Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 105/a

-Chiến tranh ai cũng ghét, nhưng nhiều khi buộc phải cầm súng vì không còn cách nào khác!
-Cuộc sống là vô giá. Không ai đổi cuộc sống lấy anh hùng mà chỉ thành anh hùng khi bảo vệ cuộc sống! 
-Những Dòng Sông
Tác giả: Bế Kiến Quốc
Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…
Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,
Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,
Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh
Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông
Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng
Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng
Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta…
Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa
Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.
Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể
Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé
Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…
Rồi biết nghe chuyện anh, chuyện cha
Biết tự hào: Sông đã từng đánh Pháp
Nước lấp mặt những ca nô tan xác
Bãi lau già chuyển cán bộ qua sông…
Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng
Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung
Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ
Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ
Trên dòng sông – là một tấm gương trong…
Em ta yêu có gì như lòng sông
Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng
Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn
Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…
Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,
Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa
Đến bè bạn cùng từng gốc lúa
Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá
Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng
Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…
Uống bát nước chè bên nòng súng, trưa nắng cháy
Nghe màu xanh bờ bãi mát trong lòng!
Bình tĩnh ngồi bên những trái bom
Đâu trong gió mái chèo xa vọng lại:
Đêm mưa không đèn vững vàng tay lái
Đường dẫn đi như dòng nước tới mênh mông…
Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Từ giảng đường đến chiến trường - Phần 1

Từ giảng đường đến chiến trường

QĐND Online – Trong nhiều sự kiện lớn của Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ), chúng tôi luôn thấy có sự hiện diện của ông. Xa giảng đường đã lâu, song nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện vẫn hay nhắc đến ông. Mặc dù, trong số đó, có nhiều người chỉ biết ông qua những trang sử của nhà trường. Ông là nhà giáo nhân dân Lê Quang Bửu- nguyên Phó Hiệu trưởng trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Phòng không (nay là Học viện PK-KQ). Lê Quang Bửu là nhà giáo nhân dân đầu tiên, và hiện nay vẫn là nhà giáo nhân dân duy nhất của Học viện PK-KQ…
Mẫu mực, sáng tạo trên giảng đường Năm nay đã ở cái tuổi 80, song ông vẫn còn khá nhanh nhẹn, trí nhớ cũng còn minh mẫn lắm. Trong căn nhà nằm khiêm nhường nằm cuối con ngõ nhỏ ở khu tập thể Viện Lão khoa (Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi đã được nghe ông kể về những tháng ngày ông gắn bó với giảng đường, với chiến trường năm xưa. Ông Lê Quang Bửu quê ở Hương Bình (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Nhập ngũ tháng 3-1950, ông được đào tạo làm hoa tiêu tại trường Không quân Việt Nam. Tháng 5-1951, khóa học của ông được lệnh chuyển sang học tiếp lớp huấn luyện cán bộ phòng không. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về Đại đội 612- đại đội pháo phòng không đầu tiên của Quân đội ta. Tại đây, ông cùng đồng đội đã được Bác Hồ tới thăm và căn dặn “phải bắn rơi máy bay địch”. Không lâu sau ngày bác đến thăm, ông cùng đồng đội đã hạ gục một chiếc F8F của địch, được Bác gửi tặng ảnh của Người. Đến tháng 4-1953, khi Đoàn Phòng không B67 được thành lập, ông lại được điều về làm cán bộ nòng cốt xây dựng Đoàn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông làm nhiệm vụ bảo vệ các tuyến giao thông huyết mạch, phục vụ cho Chiến dịch. Đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông lại trở thành một trong số 20 cán bộ đầu tiên của ta được cử đi đào tạo giáo viên cao xạ ở Thẩm Dương-Trung Quốc. Năm 1957, ông về làm giảng viên tại hệ Cao xạ, Trường Sỹ quan Pháo binh. Ông Bửu bồi hồi nhớ lại: “Khi mang trách nhiệm của người thày, tôi luôn tâm niệm rằng, học viên chính là những đồng chí của mình. Họ đi học là vì Đảng giao cho họ súng để chiến đấu. Mà học quân sự là làm cái việc "sống, chết" với quân thù chứ không phải chuyện chơi. Rồi mai này ra trường, họ sẽ là những người chỉ huy trung đội, đại đội. Trách nhiệm của họ rất nặng. Thế nên thấy anh em gặp nhiều khó khăn khi “va” phải khoa học kỹ thuật, trước mỗi buổi lên lớp tôi đều tự nhủ, phải làm cho học viên ngày nay hiểu kỹ hơn mình học bài này ngày trước”. Ông cũng luôn xác định: đã là người chiến sĩ, nếu chỉ có tinh thần quyết tâm thôi thì chưa đủ, mà còn phải giỏi về kỹ thuật, làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật thì mới có thể chiến thắng được kẻ thù. Bởi thế, trong thời gian này, ông tập trung nghiên cứu và cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị như "Thước tính lượng sai tổng hợp của các loại pháo"; "Thước đánh dấu đường bay"; "Bộ phận tính cự ly cho pháo thủ"… Hiện nay, "Thước tính lượng sai tổng hợp của các loại pháo" của ông vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ngày ấy, tên ông xuất hiện khá nhiều trên các báo, như báo Thống nhất số ra Thứ 6 ngày 14-7-1961 có bức ảnh lớn của ông nơi trang nhất cùng dòng chữ "Trong vườn hoa muôn màu của dân tộc, có những đóa hoa miền Nam rực rỡ. Trung úy Lê Quang Bửu, quê ở miền Nam, một trong những chiến sĩ thi đua được báo cáo thành tích góp phần xây dựng Quân đội tiến lên chính quy hiện đại trong Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quân", hay báo Quân đội nhân dân số ra Thứ 3 ngày 22-5-1962 có bài xã luận với nhan đề "Học tập Trung úy Lê Quang Bửu-Không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy"… Tháng 7-1964, hệ Cao xạ của trường Sỹ quan Pháo binh được tách ra thành trường Sỹ quan Cao xạ, ông lại là một trong những cán bộ đầu tiên về xây dựng nhà trường. Tại đây, được sự hỗ trợ của đồng chí đồng đội, ông tiếp tục cho ra đời một sáng kiến đặc biệt có giá trị là "Phòng luyện tập chỉ huy bắn". Trong một lần đến thăm nhà trường, sau khi tham quan sáng kiến này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi vào sổ lưu niệm của nhà trường lời khen ngợi "Đây là một sáng kiến tốt, thể hiện tinh thần sáng tạo tập thể, khắc phục khó khăn, cần kiệm xây dựng Quân đội, góp phần đưa công tác huấn luyện đến những tiến bộ mới"… Mưu trí, quyết đoán nơi trận mạc Ngày 7-2-1965, không quân Mỹ mở cuộc tiến công "Mũi lao lửa" ném bom một số nơi thuộc hai tỉnh Vĩnh Linh và Quảng Bình. Trường sỹ quan Phòng không được lệnh tổ chức hai tiểu đoàn là Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 vào Khu 4 trực tiếp tham gia chiến đấu. Lê Quang Bửu đã tình nguyện làm đơn xin ra chiến trường và được giao làm đại đội trưởng Đại đội 91-Tiểu đoàn 9. Trong khi các pháo thủ của Tiểu đoàn 8 là học viên của nhà trường, thì ở Tiểu đoàn 9, các pháo thủ được lấy từ chiến sĩ của Đại đoàn 308. Phần lớn số chiến sĩ này chưa biết sử dụng pháo, trong khi đó yêu cầu đặt ra là sau khi tiếp nhận quân số 5 ngày, đơn vị phải cơ động lên đường chiến đấu ngay. “Làm thế nào để huấn luyện được số pháo thủ của đại đội mình?”-câu hỏi đó luôn đau đáu trong suy nghĩ của Lê Quang Bửu. Rồi ông quyết định: tổ chức học cho chiến sĩ ngay trên đường hành quân; học cả lúc nghỉ giải lao 10 phút; học cả động tác khi lên, xuống xe … Để nâng cao chất lượng huấn luyện trong điều kiện đơn vị phải di chuyển thường xuyên, ông nghĩ ra cách làm đồ dùng học tập có thể tháo lắp đem theo. Ông còn có sáng kiến làm diều, rồi thả lên không trung để huấn luyện chiến sĩ tập bắt mục tiêu. Để nâng cao hơn nữa khả năng bắt, bám mục tiêu, ông lại gợi ý cho các khẩu đội lấy chim én làm mục tiêu, bởi lúc ấy đang là mùa xuân, chim én bay dọc bờ biển Quảng Bình rất nhiều. “Ban đầu, bắt loại mục tiêu này là rất khó bởi chúng cơ động nhanh và liên tục thay đổi hướng. Nhưng "có công mài sắt có ngày nên kim", cuối cùng thì anh em cũng bắt và bám liên tục được loại mục tiêu này”- ông Bửu tâm sự. Cũng đã có mấy lần phát hiện địch, song đơn vị ông chưa có thời cơ nổ súng. Ngày 24-2-1965, tại trận địa Lò Vôi, đơn vị phát hiện một chiếc F.105 của địch đến trinh sát các đơn vị bộ binh đóng cạnh sân bay Đồng Hới. Sau khi bay mấy vòng quanh sân bay, máy bay địch đổi hướng bay qua trận địa với đường bay tương đối thẳng. Ông động viên anh em "Máy bay chỉ có một chiếc, đường bay ổn định, bình tĩnh mà bắn". Khi máy bay địch vào cự ly thích hợp, ông hạ lệnh bắn. Các khẩu đội đồng loạt nhả đạn, máy bay bốc cháy và lao xuống biển. "Sau chiến công đầu, tinh thần của anh em lên rất cao. Tuy nhiên đơn vị xác định không được chủ quan, thỏa mãn dừng lại bởi đây là trận đánh với tình huống đơn giản. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện để chuẩn bị đánh những trận phức tạp hơn. Ngay sau trận đánh, Tỉnh đội Quảng Bình cũng đã…thưởng nóng cho đơn vị một... con bò để liên hoan"- với nụ cười hóm hỉnh, người lính già nhớ lại trận đầu đánh thắng của đơn vị mình cách đây đã hơn 45 năm. Những ngày sau đó, ông đã chỉ huy Đại đội 91 phối hợp với các đại đội của hai tiểu đoàn 8 và 9 tham gia nhiều trận đánh tiêu biểu và đã chiến thắng giòn giã. Đó là trận Rú Nài ngày 26-3-1965 (4 máy bay địch bị tiêu diệt), hay trận bảo vệ cầu Mỹ Đức trong các ngày 19, 20 và 22-4-1965 (ta cũng tiêu diệt được 4 máy bay địch, có 1 chiếc rơi tại chỗ)… Cuối năm 1965, hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, ông trở về công tác tại Ban xạ kích rồi sau đó là Ban nghiên cứu của nhà trường. Ông tiếp tục cùng bộ phận nghiên cứu tổng kết của Quân chủng PK-KQ, biên soạn những tài liệu có giá trị như: Đánh máy bay lên thẳng trong chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng; cao xạ trong chiến đấu vây lấn tấn công; cao xạ trong chiến đấu bảo vệ chốt… Trong năm 1966, ông được chọn vào thành phần của đoàn đại biểu miền Bắc XHCN đi dự Hội nghị đoàn kết ba châu Á, Phi, Mỹ La tinh tại La-ha-ba-na (Cu Ba). Đến năm 1988, một niềm vui lớn đến với ông và tập thể nhà trường khi ông vinh dự có mặt trong danh sách 31 Nhà giáo nhân dân, được Nhà nước phong tặng lần đầu tiên. Tuy về nghỉ hưu đã khá lâu, song ông Lê Quang Bửu vẫn rất tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Ông thường xuyên nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, tích cực trao đổi với đội ngũ giảng viên của Học viện PK-KQ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan PK-KQ trong giai đoạn hiện nay. Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà

Giáo sư Hồ Tú Bảo – Giảng đường vẫn tươi nguyên ký ức chiến trường


283

Tôi biết anh đã từ những ngày chiến tranh ác liệt nhất năm 1972. Ngày ấy, tôi bước chân đến một đất nước xa xôi có tên là Moldavi, một nước cộng hòa nhỏ bé trong Liên bang Xô-viết, để học đại học.
ôi ra đi mùa thu năm 1972, khi bạn bè tôi, cùng bạn bè anh, những học sinh sinh viên Ðại học Hà Nội năm đầu, đi vào Quảng Trị. Hồi ấy rất nhiều học sinh xuất sắc và cực kỳ xuất sắc đã vào chiến trường, đặc biệt là Quảng Trị. Sau này khi viết “Những chuyến tàu ngược chiều về hai đầu đất nước” là lúc tôi nhớ về những chuyến ra đi đặc biệt của lứa học sinh chúng tôi năm ấy. Hình như chẳng có ai trong đám chúng tôi, lũ học trò Hà Nội mộng mơ, trong sáng, lũ học trò “vào đời” năm 1972 ấy lại không có bạn, giờ phút ấy, đang qua sông Thạch Hãn dưới mưa bom. Bạn có thể thấy rõ điều đó ở Nghĩa trang Trường Sơn, ở Thành cổ Quảng Trị. Ở đấy rất nhiều bia mộ ghi rằng quê quán: Hà Nội- Năm sinh 1954 hay 1955.
Nhưng anh không phải là bạn học của tôi. Anh là bạn của một người bạn tôi kết thân khi sang học xứ người. Chúng tôi đọc lại những câu thơ của anh, nỗi niềm của anh gửi cho bạn bè đang du học ở nước ngoài:
Khi nào em trở về
Hãy lắng nghe cơn mưa rào mùa hạ
Hãy lắng nghe tiếng thì thầm hoa lá
Hãy lắng nghe tiếng đất hát đêm đêm
Ðấy là lời anh gửi đến cho em…
Những câu thơ tôi không còn nhớ anh viết lúc nào. Có thể đó là tiếng thì thầm hoa lá trong một đêm tối trời trên đường hành quân hay là lúc anh chợt nghe được tiếng hát của đất mẹ trong một phút lặng dưới công sự trong Thành cổ…
Nếu một ngày nào đó bạn vào internet, gõ ba chữ “Tu Bao Ho”, bạn sẽ thấy hiện lên nhiều trang web giới thiệu một giáo sư ngành Trí tuệ nhân tạo tại một đại học của Nhật Bản. Chỉ cần đọc tiểu sử tóm tắt bạn cũng nhận ra ngay đây là một giáo sư có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của mình, là người đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, người đã tham gia và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo, biên tập cho nhiều tạp chí quốc tế, tham gia đào tạo nhiều sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có khá nhiều sinh viên Việt Nam. Bạn có thể sẽ nghĩ đây là một Việt kiều có cơ hội được học tập đào tạo từ lúc nhỏ tại Nhật hoặc một nước phát triển nào đó như đa phần các giáo sư gốc Việt có tiếng tăm hiện nay.
Không đúng đâu, đó chính là GS.TS Hồ Tú Bảo, một chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo, người lính trinh sát sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và được thưởng một huân chương chiến công hạng hai; người thương binh trở về học hết đại học và rồi tiếp tục theo đuổi con đường khoa học. Trong giới hàn lâm, giữa bè bạn, học trò, tôi ít thấy anh nhắc về những năm tháng đó. Bài viết về Quảng Trị, anh cũng dùng bút danh khác. Có lẽ chỉ có duy nhất gần đây, trong bài viết của anh đăng ở báo Toán học tuổi trẻ nhân kỷ niệm 40 năm hệ chuyên Toán, anh mới viết chút ít về những gì đã làm. Như một báo cáo, như một lời tạ ơn với các thầy, với mái trường…

Phân đội trinh sát Sư đoàn 325 tại làng Trà Liên Tây,
Triệu Phong, Quảng Trị ngày 5-1-1974 trước khi
đi làm nhiệm vụ, Hồ Tú Bảo mặc áo sáng mầu.
Với tôi, anh cũng ít nhắc về năm tháng ấy. Biết anh rất bận tôi cũng ít khi viết thư nhưng hầu như không năm nào tôi quên gửi anh vài dòng vào ngày 30-4 và 27-7. Trong những dòng thư ngắn ngủi gửi vào những ngày đáng nhớ ấy, tôi cũng chẳng mấy khi nhắc về Quảng Trị nhưng tôi tin là anh biết tôi đang cùng anh nhớ về dòng Thạch Hãn 1972. Cũng như tôi đã nhớ về Thạch Hãn khi cùng anh dịch những lời thơ từ bài hát Nga “Ðàn sếu”.
Tôi như thấy những người lính ấy
Không trở về từ chiến trường xa
Cũng không nằm nơi đất lành đâu đó
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay qua
Giã từ những ngày xa đó
Ðàn sếu vẫn bay và cất tiếng gửi ta
Phải vậy chăng lòng tôi thường se lại
Mỗi khi nhìn trời biếc bao la
Bay bay mãi những mũi tên mệt mỏi
Trong sương mờ khi chiều lặng dần trôi
Khoảng trống nhỏ nơi đội hình xa đó
Phải chăng còn một chỗ cho tôi
Rồi sẽ một ngày cùng đàn sếu trắng
Tôi bay vào mịt mù trời xanh
Cũng cất lên tiếng kêu người lính
Gửi những ai còn trên mặt đất mông mênh.
Dịch không phải để đăng đâu đó mà để cho người dịch, cho bè bạn và những người đã không còn trở lại. Thi thoảng anh gửi vội cho tôi vài dòng: “Thử vào VTV3 xem đi” hay “Ở Tuổi trẻ có bài đấy”. Thế là tôi biết đang có chương trình về Quảng Trị. Quảng Trị mùa hè 1972, Quảng Trị của anh năm 20 tuổi.
Năm trước, trong chương trình kỷ niệm về Thành cổ Quảng Trị, ban tổ chức có mời một số cựu chiến binh thành đạt sau chiến tranh, một số thương gia, cán bộ lãnh đạo, và nhiều sĩ quan quân đội, nhưng không thấy có anh, một cựu chiến binh Thành cổ trở thành một nhà khoa học có uy tín trên trường quốc tế. Tôi nói với anh điều đó, và anh trả lời nhẹ nhàng: “Thì có rất nhiều lính chiến đấu ở Quảng Trị mà…”.
Hồ Tú Bảo sinh năm 1952, quê quán Hà Nội. Cựu sinh viên Toán Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Nhập ngũ 6-9-1971, chiến sĩ trinh sát Sư đoàn 325 (C20, F325) chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị 1972 – 1974.
Xuất ngũ tháng 9-1974. Tốt nghiệp ngành Toán, khoa Toán – Lý, Ðại học Bách khoa Hà Nội (1978), tiến sĩ tin học Ðại học Paris 6 (1987), tiến sĩ khoa học về tin học tại Ðại học Paris 9 (1998). Ðược nhận chức vụ phó giáo sư tại Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 1991, giáo sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology) năm 1998.
8
Tác giả bài viết: Hồ Thanh Đại

Từ GIẢNG ĐƯỜNG tới CHIẾN HÀO về BỤC GIẢNG

Từ giảng đường tới chiến hào
Mùa hè năm 1972 - năm cao điểm của chiến tranh, từng đoàn quân rầm rập ra mặt trận, thày trò Trường ĐHTH Hà Nội chúng tôi cũng không nằm ngoài dòng thác đó. Trước khi rời 19 Lê Thánh Tông - cái nôi của Trường ĐHTH Hà Nội, tại một nơi sơ tán, Cự Đà, Hà Tây cũ, thầy Hiệu trưởng Ngụy Như KonTum đã căn dặn chúng tôi: Dù có gian khổ hay hy sinh cũng phải giữ cho được truyền thống của nhà trường. Nghe theo lời căn dặn của thầy Hiệu trưởng, chúng tôi đã chiến đấu hết mình trên khắp các mặt trận, có người đã ngã xuống, có người đã trở về, tất cả vì Tổ Quốc, vì thế hệ tương lai.

Giáo sư Lâm Ngọc Thiềm trong ngày Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQGHN lần thứ II, ngày 6/8/2005.
Ảnh: Bùi Tuấn
Khi được hỏi về nguyên do nào đưa một tiến sĩ Hóa học góp mặt vào một trong những cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Ngoài những nguyên do như truyền thống, lịch sử, tổ tiên mà bất kì con dân đất Việt nào cũng có,… Tôi nhớ lại: Tôi được cử đi học tại Liên Xô - đất nước của những chiến sĩ Hồng quân vĩ đại, đã cứu nhân loại khỏi họa phát xít. Không biết tự lúc nào, tinh thần yêu nước và lòng căm thù quân giặc xâm lăng đã chảy trong dòng máu của tôi và được ngọn lửa Cách mạng Nga thôi thúc. Giáo sư hướng dẫn tôi là một một nhà giáo, một người lính Hồng quân còn ám mùi khói súng từ chiến hào đã quay lại giảng đường, đã có lần chia sẻ với tôi: Khi phát xít Đức giày xéo quê hương, tôi cũng ra trận và cũng từ mặt trận trở về với giảng đường. Anh thử suy nghĩ xem khi mà đất nước đang bị họa ngoại xâm thì chúng ta phải làm gì?”.
Thầy Hiệu trưởng và các CBGD
lên đường nhập ngũ 29/5/1972. (Ảnh tư liệu)
Ảnh tư liệu từ video clip của kênh QPVN
Tinh thần Cách mạng Tháng 10 và niềm tự hào của nước Nga đã là nguồn động viên rất lớn cho tôi khi học tập tại đây. Tôi đã hiểu những điều người thầy - chiến sĩ của mình căn dặn và sau này khi Tổ quốc gọi, tôi đã gác bút nghiên lên đường ra trận dù độ tuổi của tôi lúc này không còn trẻ - 32 tuổi. “Được đào tạo trong ngôi trường XHCN Xô Viết và sự dìu dắt của những con người Nga vĩ đại, đôn hậu đặt trong khung cảnh đau thương của đất nước, dân tộc. Bản thân tôi cũng cảm thấy lẻ loi khi không được tham gia trên tuyến đầu chống Mỹ và góp chút ít công sức dù nhỏ bé vào cuộc chiến đấu gian khổ của cả thế hệ chúng tôi”.
Tôi đã tham gia vào một số trận đánh nhưng có hai kỷ niệm khiến tôi không thể nào quên.
Đánh địch có nhiều phương án rất linh hoạt. Trong một trận đánh, khi trận địa pháo 57mm cùng hoả lực 12,7mm của đại đội 512 chúng tôi đã bố trí xong ở vị trí bí mật. Tôi được giao nhiệm vụ điểm hoả tại trận địa giả, khi nhận được lệnh từ sở chỉ huy phát ra, cũng đúng là lúc máy bay địch bổ nhào công kích vào trận địa. Pháo nổ, khói bay mù mịt, máy bay địch tưởng là trận địa pháo của ta thi nhau bổ nhào dội bom, lúc đó pháo cao xạ từ trận địa thực đồng loạt phát hoả làm cho chúng trở tay không kịp. Lần đánh trả này, đơn vị chúng tôi đã hạ được máy bay địch và cuộc công kích của máy bay địch đã bị bẻ gẫy.
Theo dòng hồi tưởng của tôi, thì cả nước lúc đó có hai tiến sĩ ra trận, đó là Tiến sĩ Ngô Huy Cẩn (thân sinh Giáo sư Ngô Bảo Châu) và tôi, giảng viên Trường ĐHTH Hà Nội. Trong một lần đến thăm trận địa phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội và Hải Phòng, trước thời khắc mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (12/1972), Tổng bí thư Lê Duẩn đã vỗ vào vai tôi và hỏi:
Tổng bí thư Lê Duẩn với Binh nhì Lâm Ngọc Thiềm
trước trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972
(Ảnh tư liệu thuộc bảo tàng PKKQ)
Thầy giáo trở thành chiến sĩ có cảm nghĩ gì không?
Tôi còn lúng túng chưa biết trả lời sao, đành đem mấy câu thơ trên báo tường, viết sau trận đánh ra đọc:
Hôm qua trên bục cùng học sinh,
Bảng đen tôi viết những phương trình.
Hôm nay chững chạc màu quân phục,
Quen dần nếp sống một chiến binh.
Sau này tôi được biết, trên đường trở về Hà Nội, nói chuyện với một đơn vị canh giữ bầu trời Hà Nội, Tổng bí thư đã nói:
Cả nước ra trận, phó tiến sĩ cũng thành chiến sĩ thì chúng ta không thể không chiến thắng dù kẻ địch có ngoan cố, xảo quyệt đến đâu đi chăng nữa…”.
Nhớ lại khoảnh khắc khó quên của đời binh nghiệp, tôi thầm nghĩ. “Để làm được mộtngười chiến sĩ, đời tôi chỉ có một mà thôi. Nhưng để trở thành một tiến sĩ, hay cao hơn, chúng ta có thể làm được nhiều lần. Thời gian quý vô cùng và tôi thật vinh dự khi được là nhà giáo-chiến sĩ chống Mỹ cứu nước
Và thật đáng quý khi trí tuệ lại được thể hiện ngay trong những ngày Tổ quốc đang tiến hành trận đánh lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Cống hiến đó trở thành kỷ niệm không bao giờ có thể quên đối với tôi. Trong những ngày tháng ác liệt, phía Liên Xô chỉ có thể cung cấp cho Việt Nam tên lửa, còn sử dụng thế nào phải do chúng ta tự làm chủ. Những kiến thức hóa học được trang bị trong những ngày học tại Liên Xô đã giúp chiến sĩ như tôi cùng các đồng đội đã trực tiếp, trong điều kiện dã chiến, ngoài cánh đồng, giữa đêm tối nạp nhiên liệu vào tên lửa SAM - 2, một trong những loại nhiên liệu cực độc, có thể gây ảnh hưởng đến sinh sản và phát bệnh ung thư nếu con người bị phơi nhiễm. Tự tin vào những kiến thức đã được học, nên mặc dù không có trang bị an toàn như trong phòng thí nghiệm, nhưng chúng tôi bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù vẫn kiên trì đứng “tiếp lửa” cho tên lửa diệt máy bay Mỹ bằng cách dùng áo khoác trùm lên đầu, khẩu trang, khăn mặt thấm ướt bịt miệng và lợi dụng hướng gió để nạp nhiên liệu cho đủ cơ số đạn đưa lên bệ phóng góp phần trong chiến thắng vang dội của quân dân Việt Nam tháng 12 năm ấy. Sau trận đánh, trên báo tường của đơn vị, tôi đã tâm sự:
“... Tôi đi vào trận đánh hôm nay,
Như trước đây ta bước lên bục giảng,
Tay dập xoá bảng đen màu phấn trắng,
Nét dọc ngang bề bộn những phương trình.
Trong chiến hào ta hiểu thêm giá những hy sinh,
Tổ quốc trả cho mỗi giờ ta sống,
Bao thân thương, hy vọng lẫn thành công,
Mở cho tôi một khoảng tầm viễn vọng".
Rời chiến hào về bục giảng
Chiến tranh đã qua đi, tôi - thầy giáo - chiến sĩ đã trở lại bục giảng, gắn bó với bảng đen phấn trắng với một tư thế vững vàng hơn. Tôi đã thật sự yêu nghề, say nghề và dồn hết tâm huyết của mình cho nghề.
Trước khi trở thành chiến sĩ, tôi là sinh viên khoá 4 ngành Hoá, Trường ĐHTH Hà Nội. Sau khi vào trường khoảng một tuần, tôi được cử sang Liên Xô cũ học tập và đã tốt nghiệp bằng đỏ (loại xuất sắc) rồi được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Khi về nước, tôi đã công tác tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) rồi trở thành một cán bộ giảng dạy tại Trường ĐHTH Hà Nội. Ngót 50 năm gắn bó với nghề dạy học, trong lĩnh vực Hoá học lượng tử, đã có trên 100 công trình khoa học, gần 30 đầu sách giáo trình, chuyên khảo, từ điển và dịch thuật đã xuất bản, trong đó một số đã được tái bản; đã chủ trì và tham gia 6 đề tài nghiên cứu khoa học về quan hệ giữa cấu trúc hoá học với hoạt tính sinh học dành cho loại hợp chất tự nhiên được tách chiết từ thảo mộc nhiệt đới ở Việt Nam có nhiều ứng dụng trong thực tiễn. Đây là vấn đề khoa học có tính thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước do khi biết được quan hệ giữa hoạt tính và cấu trúc (Quantitative Structure - Activity Relationships - QSAR) người ta có thể tìm hoặc dự đoán được những hoạt tính vượt trội của các loại dược phẩm cần cho chữa bệnh.
       Trong giảng dạy đào tạo, tôi đã hướng dẫn ngót 40 thạc sĩ và tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận án của mình. Thường bắt đầu năm học, tôi chọn một em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên tặng một cuốn sách do chính tôi viết với kì vọng em đó sẽ trưởng thành trong những năm ngồi trên ghế của Trường ĐHKHTN. Các học trò của tôi, đặc biệt là hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng (CNKHTN) ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay tại Úc đều đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đã có những thành công đáng kể trên bước đường khoa học của mình.                





GS.Lâm Ngọc Thiềm với các
sinh viên hệ CNKHTN
Tin vào một “Điện Biên Phủ trí tuệ Việt Nam” trong khoa học.
Thực tế giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong ngót 50 năm đã làm tôi ngộ ra một điều: Một nhà khoa học đi đến thành công phải có ít nhất 4 yếu tố hợp thành.Đó là lòng say mê, ý chí vượt khó, tinh thần tự học và đức tính khiêm tốn, làm việc trong một môi trường khoa học. Chính những điều này không lúc nào thừa ở một nhà khoa học chân chính”. Nay, tóc đã bạc, sức khỏe đã không còn như trước, nhưng tôi vẫn gắn liền với học trò, với phòng thí nghiệm, với những khát khao đi tìm các kiến thức mới lạ mà mình chưa biết đến.
Text Box:  GS Lâm Ngọc Thiềm trên giảng đường
Năm nay tôi đã bước sang tuổi 77 - cái tuổi đã đến lúc được nghỉ ngơi của một viên chức nhà nước, có phóng viên hỏi tôi về dự định trong thời gian tới. Tôi đã tâm sự rằng: "ngót 50 năm qua, tôi đã trải qua nhiều công việc từ cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, đến chiến sĩ quân đội rồi lại trở về tiếp tục nghiên cứu - giảng dạy, tham gia quản lý ở cương vị Chủ nhiệm bộ môn (trường Đại học Kỹ thuật Quân sự), Chủ nhiệm khoa Tại chức (Trường ĐHTH Hà Nội), phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tin học trong Hoá học, Chủ nhiệm hệ đào tạo CNKHTN ngành Hoá học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN… nên không có lý do gì khiến tôi không yêu nghề dạy học. Tôi tự hào là nhà giáo - chiến sĩ đã từ giảng đường tới chiến hào rồi lại từ chiến hào về với bục giảng, chừng nào còn sức khoẻ tôi còn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người cả về kiến thức lẫn phẩm giá cho lớp sinh viên hôm nay".
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, lớp thầy giáo - chiến sĩ của Việt Nam nói chung, của Trường ĐHTH Hà Nội năm xưa nói riêng, đang ở tuổi thứ 60 đã lao động và chiến đấu như thế đó. Lớp trẻ hôm nay mang trên vai trách nhiệm nặng nề là phải làm gì để xứng đáng với truyền thống xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của thế hệ đi trước. Trong cuốn sách: Các nhà Hoá học nhận giải Nobel xuất bản năm 2012, tôi đã tâm sự cùng các nhà hoá học trẻ tuổi:“Tại sao chúng ta không có quyền hy vọng, một nhà hóa học Việt Nam vào một ngày đầu tháng 10 nhận được một cú điện thoại từ Stockhohm báo tin ngày 10 tháng 12 đến Hoàng cung Thụy Điển để nhận giải Nobel Hóa học khi Thăng Long-Hà Nội bước sang thiên niên kỉ thứ 2 ở tuổi thứ 2050.
Chúng ta hoàn toàn tin vào trí tuệ Việt Nam, miễn là các nhà hóa học có hoài bão, có quyết tâm, có ý chí vươn lên bằng chính nội lực của mình, không sợ thử thách và dám làm những gì mình mong muốn.
Vinh quang chỉ dành cho những ai dám đi trên con đường chưa hề có lối đi. Các bạn trẻ hãy sắm đủ cho mình hành trang kiến thức và nghị lực. Nào, Lên đường!”
Tôi, Nhà giáo-Chiến sĩ “Điện Biên Phủ trên không”- hi vọng và tin rằng lớp lớp trí thức trẻ hôm nay sẽ làm nên “Điện Biên Phủ trí tuệ Việt Nam” trong khoa học.
Hàng năm, cứ vào ngày 29 tháng 5, những người lính chúng tôi gặp lại nhau để ôn lại một thời đã qua. Năm 2012, kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điên Biên Phủ trên không, chúng tôi gặp nhau tại một nhà hàng bên cạnh Viện bảo tàng Phòng không Không quân. Nhìn những khẩu pháo 57 ly mà  tôi đã  từng  là  pháo  thủ  số 3 và những quả tên lửa SAM-2 mà tôi đã từng gắn bó suốt 12 ngày đêm năm đó; đã có biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống để có ngày hôm nay. Tôi bồi hồi nhớ lại:
          Bốn mươi năm
                                   29/5/2012

Lâu rồi nhớ lại tần ngần
Bẩy Hai cao điểm cái lần tiễn tôi
Đi trong bom đạn một thời
Lên đường ra trận trò tôi cùng thày

Ngược về dạo ấy hôm nay
Bâng khuâng mỗi bước ai hay mất còn?
Một thời lửa đạn mưa bom
Hạ Long- sông Cấm nhớ còn trong tôi?


40 năm tuổi, xa rồi!
Thầy trò xếp bút rời nơi giảng đường
Cho dù muôn nẻo chiến trường
Cho tôi được nhớ, được thương, được chờ
Ước gì có một giấc mơ
Để tôi ôn lại lính xưa bạn bè!
Để trong yên lặng trưa hè
Tuổi xưa thức dạy nhớ về lính tôi.
Bỗng nhiên tim đập đổ hồi
Mách rằng đời lính một thời mang theo!
Bỗng nhiên tim đập đổ hồi
Mách rằng Tổng Hợp, Trường tôi Anh hùng!
(GS. TS Lâm Ngọc Thiềm - Giảng viên cao cấp Khoa Hóa học)
Bài viết được đăng trong tuyển tập hội thảo "Một thời để nhớ" kỷ niệm 60 năm truyền thống Trường Đại học Tổng hợp Hà Nôi - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

Từ chiến trường Thành cổ đến giảng đường đại học Hiroshima

Từ chiến trường Thành cổ đến giảng đường đại học HiroshimaPGS.TS Trần Khánh Đức và đồng nghiệp tại ĐH Hiroshima (Nhật Bản)
(GD&TĐ) - Hơn 40 năm đã trôi qua (1972-2013) những kỷ niệm chiến trường xưa đối với tôi như một cuốn phim quay chậm về những năm tháng hào hùng của đất nước. Thế hệ sinh viên trẻ của Trường Đại học Xây dựng chúng tôi đã nhập ngũ lên đường ra tiền tuyến với khí thế sôi nổi của tuổi thanh xuân đầy nhựa sống và những hoài bão tốt đẹp.
(GD&TĐ) - Hơn 40 năm đã trôi qua (1972-2013) những kỷ niệm chiến trường xưa đối với tôi như một cuốn phim quay chậm về những năm tháng hào hùng của đất nước. Thế hệ sinh viên trẻ của Trường Đại học Xây dựng chúng tôi đã nhập ngũ lên đường ra tiền tuyến với khí thế sôi nổi của tuổi thanh xuân đầy nhựa sống và những hoài bão tốt đẹp. May mắn được trở về tiếp tục học tập sau cuộc chiến khốc liệt, tôi muốn viết lại để nhớ đến một thời máu lửa…
Gác bút nghiên, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước 
Chúng tôi nhập Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong không khí cả nước hướng ra tiền tuyến với những ước mơ hy vọng của thời sinh viên trai trẻ trên giảng đường đại học ở những gian nhà lá khu C - nơi sơ tán của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
Bước sang mùa hè 1972, cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc bước sang một giai đoạn quyết liệt. Hậu phương miền Bắc được lệnh tổng động viên để tiếp sức cho chiến trường Miền Nam khói lửa. Cùng với nhiều giảng viên và sinh viên của các trường Đại học khác, hàng trăm thầy giáo và sinh viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chúng tôi được lệnh nhập ngũ (5/1972). Tạm gác ước mơ giảng đường đại học, chúng tôi lên đường với khí thế sôi nổi của những người sinh viên trẻ. Trên đường đi ô tô từ Khu C đến địa điểm giao quân, anh em sinh viên chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài ca ra trận “Mẹ Việt Nam ơi có nghe chăng, giờ này đàn con đã lên đường….”
Chiến đấu ở vùng đất lửa
Sau một thời gian ngắn tập trung huấn luyện cơ bản ở Sư đoàn 304B (Phú Bình, Thái Nguyên), tháng 7/1972 đơn vị tân binh chúng tôi được lệnh lên đường đi B chiến đấu. Biết tin đơn vị tôi hành quân qua nhà ở Hà Nội, cả nhà tôi đã ra trước cửa nhà ở cạnh gốc cây sữa ngóng nhìn đoàn quân xa băng băng qua. Từ trên thùng xe, tôi chỉ kịp nhìn thoáng qua và giơ tay vẫy vẫy…
 Sau những ngày hành quân cấp tốc qua nhiều trọng điểm máy bay địch bắn phá ác liệt như: Ngã ba Đồng Lộc, Bến Phà Long Đại, Bãi Hà... rồi vượt sông Bến Hải, qua suối La La… đơn vị chúng tôi được bổ sung vào biên chế của Trung đoàn 101 – Sư đoàn 325 Anh hùng của Chiến trường Trị - Thiên khói lửa. Từ miền Tây Quảng Trị, chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc giữa  ban ngày trên đường 9 mặc cho các máy bay trinh sát VO 10  của địch bay lượn trên đầu. Đến Đông Hà rồi qua Ái Tử, đơn vị chúng tôi được lệnh vượt sông Thạch Hãn sang phòng tuyến chốt giữ Thành cổ Quảng Trị trong một buổi chiều muộn dưới làn phi pháo của địch.  Có lẽ nhờ có truyền thống anh hùng của cha ông và ý thức được trách nhiệm của mình mà những người lính-sinh viên trẻ chúng tôi đã có đủ cam đảm và dũng khí để hàng ngày quần nhau với biệt động quân của địch ở khu vực Chợ Sãi - nơi ta và địch cách nhau chỉ vài mét và giành giật từng căn nhà, mảng tường đổ…. Hàng ngày trên hầm chốt, chúng tôi chỉ ăn lương khô và uống nước lã được múc từ sông Thạnh Hãn lên. Thỉnh thoảng, cũng có một vài gói cơm nắm khô được chuyển lên chốt- những nắm cơm đã thấm mồ hôi và máu xương của đồng đội chúng tôi trong quá trình vận chuyển.
Tuy gian khổ và cái chết kề bên song tất cả anh em đơn vị chúng tôi không một giây nao núng, mất tinh thần… Thật hạnh phúc cho những người lính trẻ chúng tôi khi nhận được kẹo của Bác Tôn Đức Thắng gửi cho các chiến sĩ Quảng Trị nhân Quốc khánh 2/9/1972 do đồng đội chuyển lên chốt. Thi thoảng, khi đã im tiếng súng, nhìn khoảng trời xanh qua ô cửa nhỏ của hầm chốt, tôi thầm mong ước về một ngày đất nước hòa bình…
Cũng chính trong thời gian này, những đồng đội của tôi đã lần lượt hy sinh (bạn Cường/ bạn Dũng/ bạn Niên….) mà thân xác chỉ được vùi tạm trong lòng đất Triệu Phong (Quảng Trị)…
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm chiến trường khi được nghe tiếng đàn bầu của đồng đội cất lên trong một đêm thanh vắng Quảng Trị. Âm điệu quê hương rạo rực trong lòng những người con ra trận sống mái với kẻ thù. Những âm thanh huyền diệu đó lại cất lên từ chiếc đàn bầu tự chế từ một nửa ống tre khô cùng một ống bơ sữa bò và dây thép lấy từ chiếc dù thả pháo sáng của địch rơi cạnh miệng hầm.
…Đêm 27/1/1973, đơn vị chúng tôi được lệnh phối hợp với các đơn vị bạn sang bờ Nam Cửa Việt đánh thủy quân lục chiến ngụy lấn chiếm và cắm cờ  giữ đất trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào sáng 28/1. Khi được lệnh chuẩn bị chiến đấu, trong chúng tôi thoáng chút tâm tư vì mọi người đã biết tin Hiệp định Paris đã được ký kết. Chỉ còn vài tiếng nữa thôi là ngừng bắn, là hòa bình, là có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình…
Song, gạt đi những tâm trạng thoáng qua đó, đơn vị chúng tôi 100% quân số lại vượt sông vào vị trí tập kết ở bờ Nam Cửa Việt và luồn sâu vào khu vực có các dải cát mà quân ngụy vừa tái chiếm. Một ánh chớp lóe lên, tôi đã bị thương vào đầu và chân do cối cá nhân (M79) của địch, sau đó được anh em băng bó và dìu về tuyến sau.
Nhóm thương binh chúng tôi được các o du kích và tải thương chuyển ra Cửa Tùng rồi đến Vĩnh Thủy - Vĩnh Linh và ra Quân y viện 4. Trong thời gian điều trị vết thương ở Quân y viện 4 (Nam Đàn, Nghệ An) đầu Xuân năm 1973, một kỷ niệm đẹp về các bác sĩ Quân y đã làm tôi nhớ mãi. Để tránh cho tôi có vết sẹo lộ ở cằm, các bác sĩ Quân y viện 4 đã quyết định “mổ moi” để lấy mảnh đạn mà không để lại vết sẹo bên ngoài. Tôi xin cảm ơn các cán bộ, bác sĩ, nhân viên Quân y viện 4 và đặc biệt là một nữ bác sĩ quân y trẻ có tóc tết đuôi sam mà tôi không nhớ tên (khi đó khoảng 22-24 tuổi còn tôi lúc đó mới 19 tuổi) trong Đoàn thực tập của Học viện Quân y đã thể hiện tinh thần đồng đội, tính nhân văn cao cả đối với một người lính bình thường như tôi… Tôi mong gặp lại họ để tri ân những con người nhân hậu đó.
 Trở lại mái trường xưa
Như một sự trùng hợp, may mắn kỳ lạ khi chiếc xe ôtô chở thương binh chúng tôi từ Nghệ An ra Hà Nội lại đi lại trên đường Nam Bộ và qua Ga Hàng Cỏ - chỉ cách nhà tôi trên phố Trần Hưng Đạo mấy bước chân. Đến gần Cửa hàng Bách hóa Cửa Nam (ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học bây giờ) khi ô tô dừng chờ đèn đỏ, tôi lại chợt nhìn thấy mẹ tôi đang đứng nói chuyện ở trước nhà số 30 đường Nam Bộ. Tôi cũng chỉ kịp gọi mẹ và vẫy tay ra hiệu rồi đó đoàn xe lại tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi về Đoàn an dưỡng 869. Tôi được ra quân theo chế độ chuyển ngành về Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiếp tục theo học (4/1973) và đến cuối năm 1977 thì ra trường.
Sau một thời gian công tác ở Viện Khoa học dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề, tôi đã thi đỗ trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh và được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Sư phạm (1986-1990). Nước Nga Xô Viết đôn hậu đã cưu mang, đùm bọc, dạy dỗ và tạo mọi điều kiện cho chúng tôi học tập, nghiên cứu để vươn lên đỉnh cao của khoa học và trí tuệ.
 Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Đại học Hiroshima
Trong quá trình công tác, tôi may mắn có nhiều cơ hội đi nghiên cứu và học hỏi ở nhiều nước trên thế giới. Những cơ hội đó đã đem lại cho tôi nhiều tri thức, hiểu biết cả trong công tác chuyên môn và cuộc sống.
Cuối năm 2008, qua giới thiệu của Giáo sư Đặng Bá Lãm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và qua kết quả của các hoạt động chuyên môn, tôi được Trường Đại học Hiroshima mời làm Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu giáo dục quốc tế của trường.
PGS.TS Trần Khánh Đức hiện là giảng viên Viện Sư Phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Giáo sư thỉnh giảng Đại học Hiroshima (Nhật Bản); Cựu Sinh viên - Chiến sĩ C2, D1; E 101. F 325 Mặt trận Quảng Trị 1972.
Vượt qua những thách thức về tiếng Anh, về kinh nghiệm làm việc ở một trường đại học lớn, tôi đã hoàn thành 4 chuyên đề nghiên cứu và tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo cao học quốc tế về giáo dục. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu để tôi có cơ hội tìm hiểu trực tiếp về văn hóa và con người xứ sở của Hoa Anh Đào, một đất nước đã vươn lên từ đống tro tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và nay đã trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới.
Rời Hiroshima và Tokyo khi mùa  hoa Anh đào rực nở, tôi lại thầm mơ về viễn cảnh tươi sáng của đất nước mẹ hiền sau nhiều năm chiến tranh khốc liệt, sau nhiều máu xương đã đổ của nhiều thế hệ - trong đó có chúng tôi…
PGS.TS Trần Khánh Đức

Nước Nga với những người lính sinh viên



Bên phần mộ đồng đội LS Lê Văn Huỳnh - sinh viên ĐH Xây dựng.
Tôi chưa từng một lần đặt chân đến nước Nga - một đất nước vĩ đại đã đi vào tâm hồn và cuộc sống chúng tôi từ thủa còn cắp sách qua những trang sách nổi tiếng: Chiến tranh và Hòa bình, Con đường đau khổ, Sông Đông êm đềm, Xa Mạc Tư Khoa, Núi đồi và thảo nguyên, Bông hồng vàng... Một dân tộc vĩ đại, một nền văn hóa vĩ đại đã đi vào tâm thức chúng tôi trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh.
Vào đại học, nước Nga đến với chúng tôi với những giờ học tiếng Nga, những trang tài liệu tham khảo bằng tiếng Nga và những tình khúc nổi tiếng của những chiến sĩ hồng quân gửi gắm tình yêu của mình cho tổ quốc, quê hương, cho người bạn gái ở quê nhà. Những ca khúc Nga này lại cùng chúng tôi lên đường ra trận, khi chúng tôi tạm rời cây bút để lao vào cuộc chiến đấu giải phóng và thống nhất đất nước. Trong chiến hào ngập nước, dưới bom đạn tơi bời, giữa những trận phản kích điên cuồng của kẻ thù, chúng tôi hát cho nhau nghe những ca khúc Nga mang đi từ giảng đường để động viên nhau vững tay súng trước quân thù.
Khi chúng tôi hành quân qua khu vực miền tây Quảng Bình phải vượt một đỉnh dốc cao leo mất non nửa ngày, ai đó đi trước cất cao bài ca "Thời thanh niên sôi nổi" đã giúp chúng tôi phấn chấn hát theo để vượt qua đỉnh dốc ấy.
Sau đêm vượt sông Thạch Hãn về đơn vị, sáng ra khi tôi chui ra khỏi hầm, đập vào mắt tôi một dòng chữ Nga viết bằng than củi lên trên một bức tường đổ còn sót lại, dạng chữ gầy nét đậm, đúng là "chất" của dân kỹ thuật. Vâng, đó là câu nói TỔ QUỐC HAY LÀ CHẾT của các chiến sĩ Hồng quân Xôviết trên chiến hào ở cửa ngõ Mátxcơva tháng 11 năm 1941. 20 năm sau, cũng câu nói đó đã vang lên ở tây bán cầu - trên đất nước Cuba - trước tên khổng lồ láng giềng là nước Mỹ.
Và bây giờ chính tôi thấy hiện hữu câu nói nổi tiếng đó tại chiến tuyến bên dòng Thạch Hãn vào mùa hè 1972. Ai đã viết những dòng này, chỉ có thể là những sinh viên (SV) đại học của một trường kỹ thuật nào đó. Đơn vị tôi khi đó, lớp SV vào trận trước chúng tôi chẳng còn ai, các anh đã hy sinh, đã bị thương và được chuyển ra phía sau.
Tại nam Cửa Việt vào những ngày đầu năm 1973, có một đơn vị xe tăng của ta làm nhiệm vụ trấn giữ cảng. Chiếc xe mang số hiệu 704 nằm trong những xe đó. Kíp chiến sĩ xe tăng này có một người lính vốn là SV của một trường đại học. Vào những lúc mặt trận yên ắng, chàng lính SV này thường dạy cho những người cùng xe học tiếng Nga qua các bảng chỉ dẫn ở các chi tiết trong xe.
Học mãi kiểu này cũng chán, anh ta bèn dạy mọi người hát một bài hát bằng tiếng Nga, đó là bài "Chiều hải cảng". Bài hát về những người lính thủy Xôviết tạm biệt hải cảng và cô bạn gái để lên đường chiến đấu, nội dung rất gần với tâm trạng những người lính tăng đang chốt giữ cảng Cửa Việt.
"Chều xuống, chiều dần buông/ Lặng lẽ trời mờ sương/ Đêm về những âm thanh nghe sao dịu dàng"...
Cứ thế họ cứ cò cử những lời tiếng Nga của bài hát một cách say sưa như những người thủy binh Xôviết bồng bềnh trên boong tàu. Nhưng những phút thanh bình đó trôi đi rất nhanh, kẻ thù rắp tâm chiếm lại cảng Cửa Việt. Cả một lữ đoàn đặc nhiệm thủy quân lục chiến với hơn 100 xe tăng, thiết giáp đã men theo mép biển thọc sâu về phía cảng, nhằm chiếm lại cảng Cửa Việt trước khi ngừng bắn theo Hiệp định Paris.
Những chiếc xe tăng của ta đã tả xung hữu đột trước số lượng tăng áp đảo của địch và họ đã hy sinh, trong đó có chiếc 704. Nhưng cuối cùng, cảng Cửa Việt vẫn được giữ vững.
Người lính tăng SV ấy là người duy nhất còn sống, anh bị thương nặng. Chiến tranh kết thúc, anh trở về trường đại học và cứ đến ngày 30.4 và 22.12 hằng năm, sinh viên của trường thường thấy anh ôm ghi ta trầm ngâm với ca khúc "Chiều hải cảng" để nhớ về một vùng cát trắng Cửa Việt với chiếc tăng 704 thân yêu của mình.
Tháng 10.2010, tôi có dịp đi cùng đoàn cựu chiến binh của Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" từ Tây Nguyên ra dừng chân tại Đồng Hới. Trong đêm giao lưu với địa phương, tôi đã gặp người lính tăng ấy, anh là nhà văn - nhà báo Nguyễn Thế Tường, hiện đang ở Đồng Hới.
Hai đứa chúng tôi, hai người tên là Tường, cùng hát "Chiều hải cảng" và "Bình Trị Thiên khói lửa" để cùng gửi hồn về miền cát cháy nóng bỏng nam Cửa Việt thân thương của một thời tuổi trẻ.
Trong cuộc chiến ác liệt, những sinh viên mặc áo lính vẫn không nguôi ngoai những năm tháng bên lằn ranh sinh tử, nhưng rất hào hùng: “Đồng đội tôi trong chiến dịch 72/ Xương thịt nhiều hơn đất đai Thành Cổ” - họ là những sinh viên, giảng viên của hơn 40 trường đại học ở Hà Nội đã tạm gác bút nghiên để cầm súng. Họ đã có mặt ở chiến trường ác liệt nhất, đó là Quảng Trị.
Lê Xuân Tường - Cựu sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét