THẾ CUỘC GIANG HỒ 05 (Cờ thế ứng vạn biến)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Thơ Vui Về Cờ Tướng

Cờ tàn 

Thiếp chống làm sao-Tốt nhập cung
Cờ tàn còn một nước là xong
Mất sĩ lấy gì che mặt tướng
Pháo chàng giờ đã gác ngang hông
Hai tượng gếch lên che gì được
Tướng thiếp bây giờ cảnh hở lưng
Ngựa xe tất cả đều sơ xác
Chàng thắng thiếp rồi có sướng không?

( Hai câu kết có thể thay bằng câu
Ngựa xe tất cả đều tan tác
Thiếp muốn lui về có kịp không? )


Nước cùng !

Cờ tàn dí tốt nhập thâm cung
Dồn thế cờ em tướng khốn cùng
Đành quên đôi tượng không kịp đỡ
Chợt nhớ sĩ hòanh vẫn còn sung
Bình tâm tướng sĩ phòng thủ chắc
Vội vàng dí tốt chiếm hòang cung
Há phải chăng đây còn tình nghĩa ???
Mà sao cứ ép….. đến nước cùng 

Hoạ lại cờ tàn

Cờ tàn mất sỉ tượng đang banh
Bị pháo chàng đe trước cổng thành
Một chốt lăm le chờ nhập nội
Hai vua trống trải xuất cho nhanh
"Đi về một cõi" chàng chờ thiếp
"Tiến thẳng sài gòn" mụ ngóng anh!
Thế cuộc cờ người sao vẩn thế?
Hàng đêm trông đợi, mộng chưa thành! 

HOẠ CỜ TÀN 

Đang cơn bĩ cực mã vô cung
Sĩ, tượng giương lên đỡ chẳng xong
Tướng vội ra biên nhằm tránh kiếm
Xe liền thọc xuống quét ngay hông
Pháo chơi cảm tử lui về giữ
Tốt lại ra quân đuổi đến cùng
Chuyển được thế nguy ra...thế bí
Phen này đã chịu trói hay không? 

Giữ thành !

Cờ tàn mặt tướng khá mong manh
Thu quân phòng thủ giữ cho lành
Tấn công tới tấp đà thế thắng
Phòng thủ vội vàng giữ thanh danh
Địch công pháo điệp hăm hở chiếu
Ta bền sĩ tượng nào dám banh
Cờ tàn vẫn vậy anh luôn chiếu
Mặc kệ...tướng em..cố giữ thành

Thiếp Chàng
Ban đầu chàng đã chiếm thế công
Cứ ép thiếp hoài, tức cành hông.
Pháo mã vừa ra liền vặt trụi
Tốt đầu một bước đã chìm sông.
Song xe nhất sĩ làm sao cản
Rút tượng pháo lồng cũng chẳng xong.
Ở chốn sa trường chàng bách thắng
Tình trường biết có vậy hay không !

Nàng thắng


Đôi bên khởi cuộc thế giằng co
Thượng pháo chàng công lộ ý dò ,
Nương chiều tụt sĩ ra nước thủ
Vén tịnh thế xưa ắt nguy to.
Lợi công pháo trống đòi nhập nội
Đè nặng xe hà ép tướng co...
Thôi đành thuận bước để chàng tiến
Vỡ nước sang ngang phải lụy đò.


Chàng thắng

Ham công chàng thượng pháo tiến xe
Ép thế ra oai bắt tịnh què
Liều mình tụt sĩ phơi mặt tướng
Dấn tốt ,mã hồi lật đường xe.
Xem ra lỡ nước chàng thất thế
Pháo trống không ngòi hết đường đe
Thuận đà chiếu tướng đưa tốt nhập
Hết nước chàng thua , thở phì phè.....
Hòa


Tiến công một bước chàng hăm he
Nghếch pháo chiếu hông ,tướng bị đe
Xoay thế vội vàng nâng bộ mã
Co càng lùi lại một bước xe.
Hai bên lộ tướng què gọng sĩ
Mặc sức thi nhau dấn quân đè
Bở hơi công thủ đôi bên gắng
Tàn cuộc thế hòa cạn nước che.

Lấy cờ họp bạn 


Có bạn từ xa tới,
Cũng thuộc loại cao cờ.
Cũng đam mê chung giới,
Suốt sáng, chiều chơi cờ.
Lễ tiếp xong ngồi vào,
Đừng hỏi trẻ hay già.
Là thầy cũng là bạn,
Thua, thắng có màng chi.
Bàn cờ băm hai quân,
Mỗi bên được mười sáu.
Hán, Sở phân biên giới,
Đen, Trắng cũng rõ ràng.
Tiền tiêu Binh, Tốt giữ,
Pháo nã vào địch thành.
Xe, Mã ngang dọc đấu,
Sĩ Tượng bảo vệ thành.
Tướng, Soái ở cung giữa,
Nào hay ngoài binh lửa.
Người thắng chớ kiêu mãn,
Kẻ thua cũng đừng buồn.
Chơi cờ để dưỡng tính,
Bạc tiền đâu đặt trên.
Bạn về cùng ra tiễn,
Ngày nào anh lại lên?

Cùng chơi cờ Tướng



Mấy điều cần nhớ cho sâu
Nước cờ cao thấp khởi đầu thấy ngay
Ra quân phải thoáng mới hay
Đừng nên xối xả thẳng tay tiến bừa
Nước đi chớ phí, chớ thừa
Trước sau một nước thắng, thua là thường
Dù cho lực lượng tương đương
Nếu không tính kỹ dễ thường bó tay.
Đánh cờ đâu chuyện rủi may
Trí cao lực thấp, dở hay biết liền
Cho nên thủ pháp đầu tiên
Chiến thuật hợp lý xuống lên vững vàng
Nhìn tinh từng nước đối phương
Bao nhiêu cạm bẫy phải lường hiểm nguy.
Biết ta biết địch mà suy
Tấn công đâu có chỉ vì ăn quân
Đừng cho dụng thế hợp quần
Đồng biên tam tử là gần như thua
Pháo đầu cần phải ngăn ngừa
Gặp tay kỳ cựu dễ đưa vào tròng
Pháo nách mắc phải long đong
Rút lên rút xuống như còng khóa tay
Pháo trống cũng dễ lung lay
Tướng không xuất ngoại thua ngay tức thì
Pháo lăn mắc phải khốn nguy
Ngang tầm bộc phá thành trì tan hoang.
Cờ tàn mà thật đàng hoàng,
Một Mã thả sức hiên ngang tung hoành
Thế trận Mã Tốt đã dành
Biết dùng binh pháp ắt thành như mong
Khuyết Sĩ liệu trước đề phòng
Song Xa tối kỵ đừng hòng Tướng an
Tốt biên quý lúc có tàn
Qua hà đáng giá nghìn vàng đó sao.
Cờ tàn mới rõ thấp cao
Biết hòa biết thắng nhìn vào thấy ngay
Thấp cờ sao biết điều này
Chỉ là giải trí giải khuây đỡ buồn.
Nếu cầu tiến bộ luôn luôn
Phải mua tạp chí phải ôn, phải nghiền.
Thấp cao cũng vẫn Cờ Tiên.
Thể thao Trí tuệ luyện rèn thêm vui!

Bài ca thích cờ 

Thích gì? Ta thích cờ thôi
Gió mây biến hóa ai ôi lạ lùng
Còn thua rồng rắn khi cùng
Mà xem lúc thắng hổ hùng dương oai
Ngựa xe rong ruổi đường dài
Sang sông một tốt hãm ngoài trùng vi

Bắc nam hình thế riêng chia
Tới lui động tĩnh tính suy đủ đường
Xuân đêm khua tỉnh giấc vàng
Quân cờ đập mạnh hương đàn thoảng bay
Vườn riêng xum họp bạn bầy
Chây Hoàng lầu Trúc rượu say nửa vời

Ngày dài lưu khách ngồi chơi
Am cao đảm tiếng quân rơi trước bàn
Tiểu đồng lấp ló bên lan
Cô hầu quanh viện quét tàn lá rơi
Giang sơn vật lộn tay đôi
Công danh quên bẵng chuyện đời hơn thua

Ngày vui thời khắc êm đưa
Trăng tà hương lạnh trúc ngơ ngẩn cành
Thần tiên nhàn nhã vườn quỳnh
Trường an công tử thích tình vui say
Trong khi vui nước có hay
Thêm đàn thêm rượu, thêm đầy vách thơ

Tản mạn cuối năm

Cuối năm hoa đào nở
Chẳng thấy ông đồ xưa
Toàn thầy đồ trẻ lắm
Ngoáy bút mấy vần thơ

Cuối năm hoa đào nở
Chỉ có bàn cờ xơ
Mấy Tốt già ngồi đó
Bụng đói mặt ngẩn ngơ

Thế Tướng ở đâu thế ?
Chắc lại nằm trong cung
Chuyện đời Tướng với Tốt
Lẽ nào lại ở chung

Nhà Tướng cao ngất ngưởng
Sát mặt đường cái qua
Tốt tuy không được thế
Nhưng bốn phương là nhà

Gió đông cười khúc khích
Mặt Tốt cứ buồn so
Tấm thân kia gầy gộc
Bến đời ai khóc cho.

Gió đông buồn hây hẩy
Dáng Tướng cứ phây phây
Ngựa Xe, ôi lườm lượm
Sĩ Tượng thì ngất ngây.

Ngoài trời mưa gió lạnh
Tốt một mình co ro
Trong cung đệm êm ấm
Nên Tướng ngủ khò khò

Đời cứ trôi như thế
Vương quyền tất hả hê
Phận dân đen u uất
Chắc chỉ còn tái tê

Những khi nào nhọc sức
Là có Tốt vượt sông
Sao mà khi Tết đến
Chẳng thấy người đoái công !

Thôi đành trong gió mới
Ngẫm đời cố ung dung
Chỉ cầu mong có lúc
Cho Tốt ngồi vào cung

Vinh Cuộc Cờ Người

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thủy không ai được biết.

Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.

Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.

Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Ðem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.

Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.

Cờ Tướng (bài 1)

Trại địch ken đầy, dọa nuốt tươi,
Bàn cờ lo tính mãi khôn nguôi!
Công danh dẫu chẳng đầy tay nắm,
Thua được thường luôn trước mắt coi.

Ngoài dóng ngựa, xe, ngừa đuổi giặc,
Trong dàn sĩ, tượng, giữ yên ngôi.
Muốn quên gươm giáo nhưng còn ngại
Lệch chuộng đường "văn", việc "võ" lơi! 

Cờ Tướng (bài 2)

Trên bàn cờ gỗ trận bầy xong,
Sĩ tượng quây tròn giữ "cửu cung";
Cặp ngựa bay nghiêng, quen ngả tiến,
Đôi xe lặng tiếng, thẳng đường dong

Âm lăng, Sở Bá nguy khôn đọ,
Xích Bích, Chu lang thế rõ hùng;
Tan trận, sông dài xe, pháo hết,
Trơ bầy Tốt hỉn múa lông nhông!

Cảm xúc

Cầm tay mai mốt đã xa rồi,
Kỳ hữu mọi miền nhớ quá thôi
Thi đua cố gắng còn xum họp
Họa lại thơ nhau thắm nụ cười.


Gửi bạn mê cờ

Cầm quân đã mấy chục năm rồi

Kỳ nghệ càng say chẳng muốn thôi
Thi tài cao thập bao điều mới
Họa sống trăm năm chẳng thể rời.
---------------------------------------------------------------------------

 
Giải Cờ thế giang hồ tập 4Ứng vạn biến Garu cờ thế
Mời các bạn thư giản với câu chuyện này

TRẬN CỜ NHỚ ĐỜI

Bây giờ nhiều lúc vui vui nghĩ lại, thấy rõ ràng mình có gây khốn đốn chút đỉnh cho danh cờ Âu Thiếu Huê lúc đó, chỉ là nhờ những nước cờ sắc bén, mà danh thủ họ Âu không ngờ, từ cuốn "bí kíp" của Phạm Tấn Hòa...
Sau 1975, phong trào cờ Tướng bùng lên mãnh liệt. Khắp xóm làng, trường học đâu đâu cũng thích chơi cờ. Thành phố thì tay cờ lừng danh số một lúc đó tên là Trần Quới (biệt hiệu Lác Chảy), top 5 là các tay cờ Nguyễn Văn Xuân, Phạm Tấn Hòa, Âu Thiết Huê (phần đông là người Tàu)...
Long thuở đó cũng theo phong trào, thích nghiên cứu và đấu cờ Tướng. Tuy nhiên, mặc dầu đánh cũng tàm tạm, nhưng cũng chỉ ăn tụi non cờ thôi, chứ gặp tay khá vẫn thua hoài.
Tình cờ biết được ba Long là bạn làm chung hãng với danh thủ cờ Phạm Tấn Hòa (hãng dược phẩm Vinaspecia trong Khánh Hội). Năn nỉ ông già đưa đến gặp ông thầy Hòa để nhờ chỉ giáo vài chiêu. Phạm Tấn Hòa lúc đó còn nổi tiếng chơi giỏi môn cờ Quốc Tế tầm cỡ cả nước, cùng với những tay cờ trẻ lừng danh như anh em Từ Hoàng Thông, Từ Hoàng Thái...
Còn nhớ buổi tối hôm đó, ông già dẫn đến nhà Phạm Tấn Hòa. Khi nghe mình nói muốn học thêm cờ Tướng, ông Hòa lạnh lùng nói "Cờ Tướng thì có gì mà dạy, cầm cuốn sách này về học thuộc lòng, rồi quay lại đây".
Cuốn sách mà ông ta đưa, dày khoảng 300 trang, cũ mèm, rách tơi tả, viết bằng tiếng tàu. Toàn bộ cuốn sách là giới thiệu về cách đánh Bình Phong Mã (vô đầu bằng cách dâng hai con Mã lên hai bên con Tượng nằm chính giữa).
Cần nói thêm rằng, thế Bình Phong Mã là cách đánh cực kỳ lợi hại, mà bất cứ danh thủ cờ Tướng nào cũng thích sử dụng, bởi thế đó công thủ đều xuất sắc.
Ông Hòa chỉ giải nghĩa sơ về những chữ tàu nghĩa tấn, thối, bình là Long có thể đọc hiểu được cuốn sách tiếng Tàu đó. Còn nhớ, Long đem cuốn sách về nhà, xem, rồi xách bàn cờ ra, đi theo thế dạy của sách, học ngấu nghiến trong vui thú ngày đêm.
Sau đó, Long nhớ rằng mình không trở lại gặp danh thủ Phạm Tấn Hòa lần nào nữa, bởi vì tay cờ Phan Kỳ Long sau đó đã có thể hạ đo ván tất cả tay cờ kha khá khu Trương Minh Giảng, trong trường đại học Sư Phạm. Tiếng đồn vang xa, lâu lâu có tay cờ lạ tới kiếm thử sức, thường thì đệ tử của Phạm Tấn Hòa vẫn giành được thắng lợi.
( Phạm Tấn Hòa - Danh thủ và cũng là huấn luyện viên nổi tiếng )
Càng chơi cờ và thắng các đấu thủ, mới thấy cuốn bí kíp cờ của Phạm Tấn Hòa "kinh khủng" thiệt. Nó hầu như "tiên đoán" mọi nước đi "mạnh" có thể xảy ra, và chỉ cho cách đánh lại. Sau hơn 20 thế cờ thì sách không dạy nữa, nhưng lúc đó mình đã dành được hoàn toàn thế thượng phong, mình chỉ cần có khả năng tính trước được khoảng 2, 3 nước cờ, không đút đầu cho đối phương ăn sáng, là đánh bại được biết bao là cao thủ. Nếu đối phương đi những nước cờ không có trong sách thì đó chỉ là những nước non yếu, sau cũng chừng 20, 30 nước cờ, là thế trận của đối phương trở nên lỏng lẻo, tan rã... trừ một trường hợp đặc biệt xảy ra trong câu chuyện dưới đây.
Khoảng dịp tết Nguyên Đán năm 1986, tại nhà văn hóa Quận 5 (trung tâm Đại Thế Giới cũ) trong Chợ Lớn có tổ chức giải vô địch Cờ Tướng mừng xuân. Nghe đồn, giải cờ có quy tụ hầu hết danh thủ cờ cả nước, Long liền tìm đến để coi cho thỏa lòng hâm mộ.
Buổi sáng hôm đó, dân hâm mộ cờ vẫn đến đông nghẹt, mặc dầu các trận bán kết chỉ diễn ra vào buổi tối (hai đấu thủ ngồi trên sân khấu, có một bàn cờ khổng lồ cùng dựng trên sân khấu, mỗi nước đi của các đấu thủ, sẽ được một người cầm một cái cây móc dài, di chuyển theo những con cờ to lớn trên tấm bản cờ to lớn đó, để người phía dưới có thể theo dõi được trận đấu).
Phía trước sân khấu là sân thật rộng, nơi đó buổi tối sẽ dựng ghế cho khán giả ngồi, buổi sáng họ bày cả trăm bàn cờ nhỏ để khách hâm mộ đánh chơi với nhau. Đám đông càng cuồng nhiệt ồn ào, với những ván cờ chơi cá độ tiền...
Long lang thang qua những bàn cờ đầy nghẹt người, không xem gì được mấy, còn cảm thấy tay ngứa ngáy muốn đánh một ván cờ. Bất chợt, thấy một thanh niên người Tàu gầy cao, tóc dài chấm vai, cũng đang đứng thơ thẩn một mình, nhân tiện Long rủ anh ta ngồi xuống chơi một ván cờ cho vui. Anh ta nhìn mình có vẻ hơi ngạc nhiên một tí, rồi đồng ý chơi. Để tránh đám đông ồn ào, Long rủ anh ta ra một bàn cờ trống ở góc sân.
Vừa xung trận, Long đã đánh những thế dàn quân Bình Phong Mã chặt chẽ từ bí kíp của Phạm Tấn Hòa. Còn nhớ gã thanh niên Tàu chơi thế pháo đầu. Long đi rất nhanh 20 nước cờ đầu tự tin, trong thế thượng phong, vì đối phương chơi toàn những nước cờ đối đã được tiên đoán trong bí kíp. Nhớ lại, Long càng đi cờ nhanh, gã Tàu càng đi cờ cực kỳ chậm, vẻ mặt căng thẳng.
Theo cuốn sách, những nước cờ gã thanh niên đi là nước yếu, bởi vì sau khoảng 30 nước, thế trận sẽ dẫn đến một nước cờ tối hậu: Long sẽ thí một con xe của mình để lấy hai con tượng của đối phương, lối thí quân này bề ngoài tưởng như có sự bất lợi cho mình, nên thường đối phương sẽ thí ngay. Sau lần thí quân này, chỉ khoảng 10 nước hơn, mình sẽ chiếm thế thượng phong và đối phương sẽ không còn cách chi cứu vãn được sự thua cuộc. Nếu đối phương sáng suốt không thí cờ, thì thế cờ có thể sẽ còn giằng co, phải đi đến cờ tàn...
Còn nhớ khi Long đánh xe vào tượng, chuẩn bị cho quân cờ thí tối hậu. Anh chàng thanh niên người Tàu suy nghĩ thật lâu. Trong đầu lúc đó Long cầu cho anh ta chấp nhận thí quân, để mình thắng luôn ván cờ; nếu không, phải đi đến cờ tàn, có khi Long phải thua, bởi vì thấy hắn đi cờ kỹ và chắc chắn lắm. Lúc đó, chợt cảm thấy nóng và nồng nặc mùi mồ hôi, Long ngửng đầu lên, thấy vây chung quanh bàn cờ mình là đám đông người Tàu, nói xí xa xí xồ um sùm. Mình cũng cảm thấy lạ và ngạc nhiên, tại sao họ lại bu xem bàn cờ con, đánh chơi của mình với gã Tàu vô danh, mà lại không xem những bàn cờ độ, của những tay đánh giỏi gần đó.
Sau những những phút thật lâu suy nghĩ, gã Tàu quyết định thí quân, Long thở phào nhẹ nhõm, đám đông xung quanh lại càng ồn ào hơn. Ván cờ càng lúc đi vào chỗ quyết liệt, gã thanh niên Tàu tiếp tục đi những cờ cực kỳ sắc bén, hóa giải dần thế thượng phong của Long, đưa trận đấu về cờ tàn. Long thua ngay từ phút đầu trong trận cờ tàn, vì đối phương chơi rất nhuyễn về cờ tàn (lúc này thấy hắn đi cờ rất nhanh), trong lúc mình lại thiếu quân (đổi mất 1 con xe lấy 2 tượng lúc trước).
Đánh xong, gã thanh niên Tàu còn bày lại bàn cờ nói "Đáng lẽ ván này nếu nị đi như vầy sau khi thí xe, là ngộ thua dzồi". Long nhìn lại ván cờ, thấy rõ nước cờ của mình sau khi thí xe, là những nước không còn được chỉ trong bí kíp của Phạm Tấn Hòa!
Đám đông vẫn còn bàn tán dữ dội, gã thanh niên Tàu vẫn ngồi suy nghiệm ván cờ vừa rồi. Long thì đã thấy đói bụng nên cảm ơn, ra về. Anh ta còn hỏi với theo "nị tên gì dzậy", Long lờ luôn, lách nhanh xuyên qua đám đông ra khỏi trung tâm.
Đánh cho vui, thua không có gì quan trọng, nên buổi tối Long trở lại trung tâm Đại Thế Giới để dự khán hai trận bán kết. Trên sân khấu đang diễn ra hai trận bán kết, một trận của danh thủ Trần Quới, một trận kia của danh cờ Nguyễn Văn Xuân, đối thủ của Xuân chính là... gã thanh niên Tàu đánh ván cờ hồi buổi sáng với Long!
Long hỏi một bác Tàu ngồi kế bên, mới hay gã thanh niên Tàu buổi sáng chính là Âu Thiếu Huê, một trong năm tay cờ Tướng giỏi nhất Sài Gòn thuở đó! Âu Thiếu Huê nổi tiếng về chơi cờ tàn trong làng võ lâm cờ Tướng. Sau đó Long còn được biết thêm, buổi sáng hôm đó có nhiều người thua và thắng tiền cá độ trong trận cờ giữa Long và gã danh thủ họ Âu. Một người đã thắng cá độ vì anh ta xem thế trận hai bên và cá rằng danh thủ họ Âu phải dùng đến thế trận cờ tàn mới có thể đánh bại được gã chơi cờ vô danh tiểu tốt...
Giải cờ năm đó Trần Quới bảo vệ được danh hiệu vô địch của mình, đánh bại danh thủ Nguyễn Văn Xuân trong gang tấc. Một điều thú vị là danh thủ cờ nhất nhì Việt Nam lúc đó là Nguyễn Văn Xuân, nhưng anh ta không biết đọc, biết viết – mù chữ(!)
Hú hồn, nếu Long thắng trận cờ đó, dám giờ này còn ngồi ở Chợ Lớn, rung đùi, bán hủ tiếu hoành thánh...
Bây giờ nhiều lúc vui vui nghĩ lại, thấy rõ ràng mình có gây khốn đốn chút đỉnh cho danh cờ Âu Thiếu Huê lúc đó, chỉ là nhờ những nước cờ sắc bén, mà danh thủ họ Âu không ngờ, từ cuốn "bí kíp" của Phạm Tấn Hòa. Thêm một yếu tố về tâm lý: Long không biết gã Tàu là danh thủ cờ. Tuy vậy, họ Âu không hổ danh, vẫn chuyển được thế cờ từ bại thành thắng, vì trình độ cờ anh ta quá cao. Anh ta tưởng mình là danh thủ ẩn danh nào đó, chứ nếu rủ đánh lại, chắc chỉ vài phút là Long đại bại!
Tấn PG .

 
Ván Cờ Tướng Bạc Tỷ Đình Đám Nhất Năm 2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH