Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 105/h

-Chiến tranh ai cũng ghét, nhưng nhiều khi chúng ta buộc phải cầm súng vì không còn cách nào khác!
-Cuộc sống là vô giá. Không ai đổi cuộc sống lấy anh hùng mà chỉ thành anh hùng khi bảo vệ cuộc sống! 

-Những Dòng Sông
Tác giả: Bế Kiến Quốc
Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…


Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,

Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng

Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,

Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông

Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng

Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng

Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta…


Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa

Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.

Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể

Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé

Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…


Rồi biết nghe chuyện anh, chuyện cha

Biết tự hào: Sông đã từng đánh Pháp

Nước lấp mặt những ca nô tan xác

Bãi lau già chuyển cán bộ qua sông…


Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng

Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung

Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ

Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ

Trên dòng sông – là một tấm gương trong…


Em ta yêu có gì như lòng sông

Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng

Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn

Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…


Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,

Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa

Đến bè bạn cùng từng gốc lúa

Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá

Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng

Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…


Uống bát nước chè bên nòng súng, trưa nắng cháy

Nghe màu xanh bờ bãi mát trong lòng!

Bình tĩnh ngồi bên những trái bom

Đâu trong gió mái chèo xa vọng lại:

Đêm mưa không đèn vững vàng tay lái

Đường dẫn đi như dòng nước tới mênh mông…


Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Từ giảng đường đến chiến trường - Phần 3

Từ bỏ giảng đường làm chiến sĩ giữ Trường Sa

Trong 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, liệt sĩ Nguyễn Văn Phương từng thi đậu trường Sĩ quan Lục quân 1, nhưng không đi học mà tham gia lực lượng hải quân bảo vệ biển đảo.


27 năm sau ngày xảy ra sự kiện hải chiến Trường Sa, di vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương ở xã Mê Linh (Đông Hưng, Thái Bình) chỉ còn bộ quân phục hải quân, những lá thư ố vàng và giấy báo nhập học của trường Sĩ quan Lục quân 1 mà gia đình trân trọng gìn giữ. Những kỷ vật được cất kỹ trong tủ, bà Nguyễn Thị Gái ít khi dám lấy ngắm nhìn bởi mỗi lần thấy là nỗi nhớ thương con lại trào về, nước mắt lại rơi. 
IMG-1701-JPG-6903-1426034172.jpg
Liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1968) hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Trường Sa năm 1988. Ảnh: Hoàng Phương.
Bà Gái bảo, khoảnh khắc đau đớn nhất cuộc đời là lúc nhận tin con hy sinh. Sáng hôm đó, bà đang rửa mặt ngoài sân thì nghe đài báo tin về Gạc Ma, danh sách liệt sĩ hải quân lần lượt được đọc lên. Khi nghe các con bảo "Bu ơi, anh Phương hy sinh rồi", bà Gái còn quát lại "Nói láo". Sau khi nghe lại lần nữa thì bà ngơ ngẩn cả người.
Bà Gái luôn tự hào trong số 4 người con, anh Phương đẹp trai, học khá nhất, "chơi bóng cũng giỏi mà cấy lúa thì nhanh chẳng kém các cô gái trong làng". Năm 1985, khi học xong cấp 3, anh trúng tuyển vào trường Sĩ quan Lục quân 1 và có giấy gọi nhập học nhưng không đi. Đến đợt tuyển quân mới, anh đăng ký vào hải quân, đơn vị đóng tại Hải Phòng.
"Khi ấy, thằng bé cứ chần chừ rồi bảo không đi học nữa. Nó ước mơ trở thành chiến sĩ hải quân, lênh đênh trên biển như bố", người mẹ kể và hồi tưởng lại lúc con trai còn thơ bé thường thích đội chiếc mũ hải quân của bố đi chơi.
Ngày con trai nhập ngũ, ông Nguyễn Văn Mạo dành dụm mua cho anh đôi dép nhựa Tiền phong. Nhận được quà, chàng trai vui vẻ xách ba lô lên đường. Đơn vị đóng quân ở Hải Phòng, Quảng Ninh rồi chuyển vào Sài Gòn, anh đều viết thư về hỏi thăm bố mẹ, các anh em, họ hàng, rồi hỏi lúa cấy ở nhà có tốt không.
IMG-1670-JPG-9676-1426034172.jpg
Nguyện vọng lớn nhất cuộc đời bà Nguyễn Thị Gái là tìm thấy được hài cốt con trai. Ảnh: Hoàng Phương.
Lá thư cuối cùng anh viết ngày 6/3/1988, trước khi xuống tàu ra Gạc Ma. Như có linh cảm trước, anh bảo "từ nay con không viết thư về nữa, vì công việc bận, bưu điện lại quá xa" và dặn dò "Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi, chứ bây giờ cũng chẳng được về thăm gia đình nữa".
Có ai ngờ câu nói ấy thành sự thật. Ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc ngang ngược lao lên đảo Gạc Ma, nổ súng vào bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao. Chàng trai Nguyễn Văn Phương cùng 63 đồng đội hy sinh. 
Ngồi ở một góc giường nghe mẹ kể chuyện, chị Nguyễn Thị Thoa len lén lau nước mắt. Trong ký ức của cô em gái, người anh trai ấy rất hiền, luôn giành làm việc để em có thời gian học. Nhiều cô gái trong thôn thầm mến nhưng anh chưa để ý ai.
Ngày nhận được tin anh hy sinh, cô bé Thoa khi ấy khóc từ trường khóc về, đến nhà thì thấy sân trước sân sau đều chật kín láng giềng đến hỏi thăm. Ai nghe tin cũng ngờ ngợ, vì hòa bình rồi mà tại sao các anh lại hy sinh. "Mẹ tôi khóc ròng rã. Bố tôi khi ấy làm chủ tịch xã, nghe được tin là lúc ông đang vận động người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ông vẫn phải nuốt nước mắt làm cho xong nhiệm vụ mới về nhà. An ủi vợ con thật đấy, nhưng thi thoảng tôi vẫn thấy ông đứng ở góc nhà mà khóc, rồi đấm ngực thùm thụp", chị Thoa kể.
Ông Bùi Ngọc Trìu, cán bộ xã Mê Linh, nhớ mãi những kỷ niệm thời thơ bé khi còn học cùng trường làng với liệt sĩ Nguyễn Văn Phương. Ông Trìu lớn hơn anh Phương 3 tuổi nhưng chơi rất thân. "Cả đám thường đi chăn trâu rồi ra ngay con sông đầu làng tắm mát. Phương bơi cừ lắm. Có ai ngờ được cậu ấy lại hy sinh ở ngoài biển, đến nay còn chưa tìm được hài cốt".
IMG-1711-JPG-3998-1426034172.jpg
27 năm trôi qua, di vật còn lại của liệt sĩ Phương là bộ quần áo hải quân và những lá thư anh gửi về trước khi lên tàu ra đảo. Hài cốt anh vẫn còn nằm lại Trường Sa, chưa tìm thấy. Ảnh: Hoàng Phương.
Năm 2008, tàu của thợ lặn Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm được một phần hài cốt 64 chiến sĩ dưới con tàu HQ 604 ở độ sâu khoảng 20 m tại cụm đảo Sinh Tồn (Trường Sa). Bà Gái thấp thỏm hy vọng khi được lấy mẫu xét nghiệm ADN, nhưng rồi lại phải thất vọng khi không có kết quả.
Tay mân mê lần giữ từng nếp chiếc áo hải quân, người mẹ 80 tuổi bồi hồi tưởng tượng nếu anh không hy sinh thì bây giờ cũng có một gia đình nho nhỏ, lấy vợ, sinh cho bà những đứa cháu ngoan ngoãn.
"Ước mong duy nhất của đời mẹ là tìm được hài cốt của con, đưa về quê an táng. Ngày nào còn chưa làm được việc đó thì nỗi đau trong lòng mẹ vẫn chưa nguôi", bà Gái nghẹn ngào nói.
Cuối năm 1987, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3, các tàu HQ 604, 605 mang theo lực lượng công binh và lực lượng ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền, xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong chiến dịch CQ-88. Tàu HQ-505 làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến đảo Cô Lin.
Ngày 14/3/1988, các tàu chiến của quân Trung Quốc ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ và nổ súng vào bộ đội Việt Nam.
Sau trận hải chiến, 2 tàu vận tải của Việt Nam bị chìm, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt làm tù binh. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh, chiếm giữ trái phép đảo Gạc Ma.
Hoàng Phương

Từ Giảng viên Đại học ưu tú tới Phóng viên chiến trường quả cảm!

Liệt sĩ quay phim Dương Phước An - một giảng viên ưu tú của Trường sĩ quan Lục quân 1, liệt sĩ phóng viên chiến trường anh dũng và quả cảm của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Quê hương ông nằm trên dải đất Miền Trung trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (Triệu Lễ - Đông Hà - Quảng Trị).
Dương Phước An là con thứ 6 trong gia đình 10 chị em mà ông là con trai duy nhất. Cùng học Trường PTTH Lê Thế Hiếu tại Cam Chính - Cam Lộ - Quảng Trị. Ông và cô bạn cùng lớp Lê Thị Muộn là một đôi “ thanh mai trúc mã” nổi tiếng học giỏi khắp vùng. Hai người kết duyên vợ chồng sinh được 2 cậu con trai khôi ngô và giỏi giang không kém cha được đặt tên là Dương Phúc Toàn và Dương Phúc Hảo. Hai ông bà có khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau ngắn ngủi chẳng tày gang.
Sau khi hiệp định Genève 1954 được ký kết, Đất nước phải chịu nỗi đau chia cắt hai miền Nam Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm mốc giới. Một số cán bộ, con em Miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Dương Phước An chia tay vợ hiền và hai con thơ tạm biệt quê hương tập kết ra Bắc tiếp tục con đường cách mạng mà ông đã chọn. Ông được về Trường văn hóa Quân đội học văn hóa tiếp.
Đầu năm 1958, Ông về giảng dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, năm 1961 ông được của đi học Đại học Sư phạm tại thành Vinh. Năm 1963, ra trường ông tiếp tục về làm giảng viên Trường sĩ quan Lục quân 1. Ngày 15/8/1964, ông về công tác tại Xưởng phim Quân đội và tham gia học lớp quay phim chiến trường do Điện ảnh Quân đội tổ chức tại khu sơ tán Tuy Lai - Hà Đông. Ông là một trong những người đầu tiên của Điện ảnh Quân đội đào tạo bài bản và cử vào xây dựng Điện ảnh Quân giải phóng B2 tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Thực hiện chỉ thị của Tổng cục Chính trị, từ tháng 12/1962 đến ngày 19/5/1963, Đoàn Điện ảnh Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội Nhân dân) tập trung đào tạo và rèn luyện lớp quay phim chiến trường để đi B xây dựng Điện ảnh Quân giải phóng B2. Học viên có khoảng 15 người đa số là giáo viên văn hóa từ Trường văn hóa Quân đội chuyển đến (gồm có Nguyễn Mạnh Nhiễu, Đỗ Trọng Hội, Nguyễn Quế, Châu Quang, Vũ Thập, Dương Phước An, Trần Cần Kiệm, Nguyễn Nhưỡng, Nguyễn Ân, Mai Văn Thảo, Ngô Quang Đạt, Lê Viết Thế, Phạm Văn Lã, Nguyễn Công Tấn, Mai Văn Thiện).
Lớp học vừa được đào tạo lý luận chuyên môn vừa được đi thực tập theo nhóm đến các điểm nóng, nơi có máy bay Mỹ bắn phá. Nhóm của Dương Phước An với Phạm Hanh ra thực tập ở Cồn Cỏ, và trực ở một số trận địa đánh máy bay. Dương Phước An và Phạm Hanh bất chấp hiểm nguy có mặt tại Cồn Cỏ nơi bị máy bay và tàu chiến đánh phá ác liệt. Tổ làm phim của ông đã cùng bám trụ khắc họa hình ảnh anh hùng Thái Văn A làm nhiệm vụ quan sát tại đỉnh 63 trên đồi cao nhất đảo để xác định vị trí máy bay hay tàu chiến đối phương, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn vào mục tiêu. Dù có lúc chân đài quan sát bị gãy, đài bị nghiêng, bản thân nhiều lần bị thương, Thái Văn A vẫn không rời vị trí. Những thước phim tài liệu chân thực đó đã được hai ông ghi lại dựng nên bộ phim “CỒN CỎ ANH HÙNG” (giải thưởng Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ I).
Giải thưởng Bông sen bạc phim "Cồn Cỏ anh hùng" do Phạm Hanh và Dương Phước An thực hiện
    Nhóm Trọng Hội, Nguyễn Quế và Vũ Thập đến chùa Non Nước, núi Cánh diều ở Ninh Bình. Sau đó các nhóm đến trận địa Cầu Gián, tại đây học viên được tập sử dụng máy quay phim 16mm và đã quay được cảnh cầu Ninh Bình trúng tên lửa máy bay, cây cầu tóe lửa gẫy làm đôi và từ từ sập xuống. Kết thúc khóa học trong số này có 8 người được cử đi B xây dựng Điện ảnh Quân giải phóng B2.
    Họ lần lượt lên đường vào B2, Trần Cần Kiệm, Châu Quang đi vào tháng 7, tháng 8 năm 1965. Nguyên Nhưỡng, Ngô Quang Đạt, Nguyễn Quế, Đỗ Trọng Hội đi vào ngày 26/10 cùng năm. Các Ông Vũ Thập, Dương Phước An cùng là giảng viên Đại học tạm xếp lại trang giáo án lên đường đi B vào ngày 03/02/1966. Ngày 10/7/1966 Dương Phước An và Vũ Thập vào đến Nam Bộ căn cứ của Xưởng phim Quân giải phóng tại suối nước đục Cà Tum - Tây Ninh. Ngày 10/10/1966, Dương Phước An và Vũ Thập đi quay chiến sự ở Thủ Dầu Một. Tháng 6/1967, Ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ quay phim phục vụ Đại hội thi đua toàn Miền lần thứ 2.
    Vũ Thập và Dương Phước An là cặp quay phim giỏi và thành công nhất trong đội ngũ quay phim của Điện ảnh Quân giải phóng lúc bấy giờ. Ngược lại với Vũ Thập sôi nổi vui vẻ. Dương Phước An thâm trầm kín đáo, nhưng ông không xa cách mọi người. Sức mạnh nội tâm đã thuyết phục được giám đốc xưởng cử ông cùng Nguyễn Quế đi Bến Tre để làm một phóng sự về mảnh đất này trong chiến tranh cục bộ. Để đến Bến Tre là đất thánh của cách mạng Miền Nam là mơ ước của nhiều phóng viên. Dương Phước An và Nguyễn Quế đã phải trải qua những gian truân nguy hiểm khi vượt qua sự canh gác gắt gao của các đồn bốt của địch, các sông rạch chằng chịt. Giọng Quảng Trị của anh ở đất Bến Tre gây được sự chú ý cho nhiều người. Trong một buổi tối, xong việc ngồi chơi với một du kích địa phương đến thăm hỏi Dương Phước An. Sau khi thăm hỏi quê quán của An anh ta đòi An thưởng cho một xị rượu đế, Đòi vui vậy thôi, anh ta kể: Trước đây khi anh ta đi quân dịch bị điều động ra vùng 1 chiến thuật (tức Thừa Thiên - Quảng Trị) có đến thăm viếng nhà dân. Nghe An nói đúng tên xóm làng, người thân trong nhà, anh ta đã xác định rằng anh ta đến đúng nhà An. Biết được trên mười năm nay, An không có tin tức gia đình. Anh ta chỉ cung cấp vài chi tiết là bố mẹ An vẫn sống mạnh giỏi và chị vợ An vẫn chờ An không đi lấy chồng. Chị ta đứng đắn, có vẻ như người hoạt động cách mạng cho đằng mình. Chỉ biết bấy nhiêu thôi đã tiếp thêm cho ông thật nhiều sức mạnh. Sau chuyến đi Bến Tre về anh vui vẻ và cởi mở hơn trước. Dương Phước An nhận tin nhà qua một người từng là lính ngụy, vui niềm vui ngắn ngủi trong 03 tháng cuối đời, rồi hy sinh anh dũng trên nẻo đường giao liên sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quay lại những thước phim lịch sử của chiến dịch Mậu Thân 1968 cũng là một ký ức không bao giờ phai trong lòng đồng đội.
LS Dương Phước An đi làm phim tại Thành Thới Bến Tre chuẩn bị đánh tàu Mỹ trên sông Cổ Chiên
    Tháng 11/1967, ông tiếp tục đi quay chiến dịch “Hòn đá vàng” ở vùng Bình Long - Tây Ninh. Ngày 20/02/1968, tức trước tết âm lịch 10 ngày Điện ảnh Quân giải phóng được lệnh ăn tết trước để chuẩn bị tham gia tổng tấn công Mậu Thân 1968. Các đội quay phim, chiếu bóng triển khai về bám theo các đơn vị tiền phương ghi hình và chiếu bóng động viên anh em. Đỗ Trọng Hội, Hồng Hải đi Rừng Sác, sông Lòng Tàu; đội của Trần Bá Nhàn, Hoàng Quốc Hùng đi Công trường 9; đội Nguyễn Quế xuống Công trường 5; đội Nguyễn Văn Châu xuống Trung đoàn Quyết thắng 1; ngày 22/02/1968 đội Dương Phước An  và Vũ Thập đi Long An, Phân khu 2; đội của ông Trần Cần Kiệm, Hồ Thanh Xuân đi tuyến sau. Ông Trương Thành Hỷ, Phùng Bất Diệt, Thanh Tịnh xuống Ban chỉ huy để thống nhất chờ ghi hình ảnh cố vấn Mỹ bị ta bắt làm tù binh.
    Tất cả các anh em quay phim ra trận hừng hực khí thế, quyết tâm ghi lại thật nhiều hình ảnh sống động chân thật nhất. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, các đội quay phim của Điện ảnh Quân giải phóng rất dũng cảm bám theo đội hình tiến công của Quân giải phóng, quay được nhiều thước phim tài liệu có giá trị. Quay phim Châu Quang ngồi trên cây quay toàn cảnh bộ đội đánh vào căn cứ Đồng Dù (Củ Chi); cảnh Quân giải phóng tiến công các cứ điểm của địch thọc sâu nội đô Sài Gòn. Dương Phước An và Vũ Thập đi đợt 1 Mậu Thân 1968 hơi trễ nên vào đến ngoại vi Sài Gòn thì bộ đội đã bắt đầu rút ra, hai ông nằm lại chờ đợt 2. Khoảng 4/1968, các ông bị trực thăng bắn phá vào nơi trú ẩn chỉ kịp di chuyển máy móc còn tư trang hai người để chung bị bắn nát cả. Bắt đầu đợt 2, trên cử thêm 1 máy quay và 2 người xuống phụ nên Dương Phước An và Vũ Thập chia làm 2 tổ khác nhau bám sát mũi tiến công của Quân giải phóng vào nội đô theo hướng quận 5, 6 và 11).
    Quay phim Dương Phước An dũng cảm xông xáo cùng mũi đi đầu quay cảnh bộ đội vượt qua cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn đoạn nối với quốc lộ 22 đi Củ Chi, Tây Ninh trước cửa nhà máy dệt Vinatexco (nhà máy dệt Thắng Lợi); cảnh bộ đội đang bắn trực thăng Mỹ trên bầu trời thành phố. Đến ngày 11/5 các tổ trên đường rút ra gặp lại nhau ai cũng vui vì quay được nhiều cảnh ưng ý. Thấy thời gian tiến hành đợt 3 còn dài, Dương Phước An đem phim trở về căn cứ. Đoàn đi có 12 người có cả đồng chí Chính trị viên ngành giao liên của tỉnh có thể nói khá đảm bảo an toàn. Nhưng thật không may khi trở về gần tới căn cứ cách khoảng 4 giờ đi bộ thì đoàn rơi vào ổ phục kích của địch gài mìn khiến bốn đồng chí hy sinh tại chỗ trong đó có liệt sĩ Dương Phước An tại bờ kinh Bo Bo gần giáp kinh Sáng. Bị địch vây ráp gắt gao nên mãi đêm hôm sau mới có lực lượng xuống tìm kiếm và làm lễ truy điệu mai táng các anh.
    Nguyễn Quế nhà quay phim kỳ cựu của Điện ảnh Quân đội cùng học lớp phóng viên chiến trường chỉ công tác chung với Dương Phước An có hơn 4 năm, từ Hà Nội đến rừng già Tây Ninh. Đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày Dương Phước An hy sinh nhưng giọng nói, dáng đi cảnh quay của Dương Phước An vẫn rõ mồn một trong tâm trí người lính già đã qua một thời binh lửa.
    Những thước phim do liệt sĩ Dương Phước An, liệt sĩ Châu Quang trên cửa ngõ Sài Gòn; liệt sĩ Nguyễn Văn Năng trên lộ 22 và đồng đội quay được trong chiến dịch sau này dựng thành 02 tập phim: Một vài hình ảnh tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Bông sen Vàng tại LHP VN lần thứ I năm 1970) và Đại hội những người chiến thắng 1969 (Bông sen Bạc LHP VN lần thứ I năm 1970).
Hình ảnh 3 liệt sĩ quay phim: LS Dương Phước An (ngồi sau cùng LS Đạt khoác vai), LS Quang Đạt, LS Nguyễn Văn Năng
    Ngược về quê, vợ ông ở lại quê nhà tham gia cách mạng ở địa phương nuôi dạy hai con nhỏ và chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già đợi chờ ngày ông sẽ trở về trong đoàn quân chiến thắng. Ông và đồng đội đâu có ngờ rằng chính vào ngày ông hy sinh thì ở quê nhà 2 con thơ của ông cũng ra đi tức tưởi vì đạn bom của kẻ thù… một sớm tháng 5/1968 là một năm đau thương mất mát quá lớn với gia đình ông. Con ông khi đó con lớn 14 tuổi, nhỏ 12 tuổi buổi sớm giúp mẹ đưa trâu đi làm đồng vướng mìn của địch anh em đều thiệt mạng. Bà người vợ thủy chung, kiên cường của ông đã phải gánh chịu nỗi đau quá lớn khi mất đi hai người con và người chồng thân yêu trong tháng 5.1968. Khi biết tin ông hy sinh, bà đã khóc cạn nước mắt rồi đổ bệnh hóa dại điên một thời gian dài hơn 4 năm trời… bà như cứ quanh quẩn vào ra ngôi nhà nhỏ giống người không hồn.
    Năm 1977, người bạn thân đồng đội của ông là Vũ Thập gửi thư về kể trường hợp hy sinh của chồng bà cho gia đình. Bà nhận rồi cất kỹ vào dưới đáy tủ mà chẳng nói với ai một lời. Mãi mấy chục năm sau, khi người nhà tìm kiếm kỷ vật của ông và thông tin để tìm hài cốt ông mới phát hiện ra bức thư bà giữ từ lâu. Cũng nhờ sự quan tâm của những người thân yêu của ông và bà, của bà con xóm giềng, dần dần bà nguôi ngoai và bình phục sau bao mất mát đau thương tột cùng. Tuy khỏi bệnh, nhưng nỗi đau mất mát người thân thì không bao giờ lành… Sức khỏe và trí nhớ của bà giảm sút rất nhiều. Bà cùng người thân đã nỗ lực để tìm kiếm hài cốt của ông để mong được đón ông về mảnh đất quê hương… nhưng ước nguyện nhỏ nhoi của bà chưa thành thì bà ra đi năm 2008.
    Trong chuyến công tác tại Quảng Trị tháng 7 vừa qua Đoàn công tác của Điện ảnh Quân đội nhân dân chúng tôi ghé thăm gia đình và tìm tư liệu vềông. Khi được “o” Dương Thị Sở, em gái ông giở cho xem một số kỷ vật còn lại của ông, nghe o kể cho chúng tôi những kỷ niệm, cuộc đời của ông bà. Thực sự chúng tôi không sao cầm nổi nước mắt cứ trào ra,.. chiến tranh đã lấy đi của ông bà quá nhiều tột cùng của nỗi thương đau…
Dương Phước An hy sinh, di sản của ông và đồng đội để lại là những thước phim chân thực và nghệ thuật cao mà ông và đồng đội phải đổi bằng máu góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của Điện ảnh Quân đội.
    Những thước phim cuối cùng của ông được dựng trong phim: Vài hình ảnh Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I); Chiến thắng xuân hè 1969 (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ II); Đại hội những người chiến thắng (Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ I). Với khoảng thời gian không nhiều, Dương Phước An và đồng đội đã mang về cho Điện ảnh Quân đội 2 giải Bông Sen vàng, 2 giải Bông sen Bạc và hàng ngàn mét phim tư liệu quý giá…
    Nếu ông may mắn trở về sau chiến tranh thì tôi tin ông còn tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Giờ đây chúng ta khi được xem lại những thước phim của ông và đồng đội đã bất chấp hiểm nguy lao vào trận đấu theo mũi xung phong khiến chúng ta càng đáng suy ngẫm tự hào và biết ơn những bậc tiền nhân.
Dương Thái Bình

"Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến đánh quân thù..."


Trong bài thơ Gửi miền Nam của nhà thơ Tố Hữu có câu: “Đẹp biết mấy bài ca ra trận - Mỗi chàng trai, một Lê Mã Lương” để nói về ông. Nhân ngày truyền thống lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, TS xin trân trọng giới thiệu một nhân vật tiêu biểu, Thiếu tướng Lê Mã Lương, người có câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến đánh quân thù”.
Năm 17 tuổi, anh đã từ chối ước mơ vào giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giấy báo du học nước ngoài để lên đường vào Nam đánh Mỹ. 18 tuổi anh bị thương lần đầu tiên, rất nặng, hỏng một mắt; 21 tuổi Trung uý Lê Mã Lương được tuyên dương Anh hùng quân đội; tháng 7/1968 anh được gặp Bác Hồ tại Quân y viện 108. Sau ngày miền Nam giải phóng, anh học tiếp khoa Sử ĐHTH Hà Nội mà năm xưa bỏ dở và làm luôn luận án tiến sĩ. Giữa năm 1998, anh có quyết định làm Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.
Ký ức tuổi thơ
Lê Mã Lương thuộc thế hệ đàn anh chúng tôi. Anh là một trong những chiến sỹ được thế hệ chúng tôi ngưỡng mộ nhất. Ngày tôi học năm cuối của cấp 1, đã nghe về anh, bắt đầu qua những câu chuyện của các dũng sỹ từ chiến trường trở về, thời điểm ấy chiến sự đang khốc liệt, các trường phổ thông thường mời các chú bộ đội đến nói chuyện chiến đấu cho học sinh nghe.
Trong bài thơ Gửi miền Nam của Tố Hữu có câu: “Đẹp biết mấy bài ca ra trận - Mỗi chàng trai, một Lê Mã Lương”. Ngay buổi tựu trường cấp 2, chúng tôi được phát mỗi người một cuốn truyện "Khi có một mặt trời" của nhà văn Hồ Phương, viết về Lê Mã Lương. Ít lâu sau, được xem bộ phim "Tiền tuyến gọi", nhân vật chính là người thương binh Lê Mã Lương.
Chính hình tượng người anh hùng chiến đấu ở mặt trận đã làm nức lòng đám thanh niên mới lớn, chúng tôi mơ trở thành Lê Mã Lương, nhiều người viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Mãi sau này, khi lớn lên, gặp anh, khi ấy đã là Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, tôi mới biết, chuyện về anh không chỉ có câu nói theo tôi (và những người ở thế hệ chúng tôi) suốt cả cuộc đời “Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến đánh quân thù”.
Trong một lần trò chuyện anh kể về thời thơ ấu của mình: “Nói về cuộc đời tôi, thuở thơ ấu của tôi vất vả lắm. Năm 4 tuổi, trên chặng đường hành quân lên Điện Biên Phủ, cha tôi ghé qua nhà thăm mọi người. Lúc bấy giờ tôi bé, nhưng vẫn còn nhớ, cha tôi ở với chúng tôi chừng 2, 3 tiếng gì đó. Cha tôi bế tôi lên chiếc võng gai truyền thống của miền Trung. Mọi người nói chuyện với cha tôi, còn tôi nằm trong lòng ông ngủ thiếp lúc nào không hay, đến khi tỉnh dậy chỉ có mình tôi trên cánh võng, còn mọi người đã lên đường vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Cho đến năm 1957, tôi mới được nghe thông báo cha tôi hy sinh. Sau đó lãnh đạo, chính quyền xã tổ chức lễ truy điệu cho ông.
Năm tôi lên 10 tuổi, tôi được nhà nước đưa đi khỏi quê và được học hành. Các cô chú nuôi tôi đến năm 17 tuổi, học hết PTTH và ra nhập quân đội. Cho đến bây giờ tôi luôn nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc lúc đó. Tuổi thơ của tôi buồn nhiều hơn vui”.
Anh hùng Lê Mã Lương và cây súng từng tiêu diệt rất nhiều quân thù của anh. (Ảnh: Nguyên Vũ).
Ra trận
Học hết cấp 3, Lê Mã Lương xung phong lên đường nhập ngũ, mặc dù anh đã có giấy báo trúng tuyển Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lý do hết sức đơn giản. Anh kể: “Giữa năm 1967, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc lên tới đỉnh cao, trên đồng ruộng hay các nhà máy, công xưởng, cơ quan, thế hệ chúng tôi chỉ thấy ở đồng ruộng có các ông, bà già cả, hoạ hoằn mới có thanh niên, mà thanh niên ở nông thôn, tham gia nông nghiệp là những trường hợp hy hữu, còn hầu hết thanh niên trai tráng tuổi tôi và trên tuổi tôi đều xung phong lên đường ra trận. Họ là những chiến sĩ quân giải phóng, hoặc thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, và làm những nhiệm vụ cho chiến tranh. Không khí lúc đó rất sôi động, luôn luôn cuốn hút và trở thành cái gì đó choán hết tâm trí thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ. Nguyện vọng lên đường ra mặt trận, tham gia chiến đấu, mặc dù chúng tôi biết trước con đường trước mắt mình đầy chông gai, thử thách và cả sự hy sinh, nhưng không một ai nghĩ mình sẽ vĩnh viễn nằm xuống ở chiến trường. Không ai nghĩ mình sẽ bị thương, không có ngày về”.
Anh hùng Lê Mã Lương.
Anh cùng những người ở lứa tuổi anh đã lên đường. “Năm ấy tôi 18 tuổi, trận đánh đầu tiên tôi tham gia là trận chiến đánh vào khu vực Mường Sang, Tà Mây, Lao Bảo - nơi mà ông Tố Hữu cùng những người bạn tù đã sống nhiều năm ở đó, chúng tôi đã xem lại những bút tích của ông ghi lại trên tường. Cái mà tôi cố tìm xem là ở đâu đã thể hiện con cá chột nưa ông viết tại nhà tù Lao Bảo ở tuổi 17, 18 của ông, cũng bằng tuổi của tôi lúc bấy giờ.
Rồi tôi cũng tìm ra được một vài câu thơ đứt đoạn trên bức tường ở Lao Bảo. Sau đó tôi tham gia trận đánh Làng Vay, trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam hiệp đồng quân chủng, binh chủng, đó là binh chủng xe tăng của quân đội ta lần đầu xuất trận và binh chủng pháo hạng nặng cũng lần đầu xuất trận tại đây. Chúng tôi xông lên trong không khí hào hùng của chiến dịch xuân 1968. Sau trận đánh đó tôi bị thương. Đó là lần bị thương nặng nhất. Sau này tôi còn 2 lần bị thương nữa, năm 1971 ở đường 9 Nam Lào, và gần bước vào cửa ngõ của Sài Gòn thì tôi bị thương lần thứ 3, ngay khu vực căn cứ Nước Trong”.
Ký ức không thể nào quên
Lê Mã Lương không nhớ đã đánh bao nhiêu trận trong đời lính của mình, từ Ðường 9 - Nam Lào rồi Ðà Nẵng, Phan Thiết, Phan Rang, đến Xuân Lộc, Biên Hòa, Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh... nhưng ký ức những năm tháng trên chiến trường Ðường 9 - Khe Sanh bốn chục năm trước thì không thể nào quên được.
Khi được hỏi trận nào anh cho là ác liệt nhất, Lê Mã Lương kể: “Đó là ngày 28/8/1969. Sau Mậu Thân năm 1968, chúng ta bước vào giai đoạn rất khó khăn, vì 1968 bộc lộ hết lực lượng. Bước vào chiến dịch, trên giao cho chúng tôi nhiệm vụ bảo toàn lực lượng và xuống được vùng giáp ranh càng sâu càng tốt, và liên tục chiến đấu để tiêu hao lực lượng địch, tạo ra trận đánh liên tục để cơ sở, bà con biết rằng bộ đội ta vẫn đang rất mạnh, đang phát triển và đang ở cơ sở bên cạnh nhân dân.
12h trưa 28/8, trên một điểm cao ở khu vực rừng Pác Chang ở phía Tây Khe Sanh, chúng tôi đang ở trên dốc cao xuống thì đụng ngay một bộ phận quân Mỹ đi đầu. Tôi nghĩ đây là bộ phận trinh sát nắm tình hình của ta, vì nó biết chúng tôi đang quanh quẩn đâu đó. Tôi đang đi đầu, hai đồng chí hai bên (thành viên tổ ba người vì chúng tôi là lính trinh sát), tôi có cảm giác phía trước là bọn Mỹ, vì theo kinh nghiệm chiến đấu, chỉ cần qua gió thoảng cũng biết đâu là Mỹ, đâu là nguỵ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, và chưa bao giờ bị sai, phán đoán rất chính xác. Tôi vượt qua mô đá và đi xuống dưới thì bất chợt một tên Mỹ cao to lao ra, ôm chặt lấy người tôi. Tôi và nó vật lộn nhau trên đoạn dốc và đá đó. Sau chừng 1-2 phút gì đó, tôi và tên Mỹ thở dốc.
Lợi dụng thằng Mỹ sơ hở khi ôm tôi, tôi dùng hết sức mình đập cánh tay cùng khẩu súng AK ở phía trước bật ra một bên của hòn đá nhỏ. Thằng Mỹ tiếp tục lao vào ôm tôi lần 2 và kéo tôi xuống chừng 5m nữa. Lúc này thấy không cách nào thoát khỏi, tôi nghĩ cách khác. Nhìn xuống bên hông phải của tôi có cây dao găm đang ở trong vỏ, và có đai bao rất chắc, nhưng vẫn có thể tuột ra được. Tôi nắm tay cầm cán dao găm, và dùng hết sức trong vòng tay tên Mỹ, quay ngược cây dao găm bằng động tác rất thành thục của người lính trinh sát, và tôi ấn cả 2 tay rất mạnh vào bên sườn trái, nhưng chỉ nghe một tiếng roạt và tôi biết thằng Mỹ mặc áo chống đạn rất nhẹ.
Sau khi bị trượt cây dao xuống phía dưới, và nghe tiếng roạt như thế, tôi bắt đầu lượn mũi dao ngược trở lên phía bên trái và ấn rất mạnh, thì mũi dao vào đúng sườn dưới của tên Mỹ, và tên này la lên tiếng rất to. Sau đó nó trùng tay và tiếp tục văng người về bên phải, con dao văng ra. Tôi cầm chặt khẩu tiểu liên quật trở lại thì thấy tên Mỹ đã nằm vật xuống phía bên này. Sau đó nghe một loạt tiểu liên nổ, tôi biết đồng đội đang hỗ trợ. Sau trận đánh đó riêng tôi diệt 15 Mỹ, đồng đội tôi diệt 130 tên Mỹ, gần như tiêu diệt gọn đại đội kỵ binh của Mỹ. Kết thúc trận đánh là 4h chiều, về hầm trung đội trưởng nói với tôi rằng "không tài nào bắn tên Mỹ được vì anh và nó vật nhau loạn cả lên”.
Câu nói nổi tiếng và một chuyện tình cảm động
Có thể nói đây là câu nói đã làm nên một Lê Mã Lương huyền thoại. “Câu nói này ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt đối với tôi, đó là khi tôi nhận được quyết định chính thức lên đường ra mặt trận, vào miền Nam để chiến đấu. Ngày cuối cùng, khi tạm biệt bạn bè người thân, có một cô bạn thân đã tặng tôi một cuốn sổ tay nhỏ, xinh xinh (giấy thì không được đẹp như bây giờ, nhưng với tôi là một kỷ niệm rất đẹp).
Anh hùng quân đội, thiếu tướng Lê Mã Lương trong chương trình "Đồng đội tôi" do Đài Truyền hình KTS VTC tổ chức.
Tôi có thói quen ghi nhật ký ngay từ khi học lớp 5, bây giờ tôi đọc lại những trang mà tôi ghi ngày đó rất buồn cười, nhưng cũng hết sức thú vị. Trên đường hành quân ra mặt trận ở miền Trung, dưới mái cọ, ngọn đèn dầu và một bàn gỗ mộc, những trang nhật ký tôi ghi dầy đặc, khoảng hai trang cuối cùng, tôi ghi lướt trên trang giấy rất đậm: "Chiến đấu là cao quý nhất, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Tôi hài lòng với câu nói kết của cuốn nhật ký, tôi gấp sổ và chìm đắm vào trong giấc ngủ đến 5h sáng, một đồng đội đánh thức tôi dậy.
Cuốn sổ ấy tôi cứ ghi hết trang nọ đến trang kia trên con đường hành quân ra mặt trận. Sau này tôi cũng không đọc lại những trang nhật ký trước nữa vì không có thời gian. Sau một trận đánh, các phóng viên hỏi chuyện tôi, hỏi tôi có gì mang theo. Tôi nói tôi có một vài cuốn sổ và đưa ra một trong những cuốn sổ ấy.
Các phóng viên này dở sổ ra, và có lẽ họ rất tâm đắc với câu tôi ghi trong nhật ký, mà câu đó tôi ghi như là một tuyên ngôn, định hướng cho chính mình để tiếp bước các thế hệ cha anh bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Sau này câu này được nhà báo Khánh Vân (Phóng viên báo QĐND-NV) đưa lên trên báo, và khi đó tôi mới biết câu này đã được đưa lên báo và trở nên nổi tiếng”.
Năm 1971, khi ấy Lê Mã Lương vừa 21 tuổi, là Chính trị viên đại đội được ra bắc học tại Học viện Chính trị rồi quen một cô giáo dạy cấp 2 người Hà Nội ở gần đấy. Cô giáo ấy là Lê Thị Bích Đào. Tình cảm của người con gái hậu phương với người lính giải phóng từ chiến trường những tưởng chỉ là sự cảm mến. Vậy mà, khi trở lại Quảng Trị, đánh xong trận Cửa Việt, anh cùng đơn vị hành quân về căn cứ Cam Lộ thì gặp cô giáo ấy. Thì ra, trong đoàn quân vượt Vĩ tuyến 17 chi viện cho chiến trường miền Nam ngày ấy không chỉ có những người lính giải phóng quân và súng đạn, mà còn cả những thầy giáo, cô giáo cùng những ba-lô sách vở, bút mực...
Cô giáo Đào lên đường ra mặt trận ngoài lý do vì vì nhiệm vụ giải phóng đất nước còn có một lý do rất cá nhân. Người yêu của cô đang ở đó. Khi còn dạy học ở Vĩnh Phúc, gửi thư ra tiền tuyến, chị mở đầu bằng 4 câu thơ: “Tôi giảng bài thơ dạy đàn em nhỏ/Giữa mùa vui chiến thắng rộn quê hương/Tôi viết bài thơ tặng người lính trẻ/ Với cả tấm lòng tha thiết yêu thương” và có những đoạn thư rất tình cảm: “Anh quí mến của em ơi, hàng ngày theo dõi tin chiến thắng trên tiền tuyến lớn của quân ta, cũng như hướng về nơi có nửa trái tim mình và có một người thương ở đó, em cảm thấy lòng mình dạt dào niềm thương nhớ vô bờ bến anh ạ”.
Những ngày Quảng Trị mới giải phóng thật bộn bề. Lê Mã Lương cùng đồng đội vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa cùng các thầy, cô giáo miền bắc thu dọn từng mảnh bom, trái pháo để lấy chỗ dựng lên những ngôi trường đầu tiên cho con em Cam Lộ. Trên trận địa chưa hết khói bom và tiếng súng ấy, cuộc sống bắt đầu hồi sinh.
Rồi cũng chính nơi đây, trong bộn bề thử thách, tình yêu của họ ươm mầm. Năm 1974, trước khi Lê Mã Lương lên đường tham gia chiến dịch Thượng Ðức, chiến dịch Hồ Chí Minh, đám cưới của họ đã được tổ chức.
Bây giờ, vợ chồng anh giải phóng Lê Mã Lương và cô giáo Lê Thị Bích Ðào đã có ba người con. "Tất cả những bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi đều có duyên nợ với chiến trường Quảng Trị". Ðó là lời tâm tình của Anh hùng Lê Mã Lương.
Và Lê Mã Lương-ông Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự
Sau ngày miền Nam giải phóng Lê Mã Lương trở lại miền Bắc và làm tiếp những gì mà trước khi lên đường ra mặt trận anh chưa kịp làm. Anh kể, cho đến khi đất nước thanh bình thì nỗi khát khao được ngồi trên giảng đường đại học của cậu học trò giỏi văn năm nào mới trỗi dậy mãnh liệt. Nhưng dù rất mê môn văn, anh giải phóng quân mang trên mình nhiều vết thương lại chọn khoa Sử của trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội. Có lẽ những năm tháng chiến trường đã chỉ cho anh lối đi.
Anh hùng Lê Mã Lương (x) tham dự chương trình "Đồng đội tôi" do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức.
Và chính sự lựa chọn ấy mà Lê Mã Lương trở thành một cán bộ nghiên cứu lịch sử, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Ở đây, anh lại tiếp tục cuộc đời người lính, và mỗi hiện vật, mỗi di tích chiến tranh cách mạng thật sự là một phần máu thịt trong anh. Lê Mã Lương thường xuyên trở lại chiến trường xưa, nơi công việc của một cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự đang rất bộn bề với những dự án tôn tạo các di tích chiến tranh. Lại có mặt từ Tà Cơn, Khe Sanh, Làng Vây, động Toàn, động Tri, động Ông Do, Ba Hồ, Ðá Bàu, Tân Lâm, Cửa Việt, rồi lặng lẽ đến các nghĩa trang Khe Sanh, Ðường 9, Trường Sơn...
Có ai biết một vị tướng đi khảo sát di tích hay là người lính cũ về tìm đồng đội và tìm cả chính mình trên chiến trường xưa?
Thùy An

Ký ức về những chàng trai xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Tạm xa mái trường, những người lính sinh viên làm quen với súng ống, lựu đạn, với những đêm hành quân, báo động. (Nguồn: Vnexpress)
Từ năm 1970 đến 1972, theo lệnh tổng động viên, hàng nghìn sinh viên các trường đại học lên đường nhập ngũ, bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường.
Thế hệ 'xếp bút nghiên lên đường chiến đấu' khi ấy gồm các sinh viên, cán bộ giảng dạy của hơn 30 trường đại học, trung học miền Bắc, chủ yếu là thủ đô Hà Nội, từ Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Kinh tế Kế hoạch (ĐH Kinh tế quốc dân), Mỏ - địa chất, Y dược, Mỹ thuật, Thể dục thể thao... Ra đi từ giảng đường, họ được huấn luyện một thời gian rồi được bổ sung vào các đơn vị vào thẳng chiến trường.
Thẻ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ mái trường này, hơn 3.000 cán bộ, sinh viên nhập ngũ trong suốt những năm kháng chiến, trong đó riêng ngày 6/9/1971 có hơn 600 cán bộ giáo viên, sinh viên tòng quân.
Trong ảnh là Nguyễn Văn Thạc (bên phải) cùng bạn học thời còn là sinh viên Đại học Tổng hợp. Chàng trai gốc Hà thành từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc. Anh để lại cho đời một cuốn nhật ký mang tên 'Chuyện đời' (hay còn được biết đến với cái tên Mãi mãi tuổi hai mươi). Cuốn nhật ký được ghi từ ngày 2/10/1971 và mãi mãi dừng lại vào ngày 3/6/1972, hai tháng trước khi anh hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.
'Binh nhì' Lê Minh Tân, sinh viên năm thứ 3, lớp Chế tạo máy của Đại học Bách khoa nhập ngũ tháng 9/1971. Dọc đường hành quân, anh viết thư về cho ba má: 'Đến ngày con về không biết tóc của ba má có bạc nhiều không? Nếp nhăn trên trán của ba má có lẽ dày thêm vì lo nghĩ cho tụi con quá nhiều. Nhiều đêm mùa mưa trong này, nằm lạnh không ngủ được, con nghĩ lại thương ba má và các em nhiều không để đâu cho hết. Làm cho ba má phải lo và ba mới mổ dậy phải ngồi viết thư dài cho con cũng là lỗi tại co
Ảnh chụp của sinh viên Kinh tế Kế hoạch (Đại học Kinh tế quốc dân) năm 1972 tại Quảng Bình, trước khi vào mặt trận Quảng Trị. Xa mái trường nhưng nhiều người vẫn mang theo sách, nhật ký để tranh thủ đọc, ghi chép lúc nghỉ ngơi.
Nụ cười của binh nhì Nguyễn Dũng, sinh viên Đại học Bách khoa được ghi lại trên chiến trường Quảng Trị. Nguyễn Dũng là lính thông tin của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa 1972. Tấm ảnh sau này được phóng viên chiến trường gửi về nhà Nguyễn Dũng ở phố Bạch Mai (Hà Nội).
Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Văn Cán (sinh viên Đại học Bách khoa) bên chiếc xe tăng. Trong số sinh viên lên đường nhập ngũ, nhiều người may mắn trở về đi học tiếp, trở thành giáo sư, bác sĩ, cán bộ cao cấp. Nhưng cũng có hàng nghìn chiến sĩ sinh viên trở thành liệt sĩ khi tuổi chớm hai mươi. Trong các nghĩa trang Thành Cổ, Trường Sơn có rất nhiều bia mộ ghi Liệt sĩ, quê Hà Nội, sinh năm 1953, 1954... Mỗi dịp gặp mặt, các cựu sinh viên luôn nhắc lại cho nhau nghe về liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (si
Nhiều cựu sinh viên tâm sự, những người lính ra đi từ giảng đường đại học năm ấy đã để lại một phần tuổi trẻ ở chiến trường, chỉ một phần thôi, nhưng đó là phần tinh hoa nhất cuộc đời.

Một thời xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu
Thứ sáu, 11 Tháng 12 2015 13:33
Chúng  tôi đã từng có mặt trong đội ngũ của những người “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” theo tiếng gọi linh thiêng của tổ quốc, khi đang là sinh viên của các trường đại học. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng kỷ niệm của những năm tháng hào hùng vẫn âm vang trong ký ức của những người ra trận thuở ấy.
Ngày ấy, được cầm súng lên đường đánh Mỹ, với nhiều thanh niên như lớp người chúng tôi, là một khát khao thực sự.
Các CCB là sinh viên-chiến sỹ gặp nhau tại TP.HCM nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ-Ảnh: MD
Chúng tôi hiểu sâu sắc sự khốc liệt của chiến tranh với biết bao khó khăn và thử thách đang chờ đợi ở phía trước, kể cả sự hy sinh tính mạng. Tôi biết, thế hệ của chúng tôi thủa ấy vẫn không ít những kẻ cơ hội và yếu hèn. Tôi cũng biết, ngay trong bản thân mình lúc ấy không phải lúc nào cũng sáng trong. Nhưng hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” đã kéo gọi chúng tôi đi và cũng bởi ngoài kia… âm vang của “Ba sẵn sàng”, của “Chiếc gậy Trường Sơn”, của “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, của “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” đang ngập tràn trên đường phố, ngập tràn trên giảng đường…. Đó là cuộc hành binh ra trận vĩ đại của cả một thế hệ sục sôi!
Các cựu sinh viên-chiến sỹ tại TP.HCM trong một lần gặp mặt, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Ảnh: MD
Tôi vẫn tiếc đã không có nhà quay phim nào ghi lại được cuộc chia tay lịch sử giữa đoàn quân - sinh viên trên đường ra trận với những người ở lại, tại cổng trường đại học thủa ấy. Có thể ở đó người ta đã hò reo, đã  vẫy cờ hoa, đã chúc mừng chiến thắng trở về. Cuộc chia tay nào cũng sẽ vậy thôi. Nhưng tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt- những giọt nước mắt của tôi, của đồng đội, của bạn bè, của những người ở lại. Có những giọt nước mắt lăn trên gò má và có cả những giọt nước mắt rưng rưng trong trái tim của tất cả mọi người. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên được Bùi Công Minh khi anh viết: “Con gái đứa nào mắt cũng cay cay/ Một tay nắm bàn tay, một tay che mặt/ Chỉ để hở cái miệng cười mà giấu đi đôi mắt/ Trời nắng lòa mà lấm thấm mưa bay…”
Đừng vội cho chúng tôi là yếu mềm, dẫu có thể không ít người đã nghĩ như thế và lúc đó người ta rất sợ những giọt nước mắt. Bởi nếu đã yếu mềm, chúng tôi đã không có mặt trong chuyến tàu rời ga Hàng Cỏ để đi về phía chiến trường xa vào đêm hôm đó. Đó là những giọt nước mắt của tình yêu thương, của chia xa và cũng là của khát vọng trở về. Đó còn là giọt nước mắt của vĩnh biệt nữa, bởi sau cuộc chia tay hôm đó nhiều đồng đội của chúng tôi - những sinh viên, những đứa con của mái trường đại học thân yêu - đã không có dịp được trở lại mái trường này nữa. Với họ, đã không còn cuộc chia tay nào nữa. Họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa cho sự trường tồn của tổ quốc hôm nay. Nhưng có một điều tôi dám chắc rằng, trước khi nằm xuống, trong giấc mơ của họ vẫn còn đâu đó những giọt nước mắt của những người thân yêu trong buổi tiễn biệt tại cổng trường hôm ấy.  
Sau những tháng năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh vì tổ quốc linh thiêng trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, đội quân sinh viên - chiến sỹ, đội quân của những người “xếp bút nghiên lên đường đi đánh Mỹ” đã trở về. Họ đã trở lại những bục giảng để viết tiếp những giấc mơ bình dị thủa nào. Chiến tranh đã dạy cho họ nhiều điều mà không có ông thầy nào và cũng không có sách vở nào có thể dạy cho họ được. Họ đã trưởng thành, nhiều người đã trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Nhưng có không ít người trong số họ mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Riêng một lớp học bé nhỏ của tôi đã có bốn liệt sỹ như thế.
Có bao nhiêu liệt sỹ vốn là sinh viên của các trường đại học đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại ? Đó là là nỗi trăn trở khôn nguôi cho đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời.
Mới đây thôi, một người em của một trong những liệt sỹ đó đã đến gặp tôi để nhờ hỏi xem có đồng đội nào biết mộ anh cô ở đâu. Cô nói, mẹ cô đã tuổi cao sức yếu, nay lại lâm bệnh nặng. Từ mấy chục năm nay, khát khao và mong mỏi lớn nhất của cụ trước khi nhắm mắt xuôi tay, là được thấy hài cốt và kỷ vật của đứa con trai yêu quí của mình. Đó cũng là món nợ lớn nhất chưa trả được của gia đình đối với người mẹ liệt sỹ của mình.
Mất mát và hy sinh, những người lính chúng tôi vẫn gọi đó là những khoảng lặng của chiến tranh, là nốt trầm của một bản hùng ca. Đó là phút giây thiêng liêng khi vĩnh biệt đồng đội của mình, dẫu xung quanh bom vẫn nổ tung trời và không gian vẫn mịt mùng khói súng. Với ai đó, chiến tranh có thể đã qua đi, nhưng với những người lính chúng tôi, chiến tranh vẫn ngập tràn trong ký ức. Chúng tôi có thể quên đi nhiều điều, nhưng những khoảng lặng của chiến tranh thì chẳng thể nào quên được.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, bạn bè tôi có một ngày kỷ niệm đặc biệt. Đó là ngày gặp gỡ hàng năm của các cựu chiến binh vốn là sinh viên của các trường đại học. Họ đến đó để gặp gỡ, để giao lưu, để thắp một nén hương trên bàn thờ, nơi có danh sách các liệt sỹ sinh viên- chiến sỹ, những người đồng đội một thời oai hùng của họ. Có thể chiếc bàn thờ ấy thật bình dị và có thể nhiều liệt sỹ đồng đội của chúng tôi chưa có tên trong danh sách ấy, nhưng như thế cũng đủ cho tất cả chúng tôi cảm thấy ấm lòng rồi.
Cách đây mấy năm, một đoàn cựu chiến binh của Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm miền Bắc và đến thăm Trường ĐHSP Hà Nội. Trong buổi giao lưu của cựu chiến binh hai trường, chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi nhớ về những đồng đội cùng thời, những người đã cùng chúng tôi “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” từ chính mái trường ĐHSP Hà Nội thân yêu, nhưng nay đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa…để không thể cùng chúng tôi có mặt trong ngày vui gặp mặt.
Cũng cách đây mấy năm, đoàn cán bộ cựu nhà giáo đi B trong những năm chống Mỹ đến thăm Trường ĐHSP Hà Nội, trong số đó có nhiều người nguyên là cán bộ, giảng viên cũ của trường. Nhiều người xúc động nói: “ xin đừng gọi chúng tôi là khách! bởi đây là trường của tôi, là nhà của tôi, hôm nay tôi về đây là về nhà của mình, về trường của mình! chỉ tiếc ngày trở lại trường hôm nay không đủ mặt những người đã ra đi buổi ấy, nhiều bạn bè của chúng tôi mãi nằm lại nơi chiến trường xa mà không có ngày trở lại…”
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐHSP Hà Nội, tôi đã có dịp cùng một số lãnh đạo trường đến thăm Nghĩa trang liệt sỹ các nhà giáo đi B, tại Tây Ninh. Ở đó, trong hơn sáu trăm nấm mộ của các liệt sỹ nhà giáo đã hy sinh trên các chiến trường, có rất nhiều nhà giáo là cán bộ, giảng viên các trường đại học. Đó là những anh hùng nhà giáo thực sự. Họ đã hy sinh trên chiến trường khi trong tay họ không phải là súng đạn, mà chỉ có cây bút, trang giáo án và những cuốn vở học trò….Và tôi cũng chắc rằng, trong trái tim họ, trong hành trang ra trận của họ, sẽ còn biết bao kỷ niệm về mái trường đại học thân yêu, về một thời sôi nổi với âm vang của “Ba sẵn sang”, của “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh!”… ngập tràn trên các giảng đường.
Vì Tổ quốc linh thiêng, hãy “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”!, đó không chỉ là một khẩu hiệu, một lời kêu gọi, đó là một phong trào vận động thanh niên sinh viên có ý nghĩa lịch sử hào hùng xét trên nhiều phương diện. Và chắc chắn, đây sẽ là một trong những trang đẹp nhất và hào hùng nhất của lịch sử các phong trào thanh niên nói chung và phong trào thanh niên sinh viên Việt Nam nói riêng.
Nhiều trường đại học hôm nay đã có những bức tượng  của những danh nhân nổi tiếng - những nhà khoa học uy danh sáng lập ra các trường này. Điều đó quá tự hào và cần thiết. Nhưng tôi lại thầm ao ước, ở đâu đó trong khuôn viên của những mái trường này, dẫu là một vị trí khiêm tốn và bình dị thôi, có một tượng đài kỷ niệm những thế hệ đã xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Để ở đó, có tấm bia khắc tên những liệt sỹ đã hy sinh trong những năm tháng hào hùng này, dù họ là người cầm súng, hay người cầm bút. Như vậy, những người anh hùng của chúng ta sẽ được trở lại với mái trường thân yêu của mình, để họ thực hiện được cái điều luôn bỏng cháy trong những giấc mơ của họ khi tạm biệt mái trường ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Và cũng là để lớp lớp các thế hệ mai sau luôn nhớ về họ, luôn tự hào về họ và luôn biết sống cho xứng đáng với những giá trị vĩnh hằng của quá khứ. Để giá trị của một thời xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu, luôn được hiện hữu, luôn đồng hành với thế hệ hôm nay trên mọi nẻo đường của “Ba sẵn sàng”, của “Thanh niên tình nguyện”, của những khát vọng cống hiến của tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay!
Hà Nội, tháng 12.2015
KIỀU THẾ HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét