Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

KÝ ỨC CHÓI LỌI 105/g

-Chiến tranh ai cũng ghét, nhưng nhiều khi chúng ta buộc phải cầm súng vì không còn cách nào khác!
-Cuộc sống là vô giá. Không ai đổi cuộc sống lấy anh hùng mà chỉ thành anh hùng khi bảo vệ cuộc sống! 

-Những Dòng Sông
Tác giả: Bế Kiến Quốc
Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…


Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,

Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng

Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,

Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông

Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng

Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng

Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta…


Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa

Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.

Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể

Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé

Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…


Rồi biết nghe chuyện anh, chuyện cha

Biết tự hào: Sông đã từng đánh Pháp

Nước lấp mặt những ca nô tan xác

Bãi lau già chuyển cán bộ qua sông…


Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng

Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung

Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ

Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ

Trên dòng sông – là một tấm gương trong…


Em ta yêu có gì như lòng sông

Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng

Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn

Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…


Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,

Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa

Đến bè bạn cùng từng gốc lúa

Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá

Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng

Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…


Uống bát nước chè bên nòng súng, trưa nắng cháy

Nghe màu xanh bờ bãi mát trong lòng!

Bình tĩnh ngồi bên những trái bom

Đâu trong gió mái chèo xa vọng lại:

Đêm mưa không đèn vững vàng tay lái

Đường dẫn đi như dòng nước tới mênh mông…


Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Từ giảng đường đến chiến trường - Phần 5

Chuyện tình thời chiến: Mối tình day dứt của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm

"Em ngã xuống mà tim anh đau suốt bấy năm trường. Khi em còn sống, ta im lặng. Im lặng thực sự. Khi em chết rồi, ta mới nói thực sự yêu em", người yêu bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm viết.
Chiến tranh không chỉ có bom đạn, máu đổ và hy sinh, vẫn có những tình yêu được ươm mầm trong xa cách, chia ly. Những người lính đi chiến trận không hẹn ngày về và cả người con gái ở hậu phương cũng ngã xuống vì bom đạn. Chỉ còn những bức thư, những dòng nhật ký lưu lại những chuyện tình đẹp như cổ tích nhưng đầy day dứt trong khói lửa chiến tranh. Zing.vn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài cuối trong "Chuyện tình thời chiến", nhân 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7-2017).
Gian trưng bày của bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) có hai bức thư được đặt cạnh nhau. Đó là thư của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm gửi người yêu có tên là M. Phía bên kia là bài thơ thay lời hồi đáp cho bức thư của Đặng Thuỳ Trâm. Người con trai đó ký tên là Mộc.

Đừng nói nữa mà lòng anh đau

Bức thư được viết ngày 17/3/1969. 48 năm đã trôi qua, mỗi dòng, mỗi chữ dường như vẫn thổn thức nhịp đập của người con gái phải yêu trong day dứt. “M ơi! Ta đã thực sự xa nhau rồi đó ư? Anh Tấn về không đem một tin nào của anh cả. Anh ở đâu? Sao em vẫn thấy trái tim mình rỉ máu, vết thương của con tim sao khó lành đến vậy?”.
“Chiều nay ở đây và ở đó ta cùng đang trong cuộc chiến đấu nóng bỏng, ta cùng chung nhịp thở của những người đồng chí vào sinh ra tử có nhau, vậy mà... sao lại xa cách đến thế này hở người đồng chí yêu thương?”.
Chuyen tinh thoi chien: Moi tinh day dut cua bac si Dang Thuy Tram hinh anh 1
Bức thư của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm gửi Khương Thế Hưng. Ảnh tư liệu.
Bức thư dường như là lời thổ lộ từ những trang nhật ký mà ở đó hình ảnh của M luôn hiện diện trong cuộc sống nơi chiến trường ác liệt của Đặng Thuỳ Trâm. Chị nhớ anh ngay cả khi cận kề giữa sự sống và cái chết.
“Có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim... Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá... Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không chỉ có lửa đạn...?”.
Có lẽ một lúc nào đó giữa chiến trường, hai người cùng nghe tiếng bom rơi xé toạc màn đêm. Người con trai đó nhớ người yêu cả khi khối bộc phá 10 cân nổ tung thành tiểu khu Quảng Ngãi hất anh bay lên. Trước khi rơi xuống đất và ngất lịm đi, anh tưởng như vẫn nghe được tiếng hát người yêu lượn trên sóng biển.
Nhưng đáp lại sự tha thiết của người yêu, anh nén lòng mình lại. Anh viết:
“Không bao giờ anh quên
Lương tâm người cầm súng
Vì niềm vui đất nước
Anh sẵn sàng hy sinh
Vì hạnh phúc của em
Anh chịu phần đau khổ… riêng mình
Chỉ vậy thôi, em ơi!
Đừng nói nữa!
Mà lòng anh đau”.
Chuyen tinh thoi chien: Moi tinh day dut cua bac si Dang Thuy Tram hinh anh 2
Bài thơ Khương Thế Hưng hồi đáp người yêu. Ảnh tư liệu.
M hay Mộc là bút danh của một người lính tên Khương Thế Hưng (con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng). Trong những kỷ vật đại tá Khương Thế Hưng để lại sau khi qua đời (1999) có bức ảnh bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Mặt sau của tấm ảnh là bút tích của Khương Thế Hưng ghi: “7/1971 - Trận càn Lữ 11, Sư đoàn America vào hậu cứ Đức Phổ. Hy sinh ở tuổi 25, người nữ bác sĩ còn quá trẻ. Nhưng không còn trẻ nữa với người con gái chưa có được niềm vui của hạnh phúc tình yêu…
Ôi! Nếu mình biết được trong hai ta, người ngã xuống trước lại không phải là mình, có lẽ mình đã không phạm phải lỗi lầm để biển cả im lặng không dội lại âm vang của tiếng hát Xa Khơi đêm Thuỳ tiễn mình đi vào trận đánh Mậu Thân năm 1968… Vậy đó, Thuỳ ơi…”.

Tình yêu day dứt giữa bom đạn

“Những người đi chiến đấu/ Không muốn nặng thêm khẩu súng/ Một mối tình quá xa? Và nhất là/ Nỗi ân hận quá nhiều/ Bắt một người yêu/ Phải đợi…”.
Nhà thơ Khương Hữu Dụng, cha của Khương Thế Hưng, đã thay con trai  viết nên những câu thơ trên để lý giải sự im lặng khó hiểu, hay sự tan vỡ lạ lùng trong tình yêu của anh và bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đặng Thùy Trâm đã hy sinh, mang theo nỗi đau im lặng của tình yêu. Khương Thế Hưng còn sống trở về, nhưng tình yêu với người nữ bác sĩ trẻ mãi là một bí mật trong tâm hồn sâu kín của anh.
Trong cuốn nhật ký nổi tiếng của mình, Đặng Thuỳ Trâm dành cho người yêu những lời đầy tha thiết. Nhưng đâu đó, chị dường như cũng có những dự cảm không lành.
"Ngày 5/5/1968... Một cái gì giống như linh cảm bảo với Th. rằng rồi sẽ không được gặp M. nữa, lần chia tay ấy sẽ là lần cuối cùng. M. đứng nhìn theo, Th. đi không ngoảnh lại, mặc dù biết rằng một đôi mắt đen đang dõi theo Th. Những giây ở trong cánh tay người đồng chí thân yêu ấy chỉ còn là một hình ảnh dĩ vãng xa xưa mà thôi”.
Chuyen tinh thoi chien: Moi tinh day dut cua bac si Dang Thuy Tram hinh anh 3
Một bức ảnh của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và bút tích của đại tá Khương Thế Hưng. Ảnh tư liệu.
Còn Khương Thế Hưng viết về người con gái anh yêu trong nhật ký: “Làm sao quên được Thùy Trâm nhỉ! Khi Thùy còn sống, mình tránh nói yêu Thùy. Nhưng mình rất thương và trọng Thùy. Và hẹn sẽ chờ. Để mãi mãi là người thân yêu nhất của nhau. Chiến tranh đã cướp đi lời hẹn ấy… Có phải tại mình không biết thủy chung? Thùy ơi, sẽ không có người con gái nào giống như Thùy đâu. Trong cuộc sống. Và trong trái tim mình. Nằm yên nghỉ nơi mảnh đất vùng giáp ranh Đức Phổ, Thùy có nghe lời nói im lặng nhưng rất vang xa của trái tim mình không? Anh yêu Thùy, vâng, anh yêu Thùy”.
“Giặc Mỹ bắn vào đúng trái tim em. Em ngã xuống mà tim anh đau suốt bấy năm trường. Khi em còn sống, ta im lặng. Im lặng thực sự. Khi em chết rồi, ta mới nói thực sự yêu em”.
Những dòng nhật ký muộn màng đó được viết sau ngày Khương Thế Hưng biết tin bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh. Đặng Thuỳ Trâm ngã xuống giữa chiến trường Đức Phổ với tình yêu day dứt không được đáp lại. Còn tình yêu và cái chết của chị dường như là tiếng dội đau đớn trong trái tim Khương Thế Hưng suốt phần đời còn lại sau chiến tranh.
“Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới...". (Nhật ký Khương Thế Hưng năm 1973).
Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, Đặng Thuỳ Trâm xung phong vào chiến trường. Chị công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) và hy sinh ngày 22/6/1970 trên đường đi công tác do bị địch phục kích. Đặng Thuỳ Trâm là tác giả của cuốn nhất ký nổi tiếng được một cựu sĩ quan quân báo Mỹ lưu giữ cho đến ngày trao trả lại cho gia đình vào năm 2005.
Khương Thế Hưng sinh năm 1934, quê tại Hội An, Quảng Nam. Khương Thế Hưng tham gia chống Pháp rồi tập kết ra Bắc. Năm 1962, anh trở lại chiến trường. Năm 1965, anh là phái viên chiến trường cho các đơn vị chủ lực đặc công ở Quảng Ngãi. Khương Thế Hưng mất năm 1999 do di chứng chất độc da cam và những vết thương thời chiến tranh.
Ngọc Hoa - Hà Hương

Người yêu của chị Đặng Thùy Trâm


16/05/2015 21:33

Hóa ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được lại là người anh rất thân thiết với tôi - anh Khương Thế Hưng

Bây giờ thì mọi người đã biết người yêu của chị Đặng Thùy Trâm là ai nhưng cách đây 10 năm, vào tháng 7-2005, thì rất ít người biết. Khi đó, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bắt đầu được công bố từng phần, sau được in thành sách và trở thành quyển “best seller” ở Việt Nam từ trước tới nay.
Hồi đó, tôi được tiếp xúc khá sớm với cuốn hồi ký của chị Trâm. Ngay khi sách được xuất bản, tôi nhận được một cú điện thoại và được biết người mà chị Trâm gọi trong nhật ký là M. hay N.M. Tôi sửng sốt. Hóa ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được và sau đó đã rất buồn vì tình yêu của mình không toại nguyện, lại là người anh rất thân thiết với tôi - anh Khương Thế Hưng.
Anh Hưng là con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, một người bác mà tôi rất yêu kính và cũng rất thân thiết. Từ bác Dụng, tôi đã thân với cả nhà bác, thân nhất là với anh Hưng - một người lính quả cảm, nhân ái, đầy lòng yêu thương và vị tha; người tôi coi như một tấm gương để học tập, như người anh ruột để có thể thổ lộ nhiều tâm tình.

Đoàn cán bộ báo chí TP HCM thăm và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: PHAN ANH
Đoàn cán bộ báo chí TP HCM thăm và thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: PHAN ANH

Vậy mà, trong suốt thời gian anh em chơi với nhau, tôi chưa lần nào nghe anh Khương Thế Hưng nhắc tới chị Đặng Thùy Trâm. Dù khi tôi hiểu ra nhiều chuyện thì cả hai anh chị đã đi về thế giới khác. Chị Trâm hy sinh năm 1970 còn anh Hưng mất vì di chứng chiến tranh năm 1999, cách nhau gần 30 năm. Nhưng cho tới bây giờ, tình yêu của họ vẫn là một bí mật đối với tôi. Tôi không hiểu vì sao trước tình yêu mãnh liệt của chị Trâm như chị thể hiện trong nhật ký và những bức thư, mà đối lại, anh Hưng chỉ âm thầm nén chịu, một mình mình biết một mình mình hay như thế! Đó âu cũng là một bí mật của tình yêu thời chiến tranh, khi anh Khương Thế Hưng chịu sự ám ảnh quá sâu đậm của hình ảnh “Ruồi Trâu”, còn chị Trâm lại quá lý tưởng trong tình yêu.
Có thể nói, cả hai người đều đã sống cách thực tế một khoảng; và khoảng cách ấy là không thể san lấp. Một người yêu mãnh liệt, một người nén chịu cũng mãnh liệt đến mức sau này phải thốt lên trong nhật ký: “Anh kiệt sức. Anh đau khổ”. Thật xót xa! Vì sao ông trời không cho họ đến với nhau, dù sau đó có thế nào, sao họ không “đời” hơn một chút nữa?
Nhưng rồi tôi tự nhủ: Có khi, họ không đến được với nhau trên trần gian lại là chuyện hay. Vì họ sẽ còn gặp nhau ở một thế giới khác, không chiến tranh, không ưu phiền, không tuyệt vọng. Còn bây giờ, tình yêu của họ trong trẻo như những giọt sương là niềm an ủi cho biết bao người đang yêu nhau trên trần gian này. Nhiều người trẻ giờ đây có thể không hiểu vì sao hai con người tốt đến như vậy, đẹp đến như vậy lại không đến được với nhau, dù có thể thâm tâm họ đã thuộc về nhau? Mà như thế mới là đời, như thế mới là tình yêu, có những điều không thể cắt nghĩa được.
Riêng tôi, tôi ngưỡng mộ và yêu thương cả hai người. Với tôi, họ là những con người hoàn hảo mà chúng ta thấy được ở cõi đời này. Vừa rồi, có những người so sánh bản gốc nhật ký Đặng Thùy Trâm với bản in để nói là bản in đã “sửa chữa nhiều”, không đúng với nguyên bản. Song, cần phân biệt rằng nhật ký là dành riêng cho người viết, còn khi đã đưa in như một ấn phẩm thì nếu còn sống, người viết cũng phải điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để phù hợp với một ấn phẩm. Khi người viết đã mất, gia đình họ (giữ bản quyền) có quyền điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để tác giả nhật ký - dù đã mất - không buồn lòng khi công bố nhật ký của mình cho nhiều người đọc.
Như tôi đã từng viết: Nếu còn sống, chị Trâm chưa chắc đồng ý cho công bố quyển nhật ký của mình. Chị sẽ sống lặng lẽ và sẽ rất ít người biết chị đã sống và chiến đấu như thế nào. Chị là bác sĩ, và chị hy sinh vì bảo vệ những bệnh nhân của mình - những thương bệnh binh - chứ không phải hy sinh để thành anh hùng. Và đó mới là người anh hùng thật sự khi biết hy sinh vì người khác.

Khương Thế Hưng (ảnh; bút danh Nguyên Mộc, Đỗ Mộc) sinh ngày 18-9-1934, quê ở làng Minh Hương, Hội An, Quảng Nam; tình nguyện nhập ngũ năm 16 tuổi, sau kháng chiến chống Pháp thì tập kết ra Bắc. Chưa kịp bước vào giảng đường đại học, đầu năm 1962, anh trở lại chiến trường miền Nam (đi B).

Người yêu của chị Đặng Thùy Trâm

Năm 1965, Khương Thế Hưng làm phái viên chiến trường cho các đơn vị chủ lực đặc công ở Quảng Ngãi và đến năm 1968 là chính trị viên Tiểu đoàn 48 lừng danh. Anh bị thương nặng trong một trận đánh vào năm 1970 và phải chuyển ra Bắc. Về sau, anh làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, rồi về Ban Ký sự Tổng cục Chính trị. Từ năm 1992, sức khỏe anh yếu dần và mất ngày 13-11-1999 do di chứng chất độc da cam.

Thanh Thảo 
 

Viết tiếp chuyện bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Buổi chiều cuối cùng của một thiên thần

0
Sinh năm 1943, tại Hà Nội tốt nghiệp hạng ưu Đại học Y khoa Hà Nội 1966, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là con gái đầu của một gia đình trí thức. Bố chị là bác sĩ người gốc Huế, còn mẹ chị là dược sĩ gốc người Quảng Nam. Tình nguyện vượt Trường Sơn vào công tác tại chiến trường Quảng Ngãi, từ tháng 4.1967 đến tháng 7.1970, chị Thùy Trâm là Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi). Suốt thời gian ấy, chị Trâm cùng đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng nghìn thương binh và nhân dân Đức Phổ.
Hy sinh trên đường công tác, hai cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm đã rơi vào tay lính Mỹ. Và hành trình kỳ lạ của hai cuốn nhật ký này trước khi nó được trao về cho gia đình chị Trâm đã được Báo Thanh Niên lần đầu tiên giới thiệu trong một bài viết kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cảm hóa chính những kẻ thù đã sát hại mình bằng hai cuốn nhật ký ấy, nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã là biểu tượng cho những gì cao đẹp nhất của người thầy thuốc Việt Nam trong chiến tranh, và cũng là biểu tượng cho lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì lý tưởng của cả một thế hệ những trí thức yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chị Thùy Trâm đã nói gì trước lúc hy sinh?
Viết tiếp chuyện bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Buổi chiều cuối cùng của một thiên thần - ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Kim Liên
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, 56 tuổi, nguyên học viên lớp y tá Bệnh xá Đức Phổ, người duy nhất chứng kiến cái chết của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, kể với giọng buồn buồn về buổi chiều định mệnh ấy. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở một "nhà không số, phố không tên" thuộc thị xã Quảng Ngãi, chị Liên nay đã về hưu, có chồng là thẩm phán tòa án tỉnh, có 3 con, 2 gái 1 trai và đã có đứa cháu ngoại đầu tiên. Trong buổi sáng, tiếng khóc của đứa trẻ nằm nôi nghe thật thanh bình. Cháu út của chị sắp tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính - Kế toán, ra chào khách. Khi chúng tôi hỏi cháu định xin việc ở đâu sau khi tốt nghiệp, chị Liên thật thà: "Khó lắm anh ạ. Tôi giờ về hưu rồi...". "Nhưng anh chồng chị đương chức, lại là thẩm phán tòa tỉnh, to thế cơ mà!" - tôi ngạc nhiên. Chị Liên cười cười: "Lại khó nữa.Vì những người sắp... đứng trước vành móng ngựa rồi mới quan hệ với anh ấy, thì làm sao nhờ họ xin việc cho con mình được?". Chúng tôi bật cười dù câu chuyện chị  kể sắp đi vào đoạn buồn nhất. Chị Liên chợt hỏi tôi: "Anh có biết vào buổi chiều ngày 22 tháng 7 năm 1970 ấy, trong lúc vượt qua ngọn núi giáp ranh xã Phổ Cường và Phổ Ninh, chị Trâm đã nói gì với tôi không ?". Làm sao tôi biết được, nhưng tôi biết, đó có thể là câu chuyện cuối cùng, những lời nói cuối cùng của nữ bác sĩ Thùy Trâm gửi lại thế giới này, cuộc đời này. "Chị Trâm đã kể tôi nghe về người yêu của chị. Tôi không biết anh ấy là ai, chỉ nhớ chị Trâm đã kể rất say sưa những kỷ niệm về mối tình đầu của mình. Hai chúng tôi đang trên đường từ căn cứ sắp chuyển bệnh xá về lại căn cứ cũ. Hai chị em chúng tôi đi tiền trạm mà. Tôi là y tá tập sự của Huyện đội Đức Phổ được cử về bệnh xá của chị Trâm để học lớp y tá đợt 2 nhằm nâng cao tay nghề. Tôi chỉ mới được ở với chị Trâm gần 6 tháng, nhưng thời gian ấy đủ cho tôi thương mến và cảm phục chị Trâm vô cùng. Chị Trâm không chỉ được mình tôi thương, dù chị nhận tôi là em nuôi. Chị được tất cả bà con ở Phổ Cường và Đức Phổ - những nơi chị đã sống, đã lăn lộn trong mấy năm ác liệt - thương như thương con đẻ hay chị em ruột thịt. Ở trạm xá trên núi, nhưng chị Trâm thường xuyên nhận được quà của bà con
Viết tiếp chuyện bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Buổi chiều cuối cùng của một thiên thần - ảnh 2
Ông Ted Engerlmen Cựu chiến binh Mỹ trao đĩa CD lưu giữ cuốn nhật ký cho mẹ bác sĩ Trâm. Ảnh Ngọc Thắng
Phổ Cường gửi lên cho, từ hộp sữa đến bộ quần áo hay cả chiếc radio bán dẫn. Tôi nhớ, có lần chị còn khoe tôi chiếc nhẫn vàng bà con gửi cho chị "làm nhẫn cưới". Anh biết không, tôi chưa thấy một người con gái nào đẹp, giỏi giang và lại dễ thương như chị Trâm. Người như thế được nhiều anh để ý hay thầm yêu trộm nhớ cũng là chuyện bình thường. Nhưng trong thời gian sống bên chị, tôi thấy hình như chị chưa nhắm đến ai trong số những người mà chúng tôi quen biết. Cả chuyện chị thường xuyên ghi nhật ký, cũng ít người trong chúng tôi biết, vì chị rất kín đáo. Không hiểu vì sao, trong buổi chiều cuối cùng ấy, chị Trâm lại kể tôi nghe về người chị yêu. Hình như mối tình này của chị mãnh liệt lắm, qua cách kể và giọng kể của chị. Một trong những lý do chị vượt Trường Sơn vào đây là để được gặp anh ấy". Tôi hỏi chị Liên, có phải hai cuốn nhật ký của bác sĩ Thùy Trâm bị lính Mỹ thu khi họ đánh vào bệnh xá không ? Chị Liên khẳng định: “Làm gì có chuyện đó! Mỗi khi chạy càn hay chuyển cứ, chị Trâm và chúng tôi đều mang theo tất cả tài liệu của bệnh xá và những gì thiết cốt nhất của cá nhân. Hai cuốn nhật ký mà người Mỹ lấy được của chị Trâm đã được chị cất trong chiếc bòng (ba lô) mà chị đeo bên mình khi cùng tôi đi tiền trạm đến căn cứ mới. Sau khi hạ sát chị Trâm, lính biệt kích Mỹ đã lấy hai cuốn nhật ký này cùng những vật dụng cá nhân khác của chị Trâm. Chúng chỉ để lại quần áo của chị, sau khi đã xé ra và treo vắt vẻo trên những cháng cây rừng". Tôi hỏi, trước khi chết chị Trâm mặc chiếc áo màu gì, chị Liên nói ngay: "Chị mặc áo bà ba đen. Chị Trâm rất thích mặc áo bà ba, trong ba lô của chị khi ấy vẫn còn vài chiếc áo bà ba đen. Sau khi chị mất, có một chiếc áo bà ba trong ba lô chị bị lính Mỹ xé đôi vắt trên cây, tôi đã cầm về vá lại và mặc miết cho tới sau hòa bình".
Thật tiếc, chị Liên đã không còn giữ được chiếc áo bà ba đen thương thiết ấy. Nhưng hình ảnh người nữ bác sĩ can đảm trong chiến đấu, nhẫn nại và chịu đựng đến vô cùng khi chăm sóc thương binh, hình ảnh người con gái yêu mãnh liệt và lãng mạn trong câu chuyện cuối cùng vào buổi chiều định mệnh ấy, tôi biết, mãi mãi còn trong trái tim chị Liên và những đồng đội của bác sĩ Thùy Trâm.
Chị là thiên thần của chúng tôi
Viết tiếp chuyện bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Buổi chiều cuối cùng của một thiên thần - ảnh 3
Thùy Trâm cùng mẹ là bà Doãn Ngọc Trâm trước ngày lên đường (ảnh chụp ngày 18/12/1966)
Buổi chiều ngày 22 tháng 7 của 35 năm trước. Câu chuyện chị Nguyễn Thị Kim Liên kể bằng giọng nghèn nghẹn: "Có lẽ bọn biệt kích Mỹ nghe giọng nói của hai chị em chúng tôi. Chúng đã phục lại chờ ngay đỉnh dốc. Mải chuyện, tới lúc đột nhiên một tên biệt kích Mỹ đen nhô ra, gần như nó đã nắm được tay chị Trâm. Tôi chỉ kịp hét lên: "Chị Hai, Mỹ!" và vùng chạy.  Hai chị em không có vũ khí, mà thực ra, có vũ khí lúc ấy cũng không đối phó kịp. Tôi lao mình xuống dốc, và nghe phía sau mình một loạt tiểu liên đanh gọn. Chúng đã hạ sát chị Trâm ở một khoảng cách quá gần, chỉ chừng 1 mét. Cái chết của chị Trâm và cây rừng đã cứu tôi thoát chết". Không chủ định, nhưng bằng cái chết của mình, chị Thùy Trâm không chỉ cứu sống chị Liên mà còn báo động cho cả bệnh xá biết sự hiện diện của bọn biệt kích Mỹ. Bệnh xá đã dời đi an toàn. Đơn vị vũ trang huyện đã bám gần nơi chúng sát hại chị Trâm đúng một tuần, bọn biệt kích Mỹ mới bỏ đi. Nấm mộ người nữ bác sĩ đã được đắp cao lên, chứ không thể đào huyệt an táng chị. Ngày ấy, không có hương hoa, nhưng tất cả những người quen biết và cùng sống cùng chiến đấu với chị Thùy Trâm mỗi khi qua con dốc này đều đắp thêm cho chị một nắm đất. Cho tới hòa bình. Trước khi người mẹ thương yêu của chị Trâm vào với con, suốt một tháng ròng, hương đã được thắp lên trên nấm mộ người con gái kính thương của hàng nghìn thương binh từng được chị cứu chữa và chăm sóc. Bao nhiêu nước mắt đã chảy mỗi khi có người nhắc đến tên Thùy Trâm. Hơn cả anh hùng, Thùy Trâm đã là một thiên thần của thế hệ chúng tôi, một thế hệ trong sáng hồn nhiên vô tư đến kinh ngạc khi bước vào cuộc chiến đấu sinh tử. Một thiên thần trong màu áo trắng tinh khiết, dù trong chiến tranh, chị Trâm nào có điều kiện để mặc chiếc áo blouse trắng của người bác sĩ. Khi tìm gặp những người đã từng sống với chị trong 3 năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, tôi mới hiểu vì sao chị Thùy Trâm được chính những người lính Mỹ - những kẻ thù một thời của chị - yêu mến và kính trọng đến như vậy. Bởi trước hết, chị được chính những đồng đội của mình yêu thương và kính trọng. Chị được nhân dân của mình yêu thương và quý trọng. Chị được mảnh đất chiến trường Đức Phổ che chở và nâng niu cho tới khi chị nhập vào hồn đất ấy. Và ngay khi đã chết rồi, chị vẫn tiếp tục cải hóa được chính những kẻ thù của mình. Bằng hai tập nhật ký. Bằng tình yêu thương và sự dâng hiến vô hạn cho cuộc đời, cho con người, cho lý tưởng. Mới hôm qua thôi, tôi mới biết, hóa ra, người yêu của chị Thùy Trâm, người một thời đã là thần tượng của chị - người đi trước chị vào chiến trường với màu áo quân phục giải phóng - lại là người sau này rất thân với tôi, người tôi kính trọng và yêu quý như một người anh. Dù chưa một lần tôi nghe anh kể về chị, và có thể anh mang một nỗi đau, một nỗi dằn vặt nào đó trong mối tình này mà anh cố giấu, cả chị Trâm cũng vậy, nhưng tôi có thể nói, họ là hai con người theo đúng nghĩa cao đẹp của từ này. Anh đã qua đời vì những vết thương và những di chứng chiến tranh, và có thể ở cõi xa xăm ấy, anh đã gặp lại chị. Mong là như vậy. Xin chị yên nghỉ, chị Thùy Trâm, chị mãi mãi là niềm tự hào của chúng tôi, là thiên thần của chúng tôi!
Quảng Ngãi, ngày 21/7/2005
Thanh Thảo
 
Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm - Người con gái anh hùng của quê hương Thừa Thiên- Huế.


Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, là người con của quê hương Thừa thiên-Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha là Bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là Dược sĩ Doãn Ngọc Trâm-nguyên là giảng viên Trường Đại học Dược khoa, Hà Hội. Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ của một người thầy thuốc trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh vào năm 1970 khi còn rất trẻ, chỉ mới chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng. Nhân dân địa phương đã an táng Chị ngay tên mãnh đất mà Chị đã hy sinh và được gia đình cải táng về nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội.
Trong hành trang để lại trước lúc hy sinh của Chị là 2 cuốn nhật ký đã được một cựu chiến binh Mỹ tên là Frederic Whitehurst từng tham chiến tại chiến trường huyện Đức Phổ tìm thấy và cất giữ. Do khó khăn trong việc tìm kiếm gia đình của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và đã tưởng như tuyệt vọng, 2 cuốn nhật ký nầy được Frederic Whitehurst trao tặng cho Viện Lưu trữ về Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Texas, Lubbock lưu giữ và bảo quản.
      Sau bao nhiêu năm tìm kiếm thân thích của gia đình Chị và được sự đồng ý của gia đình, cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản và phát hành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng và 60 năm ngành thành lập Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong dịp kỷ niệm này, tại nhà thờ họ Đặng ở 120 Mai Thúc Loan, Thành phố Huế; Ts. Trần Chí Liêm-Thứ trưởng Bộ Y tế, Đc. Ngô Hòa-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân, PGs.Ts Nguyễn Dung-Giám đốc Sở Y tế Thừa thiên-Huế đã tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm và phát động phong trào học tập y đức của Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một thầy thuốc với phẩm chất anh hùng cách mạng của người chiến sĩ Cộng sản. Bộ Y tế đang trình Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và có kế hoạch xây dựng bệnh viện khu vực Đức Phổ-tỉnh Quảng Ngãi, nơi Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh trở thành một bệnh viện kiểu mẫu của toàn quốc và mang tên Bệnh viện Đặng Thùy Trâm.
Ngoài Liệt sĩ-Anh hùng Lao động-Giáo sư-Đặng Văn Ngữ, ngành y tế Thừa thiên-Huế còn có anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã đi vào lịch sử. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 và ngày hy sinh của các Liệt sĩ, ngành y tế sẽ tổ chức viếng thăm và dâng hương trước di ảnh tại các nhà thờ họ tộc để tưởng niệm.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm: Cuộc đời hiến dâng cho lý tưởng cao đẹp

Đã 47 năm bác sĩ Đặng Thùy Trâm anh dũng hy sinh nhưng nghị lực và ý chí ngoan cường của chị mãi tỏa sáng. Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, PNVN xin giới thiệu về tấm gương anh dũng của người chiến sĩ - bác sĩ ấy.
Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội. Bố chị là ông Đặng Ngọc Khuê, bác sĩ ngoại khoa; mẹ chị là bà Doãn Ngọc Trâm, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tuổi thơ của chị trải qua thời kỳ khốn khó trong những năm kháng chiến. Tháng 4/1952, chị được kết nạp vào Đội Thiếu niên tháng Tám. Năm 1958, chị cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, vào học cấp 3 tại trường Chu Văn An. Năm 1961, nối nghiệp gia đình, Đặng Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội.
lit-s-ng-thy-trm.png
 Chân dung bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Tháng 6/1966, được nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm. Ngay lúc đó, Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam, nơi những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.
Tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi, được phân công phụ trách Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ngày 27/9/1968, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là người yêu thích văn học, Thuỳ Trâm đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách của các nhân vật lý tưởng trong văn học như Pavel Korchagin trong ‘Thép đã tôi thế đấy’, Ruồi trâu.... Đó là những nhân vật mà chất lý tưởng luôn rừng rực trong trái tim thanh xuân của họ.

Đặng Thùy Trâm đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: '…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, … để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người’.
Với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở...

Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.
lit-s-bc-s-ng-thu-trm-ngi-ngoi-cng-bn-phi-cng-cc-y-bc-s-ti-trm-x-c-ph-qung-ngi.jpg
 Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (bìa phải) cùng các y, bác sĩ tại Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi
Nhật ký đơn thuần chỉ là ghi chép hàng ngày của mỗi người, nhưng những bức thư chị viết trong thời gian công tác ở đây trong ‘Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm’ lại chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào, cho Tổ quốc. Chị quan niệm ‘… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này’.
Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Khi đứng lớp giảng bài cho học sinh của lớp y tá sơ cấp, xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập, chị đã tâm sự: ‘Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được’.
mt-trang-th-c-ch-k-ca-lit-s-bc-s-ng-thy-trm.jpg
 Một trang thư có chữ ký của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Đặc biệt, chị dành cho thương binh một thứ tình cảm như người thân ruột thịt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng... Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết: ‘... Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình’. Và biểu hiện cao nhất của Đặng Thùy Trâm về tình đồng đội là chị xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình.
Ngày 22/6/1970, Trạm xá Đức Phổ bị lính Mỹ tập kích. Chị Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh.
2.jpg
 Quyển 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' xuất bản năm 2005 gây xúc động lớn cho nhiều độc giả trong và ngoài nước
Đặng Thùy Trâm đã ngoan cường chiến đấu như tinh thần của Mariuyt, của Gavơrốt trên chiến lũy thành Paris mà chị từng ngưỡng mộ. Chị và thế hệ cầm súng của chị mãi mãi toả sáng tuổi 20 khi mà chị viết: ‘Cuộc đời Thuỳ là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ, xin Thuỳ hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng’.
Bác sĩ, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là tác giả 2 tập nhật ký được viết từ ngày 8/4/1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20/6/1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ hơn 30 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4/2005. Sau đó, nhật ký được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành sách, được xuất bản tại Hà Nội trong năm 2005. Tác phẩm có tên là ‘Nhật ký Đặng Thùy Trâm’ (NXB Hội Nhà Văn Việt Nam). Sách đã lay động lương tâm nhiều người, nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi Việt Nam.
HN (tổng hợp)
TTXVN/Bảo tàng Lịch sử Quân sự





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét