KIẾP GIANG HỒ 164

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tiểu Sử Đại Ca Giang Hồ Khét Tiếng Xứ Vàng LÊ VĂN TUỆ - Con Đường Hoàn Lương Bất Thành

Lê Văn Tuệ

Bây giờ, hắn là ông chủ nhỏ của một gia đình, có một vợ một con, một ngôi nhà nhỏ mọc giữa khoảng vườn thưa đầy lá rụng. Từ sáng đến tối, hắn cần mẫn úp mặt xuống đáy sông Tiên (xã Tiên Lộc, Tiên Phước, Quảng Nam) đãi sỏi bán cho dân thầu xây dựng, kiếm từng 10 ngàn đồng một để nuôi vợ nuôi con. Những người quen trong xóm đi qua, nhìn cái dáng lụi cụi, vất vả và cam chịu của hắn chỉ lặng lẽ thở dài. Đám trai tráng ria mép chưa kịp cứng thì tròn mắt ngạc nhiên. Không hiểu nổi có thật là hắn - đại ca Lê Văn Tuệ khét tiếng, kẻ từng dám tiêu hoang cho đến hết một lúc hàng trăm cây vàng, kẻ đã từng là nỗi khiếp hãi của cư dân bất hợp pháp vùng vàng Phước Sơn - đấy không? Ai tròn mắt, ai ngạc nhiên... cứ việc. Với Tuệ, tất cả đã thành quá vãng. Cái thời “thò tay vào túi là đụng phải vàng” ấy đã qua rồi, qua mà không có gì đáng để nuối tiếc, bởi đó là đoạn đường đầy những máu hận thù và nước mắt tủi nhục...

Hơn 18 năm trước, Lê Văn Tuệ chỉ là một thằng bé con nhà nghèo, đến lớp với hai chân hai chiếc dép khác màu. Năm 1986, học hết lớp 12, chán cái cảnh đến lớp với cái bụng lúc nào cũng óc a óc ách vì... đói, Tuệ xếp sách vào bao tải treo lên xà nhà, theo bạn bè đi đãi vàng sa khoáng ở Trà Giốc, Trà My, le lói trong lòng một khát vọng đổi đời. Nhưng vàng đâu không thấy, chỉ thấy vàng hai con mắt. Sốt rét rừng quật ngã gục giấc mơ hiền lành của thằng trai 16 tuổi. Tỉnh cơn nóng lạnh, Tuệ cùng đám bạn lại lo... chạy, vì bị công an truy quét liên tục. Túng quá hóa liều, nhóm của Tuệ bàn nhau đi “chấn”. Tháng 2.1992, Tuệ tham gia phi vụ “ăn bay” đầu tiên, chấn được 2,6 cây vàng bổi. Số tiền này, cả bọn không thằng nào dám tiêu, chúng đầu tư hết vào mua máy, máng xay vàng tại bãi Tiên Hiệp, Tiên Phước. Không chút kinh nghiệm, chỉ ít ngày sau, số vàng cướp được đã bốc hơi theo khói máy dầu. Chán nản, cả bọn dàn cảnh đánh nhau để có cớ rã đám. 12 triệu đồng bán máy được chia đều cho 7 thằng, mỗi thằng lận lưng một ít và chia tay nhau. Từ đó, Tuệ bắt đầu một đoạn đời kinh khủng mà dẫu có muốn cũng không quên được.



* * *

Ngày 18.3.1992, Tuệ ném mình vào giữa bãi đá Saphre Trường Xuân (Đắc Nông - Đắc Lắc). Bãi vàng hay bãi đá quí thì cũng như nhau, đều là nơi bạo lực đồng nghĩa với quyền lực. Đúng hôm Tuệ mò lên thì máng đãi của sáu thằng oắt con cùng quê Nông Cống, Thanh Hóa vào cầu, nhặt được dăm bảy viên đá “lốt” (deluxe). Lập tức, chiến tranh hầm hố xảy ra. Sáu thằng bé con bị một đám dân anh chị trong bãi tấn công, đòi giao nộp chiến lợi phẩm. “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”, Tuệ tự động xắn tay áo xông vào trợ chiến. Thấy có người giúp, bọn nhóc trở nên can đảm hẳn lên, lăn xả vào trận, đánh cho đám gây hấn tan tác. Để trả nghĩa, chúng nằng nặc mời cao thủ Lê Văn Tuệ “ở lại với anh em”. Chưa biết đi đâu, tiền mang theo cũng đã cạn kiệt, Tuệ gật đầu ở lại làm “đấng chăn dắt” đám trẻ con thừa máu liều nhưng thiếu kinh nghiệm và cô thân cô thế. Việc của Tuệ không phải là nai lưng ra đào đãi mà là “bảo kê”, đứng ra dàn xếp những mối bất hòa, thậm chí sẵn sàng động chân động tay khi có kẻ mò đến đòi tiền bãi hay cướp phá. Nghề này Tuệ khá thạo, nhờ vào chút vốn “võ vườn” học được từ những năm còn bé. Buổi tối, bọn trẻ lại vây tròn quanh Tuệ để đại ca chỉ vẽ cho vài thế võ phòng thân.

Rừng không hai cọp, đám anh chị trong bãi Saphre cay lắm, quyết tâm phục kích nhổ bỏ cái gai trong mắt. Biết nguy hiểm đang rình rập, một hôm Tuệ bảo đám em út đưa cho mình ít tiền và mò vào thị trấn Gia Nghĩa (Đắc Nông). ở đó, Tuệ không mua sắm gì, chỉ ghé vào một tiệm tạp hóa và một tiệm hàn, ăn một tô phở rồi về. Trong túi áo Tuệ có thêm một thứ “đồ chơi” lạ mắt: một sợi dây mì đàn ghi ta, một đầu có gắn một cục chì nặng, đầu kia buộc chết vào một chiếc vòng sắt, nắm vừa lọt tay, được ông chủ tiệm hàn chế theo thiết kế của chính Tuệ.

Biết chắc trận địa phục kích đang đợi mình, Lê Văn Tuệ nấn ná mãi đến 2 giờ sáng mới quay vào bãi. Vừa qua khỏi cầu ván thứ nhất, hơn chục thằng cô hồn đã bu lấy Tuệ với đủ thứ đồ chơi, từ cuốc, xà beng đến côn nhị khúc. Nắm chắc chiếc vòng sắt, Tuệ múa tít sợi dây đàn. Đêm đen như mực, “địch quân” không hề phát hiện được “đồ chơi” của Tuệ là thứ gì, chỉ nghe tiếng gió rít vù vù, nhanh như chớp, và tiếng cục chì quật vào đầu, vào lưng lốp bốp. Trận phục kích chỉ kéo dài chừng dăm phút, hơn chục tên lót ổ đã thất kinh bỏ chạy, sau khi đã lãnh hàng chục vết thương. Tuệ không đuổi theo, đúng hơn là không dám đuổi theo, chỉ vội vã thu sợi dây đàn vào tay và bỏ chạy về lán, giấu kín nó vào người.

“Vũ khí bí mật” của Tuệ đã nhanh chóng tạo nên nỗi khiếp hãi cho đám dân anh chị vùng bãi đá. Chưa phát hiện được đích thực loại vũ khí mới, đám cô hồn không dám mạo hiểm tấn công, chỉ lặng lẽ lủi đi, tránh không để Tuệ gặp mặt. Nghiễm nhiên, Lê Văn Tuệ trở thành một đại ca đáng kiêng dè trong mỏ đá, thỉnh thoảng lại được những lán vào cầu đem lễ vật đến biếu xén, cống nộp để mong “được che chở”.

Được yên ổn, sự kính trọng của đám trẻ con Nông Cống dành cho Tuệ đã trở thành nỗi tôn sùng. Gom hết 13 cây vàng bán đá, chúng giao hết cho Tuệ, nằng nặc yêu cầu Tuệ đi “tầm sư học đạo” để về lãnh đạo chúng lập băng, nói trắng ra là đi học nghề... ăn cướp. Những thắng lợi đầu tiên nhờ máu liều và chút khôn vặt đã đun sôi máu phiêu lưu trong huyết quản Lê Văn Tuệ. Dù không biết sẽ phải đi đâu, học cái gì, Tuệ vẫn không thể phụ lòng đám trẻ con, đành im lặng gật đầu và cất gói vàng vào túi. Sau gần một tháng lang thang khắp Tp. Hồ Chí Minh, rồi Sông Bé, Tây Ninh dò hỏi qua đủ loại xe ôm, dân anh chị bến bãi, cả bọn cô hồn đủ mọi xó xỉnh, cuối cùng Tuệ cũng tìm được một chốn có một không hai trên trái đất này, nôm na gọi là “Trường dạy nghề ăn cướp”. Từ nhà máy đường Cu Ba (Tây Ninh) đi thêm khoảng 250 mét có một con đường nhỏ (nay đã là một xa lộ rộng thênh thang dài gần 50 km) dẫn vào xứ Cà Tum, sát với biên giới Việt Nam - Campuchia, một vùng đất trồng nhiều cây ăn trái và hoa cảnh. ở đó, có một tướng cướp đã “về hưu”  tên là Mai Sơn Lộc.



* * *

Trước giải phóng, Mai Sơn Lộc là một tướng cướp chuyên “ăn bay” hàng PX (hàng quân tiếp vụ của Mỹ) trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Cưỡi trên Honda đời 67 hoặc 72 xoáy nòng, Mai Sơn Lộc và đồng bọn thường lao theo những chiếc GMC chở hàng quân tiếp vụ, sau đó nghiêng xe, tăng tốc chui tọt qua gầm xe GMC, bất ngờ mọc lên trước mũi xe hàng, rút súng, khống chế tài xế và cướp hàng. Sự táo tợn, trình độ đi xe máy thượng thừa của các “quái bay” này đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trên xa lộ một thời của các chú lính hậu cần cả ngụy lẫn Mỹ... Sau giải phóng, nghề “quái bay” không còn đất sống, Mai Sơn Lộc “đê đầu qui cố hương” và chẳng hiểu ma nào dẫn lối, đã tự biến cái thẻo rẫy khuất nẻo của mình thành một trường đào tạo quái nhất thế gian. Khi Tuệ đến “bái sư nhập môn”, trường học quái đản này đã nhận trước một học trò tên là Hoàng Quốc Anh, quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam.

Sau sáu tháng miệt mài, “lão hắc đạo” xuất thân là lính Liên đoàn 6 Biệt động quân (đóng tại Tam Hiệp, Đồng Nai) đã dạy cho hai tên học trò đủ mọi cao chiêu của nghề cường đạo. Về lý thuyết, bài học sâu sắc nhất Tuệ thọ giáo được là “tuyệt đối không dùng súng xã hội chủ nghĩa. Lý do, mọi khẩu súng xã hội chủ nghĩa đều có số, chỉ cần giám định vỏ đạn, tông tích khẩu súng có thể bị lần ra ngay”. Về thực hành, Mai Sơn Lộc truyền cho hai tên đồ đệ đủ thứ tuyệt kỹ, từ cận chiến tay không đến cách sử dụng đủ loại hung khí. Thêm vào đó, vì đặc trưng của nghề ăn cướp là luôn luôn phải chạy trốn vì bị săn đuổi nên Mai Sơn Lộc đã bỏ rất nhiều thời gian bắt hai thằng học trò học làu làu hai thứ: kỹ thuật tự cứu thương (dao đâm, đạn bắn) và kỹ thuật đi xe máy trên mọi địa hình. Giáo cụ cho môn học thứ hai là 200 mét đường ray được lắp sẵn trong vườn và chiếc Honda 67 cũ mèm ông thầy dựng bên vách chòi rẫy.

Ngày “hạ sơn”, mọi môn học Lê Văn Tuệ đều xuất sắc hơn hẳn Quốc Anh nhưng đành chào thua bạn đồng môn cái món đi xe 67 một lèo với tốc độ cao hết 200 mét đường ray mà không hề trật bánh. Khoản này, Tuệ không làm nổi.

Kết quả là 13 cây vàng mà Tuệ mang theo đã chuyển sang túi ông thầy. Sau đó, hai trò một thầy, đường ai nấy đi. Giang hồ là thế, quan hệ duy nhất chỉ một chữ tiền, mọi khái niệm lễ nghĩa, tình cảm chỉ là mơ hồ và xa xỉ.

Trở lại bãi đá Saphre, lang thang tìm đỏ con mắt suốt một tuần vẫn không lần ra tông tích sáu “thằng em” Nông Cống là Phúc, Hiền, Ngọc, Thảo, Thắng, Hùng, Lê Văn Tuệ đành “dặt dẹo” (xin đểu) ít tiền rồi tìm đường về quê. Trong thâm tâm, thời điểm đó Tuệ cũng không mong gì chuyện gắn bó với kiếp giang hồ.

Ba năm sau đó, những kiến thức giang hồ tưởng chừng như rơi rụng hết khi Lê Văn Tuệ cứ suốt ngày rị mọ với nghề khoan giếng để kiếm cơm. Lúc này, nghề khoan giếng đang vào cầu, tay nghề cũng khá nên từ Lăng Cô vào đến tận Chu Lai rồi lên Quế Sơn, ở đâu Tuệ cũng có mối mang săn đón. Ngoài cơm rượu đãi đằng, một ngày lao động cật lực cũng giúp Tuệ đút túi vài ba chỉ vàng không mấy khó.



* * *

Tình cờ, trong một lần nghỉ lại tại khách sạn Tam Kỳ, Tuệ gặp lại Quốc Anh. Kéo bạn vào quán, gọi rượu Tây uống say túy lúy, Quốc Anh mở samsonite và khoe với bạn những bó tiền đô. Hắn bảo:

- Nếu theo tao, chỉ cần ba tháng, mày thừa sức kiếm gấp đôi số này.

Tuệ hỏi:

- Làm gì?

Quốc Anh đáp:

- Sang K (Campuchia), đi cướp đá quí dọc đường biên giới Thái Lan - Campuchia ở Pailin.

Lần đó, Tuệ lắc đầu.

Không lâu sau đó, nghề khoan giếng bắt đầu tụt dốc thê thảm vì có quá nhiều kẻ cạnh tranh. Đang lúc chán nản thì Quyền Đê, một tay anh chị bãi vàng quê gốc Kim Sơn, Ninh Bình gặp và rủ rê. Lẽ ra, Tuệ đã không đi, Quyền gãi tai than thở:

- Mấy thằng em trên bãi bị ức hiếp quá!

Nghe thế, hắn bắt đầu nóng lỗ tai, gật đầu ngay. Vậy là, ngày 5.5.1994, Tuệ lại lóc cóc tìm đường lần lên bãi vàng Phước Sơn, hành lý mang theo là một bình xịt hơi cay năm tác dụng do Quyền Đê trang bị. Chiếc bình xịt này, trên thị trường có giá 8,3 cây vàng.

Ngay trong đêm đầu tiên có mặt tại bãi vàng Phước Thành (Phước Sơn), Tuệ đã cầm đầu mười tên thợ gốc Bắc xông vào tấn công một số lán trại của bọn anh chị hiềm khích, vừa đánh vừa cướp lại tất cả những gì bọn chúng bị tước mất. Công an xã xuất hiện, Tuệ tấn công luôn cả công an rồi rút lui, sau khi nhận từ đám này một mớ tiền công trị giá gần chục cây vàng. Rút lên bãi Trà Ven (Trà My) đúng lúc bãi này đang ăn nên làm ra, Tuệ kiếm vàng dễ như bỡn. 11 ngày chặn đường, dặt dẹo của các lán vào cầu, khi đem ra chia, phần Tuệ được 63 cây vàng.

Có tiền cũng là lúc con thú hoang trong lòng Tuệ nổi lên. Hắn lao vào ăn chơi, đập phá, hút chích. Ngày đi chấn, tối đánh bạc và hút thuốc phiện, hắn không hề lo lắng đến tương lai. Tình cờ, một đại ca ở bãi tên là Chung bị đánh lén, Tuệ nhảy vào giải thoát, từ đó thành quen. Hai tên giang hồ kết nhau, hùn lại hơn 100 cây vàng rủ nhau về Hà Nội, quê Chung, ăn chơi đập phá cho đến đồng bạc cuối cùng.

Khi tiền sắp cạn, Chung bảo:

- Tao đã từng đi phụ hồ nhiều năm ở K biết nhiều nhà giàu lắm. Hay tao với mày sang K, đi cướp cho... vui?

Không cần suy nghĩ, Tuệ gật đầu ngay, định bụng sang Campuchia sẽ tìm lại Quốc Anh, lập băng nhóm hoành hành bá đạo. Nhưng, lang thang mãi vùng đường biên Pailin cả tháng trời vẫn không gặp được Quốc Anh, Tuệ và Chung đành lộn xuống Pursat cướp hàng lậu. Dặt dẹo nghề này không khá, phải mang vác nặng, đụng độ nhiều mà chẳng kiếm được bao nhiêu, hai tên đâm nản. Chúng quay về Nam Vang, nhờ một tên giang hồ gốc Kiên Giang tiến cử vào làm bảo kê cho một nhà hàng của người Việt ở khu cầu hai tầng. Làm được 1 tháng 17 ngày, Tuệ thấy nhục quá, vì thực chất, chúng đang tự biến mình thành những tên ma cô mạt hạng, ăn chặn, bớt xén mớ tiền còm cõi của các cô gái làm tiền. Hắn gọi chủ quán đến, bảo:

- Ăn tiền của gái chướng lắm, tôi có ăn thì phải ăn tiền của chủ. Đưa đây một mớ để tôi về quê!

Khi nói câu này, mặt Tuệ đằng đằng sát khí, như thể sắp sửa đốt nhà. Hoảng quá, chủ quán đành lòi ra một cục tiền để tống tiễn Tuệ đi. Chung không chịu về, bằng lòng ở lại Nam Vang làm nghề chăn gái.

Ngày 2.9.1995, Tuệ về đến Đà Nẵng. Lẽ ra, đoạn giang hồ đã chấm dứt nhưng vì trong túi chẳng còn một đồng nên Tuệ không thể. Năn nỉ thế nào, tên lơ xe đò cũng không chịu cho Tuệ đi nhờ xe về Tiên Phước, tiền trả sau. Tuệ thấy nhục quá bèn thề độc:

- Phải kiếm đủ 100 cây vàng, sau đó quay lại tìm tên lơ xe, đãi nó một trận và đánh nó một trận, rồi rửa tay gác kiếm.

Nói là làm, Tuệ gọi xe ôm tiến thẳng lên bãi Trà Văn. Như con thú hoang, hắn lao vào cướp lán, bãi như điên để nhanh chóng kiếm cho đủ 100 cây vàng. Gặp máng cướp máng, gặp bãi bật bãi, máng bãi không ăn thua thì cướp của dân buôn. Khi kẹt quá, hắn cướp luôn cả đồ nghề của thợ, làm vàng giả và... bán.

Trong túi hắn, đã có lúc rủng rỉnh một lúc mấy trăm cây vàng.

Không gì đáng ngờ bằng lời thề của thằng nghiện. Có tiền, Tuệ lại ăn, lại hút, lại quên mất ý niệm hoàn lương.

Chẳng bao lâu sau, hắn nổi tiếng như cồn, ân oán đầy rẫy rắc khắp vùng vàng rộng lớn và liên tục bị cả công an lẫn giang hồ truy đuổi.



* * *

Vừa cướp, vừa chạy trốn, đến tết năm 1996, Tuệ cùng đường. Khi lọt vào bãi thôn 3 xã Phước Thành thì mụn độc phát lan ăn loét bàn chân, Tuệ không đi nổi nữa. Đúng lúc đó, hắn gặp cố nhân: Bùi Đình Chuẩn. Trước đây, bị Tuệ cướp lán nhiều lần, Hiệp, quê người Nghệ An đã từng thuê Chuẩn thanh toán Tuệ. Với vũ khí lợi hại là sợi dây contermette đúc chì, Tuệ đã đánh cho tám tên đàn em của Chuẩn chạy tan tác, sau đó vào phá tan hoang lán của Hiệp, bắt cả Hiệp và Chuẩn quỳ gối liếm... gót giày xin tha.

Lẽ ra, khi Tuệ đã thân tàn ma dại, Chuẩn đã có thể tính sổ lại món nợ ân oán cũ. Khổ nỗi, lúc này Chuẩn còn tệ mạt hơn, nghiện oặt xà lai gần như không đi đứng nổi. Do đó, thay vì tấn công rửa nhục, Chuẩn lại nhìn thấy cơ hội mượn Tuệ để lợi dụng, nhằm thỏa mãn cơn nghiện. Vậy là, Chuẩn đem hết những chiến tích thư hùng của Tuệ ra kể cho đám Đỗ Duy Lệ, Hòa lai... nghe. Biết Lê Văn Tuệ là tay hung thần, Lệ đổi ngay nét mặt khinh bỉ ra thái độ niềm nở mời chào. Hàng ngày, Lệ sai đàn em cõng Tuệ đi chơi khắp đầu non cuối bãi, tối về hết lòng lo phục dịch rượu bia và chạy chữa vết thương. Thật ra, Lệ chẳng tốt lành gì (sau này Đỗ Duy Lệ bị bắt, tử hình vì tội tổ chức giết người, cướp máng), hắn chỉ cốt lấy lòng, nuôi Tuệ khỏe để nhờ Tuệ đứng ra làm đầu lĩnh tiến công hạ đối thủ truyền kiếp là tên Điều “tóc lai”, quê ở Đền Hùng, Phú Thọ. Tuệ biết hết. Khi bệnh tình khỏi hẳn, hắn gọi Đỗ Duy Lệ lại bảo:

- Tao từ nhỏ cho tới lớn có ăn cướp cũng cướp một mình, không quen băng nhóm. Tụi mày định mượn tay tao giết thằng Điều, tao sẽ không làm vì với nó, tao không thù oán. Nhưng công phục vụ của bọn mày, tao cũng không quịt. Để trả, tao sẽ đi dặt dẹo ba ngày, được bao nhiêu tụi mày lấy bấy nhiêu, sau đó đường ai nấy đi.

Nói là làm, Tuệ ở lại đến hết Tết, cướp thêm một mớ rồi quyết tâm về Đà Nẵng cai nghiện. Hắn đã quá ngán ngẩm kiếp giang hồ phù hoa, tiền tiêu như nước nhưng đầy điếm nhục.

Nhưng trời ạ, chốn giang hồ đầy gió tanh mưa máu, bước vào thì dễ nhưng làm gì có đường lui. Đã quá nổi tiếng, dù trốn góc nào, Tuệ cũng bị những tên em út lần ra và chèo kéo. Tuệ tự huyễn hoặc mình bằng hình ảnh một tay nghĩa hiệp, chưa thể buông đao thờ Phật vì bọn đàn em còn bị ức hiếp ở bãi vàng. Vậy là, vừa cắt cơn nghiện, hắn lại mò vào bãi, lại đánh người cướp của, lại nghiện oặt xà lai và lại đi cai. Một lần, hai lần, rồi... mười lần. Nghiệp chướng giang hồ không buông tha Tuệ mà Tuệ thì cũng không đủ dũng khí để đoạn tuyệt hoàn toàn. Nếu chịu dừng đúng lúc, hẳn Tuệ đã giàu lắm. Đầu năm 1998, trong khi tọ mọ một hầm vàng của dân Đại Lộc bỏ hoang, cả nhóm của Tuệ đã vơ được 2,3 kg vàng 9999, chỉ sau hai ngày ba đêm làm cật lực. Ngày 14.1.1998, mang theo số vàng, Tuệ dẫn cả bọn về Đà Nẵng ăn chơi đập phá và đánh bạc. Chỉ sau bốn ngày, toàn bộ số vàng này đã tan thành mây khói. Một mình Tuệ quay lại bãi làm tiếp, mót được 21 triệu đồng. Số tiền này cũng chỉ đủ để hắn trả tiền xe ôm và tiền một đĩa cơm, còn bao nhiêu lại dốc cạn vào một đêm cá độ bóng đá. Như con thiêu thân lao vào chỗ chết cháy, Tuệ tự đề ra khẩu hiệu cho cả bọn:

- Đã chơi là phải dốc cạn đồng bạc cuối cùng. Tiêu không được tiếc.

Giai đoạn hoàng kim nhất của nghề dặt dẹo bãi vàng là nguyên cả mùa khô năm 1998. Năm ấy, bãi vàng Phước Sơn trúng lớn và trúng rộng khắp cho nên những tay đại ca danh tiếng như Lê Văn Tuệ không cần làm gì cũng dư giả tiền tiêu. Vừa vào lại bãi thôn 3, Tuệ đã chạm trán ngay với Điều, kẻ được Tuệ từ chối tấn công đánh cướp ngày nào. Đang lúc trúng quả nặng đồng cân, Điều cảm nghĩa xưa, nằng nặc mời Tuệ ở lại lán để anh ta có cơ hội đãi đằng. Tuệ đồng ý. Việc duy nhất mà Tuệ phải làm để giết thì giờ là mua các loại thuốc phiện, heroin về mày mò bào chế để tìm ra liều chích... phê nhất, bất kể tốn kém, tiền bạc đã có các chủ lán lo. Với heroin thì đơn giản, chỉ việc bơm nước cất vào là chích (nghiện quá nặng, đốt giấy bạc hút không phê). Nhưng, chơi heroin không phải là sành điệu. Tuệ “lên hương” đến nỗi đã có thể sắm riêng cho mình một “lái xe” - tay chuyên nghiệp tiêm thuốc phiện - loại thượng thừa mà không thèm hỏi tên nó là gì. Khi rảnh rỗi, tên này đã dạy lại cho Tuệ toàn bộ cao chiêu của nghề “lái xe”.

Đơn giản nhất là gẩy “cống” - thuốc phiện tinh chất - vào thìa hoặc nắp bia nấu sôi lên, lọc qua ba đót thuốc lá sạch, cứ thế trộn vào nước cất chích vào ven. Cách này sang nhưng với những con nghiện đã đạt đến “cảnh giới thượng thừa” thì không mấy phê. Muốn cho đã, chúng bày ra cách trộn thêm tân dược và phụ gia vào thuốc. Công thức đặc biệt nhất là: “cống” + xái 1 + thuốc cảm ABC hoặc Aspirin hoặc Paracetamon + mì chính (bột ngọt) tán nhuyễn thành bột đem nấu, sau đó lăn, đánh miếng, cán mỏng để dành hút dần bằng đèn dầu đậu phộng hoặc nấu, lọc lại đem chích. Cách này rất kỳ công. Hễ “lái xe” non tay hoặc nấu ẩu là cầm chắc chích vào sẽ sốt khặc khừ và ói ra mật xanh mật vàng nên Tuệ cũng không khoái. Để “lên thiên đàng”, hắn tự sáng tạo cho mình một công thức bí mật gồm Dolagan + morphin + sedusel tán nhuyễn + nước cất, chích phê lâu và mạnh hơn cả. Nhưng, dùng liều này rất đắt, giá mỗi mũi chích đúng đô trong bãi phải tốn 350.000 đồng. Để thỏa mãn cơn ghiền, lúc hoàng kim, Tuệ chích mỗi ngày gần 15 cữ, tốn sơ sơ chừng 5 triệu đồng.

Không phải cướp bóc, dặt dẹo, nằm lán hút chích mãi cũng nhàm, Tuệ lân la học nghề “đánh hóa”(cách dùng hóa chất lọc quặng lấy vàng) và nghề tăm vỉa. Đang rộ mùa thu hoạch, tiền vào như nước nên các chủ lán, chủ hầm không tiếc, tha hồ cho Tuệ thử. Gần một năm “nghiên cứu” Tuệ lại danh nổi như cồn, nổi tiếng như tay “đánh hóa” thuộc hàng cao thủ nhất, “tăm vỉa” (thăm dò mạch đá có chứa vàng) cũng được liệt vào loại “cụ”, uy tín cùng mình. Thế là, gần như không cần phải mó tay vào chuyện động dao động thớt, Tuệ tha hồ được các lán mời mọc săn đón và trả công hậu hĩnh với mức lương của một đại chuyên gia.

Giả sử có máu làm giàu, thời kỳ này thừa sức đưa Tuệ lên hàng ông chủ tầm cỡ. Khổ nỗi, xưa nay người ta chỉ bàn chuyện giang hồ chơi, có ai nhắc chuyện giang hồ làm giàu bao giờ. Tiền kiếm được, Tuệ đổ hết vào những cuộc chơi theo cách riêng của hắn là ngao du sơn thủy. Lâu lâu, trong bãi có một tốp thợ vàng quê ở miền Bắc “về phép”, Tuệ lại đút túi vài ba chục cây vàng và đòi đi theo để “tham quan cho biết đất Việt Nam núi rộng sông dài”. Lời đề nghị lãng mạn của kẻ có tiền chẳng bao giờ làm ai phật ý. Vậy là Tuệ có dịp rong ruổi khắp nơi, nếm đủ mọi của ngon vật lạ và cảnh đẹp trên đời. Hầu như không có một thị trấn nào của vùng trung du Bắc Bộ, một thị xã nào của vùng núi non Tây Bắc mà Tuệ chưa từng thăm viếng. Hắn đi nhiều đến nỗi thuộc làu làu tên hiệu, bảng giá và món độc chiêu của từng khách sạn ở nhiều tỉnh miền Bắc, dù đó là những khách sạn heo hút ở vùng sáu tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên... Chẳng có gì ràng buộc, Tuệ chỉ chịu quay về khi túi áo túi quần đã lộn trái. Dăm bữa nửa tháng, dặt dẹo được vài chục cây vàng, hắn lại ra đi. Tính ra, riêng trong mùa khô năm 1998, số tiền Tuệ tiêu hết chắc cũng đủ nuôi vài ba chục người... suốt cả đời. Chính vì máu ham chơi, Tuệ đã trở nên đặc biệt thân thiết với đám lãng tử dân Bắc trong bãi vàng, được chúng đặt cho một biệt danh khá mỹ miều: “Gã trai xứ Quảng trong lòng anh em đất Bắc”. Trời ạ, giang hồ cũng có lúc “sến” phải biết!



* * *

Thuở huy hoàng không kéo dài vĩnh cửu. Đến mùa mưa năm 1998, thì Lê Văn Tuệ bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó. Đầu tiên, tình hình khai thác vàng bỗng cạn kiệt hẳn. Hàng loạt hầm máy đào mãi vẫn chẳng tăm ra vàng, chủ hầm chủ máy nợ chồng chất và lâm vào phá sản (trung bình mỗi máy + 10 người chi một ngày hết 2 cây vàng), thợ đào thuê đói hoa cả mắt. Vì thế, nghề dặt dẹo may lắm cũng chỉ đủ no dạ dày, không đủ no óc (thỏa mãn cơn nghiện). Đói thuốc, Tuệ và cả chục tên em út vật vã điên cuồng, cuối cùng làm mồi ngon cho sốt rét rừng, ghẻ lở và đủ loại bệnh tật vốn tiềm ẩn đầy rẫy ở chốn ma thiêng nước độc, môi trường mất vệ sinh. Để cưỡng lại cơn tù quẫn, Tuệ gia tăng xin đểu, cướp, chấn. Đang lúc thất bát chẳng có chủ hầm, chủ lán nào chịu nổi cảnh bị sách nhiễu nên hè nhau chống lại, khiến cả Tuệ lẫn đàn em đều nhiều lần bị trọng thương. Đã vậy, về Đà Nẵng điều trị thì sợ công an bắt, lại không đủ tiền nên chúng đành liều chết trụ lại chốn rừng sâu nước độc. Mùa mưa năm ấy, số mồ vô danh mọc lên trên những lối mòn bạt núi dẫn vào bãi vàng Phước Sơn hình như tăng lên rất nhanh. Đã thế, đề phòng nạn sập hầm, lở đất sụt bãi gây chết người như mùa mưa năm 1997, công an tỉnh, huyện lại ráo riết truy quét khiến Tuệ và đàn em cứ phải bỏ bãi chạy trốn liên tục, vết thương này chưa kịp kéo da non, vết thương khác lại xuất hiện. Các băng nhóm khác cũng không nể nang, đùm bọc gì được vì tình trạng tự thân của chúng thậm chí còn thê thảm hơn. Băng Thanh sứt, Bắc phò, Hiển bụi khét tiếng vì đông, mạnh nhất vùng vàng cũng rã đám rồi quay sang đâm chém nhau. Bị chém 14 nhát  trên lưng, Hiển bụi sai đàn em dùng chỉ may đồ khâu díu lưng mình lại hàng trăm mũi. Nằm ba ngày, “vã” quá, tên tướng cướp bị thương lại mò dậy, vác nguyên tấm lưng rách như tấm chiếu thuốc phiện tiếp tục đi cướp. Kết quả là sau đó, hàng chục tên thi nhau vào tù...

Lê Văn Tuệ cũng đành ngậm ngùi tan đàn xẻ ghé với bọn đàn em để tự cứu mình. May cho Tuệ, đúng lúc khốn quẫn nhất thì hắn gặp được một tay giang hồ thứ thiệt: Mông cận.

Mông lớn hơn Tuệ gần một con giáp, quê ở Võ Nhai, Thái Nguyên. Vợ Mông là một cán bộ ở huyện Phước Sơn. Bản thân Mông là một thầy giáo, kính cận dày cộp luôn đeo trên sống mũi. Nhưng tiếng gọi hoang dã và sự hấp dẫn của vùng vàng đã kéo Mông ra khỏi bục giảng, trở thành một chủ hầm vàng. Hầm của Mông toàn là thợ “chiến đấu” đất Thái Nguyên, tay nghề khai thác rất cao nên anh ta cũng nhiều lần trúng đậm. Vào bãi, song xuất thân là thầy giáo nên Mông cận sống rất nguyên tắc. Lán của “thầy” Mông cận tuyệt đối không có thuốc phiện, bài bạc, gái... hay bất kỳ thứ tệ nạn nào bén mảng. Thợ khá đông nhưng kỷ luật của Mông là dứt khoát không ỷ chúng hiếp cô, không tham gia bất cứ một trò chèn ép, giành giật nào với các hầm, bãi khác. ít nhiều, nguyên tắc sống của Mông cũng khiến cho các cư dân bãi vàng vì nể. Vả lại, võ nghệ Mông cận cũng khá cao, muốn “sờ” vào cũng không phải dễ.

Nhờ tổ chức tốt, đầu tư kỹ nên trong khi toàn bộ vùng vàng lao đao vì đào đãi không đủ chi tiêu thì lán của Mông vẫn bình chân như vại, không giàu có lắm song đời sống thợ thuyền vẫn bảo đảm, khai thác có lãi. Chính vì thế, Mông cận trở thành mục tiêu của lòng tham, gợi lên trong lòng bọn đao búa vùng vàng ý định cướp hầm. Kẻ ra tay là nhóm Việt Long, quê Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Lừa lúc Mông một mình từ bãi vàng về nhà ở thị trấn Khâm Đức, Việt Long đã tổ chức “trải đệm” định thịt Mông. Đúng lúc đó, Lê Văn Tuệ đi qua. “Dọc đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, Tuệ dù không biết Mông cận là ai nhưng cũng múa sợi dây buộc chì xông vào cứu Mông, đánh cho đám Việt Long tan tác. Cảm nghĩa, lại biết Tuệ tuy khét tiếng vì chấn, dặt dẹo song chưa hề gây nợ máu, lại càng không phải hạng kẻ cướp tiểu nhân, Mông cận đã vui vẻ mời Tuệ về đứng lán cho mình. Đứng lán thực chất là giữ chức đốc công, vừa coi sóc thợ làm việc, vừa... bảo kê ngăn chặn những kẻ tính cướp phá. Nghề này Tuệ khá thạo, lại đang cơn bĩ cực nên gã nhận lời ngay. Từ 23.10.1998 đến 4.4.1999 là khoảng thời gian thanh thản nhất của Tuệ ở bãi vàng. Đó là khoảng thời gian không có giành giật, đấm đá, chỉ có lao động thật sự. Hàng ngày, Tuệ cũng đánh trần đào đất, đãi đá, vừa làm vừa trông coi thợ, hùng hục và chu đáo như một bác thợ cả thực thụ.

Trong thời gian đó, Tuệ không hề về quê thăm nhà, thăm mẹ. Nhưng Mông cận thì có. Anh đã nhiều lần đem tiền, quà, thuốc men về Tiên Lộc, Tiên Thọ thay Tuệ thăm hỏi, biếu mẹ của gã. Không những thế, Mông còn bỏ nhiều thời gian tìm hiểu gia cảnh, ước mong của bà mẹ có đứa con hư phiêu bạt giang hồ. Tuệ không hề hay biết rằng, sau nhiều lần thăm hỏi ấy, giữa mẹ gã và Mông cận đã thỏa thuận một giải pháp: cưới vợ cho Tuệ. Đó là cách duy nhất để buộc chân con ngựa bất kham. Khi hiểu ra mọi chuyện, Tuệ đã khóc nhiều đêm. Lần đầu tiên, không hề có một vết thương, không hề có một tiếng chửi nhưng Lê Văn Tuệ đã rơi nước mắt. Gã khóc vì tình người, vì hàm ơn Mông cận và vì lần đầu tiên trong đời chợt đắng cay nát lòng vì thương mẹ. Khi nghe lời Mông cận - giờ đây thực sự trong lòng Tuệ đã coi Mông là một người anh - về thăm mẹ, Tuệ đã khóc thêm lần nữa. Mẹ gã, 75 tuổi, tóc bạc lưng còng bộc bạch:

- Vàng bạc mà làm gì con ơi, trên đời chỉ nghĩa tình, gia đình là đáng trọng!

Và bà cũng khóc, cũng hết lời khuyên hắn đoạn tuyệt giang hồ. Bà chỉ mong ngày nhắm mắt - không xa nữa - được thấy Tuệ cùng con dâu và cháu nội túc trực bên mình. Nước mắt bà mẹ khiến thằng con hoang dã tỉnh ngộ. Hắn quyết tâm hoàn lương.

Nói thì dễ, nhưng làm thì không dễ, bởi những cơn nghiện vẫn còn đeo đẳng. Ngày 4.4.1998, Mông cận đột ngột gọi Tuệ lại bảo:

- Tao đã hứa là không bao giờ để cho ma túy chui vào lán. Tao biết, mày vẫn hút chích thường xuyên. Giờ có hai cách để chọn: hoặc là cầm tiền về quê cai rồi ở lại hẳn, không vàng bạc, thuốc men gì cả, hoặc là mày ở tao đi.

Giá là lúc khác, chắc chắn Tuệ sẽ cười vào mặt kẻ mới dạy khôn gã. Nhưng với Mông, gã không thể. Về quê cũng không. Sau 13 năm lưu lạc, Tuệ không chịu nổi cái cảnh tay trắng quay đầu trong bộ dạng tiều tụy vì đói thuốc.

Nói là làm, Mông cận không so đo, bỏ lại toàn bộ hầm, máng, máy móc cho Tuệ rồi dẫn thợ vào sâu trong bãi 45 (xã Phước Hiệp) tìm hầm khác. Bãi 45 là nơi duy nhất trong toàn vùng vàng Phước Sơn không có ma túy. Tuệ sợ, gã không dám theo Mông, đành bằng lòng ở lại. Mông vừa đi khỏi, đám em út cũ của Tuệ từ Thái Nguyên mới vào đói quá lại tìm đến xin đầu quân. Vừa thương chúng, lại đang thiếu quân, Tuệ lại gật đầu.



* * *

Tốp thợ cả thầy lẫn tớ đều là con nghiện, kinh nghiệm quản lý không có, vốn liếng cũng không, đã không moi được thêm một vảy vàng nào từ lòng đất. Một tuần sau, Tuệ gọi người bán hết toàn bộ hầm máy của Mông để lại. Tiền thu được chỉ đủ trả nợ và giúp cả đám sống thêm mấy ngày. Trong khi đó, mùa mưa lại sầm sập kéo về. Cả tốp đói rã họng, đành đi tọ mọ những hầm lán bỏ hoang sống qua ngày. Và, điều kinh khủng nhất đã đến: sập hầm, một thằng bé trong bọn bị đá đè giập ống quyển.

Không đồng xu dính túi, trời lại mưa dữ dội, đưa thằng bé đi bệnh viện là điều không thể vì chưa ra đến nơi thằng bé đã chết vì đói thuốc và vì vết thương đang hoại tử. Không còn cách nào khác, Tuệ đành cắn răng đóng vai trò bác sĩ (dù mới học chừng hết lớp 9), tự tay... tháo khớp cho thằng bé. Một đống lửa to được cả đám trẻ con phiêu bạt đốt lên. Không rửa, không lột vỏ, một đống củ mì (sắn) vừa xin được trong rẫy của người Mơ-nông được cả lũ vừa luộc, vừa nướng lên và tranh nhau ăn cho đỡ đói. Ăn xong, sáu, bảy  đứa, kẻ say, người tỉnh thao láo mắt nhìn Tuệ vừa khóc vừa làm bác sĩ. Không thuốc tê, không thuốc mê, Tuệ dùng dây dù trói chặt hết tay chân thằng bé bị thương xuống sạp tre. Thêm một sợi dây dù to bản khác thít ngang qua trán cột chặt xuống sạp để giữ cho nó không ngóc lên hay giãy giụa. Nhặt một thanh tre, nhét chặt vào giữa hai hàm răng nó, bắt hai đứa khác đè chặt hai bên, Tuệ bắt đầu rạch ống quần rách tướp đầy bùn đất của nó. Dụng cụ mổ duy nhất là một con dao đã mài sẵn từ chiều, được tẩy trùng bằng cách hơ trên đống lửa. Kiến thức giải phẫu duy nhất là kinh nghiệm... mổ gà. Cứ thế, Tuệ rạch ngang đầu gối kẻ bị thương. 5 phút, 10 phút... Nước mắt ròng ròng, những tiếng kêu bị chặn không vọt ra khỏi cổ, thằng bé bị trói cứ giật đùng đụng, mồ hôi túa ra, mắt trợn ngược rồi ngất đi... Sau 30 phút thì mọi việc hoàn tất, chân thằng bé được cắt cụt đến đầu gối và được may lại bằng chỉ khâu đồ.

Những ngày sau đó, Tuệ và những đứa khỏe mạnh hầu như không ngủ, cứ hùng hục đi đánh hóa thuê cho các chủ hầm khác. Toàn bộ tiền kiếm được chỉ để mua hai thứ: thức ăn và heroin. Thứ thuốc men duy nhất mà kẻ bị thương được hưởng trong giai đoạn hậu phẫu là heroin. Chính ma túy đã giúp nó sống sót. Khi nào nó đau quá, Tuệ lại chích cho nó một liều, phần còn lại đem rắc vào vết thương. Lạ lùng thay, sau đúng 14 ngày thì vết thương lành hẳn. Bù lại, đô nghiện của thằng oắt con tăng gấp đôi, gấp ba, suốt ngày nó vật vã sùi bọt mép vì đói thuốc.

Ca mổ kinh hoàng đó đã khiến tâm trí Tuệ thay đổi hẳn. Hắn đâm ra ghê sợ mọi thứ. Ghê sợ kiếp sống giang hồ và ghê sợ cả bản thân mình. Những ngày đó, những giọt nước mắt và lời nguyện cầu của người mẹ lại ùa vào óc, giày xéo tâm can hắn. Sau nửa tháng mất ngủ, Tuệ quyết định cai nghiện và hoàn lương. Dự định của hắn được những tên em út tán đồng, bởi chúng cũng đã hoàn toàn rệu rã. Cả đám thống nhất: sẽ chia tay nhau vào ngày 30.5.1999. Kể từ đó, chúng thi nhau làm hùng hục và cố tiết chế cơn nghiện để dành dụm tiền cho cuộc hoàn lương.

Nhưng dù tiết kiệm mấy, tiền kiếm được cũng bị đốt hết vào ma túy nên ngày hẹn đến, cả đám vẫn phải ở yên tại bãi sau đó tan tác mỗi đứa một phương. Bí thế, Tuệ đành bấm bụng - lần đầu tiên - ngửa tay xin (chứ không cướp) của một cố nhân. Dù tử tế đến mấy, Lê Văn Tuệ vẫn là một hung thần đầy đe dọa nên ý định rời vùng vàng của hắn dĩ nhiên là rất đáng được hoan nghênh. Vì vậy, Điều - kẻ tao ngộ năm nào - đã hào phóng cho Tuệ nguyên cả một mẻ máng, tổng cộng được 9,3 lượng vàng. Sau một chầu nhậu túy lúy để chia tay và tuyên bố rửa tay gác kiếm, Tuệ cầm số vàng này ra thẳng Hà Nội, vào nhà một chiến hữu tên Cường cạnh bệnh viện Bạch Mai thuê bác sĩ đến để điều trị cai nghiện. 11 ngày sau, cắt cơn, Tuệ gửi hết số vàng cho bác sĩ và “lai hồi cố thổ”. Từ tay trắng ra đi, đứa con hoang lại trở về nơi hai bàn tay trắng.



* * *

Cuộc sống bình thường, vất vả nhưng thanh thản đã đồng hành với Tuệ được bốn năm. Hắn đã lấy vợ và đã có được một cô con gái gần ba tuổi. Mẹ hắn đã rời bể khổ ra đi. Ngày mất, bà đã nở nụ cười, bởi đã toại thành tâm nguyện: có con trai, con dâu và cháu nội quì cạnh bên giường.

Với Tuệ, những năm qua cuộc sống đã gặp không ít khó khăn, khi nghề đãi cát, sạn trên sông chỉ vừa đủ để lo cơm áo cho gia đình nhỏ. May mà gã đã đoạn tuyệt với ma túy. Nhờ đó, dù khó khăn, Tuệ vẫn cương quyết không một lần quay lại bãi vàng trong suốt nhiều năm qua, dù có rất nhiều lời mời chào, chèo kéo, dù gã biết chắc chỉ cần một chuyến đi mười ngày, nửa tháng thôi, lúc trở lại túi gã đã có thể có thêm cả chục lượng vàng. Số vàng đó, bây giờ với Tuệ là cực lớn, lớn hơn cả giấc mơ, nhưng đơn giản, nó không phải là do mồi hôi đổ ra, Tuệ sẽ cương quyết không màng tới. Hơn nữa, dù không phải là mười mà cả trăm, cả ngàn cây vàng đi nữa cũng không quí bằng mảnh vườn nhỏ, giấc mơ con và tiếng bi bô con trẻ - hạnh phúc đơn sơ nhưng rất thật mà Tuệ đang cầm giữ trong tay. Tuệ không thể và không dám nghĩ tới chuyện mò lên vùng vàng dù chỉ một lần, bởi “một bước chân sai nghìn thuở hận”, rất có thể bước chân xứ đó sẽ sơ sẩy khiến kẻ đã buông đao thờ Phật có nguy cơ rời xa tổ ấm vô giá của mình.

Mười ba năm lăn lộn trong kiếp giang hồ, giữa cơ man vàng, máu, ma túy và nước mắt, Lê Văn Tuệ đã quá đủ kinh nghiệm để hiểu cái giá phải trả cho hạnh phúc, dù đó chỉ là một hạnh phúc nhỏ nhoi thường gặp giữa đời thường.



Quảng Nam, tháng 10.2002

Đại ca bãi vàng khét tiếng đứt gánh hoàn lương

0 Thái Thụy
ANTĐThân hình gầy còm, yếu ớt đầy bệnh tật, tay phải vịn vành móng ngựa, đó là hình ảnh Lê Văn Tuệ (43 tuổi) tại phiên toà xét xử cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, đầu năm 2014. Tuệ là một tay giang hồ một thời ngang dọc, là nỗi khiếp hãi nhiều bãi vàng ở Quảng Nam.
Đại ca khét tiếng một thời
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ở xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), chuyện học của Lê Văn Tuệ, bị dở dang khi đang học lớp 12. Thời điểm năm 1986, Tuệ theo bạn bè đi đãi vàng sa khoáng ở Trà Giốc, Trà My (Quảng Nam). Bắt đầu Tuệ học cách đào đãi vàng, cách hành xử giang hồ ở chốn rừng thiêng nước độc.

Đến năm 1992, Tuệ dạt về bãi đá Saphia Trường Xuân (tỉnh Đắc Nông). Giống như bãi vàng, nơi này cũng chia nhiều băng nhóm, tranh giành quyền lực. Tuệ nhanh chóng thể hiện bản lĩnh giang hồ, dẫn dắt anh em thâu tóm địa bàn. Nhiều cuộc thanh trừng của nhiều băng nhóm khác hòng hạ Lê Văn Tuệ nhưng đều bất thành.
ảnh 1
Tang vật vàng giả của Lê Văn Tụê và đồng bọn gây án


Theo lời Tụê kể, để đối phó các băng khác, Tuệ sắm thứ vũ khí lợi hại, dùng chì buộc dây đàn. Một mình với sợi dây đàn, Tuệ hạ gục nhiều đám cướp rừng. Tụê ngày càng nổi đình đám, các băng nhóm đều phải khiếp sợ. Nhưng sau đó Tụê chia tay đàn em, rời cứ địa saphia để trở về quê huyện Tiên Phước hoàn lương. Về quê làm nghề khoan giếng không được bao lâu, “nhớ vàng” Tuệ lại bỏ quê lên lại bãi vàng Phước Sơn. Tại đây, Tuệ cứu giúp nhiều đàn em trả thù băng, nhóm khác, cướp lại những gì bọn đàn em đã bị cướp. Trả ơn, đàn em tặng đại ca Tuệ chục cây vàng và năn nỉ ông anh ở lại làm ăn lâu dài với nhóm.
Chán cảnh ở đây, Tuệ dạt lên bãi vàng ở Trà My “lập nghiệp”. Nghe uy danh của Tuệ, các chủ hầm, chủ lán trại nhanh chóng hạ mình cống nạp cho đại ca Tuệ trên 50 cây vàng. Có vàng trong tay, Tuệ đã nướng vào bài bạc, hút chích và chi xài hoang phí. Tuệ đã cùng một đại ca khác ôm gần 100 cây vàng ra Hà Nội ăn chơi. Hết tiền, đại ca này rủ sang Campuchia làm bảo kê cho một nhà hàng của người Việt. Sau một tháng rưỡi, Tuệ thấy nản và nhục quá nên trở về quê tiếp tục gác kiếm giang hồ.
Lần này về quê hoàn lương chưa được bao lâu, gặp chuyện “giữa đường” nổi máu giang hồ, không kiềm chế được, Tuệ đánh đấm một trận tơi bời. Sau lần đó, Tuệ quay lại bãi vàng ở Trà My làm nghề cũ, với dự tính bằng mọi giá phải kiếm được thật nhiều tiền, vàng. Tuy nhiên lần này, việc trở lại bãi vàng gặp không ít khó khăn. Lực lượng Công an đang truy lùng, quyết liệt triệt xóa các băng nhóm tại bãi vàng. Tuệ phải trốn tránh trong rừng sâu.
ảnh 2
Đối tượng Lê Văn Tuệ


Năm 1997, Tuệ cùng đám đàn em hốt được trên 2kg vàng ở một hầm vàng bỏ hoang. Ngay sau đó cả bọn kéo về Đà Nẵng ăn chơi phung phí rồi rã đám. Khi Tuệ trở lại bãi vàng Phước Sơn cũng là lúc ở đây đang trúng vàng rất đậm, một ông chủ mời Tuệ ở lại cùng hợp tác làm ăn. Nhiệm vụ của Tuệ là làm hung thần giữ cửa. Chẳng phải làm gì nhưng vẫn được cung phụng đầy đủ. Có tiền cộng với thói chơi ngông, Tuệ nhanh chóng trở thành con nghiện. Khi có được vài chục cây vàng, Tuệ lại đi nhiều nơi ăn chơi. Đến khi hết tiền lại trở về bãi vàng. Suốt thời gian dài, Tuệ thả mình trong vòng luẩn quẩn không biết về đâu. Dần dần số tiền làm thuê không đủ phê ma túy mỗi ngày, Tuệ thấy chán nản và quyết định cai ma túy để hoàn lương.
Năm 1998, trở về quê xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước trong bàn tay trắng, và sự quyết chí hoàn lương, đoạn tuyệt giang hồ. Không ai ngờ, Tuệ thực hiện được việc hoàn lương suốt thời gian dài trên chục năm. Tuệ lao động bằng đôi bàn tay chân chính của mình với nghề đãi sỏi bán cho dân thầu xây dựng. Cưới vợ, sinh con, mái ấm hạnh phúc của gã giang hồ ngày nào không gì bằng. Và ai cũng nghĩ Tuệ đã hoàn lương thật sự...
Vấp ngã trên đường hoàn lương
Tuy sống trong mái ấm hạnh phúc bên vợ và 3 người con, nhưng nhìn cảnh vợ hàng ngày buôn gánh bán bưng không khỏi ray rứt đối với Tuệ. Cùng với đó, hậu quả của những ngày lâm vào ma tuý, ăn chơi bạt mạng đã mang vào mình Tuệ những căn bệnh quái ác. Rồi một ngày đầu năm 2013, Tuệ quyết định khăn gói ra đi. Bệnh tình sức khoẻ yếu không thể trở lại bãi vàng ngày xưa tung hoành. Tuệ tìm đến bãi vàng ở tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Bây giờ không thể đào, đãi vàng, không thể hành xử giang hồ, Tuệ đi lừa đảo. Tuệ làm ăn với một người lạ mặt tại bãi vàng ở tỉnh Kon Tum. Người này có loại vàng rất giống vàng đãi, chỉ khi khò lửa mới phát hiện. Tuệ mua lại cục vàng giả này tính chuyện làm ăn lớn. Nhưng nơi đất khách quê người, một thân một mình sẽ rất khó thành công trong việc lừa gạt thiên hạ, Tuệ gặp Trần Văn Ngạc và Dương Minh Quang, đều ở huyện Ba Tơ cùng tham gia. Cả nhóm phân công nhiệm vụ từng tên thực hiện lừa bán vàng giả cho các tiệm vàng. Giả đóng phu vàng, chúng đem vàng giả vào các hiệu vàng bán. Nhiều hiệu vàng tưởng vàng thật mua giá cao.

Nhóm lừa đảo trên đã thực hiện trót lọt nhiều hiệu vàng ở huyện Mộ Đức, Sơn Hà, lấy hàng chục triệu đồng. Đến ngày 21-9-2013, nhóm Tuệ đến hiệu vàng Hường, ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, thực hiện hành vi lừa đảo thì bị chủ hiệu vàng phát hiện, báo công an xã Đức Lân. Nhóm Tuệ, Ngạc và Quang đã bị công an và người dân bao vây bắt ngay sau đó.
TAND huyện Sơn Hà đưa Lê Văn Tuệ và đồng bọn đã ra xét xử về hành vi lừa đảo bán vàng giả. Cả nhóm bị lĩnh bản án thích đáng. Riêng Tuệ nhận mức án 18 tháng tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đại ca bãi vàng khét tiếng ngày nào trên bước đường hoàng lương tưởng như sẻ suôn sẻ, không ngờ lại đứt gánh chỉ vì mong làm giàu nhanh từ việc phi pháp. Tiếc thay!

Đoạn cuối cuộc đời thảm hại của đại ca xứ vàng

Thứ hai, 09/06/2014 | 07:07 GMT+7
Cách đây 18 năm, hắn là đại ca có tiếng ở các bãi vàng miền Tây Quảng Nam, đâm chém, cướp bóc với hắn là nghề; Ma túy, cờ bạc với hắn là thú vui; Tiền, vàng với hắn như cỏ rác, 100 cây vàng chỉ đủ tiêu vặt một tháng... Nhưng bây giờ, không còn ai nhận ra hắn của ngày xưa.
“Giấc mơ vàng” và con đường phiêu bạt
Họ tên đầy đủ của hắn là Lê Văn Tuệ, sinh năm 1972. Quê hắn ở Tiên Phước (Quảng Nam). Những năm cuối thế kỷ 20, miền Tây Quảng Nam được mệnh danh là “xứ sở vàng” với hàng trăm bãi khai thác vàng trái phép. Hắn cũng háo hức đi tìm giấc mơ đổi đời. Ban đầu, hắn làm một phu vàng bình thường. Nhưng về sau, với máu giang hồ, hắn nhanh chóng gia nhập các băng nhóm cướp bóc hoặc đâm chém nhau để tranh giành lãnh địa.
Vụ cướp máng đầu tiên vào tháng 2/1992, hắn và đồng bọn thu được 2,6 cây vàng bổi. Sau khi tiêu hết số vàng này, hắn chia tay huynh đệ dạt vào Đắk Nông làm nghề đào đãi đá quý. Cũng như các bãi vàng, các bãi đá cũng rải đầy băng nhóm, ngày đêm lăm le nhau để trấn lột, tranh giành quyền thống lĩnh những nơi màu mỡ. Hắn nhanh chóng gia nhập vào một băng nhóm gồm 6 tên trẻ tuổi cùng quê Nông Cống. 
Đoạn cuối cuộc đời thảm hại của đại ca xứ vàng - Ảnh 1
 Đối tượng Lê Văn Tuệ
Chuyện về hắn như huyền thoại. Rằng, chỉ một sợ dây lớn nhất của đàn ghi-ta (dây mì) và một cục chì bằng nắm tay, hắn có thể đánh tan tác đám lâu la với cuốc xẻng, xà beng và cả côn nhị khúc. 
Đêm đó, khi hắn từ thị trấn Gia Nghĩa vào bãi đá thì bị một băng nhóm phục kích. Hắn bình tĩnh rút trong túi ra sợi dây đàn với một đầu cột chặt vào cục đá và múa tít trên đầu. Khi đó, đối phương chưa kịp tung chưởng thì đã choáng váng bởi cục kim loại quật vào đầu, vào mặt đau tê tái. Dù có một mình nhưng hắn thoát khỏi tay gần 10 tên đầu gấu một cách dễ dàng.
Cũng từ trận đánh lịch sử đêm đó, hắn bỗng chốc nổi tiếng khắp bãi đá ở đây và nghiễm nhiên lên chức đại ca. Sau một thời gian tung hoành ở Đắk Nông, hắn theo bạn vào tận biên giới Tây Ninh học võ và học... cướp. Tuy nhiên, bám trụ ở đây không được bao lâu, hắn trở về quê. Trở về với gia đình, lúc này, nghề đào giếng khá hơn nghề đào vàng nên hắn bằng lòng làm người lương thiện. 
Ngày ngày, hắn sách đồ nghề đi khoan giếng, từ Tam Kỳ đến Quế Sơn và có khi ra cả Huế hay vào Quảng Ngãi. Thế nhưng không được bao lâu, hắn gặp lại một chiến hữu ở bãi vàng trước đây và người này rủ hắn lên bãi làm ăn. Hắn vứt dụng cụ khoan giếng, hăm hở trở lên các bãi vàng.
Đêm đầu tiên có mặt tại bãi vàng Phước Thành (Phước Sơn), hắn đã dẫn đầu 10 tên phu vàng gốc Bắc đánh tan tác một số lán trại. Chỉ trong vòng 11 ngày trấn lột, hắn đã thu được 63 cây vàng từ các cuộc cướp bóc. Có vàng, hắn càng liều lĩnh và xưng hùng xưng bá. 
Có tiền, hắn lao vào bài bạc, hút chích. Nói về độ tiêu tiền, hắn nổi tiếng khắp các bãi vàng. Có lần, hắn và một tên dân anh chị cầm nguyên 100 cây vàng ra Hà Nội ăn chơi trác táng. Chưa đến một tháng, chúng không còn một xu dính túi. Thế là phải lội vào Quảng Nam lên “xứ sở vàng”. 
Cứ như thế, ban ngày hắn đi trấn lột, cướp bóc, ban đêm hắn ngồi sòng và chìm ngập trong khói thuốc phiện. Những năm 97-98, các bãi vàng ở Phước Sơn, Trà My liên tục “trúng quả”. Nghề cướp bóc, bảo kê của hắn càng được dịp phất lên. Có tiền, hắn càng ăn chơi tợn, nhất là món thuốc phiện.
Tự chế thuốc “hóa vàng”
Trong thời gian dặt dẹo ở bãi vàng Phước Sơn, do có “số má” nên hắn được các chủ hầm vàng thuê làm bảo kê. Công việc nhàn hạ nên hắn lân la học nghề “đánh hóa” (cách dùng hóa chất lọc quặng lấy vàng) và nghề tăm vỉa (thăm dò mạch đá có chứa vàng). 
Gần một năm “nghiên cứu” hắn bỗng dưng nổi tiếng cả bãi vàng vì tay nghề đánh hóa và tài tăm vỉa “bách phát bách trúng”, hắn liên tục được các lán mời mọc săn đón và trả công  như một chuyên gia. 
Khoảng cuối năm 1998 do khai thác vô tội vạ, vàng ở các bãi dần cạn kiệt, các chủ hầm lần lượt phá sản. Không có nơi cung phụng, hắn và đàn em hơn chục tên không có tiền phê ma túy nên lên cơn vật vã. Để có tiền xài, hắn liên tục xin đểu, cướp, trấn lột của các chủ hầm. 
Đang lúc bị công an thường xuyên truy quét, đãi không ra vàng lại bị hắn quấy nhiễu nên các chủ hầm vàng hợp sức lại chống trả khiến cả Tuệ lẫn đàn em đều nhiều lần bị trọng thương. 
Đang lúc túng quẫn hắn gặp một ân nhân, đó là Mông “cận”, quê ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Mông vốn là một nhà giáo, tính cẩn thận, làm ăn bài bản nên mặc dù cả bãi vàng gặp khó nhưng lán của anh ta vẫn sống tốt. 
Một ngày cuối năm 1998, một nhóm côn đồ đã chặn đường đánh Mông. Đúng lúc đó, Tuệ tình cờ đi qua. Dù không biết Mông “cận” là ai nhưng thấy chuyện bất bình, hắn rút “vũ khí dây đàn” xông vào cứu. Để trả ơn, Mông “cận” đã mời hắn về làm đốc công và bảo kê cho lán của mình. Đang túng quẫn nên hắn nhận lời ngay. 
Từ 23/10/1998 đến 4/4/1999 là khoảng thời gian thanh thản nhất của hắn ở bãi vàng. Không chỉ làm bảo kê, hắn còn tích cực tham gia lao động nên được Mông rất tin tưởng và quan tâm. 
Tháng 4/1999, sau khi không khuyên được Tuệ cai ma túy, Mông bỏ lán trại và dụng cụ lại cho hắn rồi đi tìm hầm vàng mới. Mông vừa đi khỏi, đám em út cũ của Tuệ từ Thái Nguyên mới vào không có việc làm lại tìm đến xin đầu quân. Vừa thương chúng, lại đang lúc hầm vàng bỏ trống, hắn gật đầu đồng ý.
Hoàn lương sau vụ làm “bác sĩ bất đắc dĩ” 
Chỉ 1 tuần sau khi tiếp quản hầm vàng của Mông “cận”, hắn đã phải bán hết máy móc, dụng cụ rồi cùng cả bọn lang thang quanh những lán trại cũ sống lay lắt. Và, trong lúc cố gắng tìm kiếm những gì còn sót lại của một hầm vàng bỏ hoang, một thằng bé trong bọn bị đá đè dập xương ống chân.
Trong lúc trời mưa to, cả bọn không có đồng xu dính túi nên không thể đưa nạn nhân đi bệnh viện. Lo sợ bị hoại tử, nhiễm trùng, hắn liều lĩnh tự tay tháo khớp chân cho thằng bé. Không thuốc mê, không thuốc tê, hắn dùng dây dù để “cố định” nạn nhân vào sạp. Dụng cụ mổ là dao thái rau và kim chỉ khâu áo quần, dao mổ được sát trùng bằng bếp lửa. 
Sau 30 phút, hắn đã làm xong việc tháo khớp cho nạn nhân. Những ngày sau đó, hắn cùng đàn em đi đánh hóa thuê cho các chủ hầm kiếm tiền sống qua ngày. Riêng thằng bé bị tháo khớp, nhờ có hêrôin nên cũng đỡ đau và thật may mắn vết cắt không bị nhiễm trùng và sau 2 tuần thì lành hẳn.  
Sau khi tiếp nhận lũ đàn em và làm “bác sĩ bất đắc dĩ”, Tuệ bỗng suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, hắn quyết định cai nghiện và hoàn lương. 
Biết ý định “bỏ vàng” của Tuệ, một người đã hào phóng cho hắn nguyên một mẻ máng, đãi được 9,3 lượng vàng. Hắn cầm số vàng này ra Hà Nội, vào nhà một người bạn tên Cường gần Bệnh viện Bạch Mai thuê bác sĩ đến để điều trị cai nghiện. Sau khi cai nghiện thành công, hắn trở về quê nhà với mẹ già. Và lần này, hắn làm yên lòng người mẹ khi lấy vợ và sinh cháu cho bà. 
Để mưu sinh, hắn cùng vợ buôn hàng quế, những lúc nhàn rỗi, hắn đi đãi cát, sạn trên sông kiếm thêm thu nhập. Dù cuộc sống chật vật nhưng được cái hắn đã đoạn tuyệt được với ma túy. 
Trong nhiều năm qua, nhiều lần có người rủ rê trở lại bãi vàng, nhưng hắn vẫn cương quyết không đi. Gần 20 năm lăn lộn các bãi vàng đã đem lại quá nhiều đắng cay, tủi nhục nên hắn quyết không sa ngã một lần nữa, hắn muốn giữ hạnh phúc đơn sơ mà mình đang có.
Vét hơi cuối đời lừa thiên hạ  
Đầu năm 2012, hắn thấy cơ thể mình ngày một yếu đi. Mười mấy năm nghiện ngập, hắn biết mình đã mắc phải căn bệnh không thể nào chữa khỏi. Lúc này, tiền làm ra của hai vợ chồng đều đổ vào thuốc thang cho hắn. Nhìn vợ chắt chiu từng đồng bạc lẻ để lo cho mình, hắn lại quyết định, đi tìm... vàng.
Đoạn cuối cuộc đời thảm hại của đại ca xứ vàng - Ảnh 2
 Vàng giả Tuệ dùng để đi lừa
Rời quê nhà, hắn đi một mạch lên Kon Tum. Như một thói quen, đôi chân hắn dừng lại ở các bãi vàng. Nhưng bây giờ không một ai chào đón, xun xoe, cung phụng cho hắn. Hắn lang thang tìm việc vặt vãnh kiếm sống qua ngày. Rồi hắn nghĩ, không đào được vàng thật trong bãi thì hắn sẽ ra các tiệm vàng ngoài phố để... đào. 
Tháng 8/2013, tại bãi vàng ở xã Hiếu (huyện Kon Plong), hắn mua một cục vàng giả của một người lạ mặt với giá gần 4 triệu đồng. Đã từng đào đãi vàng, đã từng là người đi “tăm vàng” nên hắn biết khó ai phát hiện được món hàng hắn mới mua là hàng giả. 
Sau đó, hắn cấu kết với 2 đối tượng ở Quảng Ngãi là Trần Văn Ngạc (25 tuổi, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) và Dương Minh Quang (24 tuổi, thị trấn Ba Tơ) lập nhóm đóng vai phu đào vàng đi bán vàng.
Ngày 15.9, cả nhóm kéo lên thị trấn Di Lăng để bán “vàng”. Hắn phân công Ngạc cầm “vàng” vào tiệm vàng Bảy Thiên bán, còn hắn và Quang đứng chờ ở bên ngoài tiếp ứng. Vào tiệm, Ngạc nói với ông Võ Trọng Thuyên (46 tuổi, chủ tiệm vàng): “Đây là số vàng được đãi tại một bãi vàng ở huyện Tây Trà, bây giờ cần gấp tiền nên em phải bán”. 
Lúc này trời sẩm tối, mưa lớn, sau khi xem vàng bằng mắt, ông Thuyên đồng ý mua và nói giá khoảng 2,5 triệu đồng/chỉ. Sau khi cân được 3,5 chỉ, ông Thuyên đưa cho Ngạc gần 9 triệu đồng. Bán được vàng, hắn và 2 chiến hữu chia nhau tiêu xài.
Tối 17/9, hắn và Ngạc, Quang đến xã Đức Lân, huyện Mộ Đức để tiếp tục bán “vàng”. Đến thôn Thạch Trụ Tây, hắn phân công Trần Văn Ngạc vào hiệu vàng Hường và ngỏ ý bán vàng. Khi ông Đoàn Xuân Đàm (43 tuổi, chủ hiệu vàng) hỏi vàng này ở đâu, Ngạc trả lời đó là số vàng được chúng đãi được tại xã Hiếu (huyện Kon Plong). Cầm trên tay kiểm tra và cắn thử, không phát hiệu điều gì bất thường, ông Đàm đã mua số vàng trên với giá 6 triệu đồng. 
Thấy dễ ăn, ngày 21/9, hắn lại bảo Ngạc, Quang quay lại hiệu vàng Hường và diễn lại vở kịch mà 4 ngày trước chúng đã diễn. Lần này ông Đàm quyết không để chúng thoát nên liền gọi điện báo công an xã Đức Lân. Biết bị phát hiện, Dương Minh Quang nhanh chóng lên xe máy bỏ chạy. Nhiều người dân địa phương và lực lượng Công an xã đã truy đuổi, bao vây bắt đối tượng. 
Sau 2 giờ đồng hồ, cơ quan công an đã bắt được Quang khi y đang trốn tại một nhà xưởng bỏ hoang tại Cụm công nghiệp Thạch Trụ. Đấu tranh khai thác nóng với Quang, Công an huyện Ba Tơ tiếp tục bắt giữ Trần Văn Ngạc. Lúc này, biết hành vi lừa đảo của mình bị lộ nên hắn tìm cách lẩn trốn. Trong khi hắn đang đứng đón xe khách để về Quảng Nam thì bị Công an huyện Mộ Đức bắt giữ./.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH