KIẾP GIANG HỒ 201

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Hội Tam Hoàng và những biến thể ma quái


TQ: Thân hội Tam hoàng, cựu tài phiệt làm "chúa một phương", hống hách tát cả quan địa phương

Thứ Năm, ngày 07/11/2019 19:45 PM (GMT+7)

Để xây dựng đế chế tỷ USD, một cựu tài phiệt Trung Quốc đã móc nối với hội Tam hoàng và lập ra một tập đoàn tội phạm chuyên đe dọa, bắt cóc và giết hại bất kỳ ai "cản bước" chúng.

TQ: Thân hội Tam hoàng, cựu tài phiệt làm "chúa một phương", hống hách tát cả quan địa phương - 1
Chen Hongzhi
Tờ Daily Mail hôm 6/11 đưa tin, Chen Hongzhi, 44 tuổi, tới từ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, tích lũy được khối tài sản đáng kinh ngạc chỉ sau hơn một thập kỷ nhờ mở rộng hoạt động khai thác than của mình. Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh lành mạnh, Hongzhi lại sử dụng các thủ đoạn như cướp bóc, hối lộ hay thậm chí giết người để đạt mục đích, một tòa án Trung Quốc cho hay.
Để thỏa mãn lòng tham, Hongzhi thành lập và cầm đầu một tập đoàn tội phạm với hơn 70 thành viên băng đảng xã hội đen thuộc hội Tam hoàng. Nhóm tội phạm này chuyên thực hiện các vụ đe dọa, bắt cóc, đánh đập hoặc giết bất cứ ai "cản bước" chúng.
Nhiều quan chức địa phương bị Hongzhi thao túng, phải nghe theo những mệnh lệnh quái gở của hắn nếu không muốn bản thân hoặc các thành viên gia đình bị hãm hại. Tên trùm 44 tuổi từng ra lệnh thay đổi dòng chảy của sông và một con đập phải được xây gần nhà hắn để mang lại phong thủy, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin.

TQ: Thân hội Tam hoàng, cựu tài phiệt làm "chúa một phương", hống hách tát cả quan địa phương - 2
Chen Hongzhi khi bị bắt năm 2018
Khi bị bắt trong một cuộc đột kích của cảnh sát năm 2018, Hongzhi được phát hiện cùng hàng đống tiền mặt. Ngoài ra, ông trùm tập đoàn tội phạm này còn sở hữu hơn 340 bất động sản trên khắp Trung Quốc.
Theo CCTV hành động gây chú ý nhiều nhất của Hongzhi là việc tên này tát vào mặt một quan chức trước sự chứng kiến của nhiều người khi người này không hoàn thành "nhiệm vụ" được giao.
Ngoài ra, tên trùm 44 tuổi còn được cho là kẻ ra lệnh đập phá mộ của gia đình một quan chức khác vì người này từ chối làm theo yêu cầu của hắn.
Đối với nhân viên hay thậm chí là các thành viên trong chính gia đình mình, Hongzhi cũng không nương tay. Hắn yêu cầu toàn bộ nhân viên, bao gồm cả chú của mình, phải túc trực 24/7, khi gọi phải có mặt. Nếu không vừa ý, Hongzhi sẽ mắng chửi không tiếc lời.
Một doanh nhân, người từng làm ăn với Hongzhi, chia sẻ trên China News Weekly rằng tên này từng đánh vợ thậm tệ tới mức người phụ nữ này phải nhập viện.
Cũng theo China News Weekly, Hongzhi sinh ra tại huyện Liễu Lâm, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc trong một gia đình nghèo khó. Bố của tên này là một thợ rèn.
Thuở nhỏ, Hongzhi lười học và đã gia nhập lực lượng bán quân sự khi đủ tuổi. Năm 1998, tên này rời lực lượng bán quân sự và bắt đầu công việc kinh doanh khi thành lập một công ty bán vật liệu xây dựng ở tuổi 24.
Một năm sau, Hongzhi "bước chân" vào ngành công nghiệp khai thác than nổi tiếng ở Sơn Tây. Đó cũng là lúc hắn dùng bạo lực để đạt được mục đích trong công việc.
Nhờ hối lộ và ép buộc, Hongzhi đã đưa bạn học cũ, người thân và bạn vào vào những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền địa phương. Từ đó, hắn ra sức chiếm các mỏ than và tùy ý khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Lingzhi, tập đoàn khai thác than của Hongzhi, phát triển vô cùng mạnh khi sở hữu 4 mỏ than, 4 nhà máy tinh chế, một trung tâm mua sắm, một khách sạn 5 sao và thậm chí là cả một trường cấp hai ở địa phương.
Trong hơn 10 năm hoạt động phi pháp, tập đoàn tội phạm của Hongzhi với các thành viên chủ yếu tới từ hội Tam hoàng đã giết một người, làm bị thương 8 người và bắt giữ trái phép hơn 30 người khác, tòa án cho biết.
Hongzhi bị bắt hồi tháng 7/2018 sau khi cảnh sát Trung Quốc nhận được tin chỉ điểm từ một quan chức địa phương, người từng bị Hongzhi khủng bố.
TQ: Thân hội Tam hoàng, cựu tài phiệt làm "chúa một phương", hống hách tát cả quan địa phương - 3
Chen Hongzhi cùng tập đoàn tội phạm tại phiên tòa xét xử hôm 6/11
Hôm 6/11, tòa án Nhân dân Changzhi, tỉnh Sơn Tây, tuyên án tử hình Hongzhi với lệnh hoãn thi hành trong 2 năm. Theo tòa án, Hongzhi phạm hơn 10 tội danh, bao gồm tổ chức và cầm đầu nhóm tội phạm, khai thác mỏ trái phép, cưỡng chế giao dịch kinh doanh, tấn công có chủ đích, bắt cóc, cướp bóc, lừa đảo, giả mạo bằng chứng...
Gao Haiping, tay chân thân tín của Hongzhi, bị tuyên án chung thân. Hơn 70 thành viên tập đoàn tội phạm bị giam giữ từ 14 tháng đến 20 năm.
Án tử hình kèm lệnh hoãn thi hành được ghi nhận trong luật Hình sự Trung Quốc. Kẻ phạm tội được hưởng 2 năm theo dõi trước khi thi hành án tử. Sau 2 năm, án tù sẽ được hạ xuống chung thân nếu kẻ phạm tội không phạm thêm hoặc bị phát hiện có thêm tội danh mới.
Tòa án không nói rõ Hongzhi có ý định kháng cáo bản án hay không.
Hỗn chiến ác liệt giữa thành viên Hội Tam Hoàng và băng đảng đối địch
4 người đàn ông bị bắt giữ cuối tuần trước sau trận hỗn chiến trên đường phố Hong Kong, khi thành viên Băng Thủy Phòng...

Theo Nguyễn Thái - Daily Mail (Dân Việt)


Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt

Thứ Tư, ngày 27/07/2016 11:04 AM (GMT+7)

Hội Tam Hoàng từng phát triển khá mạnh ở thành thị và thôn quê 6 tỉnh Nam kỳ, nơi đón nhận khá nhiều Hoa kiều từ tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến sang Việt Nam mua lúa gạo cách nay hơn một thế kỷ, và tồn tại đến năm 1975.

Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt - 1
Khu vực Chợ Lớn (Sài Gòn) trước đây là nơi nhiều băng nhóm tội phạm, trong đó có Hội Tam Hoàng hoạt động
Hội Tam Hoàng xưa kia theo chân những người Hoa phản Thanh phục Minh du nhập vào Việt Nam. Khi triều đại phong kiến Mãn Thanh sụp đổ, mục tiêu của Hội Tam Hoàng, hay Thiên Địa hội ở ở Trung Quốc thay đổi từ chính trị sang hoạt động xã hội đen. Còn ở Việt Nam, các bang hội này đã biến chất từ lâu.
Theo một số tài liệu, cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, Thiên Địa hội phát triển khá mạnh ở thành thị và thôn quê 6 tỉnh Nam kỳ, nơi đón nhận khá nhiều Hoa kiều từ tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến sang mua lúa gạo, được thực dân Pháp gián tiếp nâng đỡ và khuyến khích: người Hoa kiều đem tiền về xứ, thăm quê quán dễ dàng, các bang mang tính chất tự trị, trong phạm vi nhỏ. Một số Hoa kiều đã tổ chức Thiên Địa hội để giữ độc quyền thương mại trong địa bàn nhất định, để lợi dụng thực dân Pháp.
Nam Kỳ trong những năm 1920 và 1930 mang đặc trưng của một thế giới  tội phạm ngầm có căn cứ ở vùng đầm lầy phía đông nam Chợ Lớn. Khu vực này thường xuyên xảy ra những vụ đạo tặc cướp  tài sản và ám sát.
Nơi trú ẩn của những đối tượng này là vùng Rừng Sát mà từ đó chúng triển khai các phi vụ. Các băng nhóm và gia đình tội phạm thống trị tuyệt đối khu vực này, và kết nối với nhau thông qua quan hệ hôn nhân, lập hội và thực hiện các hoạt động chống Pháp cùng hội Tam Hoàng Trung Quốc và các hội kín khác ở Việt Nam.
Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt - 2
Một thời, nhiều doanh nghiệp và gia đình giàu có ở Sài Gòn chịu sự kiểm soát của nhiều băng nhóm khác nhau, đặc biệt là hội Tam Hoàng.
Hội Tam Hoàng hoạt động mạnh ở những thành phố có đông cộng đồng người Hoa. Khi Việt Nam là thuộc địa của Pháp, nhiều doanh nghiệp và gia đình giàu có ở Sài Gòn (đặc biệt ở khu người Hoa), chịu sự giám hộ và kiểm soát của nhiều băng nhóm khác nhau. Những người không trả tiền bảo kê sẽ bị hội Tam Hoàng trả thù bằng nhiều hình thức, từ tấn công, bắt cóc đòi tiền chuộc, phá hoại tài sản, cướp hay giết hại.
Trong những năm 1950-1960, Chợ Lớn xuất hiện nhiều ông "vua không ngai" người Hoa, như "vua hàng phế liệu chiến tranh", "vua lúa gạo", "vua sắt thép", "vua xuất nhập khẩu"..., đều có quan hệ chặt chẽ với Tam Hoàng. Trong số đó có "vua bột ngọt" Trần T. là một thủ lĩnh cao cấp của Tam Hoàng.
Những ông vua này thao túng giá cả, chèn ép dân thường một thời gian dài, khiến "tướng râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ quyết định xử bắn Tạ Vinh, một trong những "vua không ngai" ngành lúa gạo ở Chợ Lớn. Các thành viên hội Tam Hoàng khi đó ráo riết tìm mọi cách để cứu hoặc giảm án cho Tạ Vinh, nhưng không có kết quả.
Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt - 3
AP đưa tin vụ xử bắn Tạ Vinh năm 1966
Ngô Đình Diệm sau khi được đưa lên nắm quyền ở miền Nam đã ra lệnh cho quân đội xóa sổ, tước vũ khí các nhóm tội phạm có tổ chức ở vùng Sài Gòn – Gia Định – Biên Hòa – Vũng Tàu, và các thành phố như Mỹ Tho và Cần Thơ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngô Đình Diệm cũng cho truy quyét các nhà thổ, tiệm mát-xa, sòng bạc và ổ đánh bạc, ổ thuốc phiện và câu lạc bộ đêm vì đây đều là những cơ sở của các nhóm thuộc hội Tam Hoàng.
Thấy rằng thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều, giới chức tìm cách hỗ trợ doanh nhân địa phương bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa. Đạo luật 53 ở miền Nam được ban hành năm 1956 để cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… Những người Hoa cũng sẽ bị trục xuất nếu họ không chịu nhập quốc tịch Việt. Tính đến năm 1961 thì trong số 1.000.000 Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn 2.000 giữ Hoa tịch.
Ở miền Bắc, từ sau khi giành độc lập (năm 1945), hoạt động truy quét tội phạm còn quyết liệt hơn. Nhiều nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó có Tam Hoàng, bị bắt giam, những cơ sở kinh doanh và tài sản của các nhóm này cũng bị tịch thu và sung công.
Sau năm 1975, nhiều người Hoa, trong đó có các thành viên hội Tam Hoàng trở về Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong, Đài Loan rồi đến các quốc gia khác. Tam Hoàng ở Việt Nam dần tan, theo thời gian chỉ còn là một mảnh ký ức.

Theo Ngọc Minh (tổng hợp) (Dân Việt)


Hỗn chiến ác liệt giữa thành viên Hội Tam Hoàng và băng đảng đối địch


Thứ Hai, ngày 28/05/2018 10:05 AM (GMT+7)

4 người đàn ông bị bắt giữ cuối tuần trước sau trận hỗn chiến trên đường phố Hong Kong, khi thành viên Băng Thủy Phòng bị đối thủ là thành viên trong Hội Tam Hoàng truy sát.




Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), sự việc xảy ra sau bữa tiệc sinh nhật của ông trùm băng đảng Wo On Lok (Băng Thủy Phòng) ở Hong Kong.
Ken, một thuộc hạ của ông trùm Fei Wai bị 6 kẻ cầm mã tấu tấn công khi vừa rời khỏi tiệc sinh nhật ông trùm tại nhà hàng hải sản trên đường Sai Kung Tai.
30 thành viên của Băng Thủy Phòng lập tức chạy tới giải nguy cho đồng bọn. Sự việc nhanh chóng biến thành màn hỗn chiến ác liệt của các thành viên hai băng đảng đối địch trên phố.
Hỗn chiến ác liệt giữa thành viên Hội Tam Hoàng và băng đảng đối địch - 1
Những chiếc xe mà thành viên băng đảng dùng để truy đuổi nhau trên phố.
6 kẻ tấn công bỏ chạy, nhảy lên ba chiếc xe đỗ ngoài khu Lakeside Garden để chạy trốn. Các thành viên Băng Thủy Phòng đuổi theo, chặn được một xe và lấy thùng rác đập vào xe.
Chiếc xe này còn bị một xe tải và một xe khác tông ít nhất 4 lần, buộc người bên trong phải chạy bộ ra ngoài. Một người nhảy xuống biển, bơi và trèo lên thuyền buồm gần đó. Cảnh sát đã tìm thấy anh ta trên thuyền với phần đầu bị thương.

Ngoài ra, cảnh sát còn tìm thấy 5 người khác bị thương nằm trên đường. 4 người bị thương dường như là những kẻ tấn công ban đầu. Bản thân Ken bị thương nặng ở tay và chân do bị chém.
Hỗn chiến ác liệt giữa thành viên Hội Tam Hoàng và băng đảng đối địch - 2
Các nhà điều tra Hong Kong thu thập bằng chứng.
Một nguồn tin cho biết, Ken dính líu tới tranh chấp tiền bạc với một công ty tài chính do băng đảng Wo Shing Wo (Hòa Thắng Hòa) kiểm soát. "Chúng tôi cho rằng tiền bạc là ngọn nguồn vụ tấn công", nguồn tin nói thêm.
Hòa Thắng Hòa là băng nhóm khét tiếng nhất của Hội Tam Hoàng có lịch sử thành lập hơn 85 năm, lâu đời nhất trong Hội. Hòa Thắng Hòa cùng 3 băng khác hợp thành "Tứ đại hắc băng" của Hội Tam Hoàng, bao gồm Tân Nghĩa An, 14K và Hòa Hợp Đào.
Cảnh sát đang tìm kiếm những kẻ tấn công còn lại cũng như triệu tập ông trùm Fei Wai và đồng bọn để thẩm vấn.
Một nhóm người nhái thuộc lực lượng tinh nhuệ Phi Hổ của cảnh sát Hong Kong đã lặn xuống biển tìm vũ khí trong vụ đâm chém trên.
Hỗn chiến ác liệt giữa thành viên Hội Tam Hoàng và băng đảng đối địch - 3
Lực lượng đặc nhiệm Hong Kong truy tìm hung khí thành viên băng đảng tội phạm dùng để thanh toán lẫn nhau.
Băng Thủy Phòng là một trong là một trong 3 băng đảng xã hội đen lớn nhất Hong Kong. Băng này do nhóm công nhân trong công ty nước ngọt ở Sham Shui Po lập ra cách đây hơn 70 năm.
Băng đảng này tách thành hai nhóm riêng biệt vì mâu thuẫn nội bộ cách đây 2 năm.
Bóng ma hội Tam Hoàng trên đất Hong Kong
Vụ bắt giữ một ông trùm hội Tam Hoàng hôm 21.7 ở Hong Kong cho thấy tổ chức xã hội đen khét tiếng có lịch sử cả trăm...

Theo Đăng Nguyễn - SCMP (Dân Việt)


Hội Tam Hoàng: "Vòi" tội ác vươn khắp thế giới

Thứ Hai, ngày 25/07/2016 11:00 AM (GMT+7)

Việc Mỹ phải thiết kế lại tờ 100 USD xuất phát từ thực tế loại tiền này bị làm giả quá nhiều, và hội Tam Hoàng đã nhúng tay vào phân phối, lưu thông những tờ siêu đô la này.

Hội Tam Hoàng: "Vòi" tội ác vươn khắp thế giới - 1
Doanh nhân Hong Kong Wong Yuk-kwan (người ngồi) bị hội Tam Hoàng ở Đài Loan bắt cóc, tra tấn, đòi tiền chuộc năm 2015
Cảnh sát Hong Kong ngày 21.7 bắt giữ Quách Vĩnh Hồng, ông trùm của băng nhóm xã hội đen Hòa Thắng Hòa, một nhánh khét tiếng có lịch sử tồn tại hơn 85 năm của hội Tam Hoàng. Vụ việc gợi lại một thời làm mưa làm gió của tổ chức xã hội đen cực lớn này ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới.
Ghi dấu lên bản đồ tội phạm nước Mỹ
Siêu đô la là tên gọi những tờ tiền giả 100 USD rất tinh vi mà chính phủ Mỹ cho rằng chất lượng của chúng cao hơn cả tiền thật.
Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ đưa ra vào tháng 6/2009 viết rằng, vào tháng 8/2005, giới chức Mỹ thực hiện xong hai chiến dịch ngầm ở New Jersey và California nhằm điều tra các hoạt động của các thành viên hội Tam Hoàng tại Mỹ.
Hai chiến dịch mang tên Royal Charm và Smoking Dragon tịch thu 4 triệu USD toàn những tờ 100 USD mà giới chức Mỹ cho là có nguồn gốc từ Triều Tiên. Một đối tượng trong đường dây này bị bắt là Chao Tung Wu, một người Đài Loan đang bị giam giữ vì tội lưu hành tiền giả. Sự kiện này cho thấy hội Tam Hoàng đã mở rộng tầm hoạt động ra khắp thế giới, trong đó có cả đất nước bí ẩn như Triều Tiên.
Tuy nhiên, sự kiện đưa “tên tuổi” hội Tam Hoàng lên bản đồ tội phạm nước Mỹ (ít nhất là trong nhận thức chính thống) là vụ thảm sát bằng súng tại nhà hàng mang tên Golden Dragon vào năm 1977, khiến 5 người chết và 11 người bị thương.
Hội Tam Hoàng: "Vòi" tội ác vươn khắp thế giới - 2
Nhà hàng Golden Dragon ở San Francisco, nơi xảy ra vụ thảm sát năm 1977, ghi “dấu ấn” hội Tam Hoàng trên đất Mỹ
Trong số 5 người thiệt mạng có 2 du khách và không ai trong số họ là thành viên của băng đảng. Sự kiện này dẫn đến sự ra đời của Ban phòng chống tội phạm châu Á của San Francisco.
Lọt vào bình chọn của Forbes
Cuối tháng 10/2015, doanh nhân Hong Kong giàu có Wong Yuk-kwan được thả sau 38 ngày bị bắt cóc đòi tiền 9 triệu USD tiền chuộc thông qua giao dịch bằng tiền ảo bitcoin.
Các thám tử Đài Loan và Hong Kong tin rằng Tre xanh Thống nhất, một nhóm những băng đảng tội phạm lớn nhất ở Đài Loan, được thuê làm vụ này, trong lúc nạn nhân đang phải theo đuổi một vụ xử án.
Ông Yul-Kwan mất tích từ cuối tháng 9 và bị giam giữ suốt hơn 1 tháng, bị còng tay, bịt mắt và vứt trên giường trong một ngôi nhà bỏ hoang ở phía tây Đài Loan. Cảnh sát cho biết những kẻ bắt cóc nhiều lần lấy thuốc lá đang cháy gí vào mặt con tin.
Với căn cứ hoạt động chính tại Đài Loan, Tre Xanh Thống nhất, một trong 3 nhánh chính của của hội Tam Hoàng và là một trong những nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới, nhúng tay vào mọi loại hoạt động bất hợp pháp.
Không chỉ bắt cóc đòi tiền chuộc, nhóm tội phạm gồm 10.000  thành viên này còn nhúng tay vào các hoạt động vay nặng lãi, điều hành bán dâm, buôn bán vũ khí, buôn bán người và ma túy trên toàn thế giới. Năm 2008, tạp chí Mỹ Forbes xếp Tre Xanh Thống nhất vào nhóm những băng đảng nguy hiểm nhất thế giới.
Tre Xanh Thống nhất ra đời từ những năm 1950, do những người Trung Quốc đại lục chạy trốn sang đảo Đài  Loan theo chính quyền Quốc dân đảng mà Tưởng Giới Thạch lập nên. Tre Xanh Thống nhất có quan hệ thân thiết với nhiều quan chức trong chính quyền, nhóm 14K và các băng đảng yakuza của Nhật Bản, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.
Trong những năm gần đây, các chi nhánh và thành viên hội Tam Hoàng vươn tầm hoạt động sang cả Mỹ Latin. Chính quyền Panama vào tháng 2/2015 đã phát hiện một kế hoạch của hội Tam Hoàng nhằm thiết lập một máy chủ ở nước này để hỗ trợ một trang web lừa đảo.
Tháng 8/2012, khoảng 180 thành viên của hội bị bắt ở Philippines và trục xuất về Đài Loan sau khi bị chính quyền Philippines phát hiện âm mưu lập căn cứ cho chiến dịch lừa đảo ở nước này. Cơ quan an ninh Đài Loan còn tin rằng hoạt động buôn ma túy của Tre Xanh Thống nhất vươn đến cả Triều Tiên, BBC đưa tin.
Không chỉ hoạt động trong thế giới ngầm, hội Tam Hoàng ở Đài Loan còn hoạt động chính trị. Cựu thủ lĩnh Chang An-lo của hội này, biệt danh “Sói Trắng”, là người ủng hộ Đài Loan và Trung Quốc đại lục hợp nhất chính trị.
Chang An-lo lập ra nhóm chính trị mang tên Đảng Thúc đẩy Thống nhất Trung Quốc, để thực hiện các chương trình phản biểu tình của các nhà hoạt động sinh viên hồi tháng 3 và tháng 4 năm 2014 nhằm phản đối hiệp định thương mại Bắc Kinh – Đài Bắc gây tranh cãi.
Địa bàn của hội Tam Hoàng không chỉ giới hạn ở Hong Kong, Macau, Đài Loan, Trung Quốc đại lục, mà còn vươn đến nhiều nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Anh, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Úc, New Zealand, và cả Việt Nam trước năm 1975.
______________
Đón đọc bài tiếp theo: Hội Tam Hoàng ngày nay: Hàng chục nghìn người "vô hình"

Theo Ngọc Minh (tổng hợp) (Dân Việt)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

NGẬM SẦU (ĐL)