. Mặt khác khi “đem” đống sỏi ấy “vào” phép toán, chúng ta đã biến nó thành một tồn tại ảo. Chúng ta không “thích” cách chia này vì nó không phù hợp với “thực tiễn” và vì sau khi chia nó vẫn lù lù ở đó mà không bị chia ra tí nào. Chúng ta dùng cách chia vật lý hay đúng hơn là cách chia cơ giới: cân, đong, đo, đếm để khi chia xong thì đống sỏi đó sẽ không còn tồn tại nữa chứ đừng nói đến hiện hữu. Nhưng trước hết, thử hỏi nó là một vật hay một chất? Nó là một vật vì nó là một… đống. Nói như thế là đúng nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Phải nói rằng nó là một thực thể, một vật, một tập hợp các vật thể và cũng là một… chất. Ủa, tại sao lại cho đống sỏi là một chất được? Nếu có thể gọi khối khí nào đó là khối chất khí thì cũng có thể gọi được đống sỏi là một đống chất sỏi với những phần tử đơn vị tạo thành là viên sỏi. Ở một cảnh giới đặc thù nào đó, nhờ có tương tác hấp dẫn mà các viên sỏi sẽ liên kết được chặt chẽ với nhau và lúc đó tính “vật” của nó thể hiện rõ rệt. Những phân tử nước, không phải là nước nhưng làm nên nước; viên sỏi không phải là chất sỏi nhưng làm nên chất sỏi. Y như chuyện tiếu lâm, đáng cười quá, thật đấy!
Khi chia đống sỏi theo cách cơ giới, chúng ta “múc” ra từng phần định lượng tương đối, đổ gần đâu đó và chúng ta được các phần chia, tuy có thể không bằng nhau lắm nhưng số lượng viên sỏi trong mỗi lần bao giờ cũng nguyên. Nếu chúng ta tiếp tục chia các phần đó thành những phần nhỏ hơn nữa và cứ thế, chúng ta sẽ chia được đến tận cùng mà mỗi phần là đúng một viên sỏi. Đến đây việc phân chia đống sỏi được cho là hoàn thành nếu không muốn làm mất chất sỏi. Đống sỏi chấm dứt tồn tại, bị biến đổi thành “bãi sỏi”. Sự “suy tàn” và mất đi của đống sỏi cùng với sự tiêu hao và mất đi của “công chia” đã là nguyên nhân sinh ra sự tồn tại của bãi sỏi.
Việc chia đống sỏi thành những phần là những viên sỏi đã làm biến đổi vật nhưng chất vẫn chưa bị biến đổi. Có thể đập méo mó một thỏi sắt, dát mỏng nó thì vật sắt bị biến đổi chứ chất sắt thì vẫn còn đó, không biến đổi (tương đối thôi!).
Chúng ta có thể chia tiếp bãi sỏi đó bằng cách nghiền nát các viên sỏi. Giai đoạn phân chia này làm cho sỏi của bãi sỏi biến đổi thành chất khác tạm gọi là cát và bãi sỏi sẽ “hóa” thành bãi cát. Đến lượt sự suy tàn và mất đi của bãi sỏi cùng với sự tiêu hao và mất đi của “ công nghiền” đã làm phát sinh, phát triển và sự tồn tại của bãi cát cùng với một chất mới ra đời là cát mà những đơn vị làm nên cát là hạt cát.
Tiếp tục phân chia nữa cũng được thôi nhưng vì biết “lượng sức” mình, chúng ta không phân chia nữa!
Thí dụ trên cho chúng ta thấy rằng trong khi sự phân chia thuần túy toán học (mang đầy tính chủ quan tùy tiện) không làm cho vật và chất biến đổi thì sự phân chia vật lý luôn làm thay đổi vật và chất. Tuy vậy cả hai cách phân chia đều “tốn công sức” mà cách thứ hai tốn nhiều hơn.
Nếu có thể thực hiện được sự phân chia thì cũng có thể thực hiện được sự tập hợp. Về mặt toán học thuần túy thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần làm phép toán ngược lại là xong. Nhưng về mặt vật lý thì việc thực hiện sẽ gặp khó khăn hơn, đôi khi là rất nhiều và thậm chí là bất khả.
Một cách tương đối, chúng ta có thể gom bãi sỏi lại thành đống sỏi, nhưng đó là đống sỏi mới, không phải đống sỏi ban đầu dù “rất giống” đi nữa. (một trong những trạng thái xác suất có thể có của đống sỏi). Chúng ta cứ cho rằng đã gặp may và đã gom được thành đống sỏi “y hệt” như ban đầu, nhưng chắc chắn, chúng ta không tài nào gom bãi cát thành đống sỏi được mà chỉ có thể là đống cát, trước tiên chúng ta phải phục hồi chất sỏi từ chất cát, tích hợp lại những phần tử có được từ sự nghiền các viên sỏi thành lại những viên cát. Có thể tạo dựng lại bình sứ cũ bằng cách gắn kết những mảnh vỡ của nó một cách đơn thuần được không? Vĩnh viễn không bao giờ! (Chúng ta có thể có được một cuộc đời thứ hai nữa không? Điều này chắc phải hỏi… Thượng Đế!)
Sự tổng hợp nếu có thể xảy ra “suông sẻ” thì không những không “thu hồi” được công sức bị tốn khi phân chia mà trái lại còn tốn thêm một công sức mới.
Thí dụ trên đã giúp chúng ta rút ra được một nhận định “cực kỳ”: phân chia và tổng hợp là hai quá trình trái ngược nhau, muốn thực hiện chúng đều phải tốn công sức và nếu coi chúng là những bộ phận của một chu trình thì chu trình đó là không thuận nghịch. Cho dù chu trình đó được thực hiện một cách toán học thuần túy thì cũng phải tốn công sức tính toán, suy nghĩ và… tưởng tượng.
Một nhận định rất có “hơi hám” của nguyên lý thứ hai nhiệt động học!
Nếu ai đó gàn bướng cố duy trì cái chu trình từ đống sỏi rải ra thành bãi sỏi rồi gom lại thành đống sỏi… cứ thế đến suốt đời một cách vô tích sự như vậy sẽ phải tốn rất nhiều công sức đến mức có thể “tán gia bại sản” thành “thân tàn ma dại”. Chúng ta bị hoang tưởng nhưng không phải là quá khờ khạo để làm chuyện ấy!
Phân chia và tổng hợp, xét ra cũng là phân rã và tích hợp. Phân rã và tích hợp là hai mặt của quá trình chuyển hóa vĩ đại và theo nhận thức thì là không ngừng đến vĩnh viễn (trong thời gian!). Như thế, một ý kiến “chọc gậy bánh xe” bật ra: quá trình vĩ đại ấy sẽ tiêu tốn một “lượng công sức” còn vĩ đại hơn đến vô tận. Lượng công sức ấy ở đâu ra mà “nhiều” đến thế và ai phải tốn công sức phi phàm ấy nếu không phải là Thượng Đế? Không, Thượng Đế không đủ sức. Phải là Tạo Hóa mới làm được điều đó và như vậy Tạo Hóa, xin lỗi đã phạm thượng, trở thành “anh chàng khờ khạo”. Chỉ có điều hoàn toàn bí hiểm là Tạo Hóa ở đâu và công sức của Tạo Hóa “tốn đi đâu” khi Vũ Trụ là không có ngoài?!
Triết học duy tồn trả lời ra sao trường hợp “hi hữu” này? Triết học duy tồn trả lời rằng: Vũ Trụ là vốn dĩ thế cho nên một cách tổng thể, Nó tự thân vận động. Vì vậy quá trình chuyển hóa (tích hợp và phân rã) cũng là quá trình tự thân. Quá trình tự thân vĩ đại đó là đồng thời của hai hành động tích hợp và phân rã. Tích hợp và phân rã tuy đều phải tiêu tốn công sức nhưng đồng thời cũng tích tụ và phân tán công sức. Tích tụ và phân tán công sức xét trên bình diện tổng thể là cân bằng với tiêu tốn công sức và lượng công sức toàn phần luôn luôn ổn định tuyệt đối, không thêm ra mà cũng không bớt đi. Nhìn ở góc độ khác, có thể nói quá trình chuyển hóa vĩ đại là một cuộc xoay vần vô tiền khoán hậu, gồm vô vàn những chu trình vừa tiêu tốn công sức vừa sản sinh ra công sức; xét về toàn bộ thì sự sản sinh công sức và tiêu tốn công sức luôn cân bằng nhau, không thêm không bớt làm cho cuộc xoay vần vô tiền khoán hậu ấy, xét về mặt nhiệt động học, luôn luôn thuận nghịch và “a lê hấp”, entrôpi của nó luôn bằng không (chỉ người ta dạy là nó không bằng không!).
Trong trường hợp ở phạm vi hẹp của chúng ta, quá trình phân chia và tổng hợp, vì là bộ phận của tổng thể cho nên dù có biểu hiện cá biệt nhưng tất yếu cũng phải tuân theo tổng thể, chỉ có điều chúng ta không nhận ra (chẳng hạn, bảo toàn Tồn Tại là nguyên lý phổ quát của Tự Nhiên, nhưng không phải trong bất cứ hiện thực nào cũng dễ dàng ''thấy'' nó, hoặc theo bất cứ nhận thức nào cũng suy ra được nó). Có thể cho rằng việc tiêu tốn công sức của chúng ta khi thực hiện phân chia đã được bãi sỏi “giữ” cho mặt đất (cho môi trường) và việc tiêu tốn công sức để thực hiện việc tổng hợp lại thành đống sỏi có một phần giữ cho mặt đất và một phần tích tụ trong đống sỏi (thế năng?). Tất cả những công sức tiêu tốn của chúng ta lại được môi trường bù đắp bằng sự ăn uống. Về mặt công sức, chúng ta mất rồi lại có, do đó không đi đâu mà… mất. Nhưng của đáng tội, ăn uống thì phải có… tiền. Nếu chúng ta làm điều vô ích, không ra tiền mà cứ ăn tiền thì như đã nói lúc nãy, chúng ta sẽ bị “khuynh gia bại sản” trở thành “thân tàn ma dại”; danh lợi không thành mà còn bị người đời chê là khờ khạo. Nhớ lấy điều này nhé, hỡi những người anh em!.
Nhưng công sức là gì, hả triết học duy tồn? Công sức là một chất, là một vật, là một loại đơn vị, là một lượng, muốn gọi thế nào cũng được, nhưng phải luôn nhớ rằng nó có gốc rễ từ Không Gian, Không Gian là tổ tông của nó, không thể khác được; và muốn hiểu cụ thể hơn, đi mà hỏi vật lý học! Có điều chúng ta biết chắc là công sức không phải là vật chất, tuy nhiên vì cũng thể hiện và được bảo toàn, nên nó là một tồn tại. Hỏi triết học duy tồn thì nó trả lời rằng cũng quan niệm như thế và vội vã bỏ đi mất dạng như bị ma đuổi. Có chuyện gì mà bỏ đi vội vội vàng vàng đến thế nhỉ?!

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH