Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

CHUYỆN KỂ RÕ NHẤT VỀ WW II 106/2

DANH NGÔN VỀ CHIẾN TRANH:
-Khi thấy lực lượng vũ trang của một đất nước đột ngột lớn mạnh, thì có nghĩa hoặc chính phủ của nó muốn bảo vệ đất nước trước nạn xâm lược, hoặc muốn làm đế quốc, sẵn sàng đi gây chiến tranh xâm lược. Vì không nước nào lại ngốc tới mức nuôi "báo cô" một lực lượng vũ trang hùng mạnh với mục đích chỉ để giết người và phá hoại mà không làm gì khác cả.
- Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Võ Nguyên Giáp
-Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác.
Peace is the virtue of civilization. War is its crime.

Victor Hugo
---------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
                                                   World War II in HD Colour Vietsub tập 2


Thưa thầy, chiến tranh là gì?

img_201402221606062615
Một ngày xế trưa của Saigon lười biếng và thinh lặng. Ngồi cùng với một đứa học trò nhỏ, sinh vào giữa thập niên 90, khi cả hai đang chăm chú đọc tin tức về chuyện quân Nga tràn vào Ukraine. Bất chợt tôi nghe hỏi: “Thầy ơi, chiến tranh ra sao?”.
Đó là một câu hỏi thành thật. Lặng đi trong một giây lát, tôi chợt hiểu rằng không chỉ đứa học trò này, mà còn có hàng triệu thanh niên khác ở xứ Việt vẫn đang ngơ ngác về chiến tranh. Câu chuyện con người dùng vũ khí tiêu diệt nhau, lâu nay, với nhiều người trẻ, có lẽ vẫn chỉ quen những điều ly kỳ từ Hollywood.
Câu hỏi rơi vào những ngày, mà gần 40 năm trước, chung quanh chỗ tôi ngồi, và xa hơn nữa, là đạn bom vô tình. Câu hỏi nhắc rất nhiều thứ về tiếng súng đã ngừng trên quê hương Việt Nam, được đổi lại bằng các vết thương hoà bình không bao giờ thôi mưng mủ.
Vết thương đau đến mức nó cắt lìa hàng triệu linh hồn và niềm tin ra khỏi nhau. Nó làm dị dạng trái tim con người khi cùng nhau cố tập hát bài ca thống nhất. Trong lời hát mong manh đó, tâm linh cũng trở thành một thứ nghệ thuật xếp đặt: có nơi Phật linh thiêng nhờ tiền giấy nhét vào tượng, còn ở nơi khác thì Phật được cấp giấy cư trú khi chia sẻ chỗ nằm với một lãnh tụ cộng sản.
Thật khó mà giải thích chiến tranh ở xứ sở này là gì với một đứa trẻ lớn lên trong thế kỷ  có xã hội được coi là bình yên, có những người cai quản thích miền não phẳng, thích tuân lệnh và thích lịch sử có những đoạn cần phải bị tô đen. Chiến tranh hiện hình bằng tiếng gõ cửa hỏi hộ khẩu, chiến tranh hiện hình là hơi thở dài cam chịu sự khác biệt. Chiến tranh không cần lên đạn báo hiệu, chiến tranh không cần chiến trường.
Đứa học trò im lặng suy nghĩ hồi lâu, lại chợt hỏi “Vậy mình sẽ chọn ai để chống khi chiến tranh xảy ra?”.
À, chiến tranh hôm nay trong mắt đứa học trò của tôi là sự phân vân kẻ thù, người thân. Chiến tranh đến ở đâu, cũng kéo theo sự ngẩn ngơ về chỗ đứng của mình. Không ít người Ukraine bây giờ cũng đang phân vân, trước tiên, là phải nhằm bắn vào kẻ xâm lược hay kẻ phản bội quê hương.
Cảm giác một cuộc chiến tranh thật trên đất nước này cũng rất gần. Chuyện giặc phương Bắc lăm le tràn xuống vẫn là đề tài được bàn tán không ngừng. Đã có người hô lên những điều đó, và cũng đã có người chịu tù đày vì cảnh báo điều đó, dù chỉ là tiếng hát.
Quả thật bi đát nếu có một cuộc xâm lược như vậy từ Trung Quốc, một quốc gia cộng sản từ phía Bắc. Nhưng còn bi đát hơn nữa nếu như có những tên phản bội đang nằm sâu trong lòng dân tộc Việt Nam và giang tay đón kẻ cộng sản xâm lược, không khác gì câu chuyện ở Ukraine.
Tôi chỉ biết gợi ý với chú nhóc học trò rằng, về phần mình nếu phải chọn, tôi sẽ chọn chống kẻ xâm lược trước.
Kẻ thù bên ngoài là mối hoạ lớn nhưng không quá đáng sợ, tổ tiên chúng ta đã dặn. Điều lớn hơn là cuộc chiến tranh trong lòng đất nước và có thể chúng ta có phải sẽ phải giành giật đến chết, đến đời con cháu mới tìm lại được sự tự do trọn vẹn và không còn những vết thương mưng mủ. Lịch sử ngàn năm của đất Việt cũng đã ghi lại nỗi đau nhức này.
Tôi tìm trên internet và nhìn thấy tấm ảnh những người Ukraine tóc đã bạc đang cầm súng, tự biến mình thành dân quân để cản bước quân Nga lẫn những kẻ thân Nga đang bán đứng tổ quốc. Trái tim tôi rúng động: Họ run sợ nhưng không hề muốn lùi bước trước kẻ ác.
Thầy xin lỗi vì đã không thể trả lời con một cách đơn giản, do quê hương chúng mình đầy phức tạp. Thôi thì nếu không may chiến tranh ập đến, chúng ta nên bắt đầu từ việc chống lại kẻ ác.
Và con cũng đừng bao giờ quên, xâm lược một dân tộc hay bán đứng một dân tộc, tất cả đều là kẻ ác.
Tuấn Khanh (Đây là quan niệm lệch lạc về chiến tranh của người viết!)
(03-2014)

Tại sao con người gây ra chiến tranh

Tác giả Myriam Revault d’Allones
Ngôn ngữ Tiếng Việt
Lĩnh vực Phát triển Thiếu nhi
Dịch giả Trúc Đào
Năm xuất bản 2010
Đơn vị xuất bản Tri thức
Giá sách 18.000 đ

Tất nhiên là chúng ta không thích chiến tranh. Không ai muốn gây chiến tranh, chứng kiến và chịu đựng chiến tranh. Tất cả đều biết rằng chiến tranh chỉ đem lại những đau khổ và mất mát, chiến tranh không tránh khỏi gieo cái chết bởi vì mục đích của mỗi bên tham chiến là chiến thắng kẻ thù của mình. Và để “thắng” người ta tìm cách giành được chiến thắng bằng mọi cách: chiến tranh là bạo lực không giới hạn.

Chiến tranh là một kiểu bạo lực - tức là một cách dùng sức mạnh thể chất và tinh thần để ép buộc người khác - nhưng còn có nhiều kiểu bạo lực khác nữa. Chiến tranh không phải là một thứ bạo lực bất kỳ. Đó là một thứ bạo lực không có giới hạn, bởi vì trong thời chiến những người tham chiến, những binh lính có quyền giết kẻ thù của mình. Như vậy là họ được phép làm cái điều mà họ không được phép làm trong thời bình.

Chiến tranh là một hành động bạo lực để buộc kẻ thù phải thực hiện ý chí của chúng ta và chịu khuất phục ý chí đó. Và mỗi bên, mỗi phe đều rơi vào một tình thế giống hệt nhau và hành động với một ý định giống nhau, đây là nguyên nhân dẫn đến những hành động cực đoan, tức sự đấu tranh sống mái.

Khi một cuộc chiến tranh kết thúc, có người chiến thắng và người bại trận. Người chết có thể thuộc về cả bên thắng lẫn bên thua. Người chết không chỉ là binh lính, người tham chiến, mà còn là những người không tham chiến, những dân thường, và trong số họ có trẻ em. Cách nào đó, đây là điều mà ai cũng biết bởi vì hằng ngày chúng ta nhìn thấy qua truyền hình những hình ảnh về chiến tranh: những hình ảnh dữ dội, gây phẫn nộ, và chúng ta có lý khi phẫn nộ, bởi vì không gì tồi tệ hơn là việc tự làm cho mình quen với điều ta không được phép chấp nhận, với cái không thể chấp nhận.

Như vậy, tất cả mọi người đều nhất trí vấn đề trên - chúng ta không thích chiến tranh: chúng ta yêu hòa bình hơn, chúng ta thích chung sống với những người khác, chuyện trò với họ, tranh luận - cho dù chúng ta bất đồng với nhau và bởi vì chúng ta bất đồng với nhau, có thể đến trường bình thường, dựng xây những thành phố, sinh sống tại đó, đi du lịch và không phải sống trong mối đe dọa của bom đạn.

Cho nên câu hỏi mà chúng ta lập tức muốn đặt ra là: liệu con người có thể ngừng gây chiến hay không? Tại sao con người không thôi đánh nhau để vĩnh viễn sống trong hòa bình? Liệu chúng ta có thể nghĩ ra một thế giới không có chiến tranh?

Nhưng trước hết hãy trở lại câu hỏi và cách câu hỏi này được đặt ra: “tại sao con người gây ra chiến tranh?”.

Câu hỏi “tại sao” là câu hỏi của triết học và đồng thời cũng là câu hỏi được mọi trẻ em đặt cho người khác và tự đặt cho chúng. Tại sao bầu trời lại màu xanh? Tại sao trời lại có mây? Tại sao lại có cái gì đó thay vì không gì cả? Tại sao con người lại phải chết?

Giữa nhà triết học và trẻ em có tồn tại một sự đồng lõa rất kín đáo. Người lớn và trẻ em đặt cùng những câu hỏi như nhau và hầu như dưới hình thức giống hệt nhau: tại sao sự vật lại như chúng đang là? Do đâu mà có cái này hay cái kia? Tại sao chúng ta lại làm điều này chứ không phải điều khác? Rắc rối nằm ở chỗ đây là những câu hỏi không phải bao giờ chúng ta cũng có thể trả lời được. Bất luận thế nào, chúng ta không thể bao giờ cũng trả lời bắt đầu bằng “bởi vì là”.

Và thực tế là triết học đặt câu hỏi “tại sao?” nhưng không bao giờ trả lời bằng “bởi vì là”. Trái lại, trong triết học người ta suy tưởng rằng trả lời “bởi vì là” là phản triết học. Các bậc cha mẹ cũng vậy, khi đã hết cách thì họ rốt cuộc trả lời bằng “bởi vì là” hoặc “bởi vì nó là như thế”. Họ chẳng biết phải nói gì nữa: không chỉ bởi vì họ thấy bị quấy rầy, họ không có thời gian hay họ phải đi chợ v.v... Mà trên hết là bởi vì họ không có câu trả lời. Cả triết học cũng không có câu trả lời: đây là một lý do khiến người ta thường khẳng định rằng triết học chẳng “dùng” vào việc gì cả. Nhưng điều quan trọng là đặt câu hỏi và đặt câu hỏi cho đúng, hoặc giả ít nhất là cố gắng đặt câu hỏi cho đúng: thế cũng đã là rất khó rồi. Vả lại có khi trong lúc suy nghĩ thì người ta có thể nhận ra rằng bản thân các câu hỏi đã được đặt sai và vì thế mà ta không thể trả lời chúng. Vậy thì chúng ta phải đặt câu hỏi của mình theo cách khác.

***

 

CÁC CÂU TRÍCH TRONG TÁC PHẨM

 

Chẳng ai mất trí đến nỗi yêu chiến tranh hơn hoà bình.

Hérodote

 

Nếu hai người cùng muốn một vật, khi đó không thể cả hai cùng có được vật đó,

họ trở thành những kẻ thù địch: và trong khi theo đuổi mục đích này

thì mỗi người đều ra sức phá hoặc át người kia.

Hobbes

 

Loài cá bị quyết định bởi bản tính của chúng là phải ăn và những con cá lớn hơn

thì ăn những con cá bé; kết quả là loài cá sống tự do dưới nước

và những con cá lớn hơn thì ăn những con cá bé hơn...

Spinoza

 

Không có chiến tranh giữa con người với con người,

chỉ có chiến tranh giữa nhà nước với nhà nước.

Rousseau

 

Không có những phẩm tính thuộc về tính chất phi xã hội này, dĩ nhiên bản thân những phẩm tính này ít gây thiện cảm, thì những tài năng [của con người] sẽ mãi mãi bị chôn vùi, mãi ở trong tình trạng phôi thai, trong môi trường cuộc sống của nhũng mục đồng xứ Arcadie, trong một sự hòa hợp, sự thỏa mãn và một tình yêu thương lẫn nhau tuyệt vời; con người, dịu dàng như những con cừu mà họ chăn dắt, chẳng mang lại cho cuộc sống nhiều giá trị hơn là bầy gia súc của họ.

Kant

 

Giống như một đám cháy phi thường bỗng bùng lên dữ dội nơi thung sâu giữa núi rừng khô héo. Chốn thâm u khu rừng cháy lên và gió từ bốn phương thổi tung ngọn lửa. Cũng như thế, Achille lao lên như một vị thần, tay cầm ngọn giáo nhảy xổ vào những kẻ chịu trận. Máu chảy thành dòng trên mặt đất đen. Lòng chàng chỉ còn nghĩ đến giết. Tiếng than vãn vang lên từ đống thân thể người đã nhận mũi kiếm của chàng. Máu đỏ thành dòng.

Homère

 

 

Không gì ngụy trang nổi sự tàn nhẫn lạnh lùng của những sự kiện trong chiến tranh, bởi vì kẻ thắng cũng như kẻ bại đều không được cảm phục, cũng chẳng bị khinh bỉ hay căm ghét. Số phận và thần thánh quyết định hầu như sự may rủi bất định của những trận đánh … về phần những quân nhân, những sự so sánh khiến họ hiện ra, dù họ là người thắng hay bại, như là những con vật hay những vật vô tri vô giác chẳng thể gợi nên cảm xúc ngưỡng mộ cũng như khinh bỉ, mà chỉ gợi sự hối tiếc rằng con người sao lại có thể bị biến đổi đến như vậy.

Simone Weil

****

 

MỤC LỤC
Đặt câu hỏi về chiến tranh như thế nào?
Chiến tranh và tình trạng văn minh,
chiến tranh và tình trạng dã man
Phải chăng mọi cuộc chiến tranh đều như nhau?
Phải chăng mọi cuộc chiến tranh đều là phi nghĩa?
Hay là có những cuộc chiến tranh chính nghĩa và có những cuộc chiến tranh phi nghĩa?
Bảng chỉ mục

Bàn về chiến tranh - Jiddu Krishnamurti

Bài viết được trích lược từ trang 96 -> 104 quyển "Nhật ký cuối cùng" (Thứ năm, 31 tháng 3 năm 1983) do Thích nữ Tuệ Dung dịch - NXB Phương Đông. Loạt bài viết trong đây không hề có tiêu đề, tiêu đề trên xin được mạn phép gán theo tư kiến. [N.D.H]



Bàn về chiến tranh - Jiddu Krishnamurti

Toàn thể quốc gia là hội trường cho những phát biểu về chiến tranh hạt nhân, người ủng hộ kẻ chống đối. Những chính trị gia bàn chuyện bảo vệ, nhưng có sự bảo vệ nào đâu, hay chỉ là chiến tranh, là sự tiêu diệt hàng triệu con người. Đấy là một tình huống khó khăn, một vấn đề lớn lao mà con người phải đương đầu. Phe này đòi phát triển và bành trướng theo cách của họ, trong khi phe khác lại công kích bằng cách mua bán vũ khí, đặt để những lý thuyết áp bức và xâm chiếm đất đai.

Bây giờ con người tự đặt một câu hỏi mà đáng lẽ họ phải đề ra từ bao nhiêu năm về trước. Suốt cuộc đời, con người luôn chuẩn bị chiến tranh. Sự chuẩn bị cho cuộc chiến này bất hạnh thay lại là khuynh hướng tự nhiên của con người. Sau khi trải qua bao nhiêu thăng trầm, con người tự hỏi bây giờ ta phải làm gì. Trách nhiệm của ta trước vấn đề mà ta luôn phải đương đầu là gì? Đây mới chính là câu hỏi thật sự dành cho nhân loại, chứ không phải suy tính chế tạo những vũ khí tối tân. Bao giờ cũng thế, cứ sau cơn khủng hoảng ta mới tự hỏi phải làm gì. Trước tình trạng như hiện nay, những chính trị gia và quần chúng sẽ quyết định nhân danh niềm tự hào quốc gia hay chủng tộc, nhân danh quê cha đất tổ cùng những khái niệm tương tự.

Câu hỏi được đặt ra quá trễ. Cho dù các phương cách có được tức tốc đưa ra đi nữa, thì vấn đề thật sự của chúng ta là: có thể nào chấm dứt tất cả hiềm khích, chứ không chỉ chấm dứt cuộc chiến này hay tranh chấp nọ, cho dù đấy là chiến tranh hạt nhân hay cổ điển? Ta cũng cần có ý thức để tìm ra nguyên nhân của chiến tranh. Khi chưa tìm ra nguyên nhân để giải quyết, thì chúng ta vẫn còn bị kẹt vào thói cũ là tiếp tục đường lối chiến tranh cổ điển hay hạt nhân, và con người sẽ tiêu diệt lẫn nhau.

Chúng ta hãy họp nhau lại để đặt vấn đề nguyên nhân sâu xa căn bản của mọi cuộc chiến tranh. Ta phải tìm cho ra những nguyên nhân căn đế chứ không phải những nguyên nhân bịa đặt, sặc mùi lãng mạn, yêu tổ quốc hay gì gì đó. Ta phải hiểu lý do vì sao con người sắp đặt các cuộc tàn sát hợp pháp. Khi ta còn chưa tìm ra câu trả lời thì chiến tranh cứ còn tiếp diễn. Nhưng ta đã không coi trọng vấn đề này, ta không để hết tâm trí vào việc tìm kiếm nguyên nhân. Ngoài cái đang xảy ra bây giờ, cái tranh chấp hiện tiền, nỗi khủng hoảng đương thời, ta không thể nào cùng nhau tìm ra những nguyên nhân thật sự của mọi chiến tranh, đưa chúng ta ánh sáng để giải trừ chúng hay sao? Muốn làm thế ta cần phải tha thiết tìm cho ra sự thật.

Câu hỏi quan trọng là, đâu là nguyên nhân của sự chia rẽ - người Nga, người Mỹ, người Anh, người Pháp, người Đức, v.v. Tại sao phải chia rẽ người với người, dòng giống với giống nòi, văn hóa với văn hóa, lý thuyết với lý thuyết? Tại sao? Tại sao lại có sự chia rẽ? Người ta đã chia đất đai phân biệt xứ sở của anh, xứ sở của tôi, vì sao đây? Phải chăng vì một thứ mà ta nghĩ là sẽ bảo vệ mình, đem lại an ổn cho mình, tức sự bám víu vào một nhòm riêng biệt, vào một niềm tin, một tín ngưỡng? Nhưng các tôn giáo cũng đã chia rẽ chúng ta, cũng đã khiến con người chống lại nhau, nào là những người Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do-thái, v.v. Chủ nghĩa quốc gia và lòng yêu nước chỉ là một hình thức biểu dương và tự tôn của hệ thống bộ lạc. Cộng đồng các ngôn ngữ, các khuynh hướng, các hệ thống chính trị và tôn giáo đều hiển lộ tính sở hữu trong tất cả các bộ tộc dù lớn dù nhỏ. Ấy thế mà người ta lại cảm thấy được an ổn, được bảo vệ, được hạnh phúc, được vỗ về. Và để có được niềm an ổn, chỗ nương tựa ấy, con người sẵn sàng giết người khác -  những con người cũng như chính họ, đang thèm được bình an, được bảo vệ, được thuộc về một cái gì. Nỗi ao ước mãnh liệt phân chia con người thành đoàn nhóm cùng một màu cờ, cùng một nghi thức tôn giáo v.v... đã gây cho chúng ta cái cảm giác muốn có gốc có nguồn để khỏi trờ thành những kẻ không nhà lang thang. Ai cũng muốn tìm kiếm cội nguồn của mình cả.

Chúng ta cũng đã chia thế giới thành những khu vực kinh tế với tất cả những rắc rối của chúng. Công nghiệp nặng có lẽ là một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh. Khi công nghiệp và kinh tế liên hệ chặt chẽ đến chính trị, thì chúng chỉ còn có thể duy trì một sinh hoạt riêng biệt hầu bảo tồn sức mạnh của chúng. Hầu hết các quốc gia mạnh hay yếu đều phải làm như thế. Những tiểu quốc được các cường quốc trang bị vũ khí. Việc này được làm âm thầm cho một số quốc gia này và công khai cho một số quốc gia khác. Tất cả những sự khốn cùng, thống khổ và lãng phí khủng khiếp và vũ khí phải chăng bắt nguồn từ niềm kiêu hãnh, nỗi tham vọng thắng lướt các quốc gia khác?

Đây là phần đất của chúng tôi chứ không phải của các anh, của tôi chứ không phải của nó. Chúng tôi có mặt ở đây để sống và giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải để hại nhau. Đây không phải là một tư tưởng lãng mạn, mà là một thực tế. Thế nhưng con người đã phân chia đất đai với hy vọng tự mình tìm thấy bình an hạnh phúc, một niềm vui lâu dài. Bao lâu chưa có sự thay đổi căn bản xóa bỏ các quốc gia, các lý thuyết và các chia rẻ tôn giáo để lập nên mối liên hệ khắp toàn cầu - trước nhất về nội tâm và tâm lý, rồi đến hình thức bên ngoài - thì chúng ta cứ còn tạo ra chiến tranh. Nếu bạn làm người khác đau, nếu bạn giết họ vì sân si hay do sắp đặt gọi là chiến tranh, thì tức là bạn - người đại diện cho nhân loại chứ không phải một cá nhân riêng biệt - đã gây chiến với những người còn lại, và thế là bạn tự hủy hoại mình.

Đây là vấn đề chính, vấn đề nòng cốt mà ta cần hiểu và giải quyết. Bao lâu chúng ta còn chưa dấn mình vào việc xóa bỏ sự phân chia quốc gia, kinh tế và tôn giáo thì ta còn kéo dài cuộc chiến và còn phải chịu trách nhiệm về tất cả các hình thức chiến tranh dù hạt nhân hay cổ điển.

Đây là một câu hỏi thật quan trọng và khẩn cấp: con người, tức là bạn, có thể nào tự mình dẫn dắt sự thay đổi ấy, chứ không phải nói là: "Nếu tôi thay đổi thì có gì xảy ra không? Có tí hiệu quả nào không, hay chỉ như một giọt nước rơi vào biển cả? Thay đổi để làm gì?" Đây là một câu hỏi sai lầm, nếu ta được phép nói vậy. Câu hỏi sai vì bạn là người của nhân loại. Bạn là thế gian, không tách khỏi thế gian. Bạn không phải là người Mỹ, người Nga, người Ấn hay người Hồi. Bạn không lệ thuộc và những nhãn hiệu và ngôn từ ấy, bạn là người của nhân loại vì ý thức và hành động của bạn giống như ý thức và hành động của tất cả mọi người. Có thể bạn nói một ngôn ngữ khác, sống theo một phong tục khác, đấy là nền văn hóa cạn cợt - hình như tất cả các nền văn hóa đều vậy - nhưng ý thức, hành động, đức tin, niềm tin, lý thuyết, mối sợ hãi và cơn khắc khoải, nỗi cô đơn, nỗi buồn và niềm vui của bạn đều giống như của nhân loại. Sự thay đổi của bạn sẽ kích động toàn thể nhân loại.

Trong sự tìm kiến nguyên nhân chiến tranh, ta cần xem xét sự kiện này. Chiến tranh chỉ có thể được hiểu rõ và được trừ khử một khi chính bạn và tất cả những ai lo lắng về sự sống còn của con người, đều cảm thấy mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự tàn sát kẻ khác. Cái gì làm bạn thay đổi và ý thức được tình trạng kinh khủng mà ta đã gây ra hiện nay? Cái gì làm bạn gạt qua mọi phân chia tôn giáo, quốc gia hay đạo đức? Cần thêm đau khổ chăng? Nhưng đau khổ đã tiếp diễn từ bao nhiêu ngàn năm mà con người có thay đổi chút nào đâu; họ vẫn cứ lệ thuộc vào một truyền thống ấy, với kiểu sống bộ lạc, phân chia tôn giáo thành "Thượng đế của tôi" và "Thượng đế của anh".

Các Thượng đế và những người nhân danh Thượng đế đều là những sáng kiến của tư tưởng; họ không có thật trong đời sống hàng ngày. Phần lớn các tôn giáo đều tuyên bố là tội lỗi lớn nhất là giết hại con người. Người Ấn giáo và Phật giáo đã nói điều này trước người Thiên chúa giáo rất lâu. Ấy thế mà dù có tin Chúa hay tin vào một đấng cứu rỗi nào, con người vẫn cứ tiếp tục sát sanh. Bạn có thay đổi nếu được thưởng lên thiên đang hay bị đọa xuống địa ngục không? Điều này cũng đã được ban tặng cho con người. Và cũng đã thất bại. Không có một quyền lực bên ngoài nào, như các bộ luật hay các hệ thống chẳng hạn, ngăn trở được con người tàn sát lẫn nhau. Các cuộc chiến cũng sẽ không dược trừ khử bởi những tín ngưỡng tri thức hay lãng mạn. Chúng chỉ chấm dứt khi chính bạn cũng như toàn thể nhân loại nhận ra rằng tất cả các hình thức chia rẽ đều làm nhân cho hiềm khích. Điều này sẽ lan rộng hay bị thu hẹp lại, nhưng mối bất hòa và nỗi đau đớn chắc chắn sẽ có mặt. Do đó bạn phải chịu trách nhiệm không những với những đứa con của bạn mà của tất cả nhân loại nữa. Khi mà bạn còn chưa hiểu điều này thật rõ ràng chứ không phải qua ngôn từ, bằng ý tưởng hay bằng nhận thức đơn giản, khi mà bạn không thấm thía điều này vào tận xương tủy, vào lối nhìn về cuộc đời, vào hững hành động của mình, thì bạn vẫn cứ duy trì cuộc tàn sát có tổ chức gọi là chiến tranh. Trước mối nguy cấp này, sự nhận thức quan trọng hơn là câu trả lời.

Thế giới này bệnh hoạn quá và không có một quyền năng nào ở ngoài để giúp đỡ. Chỉ có bạn mà thôi. Chúng ta đã có những nhà lãnh đạo, những chuyên gia, đủ loại viên chức bên ngoài, có cả Chúa nữa: nhưng không có một hiệu quả nào cả; những vị này không ảnh hưởng tí nào đến trạng thái tâm lý của chúng ta. Họ không thể hướng dẫn ta. Không một nhà chức trách hay một bậc thầy nào có thể làm bạn tăng sức mạnh nội tâm, hay ban cho bạn một tâm lý chững chạc hoàn toàn. Khi bạn còn chìm đắm trong mớ rối ren thì nhà của bạn không được gìn giữ đàng hoàng, bạn phải tạo nên một nhà tiên tri từ bên ngoài, nhưng nhà tiên tri này lại luôn làm bạn lạc hướng. Nhà của bạn bừa bãi quá và không có ai trên trái đất hay trên trời có thể sắp xếp nó lại cho ngăn nắp. Khi mà bạn còn chưa hiểu bản chất của rắc rối, bản chất của hiềm khích và chia rẽ, thì chính bản thân bạn luôn bị lộn xộn, nghĩa là luôn ở trong chiến tranh.

Điều cần biết không phải là xem quốc gia nào mạnh nhất về vũ khí, mà là thấy rằng con người chống lại con người. Con người ấy đã dựng lên những lý thuyết chống trái nhau. Bao lâu những tư tưởng, lý thuyết ấy còn tồn tại và con người chưa gánh lấy trách nhiệm về người khác, thì không có hòa bình thật sự trên đời.

Tại sao Mỹ phải thường xuyên tiến hành chiến tranh?

Tôi là người khách quan, không thích Mỹ và cũng không ghét Mỹ nhưng tôi lại quan tâm đến cuộc tranh luận này hoàn toàn vì những yếu tố kinh tế chứ không phải những yếu tố chính trị. Vì thế tôi có một số thắc mắc như sau đối với các bài viết của các bạn cho rằng, Mỹ phải thường xuyên tiến hành chiến tranh để kích thích sự tăng trưởng kinh tế của mình.

Người gửi: Trần Hải
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: vài góp ý
Mấy ngày hôm nay, tôi theo dõi sát sao các cuộc tranh luận của các bạn trên diễn đàn về chủ đề: "Vai trò của TT Bush và nền kinh tế Mỹ". Tôi nhận thấy, có hai luồng ý kiến. Thứ nhất, một số bạn cho rằng, nền kinh tế Mỹ phải gắn liền với chiến tranh, nghĩa là chiến tranh là yếu tố chính để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển. Thứ hai là sự phản bác mạnh mẽ của một số bạn. Tuy tôi là người khách quan, không thích Mỹ và cũng không ghét Mỹ nhưng tôi lại quan tâm đến cuộc tranh luận này hoàn toàn vì những yếu tố kinh tế chứ không phải những yếu tố chính trị, vì thế tôi có một số thắc mắc như sau đối với các bài viết của các bạn cho rằng, Mỹ phải thường xuyên tiến hành chiến tranh để kích thích sự tăng trưởng kinh tế của mình.

- Khi Mỹ tiến hành chiến tranh, tôi đồng ý là họ phải chi tiêu để mua sắm vũ khí giúp các nhà công nghiệp quốc phòng có đơn đặt hàng kéo theo các ngành liên quan khác phát triển và kết quả là tạo công ăn việc làm và kinh tế phát triển. Nhưng tôi có thắc mắc là công nghiệp quốc phòng của Mỹ chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm GDP để nó có thể tác động đến toàn nền kinh tế đang suy thoái, có bạn nào cung cấp số liệu kinh tế này của Mỹ và so sánh với các nền kinh tế lớn khác nhu Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp? Tôi vừa đọc được rằng, TQ đã chi 70 tỷ dollar cho quốc phòng trong năm tài chính 2002, như vậy với GDP là 1.350 tỷ USD thì TQ đã chi khoản 5% cho quốc phòng trong khi Mỹ chi 320 tỷ USD cho quốc phòng trên GDP là 11.000 dollar thì tỷ lệ này là xấp xỉ 3%, như vậy ta thấy chi phí quốc phòng tác động vào nền kinh tế TQ lớn hơn Mỹ. Như vậy ta thấy nhiều nước có tỷ lệ chi phí cho quốc phòng còn lớn hơn Mỹ và ta có nhất thiết cho rằng sản xuất vũ khí là yếu tố quyết định của nền kinh tế Mỹ hay không?

- Tại sao người Mỹ cứ phải chăm bẵm vào việc gây chiến tranh để kích cầu, trong khi họ hoàn toàn có thể đầu tư vào các ngành khác cũng có khả năng tạo việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất liên quan phát triển theo rồi tạo đà cho toàn bộ nền kinh tế? Kinh tế Mỹ đâu chỉ phải có công nghiệp quốc phòng? Và thực tế là Mỹ đã phát minh và sản xuất ra hàng loạt sản phẩm mà ta đang sử dụng, chẳng hạn chiếc máy tính là phương tiện mà các bạn đang giao lưu trên Internet cũng là sản phẩm của nước Mỹ phát minh. Nếu họ dùng tiền đầu tư vào ngành công nghệ cao thì họ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao và sẽ đem nhiều lợi nhuận cho nuớc Mỹ hơn là phải đi gây chiến tranh vừa làm nước Mỹ mang tiếng ác và lính Mỹ phải thiệt mạng?

- Nếu chiến tranh và tiêu thụ vũ khí là phương cách hữu hiệu nhất để thúc đẩy kinh tế phát triển thì thế giới này quá nguy hiểm, bởi vì không chỉ có Mỹ mà các nước khác như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật sẽ noi theo và thế giới sẽ đi đến Thế chiến Thứ tư.

- Nếu chọn cách tiêu thụ vũ khí để kích cầu nền kinh tế phát triển thì chính phủ Mỹ cứ việc bỏ tiền ra chế tạo vũ khí rồi đem tiêu hủy và nói với dân Mỹ rằng đây là một biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế và chắc chắn dân Mỹ sẽ chấp nhận và nước Mỹ khỏi phải đi gây chiến tranh.

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ
CHIẾN TRANH VÀ XUNG ĐỘT 
Tác giả: Polgolle Kusala Dhamma | Trung Hữu lược dịch
chientranhhoabinh_phatgiaoThỉnh thoảng người ta nghĩ rằng Phật giáo ra đời cách nay 2600 năm thì làm sao giáo lý của tôn giáo ấy có thể áp dụnggiải quyết những vấn đề hiện tại. Nhưng khi chúng ta thấy rằng những nguyên nhân của tất cả các rắc rối của xã hội ngày này đều bắt nguồn từ những tư tưởng ô nhiểm của con người thì Phật giáotôn giáo duy nhất có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo để loại trừ những ô nhiểm ấy và làm cho đầu óc họ trở nên trong sáng và bình yên hơn.

Một hiểu lầm nữa về Phật giáo là một số người  nghĩ rằng Phật giáo không liên hệ gì đến đời sống thế tục, mà nó chỉ dành cho những người xuất gia. Nhưng nếu xem xét kỹ lời dạy của đức Phật thì ta thấy rằng chúng liên hệ với nhau rất mật thiết. Cách sống của chư tăng ni có thể cung cấp một mẩu mực lý tưởng mà người tại gia có thể học tập tùy theo khả năng của họ. Thế nào là đời sống lý tưởng của chư tăng ni? Về điều này không ít người đã hiểu lầm. Vào thời đức Phật, một Bà la môn đã nói với con gái ông khi cô gái muốn gia nhập tăng đoàn, rằng, chư tăng là những người lười biếng và không làm gì cả.  Họ chỉ sống dựa vào sự ủng hộ của người khác nhưng lại sống một cuộc sống hết sức thoải mái về vật chất. Tại sao con thích họ chứ? Cô gái đã trả lời rằng: “Chư tăng là những người thích làm việc và họ không hề lười biếng. Họ làm việc một cách thích đáng. Họ loại trừ sự tham lam và thù hận. Vì thế con thích họ”. Người ta nên hiểu bản chất thực của Phật giáo và những người theo đạo Phật thì họ mới hiểu được khả năng của Phật giáo trong việc ngăn chặn và giải quyết các vấn nạn của thế giới ngày nay.

Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cuộc sống bình ổn. Ngài luôn luôn hướng dẫn con người ta hướng đến sự hòa bình. Niết Bànmục đích tối cao của tất cả người con Phật. Nơi đó được cho là “con đường thánh thiện và bình yên nhất”. Khi đức Phật còn là một vương tử trẻ, Ngài đã từ bỏ con đường mà có thể dẫn đến chiến tranh và xung đột để đi tìm con đường có thể đem đến hạnh phúc tối cao cho tất cả chúng sanh.

Trong thế giới hiện tại, sở dĩ có chiến tranh và xung đột là do những nguyên nhân sau đây:

1.     Tham sân si
2.     Thiếu hiểu biết
3.     Kinh tế và Chủ nghĩa vật chất
4.     Sự nghèo khổ
5.     Cuồng tín
6.     Quan điểm chính trị

Chiến tranh sinh ra những vấn nạn về kinh tế và xã hội một cách nghiêm trọng cho mỗi quốc gia. Người ta phải chi tiền cho quân đội, quân nhu và đủ loại vũ khí như tên lửa, súng đạn cũng như các loại bom đạn khác nhau... Ngoài sự tốn kém về tiền bạc, chiến tranh còn hủy diệt tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như mạng sống con người. Gia đình tan nát, đạo đức ngã nghiên với các loại trộm cướp, hiếp dâm. Lương thực thì thiếu thốn, bịnh dịch thì tràn lan, cảnh màn trời chiếu đất xảy ra khắp nơi. Những cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra ở các nước đều cho ta thấy một bức tranh giống nhau như thế. Tiền bạc thay vì đem đi phục vụ cho chiến tranh, chúng sẽ tốt hơn nếu được dùng vào các công ích xã hội như xây nhà cửa cho người nghèo, đầu tư giáo dục cũng như phát triển các phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nếu quan sát kỷ những  nguyên nhân của chiến tranh và xung đột thì chúng ta có thể thấy rằng, chúng đều bắt nguồn từ những hành động như cướp đất, xăm phạm biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cuồng tín, tham vọng chính trị hoặc là để trả thù...

Ngăn chặn chiến tranh và xung đột là nguyện vọng của tất cả mọi người. Đối với những vấn đề mang tính chất toàn cầu hiện nay, Phật giáo đã đưa ra những lời khuyên thích hợp nhất để ngăn chặn chiến tranh và xung đột. Ví dụ như trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: Oán thù không thể dập tắt được oán thù, mà chỉ có tình thương mới dập tắt được oán thù mà thôi. Tất cả chúng ta nên có thái độ như thế mà đừng nghĩ đến việc báo thù. Đức Phật luôn luôn khuyên hàng phật tử nên có thái độ hài hòa với người khác vì điều đó dẫn đến sự an lạc từ bên trong mỗi người.

Phật giáo chủ trương không bạo lực. Tín đồ của tất cả các tôn giáo đều có thể áp dụng điều này. Lời Phật dạy cho việc ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh và xung đột ở cả hai phương diện, bên trong ý thức con người và bên ngoài xã hội. Một vài tác phẩm sau này đã đưa ra những ý kiến không phù hợp lắm với những gì đức Phật thật sự dạy. Ví dụ như những câu chuyện về tiền thân đức Phật được biên soạn vào giai đoạn Kurunagala ở Sri Lanka thế kỷ thứ 13. Theo đó, trong một vài câu chuyện, bồ tát được diển tả như những chiến binh. Tùy theo thời gianhoàn cảnh mà các tác giả đó đã cố tình tạo ra hình ảnh bồ tát như những vị vua hoặc tướng lĩnh để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xăm. Tuy nhiên đức Phật dạy rằng người nào tham dự vào chiến tranh và xung đột thì họ sẽ rước lấy sự bất hạnh to lớn. Trong King Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy rằng: “Anh ta là người hòa giải, người mà ở trong tình trạng xung đột có thể khuyến khích người khác đoàn kết, hòa hợp, thụ hưởng hòa bình, yêu hòa bình, vui với hòa bình, anh ta là một người, người mà luôn nói lời ca ngợi sự hòa bình. Từ bỏ sát sanh, bật tu hành Gotama kiềm chế việc sát sanh, Ông ấy sống không có sử dụng gậy và gươm, sống với sự quan tâm, từ áithông cảm người khác.”
Theo gương đức Phật, người phật tử đề cao lối sống đạo đức. Họ không bao giờ làm hại người khác, cướp bóc hay tướt đoạt của người khác thứ gì. TrongTrung Bộ Kinh, đức Phật dạy có hai nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và xung đột, đó là tham áiđam mê khoái lạc giác quan.  Xem xét nguyên nhân của những cuộc chiến tranh và xung đột trước đây cũng như hiện tại, ta thấy rằng, tham ái và những nhu cầu vật chất chính là những nguyên nhân chính của những cuộc chiến tranh và xung đột đó. Đức Phật giải thích rằng người nào có khả năng làm chủ các giác quan và loại trừ tham ái thì anh ta sẽ không có khuynh hướng đấu tranh hay hay hảm hại kẻ khác, ức hiếp hay lạm dụng, trộm  cắp hay tướt đoạt tài sản của kẻ khác.

Trong lời dạy của mình, Đức Phật chú trọng đến nguyên nhân của xung đột.  Phật giáo không đánh giá cao những giải pháp tạm thời. Bởi vì nếu như những nguyên nhân của chiến tranh và xung đột không được gở bỏ vĩnh viễn thì chiến tranh và xung đột sẽ lại tiếp diễn lần sau và lần sau nữa.

Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử HốngKinh Cứu La Đàn Đầu nêu ra một khía cạnh khác của chiến tranh và xung đột. Đó là sự tranh giành tài nguyên thiên nhiêntài sản vật chất. Khi con người ra sức gom góp của cải thì xãy ra sự tranh giành giữa người này với người kia, nhóm này với nhóm kìa và nước này với nước khác. Sự tranh giành dần dần dẫn đến xung đột, chiến tranh. Vì thế mà Phật giáo khuyên con người nên nghĩ đến sự vô thường của vật chất. Khi người ta thấy được tính chất phù du của vật chất thì người ta có thể đi ra ngoài những cuộc tranh giành khốc liệt.

Trong Kinh Đế thích Sở Vấn, vua trời Đế Thích đến hỏi Phật rằng, các vị trời và loài người luôn luôn muốn sống hài hòa với nhau nhưng tại sao họ cứ phải gây gổ và đấu tranh với nhau không dứt? Đức Phật giải thích rằng có hai yếu tố tâm lý làm phát sinh xung đột. Đó là ganh tỵbủn xỉn. Tâm lý muốn vơ vét nhưng lại không chịu đựng được khi thấy người khác hơn mình chính là nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh và xung đột.

Theo đức Phật thì các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn xung đột và chiến tranh. Một nhà lãnh đạo tốt, có trách nhiệm sẽ lãnh đạo đất nước sống trong hòa bình. Nhưng khi đất nước được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo không chính trực thì đất nước đó thế nào cũng rơi vào tình trạng bi đát. Cho nên trongTăng chi Bộ Kinh đức Phật dạy rằng: Cũng như con bò đầu đàn đi bậy thì các con bò khác đi bậy theo, một người lãnh đạo đối xử với người khác không đứng đắn thì những người dưới họ cũng làm như vậy. Một nhà lãnh đạo tồi sẽ chối bỏ trách nhiệm sau khi ông ta đẩy tất cả mọi người vào trong chổ nguy hiểm. Vì thế, một nhà lãnh đạo tốt nên hướng dẫn mọi người đi theo con đường chân chính.

Khao khát và kiêu căng cũng là nguyên nhân của chiến tranh và xung đột. Trong lich sử loài người, con người tạo ra chiến tranh và xung đột để bảo vệ sự kiêu căngtham vọng của họ. Đức Phật khuyên người phật tử nên loại trừ sự kiêu căng như thế ra khỏi cuộc sống của họ. Nhiều cuộc xung đột xã hội, nội chiến, đấu tranh vũ trang nổi lên là do sự lãnh đạo yếu kém của các nhà lãnh đạo. Đức Phật khuyên các nhà lãnh đạo nên tránh bốn khuynh hướng. Đó là cảm tình thiên vị, thù hận, sợ hãiảo tưởng. Nhà lãnh đạo không nên quan tâm đến vấn đề như giới tính, tầng lớp xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc... của đối tượng khi họ sắp quyết định một vấn đề. Nói cách khác, quyết định của họ không nên bị chi phối bởi những yếu tố trên.

Bởi vì tham áiý tưởng trả thù mà chiến tranh và xung đột khởi lên liên miên. Đức Phật đề cập đến một nguyên nhân khác của chiến tranh. Đó là có một số người cho rằng bản thân họ, tôn giáo họ hay quốc gia họ cao nhất, còn những người khác, tôn giáo khác, quốc gia khác thì thấp hơn. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú rằng: Kẻ thắng thì bị thù ghét, người thua thì sống trong đau buồn. Cả hai phía đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Kinh Cullabodhi Jakata nói rằng lòng hận thùý muốn trả thù tiêu diệt cuộc sống con người. Cũng như hai cây gậy đập vào nhau, lửa tóe ra tiêu diệt cả hai cây. Theo Phật giáo thì trong chiến tranh, không có ai là kẻ thắng cuộc cả. Thay vào đó, Đức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự thắng mình trước những ô nhiểm của chính bản thân mình.

Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy rằng, chiến thắng được dục vọng của mình thì vĩ đại hơn thắng ngàn kẻ thù bên ngoài. Ngài luôn luôn khuyên chúng ta là hãy nhìn thấy lỗi của mình thay vì đi tìm lỗi của người khác. Bởi vì khi người ta thấy lỗi của người khác thì xung đột bắt đầu. Đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta nên suy tư về bản thân mình để loại bỏ những khuyết điểm của bản thân. Có một lần nọ, khi đức Phật đang ngồi thiền dưới một gốc cây thì một nhóm thanh niên đến hỏi Ngài rằng, Ngài có thấy một phụ nữ đi ngang qua không, thì đức Phật trả lời rằng: Đừng có nghĩ đến những gì người khác làm hay không làm, mà hãy nghĩ về những gì mình đã làm hay chưa làm.

Thông thường , người ta hay đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho kẻ khác mà không thấy lỗi và trách nhiệm của mình. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột. Cho nên đức Phật khuyên chung ta nên xác định trách nhiệm của mình và đối xử tốt với người khác. Ngài khuyên chúng ta hãy trãi lòng từ, thậm chí đối với kẻ thù. Trong king Ví Dụ Cái Cưu thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật đã khen ngợi tính kiên nhẫn của một vị tăng khi vị này đã trãi lòng từ cho những tên cướp dù chúng đã cắt đi một phần cơ thể của vị tăng và làm cho vị tăng đau đớn đến chết.

Tóm lại, lời Phật dạy có thể dùng để giải quyết những vấn đề hiện tại một cách vĩnh viễn. Bởi vì Phật giáo giải quyết vấn đề từ căn bản gốc rể của nó. Chiến tranh và xung đột khởi lên là do nhu cầu chính trị, tham vọng của những cá nhân hoặc nhóm người. Đức Phật đã giới thiệu nhiều nguyên tắc để ngăn chặn chiến tranh và xung đột. Chính trực, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ quyền lợi, từ bi, nhẫn nhục, nhu thuận là những nguyên tắc quan trọng rất cần được thực hành vậy.

Ám ảnh những giọt nước mắt và nỗi đau mang tên chiến tranh

PV, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/07/2015

Những bức hình chứa đựng khoảnh khắc đầy nước mắt và nỗi đau tột cùng mà chiến tranh mang lại khiến không ít người bị ám ảnh.

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng với không ít người, dường như nỗi đau vẫn còn đó. Hình ảnh về cuộc chiến đấu với đạn bom, khói lửa giờ đây đã trở thành ký ức nhưng sự mất mát, giọt nước mắt đau thương vẫn lẩn khuất đâu đó trong tim những người ở lại.

Nước mắt của sự mừng vui, đoàn tụ ngày độc lập có là bấy nhiêu so với giọt nước mắt của người mẹ khóc con chết trận, người vợ mất chồng hay giọt nước mắt sợ hãi của đứa con thơ khi nhìn cảnh tượng kinh hoàng... 

Nhưng nhiều hơn nữa có lẽ là nước mắt khóc cho những điều mà chiến tranh qua đi còn để lại cho ngày hôm nay - đó là giọt nước mắt dành cho những người phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh - một nỗi đau chưa kết thúc...

Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, chúng ta cùng nhìn lại những bức hình chứa đựng khoảnh khắc đầy nước mắt và nỗi đau mà chiến tranh mang lại.

Từ những giọt nước mắt đau thương thời chiến... 

150726war05-e0296

Bức ảnh chụp vào tháng 6/1965 ghi lại cảnh một gia đình thường dân sống sót sau trận chiến kéo dài 2 ngày đêm ở Đồng Xoài.


150726war03-e0296

Ở một góc khác, hai người phụ nữ và đứa trẻ này đã may mắn sống sót sau trận đánh ác liệt ở Đồng Xoài ngày 6 tháng 6 năm 1965. Nhìn vào bức hình ta phần nào cảm nhận được nỗi đau thể xác và tinh thần hiện hữu rõ trên gương mặt họ.


150726war04-2ed79
Quá sợ hãi trước sự tàn phá của bom Mỹ, người mẹ này đã cùng 4 đứa con của mình lội qua một dòng sông ở Bình Định để tìm nơi ẩn nấp. Gương mặt thất thần, giọt nước mắt sợ hãi là những gì mà người xem cảm nhận được ở bức hình được chụp năm 1965 này. 


150726war01-a108d

Bức ảnh cho thấy những giọt nước mắt đau đớn, xót xa khi người phụ nữ nhận ra thi thể người chồng của mình đang được bọc trong chiếc túi nilon màu đen. 

Bên cạnh thi thể của anh là khoảng 47 thi thể khác cũng được tìm thấy. Bức ảnh được ghi lại tại Huế vào ngày 11 tháng 4 năm 1969.


150726war02-9b243

Bức ảnh "Em bé Napalm" này được Nick Ut - phóng viên hãng AP chụp vào ngày 8 tháng 6 năm 1972. Nhân vật chính trong bức ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa đi vừa khóc sau khi bom napalm dội xuống Trảng Bàng, Tây Ninh.

Bức ảnh sau đó đã nổi tiếng toàn thế giới và giúp phóng viên Nick Ut giành giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí vào năm 1973.


150726war06-b862c

Cách đó không xa, một nhiếp ảnh gia đã ghi lại được bức hình một phụ nữ ở làng Trảng Bàng, Tây Ninh bế đứa trẻ bị bỏng nặng do bị ảnh hưởng bởi vụ dội bom napalm. Bức ảnh chụp này đã phần nào lột tả sự đau thương kinh hoàng mà người dân Tràng Bảng phải hứng chịu.

... đến giọt nước mắt "nén trong tim" ở thời bình

Có một sự thật là đôi khi chiến tranh qua đi nhưng tàn dư mà nó để lại còn đáng sợ hơn những thứ mà đã cướp đi trong trận chiến. Đây cũng là bi kịch mà không ít người đã phải chịu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc - nỗi đau đó mang tên "da cam".

150726war08-d32af
Trong thời kì chiến tranh Việt Nam từ 1961 - 1971, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng một loại chất thuốc diệt cỏ, làm rụng lá cây nhằm phá hủy lớp thảm thực vật trong vùng khí hậu nhiệt đới, làm lộ nơi ẩn nấp của kẻ thù. 

Thành phần chính trong thuốc diệt cỏ - có tên gọi "chất độc màu da cam" này là Dioxin - một hợp chất hữu cơ cực độc, bền vững và rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Không những thế, chỉ với lượng nhỏ nhưng chất độc này cũng tác động mạnh đến cơ thể, gây ra nhiều biến chứng như ung thư, dị dạng, rối loạn chức năng cơ thể...


150726war12-fcf8f

Bên cạnh đó, tác nhân da cam còn gây ra nhiều căn bệnh khác như thiểu năng sinh dục nam, nữ, di truyền đến con cái… Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ảnh hưởng của chất độc này có thể kéo dài hơn 20 năm, di truyền qua nhiều thế hệ.


150726war10-910a6

Nhìn những hình ảnh này, không ai không cảm thấy xót xa, đau đớn cho những số phận không may mang trong mình di chứng của chất độc màu da cam.

Dù chiến tranh qua đi nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn chưa vơi khi hàng triệu người Việt Nam và những thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu nỗi đau trên da thịt này.

Những tiếng than khóc cho số phận giờ đây khó có thể bật thành tiếng bởi nỗi đau, giọt nước mắt đã ngấm vào xương tủy, phải kìm nén trong tim... Bởi cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục và dù thế nào mỗi cá thể trong xã hội đều phải gắng sức để tồn tại. 

Hy vọng rằng, ước mơ đòi lại công lý của những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam sẽ sớm trở thành hiện thực. Đây sẽ như một động lực giúp cho họ có thể bớt khó khăn hơn và đứng vững trước sóng gió cuộc đời.
Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ những người thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh trong các cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. 

Ngày lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt Nam.
Nguồn: The Guardian, HowStuffworks, Wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét