Chuyển đến nội dung chính

TÌNH YÊU VÔ BỜ 23

(ĐC sưu tậm trên NET)
 
Thuyền và Biển (Quang Lý)



Chuyện tình kỳ lạ của cụ ông U90 và "cụ bà" kém... 40 tuổi

Chủ Nhật, ngày 03/03/2019 10:02 AM (GMT+7)

Cho tới nay, đã có nhiều câu chuyện tình giữa những người có sự chênh lệch về tuổi tác, nhưng với trường hợp của cụ ông Nguyễn Văn Kính (huyện Đan Phượng, Hà Nội) hơn vợ mình những 40 tuổi là câu chuyện khiến nhiều người tò mò hơn cả. Kỳ lạ hơn, chuyện ông Kính đến với người vợ hiện tại dễ dàng đến mức, ai nghe kể cũng phải trầm trồ kinh ngạc!

"Gà trống nuôi con"
Ngôi nhà của cụ ông Nguyễn Văn Kính nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của thôn An Sơn (huyện Đan Phượng) với hàng cây bao quanh xanh tốt. Đây cũng là khu vườn được chính tay ông chăm sóc dù đã gần bước vào tuổi 90. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Kính vẫn còn khỏe mạnh, với giọng nói hào sảng, trí tuệ minh mẫn thể hiện qua những câu chuyện, qua từng bước đi.
Người dân nơi đây cho biết, hàng ngày, ông Kính vẫn tự mình chăm sóc vườn bưởi, chăn nuôi gia súc và chạy xe máy hàng chục cây số đưa người vợ trẻ hơn mình tận 40 tuổi đi lấy rau để bán ngoài chợ.
Nhắc đến chuyện tình kỳ lạ với người vợ kém nhiều tuổi của ông Kính, người dân nơi đây vẫn chưa hết tò mò bởi không rõ vì bí quyết gì giúp ông cụ có thể tái hôn và sống cuộc sống hạnh phúc được như vậy. Nhưng trước khi có được hạnh phúc đó, cũng ít ai biết người đàn ông này đã từng trải qua hàng chục năm sống trong trầm tư, đó là những năm tháng sau khi người vợ đầu tiên qua đời.
Chuyện tình kỳ lạ của cụ ông U90 và "cụ bà" kém... 40 tuổi - 1
Ông Nguyễn Văn Kính.
Theo như lời kể, khi còn trẻ, ông Kính có một người vợ xinh đẹp, đảm đang việc nhà nhưng vắn số. Khi ông vừa bước qua tuổi 40 thì vợ ông qua đời. Để nuôi 5 người con, ông Kính phải làm đủ nghề đề kiếm sống và cũng làm hết những công việc của một người mẹ trong gia đình.
Tuy “gà trống nuôi con” nhưng không khi nào ông để các con thiệt thòi, cũng bởi tình thương của người cha luôn mong muốn người vợ ở bên kia thế giới được thanh thản. Những ngày vợ mới qua đời, lúc rảnh rỗi, ông Kính chỉ đi lang thang quanh xóm, chẳng thiết ăn uống, nói cười!
Những người sống cùng thời điểm đó kể lại, trong kí ức của họ, ông Kính là một người không giao du nhiều với hàng xóm láng giềng sau khi vợ mất. Chính các con của ông sau này cũng động viên bố đi bước nữa, nhưng trong hơn 30 năm, ông vẫn sống thui thủi, không nghĩ đến chuyện tái hôn. Đến khi người con út đã lập gia đình, có con cái, cũng là lúc ông bước sang tuổi thất thập.
Nói về ông Kính, bà Ngoãn là người hàng xóm cho biết: “Tôi nhớ những năm mà vợ ông cụ mới mất, ông ấy còn phải lụi hụi đem quần áo của cả nhà ra giặt ở giếng làng, nơi toàn chị em phụ nữ. Do ít giao tiếp với mọi người nên ai cũng thấy ông ấy khó gần, người ta vừa thương vừa sợ”.
Chuyện tình kỳ lạ của cụ ông U90 và "cụ bà" kém... 40 tuổi - 2
Tổ ấm khang trang của đôi vợ chồng lệch tuổi.
Từ một câu nói đùa
Cuộc sống đơn thân của ông Kính kết thúc vào năm 2008, khi đó ông đã bước sang tuổi 78. Trong một lần ra chợ huyện mua rau giống và đem hơn 300kg bưởi mới thu hoạch đi bán, ông Kính tình cờ gặp bà Đoàn Thị Thuận tại nơi bốc thuốc.
Có lẽ, đó cũng là duyên số khi tại nhà của thầy lang nổi tiếng thị trấn Phùng khi đó rất đông khách, cả hai phải ngồi chờ cả tiếng mới lấy được thuốc. Trong thời gian chờ đợi, hai người lạ ngồi cạnh nhau nói biết bao câu chuyện bâng quơ, như đã quen nhau từ trước. Trước khi về, ông Kính chủ động xin số điện thoại của người phụ nữ 38 tuổi chưa chồng ấy.
Kể lại cuộc gặp đầy duyên phận ấy, ông Kính cho biết: “Khi đó, tôi có hỏi cô ấy đã lấy chồng chưa, cô ấy nói chưa có. Thế là tôi trêu rằng để tôi giới thiệu chồng cho thì cô ấy cười và đồng ý. Tưởng rằng đó chỉ là câu chuyện đùa giữa hai người lạ, nhưng vài ngày sau, thấy tôi ra chợ, cô ấy liền hỏi luôn là chưa có ai giới thiệu cho tôi à?”.
Lúc đó, không hiểu trời đất xui khiến thế nào, ông Kính buột miệng bảo với bà Thuận rằng “Hay là tôi giới thiệu tôi luôn, cần gì ai nữa”. Nghe vậy, bà Thuận ngạc nhiên hỏi lại hoàn cảnh gia đình của ông Kính và biết hơn 30 năm qua, ông Kính sống cảnh “gà trống nuôi con”.
Từ lần đó, ông Kính và bà Thuận thường xuyên hỏi thăm nhau qua điện thoại mỗi khi rảnh rỗi. Ông Kính cũng “chăm chỉ” ra chợ hơn và thường xuyên ghé qua gánh hàng rau của bà Thuận để nói chuyện. Đôi khi ông còn tự tay giúp bà làm những công việc lặt vặt.
Sau khoảng gần một tháng nói chuyện qua lại, dường như ông lão 78 đã phải lòng người phụ nữ bán rau. Ông đánh liều chạy chiếc xe Cub cà tàng, vượt qua quãng đường 30km đến nhà bà Thuận để thăm nhà.
Khi bước vào trong căn nhà lụp xụp của người phụ nữ chưa chồng ấy, ấn tượng đầu tiên của ông đó là căn nhà trống hoác không có lấy một tài sản đáng giá. Cũng từ đó, ông biết được câu chuyện buồn của nhà bà Thuận, từ năm 15 tuổi bà đã không còn bố mẹ, phải sống cùng anh trai. Vì thế mà bà Thuận cũng không giao tiếp nhiều với hàng xóm và không nghĩ đến chuyện kết hôn.
Chuyện tình kỳ lạ của cụ ông U90 và "cụ bà" kém... 40 tuổi - 3
Đại gia đình của ông Kính.
Ngồi trong căn nhà tồi tàn, nghĩ đến cuộc sống cô độc của cả hai người, sau khi nâng chén trà đắng uống một ngụm, ông Kính buột miệng hỏi bà Thuận: “Hay để tôi chăm sóc cô?”. Nghe ông nói vậy, bà Thuận sững sờ không nói nên lời, chỉ nhìn vào đôi mắt kiên định của người đàn ông trước mặt.
“Khi biết được hoàn cảnh éo le của Thuận, tôi rất thương. Cuộc sống của cô ấy quá khó khăn, lại thiếu thốn tình cảm nên lúc nào cũng tự ti vì bản thân, sống khép kín với mọi người. Thấy hoàn cảnh của cô ấy, tôi rất muốn chăm sóc, bù đắp cho cô ấy và quyết định cầu hôn”, ông Kính kể lại.
Hôn lễ của ông Kính và bà Thuận được gia đình hai bên đồng tình chấp thuận. Đó cũng là một cuộc hôn lễ kỳ lạ giữa chú rể 78 tuổi và cô dâu khi đó mới chỉ 38 tuổi nên khiến nhiều người trong xóm rất tò mò. Theo ý kiến của bà Thuận, chỉ nên làm một cách đơn giản rồi đi đăng ký kết hôn để tránh tốn kém. Nhưng nghĩ cho vợ, một người chưa từng mặc áo cô dâu nên ông Kính lại muốn một đám cưới đầy đủ thủ tục.
Đám cưới của hai người được tổ chức có đầy đủ họ hàng thân thiết hai bên. Ông Kính cũng sắm sửa đồ lễ, tổ chức lễ ăn hỏi trang trọng trước khi làm lễ đón dâu. Vì bà Thuận theo đạo Thiên Chúa, ông Kính đã phải bỏ ra 3 tháng miệt mài đến một nhà thờ ở Vĩnh Phúc để học đạo mới lấy được vợ. Mỗi ngày, ông phải đi 20km để đến giáo xứ.
Do tuổi đã cao nên những ngày đầu vào nghe giảng kinh, đầu óc ông Kính quay cuồng và tỏ ra mệt mỏi. Nhờ có vợ bên cạnh, ông Kính cũng hiểu hơn và hoàn thành khóa học 3 tháng đó. Nhưng sự chênh lệch về tuổi tác cũng khiến cuộc sống của đôi vợ chồng này gặp nhiều tình huống khó xử trong những ngày đầu.
Về việc xưng hô theo vai vế trong gia đình, bà Thuận tỏ ra ngại ngùng không dám xưng mẹ gọi con với các con riêng của chồng. Thời điểm đó, con út ông Kính cũng đã 40 tuổi, còn con cả đã ở tuổi 54. Chính ông Kính đề nghị các con chủ động gọi bà Thuận là mẹ để gia đình đầm ấm, có phép tắc trên dưới.
Sau này, khi đã thành quen, cuộc sống gia đình của ông Kính trở nên hòa thuận yên ổn một phần cũng nhờ sự vun vén từ các con của ông. Điều đó thể hiện rõ ngay cả cách xưng hô của con dâu ông Kính, người hơn tuổi “mẹ chồng” mình nhưng khi nói đến bà Thuận, luôn gọi một cách cung kính là “cụ bà”.
Còn việc xưng hô giữa hai vợ chồng, ban đầu bà Thuận gọi chồng là “ông” xưng “tôi”, nhưng về sau, để vợ chồng tình cảm, ông Kính chủ động xưng hô “anh - em”. Trong cuộc sống hằng ngày, ông cũng thường giúp đỡ vợ việc nhà hay chạy xe đưa vợ đi bán hàng.
Sau chục năm chung sống, ở cái tuổi gần 90, ông Kính cũng tự thừa nhận bản thân không thể lãng mạn như những người đàn ông trẻ trung khác. Nhưng đổi lại, ông luôn cố gắng sống trách nhiệm và quan tâm tới vợ nhiều nhất có thể.
“Vợ chồng là cái duyên, cái số. Vợ tôi đã vất vả nhiều nên tôi cũng không muốn cô ấy phải suy nghĩ thêm nữa, hằng ngày nếu giúp được gì cho vợ tôi luôn cố gắng làm, không nề hà”, ông Kính nói.
Ngoài thu nhập từ công việc đi bán rau của vợ, hằng ngày ông Kính cũng trồng thêm bưởi, nuôi thêm gà, vịt để tăng gia. Thời gian rảnh, ông chở vợ đi làm hoặc lấy rau ở các chợ đầu mối. Các con riêng của ông Kính đều trưởng thành, cuộc sống khá giả. Thỉnh thoảng, vào các dịp lễ Tết, cả gia đình lại quây quần, sum họp bên mâm cơm đầm ấm.
Chuyện về ông chồng có đến 37 ”người vợ” ở Sơn La
Anh Lường Văn Bó, dân tộc Thái, sống tại bản Mờn (xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) - người có đến 37 "vợ",...

Theo Tuấn Anh (Cảnh sát toàn cầu)

Con hạnh phúc vì tình yêu thương vô bờ bến của mẹ

Mẹ hy sinh cả tuổi trẻ, sức lực tâm huyết cho người mẹ gọi là chồng, là con. Mẹ mình làm tất cả những gì có thể để lo cho gia đình, từ công việc bán ve chai, đồng áng, đồng nát nhưng mẹ mình hiền từ, chưa bao giờ mình thấy mẹ đành hanh với ai bao giờ.
> Hạnh phúc vì được là con của mẹ

From: nangsommai
Sent: Wednesday, January 19, 2011 6:45 PM
Thân chào bạn Hoan!

Mình cũng như bạn, hạnh phúc vì được là con của mẹ. Mình cũng xa mẹ, nhưng khoảng cách chỉ là Bắc và Nam, không phải là giữa các châu lục hay giữa các đại dương. Khi xa mẹ ngàn dặm mình mới biết, mới hiểu thực sự mình cần mẹ như thế nào, mẹ có ý nghĩa quan trọng với mình ra sao. Mẹ quan trọng hơn tất cả mọi điều mình có, mình đang cố gắng làm tất cả những gì để muốn thấy mẹ vui lòng.

Mình cũng có một người mẹ tần tảo vì chồng, vì con, vì tổ ấm gia đình. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, một mái ấm gia đình thì bàn tay phụ nữ của người mẹ vun vén gia đình là rất quan trọng. Một người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con vì gia đình mà hy sinh rất nhiều, mẹ mình cũng vậy, mẹ hy sinh cả tuổi trẻ, sức lực tâm huyết cho người mẹ gọi là chồng, là con. Mẹ mình làm tất cả những gì có thể để lo cho gia đình, từ công việc bán ve chai, đồng áng, đồng nát nhưng mẹ mình hiền từ, chưa bao giờ mình thấy mẹ đành hanh với ai bao giờ.

Đến giờ lên chức bà ngoại, có hai đứa cháu một trai một gái, ngày nghỉ, sáng sớm ông bà chưa mở mắt thì hai đứa đã có mặt tại nhà bà ngoại í ới, đang đông rét mướt chúng ra sau nhà có khoảng đất trống hái rau cho gà ăn rau, nghịch ngợm bày đồ hàng ra sân nhà đến nỗi cởi vứt hết áo len. Bà ngoại thì không quát to được, quát to là nghe buồn cười lắm, tét vào mông chúng mấy cái vì nghịch ngợm thôi.

Ngày trẻ, mẹ đã làm tất cả để giữ miếng ăn cơm áo cho gia đình khi gia đình có biến cố. Cuộc sống gia đình mình giờ cũng khá hơn một chút, mẹ không còn vất vả bươn trải khi gia đình còn khó khăn nữa. Nhưng quãng đường mẹ đã trải qua gắn liền với sự lớn lên của mình, làm khắc sâu trong tâm trí mình hình ảnh, sự hy sinh của mẹ.

Cho đến khi lớn lên đi làm, mình càng cảm nhận rõ sự hy sinh của mẹ. Khi xa nhà, khi mình làm ra những đồng tiền thì người đầu tiên mình nhớ tới là mẹ. Mình và chị gái giờ cũng đã lớn và trưởng thành lên, chị em mình đều cảm nhận được sự vất vả thầm lặng của mẹ bao năm qua.

Ngày trước mình làm ở thành phố gần nhà, hàng tháng mình vẫn về nhà vào cuối tháng, mình cũng ở trọ và tự nấu cơm, nhưng nhiều bữa cơm thừa mình vẫn đem bỏ vào rọt rác và không có chút suy nghĩ gì. Từ khi mình đi làm xa nhà ngàn dặm như hiện nay thì những đồng tiền mình làm ra tuy ít ỏi nhưng làm cho mình nhớ mẹ lắm.
Tới mỗi bữa cơm mình tự nấu ăn, mình lại nhớ tới mẹ, do ngày nhỏ mình còn bé, ăn hay bỏ dở bát cơm và mình bướng không chịu ăn hết, vì nghĩ nhà có chó có gà, không ăn hết thì cho chúng ăn, nhưng mình luôn bị mẹ mắng vì điều đó.

Bây giờ xa mẹ, ngồi ăn cơm một mình dù không ăn được nhiều nhưng mình không bỏ một hạt cơm nào vì mình nhớ mẹ, nhớ theo từng bữa ăn. Mình nhớ cái nghèo khó một thời làm mẹ vất vả chắt chiu, mình nhớ sự chịu đựng vất vả của mẹ, những ốm đau của mẹ mà mẹ vẫn luôn gắng sức làm chỉ vì êm ấm gia đình.

Mình nhớ dù gia đình có những lúc khó khăn nhưng mình vẫn được mẹ yêu chiều, mỗi ngày đi chợ về mẹ thường mua trái cây, vào mùa nào thì mẹ mua trái đó, mình cũng không kén chọn gì, mua gì mình cũng ăn. Nhưng cứ hễ ngày rằm và mùng một mẹ lại hỏi ăn hoa quả gì mẹ mua về, ngày còn bé được mẹ hỏi vậy mình thích lắm, và mình thích vào những ngày đó để nghe mẹ hỏi thích ăn gì.

Có những điều đi qua để mình thấy trân trọng biết bao. Có những người mẹ thật vĩ đại trong lòng chúng con biết bao. Con cảm ơn mẹ đã sinh thành dưỡng dục con thành người. Con hạnh phúc khi nhận được không phải là một tài sản kếch xù mà là tình yêu thương vô bờ để con lớn khôn theo dòng cuộc sống, yêu thương là sức mạnh để thúc đẩy con người làm nên mọi điều.

Mình là độc giả thường xuyên cập nhận thông tin trên VnExpress, mấy ngày trước mình đọc “bài viết văn con gái viết về mẹ”, làm mình cảm động cho tới tận bây giờ. Mình không ngờ những lời của trẻ lớp 6 lại hay, nhẹ nhàng và sâu sắc như thế. Mình cũng phận làm con, mình cũng nhớ mẹ và yêu mẹ nhiều lắm, người mẹ ảnh hưởng tác động tới con cái rất nhiều.

Nhân đây mình muốn gửi lời chúc tới bạn Hoan trong hoàn cảnh xa mẹ giống như mình. Bạn đang còn là sinh viên, mình mong bạn sẽ luôn học tập tốt bởi hạnh phúc thực sự bạn nhận được là học hành đến nơi đến chốn, là niềm hạnh phúc của bố mẹ với bất kỳ người con nào. Và khi đi làm, bạn sẽ cảm nhận được điều đó.
Mình mong bạn luôn luôn vững tin vào bản thân khi va chạm xã hội nhé. Năm mới chúc bạn cùng gia đình an khang, hạnh phúc. Có chia ly ắt có đoàn tụ, mong một ngày gần tới gia đình bạn đoàn tụ và hạnh phúc bên nhau.

Mẹ mình không tiếp xúc tới internet, thế nên bài viết này mẹ sẽ không đọc được, nhưng trong thâm tâm mình luôn cầu nguyện cho bố mẹ mình an vui, khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu. Mình cũng muốn chúc tới các chị, các cô, các bác đang làm mẹ một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc.
Cảm ơn VnExpress.

Là một nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp, nàng Alcestis nổi tiếng vì tình yêu và sự hy sinh hết mực dành cho chồng. Câu chuyện về cuộc đời nàng đã trở thành nguồn cảm hứng cho một số vở kịch và opera được yêu thích tại châu Âu.

Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis
Bức “Alcestis Sacrifices Herself for Admetus”, 1804-1805, miêu tả cảnh Alcestis chịu chết thay chồng (Họa sĩ: Heinrich Füger, Akademie der bildenden Künste)

Ngày xưa có một vị vua tên là Admetus trị vì vương quốc Thessaly nhỏ bé. Nhà vua nhớ tên và thông thuộc từng thần dân trong vương quốc của mình. Đêm nọ, một lữ khách xuất hiện trước cung điện của nhà vua và xin được tạm trú. Vua Admetus biết đây không phải là một người dân bản xứ, nhưng vẫn nhiệt tình đón tiếp vị khách lạ.
ADVERTISEMENT
Điều đặc biệt là, sau khi được nhà vua khoản đãi và tặng quần áo, vị lữ khách không nêu tên, mà chỉ luôn miệng hỏi Admetus rằng, liệu mình có thể trở thành nô lệ cho nhà vua không. Dù không cần nô lệ, nhưng Admetus nhận ra rằng vị khách lạ đang rất buồn khổ, vì thế nhà vua đã nhận lời để ông chăn đàn cừu của mình.

Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis
Tác phẩm “Apollo”, 1874, miêu tả cảnh vị Thần ánh sáng chăn cừu cho nhà vua Admetus (Họa sĩ: Briton Riviere, Bury Art Museum)

Người khách lạ ở cùng Admetus trong một năm, rồi sau đó hé lộ thân phận của mình: ông là Thần Apollo. Nguồn gốc của sự việc là do con của Thần Apollo, Asclepius, dám làm trái luật Trời mà phục sinh cho người chết sau khi nhận tiền bạc. Chính vì thế, Asclepius đã bị Thần Zeus dùng sét đánh chết. Trong một phút nóng giận, Apollo đã bực tức giết hại những người khổng lồ từng chế tạo vũ khí cho Thần Zeus. Vì thế, vị thần của ánh sáng bị phạt phải làm nô lệ cho người thường trong một năm trời. Thần Apollo bày tỏ lòng cám ơn đối với Admetus, và ngỏ ý tặng cho nhà vua bất cứ điều gì mà ông mong muốn. Tuy nhiên vua Admetus nhã nhặn từ chối vì cảm thấy việc mình làm không có gì quá to tát cả. Thần Apollo từ biệt và nói rằng trong tương lai sẽ quay lại giúp khi nhà vua cần.
Không lâu sau đó, vua Admetus phải lòng nàng công chúa Alcestis xứ Iolcus. Mặc dù có rất nhiều người theo đuổi, nhưng nàng công chúa nổi tiếng với lòng tốt và sắc đẹp cũng chỉ mong làm vợ của vua Admetus mà thôi. Tuy nhiên, cha nàng, vua Pelias từ chối thỉnh cầu của Admetus với một thử thách không tưởng: Admetus phải đến cầu hôn trên một chiếc xe được kéo bởi sư tử và lợn rừng. Thất vọng và buồn bã trước yêu cầu khắc nghiệt, Admetus bất chợt nhớ tới Thần Apollo. Nhà vua cầu khẩn vị Thần ánh sáng, và Apollo hiện lên, thắng cương của một chiếc xe bằng vàng vào một con sư tử và một con lợn rừng. Vua Pelias buộc phải giữ lời hứa gả nàng Alcestis cho Admetus.

Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis
Một bức tranh minh họa cảnh nhà vua Admetus cùng nàng Alcestis quay trở về xứ Thessaly trên chiếc xe mà thần Apollo tặng (Tranh: MainLesson.com)

Vua Admetus cùng vợ sống hạnh phúc bên nhau, và vương quốc Thessaly nhỏ bé luôn vang lên tiếng đàn ca với những buổi tiệc tiếp đãi khách nồng hậu. Cho đến một ngày kia, nhà vua lâm bệnh nặng, và khó có thể qua khỏi. Thương tiếc Admetus, Thần Apollo đã cầu xin các nữ Thần Định mệnh không lấy đi tính mạng của nhà vua. Các nữ Thần đồng ý với điều kiện là một người sẽ phải tự nguyện chết thay cho Admetus. Vị Thần ánh sáng thông báo điều này với các thần dân của Thessaly.

Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis
Bức “Alcestis Sacrifices Herself for Admetus”, 1804-1805, miêu tả cảnh Alcestis chịu chết thay chồng (Họa sĩ: Heinrich Füger, Akademie der bildenden Künste)

Cha mẹ của Admetus vốn đã già và không còn được bao thời gian trên mặt đất, tuy nhiên họ không muốn chết thay cho nhà vua. Các thành viên trong cung và thần dân cũng không ai đủ can đảm để đối diện với cái chết. Duy chỉ có nàng Alcestis… Vậy là khi nhà vua Admetus mở mắt ra sau cơn bạo bệnh, ngài lại phải chứng kiến người vợ yêu quý ra đi. Trước khi Alcestis nhắm mắt, Admetus đã thề với nàng rằng ngài sẽ không bao giờ chấp nhận yêu người phụ nữ khác. Nhà vua ngồi bên xác vợ khóc lóc và từ chối ăn uống trong nhiều ngày.
Cũng vào lúc đó, người anh hùng Heracles (Héc-quyn) ghé thăm xứ Thessaly trong hành trình hoàn thành 12 kỳ công của mình. Mặc dù đang chịu tang vợ, Admetus không muốn làm phiền người bạn nổi tiếng. Vì thế ngài vẫn cho người hầu tiếp đãi Heracles. Tuy nhiên, nhận ra vẻ buồn rầu của những người hầu vốn nổi tiếng với lòng hiếu khách, Heracles đã gạn hỏi và được nghe kể về cái chết của nàng Alcestis. Áy náy vì đã làm phiền Admetus, và cảm động trước tấm lòng của nhà vua, Heracles đã ngồi canh giữ bên xác nàng Alcestis. Người anh hùng biết rằng Thần Chết Thanatos sẽ tới lấy đi linh hồn của nàng.

Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis
Bức “Hercules Fighting Death to Save Alcestis”, 1869-1871, miêu tả cảnh người anh hùng Heracles đọ sức với Thần Chết (Họa sĩ: Frederic Leighton)

Sau khi Thanatos tới, Heracles đã đọ sức với Thần Chết, giành lại linh hồn của Alcestis và khiến vị Thần quyền uy phải bỏ chạy. Sáng hôm sau, Heracles ra mắt vua Admetus, dắt theo một người phụ nữ che mặt. Người anh hùng nói với nhà vua rằng mình phải lên đường tiếp tục cuộc hành trình, và mong nhà vua hãy chăm sóc giúp chàng người phụ nữ nọ. Admetus bối rối từ chối, và nhắc lại lời thề của mình với Alcestis, ngài nhấn mạnh rằng mình sẽ không bao giờ phản bội người vợ yêu quý, và ngài cũng không chấp nhận sự hiện diện của người phụ nữ khác trong hoàng cung. Tuy nhiên, Heracles vô cùng cương quyết trao người phụ nữ cho Admetus và yêu cầu nhà vua hãy mở mạng che mặt nàng.

Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis
Bức “Herkules entreißt Alkestis dem Totengott Thanatos und führt sie dem Admetus zu”, 1780, miêu tả cảnh nhà vua Admetus sửng sốt khi gặp lại người vợ yêu (Họa sĩ: Johann Heinrich Tischbein d. Ä, Wikimedia)

Không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được nỗi bất ngờ của Admetus khi thấy khuôn mặt của người vợ yêu. Và lúc này, người anh hùng Heracles mới cất tiếng dặn dò nhà vua rằng, trong ba ngày, Alcestis sẽ sống như một cái bóng, cho đến khi linh hồn của nàng hoàn toàn trở về với cơ thể. Kể từ đó, nhà vua cùng hoàng hậu xứ Thessaly sống hạnh phúc bên nhau, cho đến khi Thần Thanatos quay lại và đón cả hai về với thế giới của người đã khuất.
Quang Minh

Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động

Trải qua hàng chục năm bên nhau, họ vẫn luôn giữa trọn vẹn tình cảm, sự chăm sóc như thuở ban đầu, khiến ai nấy đều ngưỡng mộ.

Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động

6000 bậc thang và chuyện tình cảm động
Đây là câu chuyện có thật về tình yêu vô bờ bến của một cặp đôi lớn tuổi ở Trùng Khánh, Trung Quốc.
Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động - ảnh 1 Cụ Giang và vợ.
Hơn 50 năm về trước, chàng trai Lưu Quốc Giang đã yêu một góa phụ hơn mình 10 tuổi. Tình yêu này bị ngăn cản bởi những định kiến xã hội khi đó. Để tránh sự kỳ thị của người dân xung quanh, Lưu Quốc Giang đã quyết định đưa người yêu lên núi và sống một cuộc sống chỉ có 2 người giữa chốn thâm sơn cùng cốc.
Để đảm bảo cho vợ an toàn khi đi lại, Quốc Giang đã dành cả đời mình tận tụy làm những bậc thang từ ngôi nhà của họ trên ngọn núi cao xuống.
Ông Giang đã làm bậc thang không nghỉ ngày nào, đến tận cuối đời, dù đã khắc được hơn 6000 bậc thang nhưng điều ông muốn làm cho vợ vẫn còn đang dang dở.
Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động - ảnh 2 Cụ đã dành cả cuộc đời mình để đẽo những bậc thang cho vợ xuống núi.
Năm 2007, Lưu Quốc Giang qua đời, 5 năm sau, vào ngày 30/10/2012, cụ bà cũng theo chồng sang thế giới bên kia. Gần 60 năm sống bên nhau, hai cụ đã dệt nên chuyện tình khiến nhiều người phải rớt nước mắt thán phục. Ngày nay, hơn 6000 bậc thang tình yêu mà ông Giang làm cho vợ đã trở thành biểu tượng ở Trung Quốc và là nơi giới trẻ ghé thăm vào các dịp lễ.
Chuyện tình của cặp đôi trăm tuổi người Paragoay
Chuyện tình của cặp đôi Jose Manuel Riella và Martina Lopez (Paragoay) là một trong nhưng thiên tình sử thời hiện đại khiến hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ.
Năm nay, cụ Jose đã 103 tuổi còn cụ bà Martina đã bước sang tuổi 99. Cặp tình nhân khiến nhiều người ngưỡng mộ này đã đã có hơn 80 năm chung sống bên nhau thuận hòa và có tổng cộng 8 người con, 50 cháu, 35 chắt và 20 chút.
Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động - ảnh 3 Cụ Jose và Martina trong lễ cưới đặc biệt của mình.
Năm 2013 vừa qua, cặp đôi này đã tổ chức lễ cưới theo nghi lễ tôn giáo Paragoay sau hơn 50 năm đăng kí kết hôn tại chính quyền địa phương. Tại buổi lễ, hình ảnh xúc động và hạnh phúc của hai cụ khiến nhiều người, đặc biệt là con cháu của họ rớt nước mắt. Linh mục của buổi lễ này cũng cho biết, cặp đôi này là chú rể và cô dâu cao tuổi nhất mà ông từng tác thành.
Tình yêu bền chặt của cặp đôi sống bên nhau 90 năm
Cũng giống như cụ Jose và Martina, cặp đôi Wu Conghan - Wu Sognshi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng nổi tiếng toàn thế giới bởi chuyện tình của mình. Họ đã viết nên chuyện cổ tích giữa đời thường và khiến hàng trăm triệu người Trung Quốc cũng như trên thế giới ngưỡng mộ.
Cụ Conghan đã 101 tuổi, trong khi đó cụ bà Sognshi bước sang tuổi 104. Được biết, 2 cụ kết hôn từ năm 1924 và chung sống bên nhau tròn 90 năm.
Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động - ảnh 4 Vợ chồng cụ Wu trong trang phục cô dâu, chú rể.
Cuộc hôn nhân kéo dài kỉ lục của 2 người đã trở thành một trong những đề tài được bàn luận sôi nổi tại Trung Quốc. Tên tuổi và hình ảnh của 2 cụ cũng thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và trở thành mối quan tâm của hàng triệu độc giả. Mới đây, cặp đôi này đã được các tình nguyện viên thực hiện một bộ ảnh cưới để kỉ niệm 90 năm hạnh phúc.
Tình yêu lãng mạn của cặp đôi trăm tuổi ở Nghệ An
Ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An), hỏi đến tên cụ ông Cao Viễn (106 tuổi) và cụ bà Vũ Thị Hai (100 tuổi) không ai không biết. Hai cụ đã sống bên nhau hơn 83 năm trong hạnh phúc.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Viễn và cụ Hai đều rất lãng mạn, vẫn luôn dành cho nhau những cử chỉ âu yếm, tình cảm. Mỗi sáng, cặp vợ chồng già thường cùng ngồi nghe đài và đọc báo.
Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động - ảnh 5 Vợ chồng cụ Viễn và cụ Hai vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm lãng mạn.
Hàng ngày, hai cụ đi bộ ra chợ mua đồ ăn rồi vào bếp trổ tài nấu những món mà người kia thích. Những ngày lễ tết, dân làng lại thấy hai cụ dắt tay nhau đi thăm con cái, xóm giềng. Cũng chính bởi sự hòa thuận, yêu thương nhau, sống phúc đức nên hai cụ luôn được mời làm ông mai bà mối, là người chứng kiến trong đám cưới của rất nhiều đôi trẻ.
Chuyện tình của cặp vợ chồng già ở trại dưỡng lão
Khu nhà dưỡng lão ở thị trấn Luân Giao, phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có một câu chuyện tình nổi tiếng, khiến nhiều người cảm động giữa cụ Chen Honghui (100 tuổi) và cụ Huang Jiankai (106 tuổi).
Khi vào sống tại trại dưỡng lão, hai cụ phải lòng nhau. Đến nay, họ đã sống với nhau được hơn 10 năm nay, mặc cho nhiều người phản đối.
Những 'mối tình già' khiến vạn người rung động - ảnh 6 Cụ Chen chăm sóc bạn đời của mình rất chu đáo.
Hiện tại, hai cụ chung sống cùng một phòng và chăm sóc nhau hàng ngày. Cụ Chen vẫn còn khá minh mẫn nên không ngại làm bất cứ việc gì cho người bạn đời của mình. Thậm chí nửa đêm ông có thể tỉnh dậy để nấu cháo yến mạch cho vợ, hay đi mua món ăn mà bà Huang yêu thích.
Tiin

Chuyện tình cảm động của cựu binh và người vợ son sắt thủy chung

Ông Khanh ở Thanh Hóa nên duyên cùng người con gái chưa một lần gặp mặt qua các lá thư vượt vạn dặm. Trải qua bao sóng gió, tình yêu của họ đến nay vẫn vẹn nguyên như ngày đầu.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 1
Ông Ngọ Duy Khanh, sinh năm 1959 tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Thời trai trẻ, ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tháng 3/1979, ông bị địch bắn tỉa thấu phổi, trúng cả bả vai, sương sườn... Trong 2 năm, ông được chuyển đi chữa trị khắp các bệnh viện ở khu vực Bắc, Trung, Nam, mới thoát được cơn thập tử nhất sinh.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 2
Trong thời gian đó, ông Khanh gặp người đồng đội cũng là đồng hương Dương Văn Long cùng phải nhập viện chữa trị vết thương. Hai người lính kết thân bạn hiền. Ông Long ngỏ ý gả người em gái ruột ở quê. Qua những lời giới thiệu, ông Khanh chủ động viết thư gửi về quê hỏi thăm người con gái chưa một lần gặp mặt là thiếu nữ Dương Thị Hạnh, sinh năm 1960. Từ hậu phương, cô gái Hạnh cũng viết vài lá thư trả lời người lính xa lạ. "Lúc đó, thấy anh ấy viết, lại nói là bạn của anh trai thì mình cũng trả lời. Một thời gian sau, anh ấy gửi cho tôi tấm hình. Tôi thấy cũng đẹp trai nhưng chưa có tình cảm trai gái gì cả", bà Hạnh vui vẻ nhớ lại.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 3
Đến năm 1981, đoàn của ông Khanh cùng ông Long chuyển về Đoàn an dưỡng thương binh 585 Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Lúc này, bà Hạnh từ quê miền núi Lang Chánh đến thăm anh trai. Tại đây, bà gặp chàng trai đã viết thư cho mình. "Cô ấy thấy tôi chống nạng bước đi chậm rãi rồi cảm mến. Chúng tôi có thời gian trò chuyện, hiểu nhau hơn. Tình yêu đơm hoa kết trái lúc nào không hay. Chỉ 2 tuần sau chúng tôi tổ chức đám cưới trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến", ông Khanh kể.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 4
"Đám cưới diễn ra kỳ lắm. Chú rể không thể đi rước cô dâu vì què quặt, chỉ đứng ở nhà chờ. Nhiệm vụ này giao cho họ hàng dùng xe đạp vượt hơn 80 km thực hiện", ông Khanh vui vẻ kể tiếp. Thế rồi, hai ông bà về sống với nhau. Niềm hạnh phúc như nhân đôi khi trong các năm 1983-1984, họ có với nhau 2 người con (1 trai, 1 gái). Thế nhưng, đến cuối năm 1989 - đầu 1990, vết thương từ thời chiến tranh của ông Khanh tái phát. Cuộc sống của ông bà chuyển sang một trang mới khó khăn hơn. Ông bị nằm liệt giường, mỗi năm đi viện đến hơn chục lần và phải cắt bỏ cánh tay phải.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 5
Từ đó đến nay, đã 28 năm, ông Khanh chỉ nằm liệt một chỗ. Mọi trọng trách, gánh nặng trong gia đình đều giao lại cho người vợ.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 6
Không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, tảo tần, bà Hạnh còn là một điều dưỡng viên tại nhà của chồng - người thương binh nặng, mất 95% sức khỏe.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 7
Cứ vài phút một lần, bà Hạnh giúp chồng lật người, xoa bóp các khớp cho chồng đỡ tê mỏi. "Hàng chục năm qua, bà ấy chưa một lần nào than trách. Số tôi thật may mắn, lấy được một người vợ nghĩa tình sắt son", ông Khanh xúc động nói.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 8
Hàng ngày, ông Khanh làm bạn với chiếc đài cassette để theo dõi tin tức.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 9
Còn bà Hạnh ngồi ở gian bếp kề bên để làm thêm nem bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 10
Buổi trưa hoặc chiều tối, gia đình trở nên ấm áp, nhiều tiếng cười hơn khi có người con gái út Ngọ Yến Chi ở nhà kế bên, sắp xếp công việc qua phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước...
Chuyen tinh cam dong cua cuu binh va nguoi vo son sat thuy chung hinh anh 11
Buổi tối khi cơm nước xong, bà Hạnh ngồi kế bên ân cần lau người, bóp tay chân cho chồng. Họ ngồi kể cho nhau những câu chuyện thường ngày hoặc ôn lại những kỷ niệm tình yêu từ thời chiến. Ông Khanh còn sáng tác nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ người phụ nữ mà ông luôn tâm niệm là tuyệt vời nhất trên đời. "Chỉ có vợ mới hiểu, chồng đau đớn dường nào. Chỉ có chồng mới biết, vợ vất vả làm sao", người cựu binh Ngọ Duy Khanh ngẫu hứng sáng tác bài thơ động viên vợ khiến bà cười hạnh phúc, xua tan mỏi mệt. Với họ, tình yêu vẫn nồng cháy, vẹn nguyên như ngày đầu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH