Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

HIỆN THỰC KỲ ẢO 107

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Nổi da gà về giấc mơ kỳ lạ và câu chuyện người hiến tạng trùng ngày tháng sinh với người nhận tạng


Người đàn ông hiến tạng cứu sống 5 cuộc đời khác và giọt nước mắt người ở lại

Thứ Tư, ngày 20/03/2019 19:00 PM (GMT+7)

Đã hơn 14 ngày kể từ đêm định mệnh mà vợ chồng ông Be, bà May tiễn đưa người con trai về nơi chín suối nhưng những giọt nước mắt vẫn chỉ chực rơi trên gò má hai đấng sinh thành.

Cuộc gọi cuối cùng
Từ trung tâm TP.Hà Nội, tôi đã vượt qua chặng đường hơn 30km để tìm về nhà anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989, trú xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội). Anh Chính là một trong những trường hợp hiếm hoi khi được gia đình đồng ý hiến các bộ phận cơ thể của anh để cứu sống 5 bệnh nhân khác. Tôi về nhà anh trong một buổi tối giữa tháng 3, khí trời Hà Nội đầy sương, những ngôi nhà ven đường tối đen vì mất điện và nhà anh Chính cũng không ngoại lệ.
Người đàn ông hiến tạng cứu sống 5 cuộc đời khác và giọt nước mắt người ở lại - 1
 Anh Nguyễn Văn Chính và chị Nguyễn Phương Oanh trong ngày hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Ba (SN 1991, em trai ruột anh Chính) đón tôi từ giữa phố Chợ, xã Quảng Bị, vòng qua những con đường làng ướt thẫm sương để về được ngôi nhà nơi đặt bàn thờ người đàn ông xấu số. Chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990, vợ anh Chính) thẫn thờ ôm cô con gái 14 tháng tuổi ngồi cách di ảnh chồng chỉ vài mét vẫn không kìm được nước mắt khi nói về đêm định mệnh khiến chị mất anh mãi mãi.
“Vì hoàn cảnh mưu sinh, vợ chồng em ở mỗi người một nơi. Em bán hàng ở khu vực Mỹ Đình, còn anh Chính bán vịt quay ở khu vực bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) cùng chú Ba. Bình thường em ở với ông bà ngoại, anh Chính sau khi nghỉ hàng thì về nhà ông bà nội”, chị Oanh chia sẻ.
Người đàn ông hiến tạng cứu sống 5 cuộc đời khác và giọt nước mắt người ở lại - 2
Ngôi nhà nơi anh Chính và gia đình sinh sống.
Tối 5/3, anh Chính nói với vợ đi uống bia cùng bạn ở Văn La, Hà Đông. Đến 0h35 rạng sáng 6/3 (tức 1/2 âm lịch), chuông điện thoại của chị Oanh reo nhưng ở đầu dây bên kia lại là một giọng nói hoàn toàn xa lạ. Người này thông báo cho chị biết anh Chính bị tai nạn, được người dân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.
“Lần cuối cùng em nghe được giọng nói của anh ấy là khoảng 11h tối 5/3. Anh ấy nói đang chuẩn bị thanh toán để về nhà. Ấy thế mà anh ấy nói chẳng giữ lời, bỏ lại mẹ con em đi chẳng về nữa”, chị Oanh nghẹn ngào.
Người vợ, người mẹ trẻ mạnh mẽ
Vội vàng gửi cậu con trai lớn 7 tuổi và cô con gái nhỏ mới 14 tháng tuổi cho ông bà ngoại, người mẹ trẻ phi như bay về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Chương Mỹ nơi chồng chị nằm đó. Chị cảm thấy tim như ngừng đập khi nhìn thấy anh, thoi thóp với các ống thở, máy móc hỗ trợ sự sống.
“Cảm giác đó thực sự tồi tệ. Sau khi nghe bác sĩ nói anh bị chấn thương sọ não, khả năng chết não cao, tỉ lệ sống không còn nhiều, em chẳng biết đã trải qua ngày hôm đó như thế nào. Nhưng mà còn nước còn tát, chồng em còn một hơi thở, em vẫn phải làm mọi thứ để giành lại anh ấy”, chị Oanh nói.
Chị Oanh và gia đình đã quyết định chuyển anh Chính từ BVĐK Chương Mỹ sang BVĐK Hà Đông, nhưng tình trạng của anh vẫn chẳng tốt hơn là bao. Chị tiếp tục chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức với hi vọng mong manh rằng phép màu sẽ đến với người đàn ông của chị. Thế rồi, các y, bác sĩ ở Việt Đức cũng lắc đầu với tỉ lệ sống chỉ còn 3% của anh Chính, chị Oanh chỉ còn cách đưa chồng về nhà.
“Sau 1 ngày 1 đêm thở ô xi, tình trạng của anh ấy bỗng nhiên tốt lên một chút. Em cứ ngỡ phép màu đã đến với gia đình em, nhưng không anh ạ. Khi em lại đưa anh ấy vào Việt Đức một lần nữa, tình trạng của anh ấy càng tệ hơn. Đấy cũng là lúc cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tìm đến nhà em, chia sẻ một vài điều về hiến tạng”, chị Oanh kể lại.
Chị Oanh đã rất phân vân về đề nghị của vị cán bộ đồng thời cũng lo lắng về sự phản đối của gia đình nhà chồng, lời gièm pha của hàng xóm hay những trở ngại về phong tục, cuộc sống ở quê… Nhưng dường như trái tim đang đập của anh nói với chị rằng đó là định mệnh, là mong muốn của anh khi chưa kịp nói với vợ lời trăng trối.
“Không tự nhiên mà tình trạng của anh ấy khi trở về nhà lại tốt hơn. Em nghĩ đó là định mệnh, là mong muốn của bản thân anh. Anh ấy ra đi khi chưa kịp nói lời trăng trối với mọi người, cũng chẳng còn nói yêu em, thương con được nữa”, chị Oanh rơi nước mắt.
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh
Ông Nguyễn Văn Be (SN 1958, bố đẻ anh Chính) cho hay thời điểm đầu tiên nhận được cuộc điện thoại của con dâu nói muốn hiến bộ phận cơ thể anh Chính, ông đã rất sốc.
“Cái Oanh nó nói nội tạng thằng Chính vẫn còn tốt, nên hiến tạng để cứu sống những người khác. Cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi, Chính nó mất rồi thì giữ lại cũng chẳng để làm gì. Tôi mới đầu nghe cũng sốc lắm, con trai vừa mất, con dâu lại đề nghị hiến tạng, vừa đau xót mà vừa giận nữa chú ạ”, ông Be chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị May (SN 1957, mẹ đẻ anh Chính) khi biết nội dung cuộc điện thoại của chị Oanh còn “giãy nảy” đòi đưa con trai về ngay lập tức. Theo bà May, anh Chính đã mất rồi thì nên đưa anh nguyên vẹn về với đất, sau này không phải lo lắng những vấn đề tâm linh hay “miệng đời” nói ra nói vào.
“Con tôi nó ra đi khi vẫn còn trẻ, có mấy ai đau đớn như vợ chồng tôi? Cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh nào mấy ai hiểu? Nhưng sau nhiều giờ đồng hồ được con dâu với các y, bác sĩ thuyết phục, vợ chồng tôi rồi cũng xuôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chẳng tin được thằng Chính nó đã bỏ vợ chồng tôi mà đi bất ngờ như thế”, bà May ngấn nước mắt.
Người đàn ông hiến tạng cứu sống 5 cuộc đời khác và giọt nước mắt người ở lại - 3
Bệnh nhân 8 tuổi được cứu sống khi nhận một phần gan của anh Chính.
Cách đây 14 ngày, đám tang anh Nguyễn Văn Chính được diễn ra dưới sự đưa tiễn của hàng trăm người dân xã Quảng Bị. Một cuộc đời đã kết thúc, một người đàn ông đã ra đi khi mái đầu vẫn còn xanh, tang thương phủ trắng con đường đưa linh cữu. Nhưng chính người đàn ông ấy đã tạo ra phép màu cứu sống 5 cuộc đời khác khi 2 bệnh nhân suy gan, ung thư gan được anh cứu sống. Ngoài ra, 2 quả thận, tim của anh cũng được ghép thành công cho 3 người khác. Trong đó, bệnh nhân trẻ nhất nhận được một phần gan của anh Chính mới chỉ 8 tuổi.
“Gia đình tôi rất mong được gặp những người đã được thằng Chính hiến tạng, cũng chẳng phải để nhận lời cảm ơn mà chỉ để nhìn thấy rằng con trai tôi vẫn còn đâu đó trên cõi đời này”, cặp vợ chồng lớn tuổi nói.
Trước khi rút ống thở của chồng để đưa sang phòng mổ lấy tạng, chị Oanh nghẹn ngào cầm lấy tay anh áp lên bụng mình,...

Theo Đức Sơn (Dân Việt)


Phút tiễn biệt của người vợ trẻ trước lúc hiến tạng chồng: 'Đó là định mệnh, là lời anh nhắn gửi'

Thứ Hai, ngày 18/03/2019 19:01 PM (GMT+7)

Trước khi rút ống thở của chồng để đưa sang phòng mổ lấy tạng, chị Oanh nghẹn ngào cầm lấy tay anh áp lên bụng mình, bé bỏng của anh chị mới hơn 9 tuần thai...

Cuộc điện thoại tiễn biệt lúc nửa đêm
0h30 đêm 6/3 (mùng 1/2 âm lịch), chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990) vẫn thấp thỏm ôm cô con gái 14 tháng tuổi, không ngủ được vì chồng chị, anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989) chưa báo tin đã về tới nhà.
"Cứ mỗi lần chồng về muộn, cứ 25 phút tôi lại gọi điện thúc giục. Đó là thói quen của vợ chồng tôi rồi. Cuộc gọi gần nhất của tôi cho chồng hôm đó là lúc 12h kém" - chị Oanh nhớ lại.
Phút tiễn biệt của người vợ trẻ trước lúc hiến tạng chồng: 'Đó là định mệnh, là lời anh nhắn gửi' - 1
Anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989, ở Hà Nội) luôn được nhớ tới là người cực tốt bụng, quan tâm người khác.
0h45 phút, điện thoại để đầu giường ngủ chị Oanh rung lên từng hồi. Như linh cảm thấy điều gì bất ổn, chị chụp lấy điện thoại rồi lặng đi khi biết chồng mình bị tai nạn giao thông khi về gần tới nhà (Chương Mỹ, Hà Nội).
Gửi hai đứa con lớn (cậu bé 7 tuổi và cô con gái 14 tháng) ở nhà bà ngoại ở Mỹ Đình (Hà Nội), chị Oanh phi như bay về nhà chồng. "Vợ chồng tôi vì lý do mưu sinh nên tuần chỉ được gặp nhau 1-2 lần, hai đứa hai ngả. Anh ấy làm nghề bán vịt quay ở quê, còn tôi buôn vịt ở ngoài này" - Oanh nói.
Tới nơi, cả gia đình chồng và người mẹ trẻ như chết trân, chồng chị nằm đó, ở BVĐK Chương Mỹ, thoi thóp. Bác sĩ nói anh bị chấn thương sọ não, cơ hội sống không còn nhiều, gia đình nên xác định. Cả nhà lại đưa anh Chính lên BVĐK Hà Đông. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, phần trăm sự sống của người thanh niên 30 tuổi đó chả đáng là bao. Oanh quyết tâm đưa chồng lên Bệnh viện Việt Đức.
Phút tiễn biệt của người vợ trẻ trước lúc hiến tạng chồng: 'Đó là định mệnh, là lời anh nhắn gửi' - 2
Người vợ trẻ 9X đã có quyết định dũng cảm khi thuyết phục từng người trong gia đình đồng ý hiến toàn bộ nội tạng của chồng để cứu người.
"Chồng tôi còn thở là tôi còn quyết cứu" - bà mẹ sắp có 3 con ấy vẫn mong chờ một phép nhiệm màu với chồng mình.
Nhưng lên tới Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, anh Chính vẫn không thể qua khỏi cơn hoạn nạn. Gia đình lại đưa anh về nhà để chuẩn bị hậu sự. Điều kỳ lạ là khi về bóp bóng, thở oxy tại nhà trong 1 ngày 1 đêm, tiên lượng sống của anh khả quan hơn. Gia đình lại đưa anh trở lại Bệnh viện Việt Đức, ngày 8/3.
"Tôi nghĩ đó là định mệnh, là lời nhắn gửi của anh. Anh ấy muốn chia sẻ sự sống với người khác" - chị Oanh nhớ lại.
"Tôi tin, tôi hiểu được lời nhắn nhủ chưa một lần nói ra của chồng"
Đưa chồng vào phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Việt Đức, lý trí nói với người mẹ 9X này là khó lắm vì quãng đường xa di chuyển khiến tình trạng của anh Chính đã tệ còn tệ hơn, nhưng trái tim người vợ trẻ yêu chồng vẫn làm tất cả.
Bác sĩ thông báo bệnh nhân Nguyễn Văn Chính đã chết não, không còn nhận ra những người thân đang đứng bên cạnh: Bố mẹ già, em trai và vợ. Lúc đó, cán bộ của
Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia gặp chị Oanh, chia sẻ một vài điều về hiến tạng. Chị dừng lại, nghĩ rất lâu.
"Tôi hay xem báo, đọc mạng, biết về hiến tạng rồi. Tôi cũng được cán bộ Trung tâm ghép tạng chia sẻ trường hợp anh Dương Hồng Quý ở Ninh Bình. Tôi và mẹ đẻ luôn nói rằng khi ra đi, nên hiến tạng cho người khác sống. Người đầu tiên tôi gọi điện hỏi ý kiến là mẹ đẻ, bà đồng ý và giục tôi đồng ý" - Oanh nói.
Nhưng không phải ai cũng quyết định nhanh được như thế. Mất một khoảng thời gian để Oanh thuyết phục gia đình chồng.
"Tôi rất hiểu suy nghĩ của bố mẹ chồng, không ai muốn con mình bị động dao kéo khi đã qua đời, rồi những vấn đề tâm linh khác sau khi anh mất nữa. Nhưng tôi nói với bố mẹ rằng người mất thì cũng sẽ về với đất mẹ, nội tạng của chồng còn rất tốt, có thể cứu được 5-6 người khác, thì tại sao không hiến chứ? Vậy là bố mẹ chồng đồng ý" - Oanh nhớ lại.
Khi ấy chị lại gần nắm tay chồng, áp bàn tay anh vào bụng mình. Em bé trong bụng chỉ mới 9 tuần thai, là đứa con thứ hai của hai vợ chồng.
"Mẹ tin chồng mình đồng cảm với quyết định của mẹ. Mẹ tin mẹ đã hiểu được lời nhắn nhủ dù chưa một lần nói ra của bố con. Nếu không, bố đã không "muốn" ra Bệnh viện Việt Đức lần nữa. Bố trở lại bệnh viện là để cứu người đấy" - người mẹ trẻ vừa đặt tay lên bụng, như nói với đứa con còn hoài thai.
Bác sĩ thông báo đã đến lúc đưa anh vào phòng mổ. Nhân viên y tế và gia đình đứng cúi đầu xung quanh giường bệnh anh Nguyễn Văn Chính, tri ân anh một phút mặc niệm. Anh được tiễn biệt sang phòng mổ lấy tạng. Để rồi, 16 tiếng sau, 2 bệnh nhân suy gan, ung thư gan được anh cứu sống. Cùng đó, 2 quả thận, tim của anh cũng được ghép thành công cho 3 người khác.
Người bố trẻ tốt bụng nay đã ở lại cuộc đời trong 5 hình hài khác
Gần 10 ngày kể từ giây phụt tiễn biệt chồng, chị Oanh vẫn chưa tin điều đó là sự thật. Anh chị mới cưới nhau được hơn 2 năm. Dù không phải là bố đẻ nhưng anh Chính - người chị Oanh vẫn luôn nói là "tốt vô cùng" - vẫn luôn quấn quýt, gọi con riêng của chị là bố - con. Bố mất, cậu bé 7 tuổi khóc suốt ngày vì nhớ bố, nhớ một người bạn lớn của mình nên luôn hỏi "Bố đi đâu chưa về"...
Phút tiễn biệt của người vợ trẻ trước lúc hiến tạng chồng: 'Đó là định mệnh, là lời anh nhắn gửi' - 3
Một phần nhỏ lá gan của anh Chính được ghép cho bệnh nhi 8 tuổi ở Hà Nội
Qua đài báo, chị Oanh biết rằng có những người được chồng mình hiến tạng đã hồi phục dần. Anh Chính cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được bác sĩ chia lá gan để ghép cho hai người.
Các đoạn mạch máu của anh Chính cũng được bác sĩ gửi vào Ngân hàng mô lưu giữ để ghép cho những bệnh nhân khác. Nhưng đến nay chị chưa gặp ai, chỉ biết hai người được ghép gan là bé 8 tuổi và người đàn ông 49 tuổi.
Thai phụ trẻ tuổi nói: "Rất muốn găp họ, không phải để nhận lời cảm ơn, mà để được sờ nắn, được cảm nhận nhịp tim, hơi thở, nụ cười của chồng hiển hiện trong con người họ".
Bà Ngần đã cố nén nỗi đau, thuyết phục gia đình hiến tạng con trai cho những bệnh nhân đang cần phẫu thuật.

Theo Võ Thu (Gia đình & Xã hội)


Tâm sự đặc biệt của bà mẹ quyết hiến tạng con trai cứu nhiều người

Thứ Tư, ngày 03/05/2017 00:30 AM (GMT+7)

Khi nhận tin con trai đột ngột qua đời, bà Ngần cố nén nỗi đau, thuyết phục gia đình để hiến tạng cho những bệnh nhân đang cần phẫu thuật.

Sự giằng xé và...quyết định kỳ diệu
Cách đây không lâu, câu chuyện của bà Cấn Thị Ngần (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) quyết định hiến nội tạng con trai chết não cứu người, đã khiến không ít người rơi nước mắt vì xót xa, cảm động.
Trò chuyện với PV, bà Ngần nghẹn ngào: “Nhận tin con trai út bị ngã từ lan can tầng 2 xuống tầng 1 và bị chấn thương sọ não, tôi đau đớn biết bao. Tôi chỉ biết khóc và cầu mong con trai mình qua cơn hoạn nạn này. Nhưng các bác sĩ nói, với hàng loạt chấn thương nặng con tai tôi khó có thể qua khỏi.
Vì thế, các bác sĩ đã vận động gia đình hiến tạng con trai để cứu nhiều người khác. Đau đớn vì con đang nằm một chỗ và có thể ra đi bất cứ lúc nào, trước những lời nói của bác sĩ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi mất nửa ngày giằng xé nội tâm để đưa ra quyết định của mình. Khi ấy, con gái tôi là người phản đối nhiều nhất. Nó khóc lóc van xin tôi đừng làm như vậy, vì nếu tôi hiến nội tạng con trai khi về quê sẽ bị dân làng, hàng xóm dị nghị rất nhiều. Nhưng sau đó tôi đã giải thích cho con gái hiểu, cho đi nghĩa là con trai tôi, em trai nó vẫn còn sống”.
Tâm sự đặc biệt của bà mẹ quyết hiến tạng con trai cứu nhiều người - 1
Bà Ngân tâm sự về giây phút quyết định
Dù nhiều người trong gia đình ngăn cản trước cái chết thương tâm của con, bà Ngần vẫn cầm chắc cây bút ký vào đơn cam kết hiến tạng.
“Trong phút chốc âm dương cách biệt, mẹ nào lòng chẳng quặn thắt. Con trai út là hy vọng duy nhất của cuộc đời tôi khi chồng mất sớm, cuộc sống gia đình khó khăn. Nó thương tôi nên đi làm được đồng nào đều gửi về cho mẹ. Trước khi đặt bút ký, tôi nghĩ đến con nhiều, nhưng khi ấy trong tôi lại có một suy nghĩ mãnh liệt hơn, còn nhiều bệnh nhân đang mong được cứu sống, hãy làm điều có ích cho xã hội này”, bà Ngần tâm sự.
Ngay sau khi bà Ngần đồng ý hiến tạng con, các bác sĩ đã rà soát bệnh nhân chờ ghép tạng. Theo thông tin từ phía bệnh viện, có 3 bệnh nhân cần ghép là chiến sỹ Nguyễn Nam T. được ghép tim. Bệnh nhân Vũ X.C. được ghép 1 quả thận. Bệnh nhân Trần T.H. được ghép 1 quả thận. Lá gan được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân đang chờ tại bệnh viện, tất cả các ca ghép tạng đều thành công.
“Tôi khóc rất nhiều khi nghe bác sĩ thông báo các ca ghép đã thành công. Tôi không mong gì hơn nữa. Chắc rằng con trai tôi ở thế giới bên kia cũng đồng tình với quyết định này. Nén đau thương lại mà cứu giúp người khác, tôi đã làm được điều đó. Dù rằng nhiều lúc nhớ con, đêm xuống lại hình dung con đang chờ mình đến đón về”, bà Ngần nghẹn ngào.
“Thấy con vẫn còn sống đâu đó”
Bà Ngần kể, bà không sợ khi về quê bị dân làng dị nghị để con mình “chết không toàn thây”, bà chỉ sợ sẽ không được “gặp lại” con mình lần nữa. Vì sau khi những người được ghép nội tạng của con trai bà, bà không hề biết thêm tin tức gì. Thế nhưng quyết định của bà Ngần lại khiến nhiều người cảm động, họ biết rằng, người mẹ ấy đã phải kìm lòng đến mức nào, mới đưa ra được quyết định mà không phải bà mẹ nào cũng làm được.
“Tôi cứ thế chờ đợi và hy vọng một ngày được “gặp lại” con mình ở đâu đó, vì tôi còn nhớ và thương con rất nhiều. Và không ngờ vào sáng 17/1/2017 một chàng thanh niên từ Quảng Bình đến thăm tôi, hơn 6 tháng rồi tôi đã được nghe nhịp tim đập rộn ràng của con trai mình, nó như một phép màu vậy. Tôi chỉ biết ôm T. – chàng lính biển bật khóc không thành lời. Con trai tôi đã trở về đây rồi...”, bà Ngần kể lại.
Trước ngày T. đến, tôi đã có linh cảm trước rồi, nhưng không nghĩ rằng tôi được “gặp lại” con trai mình sớm đến vậy. Ngày hôm ấy gia đình bà Ngần được sum họp, bà Ngần không rời khỏi con mình nửa bước, những người chứng kiến tình cảm của bà dành cho anh T. ai cũng bật khóc. Bà Ngần trò chuyện với anh T. như đứa con đi xa lâu ngày mới về thăm nhà. Trong lòng bà luôn nghĩ anh T. là con trai mình, một cảm giác vô cùng thân mật, không có chút xa lạ gì. Bà chỉ muốn ôm chặt con trai mình vào lòng, không muốn cho con ra về.
Tâm sự đặc biệt của bà mẹ quyết hiến tạng con trai cứu nhiều người - 2
Cuộc gặp gỡ định mệnh và nước mắt hạnh phúc của bà Ngần
Đặc biệt hơn nữa, bà còn được gặp anh Nguyễn Xuân H. (27 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội), một trong hai người được ghép giác mạc từ con trai bà. Gia đình anh H. dựa vào một chút thông tin ít ỏi trên mạng tìm đến gặp bà Ngần, cuộc gặp gỡ không hẹn trước khiến bà không khỏi xúc động. “Nhìn vào H., vẫn đôi mắt ấy, đôi mắt của sự hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng. Đôi mắt đầy yêu thương đã từng dành cho tôi. Tôi chỉ mong H. sẽ giữ gìn con mắt để sống và cống hiến cho cuộc đời này. Hiện cả T. và H. đều khỏe mạnh bình thường, không những thế còn thường xuyên gọi điện hỏi thăm và động viên tôi”, bà Ngần chia sẻ.
Hiện giờ bà Ngần chỉ muốn gặp những người nhận tạng còn lại từ con trai mình, dù họ có cách xa hàng trăm km bà sẽ tìm đến để thăm hỏi dù chỉ một lần. Không những thế, bà còn đăng ký hiến tạng nếu như bà có chuyện gì xảy ra, bà nói “cứu một người phúc đẳng hà sa”, cho đi có nghĩa là sự sống vẫn còn tồn tại, vì thế bà không hối tiếc bất cứ điều gì.
Gia đình của một thanh niên ở Hà Nội vừa qua đời sau khi bị tai nạn (do ngủ quên nên rơi từ tầng 2 lan can xuống đất...

Theo Mai Thu (Người đưa tin)

Con ngã bị chết não, mẹ đồng ý hiến tạng cứu 4 người

Thứ Năm, ngày 28/07/2016 15:12 PM (GMT+7)

Gia đình của một thanh niên ở Hà Nội vừa qua đời sau khi bị tai nạn (do ngủ quên nên rơi từ tầng 2 lan can xuống đất và chết não) đã đồng ý hiến tạng cho 4 người.

Con ngã bị chết não, mẹ đồng ý hiến tạng cứu 4 người - 1
Các bác sĩ lấy tạng từ thanh niên bị chết não để ghép cho 4 người
Ngày 28-7, Bệnh viện Quân Y 103 tổ chức họp báo cung cấp thông tin ca ghép tạng cho 4 bệnh nhân. Theo đó, các bác sỹ Bệnh viện 103 và bệnh viện Việt Đức thực hiện đồng loạt các ca ghép tạng gồm tim, gan, 2 quả thận cho 4 bệnh nhân.
Theo ông Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện quân y, sáng 27-7, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận ca cấp cứu 1 bệnh nhân tên M. trú tại Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, máu tụ dưới màng cứng ở vùng thái dương trái, dập não ở 2 bán cầu, dập phổi, gẫy đầu dưới xương quay.
Ngay lập tức, Ban Giám đốc và Khoa hồi sức đã cấp cứu dùng mọi biện pháp, song bệnh nhân đã không thoát được trạng thái chết não.
Trước tình trạng trên, bác sỹ của Bệnh viện Quân Y 103 đã động viên người mẹ đồng ý hiến tạng để cứu người khác.
Mặc dù đang còn bàng hoàng và đau đớn trước cái chết thương tâm của con song người mẹ này vẫn đồng ý hiến tạng cứu người.
Ngay trong đêm 27-7, các bác sĩ của BV Quân Y 103 và BV Việt Đức (Hà Nội) đã lấy tim, gan và hai quả thận để ghép cứu sống bốn người bệnh đang cận kề cái chết.
Ba bệnh nhân được ghép là chiến sỹ Nguyễn Nam T. được ghép tim. Bệnh nhân Vũ X. C. được ghép 1 thận; Bệnh nhân Trần T.H. được ghép 1 quả thận. Lá gan được chuyển sang BV Việt Đức để ghép cho một bệnh nhân đang chờ tại Bệnh viện.
Trước khi lấy tạng, các bác sĩ thực hiện ca ghép đã có một phút mặc niệm để thể hiện sự tri ân với người ghép. Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng.
“Ngay lập tức sau khi ghép tim xong, tim bệnh nhân được ghép đã đập ngay. Đối với bệnh nhận được ghép thận, sau khi ghép trên bàn mổ thì đã có nước tiểu. Kết quả ghép gan tại BV Việt Đức cũng rất tốt” – ông Quyết nói.
Hiện các bệnh nhân được ghép vẫn đang được hồi sức tích cực trong phòng điều trị đặc biệt.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đỗ Quyết bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm phục dành cho người mẹ nghèo đã dũng cảm vượt qua đau đớn về tinh thần và sự ngăn cản của họ hàng để thực hiệc việc làm nhân văn, đem lại sự sống cho 4 người khác đang mỏn mỏi đợi chờ.
Trước đó, tối 26-7, chàng trai tên M. sinh năm 1986, chưa có gia đình và làm nghề hàn xì; nằm vắt mình ở lan can ban công tầng 2 vừa trò chuyện điện thoại vừa hóng mát, rồi ngủ quên và rơi xuống tầng 1.
Đến 4 giờ sáng 27-7, người bạn tỉnh giấc, không thấy M. đâu liền xuống tầng 1 tìm thì thấy M. đã nằm đó, máu chảy từ tai và bất tỉnh. Theo lời một người thân của M. bố M. mất từ lúc M. còn nhỏ. Mẹ ở vậy làm ruộng nuôi 3 con. Mẹ M. năm nay đã 57 tuổi, M. là con thứ 3 trong nhà và ở với mẹ.

Theo Diệu Thu (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét