Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

KÝ ỨC CHÓI LỌI 113

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Huyền thoại đặc công thủy Bắc Việt
  
Huyền thoại đặc công thủy Bắc Việt_phần 2

Huyền thoại về một chiến sĩ đặc công nước

Thứ Bảy, 27/07/2013, 06:17 [GMT+7]
(QBĐT) - Nghe danh về người thương binh 1/4 Nguyễn Cao Tuyên- một chiến sĩ đặc công nước thuộc Lữ đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã lâu, nay chúng tôi mới có dịp trực tiếp gặp và nghe lời kể từ nhân vật huyền thoại này. Năm nay ông đã bước sang tuổi 73, là một thương binh nặng đang được nuôi dưỡng tại quê nhà, đội 8, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy,huyện Lệ Thủy.
Tại ngôi nhà của ông, có một gian dành riêng để trưng bày những kỹ vật thiêng liêng thời quân ngũ. Bức ảnh lớn nhất được ông trân trọng treo ở phòng thờ là bức ảnh Bác Hồ kính yêu đội mũ Hải quân nhân dân Việt Nam. Nụ cười hiền từ của Bác luôn tỏa sáng làm căn nhà thêm ấm cúng linh thiêng.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được tiếp xúc với những kỷ vật chiến trường của ông là hầu hết các chiến công đều gắn liền với hải quân. Do chiến tranh và thiên tai lũ lụt, nhiều giấy tờ liên quan đã mất mát khá nhiều. Dẫu vậy, ông vẫn còn lưu giữ không ít những huân, huy chương.
Hiện trong phòng lưu trữ đang có 1 huân chương kháng chiến hạng Nhì, 2 huân chương chiến công hạng Nhất, 2 huân chương chiến công hạng Nhì, 3 huân chương chiến công hạng Ba; và có 13 giấy chứng nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú; ông từng có 5 năm liền đạt chiến sĩ thi đua, 2 năm chiến sĩ quyết thắng...
Lý lịch của thương binh Nguyễn Cao Tuyên thật điển hình của một gia đình chính sách người có công: Cha ông là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp; bà nội ông là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông trầm ngâm nhớ lại câu chuyện nhập ngũ và kể tiếp: "Năm 1964, khi giặc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ leo thang bắn phá miền Bắc mở rộng chiến tranh phá hoại, tôi mới 23 tuổi, đang làm bí thư chi đoàn vôi-gạch-ngói Hợp tác xã Đại Phong. Với lòng căm thù giặc cao độ, tôi đã tự nguyện viết đơn bằng máu để lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.Tôi được biên chế vào đơn vị đặc công nước, thuộc Đội 1, Đoàn 126 Hải quân."
Chiến sĩ đặc công nước Nguyễn Cao Tuyên.
Chiến sĩ đặc công nước Nguyễn Cao Tuyên.
Để trở thành một chiến sĩ đặc công nước phải qua thời gian dài khổ luyện. Ông nhớ lại: "Nơi huấn luyện đầu tiên của đơn vị tôi là dòng sông Bạch Đằng lịch sử, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian tham gia huấn luyện, tôi được đơn vị bố trí vào một tổ gồm 3 chiến sĩ. Người tổ trưởng đi giữa. Hai tổ viên đi hai bên. Dùng dây buộc qua 3 người, người này cách người khác 6m, cứ vậy tiến sang phải, sang trái bắt mục tiêu tàu giặc. Người chiến sĩ đặc công nước phải biết chịu rét, chịu đói, chịu sóng gió. Ai cũng biết bơi đường dài ít nhất từ 5000m đến 7000m. Ngoài ra còn biết dùng ống kẹp mũi, dùng cao su ngậm miệng; khi cần có thể uống nước mắm chống rét. Khi đã huấn luyện thành thạo mới được ra chiến trường".
Trận xuất quân đầu tiên của ông là ngày 19-12-1966. Đó là dịp đơn vị phát động phong trào thi đua lập công chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: 22-12-1966. Biết bao là hồi hộp đối với người chiến sĩ trẻ. Mấy chục năm trôi qua mà giờ đây khi kể chuyện người thương binh vẫn nhớ như in: "Hôm đó là một ngày trời mưa. Tầm nhìn trên sông Cửa Việt bị hạn chế, thuận lợi cho các chiến sĩ đặc công nước hành động. Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, tôi nóng lòng lắm. Sau bao năm huấn luyện giờ đây mục tiêu đang ở trước mắt tôi. Giây phút mang vũ khí B41 để ngắm chiếc tàu địch đang chạy dọc sông thật hồi hộp. Tôi cùng đồng đội chờ sẵn. Khi tàu địch cách 40 m, tôi ngắm mục tiêu và bấm cò. Một luồng lửa bung ra. Khẩu đại liên và 3 tên lính ngụy trên tàu tiêu tan. Tôi tiếp tục bồi thêm 1 phát B41 nữa. Chiếc tàu bốc cháy dữ dội và chìm nghỉm".
Kể đến đây, người thương binh  giọng trầm lại: "Chiến tranh thật tàn khốc. Chính sự đau thương mất mát do kẻ thù gây ra ở hậu phương càng làm cho lòng căm thù giặc của người chiến sĩ ngoài mặt trận tăng thêm tột độ. Ngày 14-11-1967, tại thôn Đại Phong vào 12 giờ trưa, bom Mỹ đã giết hại 18 người trong đó có anh trai tôi, các cháu ruột, nhiều bà con ...Nợ nước thù nhà đã làm cho tôi càng hăng say chiến đấu."
Trận đánh địch của ông được Mặt trận B5 tặng thưởng huân chương chiến công diễn ra ngày 30-4-1968: "Lúc đó khoảng 7 giờ sáng. Bọn thám báo phát hiện có đơn vị 270 Vĩnh Linh ở thôn Dã Độ, thuộc huyện Gio Linh. Bọn địch huy động 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có cả xe tăng yểm trợ bao vây thôn Dã Độ hòng tiêu diệt đơn vị quân giải phóng. Tôi cùng đơn vị hợp đồng tác chiến với đơn vị 270 dùng B41 bắn cháy 1 xe tăng và nhiều lính thủy đánh bộ. Địch hoảng loạn tản ra, không dám tấn công vào nữa. Cho đến trưa trời nắng như đổ lửa. Bọn địch mất cảnh giác, ngồi tránh nắng ở các lùm cây. Nhân lúc đó, tôi vác B41 bắn vào chúng. Hàng chục tên lính thủy đánh bộ bị tôi diệt gọn". Tháng 2 năm 1973, trong một trận ném bom của máy bay địch yểm trợ cho tàu địch trên đường tiến về cảng Đông Hà, ông bị thương và  bị mất sức trên 81%, mắt phải bị hỏng, 2 tai bị thủng, 7 răng bị gãy".
Kể đến đây, bác Tuyên cười: “Suốt gần 9 năm là chiến sĩ đặc công nước, để giữ bí mật quân sự thời chiến tranh, người chiến sĩ đặc công nước không được trao đổi thư từ với gia đình, người thân, kể cả người yêu chưa cưới". Ngần ấy năm bằn bặt tin tức về người yêu, cô thôn nữ Đại Phong có tên là Ngô Thị Chiệc vẫn một lòng chờ đợi. Biết được tin anh Tuyên bị thương nặng, chị Chiệc lại càng thương. Điều cảm động là khi biết anh Tuyên bị thương, gia đình người yêu của anh vẫn không thay đổi lời hứa hôn ngày trước.
Bác Tuyên nhớ lại: "Khi biết tôi bị thương, bà con xóm giềng hỏi bố vợ tôi: -Dượng Tuyên bị thương mù một mắt nay có còn gả con gái cho dượng Tuyên nữa hay thôi? Bố vợ chưa cưới của tôi trả lời ngay:Hắn đau là việc hắn đau. Hai đứa hắn yêu nhau gần chục năm rồi sao không gả ". Đám cưới của ông được tổ chức tại thôn thật đầm ấm vui tươi và vẹn tình trọn nghĩa. Các cụ các mẹ cao tuổi của thôn Đại Phong còn tặng cho đôi vợ chồng người thương binh một món quà đầy ý nghĩa. Đó là một bài thơ ca ngợi tình nghĩa thủy chung son sắt. Bài thơ có đoạn:
"Anh đi giết giặc lập công
Thời em ở lại ruộng đồng đảm đang
Tuy xa muôn dặm giang san
Mà lòng chung thủy hiên ngang đợi chờ
Nhiều năm không thư không từ
Ngày qua tháng lại vẫn chờ  vẫn trông
Xuân về rồi lại sang đông
Mà lòng vẫn quyết  không sai lời..."

Đã hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn trân trọng cất giữ nguyên vẹn những vần thơ đó như một kỷ niệm đẹp của mối tình hạnh phúc. Giờ đây hai vợ chồng ông đang sống với nhau hòa thuận, người vợ hiền đảm đang của ông cũng là người chăm nuôi thương binh nặng rất tốt. Dù  người con đầu bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng hai vợ chồng người thương binh vẫn vượt lên khó khăn, làm tròn các công việc xã hội giao.
Sau nhiều năm tháng lập bao chiến công trên các chiến trường ác liệt, người chiến sĩ đặc công nước lại trở về với cuộc sống đời thường ở thôn Đại Phong. Ông đã từng đảm trách nhiều công việc quan trọng của địa phương như trưởng công an xã, xã đội trưởng, hội viên Hội Người cao tuổi, hội viên Mặt trận thôn...việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Gần đây ông được đề cử đại diện cho người có công tỉnh ta  tham gia Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc 2013.
                                                                           Phan Hòa

Huyền thoại 'đặc công nước'

10 Thanh Niên Online
Dù còn rất non trẻ, với vũ khí thô sơ nhưng những chiến sĩ đặc công Hải quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được những chiến công vang dội ngay từ những trận đầu.
Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành tháo lắp thủy lôi vào năm 1968 - Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân
Từ những năm 1966 đến 1972, họ là những huyền thoại trên mặt trận Cửa Việt (H.Gio Linh)- Đông Hà (Quảng Trị).
1.000 người tuyển 1
Cựu chiến binh Trương Văn Cung (quê xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình, thuộc phân đội kỹ thuật, Lữ đoàn 126) kể lại, ngày đó để tuyển một chiến sĩ đặc công hải quân đã khó, để tuyển một “người nhái” còn khó gấp bội phần, thậm chí ngang ngữa tiêu chí tuyển phi công. “Có nhiều yêu cầu đối với một đặc công hải quân. Tôi nhớ không nhầm thì gồm: bơi từ 10 đến 20 km; lặn sâu 9 m; lặn máy 12 m; ngậm ống thở đi ít nhất 1 km... Khắt khe nên nhiều người là dân miền biển vẫn trượt”, ông Cung kể.
Còn cựu chiến binh Lê Văn Nam (77 tuổi, quê xã Cảnh Dương, H.Quảng Trạch, Quảng Bình, thuộc phân đội 3, đội 2, Lữ đoàn 126) nhớ lại: “Sau khi trúng tuyển, chúng tôi được đưa ra Hải Phòng huấn luận và phải vượt qua rất nhiều thử thách để trụ lại. Chỉ riêng việc lặn sâu đã rất khổ khi chịu sức ép nước khủng khiếp. Có người không chịu nổi, chảy cả máu tai, trào cả máu mắt”.
Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh, nguyên chiến đấu viên Lữ đoàn 126 chia sẻ rằng bản thân ông ban đầu là chiến sĩ công binh, khi được tuyển qua đặc công “nước” cũng đã phải trải qua quá trình huấn luyện gian nan.
“Đối với người nhái, việc bắt mục tiêu rất quan trọng. Chỉ cần vẫy cái chân hơi mạnh, tay cầm la bàn hơi lệch là trật mục tiêu ngay. Chính vì thế ngày đó chúng tôi đã phải rèn luyện ngày đêm, kỹ chiến thuật nhuần nhuyễn. Tôi may mắn đã là 1 trong 10 người đặc công hải quân đầu tiên được ra chiến đấu nhờ hội đủ 3 yếu tố: sức khỏe tốt, kỹ chiến thuật tốt, phẩm chất đạo đức tốt, sẵn sàng chiến đấu”, trung tá Sênh nói.

Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân và tuổi trẻ Quảng Trị tổ chức lễ tri ân tại bia chiến thắng Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị).
Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân và tuổi trẻ Quảng Trị tổ chức lễ tri ân tại bia chiến thắng Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Đội quân “đi chân đất, ăn thịt hộp, vũ khí ba thân”
Cựu chiến binh Lê Văn Nam bảo thế hệ của ông là thế hệ “Ăn cơm bắc, đánh giặc nam”. Bởi, ngày đó, vào những đêm không trăng, những toán đặc công hải quân (từ 12 đến 25 người) của Lữ đoàn 126 từ đặc khu Vĩnh Linh vượt sông Bến Hải để vào vùng địch.
“Chúng tôi chỉ mặc quần đùi và đi bộ, trực chỉ cảng Cửa Việt, sông Hiếu mà đi. Mỗi người phải mang trên vai 10 đến 15 kg thuốc nổ...Thời gian mỗi trận đều rất gấp gáp vì cả đi cả đánh chỉ được diễn ra trong 1 đêm”, ông Nam nhớ lại.

Những cựu chiến binh lữ đoàn 126 chụp ảnh lưu niệm tại bia chiến thắng Cửa Việt.
Những cựu chiến binh lữ đoàn 126 chụp ảnh lưu niệm tại bia chiến thắng Cửa Việt - Ảnh: Nguyễn Phúc

Cũng theo ông Nam vào thời điểm này, có 2 cách đánh phổ biến mà các đặc công hải quân áp dụng đó là thả thủy lôi và đánh áp mạn (gài mìn vào mạn tàu). Mục tiêu mà các ông hướng đến là các tàu sắt của Mỹ ngụy neo dọc sông Hiếu ra tới Cửa Việt, đặc biệt là các tàu hàng - “dạ dày” của địch.

“Bộ đồ nghề” của các người nhái đặc công hải quân năm xưa.
“Bộ đồ nghề” của các người nhái đặc công hải quân năm xưa - Ảnh: Nguyễn Phúc

Cùng với sự sáng tạo trong thực tế chiến trường, từ 1966 đến 1973, tại chiến trường Cửa Việt - Đông Hà, những chiến sĩ đặc công Hải quân của Lữ đoàn 126 đã chiến đấu 300 trận, đánh chìm 339 tàu, phá hủy hàng vạn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Trong đó có những tàu có trọng tải tới 15.000 tấn và có những trận ly kỳ được ví là “trận Bạch Đằng trên sông Hiếu”.
“Chúng tôi hoạt động rất bí mật nên quân địch vào thời điểm đó không biết phiên hiệu của lữ đoàn. Chúng chỉ gọi nôm na chúng tôi là “Đội quân đội mũ đồng, đi chân đất, ăn thịt hộp, vũ khí 3 thân...”, ông Nam nói.

Thế hệ trẻ của hải quân dìu bước các cựu chiến binh cao tuổi tham dự chương trình tưởng niệm tại bia chiến thắng Cửa Việt.
Thế hệ trẻ của hải quân dìu bước các cựu chiến binh cao tuổi tham dự chương trình tưởng niệm tại bia chiến thắng Cửa Việt - Ảnh: Nguyễn Phúc

Theo Phó đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân, tháng 4.1966, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 126 thuộc Bộ tư lệnh Hải quân là một lực lượng “đặc biệt” chiến đấu theo phương thức “đặt biệt”, phù hợp với chiến trường đánh địch trên sông trên biển.
“Chúng ta mãi mãi tự hào về những người đã là huyền thoại như anh hùng Tạ Văn Thiều (Mai Năng), anh hùng Hoàng Kim Nông, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Hùng Lễ...và biết bao cán bộ, chiến sĩ đặc công hải quân đã lập nên những kỳ tích anh hùng nhưng cũng đầy máu và nước mắt. Thế hệ các anh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của cả dân tộc”,  Phó đô đốc Đinh Gia Thật nói.

Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành vận chuyển thủy lôi năm 1968. Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân.
Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành vận chuyển thủy lôi năm 1968 - Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân

Là những người kế thừa truyền thống anh hùng của lực lượng đặc công hải quân (đơn vị 2 lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 lượt tập thể và 12 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), đại tá Hoàng Minh Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126 cho hay thế hệ trẻ hôm nay rất đỗi tự hào và tự rút ra những bài học từ thế hệ đi trước.
“Một trong số các bài học là luôn tự nhủ lực lượng đặc công hải quân phải làm được những việc mà người thường không làm được. Có thế mới vượt lên chính mình, đạt 5 giỏi: giỏi bơi lội, giỏi võ, giỏi bắn súng, giỏi tác chiến, chịu đựng giỏi...Mục tiêu chiến đấu của đặc công hải quân ngày nay là biển sâu, biển xa, đảo xa, đối tượng tác chiến cũng thay đổi nên những yêu cầu này là vừa đủ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới”, đại tá Sơn nói.

Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành tiếp cận tàu địch. Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân.
Chiến sĩ Lữ đoàn 126 thực hành tiếp cận tàu địch - Ảnh tư liệu của Quân chủng Hải quân

Những đặc công nước huyền thoại trong lịch sử Việt Nam


Văn hóa người Việt gắn bó với nước, với sông biển từ rất lâu đời và trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình dân tộc ta đã sử dụng sở trường giỏi thủy chiến để làm lên những chiến thắng vang dội, như trận Bạch Đằng lần thứ nhất thời Ngô, trận Bạch Đằng lần thứ hai thời Tiền Lê, trận Vân Đồn và trận Bạch Đằng lần thứ ba thời Trần…
Người Trung Quốc có câu: “Nam di chu, Bắc di mã” (Nghĩa là: Người phường Nam di chuyển bằng thuyền, người phương Bắc đi lại bằng ngựa) phần nào nói lên sở trường của từng vùng, từng dân tộc. Với lợi thế ấy, trong biên chế quân đội của các triều đại phong kiến Việt Nam, thủy quân có vai trò cực kỳ quan trọng.
Đục chìm thuyền giặc. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).© Kiến Thức Đục chìm thuyền giặc. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).
Bên cạnh đầu tư phát triển cho thuỷ quân nói chung, các vương triều còn quan tâm đào tạo, huấn luyện, phát triển một lực lượng đặc biệt. Sử sách không ghi chép nhiều về lực lượng này, không rõ lực lượng ấy xuất hiện từ thời nào, nhưng muộn nhất cũng là vào thời nhà Lý. Có thể nói thủy quân triều Lý hùng mạnh một phần cũng nhờ họ biết phát huy nghệ thuật “đặc công nước”. Đây là hình thức có từ lâu đời và được kế thừa, phát triển lên tầm cao mới.Nghệ thuật “đặc công nước” ở đây là việc sử dụng những người lính thuỷ giỏi nghề bơi lặn, dùng dùi sắt nhọn đục thủng thuyền đối phương, hoặc dùng thuyền đặc chủng bí mật bất ngờ đánh hoả công. Trong sách “Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý”, tác giả Hoàng Xuân Hãn dẫn nội dung một tấu sớ của viên quan tên là Triệu Bổ Chi dâng lên vua Tống có viết: “Vả lại người Giao Chỉ giỏi thuỷ chiến. Từ xưa người Việt lặn xuống nước đội thuyền địch để lập úp. Đỗ Mục nói chúng có kẻ đi chìm dưới đáy bể 50 dặm mà không thở. Vả nay, thuyền buôn thường gặp giặc bể, bị chúng lặn dưới nước đục thuyền”.
Nội dung bản tấu đó phản ánh tâm trạng lo sợ của nhà Tống trước thủy quân của nước ta trong cuộc chiến tranh giữa Đại Việt với Tống triều năm Ất Mão (1075) - Bính Thìn (1076).
Một nhân vật nổi tiếng trong quân đội thời Trần về tài “lặn xuống nước đục chìm thuyền giặc” đó là Yết Kiêu, một gia nô của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nhiều tư liệu ghi chép về Yết Kiêu, như trong sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện gọi ông là dị nhân và có viết về chiến công ấy như sau:
“Khi ấy giặc Bắc cưỡi mấy trăm chiếc thuyền vượt biển tới cửa Vạn Ninh, người trong nước rất sợ hãi, tìm kẻ có thể đánh lui giặc Bắc ở khắp trong ngoài để phong thưởng. Dị nhân bèn lặn vào trong biển, đến dưới thuyền dùng sắt nhọn mà đục, thuyền vỡ bị nước đánh chìm. Giặc Bắc sợ hãi không hiểu tại sao bèn lấy thủy tinh soi, từ cao nhìn xuống đáy biển thấy có người ngắm đục ở bên cạnh thuyền vội bủa lưới thép để bắt. Dị nhân bèn bị bắt sống. Giặc cởi trói rồi hỏi: Nước Nam có bao nhiêu đứa giỏi như mày? Đáp: Kẻ giỏi như ta rất nhiều, hiện nay đang ở dưới bể đục thuyền. Ta chẳng may bị bắt, Thượng quốc nếu dùng đến ta, ta sẽ dẫn đến chỗ bọn họ, thả sức mà bắt. Giặc Bắc tin lời sai đem thuyền nhẹ để đi. Dị nhân thừa cơ lúc sơ hở nhảy xuống nước trốn mất. Bọn giặc trong thuyền nhìn nhau không biết làm thế nào.
Khi ấy giặc Bắc thấy thuyền chìm rất nhiều, lại nghe nói nước ta nhiều người giỏi lặn nước bèn không dám ở lại, đưa toàn quân trở về phương Bắc”.
Yết Kiêu mưu trí thoát khỏi tay giặ. (Hình minh họa – Nguồn: vscso.org).© Kiến Thức Yết Kiêu mưu trí thoát khỏi tay giặ. (Hình minh họa – Nguồn: vscso.org).
Nhiều người thường nghĩ chỉ có mỗi Yết Kiêu là có tài năng khác thường như vậy, tuy nhiên qua câu trả lời quân giặc của ông mà một số thư tịch đã ghi lại thì người đục thuyền giặc không chỉ có mình Yết Kiêu. Thực tế thì điều này hoàn toàn có cơ sở, mặc dù chính sử không chép nhưng giai thoại, thần tích tại đình, đền thờ phụng một số nhân vật thời Trần đã cho biết điều đó.
Tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình có ngôi đền thờ Trương Long quê ở đây, nơi mà xưa kia gọi là phường thủy cơ Bố Hải Khẩu, phủ Kiến Xương, xứ Sơn Nam Hạ. Truyền rằng ông là người có sức khỏe, bơi lội giỏi, được sung vào thủy quân của triều đình; ông từng lập một đội chuyên đục thuyền giặc và có đóng góp trong trận Bạch Đằng lịch sử diễn ra vào tháng 3 năm Mậu Tý (1288), nhờ đó Trương Long được triều đình phong làm Hiển Hựu hầu.
Hay như nhân vật Hoàng Tá Thốn quê ở Văn Tràng, (nay thuộc xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ông là Nội thư gia đời Trần, có công đánh giặc Nguyên Mông nên được phong tước Minh Tự, khi mất được ban vị hiệu là Sát Hải đại tướng quân Hoàng Minh Tự đại liêu, được nhiều nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lập đền thờ. Ông là người rất giỏi bơi lặn, thường lặn xuống nước đục thuyền giặc với cách rất đặc biệt, đục xong lỗ nào lại lấy dẻ nút lại, được bốn năm lỗ rồi mới cùng lúc kéo các nút dẻ ra làm nước ộc nhanh vào thuyền, quân giặc không thể bịt lại được, thuyền đắm rất nhanh.
Đội kình ngư tung hoành dưới mặt nước. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).© Kiến Thức Đội kình ngư tung hoành dưới mặt nước. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).
Một số người khác cũng tài giỏi không kém, đó là Đỗ Hành, quê ở hương Cổ Hoằng, lộ Thanh Hoa (nay là thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), người bắt sống hai tướng lĩnh cao cấp của của Nguyên Mông là Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc. Hay như Hoàng Minh, quê ở trang Vạn Phấn, huyện Thụy Anh, phủ Long Hưng (nay là thôn Phấn Vũ, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) chỉ huy một đội chuyên làm nhiệm vụ thám thính và đục thuyền giặc. Ông đã lập công trong trận Đại Bàng (cửa biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình ngày nay) vào ngày mồng 8 tháng giêng năm Mậu Tý (1288)…
Do thiếu thốn về nguồn tư liệu và ít được nhắc đến trong sử sách nên hậu thế khó mà biết rõ từ triều Hồ trở về sau việc tổ chức cũng như hoạt động của lực lượng “đặc công nước” diễn ra như thế nào. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, chiến công của thủy quân nước Việt trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, có phần đóng góp không nhỏ của những “kình ngư” dũng cảm, họ là những anh hùng ẩn danh trong lịch sử.
  
Những trận đánh táo bạo của đặc công Hải quân khiến Mỹ kinh sợ

Chuyện hai đặc công Việt Nam đánh chìm tàu sân bay Mỹ

authorĐăng Nguyễn - NI Thứ Hai, ngày 24/07/2017 19:40 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Hai đặc công Việt Nam bí mật xâm nhập vào cảng Sài Gòn, mỗi người mang theo 40kg thuốc nổ và các bộ phận cần thiết để tạo nên hai quả bom hẹn giờ


   
 chuyen hai dac cong viet nam danh chim tau san bay my hinh anh 1
Tàu sân bay USNS Card neo tại cảng Sài Gòn.

Tạp chí Mỹ National Interest mới đây đã đăng bài về sự kiện hai đặc công Việt nam đánh chìm tàu sân bay Mỹ ngày 2.5.1964. Chúng tôi xin lược dịch bài viết này.
Theo National Interest, mục tiêu của hai đặc công Việt Nam chính là tàu sân bay lớn nhất của Mỹ neo tại cảng Sài Gòn vào ngày 2.5.1964.
Tàu sân bay USNS Card vốn là tàu hộ tống chuyên chở máy bay săn ngầm hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương trong Thế Chiến 2. Tàu được cải tiến trở thành tàu sân bay chuyên chở máy bay chiến đấu, trực thăng.
USNS Card dài 151 mét, rộng 34 mét, lượng giãn nước tối đa 16.500 tấn. Tàu neo tại cảng Sài Gòn khi đó chở theo 39 máy bay và nhiều trang thiết bị vũ khí khác.
Sự xuất hiện của tàu sân bay USNS Card được coi là cam kết của Mỹ trong việc leo thang Chiến tranh Việt Nam sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1961.
Theo National Interest, chiến sỹ đặc công Ba náo (Lâm Sơn Náo) từng là nhân viên bảo trì tại cảng Sài Gòn ở thời điểm vụ tấn công xảy ra. Công việc này thực chất chỉ là vỏ bọc để ông thu thập thông tin tình báo, che giấu khối thuốc nổ và chuẩn bị phương án tấn công.
Theo kế hoạch, Ba Náo đưa một chiến sĩ trẻ đi cùng vào tối ngày 1.5. Hai người chèo xuồng từ Kinh Tẻ băng sông Sài Gòn về phía Thủ Thiêm, từ đó vượt sông hướng về phía cảng Sài Gòn.
Trải qua nhiều khó khăn để tới được cảng Sài Gòn, trong đó có cả việc bị lính địch chặn hỏi, hai người lính đặc công khéo léo vượt qua và chèo xuồng vào đường cống. Đi được khoảng 300 mét thì nước cạn, hai người nhảy xuống vác thuốc nổ đi về phía chiếc tàu sân bay Mỹ đang cập ở bờ cảng.
 chuyen hai dac cong viet nam danh chim tau san bay my hinh anh 3
USNS Card thuộc lớp tàu sân bay Bogue. Ảnh minh họa.
Tại đây, hai chiến sỹ đặc công dành khoảng một giờ dưới nước để lắp đặt hai quả bom hẹn giờ nặng 40kg. Vị trí đặc bom được tính toán kỹ lưỡng để nước có thể tràn ngập vào khoang động cơ.
2 giờ sáng ngày 2.5.1964, quả bom phát nổ khiến tàu USNS Card chìm dần xuống sông Sài Gòn. Vụ nổ tạo ra hố rộng ở khoang động cơ, nhấn chìm con tàu từng sống sót qua đợt tấn công của tàu ngầm U-boat Đức trong Thế chiến 2.
Nhiều nhân viên quân sự Mỹ trên tàu thiệt mạng và 24 máy bay chìm theo tàu. Mỹ coi USNS Card tàu sân bay cuối cùng bị đánh đắm trong một cuộc chiến tranh cho đến nay.
Sau chiến công lịch sử này, Lâm Sơn Náo được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba. Hai chiến sỹ giúp vận chuyển thuốc nổ vào thành phố được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
USS Card sau này được “vinh danh” trên con tem của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với tên gọi “Hàng không mẫu hạm Mỹ bị đánh”.
Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson khi đó muốn sự kiện tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm nhanh chóng chìm vào quên lãng. Chính phủ Mỹ phủ nhận thông tin có tàu chìm ở cảng Sài Gòn và nói với công chúng rằng tàu sân bay USNS Card chỉ bị hư hỏng nhẹ.
Chính vì lý do này mà hải quân Mỹ đã huy động toàn lực trục vớt tàu sân bay chìm dưới mặt nước khoảng 15 mét. Mỹ điều hai tàu cứu hộ USS Reclaimer và USS Tawakoni đến cảng Sài Gòn để bơm nước ra khỏi tàu sân bay.
 chuyen hai dac cong viet nam danh chim tau san bay my hinh anh 4
USNS Card mang theo máy bay chiến đấu.
17 ngày sau, USNS Card được trục vớt thành công trong tình trạng tồi tệ và nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng. 6 tháng sau, con tàu phục vụ trở lại trong 6 năm nữa trước khi được đem rã sắt vụn.
Vụ đánh chìm tàu sân bay Mỹ cho thấy các tàu chiến dễ bị tổn thương như thế nào trước đối phương sử dụng vũ khí thô sơ.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, tàu sân bay được coi là “biểu tượng sức mạnh” của một quốc gia. Nhưng con tàu cỡ lớn chở theo hàng chục máy bay này lại rất dễ bị tấn công.
Đó là lý do vì sao tàu sân bay cần đội tàu hộ tống hùng hậu, bao gồm tàu khu trục, tàu tuần dương tên lửa và thậm chí cả tàu ngầm.
James Holmes, chuyên gia lịch sử hải quân tại Đại học Hải chiến Mỹ nói: “Vụ đặc công Việt Nam đánh chìm tàu USNS Card khiến người Mỹ không còn gọi tàu sân bay là ‘pháo đài bằng thép’”.
“Pháo đài có lớp tường dày bảo vệ nhưng tàu chiến hiện đại chỉ có lớp giáp mỏng. Một ai đó mang theo quả bom là đủ để tạo ra thiệt hại lớn”, ông Holmes nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét