Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

CÂU CHUYỆN TÂM LINH 161


(ĐC sưu tầm trên NET)
                                     
                Câu chuyện tôi cam đoan có thật 100% chuyện tâm linh có thật về lươn báo oán

Kỳ bí hai cây “thị chồng”, “thị vợ” khổng lồ bên ngôi đền thiêng

Giữa đại ngàn hùng vĩ, người dân bản Bạch Sơn, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn truyền nhau những câu chuyện kỳ bí về hai cây thị cổ tồn tại ở đây hàng trăm năm tuổi bên ngôi đền Bạch Mã linh thiêng. Hiện ngôi đền không còn tồn tại, nhưng những câu chuyện huyền bí về ngôi đền và cây thị chồng, thị vợ vẫn được người dân bản lưu truyền kể lại. Sự tích ngôi đền

Bản Bạch Sơn nằm biệt lập giữa đại ngàn heo hút của miền Tây xứ Nghệ. Muốn vào được bản Bạch Sơn, phải vượt qua con suối Xì Vàng và đi bộ hơn 5km bằng đường núi rừng rậm rập mới tới nơi. Chúng tôi vào bản Bạch Sơn đúng vào dịp cơn lũ lịch sử vừa tàn phá qua đây. Bởi vậy, những ngày này nước suối dâng cao, người ta phải đi qua đây bằng cách làm bè tre để kéo qua. Bản Bạch Sơn vốn xuất phát từ thuật ngữ "Bạch mã" (tức con ngựa trắng, tiếng Thái là Pả mạ).
“Thị vợ”, “thị chồng” hàng trăm năm tuổi nằm giữa đại ngàn
Bên chén rượu nồng trong căn nhà sàn, cụ Lô Đình Niên (75 tuổi) già làng của bản Bạch Sơn kể lại, khi còn nhỏ ông thường vào rừng tìm măng rừng, đốt rẫy và được ông nội kể: Từ ngày xa xưa khi mới lập bản, bản chỉ vẻn vẹn 5 hộ dân, nên bản cũng chưa có tên. Một ngày nọ bỗng một con ngựa trắng bay về, đậu trên đỉnh núi cao nhất của bản. Tương truyền, ngựa trắng bay về là để giúp dân đuổi thú rừng thường về đây phá nương rẫy. Sau khi giúp dân, ngựa trắng lại bay đi và không còn trở lại nữa. Để tưởng nhớ công ơn "Bạch mã" vị già làng năm xưa đã đặt tên bản là bản "Bạch mã" (tức bản Pả Mạ). Đồng thời, người dân cũng đã tôn thờ ngài Bạch mã như một vị thần, dựng một ngôi đền ngay giữa bản. Hàng năm, cứ đầu năm và cuối năm tùy theo mùa vụ dân bản lại mang lễ vật đến đây để làm lễ dâng ngài. Bởi thế, dân bản Bạch mã từ đó có cuộc sống no ấm, mùa màng trên rẫy lúc nào cũng trĩu hạt. Thú rừng cũng ít về đây phá hoại mùa màng.
Cụ Niên cho biết thêm, ngay đường vào bản vốn có một con suối, người dân ở đây gọi là suối Xì Vàng, vốn là của ngài Đức thánh thổ quản lý. Một lần, ngài lên bản Bạch mã ngồi trên con ngựa trắng, mang theo con gà trắng (tiếng Thái là Cảy Đọn) lên để chơi gà. Nhưng con hổ biến thành tinh đã ăn thịt cả ngài, ngựa trắng và gà trắng. Hổ dữ chỉ chừa lại ba cái cẳng (tiếng Thái là Sam Ha: tức 3 chân): Một chân gà, một chân ngựa và một chân ngài. Dân bản đau lòng đã đem chôn ba cái cẳng ấy ở một mô đất rộng. Hiện, mô đất đó đã được người dân bản làm ruộng và đặt tên là ruộng ba cẳng, sát với ngôi đền Bạch mã.  

Sau nhiều biến cố của lịch sử, bản Bạch mã đã được đổi tên như ngày nay là bản Bạch Sơn - Đó là sau sự kiện ngôi đền thiêng trong bản bị phá bỏ. Hiện bản Bạch Sơn có 69  hộ dân và 100% là người dân tộc Thái. Thu nhập chính chủ yếu là từ làm nương rẫy và những sản phẩm từ rừng.
Ông Lang Văn Trường, Trưởng bản cho biết: Khu vực này trước là ngôi đền Bạch mã
Sự biến mất của ngôi đền thiêng

Đền Bạch mã gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn. Ông Lương Văn Hoàn, một người dân trong bản cho hay, lần đó, một người đàn ông từ ngoài vào bản trộm xoong, nồi của dân làng, không hiểu sao lại quay trở lại trả toàn bộ đồ lấy cắp lại cho người dân bản. Sau này mới biết, nhờ ngôi đền và hai cây thị cổ, ai trộm đồ trong bản ra đến cuối bản là chảy máu mũi, nên phải quay lại trả đồ cho bản. Và còn phải làm lễ thì ngài mới chịu tha cho.

Năm 1983, một trận dịch kiết lỵ lấy đi mạng sống của 78 người dân bản Bạch mã. Người dân ở đây đã đổ lỗi cho ngôi đền. Họ cho rằng, ngôi đền đã không còn thiêng nữa và không còn phù hộ cho con cháu dân bản mùa màng trĩu hạt nên ai cũng bỏ bê chuyện thờ cúng. Ngôi đền bị bỏ hoang lạnh một thời gian thì bị phá bỏ. Hiện ngôi đền chỉ còn lại mô đất bằng phẳng nằm gần hai cây thị cổ. Ông Lang Văn Trường, Trưởng bản cho biết: Hai cây thị cổ hai bên có tuổi đời hàng trăm năm và không biết có từ bao giờ được làm hai trụ cổng dẫn lối vào đền.   

Đến những năm 1994 - 1995, vì giao thông đi lại khó khăn hiểm trở, giao thương trở ngại nên những người trong bản đã chuyển đến nơi ở mới cách bản cũ hơn 1km và đặt tên mới cho bản là Bạch Sơn như bây giờ. Họ mong muốn xa đền sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng trĩu hạt và cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ vẫn bám bản cũ. Đến năm 2010, tiếp tục chuyển ra nơi ở mới thêm 10 hộ nữa. Hiện vẫn còn 2 hộ ở lại bản vì không muốn rời nơi ông cha đã sinh ra họ và muốn sống gần hai cây thị cổ để giữ lại di sản.
Muốn vào bản Bạch Sơn phải có bè tre đưa qua suối Xì Vàng
Kỳ bí thị chồng, thị vợ

Những già làng trong bản cũng kể lại, khi họ còn nhỏ thường chui vào hốc hai cây thị để chơi trò trốn tìm. Có người nói hai cây thị có thể lên đến ngàn tuổi. Điều này cũng có thể xảy ra. Hai cây thị là tài sản chung của người dân bản Bạch Sơn và là niềm tự hào với những gì ông cha để lại cho họ.  

Theo chân ông Lang Văn Trường, chúng tôi đã được "mục sở thị" hai cây thị hiếm hoi và kỳ lạ này. Nói là hiếm hoi bởi đó là hai cây thị nằm ở một bản làng heo hút giữa đại ngàn là những gì mà người dân bản sùng kính và gìn giữ. Chúng cũng trở nên kỳ lạ bởi hai cây thị được người dân bản Bạch Sơn cho rằng, đây là cây thị vợ và thị chồng. Ông Trường chỉ vào cây thị nằm ở phía Tây cho biết, đây là cây thị chồng. Cây thị chồng cao hơn cây thị vợ và cành lá bao trùm rộng lớn hơn. Điều đặc biệt, cây thị chồng đến mùa cho quả nào cũng tròn, dài và quả nào cũng đều có hạt. Chỉ về phía cây thị còn lại, ông Trường cho hay, đây là cây thị vợ, cho ra quả hình dẹt, quả không bao giờ có hạt. 

Hai cây thị cổ đứng sừng sững giữa bản Bạch Sơn hiện đã già cỗi, thân cây thị cao to, vập vạp, xù xì và mốc meo, xung quanh là những u cục sần sùi. Bởi già quá, thị đã hình thành lỗ hổng lớn, thân cây cả 4-5 người chui vào cũng lọt. Còn những đụn rễ thì nở ra với những hình thù kỳ quái. Mặc dầu vậy, các cành con, cành cháu vẫn mọc xanh tươi và vươn cao bao trùm lấy cả một vùng. Từng thớ thịt, đụn rễ cắm sâu vào lòng đất như hút những tinh tuý của tạo hoá khiến người xem chẳng muốn rời. Người ta đồn rằng, hai cây thị nằm bên đền Bạch mã thiêng lắm! Trải qua hàng trăm năm, mưa gió, lũ rừng cày xéo vậy mà chằng hề gì, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái và cho rất nhiều quả. Rồi những đêm trăng rằm, người ta thường nghe tiếng cục…cục…cục giống như là tiếng gà quanh hai gốc thị. Bởi vậy, vào ban đêm người trong bản cũng ít qua lại nơi đây.

Ông Trường cho biết thêm, hai cây thị là những gì còn sót lại của cha ông gìn giữ cho người con của bản Bạch Sơn. Vì vậy, hai cây thị cổ đã trở thành báu vật của bản, giữa đại ngàn heo hút, che chở, gìn giữ bình yên cho bản.
Theo Anh Quân - PL&XH

Chuyện ít biết về ngôi tháp cổ của Lão Hòa Thượng hiển linh cứu người ở Hà Tiên

Người dân Hà Tiên kể một câu chuyện có thật rằng vào một đêm tối, khi quân Pon Pot vào làng cuồng sát dân chúng dã man, những người sống quanh núi Đề Lim (phường Bình San, TX. Hà Tiên), không kịp chạy, bèn kéo nhau chui vào cái tháp 7 tầng trống vắng nằm chơ vơ dưới chân núi trốn. Những tên Pon Pot khát máu hằm hè súng ống giáo mác lục lọi nhưng bỗng nhiên chúng tự bỏ đi. Người ta tin rằng, nhờ Lão Hòa Thượng kịp thời cứu độ, đã xua chúng đi nên 11 người trong tháp được thoát chết. Điềm lành của chiếc tháp cổ 7 tầng
Nói đến tòa tháp cổ tọa ở chân núi Đề Lim, người ta cho rằng đây là chiếc tháp linh thiêng. Trải qua bao biến động lịch sử, gánh nặng bào mòn của thời gian, nhiều thứ đã sụp đổ, biến đổi, nhưng riêng chiếc tháp cổ vẫn còn sừng sững, gần như nguyên vẹn, như thách đố sức bào mòn của thời gian. Người dân nơi đây cho biết, khi sinh ra họ đã thấy cái tháp đứng đó, cây Bồ Đề trên đỉnh tháp cũng đã đan rễ thòng lọng, bám chặt vào thân tháp như cây trầu bám vào thân cau, chắc nịch. Người dân cho rằng, đó là do đại đức của Lão Hòa Thượng xưa nên chiếc tháp mới tồn tại với thời gian mà đến nay vẫn không sụp đổ.
Chuyện kể rằng, núi Đề Lim (còn có tên gọi núi Phù Dung) ở thế long chầu, dưới chân núi Phù Dung cây cối bốn bề xanh tốt, một ngày nọ có vị sư, cùng những phật tử đến đây dựng chùa để tu hành. Chùa xây trên triền núi, bên dưới là chợ, người buôn kẻ bán, cuộc sống thanh bình. Nhờ ăn chay, niệm Phật nên vị sư nhanh chóng đắc đạo và được phong là Lão Hòa Thượng. Khi vị hòa thượng viên tịch, phật tử thành tâm xây cho ngài một ngôi tháp, làm một cái am che chở ngọc vị ngay trước phía Đông Bắc, sát cạnh chùa để ngày ngày phật tử hương khói. Nghe tiếng vị hòa thượng đức độ, danh tiếng chùa vang xa, phật tử khắp nơi đến xin tu hành. Người dân trong miền ai ai cũng quý mến và kính trọng vị Lão Hòa Thượng và ngôi chùa này.
Nhưng do chùa nằm ở phía sát biên giới, giặc nhiều lần đến nhũng nhiễu, trong một lần xứ Hà Tiên thất thủ, ngôi chùa Phù Dung cũng bị giặc sang cướp bóc rồi phá đi. Phật tử tán loạn mười phương, chỉ còn duy nhất chiếc am 7 tầng và nền chùa cũ trơ trọi. Bỗng nhiên một ngày trên đỉnh am có một ngọn cây Bồ Đề nhú lên, cành lá xanh tốt, rễ đâm tua tủa.
Tháp "cứu người" 7 tầng, cây Bồ Đề phủ rễ ôm kín.
Như một điềm lành, mỗi tầng tháp, rễ cây đan thành một bậc trông rất đẹp mắt, giống như biểu tượng cánh hoa sen xếp bao quanh Phật A Di Đà mà ta thường thấy. Bên trong tháp trống rỗng, dưới nền là ngọc vị của Lão Hòa Thượng, tấm bia đá cổ chắn ngang cửa ra vào tháp, được khắc hàng chữ nho. Bên cạnh gốc, người ta còn ghi một bảng hiệu bằng chữ quốc ngữ, với nội dung "Lâm Tế, 1662, tháp 7 tầng, Ấn Đàm, Lão Hòa Thượng".
Theo một người sống cạnh chùa giải thích, tấm bia có nghĩa là Lão Hòa Thượng viên tịch năm 1662, dòng thiền Lâm Tế.
Lão Hòa Thượng cứu 11 người thoát họng súng Pon Pot
Phải chăng khi cây Bồ Đề ôm trọn thân Tháp, che chắn ngọc vị Lão Hòa Thượng là những dấu hiệu linh thiêng, để sau này 11 người chui vào bên trong trốn thoát Pon Pot cũng được đại đức của Lão Hòa Thượng che chở? Không thể khẳng định, nhưng sự thật lịch sử do những nhân chứng sống kể lại câu chuyện vào đêm tối 13/3 năm 1978, có 11 người thoát chết dưới mũi lê khát máu của lính Pon Pot trong gang tấc thì không thể phủ nhận. Câu chuyện ly kỳ đến nỗi, chỉ có sự phù hộ của Đức Phật đại từ thì họ mới may mắn thoát chết?
Sự thật nhuốm sắc huyền bí này khiến tôi nửa tin nửa ngờ, để xác tín, chúng tôi tìm đến ông Lương Phớn Cang, 66 tuổi, là nhân chứng sống của "vụ thoát thân" may mắn của 11 con người trên.
Ông kể lại: Đầu năm 1978 tình hình biên giới Tây Nam hết sức phức tạp. Những cuộc tàn sát điên cuồng của bọn diệt chủng Pon Pot như vết dầu loang, diễn ra khắp nơi. Vào tối 13/3 một toán quân Pon Pot còn rất trẻ khoảng độ từ 18-20 tuổi, cải trang thường dân, trang bị vũ khí âm thầm vượt biên phía Tây Nam Hà Tiên từ núi Bà Lý (nay xã Mỹ Đức, sát Campuchia). Chúng chui vào từng nhà thấy người dân đâu chúng thẳng tay tàn sát đó, người già chúng đập đầu, đâm lưỡi lê, trẻ con chúng vật vào tường cho chết, thập chí chúng tước đôi chân... Thảm sát được một loạt gia đình, chúng tiếp tục tiến lên hướng chân núi Đề Lim, những người già và trẻ nhỏ gần đó không kịp chạy, bèn chui vội vào chiếc tháp 7 tầng ở sát đó.
Sau khi tìm không thấy ai trong nhà, chúng tiến đến cái tháp lượn một vòng xung quanh lắng nghe, đúng lúc này bỗng có tiếng trẻ trong tháp. Lại thấy giày, dép để trước cửa tháp, nghi ngờ có người, một tên cầm súng bước lên định chĩa mũi súng vào miệng tháp xả đạn. Bất ngờ có con chó của người chạy nạn nằm ngay cửa tháp xông ra cắn, tên Pon Pot giật mình bóp cò, viên đạn xuyên trúng tấm bia làm sứt một góc, rồi găm vào vách miệng tháp. Không hiểu sao bỗng nhiên cả bọn hùa nhau bỏ đi, chúng còn quay lại những nhà dưới núi (cách chùa mấy chục mét) bắt gà đánh chén, rồi ở luôn trong đó.
Chiều ngày 14/3, chúng bị quân chủ lực của ta phản công tiêu diệt cả bọn ngay tại chân núi Đề Lim. Đến nay dấu tích của viên đạn làm sứt một góc bia xưa vẫn còn, miệng bên phải của tháp vẫn in rõ vết xước của đạn.
Không nên để “đắc tội với tiền nhân”
Những câu chuyện pha chút huyễn hoặc làm khó tin, nhưng sự thật từ nhân chứng sống và lịch sử ghi nhận những chuyện đã xảy ra thì bất cứ ai cũng phải công nhận. Theo đó, chúng ta cần xét ở góc độ lịch sử để có cái nhìn khách quan hơn về ngôi tháp cổ. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt cho rằng, đây là kiến trúc cổ nhất trong số những di tích lịch sử tại Hà Tiên. Tuy nhiên ông khẳng định, cái tháp ra đời trong khoảng thời gian sau khi Mạc Cửu đến khai phá đất Hà Tiên (Mạc Cửu đến Hà Tiên mở đất vào năm 1700).
Từ khi chùa cổ Phù Dung sụp đổ ở núi Phù Dung xưa (nay là Đề Liêm), chỉ còn nền hoang trơ trọi, chiếc giếng tiêu của nhà chùa cây cối phủ rậm rạp (nay còn dấu tích, cách chùa 40m về hướng chân núi). Đến năm 1974 thì một ngôi chùa mới lại được lập trên nền cũ, đến năm 1976 lại một lần nữa bị phá dỡ. Nhưng cũng từ đống đổ nát của nền chùa, một cây Bồ Đề lại đội nền lên tương tự như cây ở tháp 7 tầng bên cạnh. Khi nói đến vấn đề này nhiều người thắc mắc: Tại sao cây không mọc ở đâu mà lại lên trên đỉnh của tháp? Tại sao không phải cây gì khác mà lại là cây Bồ Đề? Theo logíc mà suy thì dễ hiểu, chim rất ưa quả Bồ đề nên chúng thường tìm ăn. Trên đỉnh tháp có cái bộng tròn như trái bầu lõm ruột, nơi đây chim thường đậu, vậy thì việc chim ăn quả, nhả hạt là chuyện thường mới sinh ra cây Bồ Đề trên nóc đỉnh tháp.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đầy biến động, đến nay "cụ tháp" 7 tầng đã ngót nghét hơn 3 trăm năm cùng họ Mạc giữ đất, tháp vẫn đứng sừng sững, cây Bồ Đề vẫn bám lá xanh tươi tốt, rễ phủ chặt thân tháp, ngày ngày vẫn có người đến hương khói, quét dọn. Thực hư chuyện cái Tháp cứu người hay đại đức Lão Hòa Thượng che chở cho 11 mạng người thì cần có thời gian nghiên cứu. Nhưng cái gì cũng méo mó trước lớp bụi thời gian, nhất là tháp cổ chỉ xây bằng vôi vữa ngày xưa, vì thế để giữ lại cho hậu thế, cơ quan chức năng TX Hà Tiên cần có biện pháp bảo vệ, nếu không một ngày nào đó tháp hư hại, nói như nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt là "sẽ đắc tội với tiền nhân".
"Phép màu" kỳ diệu hay sự may mắn ngẫu nhiên?
Những nạn nhân vụ thoát chết khó tin này tin rằng họ được cái tháp bao bọc, hay nói đúng hơn là do được "đại đức" của Lão Hòa Thượng che chở. Những người còn sống sau này ngày ngày vẫn đến chiếc tháp cổ hương khói, tạ ơn.
Ông Lâm Phớn Cang cho rằng: "Chắc chắn đêm đó những tên Pon Pot hung dữ biết trong tháp có người, vì tất cả dép bỏ ngoài cửa tháp, lại thêm tiếng trẻ con thút thít. Một số người núp bên trong hiểu tiếng, còn nghe chúng nói "tìm thấy là bắn ngay". Nhưng đúng lúc đó con chó dữ lao ra cắn chúng, giống như có phép màu kịp thời đánh lạc hướng chúng vậy".
Ông Lương Phớn Cang, nhân chứng sống vụ 11 người thoát chết năm 1978, nay ở cạnh am, ngày ngày vẫn sang am hương khói.
Theo Kỳ Anh - ĐS&PL

Kỳ bí ngôi đình kiệu rước 'bay' và có những cổ vật 'bất khả xâm phạm'

Người làng Xuân Đỗ (phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội) từ nhiều năm nay vẫn truyền tai nhau những câu chuyện lạ lùng về ngôi đình làng “nổi tiếng thiêng nhất vùng”. Nhiều vụ trộm đã xảy ra tại đây nhưng kỳ lạ thay, cứ vài bữa sau khi mất thì đồ bị trộm thế nào cũng được những đối tượng hành nghề “hai ngón” trả lại vì sợ hãi. Lạ lùng “kiệu bay”

Sử làng còn chép, cách đây đã 2000 năm, thưở xưa làng Xuân Đỗ có sáu giáp nhỏ heo hắt nằm dọc bờ sông Hồng. Năm ấy có vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng là Đào Khỏa Ba Sơn (SN 27 sau công nguyên) chỉ huy 500 binh sĩ trên đường tiến đánh thành Luy Lâu (tỉnh Hà Bắc cũ nay là tỉnh Bắc Ninh) đã dừng chân nghỉ lại bên miếu thờ công chúa con gái Lạc Long Quân) Đêm đó, điềm lạ đã đến khi công chúa hiển linh báo mộng với vị tướng rằng “Nếu đánh thắng quân giặc thì sẽ cùng cho về trời”. Sớm ngày hôm sau, vị tướng tài xuất quân đầy khí thế và chẳng mấy chốc thành giặc đã “tan tành xác pháo”.
Nhớ lời báo mộng của công chúa đêm hôm trước, vị tướng lệnh lui quân về bên miếu báo tin vui cho dân làng và mở tiệc khao quân tại một cánh đồng. Liền đêm hôm đó, trước sự chứng kiến của mọi người, vị tướng từ từ biến thành đám mây màu hồng thác lên trời. Từ đó cánh đồng xưa có tên gọi là “vườn hồng”, còn nhớ ơn công lao vị tướng tài đã có công diệt giặc, dân làng đã xây đình Xuân Đỗ, tôn ngài làm Thành hoàng làng.

Hàng ngàn năm, ngôi đình thờ vị tướng năm nào vẫn sừng sững dù đã trải qua bao thăng trầm biến cố. Ghé chân quán ven đường trước cửa đình, người phụ nữ bán quán không chút ngần ngại khẳng định chắc chắn: "Đã 50 tuổi đời, cũng đi nhiều nơi nhưng tôi không thấy đâu có ngôi đình thiêng như làng tôi". Trước tiên, chị chứng minh sự linh thiêng của đình bằng dẫn chứng “kiệu bay” trong hội làng mùng 9 – 10/2 âm lịch hàng năm.
Theo sự mô tả của người phụ nữ này, chiếc kiệu bát cống nặng cả ngàn cân, thế mà chỉ cần "ngài" nhập vào thì sẽ nhẹ chẳng khác như kiệu giấy, bốn thanh niên lúc đó chân tay cứ dẻo như kẹo, “múa may xoay tít như ngựa phi trên đường làng”. “Khối lần cả người cả kiệu xoay xuống ao đình; thế nhưng dù trời lạnh cắt da cắt thịt, nước ngập tới cổ mà bỗng chốc cả người cả kiệu lại nhảy phốc từ dưới ao qua bức tường bao cao cả hai mét lên đường mà không ai hề hấn gì, cũng không đồ cúng lễ nào rơi vãi”, chị cho biết.
Người dân trong làng cho biết, sợ nhất là ai trong đoàn lễ vô tình hoặc cố ý báng bổ sẽ cũng đều bị “thánh vật”, bị "ngài hành” làm chiếc kiệu bỗng nặng cả ngàn cân, trĩu người không lê chân được trong khi người bên cạnh thì vẫn… chạy như bay.
Ngôi đình “không thể bị mất trộm”.
Kiểm chứng câu chuyện, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Khắc Chứ (60 tuổi, Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình) thì cũng được khẳng định “đó là câu chuyện thật”. Ông Chứ cho biết, từ xưa tục làng đã vậy, mỗi năm một lần trước ngày hội 10 ngày, làng sẽ lựa chọn những thanh niên ưu tú để tham gia rước kiệu "ngài". Trong thời gian này, tất cả những người rước kiệu đều không được ăn tỏi, hành, đồ ăn mặn và tuyệt nhiên kiêng kị chuyện "tình cảm".

Ngôi đình “bất khả xâm phạm”

Thế nhưng những câu chuyện đặc sắc nhất về ngôi đình, theo ông Chứ phải là chuyện những món đồ tại đây không thể bị mất, dù tương đối quý hiếm và đình cũng không canh phòng cẩn mật.

Thời xưa, đình làng có đôi quạt ngà rất quý giá, được xem là “bảo vật” của cả làng nhưng không may một lần đạo chích viếng thăm đã cuỗm đi khiến cả dân làng tiếc ngẩn ngơ. Bẵng đi một thời gian, tự dưng người từ một ngôi chùa cách làng 5 - 6 cây số bắn tin về báo đến nhận lại đôi quạt ngà của đình làng đang thất lạc ở đó. Tin lạ loang nhanh cả làng, các cụ bô lão liền tất tưởi tới xem thì được sư thầy ở chùa đó cho biết có người tự dưng mang đôi quạt ngà đến để ở chùa nhờ trả hộ.

Rồi vào những năm 1970, trong một lần tu sửa đình có một kẻ gian tự mang nộp chiếc đỉnh đồng mà hắn đã ăn trộm trước đó. Ông Chứ cười khà: "Tôi đoán chắc do kẻ gian đã lấy trộm nhưng rồi rốt cuộc cũng gặp không ít những chuyện chẳng lành nên sợ quá mà đem trả lại thôi. Thành làng tôi “thiêng” lắm, không để kẻ gian toại ý đâu".

Rồi lần mất trộm gần đây nhất cách đây 3 năm, ông Chứ vẫn nhớ buổi sáng hôm đó khi cụ từ trông đình mở cửa đền thờ thì phát hiện toàn bộ đồ đồng gồm đỉnh đồng, chuông, khánh... “không cánh mà bay”. Tin động trời ấy chẳng chốc loang khắp cả làng xóm, ai cũng hoang mang nhưng rồi lại một lần nữa chuyện đồ đạc bị mất “tự nhiên quay lại” lại xảy ra: Gần một năm sau cụ từ bỗng phát hiện một bao tải lạ được đặt ngay ngắn ở sân đình. Gọi các cụ trong làng đến xem thì quả thực toàn bộ đồ lễ đã mất nay được trả lại đầy đủ trước sự vui mừng khôn tả của cả làng. Ông Chứ tự hào: “Trong đình cũng còn rất nhiều vật dụng quý giá, thậm chí có cả dát vàng nhưng mảy may chẳng kẻ trộm nào đủ gan để lấy đi”.

Theo dân làng, "ngài hiển linh” còn… xua đuổi được quân thù. Những năm giặc Pháp xâm lược, một ngày cuối năm 1946 một nhóm giặc Pháp kéo đến chiếm đóng trong đình bất chấp sự phản đối của dân làng. Đêm hôm đó, trong đình không biết đã xảy ra điều lạ gì người trong làng chỉ thấy đám lính cứ nhộn nhạo, kẻ thì la hét, người ngã méo xẹo mồm miệng, đến sáng hôm sau ra thì đã thấy chúng cuốn xéo đi hết không còn một tên. Thấy vậy, người trong làng khấp khởi mừng đồn đại ““ngài” đã hiển linh đuổi lũ giặc bảo vệ dân làng”.

Nói về sự lạ của đình làng, ông Chứ cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu chuyện nữa. Mới đây, chẳng hiểu sao có cháu bé người làng khác đến chơi, xuống ao trước đình nghịch ngợm rồi không hiểu sao thằng bé khốn khổ cứ nổi bồng bềnh ở giữa ao không tài nào bơi được vào bờ. Hoảng quá, người nhà cháu bé đến phải vào đình làm lễ vái van xin thì đứa bé mới bơi vào bờ được. Còn có những chuyện cách đây ít năm, có người trong làng trèo cây doi trong đình hái quả không may làm gãy cành,  thế là người cứ dính tịt trên cây không thể xuống được, người nhà lại phải vào đình vái xin "ngài" tha cho.

Kể là vậy, nhưng ông Chứ cười xòa cho biết thêm: “Thánh thiêng” là vậy nhưng từ trước đến nay cũng không hành ai đến mức thập tử nhất sinh bao giờ, biết mà vào xin khấn tội thì ngài ắt sẽ xá cho".
Điều lạ là dù những câu chuyện nhuốm màu tâm linh ly kỳ đến mấy thì từ hàng trăm năm nay, không ai bảo ai người làng Xuân Đỗ cứ truyền từ đời này sang đời khác. Dân làng Xuân Đỗ vẫn tin đó là chuyện có thực, người ta cho rằng những câu chuyện đó trước tiên để thể hiện lòng tôn kính với thành hoàng, sau nữ để cảm hóa, giáo dục con cháu phải biết thờ tụng tôn kính những bậc cha ông ngày xưa đã dựng làng giữ nước để con cháu có những miền quê bình yên, trù phú như ngày nay.

Những câu chuyện "điềm báo" khó tin nhưng có thật trên thế giới

Trang Ly |
Những câu chuyện "điềm báo" khó tin nhưng có thật trên thế giới
Hình minh họa

Linh tính trước hiểm họa, hiểu đơn giản là điềm báo, là một trong những bí ẩn mà khoa học hiện đại chưa thể giải đáp thỏa đáng.

"Con người ta không hiếm khi nghe thấy một giọng nói hay tiếng gọi bí ẩn nào đó như được cất lên từ bên ngoài. Và dù cố gắng tìm kiếm nơi phát ra, họ cũng không thấy ai".
Đó là nhận định của Igor Vinokurov, chủ tịch Ban nghiên cứu những hiện tượng khó lý giải của Nga.
Quả thực, thế giới xung quanh chúng ta còn rất nhiều bí ẩn mà khoa học chưa thể giải đáp hết.
Những giấc mơ kỳ lạ là những điềm báo cho vận hạn hay những cảm nhận chính xác đến bất ngờ như các nhà khoa học vẫn gọi là “thần giao cách cảm”.
Và có cả những tiếng nói, tiếng gọi bí ẩn đã giúp người nghe tránh được những tai họa ập đến.
Những sự việc linh cảm trước nguy hiểm cận kề
Trường hợp 1
Trường hợp tiêu biểu đầu tiên đượcGeorge Byron - nhà thơ lãng mạn Anh và cũng là một trong những nhà thơ lớn của thế giới thế kỷ 19 kể lại.
Một lần thi sỹ George Byron đi du lịch khắp đất nước Hy Lạp thì thấy người dẫn đường bất chợt run lên bần bật như đang lên cơn sốt rét.
Khi Byron hỏi nguyên nhân thì anh ta nói: “Tôi vừa nghe thấy giọng nói của cha tôi, cảnh báo rằng cách đây không xa đang xảy ra một chuyện gì đó khủng khiếp lắm. Chúng ta tạm dừng lại ở đây thôi.
Hai năm trước đây tôi cũng đã bị một cơn động kinh và cũng có giọng nói đã cứu sống tôi trong lúc những người Thổ đang đốn cây khi tôi đang xăm xăm đi tới gần đó”.
Byron mỉm cười nghi hoặc nhưng cũng đồng ý và đợi cho đến khi người bạn đường Hy Lạp đã hết run rẩy để đi tiếp. “Tôi không tin tưởng lắm vào câu chuyện của anh ta, tôi chỉ lo cho sức khỏe của anh ấy thôi”.
Sau này ông đã nói như vậy khi kể về chuyến đi kì lạ này. Nửa giờ sau họ tiếp tục lên đường, đi được vài dặm thì họ nhìn thấy vết máu và đi tiếp thì thấy có 8 người đã bị giết chết.
Thật kinh hoàng, Byron đã nghĩ, nếu như mình không dưng lại theo ý của anh bạn dẫn đường mà đi tiếp thì sẽ như thế nào? Liệu trong những xác chết trên có mình không? Và sau đó đã ghi lại tất cả câu chuyện tình cờ này.

Hình minh họa
Hình minh họa
Trường hợp 2
Một trường hợp khác được ghi nhận về một phụ nữ tên là Maria người Mỹ. Trong một lần đi mua sắm, cô bước vào cửa hiệu.
Khi cô đang đi loanh quanh góc của hàng thì chợt nghe một giọng nói gọi tên cô 2-3 lần. Không nhận ra giọng của ai nhưng cô thấy rất quen thuộc.
Nghĩ có người quen gọi cô chạy lên phía trước tìm kiếm nhưng không thấy ai. Và lúc đó, tiếng đổ ầm vang lên.
Góc nhà cô đứng đổ sập, đồ đạc vỡ tan từng mảnh dưới sức mạnh một chiếc thùng phuy bất ngờ lăn từ trên xe tải xuống và làm đổ chiếc cột nhà. Cô đã thoát hiểm nhờ tiếng gọi bí ẩn ấy.
“Tôi thấy mình may mắn bởi đã thoát chết nhờ tiếng gọi bí ẩn ấy. Tôi không thấy sợ mà thấy mình hạnh phúc. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại nghe thấy tiếng gọi chẳng phải… của ai đó”, cô Maria kể lại.
Trường hợp 3
Một số nhà chính trị nổi tiếng cũng đã nhờ linh tính mách bảo mà thoát khỏi tử thần. Thủ tướng Anh Churchchill là một ví dụ.

Thủ tướng Anh Churchchill
Thủ tướng Anh Churchchill
Năm 1944, ông vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay oanh tạc của phát xít Đức ập đến. Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe đi.
Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà vòng chạy ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, làm thành một cái hố lớn ngay chỗ Churchchill vừa đứng.
Trong tập hồi ký của mình, ông viết: “Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng”.
Thế giới còn rất nhiều câu chuyện chưa thể giải thích về những vấn đề quay "giác quan thứ 6" hay sự linh cảm của con người.
Vấn đề mà ai cũng có thể từng một lần gặp này được các nhà khoa học giải thích như thế nào?

Hình minh họa
Hình minh họa
Giải thích của các nhà khoa học
Các nhà khoa học nghiên cứu về thần giao cách cảm cho rằng, những ảo ảnh về thính giác không phải lúc nào cũng là chứng hoang tưởng.
Những giọng nói đoán định trước nguy cơ của hiểm họa sắp xảy ra có thể không phải là giọng nói của người quen, nhưng cũng có thể là của những người bà con hoặc người quen đã chết.
Còn nếu như giọng nói là của người còn sống thì điều đó thường đến vào lúc mà người nghe đang ở trạng thái không tốt về thể chất hoặc cảm xúc - có thể là do bệnh tật, sự sợ hãi hay ước muốn được gặp ai đó.
Đôi khi nó là tiềm thức và bên tai ta vang lên một cái tên như thể là lời kêu gọi sự giúp đỡ hoặc là sự cảm thông.
Ông Igor Vinokurov,cho biết thêm: “Đây là một hiện tượng bí ẩn kỳ lạ mà chúng tôi – những người nghiên cứu – vẫn chưa tìm ra được lời giải.
Có rất nhiều người có thể nghe được một giọng nói nào đó và nhờ đó cứu họ thoát chết. Và dù họ đã cố gắng tìm người đã gọi họ tại nơi đã phát ra giọng nói nhưng đây là điều không tưởng”.
Một số nhà khoa học khác lại cho rằng đây chỉ là hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Những tai nạn bất ngờ xảy ra, có những người xấu số là nạn nhân và có những người may mắn thoát chết.
Đây là điều bình thường. Nhưng bản thân họ không thể giải thích được tại sao họ may mắn thế, có lẽ họ sẽ là một trong số những nạn nhân nếu không có những hành động này, hành động kia.
Trong lúc xúc động họ đã cho rằng những yếu tố tâm linh, bí ẩn đã giúp họ. Thực ra, chỉ là trùng hợp thôi.
Hình minh họa
Hình minh họa
Linh cảm trước cái chết
Có giả thuyết cho rằng, linh cảm bắt nguồn từ một trạng thái tâm lý đặc biệt và thường nằm trong ước muốn sắp xếp các vấn đề của con người.
Trước khi cái chết diễn ra theo đúng linh cảm, nhiều người trải qua một trạng thái trầm uất có thể kéo dài.
Đi tìm lời giải thích thuyết phục nhất cho trạng thái này, các bác sĩ cho rằng, đó là do những thay đổi hormon trong cơ thể gây ra.
Đó cũng có thể là một sự "chuẩn bị" trước báo hiệu điều xấu không tránh khỏi sắp xảy đến. Tuy nhiên, tại sao cơ thể cần đến sự "chuẩn bị tâm lý" như vậy, đó là điều chưa ai có thể lí giải.
Nhiều chuyên gia ngoại cảm nổi tiếng thế giới từng cảm nhận trước được tình trạng sức khỏe của con người, trong khi các bác sĩ và y học không thể phát hiện thấy.
Họ cũng có thể nhìn thấy trước được cái chết của một người nhờ vào những tín hiệu phát xạ đặc biệt, mà chỉ những người có khả năng đặc biệt (giác quan thứ sáu) mới có thể nhận biết.
Nhà văn chuyên viết truyện kinh dị người Mỹ Steven King đã giải thích khả năng linh cảm này như là một giác quan mà cha ông ta từng có.
Đối với chúng ta, nó gần như đã biến mất, do nền văn minh đã gần như tác động trực tiếp lên hết các giác quan".
Vadim Chernobrov, nhà nghiên cứu các hiện tượng dị thường, cho biết: "Chỉ trong những trường hợp cực kỳ nguy cấp (tất nhiên là không phải ở tất cả mọi người) linh cảm này mới được khởi động lại.
Đó như là một dạng du hành theo thời gian: Con người khi cảm thấy mối đe dọa chết người trong tương lai sẽ gửi lại cho mình một tín hiệu cảnh báo về quá khứ".
Mặc cho những tranh cãi, linh tính hay những bí ẩn kỳ lạ vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi lúc và ở mọi người. Quan trọng là, ai sẽ là người có đủ sự nhạy cảm để nắm bắt được những điều mách bảo của linh tính mà thôi.
* Bài viết tham khảo nhiều nguồn

Mầu nhiệm 100 tượng đất 1000 tuổi ở chùa Nôm không hỏng dù chìm trong "đại hồng thủy"

Nước rút đi, ngôi chùa đổ vỡ loang lổ, nhưng những pho tượng đất thì vẫn nguyên vẹn. Người dân, thầy chùa múc nước dội lên các pho tượng, lớp bùn trôi đi, các pho tượng đất lại hiện ra lớp sơn sáng bóng như mới.
Tượng đất và các trận “đại hồng thủy”
Chùa Nôm (xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) có tới 100 pho tượng đất. Đây là kỷ lục mà không ngôi chùa nào ở Việt Nam có được.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên không phải là số lượng tượng đất, mà là độ bền không tưởng tượng nổi của những pho tượng đất này.
Trải qua nhiều trăm năm, cũng có thể là hàng ngàn năm, những pho tượng này vẫn còn rất nguyên vẹn, chưa phải tu sửa gì. Ngay cả lớp sơn ta phủ bên ngoài cũng vẫn là nguyên bản từ xưa.

Tôi quan sát cặn kẽ từng pho tượng trong chùa Nôm và chỉ thấy có 3 pho tượng bị ảnh hưởng một chút. Một pho vỡ một mảnh ở bắp tay, một pho cụt tay và một pho vỡ một mảnh nhỏ ở phần chân.

Điều lạ lùng hơn nữa, là 100 pho tượng đất của chùa Nôm đã phải hứng chịu nhiều trận ngập lụt khủng khiếp mà vẫn an toàn.
Pho tượng khổng lồ bằng đất vẫn nguyên vẹn và tuyệt đẹp sau các trận đại hồng thủy.
Ông Đồng Văn Thân cho biết, trận lụt năm 1945 do vỡ đê sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Đuống đã nhấn chìm toàn bộ ngôi làng này cùng cả miền Bắc, nước ngập đến nóc Linh Thông cổ tự (tên chùa Nôm ngày xưa).

Trận đại hồng thủy đó đã làm lở tường, trôi cả mái chùa. Không ai tin những pho tượng đất sẽ còn tồn tại sau cả tháng bị ngâm trong nước phù sa đỏ au.
Trải qua nhiều trận lụt, song chỉ có rất ít tượng bị hư hại.
Ông Đồng Văn Thân tin rằng được thánh thần bảo vệ, những pho tượng đất này mới toàn vẹn sau những trận lụt lịch sử.
Thế nhưng, không ai ngờ, sau khi nước rút đi, ngôi chùa đổ vỡ loang lổ, nhưng những pho tượng đất thì vẫn nguyên vẹn. Người dân, thầy chùa múc nước dội lên các pho tượng, lớp bùn trôi đi, các pho tượng đất lại hiện ra lớp sơn sáng bóng như mới.
Tiếp đó là năm 1971, trận lụt lớn nhất thế kỷ 20, rồi trận lụt năm 1986 cũng nhấn chìm toàn bộ miền Bắc, trong đó có làng Nôm. Các pho tượng đất trong chùa Nôm tiếp tục trải qua vài lần bị ngâm trong nước suốt nhiều ngày, nhưng vẫn an toàn, nguyên vẹn trước sự ngỡ ngàng của người dân làng Nôm.
Nhiều pho tượng vẫn sáng bóng như mới.
Trải qua hàng chục trận lụt trong lịch sử, các pho tượng đất chìm trong nước nhiều lần, nhưng điều kỳ lạ là các pho tượng này không tan rã thành bùn. Đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được.
Năm 1998 sư Thích Đồng Huệ về trụ trì, chùa Nôm dột nát lắm. Mỗi trận mưa lớn, nước trút lên đầu các pho tượng, sư Huệ lấy áo mưa mặc cho tượng cũng không tránh khỏi ướt. Thế nhưng, toàn bộ số tượng đất vẫn không bị ảnh hưởng bởi mưa gió.
Theo sư Huệ, lịch sử những pho tượng đất này còn bí ẩn hơn cả ngôi chùa Nôm. Quá trình tu sửa chùa Nôm còn được nhắc đến trong một số văn bia, nhưng các pho tượng đất thì tuyệt nhiên không được nhắc đến và cũng không ai biết rõ.
Cho đến lúc này, các nhà khoa học cũng không biết được những pho tượng này đã tồn tại bao nhiêu năm. Người thì bảo vài trăm năm, người thì khẳng định đã cả ngàn năm.

Các cụ già thì bảo rằng, cha ông, tổ tiên nhiều đời của họ cũng không biết tượng đất có từ khi nào, chỉ biết đời nọ nối tiếp đời kia ra sức bảo vệ những pho tượng quý này.

Một số nhà khoa học cho rằng, những pho tượng như Tam thanh, tam thế, A Di đà, Phật bà, Đức ông, Đức thánh hiền, Bát bộ kim cương, Thập điện... thì khó có thể biết được tạo tác từ khi nào, bởi những pho tượng này mang truyền thống của chùa chiền xứ Bắc. Tuy nhiên, các pho tượng Thập bát La Hán ở hai dãy hành lang chùa thì là những pho tượng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tượng thế kỉ 10-13.
Những pho tượng ở hành lang chùa Nôm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 10-13?
Như vậy, có thể những pho tượng đất ở chùa Nôm này được các nghệ nhân tạo tác từ thời Lý – Trần, đã trên dưới 1.000 năm. Nếu thực sự những pho tượng này có tuổi đời như thế, thì đây là những di sản còn nguyên vẹn và quý hiếm không thể tưởng tượng nổi. Với thời gian như thế, tượng đá cũng đã mòn, đổ vỡ, chứ nói gì tượng đất.
Ngoài 100 pho tượng đất, thì chùa Nôm còn lưu giữ một tòa tượng cực quý bằng chất liệu đồng, được phủ một lớp vàng bên ngoài. Tòa tượng có tên Cửu Long Phật đản.
Tòa tượng Cửu Long Phật đản được làm bằng đồng, mạ vàng.
Tòa tượng mô tả câu chuyện cuộc đời tu hành của đức Phật tổ Như Lai. 9 con rồng bao quanh cậu bé, là Phật tổ khi còn nhỏ. Trên lưng mỗi con rồng là hình người tượng trưng cho giai đoạn cuộc đời của đức Phật.

Cũng không ai rõ tòa tượng này có từ đời nào, chỉ biết pho tượng rất cổ. Trước đây, khi chùa đổ nát, tượng được cất giữ, bảo quản cẩn mật trong nhà dân. Đã năm lần bảy lượt trộm viếng thăm, nhưng tòa tượng vẫn an toàn. Bây giờ, chùa được xây dựng vững chãi, song các sư sãi vẫn phải thay nhau trông nom.
Chùa Nôm có từ thời Hai Bà Trưng?

Về cứ liệu lịch sử, thì chùa Nôm có tuổi đời ít nhất cũng 500 năm. Trong 2 tấm bia đá lớn đặt sau hậu cung có từ thời Hậu Lê ghi rõ: Đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680), sau khi lên ngôi, nhà vua cho xây dựng lại chùa.

Vào các năm Nhâm Thân (1692), Giáp Tuất (1694), Đinh Sửu (1697), Mậu Dần (1698), Kỷ Mão (1699) tiếp tục tu sửa lại tiền đường, hậu cung và hành lang.
Năm Chính Hòa thứ 21 (1700) chùa được sửa lại các cột trụ, mở rộng sân chùa. Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) chùa xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hàng lang.
Thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa Nôm lại được trùng tu thêm một lần nữa.

100 năm sau lần trùng tu này, qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử cũng như sự phá hủy của thiên nhiên bão tố, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 1998, đại đức Thích Đồng Huệ về trụ trì tại chùa và từ đó đến nay, ngài cùng nhân dân trùng tu, xây dựng lại khang trang ngôi chùa này.

Theo truyền thuyết, chùa Nôm có từ thời Hai Bà Trưng. Chuyện rằng, một sư thầy đang ngủ ở chùa Dâu, bỗng tỉnh giấc, rồi thấy hào quang sáng rực ở phía Nam. Ngài cứ đi theo và thấy hào quang phát ra từ rừng thông.

Nghĩ rằng, Phật đã chỉ đất lành, nên ngài dựng một ngôi chùa tại rừng thông đó và lấy tên là Linh Thông cổ tự. Đây cũng chính là tên cổ của chùa Nôm.
Chùa Nôm giờ được xây dựng khang trang, thu hút hàng vạn du khách thăm viếng mỗi năm. Tuy nhiên, ít du khách nào biết rằng, những pho tượng tuyệt đẹp trong ngôi chùa nhỏ bé, cổ kính dưới tán những cây cổ thụ kia được làm bởi chất liệu bằng đất.
Theo Quân Lê - VTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét