Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 105/d

-Chiến tranh ai cũng ghét, nhưng nhiều khi chúng ta buộc phải cầm súng vì không còn cách nào khác!
-Cuộc sống là vô giá. Không ai ngu ngốc đến mức đổi cuộc sống lấy anh hùng mà chỉ thành anh hùng khi bảo vệ cuộc sống! 

-Những Dòng Sông
Tác giả: Bế Kiến Quốc
Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…


Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,

Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng

Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,

Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông

Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng

Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng

Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta…


Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa

Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.

Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể

Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé

Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…


Rồi biết nghe chuyện anh, chuyện cha

Biết tự hào: Sông đã từng đánh Pháp

Nước lấp mặt những ca nô tan xác

Bãi lau già chuyển cán bộ qua sông…


Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng

Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung

Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ

Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ

Trên dòng sông – là một tấm gương trong…


Em ta yêu có gì như lòng sông

Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng

Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn

Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…


Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,

Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa

Đến bè bạn cùng từng gốc lúa

Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá

Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng

Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…


Uống bát nước chè bên nòng súng, trưa nắng cháy

Nghe màu xanh bờ bãi mát trong lòng!

Bình tĩnh ngồi bên những trái bom

Đâu trong gió mái chèo xa vọng lại:

Đêm mưa không đèn vững vàng tay lái

Đường dẫn đi như dòng nước tới mênh mông…


Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
                   Những thanh niên ưu tú hy sinh tuổi xuân, xếp bút nghiên lên đường kháng chiến
 
Ký ức một thời “Xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ”
Cách đây đúng 45 năm để chuẩn bị cho Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước hàng chục nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã xung phong lên đường nhập ngũ. Trong đoàn quân ấy có cả những chàng sinh viên của các trường Đại học ở Hà Nội. Vì tình yêu Tổ quốc, khát khao giành lại độc lập, tự do cho dân tộc họ đã sẵn sàng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Cho đến ngày hôm nay ký ức về một thời oanh liệt, hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những “người lính sinh viên” năm xưa.

Tượng đài bất tử trong lòng Hà Nội

QĐND Online – Tượng đài cẩm thạch trắng “Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc” đứng uy nghiêm trong khuôn viên Quảng trường C1 trường Đại học Bách khoa (Hà Nội). Ngày ngày dưới chân tượng đài, các cựu chiến binh, thế hệ xếp bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và các sinh viên đang học tập tại trường vẫn kính cẩn dâng lên những bông hoa tươi thắm để tri ân, tưởng nhớ về một thời hoa lửa.

Nơi trải dòng ký ức
Mỗi người một nhành hoa trên tay, chúng tôi cùng các cựu chiến binh nguyên là sinh viên nhập ngũ của các trường đại học (ĐH) ở Hà Nội kính cẩn mặc niệm tưởng nhớ công ơn của những người lính sinh viên lên đường ra trận. Tượng đài một mầu trắng trinh nguyên như tâm hồn trẻ. Một chiếc mũ cối gắn quân hiệu sao vàng năm cánh, phía dưới là cuốn giáo trình đọc dở, tượng đài mang ý nghĩa: Các thầy giáo và sinh viên trai trẻ đã từng sống với những ước mơ lập nghiệp, đặt trang sách cao hơn cuộc đời và rồi họ đã gác lại tất cả để ra trận. Quảng trường C1 chính là nơi xuất phát của những đoàn quân thầy giáo và sinh viên các trường đại học Thủ đô tiến ra mặt trận.
 Những người lính sinh viên năm xưa cùng tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong chiến trường và thời hoa lửa
Các cựu chiến binh dâng hoa tại tượng đài "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc" để tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống.
Trên tượng đài khắc lời đề tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc".
Trong số hàng chục nghìn thầy giáo, sinh viên Thủ đô năm xưa ra trận, biết bao nhiêu người đã bỏ dở ước mơ, dâng xương máu tạc dáng hình Tổ quốc. Và hôm nay, lớp sinh viên lính chiến năm xưa: PGS, TS Nguyễn Dũng, Nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng, Thương binh ¾ Nguyễn Văn Lực, Dương Minh Tâm; Thượng tá Thương binh 4/4 Nguyễn Lương Thái, Nguyễn Trà Vinh; Cựu chiến binh Ngô Quang Năng, Ngô Minh, Trần Quang Anh… lại tề tựu dưới chân tượng đài, rưng rưng nhắc đến những người đồng đội đã mãi ra đi, bồi hồi khi nhìn thấy nam nữ sinh viên tíu tít cùng nhau bước vào giảng đường…
Chú Nguyễn Lương Thái (cựu sinh viên ĐH Bách khoa) nói: “Năm 1971, tôi, anh Lực và anh Dũng là sinh viên ĐH Bách Khoa nhập ngũ và được điều về làm lính thông tin (Đại đội 18, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95). Năm 1972, chúng tôi vào phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho tuyến lửa Thành cổ Quảng Trị, người còn sống tiếp bước người vừa ngã xuống, máu nhuộm đỏ sông. Có những đồng đội cùng trường đấy, nhưng cũng chỉ vừa gặp được một lần chưa kịp nói với nhau câu nào đã mãi mãi ly biệt. Anh bạn Lê Kim Diệt (cựu sinh viên ĐH Tổng hợp), người thì bé có 44 kilôgam mà vác balô to đùng, đựng toàn từ điển tiếng Nga, tiếng Anh”.
Ngoài những câu chuyện chiến tranh bi hùng trải dài cùng lịch sử dân tộc, sâu thẳm trong trái tim người lính chiến vẫn còn lưu lại những thước phim về tình yêu trong sáng. Không kiêu sa như hoa lan, hoa hồng, không nồng nàn như hoa nhài, hoa ly… mà tình cảm trai gái thời chiến e ấp, tinh khiết như loài hoa quỳnh, nở dịu dàng mà sâu đậm.
Chú Dương Minh Tâm, một chiến sĩ đặc công, nguyên sinh viên trường ĐH Sư phạm, nhớ lại: “Sau trận đánh ở Thành Cổ ngày 22-8-1972, tôi bị thương. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm ở Quân y Viện 4. Trước những cơn đau về thể xác, cô y tá tên Hạnh có lẽ là nguồn động viên duy nhất của chúng tôi. Hạnh thường đến đút cháo cho tôi ăn và hỏi chuyện Hà Tây quê lụa, quê hương tôi. Sau mỗi câu chuyện, ánh mắt Hạnh sáng lên và thường bảo: “Khi nào hết chiến tranh em sẽ về quê anh học nghề dệt lụa. Chúng tôi kín đáo trao cho nhau sự e thẹn, những ánh mắt quan tâm trong khi tay nắm tay. Lúc ấy, tôi thấy tim mình đập thình thịch. Vắng hình bóng Hạnh tôi thấy trong người nao nao nỗi nhớ! Còn Hạnh, mỗi lần đến đây lại nhanh chân bước về giường tôi, ánh mắt ngời hạnh phúc khi thấy vết thương lên da non. Tôi ngập chìm trong hạnh phúc vì sự quan tâm của Hạnh. Nhưng tôi nghĩ, chiến tranh vẫn còn dài, đời lính đặc công sinh tử bất kỳ, biết đâu?... Lúc ấy, ai sẽ có thể bù đắp cho em tình cảm? Ai sẽ xoa dịu được nỗi đau cho Hạnh? Nên tôi chỉ âm thầm và lặng lẽ khi bên Hạnh mặc dù biết chắc một điều Hạnh chính là liều thuốc giúp tôi mau lành vết thương”.
Mệnh lệnh trái tim giữa đời thường
Chú Nguyễn Văn Lực (cựu sinh viên ĐH Bách khoa) chia sẻ: “Những năm tháng chiến tranh đầy gian khó, đau thương là ký ức không thể nào quên trong lòng mỗi người lính. Những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên chiến tuyến chống quân thù, chúng tôi thường chia sẻ và đều chung ước mơ được trở về bên gia đình, được chăm sóc cha, mẹ và người thân khi quê hương không còn bóng giặc. Vậy mà, chỉ lát sau ước mơ của đồng đội cũng dang dở vì bom đạn kẻ thù”.
Cựu chiến binh Nguyễn Trà Vinh, Trần Quang Anh, Hoàng Văn Bình (từ phải qua trái) nói chuyện với nhau về kỷ niệm thời quân ngũ trước tượng đài 
Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên còn sống, trở về giảng đường xưa tiếp tục hoài bão trên hành trình tri thức. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường ĐH, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn… nhưng ai cũng canh cánh trong lòng ước mơ sum họp gia đình của những người đã ngã xuống. PGS, Tiến sĩ Nguyễn Dũng trao đổi: “Những người lính chúng tôi tự cảm thấy còn mang nặng trách nhiệm với đồng chí, đồng đội. Đồng đội ngã xuống để cho chúng ta được sống. Những anh linh liệt sĩ như tiếp bước và che chở cho chúng tôi trước bom, đạn chiến trường. Mỗi lần dâng hoa tượng đài, sợi dây trách nhiệm và tình đồng chí lại thắt chặt chúng tôi để thực hiện trách nhiệm từ trái tim đối với công tác tri ân cho trọn nghĩa vẹn tình”.
Vậy là, những người lính sinh viên trở về lại chung vai sát cánh trên trận chiến mới. Hễ gia đình ai gặp hoạn nạn, khó khăn, đều được mọi người dang rộng vòng tay chung vai nâng đỡ. Hơn thế nữa, họ còn tụ họp với nhau tổ chức nhiều hoạt động tri ân nghĩa tình giúp các gia đình chính sách nghèo vượt khó. Đặc biệt, bất kể thời gian nào, khi có thông tin, sự khẩn cầu hay lời gọi, những bàn chân lại in dấu chiến trường xưa để tìm, quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ về với quê hương, với gia đình. Thêm vào đó, các cựu chiến binh bằng tấm lòng tự nguyện góp quỹ để chi phí đi lại và hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ. Họ có thể là cố sinh viên Sư phạm Đại tá Phạm Đình Hổ, tuy bị ung thư gan giai đoạn cuối, nhưng vẫn lên đường thuê xe đào bới theo sơ đồ mộ chí và tìm 4 đồng đội cùng là lính trinh sát Trung đoàn 95 trong năm 2008; hay PGS, Tiến sĩ Nguyễn Dũng tính đến nay đã tham gia quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sĩ…
Mỗi một ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, mỗi một hoàn cảnh khó khăn được nâng đỡ hay một liệt sĩ được cải táng tại quê nhà, là một lần những trái tim cựu lính sinh viên nhẹ bớt nỗi niềm đau đáu tri ân đồng đội đã ngã xuống. Tình đồng chí, sự đoàn kết, trách nhiệm của người lính sinh viên xưa cùng sự kính trọng, tôn vinh của thế hệ trẻ hôm nay đang thổi hồn sống cho tượng đài để trở thành một biểu tượng bất tử về tinh thần và phẩm chất của thế hệ xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.
Bài, ảnh: THÙY DƯƠNG

Bức huyết họa để đời

Mới đây, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm “Đi qua cuộc chiến” nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Tại đây, bức họa của đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu của chính mình khi đã bị thương mù cả hai mắt trên chiến trường, khiến nhiều người lặng đi vì xúc động.
Đại tá – họa sĩ Lê Duy Ứng, sinh năm 1947, thương binh hạng 1/4 đến từ quê hương Quảng Bình. Khi đang học năm thứ 3 Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 9 năm 1971, ông xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ và trở thành lính trinh sát Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.
Họa sĩ Lê Duy Ứng
Chấm máu mắt xuất thuần ký họa chân dung Bác
Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, theo đội hình thuộc Quân đoàn 2 với cương vị trợ lý tuyên huấn tiến vào giải phóng Sài Gòn. Rạng sáng ngày 28/4/1975, khi đang ngồi trên xe tăng số 847, vừa chụp ảnh, vừa quay phim, vừa vẽ ký họa, vừa chiến đấu… Ông thấy rất nhiều bộ đội xông lên và bị trúng đạn ngã xuống, những người đồng đội từ phía sau chạy vội đến nắm lấy lá cờ trong tay người lính sắp ngã để lá cờ Tổ quốc không rơi xuống đất. Sau khi đến gần cửa ngõ Sài Gòn, cách 30 km, tại căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), ông bị trúng đạn hỏng cả hai mắt và không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.
Ông nhờ bạn bè ở trường Mỹ thuật tìm giúp đất và miệt mài tập nặn trong bóng tối bằng trí tưởng tượng và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ.
Sau nhiều ngày tháng, họa sĩ Lê Duy Ứng hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình, bức tượng về Bác Hồ cùng dòng thơ “Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”.
Khi bị trúng đạn vào mặt và vào người, sau này ông mới biết đó là súng chống tăng của Mỹ bắn vào xe tăng. Chiến sĩ Lê Duy Ứng bị ngất rất lâu không hay biết gì. Khi tỉnh dậy, ông thấy đồng chí trinh sát bên cạnh mình đã hy sinh. Lúc này Lê Duy Ứng đã nghĩ đến Bác Hồ. Tưởng mình sắp hy sinh vì hai mắt, đầu và ngực bị chảy máu quá nhiều nhưng ông cảm thấy mình rất tỉnh táo (kinh nghiệm nơi chiến trường, ai tỉnh táo khi bị thương sẽ hy sinh).
Với tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng đối với Tổ quốc, với Bác Hồ, ông nghĩ trước khi hy sinh mình nên để lại điều gì đó cho đời. Vì vậy, chiến sĩ Lê Duy Ứng đã chấm máu từ đôi mắt xuất thần ký họa chân dung Bác, cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ghi đậm bên dưới dòng chữ “Ánh sáng niềm tin con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” với 3 ý nghĩa: Thứ nhất là, Tổ quốc Việt Nam- Ngôi sao vàng nằm giữa lá cờ Tổ quốc; thứ hai là, Đảng – Búa liềm; thứ ba là, hình ảnh Bác Hồ ở giữa trung tâm. Bức huyết họa ấy đã trở thành một biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ánh sáng của niềm tin
Sau khi chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972, ông trở thành trợ lý tuyên huấn của Trung đoàn, Sư đoàn và Quân đoàn. Trong khi tổ chức triển lãm, ông gặp một nữ thanh niên Hà Nội rất trẻ đẹp, cô ấy tên là Trần Thị Lê. Ông đem lòng yêu mến Lê. Họ đã thường xuyên trao đổi thư từ năm 1973 đến năm 1975. Khi biết ông bị thương, bà Lê đã đến thăm ông tại Bệnh viện Quân y 108.
Ông nói với bà Lê rằng: “Bây giờ anh đã bị tàn tật, em nên đi lấy người khác” nhưng bà chỉ nói: “Anh đừng nói như thế, em chỉ yêu anh và muốn chia sẻ những vất vả với anh”. Nghe bà Lê nói, ông vẫn cự tuyệt mối tình đó nhưng bà Lê vẫn cùng với gia đình, bạn bè tới thăm hỏi và chăm sóc ông trong khoảng thời gian một năm rưỡi.
Bà Lê nói với ông: “Anh đừng từ chối em như thế! Em biết, sau khi anh từ chối em thì anh cũng sẽ có vợ, em cũng sẽ có chồng. Nhưng người vợ mà anh lấy thì anh sẽ không biết mặt, còn em là người yêu cũ, anh biết mặt em rồi. Sau này, sinh con ra nếu con giống em thì anh có thể tưởng tượng được mặt con”. Bởi câu nói xúc cảm đó, họa sĩ Lê Duy Ứng đã tiếp nhận mối tình này.
Những ngày đầu khi nghe bác sĩ nói đôi mắt của ông bị hỏng hẳn, đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng rất buồn và trở nên yếu đuối, ông tuyệt vọng nghĩ thế là hết. Nhưng rồi ông đã tìm được sự bình tâm nhờ động viên của đồng đội, người thân... Ông nhờ bạn bè ở trường Mỹ thuật tìm giúp đất và miệt mài tập nặn trong bóng tối bằng trí tưởng tượng và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ. Sau nhiều ngày tháng, họa sĩ Lê Duy Ứng hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình, bức tượng về Bác Hồ cùng dòng thơ “Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”.
Một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm ông, khi chia tay Đại tướng vô cùng cảm động nói: “Bét-tô-ven (Beethoven) đã sáng tác những bản nhạc hay nhất khi ông bị điếc hai tai, cũng như họa sĩ cần biết đường nét, ánh sáng, màu sắc... Đồng chí bị thương như vậy cần cố gắng rèn luyện và học tập tấm gương đó để phấn đấu”.
Năm 1982, đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng may mắn được ghép giác mạc và sáng mắt trở lại sau 8 năm sống trong bóng đêm. Sau đó, ông tái ngũ về công tác tại Xưởng Mỹ thuật Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị; Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Dù đôi mắt người lính ấy đã trải qua bao thăng trầm, lúc mờ lúc tỏ, nhưng sự miệt mài sáng tác đem lại cho ông một gia tài khá đồ sộ 600 tượng và tranh, tổ chức 44 cuộc triển lãm, trong đó có 9 giải thưởng trong nước và quốc tế.
Phương Bùi

Ký ức 3 lần được truy điệu sống của người lính công binh

1 Trịnh Nguyễn
ANTĐ 21 năm xông pha chiến trận, người lính công binh này 3 lần được truy điệu sống, 1 lần người thân nhận giấy báo tử. Thế nhưng, người lính này vẫn sống sót một cách kỳ diệu. Trở lại đời thường, ông tìm cách để tri ân những người đồng đội đã hi sinh cho ông được sống. 
Người lính công binh 3 lần được truy điệu sống

Ông Nguyễn Văn Tài (SN 1949) quê ở Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam (nay trú tại số nhà 108, đường Hecman, phường Hưng Phúc, TP. Vinh, Nghệ An) sinh ra trong gia đình có 6 người con. Bố mẹ làm nông nên kinh tế rất khó khăn. Ngày còn trẻ, ông Tài học rất giỏi, đặc biệt là môn Văn. Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi khi đường học đang rộng mở thì chàng thanh niên này quyết định xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, ông Tài được phiên chế vào Đại đội công binh của Trung đoàn 2, Sư đoàn 324. Vừa vào chiến trường, ông Tài cùng đồng đội tham gia vào cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.

ảnh 1
Ông Tài chia sẻ về những tháng ngày ở chiến trận

Sau chiến thắng của ta, địch điên cuồng trở lại càn quét. Lúc này lương thực, thuốc men đã dần cạn kiệt. Trung đoàn được lệnh hành quân ra Bắc nhằm củng cố lực lượng. 12 đồng chí, trong đó có ông Tài nhận nhiệm vụ chốt chặn để đơn vị rút quân. “Trước nhiệm vụ này, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải chiến đấu đến người cuối cùng. Vào ngày 22/3/1969 cả Trung đoàn đã làm lễ truy điệu cho cả 12 người chúng tôi”, ông Tài nhớ lại.

Sau 3 ngày cầm cự, trung đội của ông Tài hi sinh gần hết. Cuối cùng chỉ còn lại Trung đội trưởng Thái Hữu Song và ông Tài. “Lúc này cả hai đều bị thương nhưng anh Song bị thương nặng hơn. Trước khi chết, anh Song nắm lấy tay tôi dặn phải cố gắng sống để báo cáo với Trung đoàn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Địch dồn lên, tôi đã nghĩ đến việc sẽ sống mái với kẻ thù nhưng nhớ lời dặn của anh Song, tôi phải giả vờ chết rồi nằm lẫn giữa thi thể của đồng đội. Bọn địch kiểm tra từng thi thể một nhưng đến chỗ tôi và anh Song nằm thì đột nhiên chúng bỏ đi. Nhờ thế mà tôi thoát chết”, ông Tài kể lại. Sau lần đó, ông Tài mất 15 ngày vượt đường rừng có lúc ăn cua, ăn ốc sống để tìm đường về đến nơi đơn vị đóng quân.

Năm 1972, sau khi củng cố lực lượng, Trung đoàn 2 được lệnh trở lại đánh chiếm cao điểm 367 (nằm phía tây nam Trị - Thiên). Vào thời điểm này, địch xây dựng thế phòng ngự dày đặc trên cao điểm 367 bằng những hàng rào dây thép và chi chít bãi mìn.

Để anh em trung đoàn có thể tiếp cận được cao điểm, ông Tài cùng 2 đồng chí khác được cử đi dò gỡ mìn để tạo điều kiện cho anh em phá hàng rào mở cửa mở tấn công mục tiêu. Là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm nên trước khi lên đường cả 3 người được đồng đội làm lễ truy điệu.

Ba người vừa trườn lên vị trí thì địch dùng hỏa lực bắn quyết liệt khiến chiến sĩ Phong (quê ở Thanh Hóa) hi sinh, chiến sĩ Tình (quê ở Hải Phòng) và ông Tài bị thương nặng. Bài mìn được vô hiệu hóa. Anh em ào lên dùng bộc phá đánh bật mấy lớp dây thép gai, mở cửa tấn công vào trung tâm cao điểm. Địch nhanh chóng bị tiêu diệt, quân ta hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

ảnh 2Bức ảnh ông Tài (thứ 3 từ trái sang) chụp kỷ niệm với đồng đội ở Mũi Né – Phan Thiết
 năm 1975.


Chiến tranh ngày càng ác liệt, vào tháng 2/1974, trung đoàn cử một trung đội công binh gồm 11 đồng chí có nhiệm vụ phá một chiếc cầu nằm giao nhau giữa Quảng Trị và Huế. Đây là điểm phân giới giữa ta và địch. Với nhiệm vụ này, 10 đồng chí phải ôm 1 quả bộc phá nặng 20kg đặt vào mặt cầu. Ông Tài có nhiệm vụ điểm hỏa khối bộc phá. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, một lần nữa các anh được làm lễ truy điệu sống.

“Các anh em tiến vào cầu đặt bộc phá thì bên này quân ta sẽ bắn đạn để kìm địch. Khi mọi người rút đi thì tôi vào kích nổ quả bộc phá đầu tiên. Lần này tôi bị hất văng xuống sông mãi 4 ngày sau mới về lại được đơn vị. Cũng trong lần này, tôi bị sức ép lớn nên một bên tai bị điếc hẳn”, ông Tài cho biết.

“Đồng đội đã hi sinh cho tôi được sống”

Ba lần nhận nhiệm vụ cảm tử được đồng đội truy điệu sống nhưng người lính công binh này vãn sống sót trở về một cách kỳ diệu. Không những vậy, năm 1969, gia đình của ông Tài ở quê nhận được giấy báo tử. Ông Tài cho biết: “Lần đó, tôi mất tích 15 ngày mới trở về, đồng đội tưởng tôi đã hi sinh nên gửi giấy báo tử về cho gia đình. Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì thương con.

Đến năm 1972, cả nhà biết tôi vẫn còn sống nên mới hủy bàn thờ đó”. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước liền một dải, năm 1978, ông Tài được lệnh sang chiến trường Camphuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế với nước bạn. Trước khi đi, ông Tài cùng đơn vị về huấn luyện tại Giang Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Tại đây ông gặp cô dược sỹ Trần Thị Nga (cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp dược phẩm tỉnh Nghệ An).

ảnh 3Ông Tài bên vợ của mình
 
Tình yêu chớm nở, ông Tài nên duyên vợ chồng với bà Nga bằng một đám cưới giản dị. Cưới nhau được 1 tháng thì ông Tài nhận nhiệm vụ đưa đơn vị sang giúp nước bạn Campuchia chống lại bọn Khơ –me đỏ. Ngày ông Tài ra đi, bà Nga mới mang thai, đến năm 1979 thì sinh người con trai đầu Nguyễn Thành Nam. 4 năm sau, người con gái thứ hai Nguyễn Thị Phương Thanh ra đời.

Năm 1988, ông Tài về nước và chuyển ngành về làm chuyên viên Ban quản lý 85 của Bộ GTVT. Nhiều lần thoát chết hi hữu ở chiến trường, trở về đời thường suốt một thời gian dài người lính này từ chối nhiều phóng viên, nhà báo đến tìm hiểu viết bài. Bởi theo ông: “Đồng đội đã hi sinh cho tôi được sống đến hôm nay, vậy nên các phóng viên, nhà báo hãy tìm hiểu và viết về họ trước đã”.

Năm 1999, ông Tài về hưu. Nhàn rỗi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tài bắt đầu viết báo và tham gia viết lịch sử trung đoàn. Bà Nga chia sẻ về người chồng của mình: “Tôi và ông ấy đến với nhau bằng một đám cưới đơn giản trong thời chiến, nhưng ông ấy là người hiền lành, có trách nhiệm và rất yêu thương vợ con. Bao nhiêu năm ông ấy ra trận, tôi ở nhà nuôi nấng các con. Nay ông ấy đã về hưu, vợ chồng mới có thời gian bên nhau thế này”.

21 năm trong quân ngũ, đi hết chiến trường này đến chiến trường khác ông Tài được 19 lần phong tặng các danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt Ngụy, dũng sỹ diệt xe tăng, dũng sỹ quyết thắng…, 16 lần được tặng huân, huy chương các loại.

Hiện tại, ông Tài là Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khối Yên Vinh, phường Hưng Phúc và là Ban chủ nhiệm hội thơ Tao đàn mùa xuân của Nghệ An. Tham gia công tác xã hội, người lính công binh ngày nào con tranh thủ viết về những câu chuyện cảm động ở chiến trường. Với ông hình ảnh những đôi mắt của đồng đội trước lúc sinh khiến ông không bao giờ quên được.

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tên các bạn trongt ảnh nhập ngũ 6.9.1971

Ảnh gia đình và bàn thờ Dũng

Đôi điều về bạn Dũng

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGỪƠI BẠN ĐỒNG NIÊN K14 KHOA VẬT LÝ ĐẠI HỌC TỔNG HƠP HÀ NỘI VÀ ĐỒNG NGŨ (6.9.1971) ĐÃ MẤT (Bạn Hoàng chí Dũng) Bạn Hoàng chí Dũng quê gốc ở Vĩnh Linh Quảng Trị, học lớp B K14 Khoa Vật lý Đại Học Tổng hợp Hà Nội, học lên đến năm thứ 2, mặc dù bố bạn Dũng lúc đó là Bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường, nhưng Bạn Dũng vẫn tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Đợt nhập ngũ ngày 6.9.1971 hầu hết sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đều về sư đoàn 325 (Lớp B K14 khoa lý chúng tôi có 13 người). Về tuổi đời, số sinh viên nhập ngũ đợt 6.9.1971, đa phần sinh năm 1951, nên chúng tôi hay đùa là thuộc lớp người “mãi mãi tuổi 20”, vì lúc đó nếu chúng tôi có hy sinh trên chiến trường thì hầu hết là 20 tuổi, mà khi người ta đã mất thì sẽ trẻ mãi với tuổi của mình. Sau khi hết 3 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi được điều động về các đơn vị trong toàn quân: phòng không, thiết giáp, thông tin, biên phòng...nhưng hầu hết ở lại bộ binh và vào chiến đấu ở chiến trường Quảng trị (Bạn Dũng là một trong số các bạn ở lại bộ binh). Sau giải phóng miền Nam 1975, đại đa số sinh viên nhập ngũ còn sống trở lại trường tiếp tục học tập (Bạn Dũng là một trong số các bạn SV trở về trường cũ). Tổt nghiệp Tổng hợp Lý, Dũng về dạy ở Đại Học Nông nghiệp Hà Nội, và xây dựng gia đình. Vợ Dũng chính là người ở thôn Dục Tú -Đông Anh Hà Nội (nơi lớp B K14 sơ tán năm 1969 khi mới nhập học), có lẽ đây là mối tình đẹp và thủy chung của anh sinh viên khoa lý chúng tôi với cô thôn nữ nơi sơ tán thời chiến tranh, bởi vì khi chúng tôi nhập ngũ về đa số là: “Gác lại mọi mối tình ở phía sau...” . Sau một thời gian công tác do yêu cầu của gia đình, Dũng chuyển về công tác tại Sở KH-CN-MT Thành phố Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay gia đình Dũng ở tại số nhà 36 Phố Huỳnh Mẫn Đạt - TP Đà Nẵng. Dũng có con gái đầu là Hoàng Thị Hải Yến, đã có gia đình và hiện đang sống tại Khu Đô thị Việt Hưng - Gia Lâm Hà Nội (số điện thoại: 0978822203); con trai là Hoàng chí Tâm (số điện thoại: 0995.866388) đã xây dựng gia đình và có một cháu trai, hiện đang sống cùng với mẹ. Sơ qua về gia cảnh bạn Dũng như vậy, để các bạn biết được, điều tôi muốn nói nhiều hơn là những suy nghĩ về tình bạn bè, tình đồng chí. Quả thật, từ cuối năm 1971 sau khi chia tay, chúng tôi rất ít thông tin về nhau, vì ngày xưa làm gì có mạng, có di động như bây giờ đâu, lá thư gửi cho nhau có khi cả năm mới tới nơi, thậm chí khi thư tới nơi thì bạn đã hy sinh rồi, chiến tranh là như vậy mà. Sau chiến tranh, mỗi người mỗi hoàn cảnh; thời bao cấp với bao nỗi lo toan để tồn tại, nên cũng ít thông tin cho nhau. Thật sự bạn bè K14 ở khu vực Hà Nội gặp nhau được nhiều hơn từ những năm đầu 90, còn các bạn ở xa như Dũng rất ít thông tin về nhau. Vì vậy, khi Dũng bị bệnh nặng ra bệnh viện 108 điều trị bạn bè cũng không ai biết. Theo như Hằng (vợ Dũng) kể lại, Dũng bị ung thư phổi, điều trị tại BV108 Hà Nội không có kết quả, gia đình quyết định đưa về Đà Nẵng và mất ở Đà Nẵng vào ngày 20/12/2014 (tức ngày 29/10 / AL), hiện an táng tại nghĩ trang Thành phố Đà Nẵng. Chắc các bạn còn nhớ, hôm gặp mặt lớp đầu năm (4/2015), có người nói bạn Dũng đã mất, nhưng không ai rõ cụ thể thể nào? gia đình ở đâu?. Khi nghe tin đó tôi thực sự buồn, vì tôi và Dũng thời chưa đi bộ đội cũng có nhiều kỷ niệm, và định bụng nếu có dịp vào Đà Nẵng nhất định sẽ tìm đến thắp cho bạn nén hương. Cũng may cho tôi lần này vào Đà Nẵng nhờ bạn Phong (Phong + Trò) tìm được số điện thoại của em ruột Dũng, qua đó tôi mới biết được địa chỉ của nhà Dũng. Tôi đến nhà gặp được vợ Dũng, và nói “Thay mặt các bạn K14 thắp hương cho Dũng và xin chụp ảnh bàn thờ của Dũng” , đồng thời trao cho gia đình bức ảnh 13 anh em chúng tôi mới nhập ngũ 1 tháng tại Sở Thượng -Thanh Trì - Hà Nội trước khi lên Yên Thế để huấn luyện (Ảnh do Vinh tải trên mạng về , tôi bổ sung cho đầy đủ tên các bạn và in tại Đà Nẵng). Thấy bạn cũ đến thắp hương cho chồng, vợ Dũng chỉ khóc và rất buồn vì trước khi mất, Dũng không dặn dò gì? gia đình và cũng không kể nhiều về bạn bè thời đại học và nhập ngũ. Tôi cũng thấy buồn và chẳng biết nói gì hơn là mong gia đình thông cảm cho anh em chúng tôi rất ít thông tin về nhau. Ra về đạt được tâm nguyện thắp cho bạn được nén hương sau hơn 10 tháng đã mất, nhưng trong lòng thực sự buồn phiền và cảm thấy cuộc đời mỗi con người chúng ta thật ngắn ngủi, không ai nói trước được bất cứ điều gì? Đôi điều về người bạn đồng niên, đồng ngũ đã mất như vậy, cầu mong bạn nơi suối vàng thanh thản và cảm thông cho những người còn sống.

“Hào khí bút nghiên” lời tri ân của tuổi trẻ với các anh hùng liệt sỹ

Web.ĐTN: Hoà trong khí thế hào hùng kỷ niệm 67 năm ngày Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9 – ngày Tết Độc lập của dân tộc, nhằm tiếp lửa truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn và khắc sâu những giá trị hoà bình từ hy sinh cao cả của bao thế hệ thanh niên, sinh viên đi trước, tối ngày 01/9, tại Quảng trường Giải phóng, thị xã Quảng Trị, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ & Phát triển Sinh Viên Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Hào khí bút nghiên”.

a
Hát múa "Ngôi nhà tri thức"
Chương trình với những lời ca, câu hát là tiếng lòng của lớp lớp sinh viên hôm nay dành để tri ân và tưởng nhớ đến công lao to lớn của thế hệ cha anh. Sinh viên Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ viết tiếp những trang sách của các anh, các chị và nguyện phấn đấu học tập xây dựng đất nước Việt Nam đẹp giàu. Đến dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Hà, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; đồng chí Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị; cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo các tỉnh, thành Đoàn, Hội Sinh viên các tỉnh thành phố, các phòng ban thị xã Quảng và đặc biệt là sự hiện diện của gần 1000 sinh viên ưu tú từ các trường Đại học trên cả nước đã hội tụ về đây và trực tiếp tham gia vào các tiết mục nghệ thuật của chương trình. Sinh viên là lực lượng nòng cốt và quan trọng của thanh niên Việt Nam. Đảng và Bác Hồ luôn coi trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động bồi dưỡng và phát triển Sinh viên Việt Nam – những chủ nhân Vàng tương lại của đất nước. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Sinh viên Việt Nam luôn ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của mình đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Và biết bao sinh viên chiến sỹ ấy đã hy sinh xương máu, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Và chính tại nơi đây, trên mảnh đất  Quảng Trị thân yêu này, hàng vạn sinh viên đã ngã xuống, dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự vẹn nguyên của tổ quốc và sự bình yên cho các thế hệ mai sau.
a
Tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước
Phát biểu tại chương trình, anh Lê Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã nhấn mạnh: Chương trình “Hào khí bút nghiên” là lời tri ân của thế hệ sinh viên hôm nay với các anh hùng liệt sỹ, với các chiến sỹ - sinh viên năm xưa; là lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, xung kích, tình nguyện phấn đấu trở thành những "Sinh viên 5 tốt" với đạo đức tốt, học tập tốt, kỹ năng tốt, thể lực tốt, hội nhập tốt. Anh tin tưởng lớp lớp sinh viên hôm nay và mai sau sẽ thực hiện tiếp ước mơ, hoài bão của các anh và mong ước của Bác Hồ kính yêu “…xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Sánh vai với các cường quốc năm châu…”
a
Hát múa "Tự nguyện"
a
Bài hát "Gửi lại em"
x
Tuổi xuân hiến dâng cho đất nước
Nhằm tái hiện lại bằng hình ảnh và âm nhạc về không khí sục sôi của lớp lớp sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận cũng như khát vọng của thế hệ sinh viên ngày nay đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, chương trình “Hào khí bút nghiên” được xây dựng với 3 phần: Chương I: Hào khí bút nghiên là các bài hát và hoạt cảnh tái hiện hoàn cảnh lịch sử khi đất nước đang chia cắt hai miền Nam - Bắc. Các thế hệ học sinh, sinh viên đang hăng say học tập, xây dựng đất nước. Nhưng khi đất nước có chiến tranh, mỗi sinh viên, học sinh đều xác định được trách nhiệm của mình sẵn sàng rời ghế nhà trường “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Chương II: Tổ quốc gọi sinh viên lên đường, bao gồm các bài hát và hoạt cảnh, lời bình tái hiện lại lịch sử của các thế hệ sinh viên, học sinh những năm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc : Hình ảnh những chiến sĩ - sinh viên, học sinh hành quân trên đường Trường Sơn ; tái hiện sinh động tinh thần chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ, chiến sĩ sinh viên trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cách đây 40 năm. Chương III: Vinh quang sinh viên Việt Nam, là những hoạt cảnh, lời bình, bài hát ghi nhận những hy sinh, mất mát của các sinh viên, học sinh chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc; các ca khúc ca ngợi hình ảnh tươi đẹp của đất nước, đồng thời thể hiện trách nhiệm của các thế hệ sinh viên, học sinh tích cực, hăng say học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện, xung kích tình nguyện chung sức cùng cộng đồng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng giàu mạnh, văn minh.
a
Hát múa "Hành khúc tương lai"
h
Hát múa "Bài ca sinh  viên"
z
Sinh viên cháy hết mình trong chương trình "Hào khí bút nghiên"
Tự hào về truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, thông qua chương trình, thế hệ sinh viên hôm nay sẽ nguyện tiếp tục phát huy khí phách hào hùng, cống hiến tuổi trẻ, trí tuệ và bầu nhiệt huyết của mình, phấn đấu học tập, nghiên cứu khoa học, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đông Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét