Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

BỘ MẶT CHIẾN TRANH 63

 
Một mai giã từ vũ khí (Trịnh Lâm Ngân) - Thanh Thúy

-Trong tình trạng chiến tranh đầy chết chóc và tan hoang, bản chất sống của loài người trở nên cực hạn về mọi phía:
+Yêu thương vô vàn mà cũng hận thù vô song
+Thông minh trí tuệ bao nhiêu thì cũng ngu ngốc, mù quáng bấy nhiêu.
+Tuyệt đỉnh dũng cảm thì cũng tột cùng hèn nhát.
+Vừa là thánh thần vừa là quỉ dữ.
...
-Chiến tranh mang bộ mặt gớm ghiếc, tởm lợm đến khủng khiếp, không thể tả được, dù bôi son trát phấn như thế nào, tung hô ra sao.
-Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.
-Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).
-Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người khôn ngoan, có lý trí.
-Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
-Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng rồi thì nên lấy tang lễ mà xử".
-Giống như bóng tối không thể làm tiêu tan bóng tối, thì hận thù không thể xoa dịu được hận thù, và chiến tranh không thể xóa bỏ được chiến tranh.
-Chỉ có sự thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống, sự thấu hiểu về tính bất hạnh, vô nghĩa tột cùng của cái chết và sự cảm thông, yêu thương sâu sắc đồng loại mới có thể ngăn chặn được chiến tranh!
-Một khi còn tình cảm dân tộc hẹp hòi, lòng tham vị kỷ và cái tâm hận thù của con người, thì vẫn còn chiến tranh. 
 
The Rolling Stones ~ Gimme Shelter - A Virtual Collaboration Cover....(Vietnam War Remembrance))
------------------------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Cuộc chiến tranh vĩ đại - Tập 13: Cuộc chiến trên biển | Phim tài liệu lịch sử Thế chiến II



Cách Thành Cát Tư Hãn biến quân Mông Cổ thành nỗi khiếp sợ của hàng triệu người

Thứ Bảy, ngày 23/11/2019 00:30 AM (GMT+7)

Theo War History Online, đội quân Mông Cổ thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn được xem là một trong những đội quân hùng mạnh nhất lịch sử nhân loại, chinh phục một vùng đất rộng lớn với diện tích khoảng 23 triệu km vuông ở thế kỷ 13.

Cách Thành Cát Tư Hãn biến quân Mông Cổ thành nỗi khiếp sợ của hàng triệu người - 1
Quân Mông Cổ từng là nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia từ Á sang Âu
Quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn được coi là đế chế hùng mạnh nhất bởi những chiến tích mà họ làm chưa từng xuất hiện trong lịch sử và cũng khó tái hiện một lần nữa. Loạt bài này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một số chi tiết ít được đề cập về đội quân Mông Cổ thiện chiến.
Ở thời điểm đó dường như không có vương quốc hay đế chế nào có thể đánh bại quân đội Mông Cổ. Những chiến binh của Thành Cát Tư Hãn giành hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, đè bẹp bất cứ đối thủ nào ngáng đường họ. Vậy bằng cách nào quân Mông Cổ có thể trở nên bách chiến bách thắng như vậy?
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên đội quân Mông Cổ thiện chiến, trong đó cốt lõi nhất vẫn là các cung thủ cưỡi ngựa.
Cách Thành Cát Tư Hãn biến quân Mông Cổ thành nỗi khiếp sợ của hàng triệu người - 2
Cung thủ cưỡi ngựa tạo nên sự đáng gờm của kỵ binh Mông Cổ
Quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn sở hữu một lượng lớn kỵ binh hạng nhẹ. Trong số các kỵ binh này có cả lực lượng cung thủ. Mỗi cung thủ được giao cho 4-5 con ngựa để sử dụng luân phiên trong một ngày, đảm bảo lũ ngựa không bị kiệt sức khi xung trận.
Nhờ cách này, quân đội Mông Cổ có thể bao quát khoảng cách lớn trong thời gian ngắn. Một lượng lớn quân Mông Cổ dễ dàng di chuyển được quãng đường dài hơn 100 km trong một ngày. Với lực lượng trinh sát tài hoa, con số này có thể tăng gấp 3 lần.

Sự linh động trong di chuyển chưa từng có ở thế kỷ 13 giúp quân Mông Cổ nắm lợi thế cực lớn trước kẻ thù.
Tuy nhiên, bằng cách nào họ có thể bao quát khoảng cách lớn và có được sự linh động tuyệt vời đến vậy? Câu trả lời nằm ở những con ngựa và người điều khiển chúng.
Những con ngựa được chiến binh Mông Cổ sử dụng nhỏ và nhẹ. Chúng chẳng khác gì ngựa con khi đem so sánh với ngựa của các đội quân khác ở châu Âu.
Tuy nhỏ, nhưng những con ngựa Mông Cổ nhanh và có sức chịu đựng dẻo dai. Chúng có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và ăn mọi loại cỏ có sẵn. Điều này đồng nghĩa, quân đội Mông Cổ có thể mang theo số lượng lớn ngựa mà không cần quá lo về việc chăm sóc. Lũ ngựa có thể tới và sống ở bất kỳ vùng đất nào chủ nhân chúng chinh phục.
Thú vị hơn, một sự biến đổi khí hậu ở thế kỷ 13 được cho là góp phần vào sự thành công của kỵ binh Mông Cổ.
Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) chỉ ra rằng sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn và đế chế Mông Cổ xuất hiện ngay sau một thời kỳ biến đổi khí hậu đáng kể với thảo nguyên Mông Cổ.
Thời điểm đó, đợt hạn hán kéo dài được xoa dịu bằng những cơn mưa và nhiệt độ ôn hòa, không còn nóng như trước. Điều này tạo điều kiện cho cỏ ở các thảo nguyên sinh sôi nảy nở, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho hàng nghìn con ngựa của đội quân Mông Cổ đi chinh phạt.
Dĩ nhiên, để tận dụng hết khả năng của một con ngựa, kỵ binh phải là một người cưỡi ngựa xuất sắc. Với các cung thủ cưỡi ngựa, yêu cầu lại càng cao hơn. Sau quá trình khổ luyện, có thể nói các cung thủ Mông Cổ là những kỵ sĩ giỏi nhất thế giới.
Cách Thành Cát Tư Hãn biến quân Mông Cổ thành nỗi khiếp sợ của hàng triệu người - 3
Cung thủ cưỡi ngựa Mông Cổ sở hữu kỹ năng điêu luyện
Sẽ không quá lời khi nói rằng chiến binh Mông Cổ được sinh ra trên lưng ngựa. Với lối sống du mục, người Mông Cổ học cách cưỡi ngựa và đi săn từ khi còn rất nhỏ. Giống như ngựa của mình, người Mông Cổ khỏe mạnh và có thể sống trong những điều kiện khó khăn.
Vì quá quen với cuộc sống trên lưng ngựa, chiến binh Mông Cổ không chỉ không chỉ bao quát được khoảng cách lớn mà còn có thể cơ động nhanh chóng trong trận chiến.
Thêm vào đó, khi xung trận, mọi thứ phải gọn nhẹ nên chiến binh Mông Cổ thường thích áo giáp bằng vải có lớp đệm thép, giúp họ di chuyển nhanh và cơ động hơn.
Ngoài ngựa, cung tên cũng là thứ góp phần rất lớn vào sức mạnh của đội quân của Thành Cát Tư Hãn. Cung của người Mông Cổ có thể được làm từ gỗ, xương và gân động vật. Tuy cung tên khá nhỏ, nhất là khi so sánh với cung tên dài 1,8m của Anh, song nó lại có tầm bắn và độ sát thương ghê gớm.
Với tầm bắn hiệu quả gần 400m và tầm bắn chính xác khoảng 182m, cung tên của người Mông Cổ thực sự là loại vũ khí chết chóc thời đó, đặc biệt là khi chúng rơi vào tay cung thủ được đào tạo bài bản từ thuở nhỏ.
Được trang bị ngựa tốt, vũ khí hay, đội quân Mông Cổ có thể thần tốc bao vây quân của đối phương, trút "mưa tên" xuống để triệt hạ.
Về mặt chiến thuật, quân Mông Cổ được coi là bậc thầy ở khía cạnh này. Họ chủ động nghiên cứu và lựa chọn nơi giao chiến có thể tận dụng triệt để lợi thế địa hình của nơi đó thay vì để bị dẫn dụ vào địa hình không hợp với chiến thuật tác chiến.
Trong trường hợp rơi vào địa hình không phù hợp, họ sẽ rút lui hoặc vờ rút lui để dẫn dụ quân địch tới nơi phù hợp hơn với chiến thuật tác chiến rồi tiêu diệt.
Cách Thành Cát Tư Hãn biến quân Mông Cổ thành nỗi khiếp sợ của hàng triệu người - 4
Người Mông Cổ sẵn sàng học hỏi cái hay của đối phương
Điểm then chốt trong chiến thuật vượt trội của người Mông Cổ nằm ở chỗ họ luôn sẵn sàng học hỏi cái hay của những đối thủ bị họ chinh phục. Nếu nhận thấy bất kỳ ý tưởng và chiến lược nào của đối thủ có lợi, người Mông Cổ sẽ tìm hiểu và áp dụng cho đội quân của mình.
Sự bình đẳng cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của đạo quân Mông Cổ. Mỗi chiến binh đều được quyền chia sẻ chiến lợi phẩm giành được trong các trận chiến. Thậm chí, các chỉ huy cấp cao cũng được yêu cầu phải thực hiện việc mà những người hầu cận thường làm. Bất cứ ai có tài năng, làm việc và chiến đấu hết mình đều có thể được thăng chức mà không câu nệ đến xuất thân hay gia cảnh.
Người Mông Cổ còn đảm bảo mọi chiến binh đều phải trung thành với Thành Cát Tư Hãn, nhất là những người thuộc các bộ lạc bị chinh phục. Họ tách những người đàn ông trong các bộ lạc này khỏi bạn bè và các thành viên khác. Những người này được đưa vào các đơn vị chung với các bộ lạc khác.
Một điểm khác biệt khác của người Mông Cổ là họ cho phép những tộc người thua trận dưới tay họ giữ lại nhiều phong tục bản địa. Tất cả niềm tin tôn giáo được giữ nguyên, không ai bị bắt phải chuyển sang tôn giáo mới. Bằng cách này, các rào cản về văn hóa và bộ lạc được giải quyết.
Các nhà nghiên cứu còn cho rằng cách tổ chức quân đội theo thập phân của Thành Cát Tư Hãn khiến đội quân của ông vô cùng cơ động. Vị chỉ huy của nhóm một vạn quân luôn di chuyển ở trung tâm đơn vị một ngàn quân của ông ta, và đặt chín đơn vị còn lại bao quanh ở tứ phía. Do đó, các đơn vị của Thành Cát Tư Hãn như những vòng tròn đồng tâm, biến ảo linh hoạt.
Trong quân đội, kỷ luật tạo nên sức mạnh và điều này được Thành Cát Tư Hãn áp dụng triệt để cho quân đội của ông. Dù mắc các tội nhẹ nhưng án tử lúc nào cũng chờ sẵn. Điều này khiến các binh sĩ trung thành và không dám phạm tội.
Thành công quân sự vang dội của quân Mông Cổ là một kỳ tích hiếm có trong lịch sử nhưng nếu không có các yếu tố như sự cơ động, khắc nghiệt, kỷ luật và trung thành của các kỵ sĩ, Thành Cát Tư Hãn và những người kế tục ông cũng chẳng thể có những thành tựu vang danh thiên cổ.
______________
Kỵ binh Mông Cổ là lực lượng quan trọng trong đội quân thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, đội kỵ binh sẽ không còn nguy hiểm nếu họ không có một vật giúp tận dụng triệt để khả năng của ngựa khi chiến đấu. Vậy vật bí ẩn này là gì? Bài dài kỳ tiếp theo sẽ làm rõ vấn đề này!
Nguồn: http://danviet.vn/the-gioi/cach-thanh-cat-tu-han-bien-quan-mong-co-thanh-noi-khiep-so-cua-hang-t...

Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp (Dân Việt)

Lý do 800 năm không tìm thấy mộ Thành Cát Tư Hãn

Thứ Tư, ngày 21/09/2016 16:30 PM (GMT+7)

Thành Cát Tư Hãn là một bậc thầy trong việc đánh lừa và ông đã “gạt” được rất nhiều người thông minh, theo nhà thám hiểm người Mỹ Alan Nichols.

Lý do 800 năm không tìm thấy mộ Thành Cát Tư Hãn - 1
Alan Nichols, nhà thám hiểm người Mỹ 86 tuổi, khẳng định tất cả các cuộc tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn đều sai vị trí
Các nhà khảo cổ, các thợ săn kho báu, các nhà khoa học, và các nhà thám hiểm đã tìm kiếm ngôi mộ của hoàng đế Mông Cổ thế kỷ thứ 13 Thành Cát Tư Hãn trong gần 800 năm qua. Nhiều người đã cống hiến cuộc đời mình để lùng sục, nhưng vẫn chưa có ai tìm thấy ông.
Vấn đề là, họ đều đang tìm kiếm sai địa điểm, theo Alan Nichols, một nhà thám hiểm người Mỹ 86 tuổi.
Ông Nichols, cựu chủ tịch của câu lạc bộ thám hiểm tại New York, là một chuyên gia về những ngọn núi thiêng và là người đầu tiên đạp xe trên toàn bộ Con đường Tơ lụa từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Quốc.
Hầu hết những nỗ lực trước đó nhằm tìm nơi an nghỉ của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập ra đế chế Mông Cổ, đều tập trung vào Burkhan Khaldun, một ngọn núi thiêng ở tỉnh Khentii phía đông bắc Mông Cổ. Được biết Thành Cát Tư Hãn sinh ra ở gần ngọn núi và đây là nơi ẩn náu tinh thần của ông.
Lý do 800 năm không tìm thấy mộ Thành Cát Tư Hãn - 2
Ông Nichols, cựu chủ tịch của câu lạc bộ thám hiểm tại New York, đã tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn trong 10 năm qua
"Đó là nơi mà tất cả những người hiện đại đang tìm kiếm", Nichols nói. "nhà phiêu lưu của National Geographic Albert Lin đang ở đó, nhà khảo cổ học Kravitz ở đó, những người Nhật và rất nhiều người khác đang ở đó. Họ đều đã nhầm".
Nichols tự tin là ông đã phát hiện ra địa điểm chôn cất Thành Cát Tư Hãn, nơi ông gọi là "núi X" vì lý do bảo mật. "Lúc này, tất cả những gì tôi có thể nói là nó ở đâu đó trong lịch sử đế chế Mông Cổ", nhà thám hiểm 86 tuổi nói.
Khi trả lời phỏng vấn với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Nichols đang chuẩn bị bắt đầu một chuyến thám hiểm để xác định vị trí ngôi mộ, cùng đội ngũ các chuyên gia và các thiết bị kiểm tra dưới đất mới nhất để chứng minh điều đó.
Ông đã nghiên cứu và chuẩn bị cho chuyến đi này trong 10 năm qua, và giả định của ông dựa trên các tiêu chí cần thiết của riêng ông trong việc định vị địa điểm.
Lý do 800 năm không tìm thấy mộ Thành Cát Tư Hãn - 3
Rất nhiều người nói rằng họ đã tìm thấy địa điểm chôn cất Thành Cát Tư Hãn, nhưng chưa ai chứng minh được điều đó
Một trong những lý do khiến ông tin rằng ngôi mộ không nằm trong dãy núi Khentii là vì Thành Cát Tư Hãn là một bậc thầy đánh lừa.
Theo Jack Weatherford, tác giả cuốn sách “Thành Cát Tư Hãn và việc hình thành thế giới hiện đại” (2004), một trong những chiến lược chiến tranh thành công nhất của ông là "Cuộc chiến của những con chó”. Theo đó, quân đội của ông sẽ đánh lừa kẻ thù, khiến chúng tưởng rằng họ đã rút lui. Sau đó quân đội sẽ tấn công bất ngờ khi địch đã mệt mỏi, yếu và phân tán.
Nichols nói: "Ông ấy là một thiên tài đánh lừa, bạn không nghĩ rằng ông ấy sẽ sử dụng điều đó sao? Và vì ông ấy rất tuyệt vời, ông đã “gạt” được tất cả những người thông minh".
"Ngôi mộ không thể ở Khentii vì Thành Cát Tư Hãn và gia đình của ông đã nói rất nhiều về việc đưa một chiếc quan tài lên đó", Nichols nói. "Đó là nơi đầu tiên mà tất cả mọi người sẽ nghĩ đến."
Lý do 800 năm không tìm thấy mộ Thành Cát Tư Hãn - 4
Dãy núi Khentii, nơi nhiều cuộc tìm kiếm đang được diễn ra
Nichols đã đến địa điểm tìm kiếm tiềm năng của ông được 3 lần trước đó và đã phát hiện ra những điều dị thường. Lần này ông quay trở lại với các thiết bị mới nhất để lùng sục ngôi mộ. Trong số các bằng chứng mà ông đã tìm thấy có một quan tài bằng bạc, ngựa, xương, vàng và bạc, vũ khí và các máy móc thiết bị vây hãm.
"Có thể tôi sai, có thể tôi sẽ chỉ tìm thấy xương cừu.
“Tôi không bị điên, và điều này có thể là một thất bại. Bạn luôn luôn phải đối mặt với khả năng đó. Nhưng nếu tôi không tìm thấy ngôi mộ, hy vọng ai đó sẽ tìm thấy nó trong suốt cuộc đời của tôi, hoặc họ sẽ chẳng tìm thấy nổi. Thành Cát Tư Hãn quả là một người sáng tạo”.
Lý do 800 năm không tìm thấy mộ Thành Cát Tư Hãn - 5
Nichols đã đến địa điểm tìm kiếm tiềm năng của ông được 3 lần trước đó và đã phát hiện ra những điều dị thường
Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau xung quanh việc chôn cất Thành Cát Tư Hãn, người qua đời năm 1227 ở Tây Hạ (tây bắc Trung Quốc ngày nay) trong những năm 60 tuổi. Có những câu chuyện khác nhau về việc ông qua đời như thế nào. Một số nói rằng ông đã bị giết khi ra trận, những người khác nghi ngờ ông qua đời vì bị thương.
Theo một câu chuyện được lan truyền phổ biến, nhóm lính hộ tống thi thể của Thành Cát Tư Hãn trở về Mông Cổ để chôn cất bí mật đã giết chết tất cả mọi người và động vật mà họ gặp trên đường. 800 kỵ binh sau đó đã chà đạp khu vực để làm mờ vị trí của nó. Cuối cùng họ đều bị giết nên đã không thể tiết lộ vị trí của ngôi mộ.

Theo Trà My - SCMP (Dân Việt)

Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn

Thứ Hai, ngày 10/10/2016 01:00 AM (GMT+7)

Ở thời điểm đỉnh cao, đế chế Mông Cổ rộng tới 24 triệu km2, gấp 2,5 lần diện tích Trung Quốc ngày nay và chiếm 16% diện tích đất liền thế giới.

Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 1
Tượng Thành Cát Tư Hãn do đời sau dựng lại
Thành Cát Tư Hãn được xem là nhân vật đặc biệt quan trọng trong lịch sử thế giới với tài năng quân sự và tầm nhìn lỗi lạc. Đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn lập nên được xem là quốc gia có diện tích liền mạch và lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loạt bài này sẽ kể lại những câu chuyện sống động về cuộc đời, sự nghiệp và tài năng kiệt xuất của Thành Cát Tư Hãn.
Đế quốc Mông Cổ từng tồn tại trong các thế kỷ 13,14 và là quốc gia có lãnh thổ liền mạch lớn nhất trong lịch sử loài người. Khởi đầu trên các thảo nguyên Trung Á, đế quốc Mông Cổ đã trải dài từ Đông Âu đến biển Nhật Bản, bao gồm nhiều phần rộng lớn của Siberia ở phía bắc, và vươn tới phía nam đến Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cao nguyên Iran và Trung Đông.
Ở thời điểm hùng mạnh nhất, đế quốc Mông Cổ trải dài 9.700 km, diện tích lãnh thổ lên tới 24 triệu km2,  tương đương 16% diện tích đất liền của Trái Đất và thống trị 100 triệu thần dân. Thành Cát Tư Hãn là “ông chủ” của đế quốc Mông Cổ thời kì hùng mạnh nhất thế giới. Hàng chục triệu người đã chết nơi vó ngựa của quân Thành Cát Tư Hãn đi qua.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 2
Năm 1279, diện tích Mông Cổ nối liền một dài từ Á sang Âu, dài hơn 9.000km, rộng 24 triệu km2.
Thành Cát Tư Hãn sinh ra năm 1162 với tên gốc là Thiết Mộc Chân, kết hôn năm 16 tuổi và có rất nhiều vợ trong toàn bộ cuộc đời mình.
Thiết Mộc Chân bắt đầu sự nghiệp bằng cách liên minh với Thoát Lý, một thủ lĩnh địa phương được phong tước Vương Hãn. Chính Thoát Lý là người đề nghị cho Thiết Mộc Chân mượn 20.000 quân để tạo ra đế chế đầu tiên chống lại các kẻ thù chính của quân Mông Cổ gồm Nãi Man, Miệt Nhi Khất, Đảng Hạng, Kim và Tatar.
Khét tiếng máu lạnh, Thiết Mộc Chân có quan điểm chỉ lựa chọn người trung thành và xứng đáng chứ không dựa vào quan hệ gia đình, một điểm độc đáo ở thời đại đó. Bộ luật mang tên Yassa của ông quy định cách xây dựng tổ chức và quốc gia trong phạm vi đế chế Mông Cổ.
Thiết Mộc Chân khuyến khích phục tùng tuyệt đối và đổi lại sẽ trao sự giàu có cho binh lính bằng các chiến lợi phẩm có được. Khi đánh bại bộ lạc đối phương, ông không giết hại hoặc ruồng bỏ binh sĩ của họ mà bảo hộ và hợp nhất vào đế chế của mình. Thậm chí, mẹ của Thiết Mộc Chân còn nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi từ bộ lạc đối phương. Chính điều này giúp Thiết Mộc Chân mạnh hơn sau mỗi lần chiến thắng vì lòng dân luôn ổn định.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 3
Thành Cát Tư Hãn đăng cơ ở một khu vực ven bờ sông Onon, hình trong sách Jami' al-tawarikh.
Thiết Mộc Chân đề nghị cưới con gái của Thoát Lý năm 1202 nhưng bị từ chối. Ông cũng nhận ra sự bất tuân của Thoát Lý. Sau này, Thoát Lý chạy trốn khi thấy mọi kẻ thù trước đây của Thiết Mộc Chân đều theo phe ông.
Năm 1206, ông liên kết thành công các bộ lạc Mông Cổ đang bị chia rẽ, và tại hội nghị Kurultai (Hội đồng các thủ lĩnh Mông Cổ) ông đã được phong là Thành Cát Tư Hãn (có nghĩa là vua của thế giới).
Những pháp sư hàng đầu ở Mông Cổ tôn Thành Cát Tư Hãn là đại diện của Mongke Koko Tenri (trời xanh bất diệt) – vị thần tối cao trong quan niệm của người du mục. Khi được tất cả người dân và đối thủ tôn sùng địa vị tối cao và chấp thuận sứ mệnh thống trị thế giới, Thành Cát Tư Hãn tự đưa mình lên một đẳng cấp mới.
Bất kì sự chống lại Thành Cát Tư Hãn nào cũng được cho là hành động trái ý trời. Thành Cát Tư Hãn được cho là chủ nhân câu nói nổi tiếng: “Ta là sự trừng phạt của chúa trời. Nếu các ngươi không sai phạm, trời đã không cử ta xuống đây”.
Cùng thời điểm hội nghị Kurultai, Thành Cát Tư Hãn bị cuốn vào cuộc tranh chấp với Tây Hạ khi quốc gia này bắt Mông Cổ phải phục tùng và cống nạp mỗi năm. Năm 1209 khi ký kết hòa bình với Tây Hạ, quốc gia này thực chất đã nằm dưới trướng của Thành Cát Tư Hãn.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 4
Giao chiến giữa quân Mông Cổ và quân Kim trong chiến dịch Dã Hồ Lĩnh (Trung Quốc) năm 1211.
Mục đích quan trọng hơn của Thành Cát Tư Hãn là xâm chiếm nhà Kim. Thứ nhất, đây là quốc gia khiến Mông Cổ trong quá khứ nhiều lần nuốt “trái đắng”. Thứ hai, Thành Cát Tư Hãn muốn chiếm lấy nguồn tài nguyên giàu có ở miền bắc Trung Quốc. Trận chiến lịch sử Dã Hồ Lĩnh (nay thuộc Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) là bước ngoặt giữa quân Mông Cổ và triều đình nhà Kim.
Trong trận này, quân Kim áp dụng chiến sách “tập trung quân số” để đối phó với Thành Cát Tư Hãn vì biết rằng nếu dàn quân trên nhiều cửa ải thì chắc chắn sẽ thua trận. Nhà Kim dồn 450.000 lính tinh nhuệ vào trận Dã Hồ Lĩnh với ý đồ tiêu diệt hoàn toàn quân Mông Cổ.
Nhưng ở trận đại chiến này, Thành Cát Tư Hãn tiếp nhận ý kiến của nhiều quân sư, đặc biệt là Mộc Hoa Lê, trong đó sử dụng quân cảm tử tấn công quân Kim trước. Sau đó, các cánh quân mở đường với quân số 10 vạn người tấn công vào mục tiêu chủ chốt của kẻ địch. Tướng Mông Cổ cũng rất bình tĩnh trong trận chiến giúp tinh thần binh sĩ đều ổn định. Quân Kim chưa thấy lực lượng tiếp ứng vội hoảng loạn và bỏ chạy.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 5
Tranh mô tả Trận Legnica năm 1241, diễn ra ở khu vực nay thuộc Ba Lan, giữa quân Mông Cổ và liên quân châu Âu.
Theo sử sách, xác quân Kim nằm la liệt trên một diện tích rộng hàng trăm dặm. Chỉ một trận chiến duy nhất mà binh lực hơn trăm năm tích trữ của nhà Kim bị hủy diệt hoàn toàn. Trận đánh này buộc nhà Kim phải đầu hàng trong đau đớn.
Sau hơn chục năm đánh nhau cùng nhà Tây Hạ và nhà Kim, Thành Cát Tư Hãn tỏ ý mệt mỏi. Năm 1218, ông cử sứ giả sang tỉnh phía đông đế quốc Khwarezm - một nước do những chiến binh Mamluk người Turk ở Ba Tư thành lập - xin thảo luận khả năng buôn bán với nước này. Thống đốc tỉnh này đã giết chết sứ giả quân Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn vô cùng tức giận, sai 20 vạn quân sang Khwarezm trả thù. Với chiến lược và chiến thuật vượt trội cùng quân sĩ tinh nhuệ, quân Thành Cát Tư Hãn mau chóng tiêu diệt quốc gia Khwarezm. Viên thống đốc dám xúc phạm Thành Cát Tư Hãn đã bị đổ bạc nóng chảy vào tai và mắt.
Sau khi đế quốc Khwarezm bị tiêu diệt năm 1220, Thành Cát Tư Hãn nghe theo đề nghị của mãnh tướng Tốc Bất Đài chia đạo quân Mông Cổ thành hai cánh. Thành Cát Tư Hãn dẫn quân chủ lực về Mông Cổ bằng cách đi xuyên qua Afghanistan và Ấn Độ.
Cánh quân còn lại do Tốc Bất Đài chỉ huy, hành quân qua vùng Kavkaz, tấn công vào Armenia và Azerbaijan. Quân Mông Cổ đã phá hủy Gruzia, chiếm trung tâm thương mại và quân sự của cộng hòa Genova, tiến sát nách Biển Đen.
Một sự kiện xảy ra là khi trở về cố quốc, quân của Tốc Bất Đài bị liên quân Cuman-Kipchak gốc Thổ ở phía tây Biển Đen lên tới 80.000 lính tấn công. Chỉ huy của đạo quân Nga Kiev này là Mstislav Dũng cảm và Mstislav III. Dù Tốc Bất Đài gửi sứ giả xin cầu hòa nhưng người đưa tin đã bị quân Nga hành quyết.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 6
Quân Mông Cổ bao vây Baghdad năm 1258, thường được coi là một trong những sự kiện riêng lẻ thảm khốc nhất trong lịch sử của Hồi giáo.
Tốc Bất Đài nổi xung, ra lệnh tấn công quân Nga Kiev và đánh tan đạo quân này tại sông Kalka năm 1223. Quân Mông Cổ càn quét khắp lãnh thổ Nga và chỉ dừng lại ở sông Samara (một chi lưu của sông Volga, chảy qua hai tỉnh Orenburg và Samara, liên bang Nga ngày nay) khi bị tướng Ghabdulla Chelbir chỉ huy phục kích gây tổn hại nặng nề.
Sau thất bại “liểng xiểng”, quân Nga chấp nhận lời cầu hòa. Nga dù hòa nhưng vẫn trong tư thế nhục nhã và phải chịu thần phục, cống nạp cho Thành Cát Tư Hãn. Sử sách ghi lại rằng, để ăn mừng chiến thắng, Tốc Bất Đài đã để một tấm ván lớn lên đầu 6 vương công Nga, trong đó có tướng Mstislav III. Họ bị tấm ván này đè tới chết.
Thành Cát Tư Hãn không bao giờ chịu thua trận và dù sau khi chết, ông vẫn tiếp tục trả thù những gì dang dở. 10 năm sau ngày ông mất, cánh quân Mông Cổ một lần nữa quay trở lại Nga dưới sự chỉ huy của Bạt Đô, chinh phục hoàn toàn lãnh thổ Nga Kiev và Bolga Bulgar. Mối thù năm xưa được trả lại đầy đủ.
Trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn nói ra chiến lược tác chiến giữa 3 đế quốc lớn là Mông Cổ, Kim và Nam Tống. Ông nói: "Quân tinh nhuệ của Kim ở Đồng Quan, phía nam chiếm cứ Liên Sơn, phía bắc bị hạn chế bởi sông lớn, như thế khó đánh nhanh. Tống và Kim có mối thù truyền kiếp, giả liên Tống thì đánh Kim sẽ dễ. Bởi lúc này Kim nóng vội, trưng binh hàng vạn, tiếp tế khó khăn, người ngựa mệt mỏi, ta sẽ đánh thắng".
Nói xong, Thành Cát Tư Hãn tắt thở. Ông qua đời gần Lục Bàn Sơn, Trung Quốc năm 1227, thọ 66 tuổi. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn nhiều bí ẩn, trong đó có giả thuyết về ngã ngựa, bị đầu độc hoặc người Đảng Hạng giết hại. Đảng Hạng là một tộc người nói tiếng Khương và đã thiên di đến khu vực Tây Bắc Trung Quốc trước thế kỷ 10.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 7
Tranh mô tả Hải chiến giữa quân Mông Cổ và quân Nhật Bản năm 1281
Thành công của Thành Cát Tư Hãn ngày nay được nhìn nhận chủ yếu nhờ kế sách quân sự tài tình cũng như hiểu được năng lực của đối phương. Ông có một hệ thống do thám rất mạnh và nhanh chóng có được các công nghệ mới của kẻ địch.
Quân lính Mông Cổ được rèn luyện khắc nghiệt, tuyệt đối trung thành dưới trướng Thành Cát Tư Hãn sẽ đảm nhiệm khả năng trinh sát. Họ sẽ cưỡi những con ngựa thấp bé của Mông Cổ nhưng độ gan lì và hoạt động tầm xa rất ưu việt. Khi biết được thông tin mật, những người lính này sẽ sử dụng hệ thống báo hiệu, đuốc và khói để truyền tin. Ngoài ra là cách sử dụng trống hay cờ hiệu cũng mang nhiều thông tin quan trọng.
Trong số 8 vạn quân tinh nhuệ, mỗi người lính ra trận đều mang theo đầy đủ cung tên, lá chắn, dao rựa và thòng lọng. Họ cũng mang theo túi đựng đồ ăn, dụng cụ và quần áo ấm. Những chiếc túi có khả năng chống nước này là một bình dưỡng khí quan trọng nếu quân sĩ phải vượt sông.
Quân kị binh thường có kiếm ngắn, giáo mác, áo giáp, rìu chiến và móc. Những chiếc móc có tác dụng kéo kẻ địch ngã khỏi lưng ngựa để dễ bề tiêu diệt. Lính của Thành Cát Tư Hãn sống cả đời trên thảo nguyên nên họ rất rành cưỡi ngựa, bắn cung. Ưu điểm lớn nhất của những người lính này là điều khiển ngựa chạy nước đại nhưng vẫn rảnh tay để bắn tên hạ đối thủ. Khả năng sắp xếp đội hình cũng như quân hậu cần của Thành Cát Tư Hãn giúp quân sĩ không mệt mỏi và có thể giao chiến nhiều ngày liên tiếp.
Đế chế vĩ đại xây trên "núi xác" của Thành Cát Tư Hãn - 8
Tranh vẽ cổ về những kẻ thống trị người Mông Cổ.
Theo như các số liệu của các nhà sử học Iran như Rashid-ad-Din Fadl Allah thì người Mông Cổ đã giết khoảng trên 70.000 dân ở Merv (thành phố Mary tại Turkmenistan ngày nay) và trên một triệu dân ở Nishapur (thủ phủ tỉnh Khorasan, ở phía đông bắc Iran) .
Trung Quốc cũng chịu sự suy giảm bi thảm về dân số. Trước khi người Mông Cổ xâm lược, Trung Quốc có khoảng 100 triệu dân; sau khi hoàn thành việc xâm lấn năm 1279, điều tra dân số năm 1300 cho thấy chỉ còn khoảng 60 triệu dân. Nhiều học giả cho rằng chính quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn gây ra nguyên nhân cái chết của 40 triệu người Trung Quốc dù điều này chưa được kiểm chứng.
__________________
Để đánh đâu thắng đấy, quân đội của Thành Cát Tư Hãn phải được tổ chức cực kỳ quy củ nhưng lại có phần linh hoạt, thoải mái. Ông thường nghiên cứu rất kỹ đối thủ bằng hoạt động do thám vô cùng công phu. Mời bạn đọc bài tiếp theo xuất bản sáng sớm 11.10 để hiểu thêm về tài điều binh khiển tướng của Thành Cát Tư Hãn.

Theo Quang Minh - Tổng hợp (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét