Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

VÌ DÂN - VÌ NƯỚC 05

-"Gốc có vững cây mới bền,
 Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"

“Dễ mười lần không dân cũng chịu
 Khó trăm lần dân liệu cũng xong”
 
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền...phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”
 
“Nước ta là Nhà nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân”.

“Từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Có gần gũi, hòa cùng nhân dân thì mới hiểu được dân, đồng cảm với dân, nắm được tâm tư tình cảm của dân... Hòa cùng Nhân dân còn để giác ngộ, lãnh đạo Nhân dân thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng có lợi cho Nhân dân”.
 
“...Máy móc, ép buộc đồng bào, nhiều việc quá trình độ, dân không hiểu, không thích. Đã thấy sai lầm mà không kịp thời sửa chữa, kịp thời báo cáo. Dùng thói quan liêu, chỉ biết ra lệnh, ép buộc dân chúng đóng góp”.
  
Hồ Chí Minh
 
------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tiên Lãng - Bài học lòng dân

Bài học tư tưởng trọng dân, khoan sức dân

(ĐTTCO) - Nửa cuối thế kỷ XIII, trong vòng 30 năm (1258-1288) nước Đại Việt đã ba lần bị quân Mông-Nguyên xua đại binh xâm lược và cả ba lần đều bị đánh bại.
Bài học tư tưởng trọng dân, khoan sức dân
 Sức mạnh của nước Đại Việt lúc ấy bắt nguồn từ chế độ phong kiến tập quyền đang ở vào thời hưng thịnh, huy động được lòng yêu nước bất khuất của người dân. Trong sự nghiệp hiển hách chống quân xâm lược, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ý chí của vị công thần này là ở quyết tâm chống xâm lược không gì lay chuyển nổi; ngay cả những lúc ở tình thế nguy cấp nhất ông vẫn giữ vững sức mạnh quân dân, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng. Trước binh lực hùng bạo của kẻ địch, Trần Quốc Tuấn vẫn không mất nhuệ khí, đã có lời nói bất hủ lưu danh hậu thế: “Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu thần đi đã”.
Trần Hưng Đạo - Danh tướng lẫy lừng
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến đội quân xâm lược hùng mạnh và hung bạo nhất thế giới vào thế kỷ XIII: Giặc Mông Nguyên. Đội quân Mông Cổ với tài phi ngựa bắn cung đã càn quét từ các thảo nguyên bao la vùng Bắc Á, các nước châu Á đến châu Âu; nô dịch các dân tộc, thôn tính các quốc gia; lập nên một đế chế rộng lớn từ Thái Bình Dương đến tận bờ Bắc Hải. Trong cuồng vọng xâm lăng của đế chế Mông Nguyên, nước Đại Việt có vị trí đặc biệt quan trọng - là cửa ngõ mở đường tràn xuống xâm lăng các nước Đông Nam Á. Phải thôn tính được nước ta mới xâm chiếm được các nước khác ở phía Nam.
Binh hùng khí mạnh, chúng đưa hàng chục vạn quân cùng kinh nghiệm chinh phạt hủy diệt của đội quân Mông Cổ kết hợp với tư tưởng bành trướng đại Hán, tưởng chừng dễ dàng đè bẹp, nuốt chửng nước An Nam nhỏ bé, bắt triều đình nhà Trần quy phục. Nhưng chúng không ngờ không những không chiến thắng, mà còn là nơi chôn vùi uy danh của đạo quân kỵ binh xâm lược bách chiến bách thắng trên các chiến trường khác.
Vào tình thế nguy nan của đất nước, hồng phúc của dân tộc là đã sản sinh được một thiên tài xuất chúng - Trần Quốc Tuấn, người vốn từ nhỏ có tư chất thông minh, học rộng hiểu nhiều, kiêm tài văn võ. Sử sách ghi chép, khi mới sinh một thầy tướng số nhìn Quốc Tuấn và đoán mệnh: “Đứa trẻ này lớn lên sau này ắt sẽ trở thành anh hùng, có thể giúp đời cứu nước”.
Thực tế, Trần Quốc Tuấn lớn lên (lấy thụy hiệu là Trần Hưng Đạo), trở thành một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một nhà chính trị và văn hóa tài ba; ông đồng thời cũng là tư lệnh tối cao chỉ huy toàn bộ quân đội thời nhà Trần với chức Quốc Công Tiết chế. Trần Hưng Đạo khắc ghi dấu ấn muôn đời trong lịch sử nước nhà với chiến công hiển hách ba lần đẩy lùi quân xâm lược Nguyên-Mông (1258-1288) dưới triều đại Hốt Tất Liệt - vị vua chinh phạt bách chiến bách thắng, khét tiếng bạo tàn. Vì vậy, công trạng của Trần Hưng Đạo không những được tôn vinh là một nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam, mà còn được công nhận 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử quân sự thế giới.
Trần Quốc Tuấn là con trai thứ ba của Trần Liễu, gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Trước khi lấy Thuận Thiên Công chúa, Trần Liễu đã có người vợ tên Trần Thị Nguyệt, một người dòng dõi tôn thất họ Trần. Năm 1237 gia đình Quốc Tuấn xảy ra sự biến.
Do chú là Trần Thái Tông lên ngôi, kết hôn đã lâu nhưng không có con nối dõi. Lúc ấy Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền, ép cha ông là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên Công chúa cho Trần Thái Tông, dù bà đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng. Phẫn uất, Trần Liễu hợp quân chống lại nhưng không thành, phải xin đầu hàng. Vua tha chết Trần Liễu nhưng quân lính theo ông đều bị chém.
Trần Liễu hậm hực sinh ốm nặng, lúc sắp mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn trăng trối: “Con không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi tạc, để lòng nhưng không cho là phải, khi phải “nồi da xáo thịt” trong triều chính.
Ba lần đánh thắng ngoại xâm
Năm 1258, quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, cứ tưởng dễ dàng nuốt chửng nước An Nam nhỏ bé. Thực tế chúng nhanh chóng chọc thủng các  tuyến phòng ngự của ta, tiến vào kinh đô. Triều đình và quân đội phải rút khỏi kinh thành để bảo toàn lực lượng.
Kẻ địch không ngờ chiến thuật của ta: Chỉ 9 ngày sau khi chiếm được Thăng Long, kỵ binh của chúng đã lâm vào tình trạng thiếu lương thực, bị chặn đánh khắp nơi, thế lực ngày càng suy yếu. Trước hiểm họa xâm lăng, “vua Trần Thái Tông xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới theo sự tiết chế của Quốc Tuấn” (theo sách Đại Việt sử ký toàn thư). Tháng 12 năm đó, quân ta ra đòn phản công mạnh mẽ tại Đông Bộ Đầu, đập tan tác quân Nguyên Mông, buộc họ phải rút chạy, chấm dứt cuộc xâm lược. Đó là thất bại lớn đầu tiên của đội kỵ binh thiện chiến Mông Cổ.
27 năm sau (1285), sau khi đánh bại nhà Tống lập nên triều Nguyên ở Trung Quốc, giặc Nguyên Mông lại phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt với quy mô lớn gấp nhiều lần. Đại quân của chúng do Thoát Hoan và Toa Đô chỉ huy từ phía Bắc đánh xuống, từ phía Nam tiến lên, hình thành hai gọng kìm giáp công xâm lược. Chúng đã đem sức mạnh 60 vạn quân, tưởng chừng trong chốc lát tiêu diệt quân chủ lực của ta, bắt triều đình nhà Trần phải quy phục. Nhưng một lần nữa chúng lại không ngờ vấp phải ý chí kháng chiến quyết liệt của toàn dân. Tinh thần “Sát Thát” từ Hội nghị Bình Than tới Hội nghị Diên Hồng đã được nhân lên trong cuộc chiến tranh giữ nước.
Cả dân tộc thề không đội trời chung với kẻ thù, toàn dân thực hiện mệnh lệnh của triều đình: “Tất cả các quận huyện nơi có giặc đến phải liều chết mà đánh; nếu không đánh được cho phép trốn vào rừng núi, không được đầu hàng giặc”. Để bảo toàn lực lượng, quân đội và triều đình nhà Trần thực hành rút lui chiến lược, quân Mông Nguyên muốn đánh cũng không được đánh, khí thế bắt đầu sa sút, hao mòn.
Quân xâm lược vào Thăng Long rồi tiến xuống Thiên Trường (vùng Nam Định) đuổi theo vua Trần. Vua Trần Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi Trần Hưng Đạo xem có nên hàng không. Ông khẳng khái trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”. Tháng 5-1285, Trần Hưng Đạo vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh  quân do Trần Hưng Đạo cùng các hoàng tử Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật chỉ huy tạo nên thắng lợi lớn ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp...
Quân dân nhà Trần tiến vào Thăng Long, Hoàng tử Thoát Hoan nhà Nguyên bỏ chạy. Trần Hưng Đạo và Trần Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ Bắc sông Hồng. Quân Nguyên đại bại rút chạy về phía Bắc. Quân đội nhà Trần do con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến (Trần Quốc Nghiễn) chỉ huy, truy kích đến tận biên giới, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn. Trong cuộc chiến này, quân Trần giết được tướng nhà Nguyên là Toa Đô và Lý Hằng.
Cuối năm 1287, nhà Nguyên xâm lược lần thứ 3, Trần Nhân Tông hỏi ông: “Năm nay đánh giặc thế nào?”. Trần Hưng Đạo đáp: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Lần này biết nhà Trần đã phòng bị ở Thanh-Nghệ, Thoát Hoan tiến thẳng vào từ phía Bắc và Đông Bắc. Sau những cuộc đụng độ bất lợi ở biên giới, quân Trần rút lui. Khác với lần trước, Trần Hưng Đạo không bỏ kinh đô mà tổ chức phòng thủ ở Thăng Long.
Tháng 2-1288, quân Nguyên đánh thành, quân Trần nấp trong thành bắn tên đạn ra. Trần Quốc Tuấn sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hòa, nhưng ban đêm thường kéo ra từng toán nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng quân Trần thường ẩn nấp khó phát hiện ra. Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả, cuối cùng phải rút lui. Trong khi đó, đoàn thuyền lương quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy bị Trần Khánh Dư chặn đánh tiêu diệt ở Vân Đồn. Thoát Hoan bỏ Thăng Long về Vạn Kiếp.
Do bị thiếu lương và bệnh dịch, Thoát Hoan buộc phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy. Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng trực tiếp tổ chức chiến trường tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư (Âm lịch) năm Mậu Tý (1288), bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan dẫn quân bộ tháo chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân Việt đón đánh khiến quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần.
Vua tôi đồng lòng, nước nhà chung sức
Lịch sử đã cho thấy dân tộc ta không hề lo sợ kẻ địch hùng mạnh, dựa vào sức mình và không hề có chi viện từ bên ngoài, đã dám đứng lên ba lần đương đầu với đạo quân xâm lược hung hãn nhất, cuối cùng đánh chúng tan tác. Bài học rút ra từ chiến thắng là tư tưởng trọng dân, dựa vào sức dân. Khi quân xâm lược kéo đến, từ miền ngược đến miền xuôi, tất cả đều nhất tề đứng lên đoàn kết chiến đấu; kháng chiến dựa vào thôn xóm, bản làng, địa hình từng nơi để kiên quyết chống trả. Trong “Hịch tướng sĩ”, Trần Hưng Đạo đã thổ lộ những điều tâm huyết, có sức lay động mạnh mẽ toàn dân: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Chí khí của người lãnh đạo đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tổng kết trong ba cuộc chống xâm lăng Mông Nguyên, cả nước lúc đó chỉ có hai hương không chống giặc khi chúng đi qua, còn ở đâu quân dân cũng nhất tề đứng lên chiến đấu, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, để cuối cùng đại bại!
Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở chỗ ông nhận thức rất rõ Nhân dân là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa-xã hội. Ông chủ trương: “Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”. Ông xem việc đoàn kết nội bộ là nhân tố cực kỳ quan trọng để tạo thành sức mạnh.
Nhìn lại ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thắng lợi, ông xác định: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức” là nhân tố đã làm cho “quân địch phải chịu bị bắt” (bỉ tựu tự cầm). Ông rất coi trọng đoàn kết quân và dân, đoàn kết trong quân đội “như cha con một nhà”. Chính nhờ nguồn sức mạnh đó dân tộc Việt Nam đã có thể đứng vững và vượt qua những thử thách ghê gớm của họa xâm lăng khốc liệt do đế quốc Mông Nguyên gây ra.
Trần Quốc Tuấn là vị thống soái có tài năng quân sự tuyệt vời. Nắm vững yêu cầu chiến lược lấy nhỏ thắng lớn, cả nước đánh giặc, ông chủ trương lấy đoản binh chống trường trận, xem đó là điều bình thường trong binh pháp nước ta; kết hợp tác chiến của quân triều đình với tác chiến và đấu tranh của lực lượng quân dân các địa phương với phương châm “Tiểu dân thanh dã, đoản binh phục hậu”. Cái tài giỏi của Trần Quốc Tuấn là biết chuyển tình thế từ hiểm nghèo sang thuận lợi, xoay chuyển thế trận, tạo nên thời cơ. Và khi thời cơ đến chuyển sang phản công, tiến công, chọn đúng hướng, đúng mục tiêu, đánh những trận quyết định, khiến kẻ thù không kịp trở tay, trong chốc lát đã bị thất bại. Tài thao lược của Trần Quốc Tuấn nổi bật là tính chủ động và linh hoạt “biết người, biết mình”, chủ động điều địch, chủ động đánh địch, xem xét quyền biến theo tình thế.
Năm 1289, trong niềm vui toàn thắng, đô thành bị đổ nát, đất nước hoang tàn, vua Nhân Tông hạ chỉ gấp rút tu sửa thành Thăng Long. Trần Quốc Tuấn can rằng: “Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp triều đình cần phải làm ngay không thể chậm trễ được là việc úy lạo Nhân dân. Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang đánh phá, từ nơi núi rừng đến nơi đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà dân chúng vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực, đi lính, đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với giặc. Nay nhà vua đã được trở về yên ổn, việc cần làm trước hết là chú ý ngay đến dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng nhẹ mà cứu tế. Nơi nào bị tàn phá quá nặng có thể miễn tô thuế mấy năm. Có như thế dân mới nức lòng càng quy hướng về triều đình hơn nữa”. Vua Trần Nhân Tông nghe phải, đã làm theo lời khuyên.
Một lòng vì nước
Trần Quốc Tuấn quả là một nhân cách lớn, có tấm lòng vì dân vì nước. Tuy ở ngôi cao chức trọng vẫn giữ tiết nhã nhặn, không tự tiện làm những việc trái với kỷ cương phép nước; ông không hám lợi giàu sang, lòng trung trong sáng, được mọi người tôn quý và tin yêu. Dù cha ông có hiềm khích với Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo luôn đặt việc nước lên trên, một lòng trung thành phò tá các vua Trần đánh giặc ngoại xâm cứu nước.
Với lời dặn của cha trước khi mất, một hôm Trần Quốc Tuấn vờ hỏi các con: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”. Hưng Vũ Vương (con lớn) thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”. Trần Quốc Tuấn cho là phải, tin tưởng người con này. Còn Hưng Nhượng Vương (con thứ) lại thưa nên thừa cơ, dấy vận chiếm lấy thiên hạ. Trần Quốc Tuấn rút gươm định chém tên nghịch tử, người con lớn khóc lóc, xin tha. Sau đó, ông dặn Hưng Vũ Vương: “Sau này ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho nó vào viếng”.
Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong ông là Thượng Quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, phong trước rồi tâu sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào.
Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua vô vàn khó khăn và nguy hiểm, chỉ với số đội quân ít và yếu hơn so quân giặc, lại ba lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng, "tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên", đã góp phần đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên Mông trong lịch sử.
Là một người có tài dụng người, dụng binh thao lược, ông tiến cử người tài giỏi giúp nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu... đã có công đánh dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Những người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng về văn chương và chính sự. Ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn người trung nghĩa nên đã giữ được những nhân tài chung quanh ông.
Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289), sau khi luận công ba lần đánh đuổi quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo được phong tước Hưng Đạo Đại Vương. Sau đó, ông lui về ở ẩn tại Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Nhân dân kính trọng ông, đã lập đền thờ sống tôn vinh ông, trong đó có bài văn bia của vua Trần Thánh Tông ví ông là một người tài cao đức trọng.
Nhân dân lập đền tôn thờ ông khắp cả nước vì ngưỡng mộ Trần Hưng Đạo một tấm lòng tận tụy suốt đời đối với đất nước; sáng ngời tinh thần yêu nước, thương dân. Cho đến trước khi mất, ông vẫn còn dặn vua Trần Anh Tông: “Phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc!”.
Khi sắp mất, Trần Hưng Đạo căn dặn các con: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc rồi san lấp đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho xương cốt mau mục”. Vì công lao với đất nước, Trần Hưng Đạo được Nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi, ngưỡng vọng cho đến ngày nay.
Với tài năng chính trị-quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với vua với nước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng với triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần trở nên thịnh trị trong lịch sử trung đại nước ta; đã để lại những bài học lịch sử có giá trị về dựng nước và giữ nước. Những thành tựu về võ công và văn trị, những giá trị vật chất và tinh thần thời Trần đã làm vẻ vang lịch sử dân tộc và là niềm tự hào lớn lao cho Tổ quốc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Trích ý kiến tại Hội thảo nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất Hưng Đạo Vương, ngày 16-9-2000)

VIỆT VĂN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về "Lấy dân làm gốc"

 “Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong điều kiện hiện nay, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được coi là một biểu hiện tập trung của tư tưởng “lấy dân làm gốc”, là một yếu tố bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, sáng tạo đúng đắn về vai trò của quần chúng cho nên Người tập hợp, đoàn kết đông đảo nhân dân, phát huy được vai trò của họ trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về vai trò quần chúng nhân dân là: "Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc". Đây chính là chân lý mà Người đúc kết được sau bao năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài và tổng kết từ thực tiễn cách mạng trong nước. Bác khẳng định:“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của Nhân dân”;“Trong cuộc kháng chiến kiến quốc lực lượng chính là ở dân”; “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; "Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân" .
Từ quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của Nhân dân trong sự cấu kết với cộng đồng dân tộc, giai cấp với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận và phương châm hành động trong hoạt động cách mạng của Người. “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước đều do nhân dân quyết định. Nhà quân sự lỗi lạc, đại văn hào Nguyễn Trãi đã từng nói:“Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Đảng ta cũng khẳng định rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân và quan điểm “lấy dân làm gốc” trở thành tư tưởng thường trực để lãnh đạo đất nước gần 90 năm qua "lực lượng của dân rất to, khả năng của dân thật phi thường". Vì thế, trong kháng chiến kiến quốc, muốn thắng lợi được kẻ thù thì phải huy động sức mạnh của toàn dân, biết phát huy tinh thần của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn Đảng ta là: "Phải gần gũi Nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được" . Nhưng để lực lượng dân trở thành một khối thống nhất cả trong tư tưởng và hành động thì chúng ta phải đoàn kết nhau lại, vì sự đoàn kết của Nhân dân là vô địch, không một kẻ thù nào có thể chia cắt được. Thực tiễn lịch sử Việt Nam ta mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ điều đó. Sự nghiệp vẻ vang của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v. cũng chính là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên dưới chế độ phong kiến, vai trò của quần chúng bị lu mờ, và chính bản thân quần chúng cũng không nhận thức được sức mạnh của mình. Các triều đại liên tiếp đổi thay, chính quần chúng là người quyết định sự biến đổi ấy, từ thực tiễn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân trí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống nổi", "Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại"
Đoàn kết là sức mạnh, đó là nguyên nhân của mọi thành công, mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Sự đoàn kết càng mở rộng thì sự thành công càng chắc chắn, cho nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác luôn coi trọng sự đoàn kết Nhân dân, xem đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Và đó cũng là lý do để Người quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết xã hội thành một khối thống nhất chống ngoại xâm.
Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân” là một tư duy hoàn toàn mới trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Đó chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta. Quan điểm này đã trở thành cơ sở lý luận cho mọi hoạt động của tổ chức và cá nhân trong xã hội nhằm phát huy vai trò sáng tạo, tích cực của quần chúng. Xuất phát từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem mình là người phục vụ quần chúng, chịu trách nhiệm trước quần chúng. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, xa dân, khinh dân, đặc biệt là thói kiêu ngạo “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai, “không tin dân” để dẫn đến chỗ “dân không tin” làm hại đến uy tín của Đảng, của Chính phủ. Trong điện gửi các cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung Bộ năm 1950, Người phê bình: “...Máy móc, ép buộc đồng bào, nhiều việc quá trình độ, dân không hiểu, không thích. Đã thấy sai lầm mà không kịp thời sửa chữa, kịp thời báo cáo. Dùng thói quan liêu, chỉ biết ra lệnh, ép buộc dân chúng đóng góp”.
Khẳng định vai trò của quần chúng Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng, Nhà nước và mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm giác ngộ, tập hợp, đoàn kết Nhân dân lại rồi dẫn đường cho họ đi vào hoạt động cách mạng, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho dân. Người khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền...phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”, theo Người ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Mục đích của Đảng là phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, để phục vụ tốt mục đích trên thì Đảng phải là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Mọi cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước đều là công bộc của Nhân dân. Người viết: “Nước ta là Nhà nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ, trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều phân công làm đầy tớ cho dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin tuyệt đối vào Nhân dân, ngay cả khi cách mạng đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Người vẫn một lòng tin tưởng vào Nhân dân. Người cho rằng “có dân sẽ có tất cả”,“có dân việc gì cũng làm được” và Người thường xuyên động viên nhắc nhở:“chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không chỉ tin tưởng vào sức mạnh phi thường của Nhân dân mà còn tin tưởng vào cả tấm lòng yêu nước, ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm và sự trung thành tuyệt đối vào Đảng của Nhân dân. Người khẳng định: “Nhân dân ta rất anh dũng, dũng cảm, hăng hái cần cù. Từ ngày có Đảng,  Nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng...Dù khó khăn mấy Nhân dân ta nhất định thắng lợi…” Vì thế, Bác rất tôn trọng người lao động, theo Bác, tôn trọng người lao động là phải gần gũi Nhân dân, hòa cùng Nhân dân, không được tự tách ra khỏi dân, không được đặt mình cao hơn dân. Người dạy cán bộ, đảng viên “Từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Có gần gũi, hòa cùng nhân dân thì mới hiểu được dân, đồng cảm với dân, nắm được tâm tư tình cảm của dân... Hòa cùng Nhân dân còn để giác ngộ, lãnh đạo Nhân dân thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng có lợi cho Nhân dân”.
Đánh giá đúng vai trò của quần chúng Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bí quyết thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và do Nhân dân xây dựng. Nghĩa là phải phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo của dân; Nhân dân phải được tham gia một cách trực tiếp vào công việc quản lý, sản xuất và đời sống của mình; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân thông qua hệ thống chính trị ở cơ sở. Người luôn nhắc nhở “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân...”. “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh” .
Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng vì Nhân dân, vì con người. Dựa vào dân, tin vào lực lượng, trí tuệ của Nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là tạo nên sức mạnh đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đó chính là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo Nhân dân thực hiện.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả sức mạnh to lớn của lực lượng đông đảo này. Thực tế cho thấy  “Chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của Nhân dân mới có thể chống tiêu cực, chống suy thoái, chống tham nhũng có hiệu quả, nhằm củng cố Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội”. Những kỳ tích của ông cha ta trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được trong những giai đoạn cách mạng trước đây đều xuất phát từ đường lối “lấy dân làm gốc”. Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc”, hay thực hiện nó một cách hời hợt, hình thức, thiếu triệt để. Điều quan trọng nhất là phải biến tư tưởng đó trở thành hiện thực, nó phải được thể hiện một cách sinh động, nhất quán trong hành động thực tiễn hàng ngày, hàng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”; phải tôn trọng Nhân dân, vừa lãnh đạo, vừa phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vừa giáo dục, vừa không ngừng học hỏi Nhân dân; phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ; phải sống chan hoà với Nhân dân, quan tâm đến đời sống của Nhân dân, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng Nhân dân, phải xây dựng cho mình tác phong, thái độ và hành động đúng với vị trí, vai trò của mình, xứng đáng là người mà Nhân dân đặt trọn niềm tin cũng như giao phó trách nhiệm. Có như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”  mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Tác giả: BTG Tỉnh ủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét