Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 242

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những địa điểm đối đầu giữa tình báo Liên Xô và phương Tây giữa lòng Moskva

Thủ đô Moskva của Liên Xô từng là nơi chứng kiến nhiều duyên nợ giữa KGB và các cơ quan tình báo của Anh, Mỹ.



5 địa điểm đối đầu giữa KGB và CIA trong lòng Moscow
Khách sạn Bắc Kinh ở Moskva năm 1962. Ảnh: RBTH.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thủ đô Moskva của Liên Xô là một trong những nơi diễn ra các hoạt động tình báo sôi động nhất thế giới. Tại đây có nhiều địa điểm mà các nhân viên tình báo Nga nhiều lần chạm mặt với các đồng nghiệp Mỹ, theo RBTH.
Khách sạn Pekin
Tổ hợp khách sạn nổi tiếng này được xây dựng dưới thời Joseph Stalin, trong đó phần lớn nhân viên phục vụ và người quản lý là điệp viên của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), cơ quan tình báo nổi tiếng của Liên Xô.
Các căn phòng và nhà hàng của khách sạn đều được KGB gài thiết bị nghe lén. Tình báo Liên Xô còn sử dụng khách sạn này để đón tiếp điệp viên được tuyển mộ từ các nước và thành phố khác thuộc Liên bang Xô Viết khi họ tới Moskva công tác.
Năm 1961-1962, điệp viên người Anh Greville Maynard Wynne nhiều lần tiếp xúc với đại tá Oleg Penkovsky thuộc cơ quan Tình báo Quân sự Liên Xô (GRU), đồng thời là một điệp viên của CIA và cơ quan tình báo Anh, tại khách sạn Pekin. Penkovsky đã trao cho Wynne khoảng 5.000 tấm hình chụp tài liệu mật liên quan tới các hệ thống vũ khí của Liên Xô để đổi lấy tiền và những quà tặng đắt giá.
Đại tá Penkovsky sống tại một căn hộ ở số 36 đường Kosmodamianskaya, nay là đường Maxim Gorky. Sau nhiều dấu hiệu nghi vấn, KGB bắt đầu theo dõi sĩ quan tình báo này từ năm 1963.
Từ ban công của căn hộ phía trên nơi ở của Penkovsky, các nhân viên phản gián của KGB đặt một chiếc camera nhỏ vào chậu hoa để quay cảnh Penkovsky chụp tài liệu mật bằng chiếc camera hiệu Minox. Cùng năm, Penkovsky bị bắt và lĩnh án tù chung thân.
Cầu Krasnoluzhsky
5 địa điểm đối đầu giữa KGB và CIA trong lòng Moscow - 1
Cầu Luzhnetsky hiện nay. Ảnh: RBTH.
Cầu Krasnoluzhsky nằm ở tây nam Moskva, từng là nơi diễn ra hoạt động liên lạc mật giữa điệp viên của CIA với nhân viên Bộ Ngoại giao Liên Xô Alexander Ogorodnik, người bị tình báo Mỹ tuyển mộ khi làm việc tại Colombia năm 1974.
Ogorodnik gửi thông tin mật cho CIA trong các hộp được ngụy trang thành hòn đá hoặc thanh gỗ và giấu trong gầm cầu. Ogorodnik bị bắt ngày 22/6/1977 và sau đó tự sát. KGB nỗ lực giấu thông tin về cái chết của Ogorodnik nhằm dẫn dụ mạng lưới tình báo của Mỹ lộ diện.
Trò chơi trao đổi thông tin tình báo tiếp tục được duy trì đến ngày 15/7/1977, khi nhân viên CIA tại Đại sứ quán Mỹ Martha Peterson bị KGB bắt quả tang đang tìm cách chuyển tài liệu cho Ogorodnik. Peterson bị trục xuất khỏi Liên Xô vào ngày hôm sau.
Đầu thập niên 2000, cầu Krasnoluzhsky bị tháo dỡ để xây cầu mới Luzhnetsky, song các trụ đỡ cũ của nó, nơi từng là hộp thư mật của CIA giữa lòng Moskva, vẫn được giữ lại.
Ga Severyanin
Sân ga Severyanin. Ảnh: Mos.ru.
Sân ga Severyanin. Ảnh: Mos.ru.
Năm 1985, KGB theo dõi điệp viên CIA Paul Zalakt giấu một "hòn đá" tại vị trí cách không xa sân ga Severyanin trên tuyến xe lửa Moskva - Yaroslavl.
Vài tuần sau đó, phản gián Liên Xô phát hiện và bắt giữ Leonid Poleshuk, nhân viên của KGB làm gián điệp cho CIA, khi anh này tới ga Severyanin và nhặt "hòn đá" này. 
"Hòn đá" mà Poleshuk nhặt chứa 25.000 rúp, số tiền đủ mua 4 chiếc ô tô thời kỳ đó. Đây là tiền công mà CIA trả cho thông tin được Poleshuk cung cấp về mạng lưới điệp viên của Liên Xô tại Nepal và Nigeria. Poleshuk bị tử hình vào năm 1986.
Nhà thờ Saint Basil
5 địa điểm đối đầu giữa KGB và CIA trong lòng Moscow - 2
Nhà thờ Saint Basil hiện nay. Ảnh: RBTH.
Nhìn bên ngoài, nhà thờ Saint Basil ở giữa Quảng trường Đỏ khó có khả năng trở thành một địa điểm lý tưởng của hoạt động tình báo, nhưng với CIA, đây lại là ngoại lệ.
Đoạn cầu thang xoắn ốc giữa tầng một và tầng hai của nhà thờ được CIA biến thành nơi liên lạc mật với điệp viên, do đây là nơi giới ngoại giao nước ngoài tại Liên Xô có thể thoải mái tới tham quan.
Năm 1985, đại tá tình báo KGB Oleg Gordievsky, gián điệp của cơ quan tình báo Anh SIS (hay MI6), tìm cách gặp những điệp viên nước ngoài tại nhà thờ này để nhận chỉ dẫn trốn khỏi Liên Xô, nhưng nhà thờ này lúc đó bị đóng cửa.
Gordievsky sau đó tìm cách cắt đuôi nhân viên KGB theo dõi và chạy trốn sang Anh. Liên Xô sau đó tuyên án tử hình vắng mặt Gordievsky vì tội phản quốc.
Nguyễn Hoàng

Siêu tin tặc của tình báo Liên Xô lộ mặt chỉ vì 0,75 USD năm 1986

Một trong những tin tặc giỏi nhất lịch sử tình báo Liên Xô bị phát hiện vì chênh lệch rất nhỏ trong số tiền sử dụng máy tính tại Mỹ.

Markus Hess khi bị bắt. Ảnh: Alchetron.
Markus Hess khi bị bắt. Ảnh: Alchetron.
Vào thập niên 1980, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), cơ quan tình báo hàng đầu của Liên Xô, muốn thu thập tài liệu tuyệt mật của quân đội Mỹ thông qua hệ thống mạng ARPANET và MILNET. Họ tuyển mộ thanh niên người Đức có tên Markus Hess, người sau này trở thành một trong những tin tặc nổi tiếng nhất của tình báo Liên Xô, theo Listverse.
Quá trình KGB tiếp cận và tuyển mộ Hess không được tiết lộ, lực lượng phản gián phương Tây chỉ biết thanh niên này tiến hành hoạt động đánh cắp dữ liệu từ đại học Bremen tại Tây Đức. Hess đã xâm nhập tổng cộng 400 máy tính quân đội Mỹ, trong đó có nhiều hệ thống tại Đức và Nhật Bản. Tin tặc người Đức còn đoán được mật khẩu quản lý cơ sở dữ liệu Optimis của Lầu Năm Góc, cho phép truy cập số lượng tài liệu mật khổng lồ của lục quân Mỹ.
KGB được cho là đã trả hàng chục nghìn USD để mua dữ liệu từ Hess, đồng thời đề ra mục tiêu cho tin tặc này tấn công. Hoạt động thu thập dữ liệu tinh vi của Hess chỉ bị phát hiện bởi một lỗi kế toán rất nhỏ trong phòng nghiên cứu máy tính ở bang California, Mỹ vào năm 1986.
Nhà quản trị mạng Clifford Stoll phát hiện chênh lệch 75 cent (0,75 USD) trong số tiền sử dụng máy tính tại Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley (LBL), nơi tiến hành nhiều thí nghiệm cho Bộ Năng lượng Mỹ. 
Khi điều tra để truy ra nguồn gốc số tiền chênh lệch, Stoll nhận ra rằng có một người dùng giấu mặt đã truy cập máy tính của LBL trong 9 giây mà không trả tiền. Stoll nhận thấy người dùng này là một tin tặc có trình độ rất cao, đã chiếm được quyền quản trị hệ thống bằng cách khai thác lỗ hổng bảo mật của LBL.
Nhà quản trị người Mỹ dành ra 10 tháng để tìm ra tung tích tin tặc bí ẩn. Ông gặp may khi Hess tìm cách đột nhập máy tính của một tập đoàn quốc phòng ở bang Virginia. Stoll ghi lại mọi hoạt động của đối phương, nhận ra người này có quyền truy cập mạng máy tính tại nhiều căn cứ quân sự khắp nước Mỹ, thường xuyên tìm kiếm dữ liệu tác chiến tuyệt mật và công nghệ vũ khí hạt nhân.
Clifford Stoll, người phát hiện ra hoạt động của Hess. Ảnh: News Week.
Clifford Stoll, người phát hiện ra hoạt động của Hess. Ảnh: News Week.
Stoll lập tức liên hệ với Lầu Năm Góc, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục điều tra liên bang (FBI). Lực lượng phản gián Mỹ phát hiện tin tặc đối phương đang hoạt động ở một trường đại học Tây Đức, nhưng không có địa chỉ cụ thể.
Stoll và phản gián Mỹ xây dựng kế hoạch để dụ tin tặc lộ diện, bằng cách thành lập một phòng ban giả thuộc LBL và tung tin cho biết cơ quan này đang hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ. Khi Hess sập bẫy và cố truy cập dữ liệu của cơ quan giả này, tình báo Mỹ tìm được chính xác địa chỉ nhà riêng của anh ta ở thành phố Hannover.
Vào thời điểm đó, hình thức tấn công của Hess vẫn còn rất mới mẻ, gây nhiều khó khăn cho quá trình hợp tác giữa FBI và chính phủ Tây Đức. Cuối cùng, cảnh sát Hannover đã tiến hành cuộc đột kích và bắt tin tặc người Đức này. Hess phải ra tòa vào năm 1990 và bị kết tội gián điệp, nhưng chỉ phải nhận án tù treo 20 tháng.
Tử Quỳnh

Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ

Điệp viên phương Tây mang theo nhiều thiết bị tinh vi, dễ che giấu trong quá trình hoạt động tại Liên Xô.

Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), cơ quan tình báo nổi tiếng thời Liên Xô, từng bắt được nhiều điệp viên phương Tây và tịch thu trang thiết bị của họ. Nhiều công cụ trong số này đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), theo RBTH.
Trong ảnh là camera siêu nhỏ được giấu trong đồng hồ đeo tay và bật lửa. Đây là những trang bị thường gặp nhất của điệp viên phương Tây hoạt động ở Liên Xô.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Đài cassette thường được chọn để cất giấu bộ phát vô tuyến, dùng để liên lạc giữa các điệp viên với nhau.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Điệp viên phương Tây thường giấu chìa khóa giải mã tài liệu trong những cuốn sách tiếng nước ngoài với nội dung bất kỳ, từ truyện cổ tích tới tiểu thuyết và sách hướng dẫn kỹ thuật.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Bộ đàm dùng để liên lạc giữa điệp viên với trung tâm chỉ huy có kích thước tương đối nhỏ, nhét vừa trong một chiếc valy.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Đèn pin kết hợp súng điện là vũ khí thường được gián điệp phương Tây mang theo người. Đèn pin có thể dùng chiếu sáng hoặc gây chói mắt, trong khi súng điện sẽ làm đối phương bất tỉnh, tạo điều kiện để điệp viên trốn thoát.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Khẩu súng ổ xoay "Le protector" của Pháp có thể chứa tối đa 10 viên đạn với sức sát thương cao ở cự ly gần. Kích thước nhỏ giúp chúng dễ dàng được giấu trong túi áo hoặc cầm tay. Trong khi đó, súng bút (trên) chỉ có thể bắn một phát.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Máy quay siêu nhỏ được điệp viên Adolf Tolkachev sử dụng. Bên phải là tài liệu hướng dẫn cách sử dụng máy quay này.
Vào năm 1985, lực lượng phản gián của KGB bắt Tolkachev, khi đó là kỹ sư thiết kế thuộc Viện Phazotron, cơ sở phát triển radar quân sự lớn nhất của Liên Xô. Trong nhiều năm liền, Tolkachev đã chuyển dữ liệu tuyệt mật về thiết bị điện tử, gồm cả radar mảng pha quét điện tử thụ động Zaslon của tiêm kích MiG-31 và radar trong tổ hợp phòng không S-300, cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Điệp viên này bị xử tử vào năm 1986.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Tóc và râu giả có thể giúp điệp viên thay đổi diện mạo, cắt đuôi lực lượng phản gián.
Trong ảnh, bộ kính cùng râu tóc giả của Michael Sellers, điệp viên CIA dưới vỏ bọc phó thư ký Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô. Người này bị bắt vào tháng 3/1986 khi tìm cách liên lạc với một sĩ quan phản gián KGB. Sellers bị trục xuất sau đó không lâu.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Thiết bị phát thông tin được giấu trong cành cây giả, bị tình báo Liên Xô phát hiện gần một căn cứ không quân ở Đông Đức. Dữ liệu phát đi từ "cành cây" này sẽ được một trạm vô tuyến ở Tây Đức thu lại.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Đại tá Gennady Smetanin thuộc Cơ quan Tình báo Quân đội Liên Xô (GRU) bị phát hiện là gián điệp hai mang và bị bắt giữ vào năm 1985. Ông này mang theo chiếc kính có chứa một liều thuốc độc, cùng tài liệu hướng dẫn cách liên hệ với điệp viên CIA. Smetanin không kịp sử dụng liều thuốc độc và bị xử bắn sau đó.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Một khẩu súng ngắn Liliput Kal 1925 cỡ nòng 6,35 mm được giấu trong sách kinh tế chính trị của một điệp viên Đức. Người này bị bắt ngay trước khi nổ ra Thế chiến II.
Những vũ khí của gián điệp phương Tây từng bị Liên Xô thu giữ
Phi công CIA Francis Gary Powers bị tên lửa phòng không Liên Xô bắn rơi ngày 1/5/1960 khi đang  thực hiện chuyến bay do thám trên trinh sát cơ U-2 ở khu vực Sverdlovsk. Trên người phi công này, quân đội Liên Xô đã thu được một súng ngắn HDM  lắp ống giảm thanh, đèn pin và mũi kim chứa chất độc để tự sát nếu bị bắt. Tuy nhiên, Powers đã không sử dụng thuốc độc và bị bắt sống.
Powers ngồi tù đến ngày 10/2/1962 thì được trả tự do để đổi lấy Rudolf Abel, điệp viên Liên Xô bị Mỹ bắt trước đó.
Ảnh: RBTH

Chiến dịch dùng cà rốt giấu công nghệ radar của tình báo Anh

Để che giấu bí mật công nghệ radar trước phát xít Đức, tình báo Anh đã tung ra chiến dịch tuyên truyền về sức mạnh thần kỳ của củ cà rốt.

chien-dich-dung-ca-rot-giau-cong-nghe-radar-cua-tinh-bao-anh
"Thị lực ban đêm có thể là vấn đề sống chết" - áp phích tuyên truyền cổ vũ việc ăn cà rốt của Anh trong Thế chiến II. Ảnh: Smithsonianmag.
Ngày nay, rất nhiều người tin rằng ăn thật nhiều cà rốt sẽ giúp có đôi mắt sáng tinh tường. Quan niệm này có thể xuất phát từ một trong những chiến dịch tuyên truyền thành công nhất của tình báo Anh về sức mạnh thần kỳ của củ cà rốt, nhằm che giấu những bí mật quân sự góp phần đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II, theo tạp chí Smithsonianmag.
Khoa học đã chứng minh cà rốt chứa lượng lớn vitamin A tốt cho đôi mắt, nhưng không thể giúp người bình thường tăng thị lực. Tuy nhiên, tình báo Anh đã khiến cho người dân cả nước lẫn kẻ thù phải tin rằng cà rốt có thể giúp họ có đôi mắt "tinh như cú vọ" bằng chiến dịch tuyên truyền tung hỏa mù của mình. 
Trong chiến dịch Blitzkrieg năm 1940, không quân Đức tăng cường chiến dịch không kích, lợi dụng đêm tối điều máy bay đánh bom các mục tiêu quan trọng ở Anh. Để đối phó, chính phủ Anh quyết định cắt điện ở các thành phố lớn vào ban đêm để máy bay Đức khó quan sát mục tiêu.
Trong chiến dịch này, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có thể đẩy lùi máy bay Đức một phần là nhờ công nghệ radar bí mật mới có tên Radar Đánh chặn Đường không (AI) lắp trên chiến đấu cơ từ năm 1939, có khả năng xác định các oanh tạc cơ địch trước khi chúng tiếp cận eo biển Manche.
Để giữ bí mật về công nghệ radar rất quan trọng này, tình báo Anh quyết định khiến người dân lẫn quân Đức tin rằng phi công của họ có thị lực tuyệt vời có thể phát hiện máy bay địch từ xa, và tất cả là nhờ cà rốt.
Năm 1940, phi công tiêm kích đêm John Cunningham là người đầu tiên sử dụng công nghệ radar AI bắn hạ một chiến đấu cơ Đức. Sau đó, phi công này lập chiến công ấn tượng, diệt 20 máy bay địch, trong đó có 19 chiến đấu cơ bị bắn hạ trong đêm. Bộ Thông tin Anh đã nói với báo giới rằng các phi công của họ đạt được chiến công tuyệt vời như vậy là nhờ ăn rất nhiều cà rốt để có thị lực hơn người.
chien-dich-dung-ca-rot-giau-cong-nghe-radar-cua-tinh-bao-anh-1
Phi công John Cunningham được quảng bá là có thị lực ban đêm tuyệt vời nhờ ăn nhiều cà rốt. Ảnh: Telegraph
Mục đích của tình báo Anh khi tung ra thông tin trên là khiến các chiến lược gia Đức mất thời gian tìm hiểu điều không có thực, theo John Stolarczyk, giám đốc Bảo tàng Cà rốt Thế giới.
"Câu chuyện về việc phi công Anh có thị lực vượt trội nhờ ăn cà rốt ấn tượng đến mức có tin cho rằng không quân Đức tin sái cổ và cũng bắt đầu cho phi công của mình ăn nhiều cà rốt để đối phó với quân Anh", Stolarczyk nói.
Trong khi đó, báo chí, đài phát thanh của Anh đều tuyên truyền rằng ăn nhiều cà rốt sẽ giúp người dân nhìn đường tốt hơn ở khu vực thành phố bị cắt điện khi đêm xuống. Các tờ quảng cáo với khẩu hiệu "Cà rốt tốt cho sức khỏe và giúp bạn nhìn rõ trong đêm" xuất hiện ở mọi nơi.
Ngoài tác dụng che giấu công nghệ vũ khí, chiến dịch tuyên truyền này còn góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực ở Anh trong thời chiến. Khi tàu ngầm Đức phong tỏa các tàu tiếp tế lương thực ở ngoài khơi, nước Anh lâm vào tình trạng khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, chính phủ Anh vận động người dân quay sang sử dụng các loại rau củ quả dễ trồng, dễ kiếm, điển hình như cà rốt. Chiến dịch tuyên truyền trên đã có tác động mạnh mẽ, khiến người Anh thời kỳ đó "phát sốt" vì cà rốt.
"Đây là một cuộc chiến tranh lương thực. Việc ăn thêm rau củ trong khẩu phần ăn giúp giảm bớt gánh nặng vận chuyển đường biển. Cuộc chiến trên mặt trận nhà bếp không thể thắng lợi nếu không có sự hỗ trợ từ khu vườn nhà. Dành một giờ ở vườn vẫn tốt hơn một giờ xếp hàng mua thực phẩm", Lord Woolton, bộ trưởng Lương thực Anh, tuyên bố năm 1941.
Cũng trong năm này, Bộ Lương thực Anh phát động "Chiến dịch Trồng vườn để Chiến thắng" qua các phim hoạt hình như "Tiến sĩ Cà rốt" và "Pete Khoai tây" để khuyến khích người dân ăn nhiều rau củ tự trồng hơn. Cà rốt được quảng cáo là chất tạo ngọt cho món tráng miệng khi nguồn cung đường thiếu hụt trầm trọng.
chien-dich-dung-ca-rot-giau-cong-nghe-radar-cua-tinh-bao-anh-2
Áp phích tuyên truyền về Pete Khoai tây và Tiến sĩ Cà rốt ở Anh năm 1941. Ảnh: Smithsonianmag
Chương trình "Mặt trận Nhà bếp" của đài BBC gợi ý các cách chế biến thực đơn mới từ món cà rốt trở thành một trong những chương trình phát thanh được yêu thích nhất thời kỳ đó. Theo Stolarczyk, chiến dịch quảng bá về công dụng thần kỳ của cà rốt thành công tới mức nước Anh dư thừa tới 100.000 tấn cà rốt vào năm 1942.
Duy Sơn

'Đội quân ma' giăng bẫy điệp viên phát xít Đức của Liên Xô

Chiến dịch Scherhorn thành công tới mức khi kết thúc Thế chiến II, Đức vẫn tưởng họ có một đội quân vũ trang hơn 2.000 người trên lãnh thổ Liên Xô.

doi-quan-ma-giang-bay-diep-vien-phat-xit-duc-cua-lien-xo
Kế hoạch phản gián quy mô lớn đã khiến Đức mất hàng chục điệp viên. Ảnh: Bashny.
Năm 1941, điệp viên Alexander Demyanov của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô, trong vai một kẻ đào ngũ đã phát hiện một mạng lưới gián điệp bí mật của Đức ngay trong lòng Liên Xô, từ đó giúp Moscow lên kế hoạch xây dựng một "đội quân ma" đánh lừa phát xít suốt nhiều năm, theo War History.
Demyanov đóng vai là một điệp viên hai mang, cung cấp thông tin tình báo cho Đức từ trong lòng Liên Xô, áp dụng chiến thuật nghi binh khiến hàng chục điệp viên Đức rơi vào bẫy. Từ kết quả này, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin yêu cầu NKVD tiến hành chiến dịch phản gián quy mô lớn có tên "Scherhorn" (mật danh khi đó là chiến dịch Berezino) từ tháng 8/1944 đến tháng 5/1945.
Một "đội quân ma" do trung tướng Pavol Sudoplatov đứng đầu được thành lập, đóng quân tại một "trại lính Đức" ngay trong lòng Liên Xô để dụ đối phương điều điệp viên đến phối hợp hành động và hỗ trợ.
Mật vụ Liên Xô chọn trung tá Heinrich Scherhorn, tù binh Đức bị bắt giữ vào tháng 6/1944, để đóng vai chỉ huy trại lính giả và duy trì liên lạc với bộ chỉ huy Đức. 
Tháng 8/1944, chiến dịch Berezino bắt đầu với việc Max (mật danh của Demyanov) bắn tin cho tình báo Đức, nói rằng một nhóm vũ trang 2.500 thành viên của mạng lưới điệp viên Scherhorn đang bị Hồng quân Liên Xô bao vây dọc sông Berezina.
Đại tá Đức Hans-Heninrich Worgitzsky nghi ngờ, đoán rằng đây là hoạt động phản gián của Liên Xô. Tuy nhiên, sĩ quan Gehlen, liên lạc viên tin tưởng Max, thúc giục ông này tiến hành kế hoạch giải cứu.
Otto Skorzeny, người đứng đầu đội cận vệ SS, đã cử một nhóm biệt kích Đức xâm nhập lãnh thổ Liên Xô bằng oanh tạc cơ Heinkel He 111 để thực hiện chiến dịch giải cứu. Các binh sĩ Hồng quân Liên Xô mặc quân phục Đức đã đợi sẵn và dẫn lực lượng này đến trại. Khi bước vào lều của Scherhorn, tất cả lính Đức đều bị mật vụ NKVD bắt giữ.
Nhóm lính biệt kích bị ép tham gia chiến dịch phản gián, sau đó báo cáo rằng nhiệm vụ đã thành công và cần thêm quân chi viện. Skorzeny nhanh chóng điều thêm 3 đội đặc nhiệm đến hỗ trợ. Tất cả đều bị tóm gọn tại địa điểm do điệp viên Liên Xô thông báo.
doi-quan-ma-giang-bay-diep-vien-phat-xit-duc-cua-lien-xo-1
Otto Skorzeny giao nhiệm vụ cho biệt kích Đức đến giải cứu Scherhorn. Ảnh: Wikipedia.
Chiến dịch phản gián tiếp diễn cho đến khi phản ứng của Đức bắt đầu chậm dần. NKVD chỉ thị cho Scherhorn liên lạc với Đức thông báo nhiệm vụ giải cứu đã thành công, nhưng không thể trở về Đức do số lượng thương vong leo thang. Đáp lại, bộ chỉ huy Đức thông báo đang điều máy bay đến sơ tán những người bị thương và đưa họ đến sau phòng tuyến Đức. Hành động này có nguy cơ làm phá sản kế hoạch của Liên Xô.
Để duy trì vỏ bọc, mật vụ NKVD dàn dựng một trận giao tranh nhỏ trong đêm giữa lính của Scherhorn và Hồng quân Liên Xô khi các máy bay Đức chuẩn bị hạ cánh. Trong lúc giao tranh hỗn loạn, đèn trên đường băng bị tắt khiến cho máy bay Đức không thể hạ cánh. Nhờ đó bí mật về chiến dịch này vẫn được duy trì.
Trong nhiều tháng, cả Gehlen và Skorzeny đã làm theo những gì Liên Xô sắp đặt, khiến các chỉ huy Đức tin rằng 2.000 lính phe mình vẫn bị mắc kẹt trong lãnh thổ đối phương. Skorzeny ra lệnh cho Scherhorn chia nhỏ lực lượng đi qua Ba Lan để đến nơi an toàn. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không thành công do Sudoplatov đã đập tan đường dây điệp viên hỗ trợ của Đức ở Ba Lan.
Biện pháp hỗ trợ duy nhất quân Đức có thể làm là thả hàng tiếp tế và lương thực cho nhóm vũ trang. Trong suốt chiến dịch, phát xít Đức đã điều 39 chuyến bay cùng 12 điệp viên và 12 thiết bị liên lạc vô tuyến đến hỗ trợ nhóm của Scherhorn. Số biệt kích Đức bị bắt lớn đến mức NKVD có nguy cơ mất kiểm soát do chiến dịch leo thang vượt xa dự đoán. Dù vậy, liên lạc vô tuyến giữa Đức và điệp viên Liên Xô vẫn diễn ra trong nhiều tháng.
Cuối cùng, sự hỗ trợ của Đức cũng bắt đầu suy giảm. Tháng 1/1945, lực lượng Đức vẫn ở cách xa đội quân của Scherhorn, trong khi không quân Đức nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực. Scherhorn lúc này vẫn tiếp tục gửi yêu cầu giúp đỡ nhưng không có phản hồi.
Tháng 3/1945, Scherhorn được phát xít Đức vinh danh là anh hùng dân tộc vì các nỗ lực khi bị giam cầm trong lãnh thổ Liên Xô, thậm chí ông ta còn được trao Huân chương Hiệp sĩ. 
Khi Thế chiến II đến hồi kết cũng là lúc chiến dịch phản gián của Liên Xô hạ màn. Cho đến đầu tháng 5/1945, Đức vẫn duy trì liên lạc với Scherhorn, hy vọng nhóm vũ trang hơn 2.000 lính của ông ta vẫn còn sống mà không hề biết rằng đó là "đội quân ma" chưa từng tồn tại. 
Duy Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét